Hôm nay,  

Đoạn Cuối Hồi Ký Của Ba

19/06/201000:00:00(Xem: 272213)

Đoạn Cuối Hồi Ký Của Ba

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 2923-28223-vb7061910

Bài viết cho Father’s Day tác giả năm nay xuất phát từ một cáo phó, và giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng phân ưu cùng Nguyễn Trần Diệu Hương và tang quyến.Thân phụ của tác giả là Ông Nguyễn Trần Huề,  pháp danh Nguyên Thiện, đã tạ thế ngày 21 tháng 5 năm 2010, nhằm ngày   8 tháng 4 năm Canh Dần và đã được an nghỉ tại nghĩa trang Suối Đá, Nha Trang -VN vào ngày 27 tháng 5 năm 2010. Bài viết kèm theo lời ghi của tác giả: “Để làm đoạn kết cho quyển hồi ký bìa xanh Ba viết riêng cho các con năm 2006 - Với lòng thương nhớ của Mẹ và tụi con”. Đây cũng là tin báo tới  bạn bè của Ba, bạn học ở Khải Định, Quốc Học, ở quân trường Thủ Đức, ở  camp Fort Benning, Georgia; bạn trong quân ngũ; bạn tù ở Biên Hòa, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Gia Trung.   Như một lời cảm ơn muộn màng (của cả gia đình, thay cho Ba) gởi đến Bác DK Lai ở Texas, chú MV Tấn ở Indiana.”

***
Một trong hai tai nạn lớn nhất đời người vừa xảy ra với chúng tôi khi Ba vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ Mẹ và chúng tôi. Những năm gần đây, nhiều người bạn cùng thời với Ba, những người sinh vào cuối thập niên 20s đến cuối thập niên 30s của thế kỷ hai mươi lần lượt bước sang thế giới vĩnh hằng, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho ngày Ba về với ông bà, nhưng lòng vẫn đau như cắt.
Dạo sau này, cả anh Sơn , một người bạn lởp trên ở trường Ngô Quyền xưa, và chúng tôi đều lo sợ khi chuông điện thoại reo lên vào giữa đêm khuya, chỉ sợ đó là tin chẳng lành về các đấng sinh thành.  Cả hai ông Bố đều đã tốt nghiệp "đại học máu" (theo từ ngữ của nhà văn Hà Thúc Sinh) với một thời gian cả một thập niên dài đăng đẳng. Những năm tháng cùng khổ đó đã tàn phá cơ thể của những cựu SQ QLVNCH vốn có lối sống kỷ luật, điều độ, không uống rượu, không hút thuốc như thân phụ của chúng tôi.  Trung tuấn tháng 11 năm 2009, Ba anh Sơn qua đời ở Seattle, WA,  được đồng đội năm xưa đưa tiễn ông lần cuối trong bầu trời xám ngắt của miền Tây Bắc nước Mỹ.  Tôi gọi diện thoại chia buồn với người bạn lớn thời Trung học trước đại tang của ạnh. Và tưởng tượng trong những giọt nước mưa không ngừng lúc cuối thu đầu đông ở Seattle có lẫn những giọt nước mắt của anh Sơn, Mẹ và các em của anh.  Tang lễ xong, anh gọi điện thoại cảm ơn, giọng nói vẫn còn âm ỉ nỗi đau mất cha  Mới biết, dù người ta có lớn, có già đến đâu đi nữa, mất cha vẫn là mất một nửa bầu trời xanh hạnh phúc.
Không may, chỉ nửa năm sau, đến lượt chúng tôi phải chịu một trong hai đại tang lớn nhất đời người. Không phải là một cú điện thoại mang đến tin dữ giữa đêm khuya, mà là vào buổi chiều, lúc hoàng hôn ở ven biển miền Tây nước Mỹ, buổi sáng ngày Lễ Phật Đản  2554 ở Việt Nam, báo tin Ba vĩnh viễn ra đi chỉ sau ba ngày bệnh tim trở nặng.
Dù đã bắt đầu tìm hiểu  kỹ về tôn giáo, vê lẽ vô thường từ khi Ba Mẹ bước vào tuổi bảy mươi, chúng tôi cũng đau đớn như một phần cơ thể của mình vừa bị mất. Mấy anh chị em mua vé máy bay, xin visa khẩn nhập cảnh Việt Nam, về liền ngay ngày hôm sạu.  Các hãng máy bay ở Châu Á không dành ưu đãi (như một lời phân ưu) cho những người phải lấy chuyến bay gấp để về chịu tang như các hãng máy bay ở Mỹ. Nhưng vào giờ phút đó, tiền bạc không còn đáng kể nữa
Hai chuyến máy bay quốc tế vượt đại dương, và một chuyến bay quốc nội từ phi trường Tân Sơn Nhất đưa chúng tôi về đến quê nhà trong vòng hai mươi bốn tiếng.. Cảnh vật trước mắt nhạt nhòa, bị che khuất bởi nước mắt và nỗi đau của người mới mồ côi cha.
 Đây không phải là lần đầu chúng tôi có cảm giác này.  Nâm 1976, các cựu sĩ quan QLVNCH bị đưa ra mạn ngược ở miền Bắc, nhiều người chịu không nổi sơn lam chướng khí và điều kiện khắc nghiệt của "đáy địa ngục" (theo một tác phẩm cùng tên của  họa sĩ kiêm nhà văn quá cố, cựu Đại tá Tạ Tỵ) đã về thế giới bên kia ở tuổi bốn mươi, bỏ lại vợ dại con thơ ởø miền Nam vừa "được giải phóng". Hồi đó có một người cùng cấp bậc, ở cùng trại cải tạo với Ba, có cái tên giống như Ba nhưng không có dấu huyền, đau nặng rồi từ trần, không một người thân yêu nào bên cạnh, chỉ có tấm lòng của đồng đội cùng khổ trong lao tù cải tạo. Thế là bằng một cách nào đó, tin dữ lan xa về đến miền Nam, đến cư xá cũ ở Biên Hòa nơi chúng tôi sống trước tháng 4 năm 75  Rồi tin chuyển về đến với Mẹ và chúng tôi là Ba đã mất trong trại cải tạo.  Còn nhớ, dù còn nhỏ, tôi đạp cái xe mini màu trắng ra ngồi khóc một mình giữa trưa đứng bóng ở bãi biển Nha Trang.  Lúc đó bãi biển còn rất vắng và vẫn còn vẽ đẹp nguyên thủy của thiên nhiên. Màu xanh của biển trời, màu trắng của bãi cát nhạt nhòa trước mắt tôi. (Qua màn nước mắt, tôi thấy lại hình ảnh Ba lúc đi trình diện "học tập cải tạo" với thời gian một tháng theo thông báo, khoác cái "sac marine" màu olive ngồi sau xe Honda màu đỏ để anh Luân chở giùm Ba ra ga xe lửa Biên Hòa đi trình diện ở trường Don Bosco.)
Chiều cùng ngày, trong nỗi bàng hoàng và đau xót của Mẹ và chúng tộI, lại có tin truyền miệng đưa về người mất trong trại cải tạo là một đồng đội có tên gần giống với tên Ba, không phải là Ba.  Nhưng phải đợi đến cả ba tháng sau, nhận được thư Ba gởi về từ lao tù cải tạo, có nội dung giống hệt những thư trước, như thư của tất cả những người tù chính trị khác, nhìn đúng chữ của Ba với ngày tháng trong thư sau cái ngày nhận lầm tin dữ đó, Mẹ và chúng tôi mới yên tâm.
Ba mươi bốn năm sau, nhận dược tin nát lòng Ba từ trần qua đường dây điện thoại,  chúng tôi biết "lịch sử không lập lại" như năm xưa, nhưng vẫn ước gì đó  chỉ là một cơn mơ dài.
 Chúng tôi gác lại mọi việc ở quê hương thứ hai, dắt díu nhau về quê nhà chịu tang Ba, một trong hai đại tang lớn nhất đời người Nỗi đau mất cha òa vỡ, lớn đến nỗi chúng tôi mất cảm giác, không báo tin cho ai, ngoài các cô chú, em ruột của Ba  đang ở rải rác nhiều nơi trên thế giới; và người bạn thân nhất của Ba ở Dallas, Texas. Qua đường dây điện thoại, chúng tôi cảm nhận được nỗi ngỡ ngảng và tấm lòng của Bác đối với Ba.  Theo niềm tin của Phật giáo, dù chúng tôi không nhận phúng điếu, Bác gởi tiền nhờ chúng tôi phóng sinh một trăm con chim vào lễ hạ huyệt của Ba để góp phần cầu nguyện cho Ba được siêu thăng tịnh độ.
Không những chỉ làm đúng theo yêu cầu của Bác, -để cả Bác lẫn Ba đều hài lòng -, ngày đưa Ba về lòng đất, một trong các em tôi còn  mang đôi dép của Bác (đôi dép Bác đã để lại ở thềm nhà trong dịp Tết Canh Dần về thăm Việt Nam lần đầu sau 35 năm lưu vong, ghé Nha Trang  ở chơi với Ba một tuần).  Coi như Bác cũng về Nha Trang với chúng tôi, đưa Ba đi lần cuối trên con đường Duy Tân chạy dọc theo bờ biển về nơi an nghỉ cuối cùng .
Trong nỗi đau xót mất cha, trong lời kinh cầu nguyện của các Tăng Ni trước linh cữu của Ba, chúng tôi được nghe những người khoác áo vàng của một nhà tu nhắc lại những kỷ niệm của họ với Ba trong thời gian Ba dạy họ học Anh văn.  Cả hai bên đềøu kính cẩn gọi nhau là "Thầy ". Ba gọi họ là "Thầy" vì chiếc áo vàng của một người xuất gia.  Họ gọi Ba là "Thầy" vì Ba đã giúp họ trau dồi Anh văn, một ngoại ngữ rất thịnh hành ở Việt Nam từ khi chính quyền trong nước "mở cửa đổi mới".


 Tang lễ xong, chỉ đủ thời gian an ủi Mẹ, ở nhà với Mẹ vài ngày để Mẹ quen dần với nỗi trống vắng to lớn, chúng tôi trở lại Mỹ để phải chạy theo "nợ áo cơm" và những ràng buộc thường tình cùa đời sống.
Khác với những lần trước về thăm nhà, lần này hành trang của chúng tôi gọn nhẹ, không có gì ngoài những bộ quần áo màu trắng và đen chúng tôi sẽ phải mặc trong suốt thời gian cư tang. Về lạI Mỹ, hành lý chỉ có thêm vài món đồ Ba đã chắt chiu gìn giữ sau bao nhiêu nâm vật đổi sao dời, những kỷ vật có ẩn chứa một đoạn đời thơ dại hạnh phúc của chúng tôi ở Biên Hòa vào đầu thập niên 70s.
 Ba chưa bao giờ kể lại cho chúng tôi  một diều gì về những ngày cùng khổ trong các trại cải tạo  từ Nam ra Bắc rồi vào miền Trung, nhưng đây đó qua những bài viết về hồi ức những ngày cơ cực của các cựu sĩ quan QLVNCH đang sống những ngày cuối đời ở đất khách quê người, chúng tôi được biết về tấm lòng của Ba với đồng đội, bạn bè ngay cả  trong gian nan khốn khó.  Chẳng hạn như Ba đã chia cho những người bạn tù từng viên trụ sinh hết sức quý hiếm trong những giờ phút bệnh họan, đói khát trong lao tù cải tao.
Phài chăng cũng như Bác, hạnh từ bi đã có trong Ba tự thủa nào nên Ba không hề mở miệng oán trách những ngưòi đã tước đoạt  nhà cửa, gây ra bao khốn khó một thời cho gia đình.
Khi chúng tôi qua lại Mỹ, người bạn thân nhất của Ba đã kể lại cho chúng tôi cơ duyên Bác với Ba có một "tình bạn Lưu Bình Dương Lễ". Những chuyện mà chúng tôi chưa bao giờ được nghe. Nhân sắp đến ngày Father s Day và ngày Quân lực VNCH (19 tháng 6), xin ghi lại như một cách để tưởng nhớ đến Ba, một người lính thanh liêm, gương mẫu của QLVNCH. -như người Mỹ vẫn "celebrate one s lìfe" khi một người vừa từ trần-.
Bác đã kể cho chúng tôi nghe về tính khiêm cung và tinh thần chí công vô tư của Ba trong thời gian làm ở Nha Tổng Thanh tra QLVNCH  thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Thời đó, thập niên 70s, có thể vì chúng tôi còn quá nhỏ, có thể vì Ba không bao giờ mang chuyện công ra kể lễ ở nhà, chúng tôi không biết gì về công việc của Ba. 
Hơn ba thập niên trôi qua, đúng với định luật "tre tàn măng mọc". rất nhiều người trong hàng ngũ QLVNCH đã về cõi vĩnh hằng, ký ức của người còn sống cũng đã nhạt nhòa theo năm tháng.  Nhưng ở tuổi tám mươi, Bác vẫn còn tinh tường và khỏe mạnh để kể lại cho chúng tôi nghe về  thân phụ của chúng tôi, về người bạn thân nhất của Bác.
Dạo đó, một trong những nhiệm vụ của Ba là dạy về các điều luật trong quân pháp. Khi Bác đổi về Nha Tổng Thanh Tra, mặc dù cùng cấp bậc, trạc tuổi Ba, tuy không có nhiều kinh nghiệm thanh tra trên khắp bốn vùng chiến thuật, nhưng Bác có bằng Luật sư. Thời gian đầu, Bác mới về, Ba luôn truy vấn Bác về các diều luật, về quân pháp, Bác trả lời rành mạch, thuộc nằm lòng các bộ luật quân sự lẫn dân sự. Thấy Bác tường tận luật lệ, lại có bằng chuyên môn, Ba xin với "xếp"  để Bác thay thế Ba trong các lớp dạy về quân pháp . "Xếp " hỏi:
 -Anh có chắc là anh kia có kinh nghiệm điều tra thực tế và hướng dẫn quân pháp rõ ràng không"
Ba quả quyết Bác thừa sức đứng lớp thay Ba. Thế là từ đó, Bác thay Ba dạy về quân pháp ở Nha Tổng Thanh Tra, Ba chỉ phụ trách lớp học khi nào Bác bận công tác khác Không những thế, lúc nào có thể thu xếp được, Ba vẫn đến lớp của Bác, vừa dự giờ, vừa học hỏi thêm từ kiến thức của một người đã hành nghề Luật sư nhiều năm. Từ đó, tình bạn khởi đầu giữa Ba và Bác vì cả hai cùng có hạnh khiêm cung, và lòng  từ bi. Có lúc phải điều tra những hồ sơ mà người bị tố cáo có cấp bậc cao hơn Bác  và Ba nhiều, nhưng bao giờ cá hai cũng làm việc với tinh thần chí công vô tư, giữ lại được hình ảnh tốt đẹp của những SQ QLVNCH trong lòng người dân miền Nam.
Cơn lốc tháng Tư 1975 cuốn đi tất cả mọi thứ.  Bác di tản kịp thời, với kiến thức về Luật đả được học ở Mỹ từ năm 1958, Bác lấy lại được bằng hành nghề và làm công chức liên bang ở Pennsylvania đến ngày về hưu   Nghiệp nặng hơn, Ba ở lại, lận đận gian nan cả chục năm trong lao tù cái tạo  từ Nam ra Bắc Trong gần hai thập niên, Bác không ngừng tìm kiếm Ba cả ở Mỹ lẫn Việt Nam nhưng không đạt được kết quả nào vì "chim bay biển Bắc, anh tìm biển  Nam"
Cuối cùng tấm lòng của Bác với Ba động đến lòng Trời,  một người bạn khác của Bác giúp Bác tìm ra Ba sau ngót hai mươi năm biệt tin với rất nhiều vật đổi sao dời. Bác và gia đình muốn yểm trợ vật chất cho Ba Mẹ chúng tôi nhưng vào thời điểm đó chúng tôi đã đủ khả năng chu cấp cho Ba Mẹ. Nên từ đó,  Bác vẫn đều đều gởi tiền về hàng năm  để Ba giúp Bàc chia xẽ với những người kém may mắn hơn.  Bác có của, Ba có công, nhiều thương phế binh VNCH, nhiều người tàn tật, các em bé mồ côi đã được trợ giúp vật chất đều đặn hàng năm. 
Dù được ra đi theo chương trình HO từ năm 1990 nhưng Ba Mẹ từ chối không đi vì lúc đó  chúng tôi đã ổn định ở quê nguời.  Lúc qua thăm chúng tôi, Ba đã dành vài ngày về thăm Bác, thăm ngôi chùa nhỏ Bác đã tạo dựng ở Pennsylvania. Vì nợ áo cơm chúng tôi không thể đi theo để được chứng kiến cuộc hội ngộ của hai người bạn thân sau một phần tư thế kỷ. Nhưng nhìn những tấm hình chụp Bác và Ba ngồi trang nghiêm ngay ngắn trong hai cái áo tràng màu lam trước tượng Phật, dù tóc đã ngã màu sương khói, nhưng lưng vẫn còn thẳng như ngày xưa vẫn ngồi bên nhau trong áo lính màu olive  trong lớp học Tham mưu cao cấp ở Dalat, mới thấy hết ý nghĩa của câu ngạn ngữ "tình bạn như rượu chát càng cổ xưa càng dịu ngọt".
Nhờ Bác thuyết phục, những năm cuối đời, Ba đã thuộc được "Chú Đại Bi ", một bài kinh tiếng Phạn rất khó nhớ, vẫn được tụng niệm trong các khóa lễ của Phật giáo, mà Bác đã nằm lòng từ lúc còn học Tiểu học ở Hưng Yên.-
Theo niềm tin của đạo Phật, từ lúc Ba mất đến 49 ngày, mỗi tuần ở quê nhà Mẹ vẫn phóng sinh một số chim se sẻ, bằng đúng số năm Ba sống trên đời để cầu nguyện cho Ba được vãng sinh cực lạc  Mỗi thứ năm, lễ hàng tuần cho Ba được tổ chức ở nhà bời một thiền sư đã học Anh văn với Ba trong quá khứ. Cùng thời điểm, ở California lúc 8 giờ  tối, và ở Texas  lúc 10 giờ đêm thứ tư, chúng tôi và Bác vẫn đọc kinh địa tạng, kinh phước đức, và kinh thương yêu để mong Ba được thênh thang hạc nội mây ngàn mặc dù cả cuộc đời, Ba luôn hành xử theo lương tâm và lẽ phải.
Trong nỗi đau không cùng, chúng tôi có niềm tự  hào về Ba. Ba không để lại cho chúng tôi một gia tài vật chất như nhiều người cha giàu có khác, nhưng chúng tôi đã được thừa hưởng từ Ba một gia sản tinh thần vô giá từ cuộc đời mực thước của Ba.  Một cuộc đời luôn gắn liền với đức khiêm tốn và hạnh từ bi.  Ba đã tha thứ cho ngay cả những người đã đày đọa Ba và bạn bè trong lao tù cải tạo.
Từ ngày Ba mất, hính như núi Thái Sơn trong tim của mỗi chúng tôi cao hơn, ngút ngàn, vô tận .....
Nguyễn Trần Diệu Hương
(Father' s Day 2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,617,258
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến