Hôm nay,  

Bon Chen

31/07/201000:00:00(Xem: 217239)

Bon Chen

Người viết: Đoàn Thị
Bài số 2956-28256-vb7073110

Bút hiệu Đoàn Thị, theo tác giả được ghép họ của người chồng và tên lót quen thuộc trong cách đặt tên phụ nữ Việt. Chỉ mới tham gia Viết Về Nước Mỹ cuối năm trước, nhưng tác giả cho thấy có sức viết mạnh mẽ. Riêng trong tháng Bẩy,  có hai bài viết của bà được hâm mộ đặc biệt:  chuyện một bà tìm được chàng Mỹ trong... "chợ phiên" trên internet. Tiếp theo là “Tái Giá”, chuyện tình già làm cả làng vui vẻ. Sau đây là bài viết thứ ba, nói ra nhiều bí kíp. Cám ơn tác giả đã dành cho 10 năm Viết Về Nước Mỹ  những lời chúc tốt đẹp và mong bà tiếp tục... bon chen.

*** 

 Sàigòn vừa "sang trang" tròn một năm, mới lắm, nóng hổi những bài hát kiểu "Kết đoàn" như nhạc hiệu của mỗi buổi họp tổ...ong, vì trong lúc họp thể nào chả có góp ý, phê bình, đàn ong vỡ tổ chích thiên hạ sưng tấy lên.
Vài bạn ngày xưa không còn thân ái nữa, họ đã vào đoàn, đảng, đứng chênh vênh "lệch hướng" với đám bạn học cũ, lũ chúng tôi "sinh lầm thế kỷ" trở thành "tàn dư chế độ cũ", ủy mị, con tim mềm nhũn nát bấy sau những buổi họp "phê và tự phê bình". Khủng khiếp lắm, mỗi ngày thức giấc, chợt thấy mình bị "đứng cùng chiến tuyến" với các đồng chí đỏ lét, cái ranh giới mà cha anh chúng ta đổ xương máu để giữ lấy màu xanh thanh bình, bây giờ đã bị xóa sạch.
Đồng chí, nghe rờn rợn, cách xưng hô nặc mùi cán cộng, kèm theo những từ ngữ "sát khí" , "phấn đấu, khắc phục, quyết tâm" những động từ được chia với "trợ động từ phải" , để "khủng bố tinh thần" mấy đứa chưa tỉnh ngộ, chưa nhận ra cách mệnh là ngày hội "đánh hội đồng" bọn ngụy.
Lớp ngoại ngữ của chúng tôi tròm trèm năm mươi đứa trong đó có khoảng mươi đứa con trai, ĐH Văn khoa, mấy anh vào đây đúng là "gươm lạc giữa rừng hoa" .  
Trong đám "gươm đao" đó có mấy đứa bị băng "cờ đỏ" (giống như dân security trong mấy cái mall bên này) để mắt tới, bộ tam Cung, Tiến, Dũng, ba ông kẹ chuyên đu theo mấy chuyến xe bus đến trường sau tiếng chuông vào lớp, thế là cờ đỏ có việc làm. Ba ông thần này đâu phải dân nghèo rách mồng tơi, con nhà giàu thứ thiệt, trở thành "lãng tử"  bất tử vì chán ngáy cái ngày hội của cách mệnh cứ kéo dài lê thê bất tận, anh chán đời kệ anh, nhưng phải biết tôn trọng nội quy nhà trường.
Đội cờ đỏ ban đầu, hồi hởi, phấn khởi, bắt được đám "bò lạc" làm thịt cho thỏa cái chức năng "canh me, soi mói" , làm hoài đâm nhàm. Ba ông kẹ này cứ tội cũ mà tái phạm, báo cáo đồng chí sáng nay xe bus nổi chứng ăn vạ giữa đường, báo cáo đồng chí tôi hụt chuyến bus vừa lăn bánh...
Xếp cờ đỏ mất kiên nhẫn quát, các đồng chí cố tình không hiểu nội quy hay giả vờ không biết... đang oang oang phát biểu bỗng đồng chí cờ đỏ "tắt đài" vì cạn nguồn tư tưởng, cái nghiệp cờ đỏ mới phát sinh tại "hiện trường" nên «lời thoại" (script) chưa phong phú, súc tích như những buổi họp đấu tố.
Đám con gái cũng có đứa bị cờ đỏ để mắt xanh vì cái tội mặc áo dài mousseline mỏng tè khêu gợi, hát nhạc ủy mị lung lạc con tim chưa phai màu lãng mạn của đám thanh niên đang bị màu đỏ khát máu trấn áp.
Suốt ba năm ở đại học XHCH, bọn "tàn dư" chúng tôi mới thấu rõ, bạn ta là ai, may quá, bạn ta rất nhiều, đa số thầm lặng nhưng tràn đầy mộng mơ sức sống, dù đôi khi "mơ không thấy nổi" sẽ ra sao ngày sau.
Trong ba chàng ngự lâm đu xe bus có một tên vượt biên trầy trật cả chục lần, lên đảo lại ăn vạ với Cao Ủy LHQ, nhất định đòi vào xứ Mỹ dù chả có bà con họ hàng nào trên đất hứa.
Họ hàng nhà hắn ở bên tây, nhưng hắn sợ "Paris có gì lạ" e sẽ khó sống, nhất là tây thuộc địa, khó ưa làm sao.
Thằng nhỏ khai tứ cố vô thân, vào phỏng vấn xứ nào cũng OK, chỉ có hắn lắc đầu, có lẻ quen bị "cờ đỏ" ở trường Văn Khoa quay đến chóng mặt nên bây giờ hắn lì đòn hơn người khác, ai cũng sợ bị bỏ sót trên đảo, hắn tỉnh queo.
Nhân viên LHQ thấy thằng nhỏ "kiên trì, hạ quyết tâm" ở lì trên đảo cả năm, đâm hoảng họ cho hắn vô xứ mẽo cho rồi, coi như bứng bỏ cái cục lì cho khỏi bực, xứ Mỹ bao la thêm một đứa cũng chẳng chật đất.
Lão nào nhận hắn vào xứ này thật sáng suốt, vì hắn thực tế và chịu cày chứ không mơ mộng hảo huyền, cái nghiệp văn chương bên Sàigòn, hắn vứt cha nó ở bến đò vượt biên năm xưa rồi.
Nằm trên đảo hắn đã nghiên cứu cẩn thận, phải đổi nghề mới thực hiện American dream được, thế là hắn học ngành accounting, hổng có học sơ sơ đâu nhe, học tới bến CPA luôn, mở văn phòng làm ăn lớn tận trên xóm Hollywood, chỗ Santa gì đó (xin được giấu tên địa danh) toàn dân nhà giàu chính hiệu con nai vàng.
Tuy làm việc với mấy con số "đẻ ra tiền", vậy mà một ngày đẹp trời hắn bỗng trở chứng, mộng mơ nhớ cái mớ "văn chương rẻ như bèo" thuở nào, bèn làm thơ, thỉnh thoảng gửi cho các bạn đọc chơi. Thơ của đứa trong nghề kế toán không phảng phất dollar mà ướt át khiến đám bạn đọc rồi bần thần cả ngày, không ngờ ông kẹ lãng mạn hơn "con gái". Hỏi ra mới biết thơ tình hắn viết về những năm còn trẻ, thuở yêu em say đắm, bi chừ đang trong lồng son với vợ con, mấy vần thơ của "khu vườn bí mật" cũng chỉ là kỷ niệm mà thôi.
Nhóm chúng tôi gom sải tay có vài mống bên Cali, thỉnh thoảng gặp nhau cho đỡ nhớ những ngày xưa thân ái, meo tới meo lui, cả đám hẹn nhau xuống phố Bolsa tái ngộ sẵn chớp vài "bô" hình gởi cho mấy đứa ở xa xem.
Sau đó tôi ngẫu hứng, viết vài bài "tường thuật" những lần hội ngộ, và nhắc lại chuyện xa xưa của chúng tôi, gửi các bạn đọc chơi, chúng nó ủng hộ hai tay và khuyến khích tôi tiếp tục viết lách.
Có một bài tôi viết được lên báo, ông xã trêu, chuyến này mẹ nó lên đời nhe, ông bạn kế toán cũng góp lời khích lệ, rồi gửi cho tôi website của một người bạn của hắn.
Tôi vào "trang nhà" của anh chàng tài hoa, đọc đến đâu hoa mắt đến đó, đờn ông con trai viết văn hay hơn con gái, dù tác giả chả học trường văn như tôi.
Đọc lại mấy bài mình đã viết, giời ạ, câu cú lượm thượm, thì là mà tùm lum, hoá ra bao nhiêu năm nay, bạn bè thương tình, khen để "tôi đây" tự tin tiếp tục làm liều, chứ chữ nghĩa của mình như bèo dạt mây trôi.
Từ cái "vườn hoa chữ nghĩa" của bạn ông bạn kế toán, tôi "mò lên" Việt Báo, vô mục Viết Về Nước Mỹ, đọc đến đâu tôi nổi mụt nhọt đến đó, tay nghề của mình đúng là ấm ớ làm sao.
Tôi thích cái "sân chơi" của Việt Báo, như một vườn ươm, trăm hoa đua nở, sắc màu ba miền có đủ, đọc đến đâu mê mệt đến đó, có tác giả tuổi trẻ tài cao, viết đâu ra đó, đọc xong hiểu ngay tác giả muốn gửi gấm cái gì.
Tôi hết dám đọc lại những bài viết cũ của mình, muốn tiếp tục viết lách phải sắp xếp lại suy nghĩ, ý tưởng, chữ nghĩa, câu cú mạch lạc ... may ra người đọc sẽ đồng cảm với mình.


