Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_970x250_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Tạm Cư Ở Burbank, California

08/07/201000:00:00(Xem: 114030)

Tạm Cư ở Burbank, California

Tác giả: Kim Hà
Bài số 2941-28241-vb5070810

Tác giả hiện là cư dân  Garden Grove, định cư tại Mỹ từ 1980, cho biết công việc trước đây là claims adjuster của chính quyền State of California, nay đã về hưu. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là hồi ký về những ngày đầu đến Mỹ. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Sau thời gian 6 tháng dài lê thê, từ ngày 10 tháng 4 năm1980 đến ngày 16 tháng 10 năm 1980, gia đình chúng tôi sống đau khổ và lây lất kiếp đời tị nạn ở các trại tị nạn đường bộ như trại: Non Chan, NorthWest 9 (NW 9), thuộc biên giới Thái và Cambodia; rồi đến các trại Panatnikhom Holding Center và Rangsit Transit Center  tại nội địa Thái Lan, thì ngày 16 tháng 10 năm 1980, gia đình tôi đã được đến định cư tại vùng Los Angeles, California.
Sau các chuyến máy bay dài suốt 24 tiếng đồng hồ  mỏi mệt, cuối cùng, gia đình tôi đã đến phi trường quốc tế Los Angeles (LAX). Đêm hôm ấy, trời giá lạnh căm căm, sương mù phủ kín khắp nơi. Thành phố Thiên Thần (Los Angeles) như chìm sâu trong một biển khói sương. Cảnh vật mờ ảo trong luồng ánh sáng của đèn đuốc, trông thật là thơ mộng.
"Ôi Mỹ Quốc, vùng trời tự do và thịnh vượng mà tôi đã khao khát, ước ao, và sẵn sàng đổi tất cả những gì tôi có để được sống nơi này."
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là phi trường Los Angeles quá lớn, sạch và đẹp. Đèn đuốc sáng choang. Người  đi lại nhộn nhịp. Đúng là dấu hiệu của một thành phố văn minh! Tôi rất bỡ ngỡ khi đi trên các thang máy tự động và nhìn ngắm các máy chuyển hành lý tự động.
Ra đón chúng tôi ở phi trường là mẹ tôi, bạn của bà và một vị mục sư Tin Lành người Mỹ tên là Miller. Mẹ tôi đã khôn ngoan nhờ nguyên cả một nhà thờ Tin Lành người Mỹ giúp đỡ cho gia đình chúng tôi.
Trong lúc các con tôi rộn ràng, nói cười tíu tít thì tôi cảm thấy quá mệt mỏi. Vì thế, tôi trao đứa con ba tháng cho chồng giữ. Cả gia đình tôi đều mệt nhoài vì các chuyến bay quá dài, rồi phải đổi máy bay và chờ đợi quá lâu.
Từ Bangkok, Thái Lan đến Hoa Kỳ mà phải thay đổi 4 chuyến bay, ngừng ở Hồng Kông, Đài Loan, Đại Hàn, Seattle (Hoa Kỳ) và Los Angeles (Hoa Kỳ).
Mọi người xúm lại giúp gia đình chúng tôi đưa hành lý lên xe Van của vị mục sư Miller. Lên xe rồi, mẹ tôi vui vẻ nói chuyện với các cháu ngoại, còn anh Vĩnh, chồng tôi thì nói chuyện với ông Minh, bạn của mẹ tôi. Chỉ có mục sư Miller là im lặng lái xe trong đêm tối đầy sương mù. Riêng mình tôi thì nằm ngả ra trên ghế xe, tựa đầu và nhắm mắt lại để cho tâm hồn bớt bồi hồi và xao xuyến.
Chưa kịp hưởng niềm vui thì tâm trí tôi hiện ra cả ngàn câu hỏi về tương lai của gia đình mình:
"Hai vợ chồng, năm đứa con nhỏ rồi đây sẽ ra sao" Gia đình mình sẽ ở đâu" Làm gì để sinh sống" Gia đình đông như vầy làm sao mà ở chung với mẹ mình được" Chẳng lẽ ăn nhờ ở đậu nhà mẹ mình cả đời" Làm cách nào  "đốt" thời gian để nói và nghe tiếng Anh trong sinh hoạt hàng ngày với người bản xứ" Liệu mình có còn được nghe nhạc Việt Nam và đọc sách báo Việt Nam không" Ở gần nhà mẹ mình có người Việt Nam làm ăn, sinh sống không" Liệu mình có còn được ăn uống các thức ăn của người Việt Nam hay không""
Ông mục sư Miller lái xe chạy như bay trên xa lộ. Đường xá của Mỹ tốt thật, chẳng có chỗ ổ gà hay lồi lõm như ở nước Việt Nam. Độ 1 tiếng đồng hồ sau, xe dừng lại trước nhà của mẹ tôi,  thuộc thành phố Burbank, gần Hollywood, thủ đô phim ảnh của thế giới.
Đó là một căn phòng nằm ở tầng hai của khu chung cư. Chung quanh nhà có nhiều bóng cây, những tàn lá xum xuê làm cho cả khu chung cư trông thật là thơ mộng và đẹp đẽ.
Mẹ tôi tỏ ra rất chu đáo. Bà đã chuẩn bị một bàn tiệc thịnh soạn gồm phở bò, chả giò, gỏi tôm thịt và cơm chiên. Dù chỉ ở một mình, lại còn phải đi làm cả ngày, nhưng bà đã dọn thức ăn trên bàn sẵn sàng, rồi mới đi đón gia đình tôi.
Đối với gia đình chúng tôi, hai vợ chồng và năm con nhỏ, đã sống thiếu thốn và đói khát gần 7 tháng trời trong các trại tị nạn đường bộ thì bữa ăn này  phải gọi là một bữa tiệc thịnh soạn. Các con chúng tôi thì vui mừng hớn hở. Chúng nhìn nhau cười, vỗ vai nhau, rồi quay sang cha mẹ cười thoải mái. Vợ chồng tôi cũng hân hoan thích thú.
Sau một vài lời chào mừng và cảm tạ, tất cả mọi người nhập tiệc. Mục sư Miller cũng cố gắng ăn vội vã rồi kiếu từ vì đã khuya quá rồi. Trước khi ra về, ông còn căn dặn gia đình tôi hãy nghỉ ngơi, rồi hai ngày sau, ông sẽ cho các thiện nguyện viên ở nhà thờ ông đến đưa gia đình tôi đi lo mọi thủ tục hành chánh, xã hội và y tế.
Cơm nước dọn dẹp xong, cả gia đình tôi nhét hết vào một căn phòng ngủ duy nhất, còn mẹ tôi thì ngủ ở một cái giường nhỏ nơi phòng khách. Việc tắm rửa cũng làm cho mọi người bận rộn. Lũ trẻ không biết sử dụng vòi nước lạnh hay nước nóng nên chúng la hét vì bị phỏng hay bị lạnh buốt. Dù đã được bà ngoại chỉ dẫn nhưng chúng vẫn chưa biết điều hòa độ ấm của nước.
Đêm hôm ấy 16 tháng 10 năm 1980 là đêm đầu tiên chúng tôi được ngủ bình an, trong ngôi nhà ấm cúng, nơi vùng đất hứa.
Từ đây, chúng tôi tin là gia đình mình đã dứt được cảnh sống lăn lóc kiếp tị nạn không nhà, đi xin từng miếng cơm như người hành khất. Không còn cảnh nằm lăn lóc giữa gió sương trong rừng biên giới, trong trại tị nạn ở giữa hai bờ biên giới Thái và Cambodia. Không còn nỗi lo sợ bị người dẫn đường bỏ rơi, bị cướp, bị giết, bị hãm hiếp, bị lính Miên và Thái ở vùng biên giới hành hạ và đối xử tồi tệ như súc vật. Nhất là chúng tôi không còn phải nghe tiếng những phụ nữ Việt Nam la hét rùng rợn khi bọn lính Para người Miên, hay lính Thái lôi kéo đi để chúng hãm hiếp tập thể nữa. Không còn những cảnh một số người tị nạn Việt Nam chạy chọt một "chức vụ" trong ban phục vụ để rồi quay lại bóc lột đồng bào tị nạn, cùng chung số phận với mình.
Sáng hôm sau, ngày 17/10/1980, vợ chồng tôi dậy sớm. Trong lúc các con còn say ngủ, chúng tôi pha một bình trà, rồi cả hai nhâm nhi chén trà Tàu, tâm sự với nhau và nhìn ngắm cảnh vật chung quanh. Qua những cánh cửa sổ lớn bằng kiếng, tôi thấy cảnh vật bị sương mù che kín, rồi từ từ mặt trời mới ló dạng.
Tháng 10 năm ấy, trời trở lạnh, nhưng lòng chúng tôi cảm thấy ấm áp vì đã đến được đất hứa sau bao năm tháng gian khổ. Mẹ tôi đã đi bộ đến sở làm, dù trời lạnh. Nơi chiếc bàn của nhà bếp, bà đã lấy ra sẵn một con gà từ tầng đá của tủ lạnh để chúng tôi chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà.
Hai vợ chồng chúng tôi yên lặng nhìn nhau, lòng cảm thấy thích thú và hài lòng. Một niềm vui rộn rã ập đến nhanh như những làn sóng vỗ mạnh vào bờ cát.
"Thôi nhé, giã từ những nỗi lo sợ về chiến tranh, giã từ những kẻ mang đầy hận thù và dối trá, giã từ những kẻ giết người man rợ trong rừng núi biên giới Thái-Cambodia. Giã từ cái ngục tù lớn ngay trong lòng quê hương. Giã từ những kẻ gian ác, lừa gạt và sẵn sàng làm hại kẻ khác."
"Tại sao cũng là con người với nhau mà ở bên này đại dương, người ta đối xử tử tế với kẻ lạ như chúng tôi, mà ngay trong lòng quê hương và ở các nước láng giềng Cambodia, Thái Lan, người ta lại đối xử với đồng loại như kẻ thù hoặc như thú vật""
Cho đến hôm nay, tôi vẫn thắc mắc với câu hỏi nhức nhối ấy !
*
Khi các con chúng tôi dậy thì chúng nói cười tíu tít. Tôi bèn lấy các thức ăn còn lại của bữa tiệc đêm qua để hâm nóng cho các con ăn. Thế rồi, vợ chồng gửi bé Thiên Hương, 3 tháng, cho cháu Khang là người con lớn nhất chăm sóc, rồi vợ chồng tôi cùng 3 con nhỏ đi bộ ra siêu thị Vons ở gần nhà để đi chợ. Hôm qua, mẹ tôi đã cẩn thận hướng dẫn cho chúng tôi biết đường đi từ nhà đến siêu thị để khỏi bị lạc đường.
Đường xá ở Mỹ thật sạch sẽ. Nhà nào cũng có vườn hoa và sân cỏ. Các tờ nhật báo được vứt bừa bãi trên sân. Xe đạp và đồ chơi của trẻ con nằm trên sân cỏ mà không sợ ai ăn cắp. Người ta sống có vẻ bình an và vô tư.
Vì gần đến ngày lễ của ma quỷ, lễ Halloween ngày 31 tháng 10, nên trên các cửa sổ và chung quanh vườn, người ta trưng bày rất nhiều hình ảnh như: trái bí rợ màu da cam, con mèo đen, các hình bộ xương người được treo lủng lẳng, trông có vẻ kỳ dị quá!
Khi đến chợ, chúng tôi bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng và đẹp đẽ. Hàng hoá đầy đủ, cách sắp xếp chu đáo, trông thật vui mắt. Lúc ấy, trong túi vợ chồng tôi chỉ có vỏn vẹn 40 đô la. Đó là số tiền còn sót lại, sau khi mẹ tôi gửi tiền cho chúng tôi ở trại tị nạn Thái Lan.
Tôi tham lam chọn lựa nho, táo, lê và cam rồi chất vào xe đẩy hàng. Sau đó, chạy ra quầy bán kem hộp để mua một lúc 7 hộp kem đủ loại: Nào là vani, chocolate (sô cô ca), kem trái dâu tây và kem trái đào. Ba đứa con sung sướng chạy ra, chạy vào để xin mẹ mua đủ thứ. Vì chỉ có 40 đô la nên tôi không dám mua thịt cá mà chỉ mua trái cây và các hộp kem mà thôi.
Xong xuôi chúng tôi ra quầy trả tiền, rồi đẩy xe của siêu thị và đi bộ về nhà. Như những kẻ bị bỏ đói nhiều năm, chúng tôi xúm lại ăn kem và trái cây một cách vui vẻ, rồi cười đùa một cách hồn nhiên.
Ăn xong, lũ con vặn TV lên xem phim hoạt họa. Dù không hiểu tiếng Anh nhưng chúng vẫn chăm chú theo dõi các chương trình TV một cách say sưa và thích thú. Lâu lâu, lũ trẻ lại rú lên cười.


Anh Vĩnh, chồng tôi thì tỏ ra sung sướng khi được đọc mấy tờ báo tiếng Việt ở ngay trên đất Mỹ, còn tôi thì tíu tít kêu điện thoại cho các bạn tị nạn cùng qua Mỹ một lượt với mình. Dù đã được mẹ tôi dặn dò là phải hạn chế kêu điện thoại viễn liên, nhưng tôi vẫn hăng hái đi tìm số điện thoại của các bạn để tâm sự, hỏi thăm và an ủi nhau. Dĩ nhiên, những ai ở gần nhà thì tôi nói chuyện với họ cả tiếng đồng hồ. Thôi thì bao nhiêu cảm tưởng, niềm vui và nỗi buồn ở đâu mà cứ tuôn ra như nước chảy. Thật sự, chỉ có những người đồng cảnh ngộ mới thông cảm và hiểu nhau mà thôi.
Ngày nào mục sư Miller và một số người trong nhà thờ của ông cũng đến thăm chúng tôi. Tôi phải cố gắng vận dụng vốn liếng Anh ngữ ít ỏi của mình để chào họ. 
Những người bạn Mỹ này rất thân thiện, lịch sự. Họ nói chuyện rất nhanh và hỏi tôi thật nhiều câu hỏi. Họ tưởng như chúng tôi thành thạo Anh ngữ. Họ tỏ ra chu đáo và tế nhị khi dạy gia đình chúng tôi về cách xử thế và sống còn ở xứ Mỹ.
Ông mục sư Miller cứ luôn miệng an ủi tôi:
"Take it easy, don’t worry, everything will be Okay!" có nghĩa là: "Cứ thong thả, đừng lo lắng, mọi sự sẽ tốt thôi!"
Có được những người bạn mới tốt lành và tử tế, tôi cảm thấy bớt lo lắng và không còn lạc lõng giữa vùng đất mới nữa.
Giữ đúng lời hứa, ngày 19/10/80, mục sư Miller phái hai phụ nữ trong nhà thờ của ông đến đưa gia đình chúng tôi đi làm các thủ tục về y tế, chích ngừa, làm thẻ an ninh xã hội. Họ còn đưa chúng tôi đến thành phố Los Angeles để trình diện với hội USCC. Đây là một hội thiện Công Giáo chuyên nhận bảo lãnh người tị nạn và lo cho họ định cư. Chúng tôi đến để xin tiền trợ cấp tị nạn.
Làm xong giấy tờ, họ đưa chúng tôi về nhà và đem tặng cho gia đình tôi rất nhiều bọc quần áo cũ nhưng còn tốt.
Tôi rất cảm động về sự giúp đỡ quá tận tình và chu đáo của những giáo dân Tin Lành này. Họ vui vẻ dạy chúng tôi cách sống, cách đi đứng, và họ sẵn sàng sửa khi chúng tôi nói tiếng Anh sai. Những anh em Tin Lành người Mỹ này có lòng yêu người, dù là người lạ.
Trong thời gian làm giấy tờ và thủ tục xin tiền trợ cấp, gia đình chúng tôi cứ ở quanh quẩn trong nhà để đợi các thành viên của nhà thờ mục sư Miller tới nhà để đưa đi đến các cơ quan. Bà Linda thuộc nhà thờ mục sư Miller đã đưa vợ chồng tôi đi hội USCC (United States Catholic Charities) thêm vài lần nữa bằng phương tiện xe bus công cộng.
Sau khi xong hết mọi thủ tục, chúng tôi nhận được một số tiền lớn từ hội USCC. Họ cho mỗi đầu người trong gia đình tôi là 250 đô la. Bảy người được hết thảy là 1,750 đô la. Đó là một món tiền lớn đối với một gia đình tị nạn như gia đình tôi.
Khi lãnh tiền xong, bà Linda dặn dò chúng tôi phải cất tiền thật kỹ kẻo bị móc túi. Với số tiền lớn này, bà Linda nói rằng gia đình tôi có thể đóng tiền cọc thuê nhà. Tôi phải trả trước một tháng tiền nhà và trả tiền thuê nhà cho tháng 11, 1980, rồi còn phải mua đồ đạc và thức ăn nữa.
Bà Linda cũng dặn chúng tôi hãy làm thủ tục xin trợ cấp càng sớm càng tốt, rồi khi thuê được nhà thì gia đình tôi sẽ bổ túc địa chỉ thuê nhà về sau. Bà dắt chúng tôi đến gặp các nhân viên sở trợ cấp xã hội để làm đơn xin tiền. Như vậy là tạm yên một phần. Tối hôm ấy, chúng tôi nhờ mẹ tôi bỏ tiền vào ngân hàng.
Tôi nhớ lúc ấy nước Mỹ đang xôn xao vì gần ngày bầu cử chọn Tổng Thống Mỹ. Giá vàng lúc ấy lên đến 800 đôla. Giá tem thư trong nước Mỹ chỉ mới có 15 xu, so với 44 xu vào tháng 7 năm 2010. Giá xăng xe chỉ có 99 xu, so với giá hơn 3 đô la vào tháng 7 năm 2010.
Ngày nào các con tôi cũng xem TV về đủ mọi chương trình, còn lòng tôi thì ngổn ngang và rối bời như lửa đốt vì mong có thể tìm nhà thuê để cho các con vào trường học. Khi đó đã là cuối tháng 10 rồi, mà trường học đã bắt đầu từ đầu tháng 9 năm ấy.
Trong lúc ấy, mẹ tôi bàn rằng chồng tôi nên đi đến DMV, tức là Nha Lộ Vận để lấy sách về học cách lái xe vì anh ấy cần phải biết lái xe để đưa đón cho gia đình đi học, đi chợ, và đi lễ. Thế là anh Vĩnh phải tìm đường đi xe bus để đến Nha Lộ Vận kiếm sách học thi lý thuyết trước. Vào thời điểm 1980, Nha Lộ Vận không có sách dạy cách lái xe bằng tiếng Việt, nên anh ấy đành phải thi bằng tiếng Anh.
Vào những ngày cuối tuần, trong khu chung cư thì người ta hay dọn nhà đi chỗ khác nên họ vứt nhiều đồ đạc trong thùng rác. Tôi cứ mừng rỡ ra thùng rác lượm bàn ghế và các vật dụng trong nhà để khi có nhà thì có đồ dùng. Người ta thà rằng bỏ đồ đạc kềnh càng hơn là phải tốn công thuê xe và thuê người dọn cho mình. Vậy mà một kẻ tỵ nạn như tôi thì cứ làm như là bắt được vàng trong thùng rác không bằng.
Ở thành phố Burbank có một gia đình người dì họ của tôi, chồng của dì tên là chú Đồng. Chú là người thích trồng trọt nên vườn nhà chú có đủ loại rau trái như bầu, bí, cà chua, bụi sả, các loại rau thơm, rau xà lách và các loại trái cây như trái hồng, trái ổi. Nhờ lòng tốt của chú nên gia đình tôi luôn có rau trái ăn.
Vào mỗi cuối tuần, tôi thường theo cô Đồng đi mua đồ vặt ở các nơi gọi là "Garage Sales". Đây là những đồ dùng của chủ nhà vì họ không muốn giữ nữa nên đem ra bán rẻ.
Vấn đề nan giải là tôi không biết thuê nhà ở đâu nên đành nhờ những người bạn của mẹ tôi tìm nhà cho gia đình tôi. Cũng may, bác Minh nói ở quận hạt Orange County có một nhà chung cư 3 phòng ngủ mà chủ nhà đòi cho thuê 535 đô la mỗi tháng. Nếu đóng hai tháng tiền nhà thì mất 1,070 đô la rồi.
Ở vùng này cách nhà mẹ tôi chừng hơn 50 dặm Anh, có nghĩa gia đình tôi sẽ không còn được tới lui thăm viếng mẹ tôi nữa. Tuy nhiên, bác Minh nói rằng ở vùng Orange County sẽ có nhiều người Việt Nam ở nên lòng chúng tôi cũng rất hân hoan vì được ở gần đồng hương của mình.
Ngày Halloween là 31 tháng 10 năm 1980 là ngày lễ của ma quỷ nên trẻ con và người lớn thường đeo mặt nạ, mặc quần áo và hóa trang làm ma quỷ, thiên thần, công chúa, hoàng tử, hay thú vật để đi khắp xóm xin kẹo bánh.
Đêm hôm ấy, mẹ tôi dắt các cháu mặc quần áo hóa trang và đeo mặt nạ để đến các khu thương xá xin kẹo bánh. Vợ chồng tôi ở lại nhà trông đứa con nhỏ nhất. Được một lúc thì anh Vĩnh, chồng tôi bèn lấy ra cái áo đầm của hội nhà thờ tặng cho tôi để giả dạng người phụ nữ. Anh đội mũ, đeo kiếng đen, mang theo cái bóp, đi giày cao gót và xuống nhà của một gia đình ông bà cụ già người Việt Nam quen biết để xin kẹo. Tội nghiệp bà cụ khi nghe tiếng gõ cửa và thấy người lạ đến, bà bèn vội vàng gọi cụ  ông  đem kẹo ra cho. Bà ú ớ vì không nói được tiếng Anh. Bà cho kẹo xong thì xua tay cho anh Vĩnh đi ra. Tuy nhiên, anh ấy cố ý đứng ỳ ra đấy nên làm cho bà cụ hoảng hồn. Bà bảo ông cụ tìm cách đuổi đi. Cuối cùng, anh  bỏ kiếng đen và lột mũ ra thì ông bà cụ mới bớt sợ, cười nói vui vẻ. Bà cụ âu yếm lấy tay đánh nhẹ vào tay anh ấy. Giờ đây, vào mùa Halloween nhưng ông bà cụ thì đã ra người thiên cổ rồi!
Trong thời gian chồng tôi thực tập lái xe và thi bằng lái thì mẹ tôi là người lái xe đưa gia đình tôi đi lễ, đi công việc hay đi chợ. Những ngày cuối tuần, mẹ tôi nhờ các thân nhân đưa gia đình tôi đi nhà thờ dự thánh lễ. Gia đình tôi có đến 7 người nên không xe nào có đủ chỗ. Vì thế, mẹ tôi quyết định mua tặng cho gia đình tôi một chiếc xe hơi cũ hiệu Nova, thuộc hãng Chevrolet. Xe Mỹ tương đối có nhiều chỗ ngồi hơn loại xe Nhật.
Thế là chỉ trong vòng 1 tháng từ khi tới Mỹ, chúng tôi đã có thể dọn ra ở riêng nhờ sự giúp đỡ của hội USCC. Chồng tôi đã học và tập lái xe nhờ sự giúp đỡ của mẹ tôi. Tuy chúng tôi lo lắng vì chưa được trợ cấp hàng tháng nhưng các thành viên của nhà thờ Tin Lành luôn nâng đỡ và săn sóc cho chúng tôi.
Đến ngày thứ bảy 15/11/1980 là ngày dọn về nhà mới ở Orange County, thì có ba người đàn ông to lớn của nhà thờ Tin Lành đến nhà để giúp gia đình chúng tôi dọn đồ đạc mà chúng tôi đã lượm được lên một xe chuyên chở hàng hóa. Mẹ tôi tặng cho gia đình chúng tôi một TV đen trắng, một tủ lạnh và vài cái giường nệm. Chúng tôi từ giã thành phố Burbank thuộc Los Angeles County và dọn về thành phố biển Huntington Beach, thuộc quận hạt Orange County.
Khi đến nơi vào lúc 10 giờ sáng thì người thuê nhà trước chưa kịp dọn đồ đạc đi nên những người bạn Mỹ tử tế của nhà thờ  đã lái xe cho gia đình tôi đi dạo chơi trên bờ biển Huntington Beach.
Đã nhiều năm sống đau khổ dưới chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, chúng tôi phải vất vả đi vượt biên bằng đường thủy năm 1978, rồi bị bắt và bị tù. Sau đó, vào đầu năm 1980, lại vượt biên đường bộ, và sống thiếu thốn, lây lất trong trại tị nạn, chúng tôi quay cuồng trong đau khổ, làm gì có dịp ra thăm bờ biển. Giờ này được ra biển, ngồi trên bãi cát vàng,  nhìn đàn chim đáp xuống bên cạnh để lượm những mảnh bánh vụn, tôi vui lây cảnh thanh bình của quê hương mới, nhưng vẫn ngậm ngùi nhớ lại quê hương đau khổ của mình ở bên kia bờ đại dương.  
Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, các ông bạn Mỹ đưa chúng tôi về lại căn nhà thuê. Họ giúp gia đình chúng tôi đem đồ đạc vào nhà. Họ nói lời an ủi, ôm hôn và chúc lành cho gia đình chúng tôi, trước khi lái xe trở lại vùng Burbank.
Trước khi chia tay, chúng tôi đã gọi điện thoại cám ơn ông mục sư Miller và các thành viên trong nhà thờ của ông vì họ đã chân thành chăm sóc và nâng đỡ cho gia đình chúng tôi.
Cho đến nay gia đình chúng tôi đã sinh sống tại California gần 30 năm. Hôm nay là ngày lễ Độc Lập của nước Mỹ, là sinh nhật của quê hương thứ hai của người Việt tị nạn, tôi xin Thượng Đế ban muôn vàn hồng phúc cho nước Mỹ, cho nạn rò rỉ dầu hỏa ở vùng vịnh Gulf Coast, Louisiana được chấm dứt và cho nước Mỹ được bình an và thịnh vượng!
Kim Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,190,411
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.