10 Năm Viết Về Nước Mỹ, mời đọc lại:Bên Bờ Freeway
Tác giả: Tân Ngố
Bài nhận giải bán kết 2001
Tác giả tên thật Nguyễn Viết Tân. Với bài viết “Bên Bờ Freeway”, phổ biến lần đầu ngày 1/5/200, ông đã nhận giải bán kết 2001. Suốt 9 năm qua, ông liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị và trở thành một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ rất được quí trọng. Hiện trang Viết Về Nước Mỹ trên Vietbao Online có lưu 12 bài ký bút hiệu Tân Ngố và 14 bài ký bút hiệu Nguyễn Viết Tân. Sách đã xuất bản: "Chuyện Miền Thôn Dã". Nhân kỷ niệm 10 năm Viết Về Nước Mỹ, mời đọc lại bài viết đầu tiên của ông.
***
Bà con cô bác ở Việt Nam hay hỏi thăm rằng: "Thế các anh từ hồi sang Mỹ làm nghề ngỗng gì"" Tôi thường ngần ngừ đáp: "Chẳng biết những ngườI ở nơi khác làm nghề gì, còn vùng tôi đang sống họ làm nghề may hàng công nghiệp là nhiều nhất. Ở San Jose, gọi là thung lũng điện tử, thì có lẽ anh em làm nghề điện nhiều nhất. Riêng tôi làm bàn ghế trong một cơ xưởng."
Mười năm vun vút trôi qua, đường đời lại dun dẩy tôi qua một nghề hoàn toàn khác. Đó là Landscaping.
Số là năm đó, gần tới Noel, ông Bao Phân, một người bạn cùng quê, từ San Jose gọi phôn cho tôi. Ông ấy bảo: "Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với vợ biết ngày nào khôn." Và còn thêm: "Anh đừng có lo, anh lên đây training, nhưng vẫn được trả lương như thường. Ngoài ra, tôi sẽ tới Goodwill (chuyên bán đồ cũ ) mua complê cà vạt cho anh mặc."
Thế là tôi khăn gói tã lót lên máy bay vù lên thung lũng Hoa Vàng. Xuống phi trường, tôi ngơ ngác nhìn ngược nhìn xuôi, chẳng thấy ai ra đón, mặc dù bạn bè ở đây đông lắm. Tôi mếu máo một hồi, thì nghe có tiếng ú ớ mãi bên kia đường. Nhác nhìn qua, tôi thấy một ngườI lam lũ, bẩn thỉu, đang nhìn tôi và nhẩy cẩng mãi lên, tay ngoắc lia lịa. Anh ta đội một cái nón an toàn lao động bạc màu, mặc cái áo jacket không quân, lộn màu vàng cam ra ngoài, mà nếu tôi không là cựu Không Quân, có lẽ không sao nhận ra được cái màu hoàng anh anh dũng đó. Anh ta không có râu, nhưng có bộ ria mép khá rậm rạp, có điều hình như nó bị phèn, nên nửa màu hung hung, nửa màu cứt sắt. Vận hết trí nhớ, tôi mớI nhận ra rằng đấy là ông Bao Phân.
Có lẽ nhiều ngườI lấy làm lạ. Thực ra tên ông là Phan Quí Bảo, nhưng khi qua tới xứ này, nhập gia tuỳ tục, tôm cờ lộn cứt lên đầu. Tên mình đứng trước, tên họ đứng sau, chữ lót hầu như bị bỏ quên. Thế nên Mỹ họ gọi ông ta là Mít tờ Bao Phân.
Ông Bao Phân năm ấy mớI chừng ba tám, nhưng mới nhìn tưởng đâu tám ba. Hồi còn trẻ, không biết ông đi đứng thế nào, nhưng bây giờ thê tróc tử phọc, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gầy, ông đi ật à ật ưỡng. Mãi về sau này, tôi mớI khám phá ra rằng, ông thường huênh hoang với vợ con là ông có ẩn tướng, dáng đi quí phái, ngay cả khi ông đi hai hàng...
Dẫn tôi lên xe buýt, đi mấy vòng mới tới chỗ đậu xe. Vào xe rồi, ông lấy điện thoại gọi lung tung. rồi nói: "Tôi sẽ chở ông lên khu phố Việt Nam, để biết nơi chốn ngàn năm văn vật."
Tới nơi, nhìn thấy khu phố, tôi nghĩ thầm: Nếu đem khu này mà so sánh với khu Bolsa, thật không khác gì đem Đồng Xoài mà so với Sài Gòn.
Tuy cũng khá to lớn, nhưng nó có vẻ Tàu Tàu thế nào ấy, không có không khí Việt Nam. NgườI ta ra vào tất bật, chứ không có cảnh trai quê gái thập thành dìu nhau tản bộ như ở Bolsa Little Sai gon.
Hàng quán cũng nhiều, nhưng ông Bao Phân chê dở, mua hai ổ bánh mì thịt, rồi dẫn tôi ra đứng dựa vào xe, vừa cắn bánh mì vừa coi ông đi qua bà đi lại.
Đang mải mê thuyết trình về công việc phải làm ngày mai, ông Bao ngưng nói, chăm chú nhìn một bà già tay dẫn hai đứa cháu đi ngang qua. Hai đứa bé xinh quá. Bỗng đi qua rồi, bà già lại dẫn hai đứa cháu quay trở lại. Đứng trước mặt chúng tôi, bà bảo: "Hai cháu phải vâng lời bà và cha mẹ, chịu khó học hành, chứ không thôi lớn lên giống ông này này." Vừa nói bà vừa chỉ vào ông Bao Phân.
Lúc đó tôi không dám liếc nhìn ông, nhưng cũng đoán ra mặt ông từ màu tím hoa sim, đã biến sang màu tím hoa cà...dái dê.
Một lúc, sau khi đã nuốt trôi miếng bánh mì còn đang nghẹn nơi cổ họng, ông mới nói:
"Đời này sao có quá nhiều người đánh giá trị con người ta qua vóc dáng bề ngoài thế nhỉ""
Tôi an ủi:
"Tại vì ông ăn mặc xú sớ và người ta thường nói con lợn có béo cỗ lòng mới ngon."
Tức thì ông vặc lại ngay:
"Thế ông không biết câu 'Chó ghẻ mà có mỡ đuôi' hay sao""
Vùng vằng, ông mở máy xe đưa tôi về nhà. Vợ con ông tiếp tôi thân tình. Hai cháu gái dẫn tôi lên phòng và căn dặn: "Phòng tắm của bác khi mở công tắc điện rồi, phải đấm hai cái nữa nó mới sáng, còn vòi nước rửa mặt thì không chảy, phải lấy nước từ vòi tắm!"
Xuống lầu, tôi muốn ra đàng sau vườn hút điếu thuốc, vì trời hơi lành lạnh. Vợ ông bảo: "May cho anh, có thể ra đàng sau một cách bình thường, chứ hôm trước, phải nhảy qua cửa sổ, vì bánh xe ở cửa ra vào kẹt cứng không mở được."
Tôi ngán ngẩm nghĩ thầm: Nhà anh nào biết nghề thầu khoán cũng đều như vậy hết. Bấm chuông cửa thì đèn sáng; bật công tắc đèn thì chuông kêu. Anh thợ làm ống nước thì phòng tắm chảy re re suốt ngày mà không chịu sửa. Người đi cắt cỏ cho khách, thì đẹp, nhưng vườn nhà mình thì ôi thôi bê bối. Đã thế lại khuân vác về vô số đồ dùng cũ từ bãi rác, đầy ứ lên cả nửa sân sau.