Con nhỏ đầu têu trong nhóm chuyên hò hét kêu gọi các bạn "tái xuất gian hồ" họp mặt ăn chơi, viết meo cho tôi, mi viết được lắm, chắc mi có "ơn" viết lách, bây giờ tôi mới nghiệm ra, con nhỏ tâm lý thiệt, cảm ơn bạn hiền đã luôn ủng hộ mình.
Leo lên leo xuống cái mục VVNM đến rạt giò mà chưa dám nhảy vô "thử lửa". Một hôm làm liều, tôi đánh meo hỏi thăm cách thức gửi bài. Có hai cái meo trả lời, làm tôi phân vân, không dám bỏ ai, ôm hết vào người sẽ mang tiếng tham, mà tôi chúa ghét đứa "tham của người" .
Meo của Ma Bồ trả lời trước, bảo cứ gửi đến tòa soạn cho Quyên Trần, từ lâu tôi đã "ái mộ" những bài viết của bác Ma, nhất là mục gia chánh, dạo một vòng "bếp" của bác coi như vừa về Sàigòn đi ăn hàng, kèm mấy tấm hình phở, bún bò ...dù diet, tôi cũng lôi thịt trong tủ đá ra nấu, thử lại tay nghề của mình.
Được bác chiếu cố, tôi mừng quá hồi âm làm quen, gửi bài nhờ bác "đọc thử", xui là bài viết đính kèm người nhận không mở được. Sau đó máy bị hỏng, chưa kịp gửi lại cho bác Ma đọc thì bài đã được lên mạng, nên tôi không gửi cho bác nữa, nhân đây cũng xin cáo lỗi với bác về “sự cố” kể trên.
Liền sau đó, meo của Việt Bút trả lời, có thể gửi đến VB và cũng nên gởi trực tiếp cho người chịu trách nhiệm về giải thưởng.
Tự nhiên có hai cái meo hồi âm "hộ mệnh", bên ni bên nớ, bên nào cũng làm tôi xao xuyến, cuối cùng tôi gửi đại cho VB và bác Từ, bài đính kèm cũng không mở được, phải gửi lại dưới dạng word. Gửi rồi tôi thấy rét, suy đi nghĩ lại thấy mình "chơi ngông" , nhè nhà văn lớn mà gửi mấy bài viết tơ lơ mơ, thiệt là, điếc không sợ súng.
May quá bác Từ thật là nhân từ, bác trả lời ngay và "phê" bài viết "đọc được" , hú viá, vậy là chữ nghĩa của mình không đến nỗi loạn lạc, người ta đọc vẫn hiểu được, sau hai bài đầu lên mạng VVNM, tôi liều mạng gửi thêm một cú "đắp bồ" (double) hai bài tiếp.
Sau đó tôi chừa, không dám gửi liền tù tì như lần trước, làm quá người thất kinh, văn chương phải có thời gian để đọc giả làm quen và hấp thụ, đâu phải mì ăn liền mà "cán họng" người ta, vả lại mình là "ma mới" (đâu phải Ma Bồ), chắc gì được đọc giả tiếp nhận như những cây viết kỳ cựu.
Từ lúc "làm quen" với trang VVNM, coi như cây nhà lá vườn, tôi "vạch lá tìm hoa" , đi tìm nguồn gốc của giải thưởng, đọc bài của vài cây viết mà tôi hâm mộ, đọc "nhảy cóc" từ năm này sang năm nọ.
Ông xã cười mỉm : mẹ nó có "bồ mới", đi làm về là "vô đó".
Thằng nhóc nhà tôi không rành tiếng việt, cải chính: mẹ ở trong phòng mà
Chết thật, thằng nhỏ tưởng "vô đó" là vô cái phòng nhỏ nhất trong nhà, mà ai trong gia đình tôi khi vào cũng mang theo quyển sách để đọc "giải sầu" trong khi chờ đợi thực phẫm luân hồi trong ruột gìa ruột non, tìm exit thoát thân.
Khi tìm đọc về các giải thưởng, ở trang "thông báo VVNM" thấy thiếu những năm 2003, 2004..., tôi nhảy qua trang Việt Bút tìm thử, hay quá có hình các vị đã trúng giải và hình của "bầu đoàn thê tử" của nhân vật chính, thiệt là "đã con mắt ếch" (ếch ngồi đáy giếng).
Ồ tác giả mình thích kìa, cô, bà, ông, tuy trí tưởng tượng của mình có "lệch với thực tế" nhưng trăm nghe không bằng một thấy, thấy rồi lại muốn "thấy tận mắt", nghèo mà ham.
Có lần lang thang quá đà, máy khựng lại án binh bất động, hoảng vía, tôi bấm exit, máy cứ ăn vạ "đứng đó" lạnh lùng, không dám nhờ ông xã "cú bồ" , sợ bị phát hiện bỏ chồng con đi "vô đó", tôi bèn cúp công tắc điện.
Bữa sau len lén mở máy, cái màn hình nhảy loạn xạ, thôi rồi máy lâm bệnh trầm kha rồi, phải cầu cứu thằng con cả trong nghề IT, bên kia điện thoại nó hỏi: mẹ làm răng mà ra nông nổi.
Tôi thành thật khai báo: mẹ vô trang VVNM đi thanh lý khắp xóm làng, chắc đi nhiều quá máy rạt giò nên ăn vạ.
Hôm sau nó ghé qua nhà "chữa máy" , thế là chuyện tôi "bắt bồ" với mục VVNM có thêm một đứa biết, nó cười thông cảm: vậy con có gien của mẹ và ông ngoại, con cũng viết bài gửi báo trên mạng, nhưng là chuyện thời sự.
Sửa máy xong nó mở trang báo nó gửi bài, viết về thời sự nên có đến 56 comments, khen chê có đủ, có những lời chê bai thậm tệ.
Tôi hỏi nó có bị tổn thương không, nó tỉnh queo: khi viết một vấn đề nóng hổi thì phải lường trước chứ.
Trang VVNM của mình hiền hòa, thân thiện quá, dù đôi khi ta có lôi quá khứ đau buồn ra ca cẩm, cũng nhờ cái quá khứ khắc nghiệt đó mà thế hệ sau này biết phận mình, con "nhà lưu vong" , học cho ra học để bù đắp công ơn sinh thành, làm rạng danh dân ta và hữu ích cho xã hội.
Trước khi ra về thằng con phán một câu xanh rờn: lúc này mẹ "bon chen" viết văn ...hoa lá cành dữ quá.
Không dám đâu, mình lính mới tò te làm sao dám "giỡn mặt" cấp trên, chẳng qua, thì là mà... mình nghiện chữ nghĩa, góp gió cho vui với đời.
Nghĩ lại thấy thương những cây viết mới trong đó có tôi, gửi bài rồi run, rét, rón rén mở trang mạng, liều mạng dán mắt vào PC, cảm động quá, Việt Báo không chê ai cả.
Đã mười năm rồi, bác Nhã Ca, bác Từ lập vườn "ươm", và ấp ủ nụ tầm xuân, để những "ngòi viết lá tre" tha hồ bon chen khoe sắc, hoa đồng cỏ nội, ta về ta tắm "ao Cali", có đồng hương... đông, vui, hao....
Cái từ "hao" này tôi nhặt lại của tên đã từng đu xe bus, cảm ơn bạn đã đưa đường dẫn lối một cách gián tiếp để tôi tìm đến mục VVNM, để  rồi "bắt quàng làm thân" và "cắm sào" trên sân Việt Báo.
Cảm ơn nhỏ bạn đầu têu hay rủ rê bạn bè du sơn du thủy, nhờ bạn luôn góp ý ủng hộ nên chữ nghĩa của mình càng ngày càng mạch lạc hơn.
Cảm ơn bác Từ ngay lần đầu tiên "gặp gở" , tinh tú có quay cuống đến đâu, bác vẫn tỉnh táo cho tôi cơ hội "thử vận", may quá vận của tôi không đến nỗi tệ.
Bon chen thường được hiểu theo nghĩa xấu, tranh giành, ở đây tôi dùng với ý thi thố ..., trong vườn hoa Việt Báo, có hoa hướng dương vươn cao hơn hoa cúc, hoa "mắc cỡ" ... mỗi loài mang sắc thái thi vị riêng của nó.
Chữa nghĩa viết ra để có người đọc giải sầu, đọc và học "một sàng khôn", chứ viết rồi giấu dưới gối, ai biết mà đọc để khen chê, cứ như hoa hậu trước khi được đăng quang, phải mặc bikini để thiên hạ "khám điền thổ" chắc mẫm mình không trao duyên lầm "iêu nữ" .
Giải VVNM cũng thế, mấy bài đoạt giải cũng được ban giám khảo, đọc ngang đọc dọc, đưa qua trao lại những vị có "kinh nghiệm chiến trường chữ nghĩa" đánh giá, một bài đoạt giải dù từ những năm xưa, đọc lại vẫn thấy hay theo từng ngữ cảnh.
Dài dòng như vậy để quý vị thông cảm, mai này tôi có làm liều "bon chen" viết tiếp, mong quý vị hiểu cho không phải tôi tranh giành cái gì, mà tại, bị ... tôi có tật thích viết...chữ.
Nhân đây xin chúc lần trao giải thứ 10 của Việt Báo thành công mỹ mãn, yêu cầu những cây bút của VVNM tường trình buổi lễ thật đầy đủ, dưới 36 góc độ, nhớ "dán hình" để bà con ở xa được hưởng sái.
Đoàn Thị

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến