Hôm nay,  

Tháng Tư, Thư Cho Bạn

27/04/201000:00:00(Xem: 138029)

Tháng Tư, Thư Cho Bạn

Tác giả: Vinh Phan
Bài số 2876-28126-vb3042710

Tác giả tên thật  Phan ngọc Vinh, là cựu nữ sinh Gia  Long, ra Trường năm 1971. Từ sau 1975, làm cô giáo ở Cần Đước. Cùng  chồng và 2 con định cư tại Mỹ theo diện HO., nghề nghiệp: làm Nail.  Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là thư gửi bạn Saigon một thời cùng nhau ra... chợ trời, rồi mỗi người một ngả.

***

Lệ Hằng thương nhớ,
Thế là đã 17 năm, tao vẫn  chưa một lần về thăm quê hương xứ sở.
Cũng đã đúng 17 năm rồi, kể từ ngày tao đến  thăm mầy vì chỉ còn 2 ngày nữa, tao và chú của mầy cùng  2 con sẽ  lên máy bay đi Mỹ. Hôm ấy,  tao lấy sổ tay ghi địa chỉ  mầy.   Cuốn sổ vẫn còn trong chiếc va li cũ, nhưng mỗi khi Tết đến,  muốn  viết cho mày tấm thiệp, muốn gửi cho mày chút quà, tao lại thấy... chùn tay. Chắc  mầy không hiểu tại sao đâu. Thôi thì hôm nay tao viết thư naỳ để mình cùng nhớ lại.
Hai đứa mình từng cùng học Trường Nữ Trung Học Gia Long, hàng ngày cùng đi về chung một con đường. Khi ra trường,  tao đi làm Thư ký ở Bộ Giáo dục,  Mầy thì đi bán hàng trong Thương xá Tax, gần BGD,  hàng ngày tao có dịp  chở mày đi về vì mình  cùng ở chung trên con đường ấy,  đường HTC.
Tao nhớ rõ,  đó là vào năm 1974, mầy giới thiệu chú Nhung của mầy cho tao. Không như những bạn trai cùng tuổi, chú Nhung của mầy thật đứng đắn đàng hoàng trong bộ đồ lính,  với 2 bông mai vàng  đính trên cổ áo,  cư xử thật chừng mực, tư cách. Sau một thời thân quen biết, ngày đầu tiên tao mời Nhung về nhà gặp Ba tao là Ba Tao chịu liền.
Tình yêu trao nhau chưa được bao lâu  thì Saigon sụp dổ ngày 30 tháng 4 năm 1975,  Chú Nhung của mày thành “lính ngụy” chờ đi tù cải tạo. Gia đình bọn mình ngày ngày ăn toàn bo bo khoai  độn.
Hai đứa gom hết mấy cái áo dài, ly tách  muỗng dĩa trong nhà, trải tấm nylon bên lề đường TMG,  ngồi với mớ linh tinh chờ thời,  xem ông đi qua bà  đi  lại,  và tai thì nghe loa "Bác cùng chúng cháu hành quân,  Trường  sơn đông  Trường sơn tây...".
Vật vã lên xuống trên con đường TMG  được 2 tháng  thì tao được giấy từ Bộ  với "chủ mới" đổi tao xuống Cần Đước,  và có nghề nghiệp mới là Giáo viên. Ngày hai dứa chia tay, tao dắt mầy đi ăn mì bình dân ở góc đường  Hiền Vương và Bà Huyện Thanh Quan, chẳng nói được gì nhiều.  Tao thì cứ kể những lúc đi ăn, đi dạo chợ hoa với Chú Nhung của mầy vào Tết vừa  rồi,  mày còn kể là chú Nhung vốn tình dè dặt,  cẩn thận, khi đến chơi nhà Má mầy sau  tháng 4/75, dù được mời cơm, Chú cũng chỉ dám ăn lấy lệ, dù trong bụng cũng chẳng có  gì.
Sau bữa ăn mì bình dân, tao lên đường đi Cần Đước. Phải đi mấy chuyến xe  mới tới chợ Cần Đước,  rồi từ đó đi xe lam vô Kinh Nước Mặn. Xe  lam chất đầy người và hàng hóa,  băng ngồi hai bên không thể nhúc nhíc cục cưa gì được,  hàng hóa ở giữa và người ngồi trên hàng hóa, rồi người đứng đeo đàng sau. Trước thì tài xế,   2 người  ngồi  2 bên,  2 người đeo 2 bên,  trên mui cũng đầy cả người và hàng hóa.
Tại vùng này, những ngày mưa đường nhầy nhụa đất sét vàng, xe chạy không nỗi,  đàn ông phải leo xuống đẩy. Đẩy không nỗi,  xe không nổ máy,  đám người trên xe phải xuống đi bộ.  Tao nhớ lúc đó mình có  đôi guốc mới cũng còn cao chút xíu,  vì tao họ lùn nên đi  dép  xẹp  sẽ không  bằng ai,  đến nước nầy thì chỉ  có xách  guốc vì khi bước, guốc sẽ dính chặt xuống đất sét, ngồi đó mà gỡ  thì "rằm tây" mới tới Kinh nước mặn .
 Việc đi dạy của tao ở vùng này không dễ. Từ nơi ở trọ, phải đi thuyền qua khỏi con kinh nầy. Năm đó, 1976,  có ông lão chèo đò độ gần 60,   sống dộ nhật  bằng  con thuyền nhỏ,  trên thuyền  chở độ 15 người,  có khi chở cả xe đạp hoặc xe gắn máy,  ông cứ từ từ đẩy thuyền  qua con kinh. Nói là con kinh,  chứ người đứng bên nầy nhìn người bên kia,  chỉ thấy chút xíu bằng cây tăm thôi,  đủ thấy là con kinh rộng tới cỡ nào. Tao lại không biết bơi,  nên mỗi lần đi qua đò là lâm râm khấn vái "cầu xin Phật Bà phù hộ" cho bình an. Khi lên được bờ rồi, tao lấy xe đạp đã gửi sẵn ở  một nhà ven bờ,  đạp vào độ  10 cây số, đi qua nhà dân, đạp ra hướng  biển,  gần tới đồn Rạch Cóc,  nơi đó ngôi trường chỉ có 2 phòng học. Nhiệm sở của tao là ngôi Trường của họ Đạo Cao Đài,  bị  nhà nước  tiếp thu.
Tao sợ nhất là mỗi khi xuống trường gặp trời mưa,  vì không  đi xe đạp được,  mà phải đi bộ,  mà  khi đi bộ trên đất sét,  thì rất dễ bị chụp ếch.
Những ngày ấy, đôi khi tao viết thư về  cho  mầy,  kể chuyện về học trò,   về trường học, về biển, về Đồn Rạch Cóc. Có những sáng sớm,  học trò lấp ló trước cửa  nhà tao ở trọ,  nó đem những con cua hay mớ tôm còn nhẩy soi  sói,  nói là hồi dêm Bố Mẹ đi chài muốn chia cho Cô để ăn cho vui .
Có những ngày vừa dạy xong lớp  xóa mù chữ thì  chủ nhà đã kêu người dọn cơm mời cô giáo,  canh bầu,  cá rô phi chiên dầm mắm ớt, bầu trồng bên hè, cá ở dưới ao.   Dân Saigon thời đó đói dài cổ như tao, phần đông ăn cơm độn bo bo, khi xuống đâyđược ăn cơm  gạo lúa tiêu  không độn,  Tao  ăn những  4 chén cơm,  ém đầy cứng ngắc.
Sau đó vài tháng,  vài cô giáo  rủ tao về trường Long Hựu 2,  tức gần giữa đường Kinh Nước Mặn và Rạch Cóc,  mỗi ngày đạp xe đi và về độ 10 cây số,  nhưng Tao nhận lời  vì ở nhà dân cũng tiện  nhưng không thoải mái.
Hồi còn ở trọ nhà Ông Hai Lự  có  đò  đi đường sông từ  Đồn Rạch Cốc ra chợ Kinh nước mặn, nhưng không tiện  đường về Saigon  nên tao ít đi đò. Cứ cách một ngày ổng lái tàu,  có gắn máy  Kohler, vợ con theo phụ để chuyển đồ cho khách,  tao có thể gửi mua đồ ăn nên cũng không đói lắm.
 Hồi ấy, trước khi bị đi tù cải tạo, chú Nhung của mày vẫn cố đến tận vùng quê Kinh Nước Mặn tìm tao. Có những đêm về Saigon,  tao và Nhung  đón đò từ Rạch Cóc,  con  gái chủ nhà làm một cây đuốc bằng  rơm  quấn  với miếng vải cũ rồi nhúng vào dầu chai  đốt lên,  đưa hai đứa tụi tao xuống chỗ đón  đò. Khi nghe  tiếng máy đò chạy xình xịch từ xa, thì cô ấy quơ ngọn đuốc  theo dấu  hiệu gì đó  thì  lái tàu sẽ ghé bến,  dân ở đây tốt  lắm  họ giúp  tụi tao  rất tử tế.  Tao nhớ mãi một đêm đò ế,  không có khách, tao và Nhung nằm  dài trên băng lim dim  nghe sóng vỗ mạn thuyền.  Chợt cảm thấy như có luồng  sáng lạ len qua cửa sổ,  tao bừng dậy la lên "Nhung ơi dậy đi,  xem trăng  lên". Ôi đó là vầng trăng rằm đẹp vô cùng, tỏa sáng lung linh trên mặt sông. Vầng trăng to như cái mâm,  nhìn rõ thấy như có chú cuội  và cây đa. Hai bên dòng sông, hàng bần  nháp nhô theo sóng nước cũng run rẩy như chào đón  vầng trăng. Từ nhỏ đến giờ sống ở đô thị,  đây là lần đầu tiên tao thấy vầng trăng nhô lên trên mặt sông.
Sau đêm trăng ấy, Nhung bỗng biến mất. Rồi rất lâu sau đó, tao mới nhận được thư của chú mày viết từ trại cải  tạo,  gửi về địa chỉ nhà tao ở Saigon. Lần đầu tiên nhận  thư,  tao khóc òa như con nít. Nhung vẫn còn sống,   mà còn sống là còn hy vọng có ngày đoàn tụ.


Từ đó, trên bước đường xuôi ngược từ  Sài Gòn  xuống Cần Đước mỗi khi rảnh rổi  sau giờ lên lớp,  tao ngồi lại  phòng  dạy  học viết thư gửi cho Chú của mầy. Tao kể chuyện về học trò,  về những  gì xẫy ra trên những con đường tao đã đi qua,  tả cảnh,   tả tình thầy trò... Thư của tao, Nhung kể là các bạn tù của anh ấy chuyền tay nhau đọc,  họ khen cô giáo Vinh viết thư cảm động. Nhung còn kể là chính anh quản giáo VC trong đội tù ban đầu đọc để kiểm duyệt,  riết rồi đọc để vui lây,  và còn linh động là không hạn chế thư gửi vào cơ chứ!
Rồi cũng đến ngày quy định được đi thăm  ông chú của mầy. Tao đã kể về những con đường đi qua từ Sài gòn  xuống Cần Đước,  bây giờ kể sơ về  đoạn đường  từ Sài Gòn  lên Hàm Tân thăm tù. 
Buổi  tối,  trước ngày đi,  tao ghé nhà  Chú của  mầy. Mầy biết  Chú  của mầy cùng các  cô  sống với nhau từ nhỏ, anh chị em  rất  thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Bà chị  Cả,  không  lập  gia  đình,  chỉ săn sóc các em từ miếng ăn giấc ngủ,  nên khi Chú  mầy  bị tù  thì chị ấy rất là lo  rầu,  buồn thảm. Lương giáo viên trả tiền đi xe cũng đủ hết  rồi,  tao thật sự chỉ có tấm lòng thành, mọi thứ đồ gửi cho Chú là do Chị ấy dành dụm chắt chiu lo hết.
Bốn giờ sáng,  hai vai tao  mang hai bị đồ to tổ bố,  cả cô mầy cũng thế, càng nặng càng tốt,  vì càng nặng  thì đồ trử khô cho Chú càng nhiều.   Tao nhớ mình lúc ra bến xe, đầu đoiä nón lá, phải chen lấn giữa hàng người giành dựt để mua vé,  có lúc đang ở hàng trên, bị lấn văng xuống hàng dưới,  và cái nón lá thì bị đè bẹp dưới chân. Rốt cuộc cũng mua được vé,  lên xe đò cũng nêm chặt người.
 Từ 6 giờ sáng,  xe chạy  đến 12 giờ trưa thì tới  Hàm Tân,  đi bộ vào trại thấy từng lượt người  tù  đi  qua. Đợi mãi  đến chiều, cho đến lúc tưởng như mòn mỏi  thì thấy Chú Nhung của mày hiện ra trong đám 4,5 người tù. Từ mé dốc đằng xa, thấy bóng Nhung trong bộ đồ tù khốn khổ,  nước mắt tao tự bao giờ trào ra không dừng được. Rồi cũng đối diện với nhau,  tay cũng chẳng nắm được bàn tay,  vì tao đi  với cô của mầy,  và vì  đàng sau lưng thì công an bồng súng đi tới đi lui  la hét "trao  đổi gì thì nhanh lên đi chứ,  sao mà cứ nói linh tinh." . Có lúc Nhung bảo tao nhìn xuống dưới chân  đi,  tao kín đáo nhìn xuống, Chú nhẹ nhàng  rút chân ra khỏi chiếc giày ba ta. Thì " Trời hởi trời",  những móng chân sần sùi đen đủi.  Chú bảo đi lao động dầm sình thúi móng... Chú phải mượn đôi giày ba ta của bạn tù,  mang đỡ ra ngoài để gặp thân nhân.
Mỗi gia đình chỉ gặp thân nhân 15 phút rồi về,  sau khi trao đổi túi đồ thăm nuôi. Khi phải chia tay,  tao để Chú ra trước. Chỉ vài phút sau, Chú đi khuất  sau cái dốc. Nhìn theo mãi, cũng chỉ là những hàng lau sậy lung linh theo gió.
Những ngày dạy ở Long Hựu, nếu không kể những  gian nan cực khổ  khi phải lặn lội từ SG  xuống,  thì tao thật sự yêu học trò,  yêu cuộc sống bình dị ở đây, không bon chen danh lợi,  yêu dân chúng địa phương, yêu biển êm đềm  màu xanh trong  sáng,  từng đợt sóng xô nhẹ vào bờ,  chứ không  gầm thét như biển ở Vũng Tàu.
Rồi có lệnh bắt dân chúng âcùng tất cả giáo viên, công nhân viên phải đi Thủy lợi,   đắp môt đoạn sông để làm cái đập. Đại khái trên làm cái cầu có đường xe chạy,  dưới  là cái đập,  mùa  khô thì đóng đập để ngăn  nước mặn, mùa  mưa thì tùy lượng nước nhiều ít  để mở hay đóng  mà giử  nước làm  ruộng.
Còn nhớ hôm ấy, là ngày cuối cùng làm Thuỷ  lợi,  vào thứ bảy,  xem như GV đạt mọi  chỉ tiêu, tụi tao vào nhà dân rửõa mặt tay chân. Tao chạy ra bến xe  đi chuyến cuối cùng để về SG. Tao nhớ mầy vô cùng. Kỳ rồi đi thăm nuôi Nhung về, không kịp ghé cho mầy hay tin.  Đã gần  hai năm hai đứa không gặp nhau.
Khi tới được nhà mầy,  tao được bà má cho hay  mầy đã lấy chồng ra ở riêng. Em mầy nói thêm chồng của chỉ là  Bác sĩ ở trong bưng ra! Giọng người em mầy có vẻ...làm sao ấy! Còn tao thì sững sờ. Em mầy  bảo "Chị có muốn  ra nhà chị ấy chơi  không,  Em dắt Chị đi ".
Sau đùó người em mày đưa tao đi đến căn nhà mặt đường TMG hai tầng lầu. Ngôi nhà bề thế sang trọng làm tao phải nhìn lại mình. Đúng là thê thảm quá: Đầu cột búi tó,  chân đi  dép mủ,  quần vải ú đen,  áo bà ba tự  tao may từ cái áo dài được sửa lại... Đã vậy quần áo còn dính mấy vệt bùn thuỷ lợi. Trên tay lại  còn xách cái giỏ  bàng,   kẹp thêm cái nón lá  bị bung vành nữa  chứ. À, còn cái món nầy nữa,  trước khi đi  Thủy  lợi độ vài tuần, tao có mua 20kg cá đỏ đuôi,  tự tay ướp muối phơi khô.  Tao đem về cho má Tao và biếu nhà mầy một nửa,  đã sớt cho má mầy một  ít,   còn  lại tao đem tới cho Mầy.
Tao chần chừ không biết có nên vào nhà mầy không. Thôi thì cứ vào. Mình đâu có đi mượn tiền đâu mà  sợ,  thăm bạn thôi mà.
Em  của mầy bấm chuông,  phải mất vài phút mới có tiếng động trong nhà. Có tiếng chó, chắc là chó  berger, sủa inh ỏi. Rồi thì cửa cũng mở. Hai năm trời mới gặp lại nhau, tao vồn vã hỏi thăm, nhưng rồi phải khựng lại vì  thấy mày nâng đôi kính cận lên,  nhìn tao. Cái nhìn lạnh  lùng, xa lạ, nhu nhìn một người từ  trên  rừng  trở về thành phố.

Lệ Hằng ơi, 
Khi tìm thăm mày ngày ấy, tao định kể cho mầy nghe nhiêu chuyện, định sẽ dắt mầy đi ăn gỏi khô bò,  món ăn màày thích lắm... Đủ thứ dự định,  nhưng thôi. Tao chỉ nói là tới thăm mầy chút thôi   phải về  ngay. “Thôi,  tao về nghe Hằng.” Tao  nói rồi đi ngay, cũng không để lại gói khô định tặng mày. Chỉ là món quà nghèo. Chắc mầy sẽ quăng trong xó xỉnh nào đó.  
Trên đường trở về nhà,  ôm mớ khô và cái giỏ bàng với cái nón lá bung vành, tao thất thiểu, lòng thì buồn vô hạn. Thôi, chắc từ nay sẽ không bao giờ gặp lại. Chú Nhung của mày giờ này đang còn trong trại tù. Hèn gì bao lâu không nghe mày thăm hỏi.   Biết bao điều muốn nói với mày. Nhưng thôi, hãy mừng  cho mầy có nơi nương tựa,  có ùnhà cao cửa rộng, dù là...
Biết bao gia đình nhân chủ đích thực của những căn nhà bề thế đã  "hồ hởi,  phấn khởi" ghi danh đi kinh tế mới, và rồi nhà cửa bị chiếm.
Sau buổi ghé thăm mày lần ấy, tao biết con đường tao phải đi. Đó là con đường đi đến trại tù Hàm Tân để đến với chú Nhung của mày.
Nhiều năm đã qua.
Nhung đã trở về, chúng tao đã thành hôn. Hai ngày trước khi đi Mỹ, tao cũng đã đến thăm mày.Ngày tao và Nhung lên máy bay đi Mỹ,  hai vợ chồng đã có 2 con. Một đứa 5 tuổi, một đứa 7 tuổi,  ngơ ngác, lạ lẫm khi đặt chân bước xuống phi trường,  như Bố Mẹ của chúng.
Bây giờ, một đứa đã tốt nghiệp đủ ba cái bằng của một đại học tài chánh nổi tiếng tại Hoa Kỳ, đang làm việc cho nhà băng. Một đứa năm nay sẽ tốt nghiệp kỹ sư công chánh. Chú Nhung của mầy vẫn làm việc  40 giờ mỗi tuần dù đã  69 tuổi. 
Thư nầy được gõ  ngay trong tiệm Nail  mà tao là chủ. Gia  đình được như ngày hôm  nay,  là nhờ  sự cố gắng của mỗi thành viên để xứng đáng với việc nước Mỹ, người Mỹ đã dang  đôi tay san sớt và chia xẻ giúp đỡ.
Mười bẩy năm không viết nổi lá thư. Hy vọng mày đã hiểu. Ngừng  gõ, không hiểu phải chúc mày ra sao. Thôi thì   cùng nhớ ngày nào hai đứa rủ nhau ra... chợ trời, rồi mỗi người một ngả.
           VINH PHAN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến