Hôm nay,  

Nhà... Ở Xa Nhà

18/09/201000:00:00(Xem: 224571)

Nhà... ở Xa Nhà
Villa International Atlanta


Người viết: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 2994-28294-vb7091810

Với bài viết “Mùa Xuân Mai Vẫn Nở”, tác giả đã nhận giải  vinh danh “Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010. Trước 1975, Cam Li từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa,  và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa. (hiện có trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoa.hatnang.com) Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên  làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại Mỹ từ 2003, sáu năm sau cô  góp cho "Viết Về Nước Mỹ" nhiều  bài viết giá trị.  Bài viết mới nhất là một hồi ký 13 năm trước, khi tác giả sang Mỹ tu nghiệp.
Tác giả tại Villa International Atlanta, 13 năm trước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cam Li nhận giải “Tác Phẩm Xuất Sắc 2010,” giữa Nhã Ca, chủ nhiệm sáng lập Việt Báo và nhà báo Sơn Điê2àn Nguyễn Viết Khánh, trưởng ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ 2000-2002.

***

"Biệt thự quốc tế"! Nếu dịch thô sơ thì sẽ là như vậy. Nhưng Villa International của tôi thì không phải thế. Đó là một chốn rất đặc biệt. Một cái nhà. Một gia đình lại càng đúng hơn. "Home away from home"! Nhà... ở xa nhà!
Buổi sáng tôi đặt chân đến Atlanta, trời đầy sương mù. Cô thư ký của thầy tôi đã đón tôi lúc hơn sáu giờ sáng tại phi trường. Chiếc xe chạy qua những con đường quanh co lên đồi xuống dốc làm tôi liên tưởng đến Đà Lạt của tôi. Khi xe chạy qua khỏi một tấm bảng bằng bê-tông ghi tên Villa International Atlanta với số nhà 1749 trên đường Clifton Road, cô thư ký chỉ một mái ngói đỏ hiện ra nơi một ngõ cụt dưới chân đồi bảo tôi:
- Kìa! Nhà của bạn đó!
Tôi nghiêng đầu để nhìn cho rõ ngôi nhà qua những tàn lá che tầm mắt. Thật giống hệt một biệt thự ở Đà Lạt. Tôi bâng khuâng. Nơi đây tôi sẽ sống nửa năm trời ư" Dù đã tìm hiểu trước khi đi, tôi vẫn cảm thấy lạ lùng với nó lắm. Chắc phải một thời gian mới quen được. Ngay lúc ban đầu này đây, tôi vẫn còn nặng nề tâm tư của một kẻ xa nhà.
Vì còn quá sớm nên tôi phải ngồi nơi phòng ngoài để đợi người quản lý đến. Trong khi đó, tôi để ý đến một khung cảnh thú vị: những "cư dân" của Villa xuất hiện, ban đầu vài người, rồi đông dần, đi ra từ những hành lang của tầng trệt và từ hai phía cầu thang. Tôi ngoái đầu theo nhiều phía và rồi nhìn về một hướng duy nhất mà họ đi vào: khu phòng ăn và nhà bếp, tôi đoán thế.
Người quản lý là một "bà đầm" có tuổi, cao lớn, tươi cười. Bà làm thủ tục cho tôi thật nhanh chóng vì giấy tờ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước, và trao chìa khóa cùng một túi quà cho tôi, bà nói:
- Cô hãy lên phòng nhé! Vài ngày nữa sẽ có một cô "share phòng" với cô.
Tôi học được chữ "share phòng" từ dịp này. Điều đó có nghĩa là hàng tháng tôi chỉ phải trả phân nửa tiền phòng mà thôi. Tôi và cô bạn chưa quen đó đã chấp thuận ngay từ khi chưa đến Villa. Tôi sẽ có dịp thực hiện câu "tứ hải giai tỉ muội".
Lên đến phòng, tôi mở túi quà ra xem. Ôi! Tôi thấy cảm động quá: một phong bánh quy, một gói cà phê, một gói trà, rồi đường, rồi sữa... Thật đơn giản, nhưng giống như một túi thức ăn "dã chiến" có thể giúp no lòng người "lính mới" này. Tôi mỉm cười, rưng rưng. Tôi khoan khoái nhìn quanh căn phòng xinh xắn ấm cúng có hai chiếc giường, hai bàn học, một phòng tắm sạch sẽ gọn gàng. Ngoài khung cửa có một bao lơn nhỏ trông xuống khoảnh sân mát mẻ bên dưới. Bước ra khỏi phòng là hành lang dẫn đến thư viện. Xuống thang lầu sẽ gặp phòng khách chung, bên cạnh một phòng nhỏ xíu dùng làm nơi gọi điện thoại, cũng chung luôn vì không có điện thoại trong từng phòng, và thời đó cell phone cũng chưa được dùng rộng rãi. Kế đó là chapel nơi cầu nguyện, rồi đến phòng ăn chung, nhà bếp chung. Và đó là Villa , nhà mới của tôi!
*
Tôi bước vào nhà bếp. Gian phòng khá lớn với hai bên tường bày kín những giàn bếp điện và bếp gas. Phần còn lại là những dụng cụ đầy đủ cho mọi việc bếp núc, bồn rửa chén rộng rãi, lò nướng, lò microwave, những tủ lạnh, tủ freezer to tướng, những dãy tủ cao có các ngăn chứa thức ăn không cần giữ lạnh, mỗi người có một cái "bin" bằng cả một hộc tủ, tha hồ chứa thức ăn do mình tự đi chợ mua về. Món gì cần giữ lạnh thì cũng để vào trong những hộc có ghi tên mình hoặc số phòng. Thật là "đâu ra đó".
Nhưng chắc có lẽ cái đặc biệt nhất mà ai cũng thấy mỗi buổi sáng ngay khi bước vào nhà bếp là những khay đầy nhóc bánh donut, để trên hai chiếc bàn dài. Những người "lính mới" thường ngần ngại nhìn quanh tìm người bán, sau mới biết rằng đó là bánh "mai ăn mới trả tiền", đó là bánh "free". Dù không phải là đồ đệ trung thành của bánh ngọt nhưng tôi cũng cảm thấy rất vui khi nhón lấy một chiếc, và chờ khi nào bà bếp xuất hiện trong ngày thì nói lời cám ơn bà. Bà bếp, là một phụ nữ da đen đã có tuổi, ít nói, thường chỉ cười. Nói là "bà bếp" nhưng ngoài món bánh buổi sáng bà không hề phải nấu cho chúng tôi món gì cả, bởi vì cư dân của Villa đều phải tự nấu ăn lấy. Bà bếp chỉ phải lo lắng công việc quản lý cái nhà bếp, dọn dẹp trong khu vực nấu nướng này mà thôi.
Nói về cái ăn của cư dân Villa thì thật là thú vị. Ở đây ai cũng phải tự lo bữa ăn của chính mình nếu không muốn phí tiền vào việc ăn tiệm. Chúng tôi được giới thiệu một siêu thị ở khá gần Villa, có thể đi bộ qua vài "block" đường, đi thêm một con đường mòn qua một khu rừng nhỏ là đến. Chúng tôi tha hồ xách về các loại thức ăn mình thích, chứa trong các "bin" và cất ở nhà bếp. Đi học, đi làm về thì vào bếp nấu nướng. Vậy là căn bếp chiều nào cũng nhộn nhịp cảnh nam nữ đầu bếp chiên chiên, xào xào, chuyện trò râm ran. Nấu xong thì mang ra phòng ăn, ngồi cùng nhau ở những bàn ăn vuông vắn, có khi mang ra ăn ngoài sân, cũng có sẵn những chiếc bàn và ghế nhựa, tùy thích. Ai chưa từng nấu ăn ở nhà, đến đây học hỏi nhau cũng trở thành những đầu bếp giỏi. Từ đó phát sinh những nhóm ăn chung vui vẻ.
Thế nhưng cũng có những buổi chia xẻ văn hóa ẩm thực do Villa tổ chức. Đó là những buổi "barbecue" ngoài vườn, mỗi người chuẩn bị món ăn dân tộc của mình, chia xẻ với những người khác, tạo thành một buổi "pot luck" vô cùng độc đáo. Thường những lúc như vậy tôi lại làm món "chả giò", và có dịp chia xẻ về cách ăn uống cân bằng dinh dưỡng của người Việt Nam.
Cư dân của Villa ai cũng tôn trọng nguyên tắc "Không mang thức ăn vào phòng". Phòng riêng chỉ dành để ngủ và học hành. Vì vậy hầu như sinh hoạt của chúng tôi đa phần là ở trong nhà bếp và phòng ăn. "Ăn vóc học hay" mà! Và mỗi khi muốn chuyện trò với những người bạn khác, chúng tôi thường vào phòng khách chung, nơi có chiếc lò sưởi lớn và chiếc máy TV khá cũ. Chúng tôi ngồi ở ghế sofa, chuyện trò, xem TV. Một hôm tôi thấy có hai cuốn băng video, mở ra xem, thì ra là bộ phim "Gone with the wind". Có lẽ vì Atlanta là quê hương của "Cuốn theo chiều gió" cho nên bộ băng video này được lọt vào phòng khách của Villa chăng"


Suốt nửa năm tôi sống tại Villa, cũng chỉ có một bộ video "Gone with the wind".

*

Những ngày cuối tuần đối với chúng tôi không đến nỗi quá nhàn hạ. Thường chúng tôi đi chợ mua thức ăn, đi siêu thị mua sắm, hoặc đi xe bus xuống downtown để vào phố Underground rong chơi cả ngày. Nhưng đối với những nơi xa hoặc phải đi theo nhóm mới vào được thì Villa tổ chức đưa chúng tôi đi. Chúng tôi có dịp gặp gỡ với những người làm việc thiện nguyện. Những "volunteers" đó làm việc trong nhà thờ Tin Lành. Họ mang xe đến đưa chúng tôi đi chơi theo nhóm, đến các khu tưởng niệm, các bảo tàng viện, các trung tâm thương mại và giải trí , thăm các thắng cảnh...
Ai bảo Villa không giống một cái nhà" Họ đã chăm sóc cho chúng tôi đủ mọi thứ. Và những "cư dân" của Villa, những kẻ từ bốn phương tụ hội về đây trú ngụ trong một thời gian, có người ở dăm ba ngày, một tuần, có người ở vài tháng, có người ở trên một năm. Từ tất cả các tiểu bang của nước Mỹ cho đến những quốc gia khắp thế giới, họ tạo cho mái nhà này muôn màu muôn vẻ, ngôn ngữ cũng hàng trăm. Tôi không bị "nếm" lại cái cảm giác cô độc của những lần đi học rồi về giam mình trong khách sạn, thưởng thức cái im lặng đến vỡ tai. Mà ở đây, Villa International Atlanta, V.I.A, với số tiền hàng tháng phải trả chỉ bằng vài đêm ở khách sạn, tôi thấy mình được sống trong một mái gia đình.
Cư dân của Villa hàng ngày theo học hoặc làm việc ở hai nơi: Trường đại học Emory và Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (C.D.C.). Không có ai phải đi xe hơi hay xe bus vì hai nơi này rất gần Villa, chỉ đi bộ khoảng năm phút là đến. Chính vì vậy mà "mầu sắc" của Villa đã có điểm rất đặc trưng. Những người thường chào nhau buổi sáng hoặc bàn chuyện ăn uống mỗi buổi tối trong phòng ăn cũng thuộc nhiều thành phần, nhiều lớp tuổi: có vị là thầy giáo được mời giảng dạy trong trường đại học, có người từ các quốc gia khác nhau đi tu nghiệp, có người là sinh viên sắp ra trường, đến để thực tập thêm.
Tôi học tại C.D.C., đúng ra là "tu nghiệp". Ôi chao, từ nhỏ tôi đã thấy chữ "tu nghiệp" nghe oai ghê, nên tôi tránh nói đến, mà chỉ nói là mình đi học thôi. Sẽ có một dịp khác tôi nói về trung tâm này. Chỉ muốn nêu một điểm nhỏ là trong một buổi chia xẻ ý kiến của những học viên đến từ xa, các thầy của tôi trong C.D.C. đã mời tôi nói cảm nghĩ về Villa, nơi các học viên của C.D.C. đang cư ngụ. Tôi đã thật thà nói: "Cám ơn Villa, nhà của tôi... ở xa nhà!"
Tôi trải qua một mùa hè và một mùa thu ở Villa. Trước khi xa Atlanta tôi đã dự buổi khắc bí làm đèn Halloween do Villa tổ chức. Những em học sinh xuất sắc của thành phố đã đến Villa trong một đêm tranh tài độc đáo. Trong cái giá lạnh của đêm cuối tháng mười, các em ngồi ngoài trời hoàn thành những chiếc đèn từ các trái bí khoét ruột, trang trí thành mặt người, thắp nến bên trong đèn, rồi nộp và chờ chấm giải. Các em thuộc nhiều sắc dân, nhưng trong đó tôi nhận thấy đa số là người gốc Việt. Tôi cảm thấy hãnh diện lắm! Người Việt của mình.... đi đâu, làm gì... cũng giỏi!
Mùa thu ở Atlanta tiết trời khá lạnh. Buổi sáng tôi rời Villa trời còn chìm trong màu của đêm. Bà quản lý Villa đã chu đáo dặn xe taxi cho tôi từ ngày hôm trước để tôi yên tâm ra phi trường. Mọi người còn say ngủ. Bao nhiêu người đã đến trước tôi và sẽ có bao nhiêu người nữa sẽ đến sau tôi" Cứ nhìn quyển sổ lưu bút dày cộp trong nhiều quyển sổ dày cộp của Villa đủ hình dung ra con số cư dân nhiều đến đâu. Và ở bất cứ giai đoạn nào, con số người trong ban quản lý Villa cũng chỉ vào khoảng năm đến bảy người, bên cạnh đó là một người làm vệ sinh hàng tuần cho mỗi phòng, một bà bếp và một ông lo việc sửa chữa.
Thành lập vào năm 1972, đến nay chắc Villa của tôi đã trải qua nhiều thay đổi. Nhưng có một điều không đổi, chắc chắn như vậy, là cái chất "nhân ái" của một nơi mang hình thức của khách sạn nhưng lại nặng nghĩa cưu mang. Tôi không biết có một giáo sư, hay một học viên nào, viết lại hồi ức về những ngày sống tại Villa này hay không. Nhưng ít nhiều, khi một thoáng nghĩ đến, họ cũng có được vài kỷ niệm nhỏ đáng nhớ về nó.

*
Phần cuối cùng của bài này tôi lại dành để nói về một việc xảy ra ngay trong những ngày đầu tiên.
Khi vừa đến Atlanta tôi đã phải lao vào làm việc ngay, không có thì giờ nghỉ ngơi. Chính vì vậy mà đến sáng thứ bảy đầu tiên, tôi đã mệt nhừ và tận dụng thời gian hiếm hoi để ngủ cho thỏa. Tôi là một kẻ cứng đầu vốn không tin vào cái gì gọi là "jet lag", nên tưởng rằng mình khỏe khoắn lắm không bị ảnh hưởng bởi những chuyến bay dài, bởi sự khác biệt múi giờ, bởi sự đảo lộn ngày đêm. Thế mà sau khi đi một vòng chợ về và vào phòng điện thoại chung của Villa để gọi điện thoại về nhà, tôi đã lên phòng và ngủ luôn một giấc đến chiều. Khi thức dậy tôi mới hay là mình bỏ quên cái túi xách ở dưới phòng điện thoại. Tôi vội vàng chạy xuống. Cái túi không còn ở đó.  Tôi hoảng hốt báo cho bà quản lý. Mọi người đổ xô đi tìm cho tôi. Tôi sợ lắm, vì có một số giấy tờ quan trọng nằm trong cái túi đó, ngoài chiếc máy chụp hình và một số tiền nhỏ. Tôi lại càng thất vọng hơn, vì biết Villa không có gắn camera quan sát như ở các khách sạn. Thôi thế là đành chịu thua. Dĩ nhiên là sau đó có một cảnh sát viên đến để làm biên bản, nhưng rồi cuộc tìm kiếm cũng không có kết quả. Bà quản lý cũng buồn rầu không kém, bà bảo rằng trước đây chưa từng xảy ra việc như thế. Bà và cô thư ký xinh đẹp đã chẳng ngại dơ bẩn, đi lùng sục trong các thùng rác bên hông Villa, mong tìm ra chiếc ví đựng giấy tờ của tôi.
Chiều hôm ấy khắp nơi bên trong Villa, có những tờ giấy lớn dán đầy các vách tường, ghi dòng chữ rất đậm: "Một cư dân của Villa, tên là..., bị mất một túi xách để trong phòng điện thoại, xin quý vị để ý tìm kiếm giúp, và cung cấp tin tức cho Ban quản lý Villa. Rất cám ơn. V.I.A.".
Đã mười ba năm trôi qua, thỉnh thoảng tôi vào internet để vui mà biết rằng VIA vẫn còn hoạt động và vẫn là nơi trú ngụ của những người đến từ khắp nơi trên thế giới. Viết lại về kỷ niệm sống tại "ngôi nhà ở xa nhà", tôi vẫn thấy không đâu sánh bằng. Bởi đó là nơi của tình thương, của sự cưu mang nâng đỡ tinh thần và của lòng tin ở sự lương hảo của con người. Người đến từ hàng trăm quốc gia, làm sao tránh khỏi chuyện rắc rối. Nhưng tôi vẫn cầu mong đừng xảy ra thêm việc xui xẻo như tôi đã gặp. Nếu có ai hỏi về Villa của tôi, tôi sẽ vẫn một lời: "Đó là một nơi hoàn hảo, chỉ là con người không hoàn hảo".

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Tháng 8, 2010

Ý kiến bạn đọc
01/02/201123:35:48
Khách
Cam on tac gia da nhac toi nho den thanh pho Atlanta mong mo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,221,345
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến