Hôm nay,  

Father’s Day 2010: Ngoại Bang

18/06/201000:00:00(Xem: 260313)

Father’s Day 2010: Ngoại Bang

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 2922-28222-vb6061810


Bút hiệu tác giả được ghép họ của người chồng và tên lót quen thuộc trong cách đặt tên phụ nữ Việt. Đoàn Thị đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài mới nhất của bà  viết cho mùa “lễ cha” là chuyện kể về bố.

***

Thời trẻ bố làm trên thương thuyền tây, đệ nhị thế chiến bố bị "động viên", nước Việt lúc đó có phải là một tỉnh lỵ, một huyện hạt gì đó của tây không mà có cái vụ động viên kiểu này, rồi bố leo lên tàu thủy của tây với cấp bậc trung úy để đi đánh giặc.
Bố đã viễn du bốn bể, qua tận bên Madagasca, nằm dưỡng thương vùng núi Pyrénées, được bộ chiến binh cấp giấy chứng thương, nhưng bị xù tiền cựu thương binh. Bố cóc cần, bố sang xứ Ăng Lê lạnh lùng sống một thời gian trước khi quay về quê nhà.
Một thời phiêu bạt xứ người chắc chắn là bố học được một sàng khôn, vì thế bố không thích ông tây bà đầm. Nhà chồng tôi hồi đầu cũng thế, bảo tại tây chia đôi đất nước nên các cụ phải khăn gói đi tàu há mồm vào nam, nhưng sau đó thấy họ hàng ngoài ấy "tắt tị" im hơi nín thở, nhịn mặc, đói ăn, khát tự do ... mới bớt ghét tây.
Những năm sáu mươi Mỹ đổ bộ vào miền nam, bố ra làm việc với đồng minh, văn hóa Mỹ theo gót chân đội quân viễn chinh tấp vào "Hòn ngọc viễn đông", từng bước từng bước thầm, văn hóa Mỹ lấn sân văn hóa Pháp thuộc, nhạc tây được thay bằng nhạc Mỹ. Chuơng trình nhạc yêu cầu trên đài quân đội thỉnh thoảng có mấy chị học ở "Domaine de Marie" trên Đà Lạt yêu cầu nhạc tây, tôi áp tai vào chiếc radio hai băng, mắt nhắm nghiền thưởng thức từng nốt nhạc đang rút vào "hậu cứ" khi dòng nhạc mỹ kiểu như "California dreaming" vang lên khắp nơi.
Sinh ngữ thời thượng ở bậc trung học lúc bấy giờ chuyển sang Anh văn, cũng tốt thôi, tiếng tây rắc rối bỏ xừ, nội cái vụ chia "vẹc bờ" đã mệt phờ râu, lại thêm giống đực giống cái, bàn ghế ly tách chén... cũng phân biệt đực cái, may mà mấy thứ vô tri mang giống cái đó chưa đòi bình quyền với giống đực. Chị em chúng tôi đi học thêm Anh văn, lại chui ngay vào hội Việt Mỹ mới ác, ác ở chỗ là sau giờ học ông thầy "lính mỹ" thích học thêm tiếng việt nên rủ học trò ở lại trao đổi thêm, chúng tôi hẹn lần sau. Về hỏi ý bố, thế là bố bắt nghỉ học, bố không thích con gái giao du với lính mỹ, bố lên lớp một buổi các con thất kinh hồn vía, đến hội việt mỹ xin đổi qua lớp khác, và thề độc với bố là sẽ bỏ ngay ý định "đàm thoại" ngoài giờ với thầy mỹ.
Một hôm lấy hết can đam tôi hỏi bố:
- Sao bố làm với Mỹ mà không muốn chúng con đàm thoại với người mỹ.
Bố nghiêm mặt:
- Học Anh văn thì cứ học, còn lính Mỹ thì không đụng đến, họ đến đây rồi cũng sẽ rút như tây, con gái va vào họ chỉ mang tiếng chứ được gì.
Tôi chưa thỏa mãn với câu trả lời của bố, có cái gì đó không rõ ràng trong cách giải thích, nhưng dạo đó tôi là đứa con gái chưa trưởng thành để bố có thể nói chuyện nhiều hơn.
Những năm đầu làm việc với Mỹ tôi thấy bố hăng say lắm, bố đi công tác các tỉnh từ miền trung trở vào, sau mỗi chuyến công tác, bố thả băng ghi âm nghe và viết báo cáo trên chiếc máy đánh chữ cũ xì bố mang về từ xứ Ăng Lê.
Sàigòn thay da đổi thịt, phòng cho thuê mọc lên như nấm, hàng PX bán suốt con đường Nguyễn Thông, chợ cũ Hàm Nghi, hộp đêm mini treo bảng lủng lẳng khu dân cư gần trại Phi Long. Con đường Trương Minh Giảng hãng RMK cào tới cào lui hai ba bận để tráng nhựa phẳng phiêu tới cổng phi trường Tân Sơn Nhất.
Gia đình tôi nằm lọt thỏm trong vùng nhà thờ ba chuông, ngã ba ông Tạ, khu bắc kỳ di cư chính hiệu, nhà thờ nằm ở mặt tiền đường, nhà thờ ở trong hẻm, tổng cộng xấp xỉ một chục chẵn, hàng phở, bún riêu hẻm nào cũng có, bởi vậy sau này khi tôi lấy chồng bắc kỳ 54 cả họ chỉ biết nhe răng cười, có o "kỳ thị" hỏi tôi:
- Răng mi lấy chồng bắc kỳ, trong họ nhà mình mi là đứa tiên phong đó
Tôi lí nhí:
- Mấy o muốn con lấy bắc kỳ 75 sao, ế rồi, vả lại con ở ngay "thủ phủ dân di cư" cả chục năm nay, quen ăn rau muống rau lang chấm mắm tôm, không lấy bắc kỳ 54 thì lấy ai.
Sàigòn bắt đầu kẹt xe, báo đưa tin xe GMC của lính mỹ cán con nít người lớn khắp nơi, con gái nông thôn kéo ra tỉnh làm gái phục vụ quân đội đồng minh, phụ nữ làm việc với mỹ bỏ chồng việt lấy chồng mỹ, những dấu hiệu cho thấy cuộc chung sống với đồng minh không mấy ngọt ngào như người ta nghĩ lúc ban đầu.
Hình như có cái gì không ổn, vụ đánh bom du thuyền Mỹ Cảnh, tết Mậu Thân, thảm sát làng Mỹ Lai, TV phát những thiên phóng sự chiến trường đỏ lửa. Cảnh dân lành vật vã bên xác người thân, trẻ con lạc loài giữa hai lằn đạn, thương binh nằm trên cán đưa lên trực thăng, lão phóng viên chiến trường nào đó đã thả bản nhạc hòa tấu "Exodus" đi kèm hình ảnh chiến trường như chiến địa suốt buổi phát hình. Tội nghiệp quê hương tôi, tuổi trẻ lớn lên với tiếng bơm rơi đạn nổ, bơ vơ giữa những thế lực bên ngoài, vận mệnh cả một dân tộc do ngoại bang đặt để như một ván cờ cố chặn làng sóng đỏ đang lang tràn như triều cường.
Hội nghị Paris, một bước lùi của đồng minh, nội tình chính trường lục đục, cố vấn của tổng thống, là một tên nằm vùng của Hà Nội, CIA, cơ quan phòng nhì của Sàigòn bó tay, viễn cảnh niềm Nam tự do thật mong manh. Một số cơ quan hành chính Mỹ bắt đầu rút đi, nhân viên đã từng làm việc với họ có thể mang gia đình di dời về Mỹ, một cuộc di tản thử nghiệm dựa theo tiêu chuẩn chức năng công việc, báo hiệu sự rút lui toàn bộ của đồng minh trong những tháng sắp tới.
Sàigòn nhốn nháo những tin đồn "có thật", nhân viên PX, USAID ...., có người nhường vé của cả gia đình họ, hoặc ghép thêm người ngoài vào danh sách gia đình được di dời qua Mỹ với giá vài triệu đồng, trong lúc báo chí Sàigòn loan tin một trí thức đã mua thuyền đưa cả gia đình di tản trước khi Sàigòn sụp đổ.
Tôi thật hoang mang trước cảnh nháo nhào như thế, cảnh tượng thểu não khi cách mạng Nga tiến về thành phố trong phim "Bác sĩ Jivago" cứ như cơn ác mộng, tôi không tưởng tượng nổi ngày mai Sàigòn có thể là một Moscou theo kiểu cách mạng Nga, tất cả sẽ phải trở nên vô sản, không chỉ vô sản về vật chất, mà cái sản nghiệp tri thức cũng sẽ bị xóa sạch.
Đầu năm 75 bà trung tá thuê tôi làm gia sư kèm cho các con của bà từ mấy năm nay, rủ chị em tôi ghi tên cùng di tản với gia đình bà, tôi về xin bố cho chúng tôi đi, bố quát:
- Các con là con gái, làm sao bố có thể để các con đi với người lạ đến tận nước Mỹ
Tôi cố thuyết phục bố:
- Nhưng Sàigòn sẽ trở thành một Moscou như nước Nga bố ơi, khiếp lắm
Im lặng một lúc, bố buồn bã:
- Con biết cái gì, Sàigòn sẽ trung lập thôi
Cái từ trung lập bố moi ở đâu ra để trấn an chúng tôi, cái từ đó đã ngáng chân chúng tôi ngã qụy trước nhũng chuyến đi đang mời gọi, đố đứa nào dám hỏi bố sao không ghi danh đi theo sở Mỹ bố làm hồi trước. Từ hôm đó tôi thẫn thờ ra vào, gia đình bạn bè có người cũng đã ra đi trước đó cả tháng, tôi như ngồi trên đống lửa. Mấy chục ngày sau, khi chiến trường miền trung bị bỏ ngõ, ông anh quân y của tôi ôm vợ con chạy về Sàigòn, anh xin ý kiến bố:
- Tụi Mỹ bảo con theo họ qua bên đó, bố nghĩ sao
Bố quyết liệt:
- Đi làm gì, niềm Nam sẽ trung lập
Đang hy vọng bố xúi anh đi để chúng tôi đi theo, vì lần trước bố sợ qua bên đó người ta gã con gái của bố cho mỹ, bây giờ đi với anh hai thì chắc ăn, nhưng cái từ trung lập oái oăm lại án ngữ chúng tôi một lần nữa.
Ngày 30 tháng 4 năm 75 không hẹn cũng đến, thời gian cứ trôi đi mặc cho tương lai đứng ì ra đó như ăn vạ, thủ tướng Hương tuyên bố trao quyền cho "lực lượng giải phóng miền Nam", cái giả thuyết trung lập của bố coi như phá sản. 
Cả miền nam như ngưng thở, chiến tranh chấm dứt bằng một cuộc chiến khóc liệt mới, tù đày, hận thù, chia xa chết chóc. Trước khi trình diện học tập cải tạo, anh tôi đến gặp bố, hai bố con nói chuyện với nhau thật lâu, tôi thấy bố thở dài ngao ngán, đôi mắt đâm chiêu, giọng bố chậm rãi:


- Ngày trước bố ghét tây sau một thời gian chung sống với họ, bố hiểu họ coi dân mình như tôi mọi, vắt kiệt sức người, vơ vét của cải rồi phủi tay ra đi. Mỹ cũng thế, dùng nước mình như một "con tốt" để đánh cược với khối cộng sản, bọn ngoại bang cùng một lứa như nhau, chỉ dân nhược tiểu chuốc lấy thiệt thòi vì không tìm ra con đường cho riêng mình.
Sàigòn bắt đầu đoạt cúp, cúp điện, nước, gạo, đường ... nhưng cái cúp ăn tiền nhất là "cúp tự do", nhân dân chả cần đến tự do, mặt hàng xa xỉ này bác đã đánh gía "không có gì quý hơn" rồi, cái độc quyền đó của đảng, dân chúng cứ nhắm mắt dắt díu nhau đi đến thiên đàng cộng sản. Nhưng phải cẩn thận nhé, trước khi đến thiên đàng phải qua cổng địa ngục "bước quá độ tiến lên chủ nghĩa cộng sản", giai đoạn quá độ "cầu vượt" đó bây giờ các quan chốp bu đang thực hiện thay nhân dân qua cuộc sống đặc quánh "tư sản đỏ".
Dạo đó họ tung ra mọi thủ đoạn trấn lột dân miền nam, từ chính sách thắt họng, đổi tiền, năm trăm bằng một đồng cụ hồ, mỗi gia đình chỉ được đổi một ít tiền, tiền dôi ra xung vào "quỹ của ma quỷ" đội lớp người, rồi gom dân thành phố đưa ra vùng kinh tế ở rừng sâu nước độc. Thanh niên "bị xung phong" đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, miễn là rời xa Sàigòn, lìa bỏ gia đình. Cựu quân nhân VNCH lên rừng trả nợ với nhân dân, họ đã hy sinh tuổi trẻ cho tổ quốc, bây giờ phải trả thêm cái nợ thua cuộc trong trận chiến huynh đệ tương tàn, thật bất công.
Dân miền nam ngơ ngác nhìn những thành phố lớn bị "rút ruột", dân bị đẩy ra rừng, nhà cửa tài sản bị tịch thu, ông già bà lão, đàn bà con nít bơ vơ vì đàn ông rường cột của gia đình đã bị họ đốn ngã.
Cán cộng có người thẫn thờ thấy miền nam phồn vinh chứ không nghèo đói bị Mỹ bốc lột như họ bị nhồi sọ, họ chua chát thấy họ bị lừa dối, đành câm lặng vơ vét thẳng tay, bù đắp cho những mất mát thua thiệt họ đã gánh chịu.
Bố thẫn thờ ra vào nhìn các con gom góp tiền bạc, ra đi trong đêm tối, tránh sự dòm ngó của láng giềng, hy vọng không quá ba ngày, hung tin đưa đến, các con đang ở tù vì tội vượt biên. Tôi lại khăn gói ra vào trại giam gần Vũng Tàu thăm nuôi người nhà, bố càng lặng lẻ ít nói, mượn mấy xị đế để "tự trần tình", đến lúc bí tỉ bố mới lên tiếng, tại bố mù quáng nên các con mới ra nông nỗi này. Tôi thương bố quá mà không biết làm gì cho vơi nỗi lòng của bố, từ ngày nghiệt ngã tháng tư năm nào, gần mười năm rồi bố vẫn còn bị dằn vặt vì cái nhìn sai lầm ngày ấy, có lẽ bố sẽ ray rứt cả đời nếu các con cứ phải vất vưỡng kiếm sống chợ trời, chờ ngày ra đi và quay về trong ngục tù.
Tiền của bố mẹ vơi dần theo những chuyến phiêu lưu của chị em tôi, tôi là người duy nhất "từ chối" không đi chui, nhường chỗ cho cô em độc thân, biết mình không có số đi ngoại quốc, có đi cũng không tới. Nhất quá tam, em tôi thất bại lần thứ ba, tiền thăm nuôi cạn dần, chuyện ra đi lần thứ tư coi như "hẹn kiếp sau", mọi người thất vọng, chuyện "di cư" sang thế giới tự do chỉ là ảo vọng.
Cuộc sống trở về nhịp cũ, mưa nắng chợ trời giúp mọi người dần dần thức tỉnh, có thực mới vực được đạo, ba năm làm một lần ra đi không thành là tiêu tán hết bao công sức, không thể nuôi mộng kiểu này được, dù biết rằng con người sống nhờ những giấc mộng lớn. Bố là người đầu tiên đau khổ thấy tương lai các con dậm chân tại chỗ, chúng tôi không ai bàn đến chuyện ra đi và chúi mũi "lao động" dù chả vinh quang chút nào khi bị công an hốt vì tội "mưu sinh" trên hè phố.
Chuyện ra đi tạm lắng dịu, nhưng vết thương lòng của bố chưa bao giờ khép lại, thỉnh thoảng nhận được quà của đồng nghiệp cũ bên Mỹ gởi về, bố lại tự trách mình đã cản bước các con để đàn cháu phải ê a học làm cháu ngoan bác Hồ. Bố thề không đội chung trời với cộng sản, giờ phải "nương náu" chế độ, mua từng cân gạo sống hết quảng đời còn lại, đau hơn là các cháu còn cả một tương lai vất vưỡng, sự sai lầm của bố đã kéo con cháu vào vũng lầy không có lối thoát.
Tôi thao thức với những trăn trở của bố, muốn làm một cái gì đó để xoa dịu vết thương quá lớn trong lòng bố, nhưng thân gái như tôi làm được gì ngoài những chia sẻ lặng lẻ với bố.
Một chiều tin vui đến bất ngờ làm tim tôi suýt ngưng đập, tôi được cữ qua tây tu nghiệp vài tháng, niềm vui chưa trọn nỗi lo ập đến khiến tim tôi đập loạn nhịp, tôi phải tìm cách ở lại, nhưng còn con tôi, thằng con đỏ hỏn vừa tròn sáu tháng tuổi. Sau mười bốn năm ngụp lặn trong giông bảo của những chuyến đi không thành, lần đầu tiên cánh cửa hy vọng ló dạng, vậy mà niềm vui hình như là bắt đầu của những lo âu, tôi phải làm gì đây giữa tình mẫu tử với con và tình cha con mà tôi chưa bao giờ có dịp báo hiếu với bố. Nếu tôi ở lại tôi phải xa con, ngày đoàn viên sẽ là bao nhiêu năm, tôi không dám nghĩ xa hơn, nhưng tôi không thể quay về, vì đó là niềm hy vọng duy nhất để bố không còn ân hận với các con.
Bây giờ tôi mới thấu nỗi lòng của bố, bao nhiêu năm nay tôi "đoán mò" niềm đau của bố, những đêm trắng bố trăn trở cho tương lai của các con, tôi sẽ trắng đêm thao thức thương nhớ và chờ đợi chồng con.
Ngày lên đường tôi không dám khóc, nhìn thằng bé sáu tháng tuổi, tôi thỏ thẻ như một tội phạm, mẹ đi nhe con, tôi leo vội lên xe để dấu giòng lệ đang tuông trào, ánh mắt bố câm lặng dõi theo tôi, tiếng khóc thầm của bố vẫn còn vang trong tôi mỗi khi tôi nhớ đến bố.
Sau một năm vật lộn với mọi thủ tục hành chính, tôi đã được quy chế tị nạn, nhưng muốn bảo lãnh chồng con phải chờ một thời gian nữa. Tôi vui lắm vì phần nào tôi đã "giải oan" cho bố, một trong bốn đứa con của bố đã đến bến bờ tự do, nhưng tôi cũng chết điếng vì không biết đến bao giờ mới gặp lại thằng con sáu tháng tuổi ngày tôi ra đi.
Thư nhà lúc nào cũng nhắc đến nỗi buồn của bố, bố thương thằng cháu ngoại còn đỏ hỏn phải xa mẹ để ông ngoại bớt ray rứt, nhưng ông có vơi nỗi niềm bao giờ đâu khi mẹ con tôi còn xa cách nhau.
Ngày tôi đoàn tụ với chồng con bố mới thật sự nguôi ngoai, trước đó gia đình anh tôi ra đi theo diện HO, sau đó em tôi đặt chân lên đất Mỹ, cháu tôi đi du học và lập gia đình sinh con. Bố lên chức ông cố của con bé mỹ lai, hình như bố hết giận cựu đồng minh đã từng bỏ rơi chúng ta và tiếc cho tôi, đứa đầu tiên vượt thoát chế độ CS, nhưng chưa đến được đất hứa thật sự như bố mong muốn.
Em tôi đang tiến hành thủ tục bảo lãnh bố mẹ, chúng tôi vẽ vời sẽ dẫn bố đi ăn phở bắc đúng điệu ở xóm Bolsa, hương vị giốnh y như quán phở Thăng Long những năm sáu mươi trên đường Chi Lăng bên Phú Nhuận. Quán phở năm xưa của bố trên bàn lúc nào cũng có chai sữa tươi, vài chiếc bánh gai, phở tái, nạm, gầu, nước lèo trong veo chỉ có hành lá thái nhuyễn và hành trần, làm gì có giá trụng tương đỏ tương đen như ngày nay.
Tin bố qua đời, đột ngột quá, tin sét đánh làm chúng tôi muốn vỡ tung lòng ngực, giấc mơ lớn nhất đời chúng tôi tan thành mây khói. Gần hai mươi năm bố đã tự đấm ngực bao nhiêu lần, nhìn các con kinh qua cuộc đổi đời cay nghiệt, xót xa bất lực khi các con vào tù ra khám mà đường đi tìm tự do xa tít tận chân trời.
Giờ "vinh quang" của bố sắp điểm, vậy mà định mệnh trớ trêu vẫn đuổi theo bố đến cùng. Ngày nay gia đình các con của bố đã cắm dùi trên đất lành, con cháu đông đủ, chỉ thiếu bố, người đã cho chúng con hiện diện trên cõi đời này.
Con bé mỹ lai, nhìn hình bố trên bàn thờ, nói ngọng:
- Ông cố nại (ngoại) smile với mình đó
Ánh mắt dõi theo của bố như cười với chúng con, bố ơi, cái xứ ngoại bang bố không ưa nổi đang cưu mang con cháu của bố đây, chúng con đã đến bến bờ mà bố đã can ngăn, để rồi bố ân hận và thầm mơ ước cho chúng con.
Thế gian này sẽ trở nên hoang vắng vì vắng bóng người mình yêu, ngày Lễ Cha hôm nay, tuy bố vắng mặt, nhưng chúng con không quên, tình yêu của bố đã cho chúng con nghị lực vượt qua khó khăn và vững bước trên đường đời.
Đoàn Thị

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,192,959
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến