Hôm nay,  

Sắc Vàng Hoa Cải

30/03/201000:00:00(Xem: 146969)

Sắc Vàng Hoa Cải

Tác giả: Nguyễn Thượng Huy
Bài số 2850-28100-vb8032810                                                                                           

Tác giả định cư tại Mỹ theo diện gia đình H.O., hiện sống và làm việc tại San Jose. Tháng Tư 1975, khi miền Nam xụp đổ, ông chỉ mới 10 tuổi. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về một người chị nuôi má lúm đồng tiền,  một đời vun trồng hoa cải vàng, loài hoa kỷ niệm mối tình đầu thời chiến...

***

Gia đình tôi đến định cư tại Mỹ vào mùa xuân năm 1992. Chiếc xe van của bác Lâm, bạn ba tôi, chở toàn bộ gia đình tôi gồm  bà nội, ba mẹ tôi, bé Ti em tôi và tôi từ sân bay San Francisco về thành phố San Jose, nơi gia đình tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Trên suốt quãng đường về thành phố, tôi luôn ngắm nhìn hai bên, bởi mọi thứ đều lạ:  Những tòa nhà cao ngất, con lộ rộng thêng thang và có quá nhiều xe cộ ngược xuôi... Khi xe chạy ngang một khoảng đất trống, tôi bỗng thấy màu vàng rực lên cả một khoảng không gian rộng, tôi nói như la lên:
- Hoa cải, hoa cải, hoa cải phải không bác Lâm"
Bác Lâm cười lớn rồi ôn tồn nói:
- Đúng rồi  đó con. Người Việt ở đây gọi nó là cây cải dại hay là cải trời, còn người Mỹ gọi chung cho loài hoa này là hoa dại.
- Rứa ở đây có cây cải như ở Việt Nam mình không bác"
- Có chứ con, các nông trại ở đây người ta trồng nhiều loại cải lắm, ngay cả rau muống cũng có và được bán đủ loại ở chợ Việt Nam.
Rồi bác liệt kê hàng loạt thứ có bán ở chợ và cả giá của chúng, Bác nói bác biết nhiều thứ như vậy vì hay chở bác gái đi chợ.
Bác Lâm và ba tôi ngày xưa là bạn học cùng trường tại Huế , sau đó đi lính lại cùng đơn vị Sư đoàn I Bộ Binh thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bác cùng gia đình vượt biển và sống ở Mỹ đã lâu. Gia đình tôi đến Mỹ theo diện HO, bác Lâm là người bảo trợ. Nhà bác Lâm nằm dưới chân một ngọn đồi, nhà có 5 phòng, bác dành cho gia đình tôi 2 phòng ở tạm trong thời gian đầu. Hai bác và các và các con đã hướng dẫn, giúp đỡ gia đình tôi rất chu đáo.
Vài ngày sau, rảnh rỗi tôi thả bộ dọc theo con đường trước nhà. Hai bên đường, thấy có nhiều cỏ dại đang nở hoa. Có cây mà lá giống như cây me dại mà mẹ tôi hay nấu canh chua với con khuyết biển, có cây có hoa giống hoa đồng tiền nhưng nhỏ hơn... Đặc biệt hoa dại ở đây phần lớn đều có sắc vàng tươi. Sau này tôi mới hiểu vì sao người ta gọi nơi đây là thung lũng hoa vàng. Tôi cũng tìm thấy cây cải dại như bác Lâm nói, tôi ngắt một nhành hoa và xem thử, nó giống hoàn toàn hoa cải ở quê hương tôi, hoa chùm, mỗi hoa lớn cỡ hạt bắp và có bốn cánh tròn nhỏ xíu. Mỗi lần nhìn thấy loài hoa dại này tôi lại nhớ đến chị Hiền.
Khi còn sống tại Việt Nam, nhà tôi ở thành phố Huế, trong thành nội, gần chợ Cầu Đất. Quê ngoại tôi ở tại Ưu Điềm, cách Huế khoảng 50 cây số, nơi có  con sông Ô Lâu chảy qua. Dọc theo hai bên bờ sông, người dân thường trồng nhiều loại cải vào mùa xuân. Thuở nhỏ khi tết đến, tôi thường theo mẹ và sau này là chị Hiền về thăm quê ngoại, vào thời gian này, những cây cải người ta để giống bắt đầu ra hoa, vì thế trên suốt quãng đường dọc bờ sông từ cầu Mỹ Chánh về đến nhà ngoại, màu vàng của hoa cải cứ rực lên để lại trong tôi một ấn tượng  không thể phai mờ.
Ở trong thành nội Huế, người ta cũng trồng nhiều rau cải trên các vùng đất dọc theo bờ thành nội, xung quanh khu vực đại nội và nhiều nhất là vùng Tây Linh, Tây Lộc. Từ nhà tôi đi ra khoảng 200 mét là đến đại nội, ở đây người dân trồng các loại hoa màu như: khoai, sắn, và đặc biệt cuối mùa đông còn trồng thêm các loại rau như  tần ô, ngò, bô rô và các loại cải. Vào mùa xuân, mỗi buổi sáng đi học trên con đường Lê Huân qua Đặng Thái Thân mùi rau tần ô, ngò... bay lên thơm ngát cả một quãng đường làm tôi cảm thấy sảng khoái, dể chịu. Màu vàng hoa cải còn đọng hạt sương lóng lánh dưới ánh nắng ban mai thật rực rỡ, huyền ảo.
Chị Hiền có bà con bên ngoại với tôi. Ba chị Hiền và mẹ tôi là anh em chú bác, về vai vế mẹ tôi gọi ba chị Hiền là anh, cho nên quê ngoại của tôi lại là quê nội của chị Hiền. Chị Hiền hơn tôi 10 tuổi, chị không đẹp nhưng có duyên, mỗi lúc chị cười cái duyên lộ rõ, bởi hai má lúm đồng tiền của chị như cuốn hút người đối diện. Khoảng năm 1973, ba chị vào Huế mở cây xăng, sau đó mua nhà cạnh nhà tôi. Chị Hiền lúc đó khoảng 18 tuổi, chị đi học làm thợ may, ra nghề chị mở quán may ở nhà. Chị Hiền có người em trai là anh Tuấn bằng tuổi tôi. Anh Tuấn chơi thân với tôi, hai đứa học cùng trường, cùng lớp, anh Tuấn và tôi có khuôn mặt hơi giống nhau, đã thế khi là thợ may, chị Hiền lại may cho chúng tôi những bộ áo quần giống nhau, nên ra đường ai cũng nhầm tưởng hai đứa là anh em sinh đôi. Chị Hiền rất thương tôi, tình thương ấy lại càng tăng thêm sau biến cố 1975, lúc ấy tôi mới có 10 tuổi đầu.
Trong cuộc loạn lạc rồi đổi đời ấy, của cải gia đình tôi gần như mất sạch, sau đó vì là đại úy sĩ quan cộng hòa ba tôi bị bắt đi học tập cải tạo, ông nội tôi lại mắc bệnh hiểm nghèo, bà nội phải ngày đêm chăm sóc ông, mẹ tôi trở thành trụ cột của gia đình. Mẹ tôi phải buôn thúng, bán bưng, ở chợ, sau đó lại theo tàu lửa buôn chuyến hai ba ngày mới về nhà một lần. Cả gia đình tôi sống dược đều nhờ vào những chuyến hàng của mẹ. Bận việc gì bà và mẹ tôi đều nhờ chị Hiền trông nom tôi, lúc ấy chị chẳng khác người mẹ thứ hai của tôi, chị mua cho anh Tuấn hàng quà gì tôi cũng đều có phần, lúc gói chè, khi trái bắp luộc hay củ khoai, củ sắn... Bởi thế nên chị Hiền nhờ làm gì tôi sốt sắng, chị Hiền luôn tin tưởng tôi hơn anh Tuấn, mặc dù anh Tuấn thông minh nhưng cẩu thả, trong khi đó tôi tuy chậm hơn nhưng  làm việc có ý tứ và cẩn thận.
Nếu ai hỏi tôi người nào yêu thích hoa cải nhất, tôi không ngần ngại trả lời đó là chị Hiền. Sau quán may của chị có một mảnh đất trống lớn hơn chiếc chiếu đôi, chị Hiền dành để trồng cải, nhưng đặc biệc ở đây, chị Hiền không trồng cải để ăn hoặc để bán, mà để chỉ  lấy hoa. Chị chăm sóc vườn cải của mình rất cẩn thận, tưới tắm, bắt sâu hằng ngày. Lúc cải lớn lên và có nhiều hoa, chị cắt một ít vào và cắm cẩm thận trong một bình hoa nhỏ làm bằng những vỏ đạn súng đại liên, chị đặt bình hoa một chổ trang trọng nhất trong quán may. Cái bình hoa này rất cũ kỹ, lại chẳng đẹp gì lắm nhưng chị rất quý và chỉ dùng để cắm hoa cải chứ không có hoa nào khác. Tôi có nhiều lần hỏi chị về xuất xứ cái bình hoa này, chị trả lời là của người bạn học ngày xưa tặng trước khi chị và gia đình vào Huế sinh sống. Khi không có hoa cải để cắm, chị cất bình hoa vào tủ khóa lại cẩn thận xem nó như là báu vật . Biết chị Hiền thích hoa cải, nên đi đâu có hoa cải tôi đều cố gắng kiếm về cho chị, chị thích lắm. Mỗi khi vườn cải sắp tàn, chị thường nhờ tôi làm lại đất để gieo lại đợt cải mới, sau khi hoàn thành công việc, chi đều thưởng công xứng đáng.
Tôi không hiểu tại sao chị Hiền không lấy chồng, mặc dù mẹ chị giục hoài nhưng chị cứ lờ đi, hoặc nói rằng, chị còn lo cho anh Tuấn. Hằng năm khoảng mùng ba tết, tôi thường cùng mẹ, chị Hiền và anh Tuấn về thăm quê ngoại. Mỗi lần như vậy, tôi với anh Tuấn thích lắm, vì đây là dịp hai đứa đi lục lọi, tìm hái những loại cây trái ở vườn ngoại, hoặc lấy chiếc ghe câu của cậu Út chèo dọc theo bờ sông chơi đùa hay câu cá. Lần nào về quê chị Hiền cũng qua làng bên, chị nói rằng chị đi thăm mấy người bạn học ngày xưa, nhưng có một điều lạ, lần nào chị cũng mang theo vài nhánh hoa cải hái ở bờ sông. Có lần tôi và anh Tuấn đang nghịch chơi dưới bờ sông, tôi thấy chị Hiền đang hái hoa cải. Chị mặc chiếc áo màu tím Huế, tóc chị xõa dài bay trong gió, màu vàng hoa cải cứ rực rỡ lên trên nền màu áo của chị, tạo nên một bức tranh đẹp tuyệt. Hình ảnh ấy còn mãi trong tôi đến bây giờ.
Năm tôi 13 tuổi, ông nội tôi mất sau một thời gian bị bệnh nặng, nhà tôi càng vắng vẻ hơn. Mẹ tôi vẫn buôn bán tảo tầng, lo cho tôi ăn học và lo thăm nuôi ba tôi đang trong trại tù cải tạo. Lúc ấy tôi đã tôi đã biết suy nghĩ, tôi cảm thấy thương mẹ tôi vô cùng, tôi cố gắng học hành và luôn vâng lời bà và mẹ vì sợ bà và mẹ buồn.
Năm tôi 16 tuổi,  ba tôi được thả về từ trại cải tạo, trước đó mấy tháng mẹ tôi cũng thôi theo tàu hỏa buôn chuyến, mẹ sang một quầy tạp hóa nhỏ ở chợ Cầu Đất buôn bán qua ngày. Hai năm sau con bé Ti ra đời, thế là tôi có một đứa em gái. Năm tôi bước vào lớp 12 tôi bắt đầu nghĩ đến tương lai, tôi biết rằng với lý lịch ba là sĩ quan chế độ cũ tôi khó hòng vào được đại học, mặc dù tôi học cũng khá, nhưng từ lâu tôi cứ ước mơ sau này trở thành một người họa sĩ, bởi từ nhở tôi có năng khiếu về hội họa. Tôi nộp đơn dự thi vào hệ trung cấp trường cao đẳng Mỹ Thuật Huế, với hệ trung cấp ít người thi tôi có thể lọt vào. Anh Tuấn giỏi các môn khoa học tự nhiên nên dự thi vào trường Bách Khoa Đà Nẵng. Khi trường Mỹ Thuật treo bảng điểm, tôi đứng vị trí thứ tư, nhưng tôi chờ giấy báo nhâp học vẫn không thấy. Tôi vào trường hỏi bộ phận tuyển sinh, họ trả lời học sinh trúng tuyển được lấy theo vùng, ở Huế chỉ lấy ba người, tôi đứng vị trí thứ tư nên bị loại. Tôi về nhà mà lòng buồn vời vợi. Anh Tuấn may mắn được trúng tuyển vào trường Bách Khoa. Hôm đưa anh vào Đà Nẵng nhập học, thấy tôi buồn anh Tuấn và chị Hiền an ủi tôi rất nhiều.
Nhưng may mắn lại đến với tôi, có một học sinh trúng tuyển vào trường Mỹ Thuật, nhưng không theo học, sau đó trường gọi bổ sung tôi, thế là tôi trở thành người đậu vớt. Cầm tờ giấy báo nhập học trong tay mà tôi cứ nghĩ là mơ. Thế là giấc mơ trở thành hoạ sĩ của tôi đã trở thành sự thật. Chị Hiền vui lắm, chị may cho tôi một bộ đồ mới để đi học.


Trường Mỹ Thuật Huế là một ngôi trường nhỏ nhưng đẹp, nó nằm trong đại nội bên cạnh các cung điện triều Nguyễn. Hồi đó tôi thường đi cửa Hoà Bình để vào trường học, lúc ấy ngành du lịch còn kém phát triển ở Việt Nam, nên ít du khách đến thăm khu đại nội. Phía sau trường tôi là khu tập thể của một số nhân viên nhà trường và của trung tâm bảo tồn. Họ cũng trồng nhiều rau cải trên các vùng đất trống. Có những chiều tan học về, tôi thường nán lại để tập vẽ phong cảnh. Nhiều lúc tôi ngồi cạnh các vồng cải đang ra hoa và say sưa vẽ phong cảnh: một bờ thành đổ nát vì chiến tranh, một góc cung điện, một ngôi miếu... Lúc nghỉ tay để chờ tranh khô, tôi đã ngắt và quan sát thật kỹ loài hoa cải, Tôi nghĩ hoa cải thật ra cũng không đẹp lắm, bốn cánh hoa tròn nhưng thật mỏng và mong manh lại chóng tàn. Không hiểu vì sao chị Hiền lại thích loài hoa này đến thế. Hoa cải rất dễ héo nếu thiếu nước, cho nên mỗi lần hái hoa cải gần trường học về tặng chị Hiền, tôi thường cắm nhánh hoa trong lon dùng để đựng nước rửa bút vẽ, làm như vậy hoa mới tươi.
Anh Tuấn đi học xa, nên cần viêc gì là chị Hiền đều gọi tôi, khi thì thay cái bóng điện, lúc thì sửa cái bàn ủi hoặc căng lại dây cu roa bàn máy may... Đã vậy từ khi tôi vào học trường Mỹ Thuật, chị Hiền hay hỏi tôi các kiểu áo do chị may và nhờ tôi vẽ kiểu cổ áo cho chị may, thế là tôi trở thành  “nhà thiết kế” cho nhà may của chị, có kiểu đẹp, có kiểu xấu, kiểu nào khách hàng   khen đẹp, chị thích lắm, nhờ vậy quán may của chị đông khách hơn. Chị Hiền hay cho tôi tiền tiêu vặt, nhiều lúc tôi ngại không dám lấy, chị cứ nói mãi đến lúc tôi nhận mới thôi.
Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi quyết định thi lên đại học Mỹ Thuật. Lần này tôi đứng thứ nhì, nhưng tôi cũng chẳng được gọi nhập học, chỉ vì ba tôi là đại úy "ngụy quân". Cầm tấm bằng tốt nghiệp hệ trung học, tôi chạy đây, chạy đó kiếm việc làm, nhưng không nơi nào nhận, cuối cùng nhờ một khách hàng của chị Hiền giới thiệu tôi mới được nhận vào dạy hợp đồng môn hội họa cho một trường tiểu học, với đồng lương ít ỏi. Còn nhiều thời gian rảnh tôi nhận làm thêm bảng hiệu quảng cáo và vẽ tranh gởi bán tại các galery hội họa. Một năm sau anh Tuấn ra trường và xin được việc tại nhà máy nước Huế.
Cuối năm 1991,còn hơn nữa tháng nữa, gia đình tôi sẽ vào Sài Gòn để làm những thủ tục cuối cùng, để sang định cư tại Mỹ theo diện HO. Tôi nhớ hôm ấy là dịp lễ  chúa giáng sinh, chiều hôm đó trời khá lạnh, tôi sang quán may của chị Hiền, thấy chị Hiền đang chăm chú cắt vải, để chuẩn bị may áo cho khách hàng. Tôi hỏi:
-  Chào chị Hiền! Răng quán vắng rứa chị, mấy đứa học trò mô rồi" Tuấn có ở nhà không chị"
Chị Hiền  đặt chiếc kéo cắt vải xuống bàn và tươi cười nói:
-  Hôm nayNoel, chị cho mấy đứa học trò nghỉ sớm, để tụi nó đi chơi. Còn thằng Tuấn chở mạ chị đi thăm người quen bị ốm nằm tại bệnh viện, chắc cũng sắp về. Mà Huy (tên tôi) hỏi Tuấn có chuyện chi" 
-  Em mới bán được một bức tranh nhỏ, được vài chục đô, định sang rủ Tuấn ra quán bà Lan, làm một cái lẩu cho vui. Chị có đi với bọn em không"
-  Thôi, cám ơn em. Để tụi em đi với nhau cho thoải mái. Huy ngồi đây chơi, chị pha nước cho em uống nghe"
Chị Hiền kéo chiếc ghế cho tôi, rồi đi pha nước.
Tôi ngồi xuống ghế, nhìn quanh quán may của chị Hiền. Tôi lại thấy mấy nhánh hoa cải màu vàng tươi, được cắm cẩn thận trong bình hoa làm bằng vỏ đạn. Tôi vừa nói vừa cười:
-  Chị lại cắm hoa cải nữa rồi... Mà này chị Hiền, răng mà chị thích hoa cải rứa" Các loại hoa khác không đẹp à" Chắc chị dấu em điều chi"
-   Không có chuyện chi cả mô.
Chị Hiền đưa ly nước cho tôi chị vừa trả lời. Cầm ly nước chè, tôi uống một hớp nhỏ. Mùi củ gừng trong nước chè bốc lên thơm nhẹ, khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi nói:
-  Cám ơn chị, nước chè ngon quá.- Tôi hạ giọng nài nỉ - Em biết chị có bí mật về hoa cải, em sắp đi Mỹ rồi chị kể  cho em nghe đi.
Chị Hiền im lặng, một lúc sau chị nói:
-   Thôi được... Chị sẽ kể cho Huy nghe chuyện này, nhưng nhớ giữ kín nghe chưa!
-   Dạ.
Tôi im lặng chờ đợi. Chị Hiền ngồi xuống chiếc ghế đẩu và bắt đầu kể:
       -  Ngày xưa khi còn sống ngoài Ưu Điềm, chị có một người bạn trai tên là Lành, anh ấy hơn chị hai tuổi người ở làng bên cạnh. Hồi ấy anh Lành và chị học cùng trường. Sau khi học hết cấp hai anh ấy vào Huế học tiếp. Đến khi học xong lớp 9, chị cũng nghỉ học, theo mạ buôn bán tại chợ Ưu Điềm. Hai năm sau anh Lành vào lính địa phương quân và đóng quân tại Mỹ Chánh. Anh thường đi tuần tra tại chợ và gặp lại chị, hồi đó chị khoảng 17 tuổi. Nhiều lần chuyện trò, hẹn hò rồi hai đứa yêu nhau. Chị giữ kín sợ mạ chị biết, bà rầy... Chị nhớ hôm ấy là ngày sinh nhật chị tròn 18 tuổi, anh Lành xin phép đơn vị trưởng 2 tiếng đồng hồ đi về thăm chị và hẹn gặp chị tại bờ sông. Tại đây anh tặng cho chị món quà được gói cẩn thận trong một tờ giấy báo, chị mở ra xem đó là một bình hoa làm bằng vỏ đạn, chính là bình hoa này đây. 
Ngừng lại nhìn bình hoa cải, rồi chị Hiền nói tiếp:
- Huy biết không" Lúc đó không có hoa để cắm vào bình. Nhìn quanh, anh Lành chạy vội đến những luống cải dân trồng bên bờ sông và ngắt vội mấy nhành hoa. Cẩn thận cắm hoa cải vào bình, anh trao cho chị và nói câu chúc mừng chị tròn mười tám tuổi. Đây là lần đầu tiên trong đời chị nhận quà sinh nhật từ một người con trai. Chuyện trò một lúc, anh Lành lại vội vã trở về đơn vị.
Thấy chị Hiền ngừng nói, tôi liền hỏi:
-  Rứa anh Lành bây giờ ở mô"
- Huy đừng vội, để chị kể tiếp cho nghe. Sau khi về đơn vị, tối hôm đó tiểu đội anh Lành đi tuần tra và vướng mìn Việt Cộng gài, mìn nổ, anh ấy bị mảnh đạn đâm vào chổ hiểm, sau đó qua đời. Nhận được tin anh ấy chết, chị buồn lắm, chị khóc rất nhiều... Mộ của anh Lành chôn cạnh làng mình, mỗi lần về làng chị đều đến thăm mộ anh ấy.
Tôi cắt lời chị Hiền:
- Tội nghiệp cho anh Lành quá... Hèn chi mỗi khi về làng, chị hay qua làng bên và thường mang theo mấy nhành hoa cải, chắc chị để hoa ở mộ anh Lành có đúng không"
-  Huy nói đúng rồi...Mấy tháng sau gia đình chị chuyển vào Huế. Từ khi anh Lành mất đi, chị không muốn quen với những người đàn ông khác. Với chị, anh Lành là người đàn ông duy nhất, chị coi anh ấy như một người chồng. Chị không muốn lấy người nào khác... Tuấn đi về rồi kìa. Huy ra với Tuấn đi, hai đứa đi chơi vui vẻ nghe.
Từ đó, câu chuyện của chị Hiền làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi quyết định vẽ tặng chị một bức tranh. Tôi vẽ một người con gái có gương mặt hao giống chị Hiền, mặc chiếc áo màu tím Huế, với mái tóc buông xỏa, đang hái những nhành hoa cải. Bức tranh tái hiện hình ảnh ngày xưa tôi đã thấy chị hái hoa bên bờ sông, khi tôi và anh Tuấn chơi đùa dưới sông thuở nào. Trước ngày lên đường vào Sài Gòn để qua Mỹ định cư, tôi mang bức tranh qua tặng chị. Chị Hiền thích lắm, chị nhờ tôi treo bức tranh ngay tại quán may, chị nói để chị được ngắm tranh hằng ngày. Hôm sau chia tay, cả gia đình chị Hiền đưa gia đình tôi lên tận nhà ga xe lửa. Chị Hiền đã khóc, đây là lần đầu tiên tôi thấy chị khóc. Xa quê hương, xa những người thân và nhất là chị Hiền tôi cũng buồn lắm, nhưng biết thế nào được.
Xa quê hương nhiều năm, tết năm ngoái tôi quyết định đưa vợ và đứa con trai ba tuổi về thăm quê hương và đồng thời giới thiệu vợ và con tôi cho chị Hiền và vợ chồng Tuấn biết. Thành phố Huế có nhiều đổi thay, nhiều khách sạn mọc lên, đường sá sạch sẽ, phố phường ngăn nắp hơn. Gặp lại chị Hiền sau bao năm xa cách tôi mừng lắm. Chị Hiền rất vui, chị dẫn vợ chồng tôi đi ăn hết thứ nay sang thứ nọ, còn đưa vợ tôi mua sắm đủ thứ. Đã vậy chị còn may cho vợ tôi mấy bộ đồ thật đẹp. Vợ tôi gởi tiền cho chị nhưng chị nhất định không lấy. Quán may của chị Hiền đã sửa lại khang trang hơn. Bức tranh ngày nào tôi tặng chị được treo ở vị trí đẹp nhất. Có một điều không thay đổi là cái bình hoa làm vỏ đạn vẫn còn và chị vẫn cắm một loài hoa duy nhất là hoa cải. Sau quán vẫn còn đó, một mảnh đất nhỏ được trồng chỉ toàn cải để lấy hoa.
Anh Tuấn hay chở tôi đi thăm mấy người bạn cũ, ngang qua con đường Đặng Thái Thân, tôi không còn thấy những luống rau cải như ngày nào, thay vào đó là những bãi cỏ xanh, và những bụi cây cảnh. Anh Tuấn cho biết mấy năm gần đây Huế hay tổ chức Festival, nên trung tâm Bảo Tồn Di Tích đã lấy lại các vùng đất này và thiết kế phục hồi lại như cảnh trí triều Nguyễn ngày xưa. Bây giờ muốn tìm hoa cải, phải ra tận ngoài cửa An Hòa mới có.
Huế có nhiều thắng cảnh đẹp. Tôi đưa vợ đi chơi các nơi, nhưng có lẽ với tôi thích nhất là lang thang ở chợ hoa ngày tết, được tìm lại chút hồn xuân, hương xuân ngày cũ mà đã từ lâu tôi không có được tại xứ người. Với tôi tết năm ấy là một cái tết ý vị nhất. Hôm chia tay Chị Hiền và vợ chồng anh Tuấn để về Mỹ, tôi luyến tiếc lắm, thời gian một tháng trôi qua quá nhanh.
Năm nay mùa xuân lại về. Sáng hôm qua đi làm, dọc hai bên đường, thấy loài hoa cải dại bắt đầu ra hoa, tôi lại nhớ đến chị Hiền. Chiều khi đi làm về, tôi nhận được điện thoại của anh Tuấn từ Việt Nam gọi sang, Tuấn nói trong tiếng nấc:
 -  Chị Hiền chết rồi Huy ơi!
Tôi nghe mà không tin nổi tai mình, tôi thật sự choáng váng. Tôi hỏi nhanh lại:
-  Thiệt không anh Tuấn"  Vì răng chị chết"
Anh Tuấn vừa kể vừa khóc:
-   Chiều hôm qua chị Hiền đạp xe ra chợ Cầu Đất mua hoa quả và trái cây để tối cúng đưa ông táo về trời, bị hai thằng thanh niên say rượu, đi xe honda quẹt vào xe chị. Chị Hiền ngã xuống, đầu chị đập vào bờ lề đường... Mặc dù bà con đưa chị vào bệnh viện ngay, nhưng vết thương quá nặng, chị mất lúc 9 giờ tối.
Đây thật sự là một nỗi đau, một sự mất mát lớn đối với tôi. Trong cuộc đời này ngoài mẹ và vợ tôi, chị Hiền là người đàn bà mà tôi thương yêu, kính trọng, tôi xem chị như là một người mẹ thứ hai. Chị Hiền mất rồi. Có lẽ mùa xuân này là mùa xuân buồn nhất trong đời tôi.
Chiều hôm nay tan sở, tôi lái xe vòng lên hãng cũ nơi tôi làm hồi trước. Nơi đây có một miếng đất trống lớn, tôi nghĩ bây giờ cây cải dại đang mọc đầy nơi đó. Đúng như tôi dự đoán, loài cải dại đã mọc rất nhiều và bắt đầu ra hoa, màu hoa cải vàng rực rỡ. Tìm chỗ đậu xe, tôi lại gần và ngắt một nhành hoa cải dại. Tôi nhìn những đóa hoa cải thật kỹ, chúng có bốn cánh tròn nhỏ xíu, thật mong manh. Có lẽ bây giờ, ở đâu đó bên bờ con sông Ô Lâu, chảy qua quê ngoại tôi, anh Lành và chị Hiền, đang cùng nhau đón một mùa xuân đẹp nhất. Anh Lành sẽ trao cho chị những nhành hoa cải rức rỡ nhất, tươi thắm nhất, những cây cải được lớn lên trên mảnh đất bên dòng sông quê hương yêu dấu.
 Nguyễn Thượng Huy      

Ý kiến bạn đọc
31/07/201817:59:14
Khách
Văn chương lưu loát, truyền cảm vậy sao chỉ viết có mỗi một bài. Tiếc ghê!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,993
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo