Hôm nay,  

Má Và Con

12/05/201000:00:00(Xem: 285796)

Má và Con

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 2888-28188-vb4051210

 Bút hiệu Đoàn Thị, theo tác giả được ghép họ của người chồng và tên lót quen thuộc trong cách đặt tên phụ nữ Việt. Đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của Đoàn Thị, cũng là bài viết dành cho “Ngày của Mẹ”.

***

Cái tình mẫu tử quá linh thiêng nên khi phật ý điều gì má cũng im lặng. Con là tác phẩm tuyệt vời má đã tác tạo, tác phẩm đó nhìn kỷ sẽ thấy có chỗ gồ ghề, chỗ lõm trơ, nhìn theo nhãn quan của má, con trai của má tròn trịa vô cùng.
Trong sở làm con là nhân viên giỏi, ngoài xã hội bạn bè, chỗ quen biết người ta khen con hoạt bát, lịch lãm, má không mát dạ sao được, con của má đúng y như má nghĩ.
Ngày hai má con sang Mỹ theo diện nhân đạo vì cha con chết trong trại cải tạo, má gạt nước mắt gửi xác cha trên dãy đất hoang vu tận rừng sâu núi thẳm. Má hẹn ngày trở về thăm cha khi con học xong. Con đi làm mấy năm nay, má vẫn chưa quay về như lời nguyền trước khi ra đi, đành khất vài năm nữa.
Còn gì hạnh phúc hơn mỗi ngày lo cơm nước cho con, tối tối hai mẹ con bên mâm cơm, nghe con kể chuyện trong trường, bảng điểm của con lúc nào má cũng photo lại một bản cất vào tủ, cái "méo mó" nghề thư ký của má khiến má có một tủ hồ sơ lưu trữ về con từ lớp mẫu giáo cho đến bây giờ.
Con ra trường, tìm việc làm, có mấy chỗ yêu cầu gặp con phỏng vấn, má lẻo đẻo bám sát lịch con lọt vào vòng "vấn đáp" có tính quyết định này, má hồi họp ngày con diện bộ veste đến gặp người phụ trách tuyển dụng. Bữa cơm hôm đó con sôi nổi kể cho má nghe mấy câu hỏi "bẫy" của tay phụ trách nhân sự để hạ mức lương khởi sự mấy đứa mới ra trường, nhưng con có câu "thần chú" bỏ ngõ để họ phải nương tay, má thấy con giống cha, được ăn cả, là điểm này.
Ngày đầu tiên con đi làm, má sốt ruột như ngày má đi thi tú tài, giờ cơm trưa má gọi điện thoại hỏi con ngày đầu ra sao, con cười, trăng sao gì má, để chiều về con kể má nghe, buông điện thoại má thấy yên tâm, nghe con cười là ổn rồi, con đi làm mà cả sở của má ai cũng biết.
Tháng lương đầu tiên, con dắt má đi chợ, má mua bao gạo, chai nước mắm cho con vui lòng, tiền của con, má muốn con bỏ quỹ tiết kiệm để dành cưới vợ, con cười nói, má khéo lo, con chưa cưới vợ ngay đâu, má thấy ấm lòng, chắc con sẽ ở với má thêm vài năm nữa.
Cuối tuần má ủi sẵn mấy bộ quần áo con mặc đi chơi, có hôm con vắng nhà cả hai ngày cuối tuần, má tranh thủ đi chợ, làm món gì đó để chiều chủ nhật quay về con ăn ngon miệng. Má biết, cái week end đó con ăn toàn thức ăn Mỹ với đám bạn lớn lên bên này, chắc con sẽ thích thú húp tô cháo nóng thơm lừng mùi gừng thái nhuyễn, bát phở tái trôi nổi mấy tép hành chần, tô bún bò Huế váng ớt cay...  Má biết con thích ăn món nước buổi tối cuối tuần, như tiễn cuộc chơi vừa đi qua, chuẩn bị ngày mai trở về với công việc, nhìn con buông đũa húp hết nước lèo, má nghe ngọt trong cổ họng, cứ như chính má vừa ăn xong.
Hạnh phúc của má như bị xén đi một nửa khi con đổi sở làm tận bên Florida, má không theo con được, còn bốn năm nữa má mới về hưu, hình như con không bận tâm về chuyện này. Má buồn lắm, má giữ riêng cho mình, nói ra ngại con lấn cấn, má là hậu phương vững chắc của con, vì tình cảm riêng làm sao má có thể cản bước tiến của con. 
Từ ngày con đi xa, má con mình ít nói chuyện với nhau hơn, điện thoại im ỉm ở góc bàn, những lá thư điện tử, ngắn gọn thay giọng nói quen thuộc của con, cái máy vi tính đẩy con xa má hơn, có thật má con mình xa mặt cách lòng không.
Má thì không, vạn lần không, núm ruột của má còn dính chặc trong người, con như hơi thở, có giây phút nào ngừng được đâu, má cảm thấy con xa dần má, nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay, sự chia xa đó mỗi ngày nhắc má, con đã vỗ cánh rời tổ ấm của má rồi.
Từ lúc nào con không cần nghe giọng nói của má vậy, vài chữ cuối ngày, nhích con chuột, bên này má đọc ngay thư của con, má ơi, một ngày bình thường, con nhớ má. Ba chữ cuối má ôm vào giấc ngủ, chập chờn đến sáng, vui từ đêm hôm qua đến cả ngày hôm nay, vào sở cười nói với mọi người cũng vì ba chữ cuối thư.
Có hôm má nhận được cái thư dài hơn thông lệ, con ốm rồi má ơi, ăn cơm không vô, giá có nồi cháo thịt bâm với gừng của má, con đi ngủ đây, con thương má. Má lại vui với ba chữ cuối, lạ nhỉ, cái thằng này hôm nào ốm mới thương má à, nhưng má lo thằng con quên uống thuốc, quên ăn trái cây để thêm vitamine vì mấy viên thuốc con nhọng nuốt chững hồng cầu của con.
Má nhắc nhở, con trả lời gọn ơ, biết rồi nói mãi, tự dưng má thấy buồn, câu nói theo thói quen như một công thức, bỗng má cảm nhận như một lời trách nhẹ. Má không thể ngăn mình lo cho con, dù má biết rằng con đã trưởng thành, má vẫn nghĩ con cần má, má quên là con đã đủ lông, đang vỗ cánh giữa trời đất bao la, má chỉ tồn tại vài phút mỗi tối khi con viết thư cho má, một ngày 24 giờ, má con mình chỉ gặp nhau chừng đó thời gian thôi.
Ngày nào đó có người yêu, không biết con có còn ít phút viết thư hàng đêm cho má nữa không, má không dám nghĩ thêm, vì cuộc sống của con không còn thuộc về má nữa, mấy bà bạn của má cứ bảo, con còn liên lạc với má là tốt lắm rồi, đừng đòi hỏi nhiều, má chợt hiểu, tình cảm không thể là một bổn phận, dù là tình mẫu tử.
Vừa rồi con gọi điện thoại hỏi má, con muốn nấu cháo thịt bâm cho một đồng nghiệp bị cảm sốt, bỏ gạo vào nồi lúc nào, khi bắt nồi nước lên bếp hay đợi đến lúc nước sôi, bỏ gừng thái nhuyễn khi cháo chính hay lúc múc cháo ra bát.
Má mừng quá, nhờ ai đó đau ốm mà má con mình có cớ nói chuyện với nhau lâu đến như thế, buông điện thoại xuống má cười một mình, rồi má thắc mắc, con nấu cháo cho ai nhỉ, đồng nghiệp trai hay gái, chắc thân nhau lắm nên con mới chăm sóc người ta như vậy. Má định gọi lại hỏi xem ai, nhưng lại thôi, sợ quấy rày con không đúng lúc, trước khi lên giường má viết cho con ít hàng, hỏi ba điều bốn chuyện cho thỏa cái thắc mắc ban chiều và biết chắc con sẽ không trả lời ngay, nhưng má cứ viết.
Sáng hôm sau con viết, má ơi, cô bạn của con đã hết sốt, nhờ bát cháo gừng và mấy viên thuốc nữa, cô ta ăn hết sạch và khen ngon lắm, con đi làm đây, con hôn má. Sáng hôm nay con vui quá nên mới hôn má, má ứa nước mắt nhớ những nụ hôn năm con lên bốn lên năm tuổi, con hôn má hết lòng chứ không như sáng nay, mà thôi, dù bất cứ vì lý do gì, con vui là má hạnh phúc rồi.


Từ ngày cô bạn hết ốm, thư điện tử của má con mình cũng theo cơn bệnh biến mất, ngày đầu chờ thư con trên máy đến ngủ gật, đồng hồ điểm hơn một giờ khuya, má tắt máy đi ngủ, đêm nay thiếu mấy câu thần chú quen thuộc, con nhớ má, con thương má, con hôn má, coi như má thiếu cữ "xì ke" đưa má vào giấc ngủ muộn.
Mấy hôm sau con điện thoại cho má, giọng con líu lo như chim sáo, hai đứa con đi công tác xa, tuần sau tụi con mới trở về sở, hèn chi má vô cái hộp thư điện tử canh me hoài mà vẫn  "no signal"  từ phía con .
Hai đứa là con với cô bạn, cô ta đến từ Sàigòn, vào sở con thực tập trước khi ra trường, nhờ con giúp đở viết luận án, cô ta nói năng nhỏ nhẹ, nhớ nhà hay khóc nhè, con phải an ủi, đàn bà rắc rối thật.
Con của má "có bạn" nên yêu đời nói như két, thế cũng tốt, con nói đàn bà rắc rối, nếu má không lầm hình như con đang muốn "được rắc rối" cho đời bớt cô đơn đấy. Không hiểu sao má thấy hơi nghi ngại, dù má rất muốn con có bạn gái, nhưng nghe cô đến từ Sàigòn má lo, người bên đó bây giờ khác lắm, bao nhiêu năm sống với chế độ "kinh tế thị trường", tình cảm cũng là một mặt hàng trao đổi như những thứ khác. Có những cô gái trẻ sẵn sàng lấy chồng già để ra nước ngoài, gọi là để đổi đời, cuộc hôn nhân đó có "thành công" hay không là chuyện khác, chỉ biết ra khỏi VN rồi hẳn tính. Đời người mà họ tính như một món hàng trao tay, như vậy cái gì có giá trị vĩnh cửu với họ, câu hỏi ngớ ngẫn lạc hậu, dân "Sàigòn tiếp thị" không bao giờ đặt ra.
Má chỉ nghĩ như thế chứ chưa dám nói với con, còn quá sớm để trấn an con, giai đoạn này má chỉ nghe con tâm sự, và má cũng vui với con, những giây phút con vui chơi bên cô bạn, tại sao không thưởng thức, dù ngày vui có thể qua mau.
Một tuần cũng chóng qua, hộp thư của má có hồi âm, thư của con dài hơn lúc trước, tuy không thố lộ nhưng má thấy con đang yêu, buổi tối ở nhà một mình con thấy cô đơn nên mới dài dòng tâm sự. Má đọc thư con và hình dung đến lá số tử vi, cứ theo mấy cái mũi tên xỉa từ cung này đến cung kia, thử đoán già đoán non xem trái tim của con đi về cung nào. Trong thư con nói đến việc làm, cô bạn đồng nghiệp vẫn thế, chuyên cần với luận án của cô, tối nào không có thư, má nghĩ con đi phố với cô ta, hoặc đi đâu đó, không có thư má thiếu mấy câu thần chú, thiếu xì ke, má sẽ khó ngủ, nhưng má nghĩ, nếu con đang vui, dù có thức trắng đêm để cùng vui "từ xa" với con cả đêm má vẫn hài lòng.
Tối nay không có thư của con, chắc con đang ngoài phố với cô bạn, má lên giường, nghĩ ngợi lung tung, hối chiều cô tư hỏi thăm con, má chưa dám bật mí chuyện tình cảm của con, má biết con đang yêu dù con không nói, có lẻ con chưa chắc người ta có đáp lại mối tình của con nên chưa đưa cô bạn ra mắt má.
Điện thoại reo, ai có thể gọi má vào giờ này, nếu không phải là con, má ơi con buồn quá, lòng má trùng lại, giọng con đau khổ, tim má se thắt, hồi chiều tụi con đi ăn tối, con tỏ tình với Hà, cô ta đã có người yêu bên nhà, Hà chỉ mến con thôi. Má bối rối chưa biết nói gì để khoả lấp vài giây im lặng nặng nề này, má đau lòng thấy con thất vọng, cứ tưởng con sắp hết cô đơn, con sắp có nơi nương nấu tâm tình, giờ thì má cũng thất vọng như con.
Con lên tiếng, không sao đâu, má đừng buồn, con sẽ vượt qua thôi, con xin lỗi đã làm má buồn, thôi má ngủ đi, mai má còn đi làm, má ờ nhẹ hều, gác máy lên má không ngăn được dòng nước mắt.
Đêm nay cả hai má con mình chẳng ai ngủ được, lòng má vui buồn ngổn ngang, buồn cho con không gặp may mắn từ mối tình đầu, vui vì con biết tìm về với má mỗi khi con vấp ngã, vui lắm vì con biết má sẽ buồn khi con không vui.
Con không phải xin lỗi khi má cùng buồn với con, tình mẫu tử đâu còn ý nghĩa khi má chỉ chờ ở con những tin vui, cái gì vui sướng con có thể san sẻ với bạn bè, người yêu, nỗi buồn con cứ mang về đây cho má, đời má đâu có gì quý hơn con, dù là chuyện thất tình của con cũng là một kỷ niệm má luôn trân quý.
Mấy tháng sau con về Cali thăm má, con trai má thay đổi nhiều quá, con chững chạc hẳn sau cuộc tình hờ vài tháng tuổi, má tha hồ mang con đến nhà các bác để con tìm bạn gái. Sau những buổi ra mắt, không đợi má hỏi, con tự thú, con chả yêu ai được lúc này ngoài má, con làm má sướng đến rơi nước mắt, nhưng nỗi vui nhất thời đó lại là nỗi lo, chết chữa, con của má hết yêu đời rồi sao, vết sẹo cũ chưa lành sao.
Ngày con lên đường trở về Florida, con bật mí làm má suýt đứng tim, má, Chiêu Anh con bác Tín muốn làm thân với má đó, mà nghĩ sao. Nước mắt khiến mắt má thấy trời đầy sao, cảm ơn con đã đem niềm vui đến cho má.
Tối hôm đó con viết cho má, má ơi, con về nhà rồi, con xin lỗi đã làm má ngạc nhiên, con chưa yêu Chiêu Anh đâu, má đừng lo. Con biết Chiêu Anh thích con, cô ta muốn đến chơi với má, con hy vọng má sẽ bớt cô đơn khi vắng con. Có thể con sẽ yêu nếu má thấy được, con thấy Chiêu Anh rất gần với con, con muốn má là người sau cùng cho ý kiến trước khi con quyết định. Má ơi, lúc trước nếu con tâm sự với má về cô gái Sàigòn, chắc sẽ không có cái buổi tối con thất vọng đến như thế, nhưng cũng từ đêm đó con đã trưởng thành, nhưng con sẽ không bao giờ trở thành người đàn ông thật sự nếu không có bàn tay dìu dắt của má, má đừng bỏ con nhe má.
Con ơi, câu cuối thư của con làm má rơi lệ, con đã thành gã đàn ông thật sự chinh phục má rồi đó. Sau cha con, không có người đàn ông nào có thể làm má siêu lòng ngoài con.
Cái "meo" mới toanh của con, má ơi, cuối tuần Chiêu Anh sẽ đến chơi với má. Con hy vọng má sẽ vui. Con biết má không cần quà, má chỉ cần tấm lòng, nhưng bó hoa cô ta mang đến là lòng thành của hai đứa đó má, ngày Lễ Mẹ năm nay con ủy quyền cho Chiêu Anh chăm sóc má, chỉ một ngày thôi, bởi vì má là của con, con sẽ không để ai dành má của con đâu, con thương má nhiều nhiều lắm, má nhớ câu này con nói với má lúc nhỏ không má"
Má ơi, con chưa bao giờ nói yêu má từ ngày trưởng thành, con hớn hở vào đời với những dự định cho tương lai, vui chơi với bạn bè, hạnh phúc với bạn gái, chỉ khi con thất vọng, con buồn, con mới quay về với má, thế mà má chưa bao giờ phiền trách con. Chiêu Anh đã cảm phục khi nghe con nói về má, cô ta bảo má là Báo Vật, sao người lạ có thể thấy má là viên ngọc mà con lại hững hờ.
Má ơi, má tha lỗi cho con nhe má, từ ngày đi xa con mới hiểu, má là hậu phương vững chắc của con, à không, má là cả cuộc đời con, má chịu chưa, con trai của má bữa nay ra dáng đàn ông rồi đó má.
Đoàn Thị

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,959
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.