Hôm nay,  

Ăn Cây Nào, Rào Cây Đó

28/03/201000:00:00(Xem: 101029)

Ăn Cây Nào, Rào Cây Đó

Tác giả: Trinh Nguyên
Bài số 28748-1628998-vb8032810

Tác giả, theo bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô, chỉ mới định cư tại Mỹ mấy năm nay, đang tiếp tục học ESL. Đề tài bài viết là việc cô hưởng ứng lời kêu gọi của Bác sĩ Bích Liên, hội trưởng Hội Ung Thư Việt Mỹ, và tự nguyện cùng hội tham dự cuộc đi bộ hàng năm để gây quĩ cho tổ chức truy tầm và chống ung thư vú Susan G. Komen (SGK). Tác giả cho biết các số liệu trong bài do người viết tự thu thập. Mong Trinh Nguyên sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Qua đến Mỹ, tôi vẫn giữ thói quen nghe radio thường xuyên. Dần dần, tôi không còn ngạc nhiên về những lời kêu gọi hoạt động từ thiện thường xuyên trên radio. Hầu như tuần nào, tháng nào mình cũng có thể tham gia những sinh hoạt này. Đến tham dự những buổi ăn tối ở nhà hàng để quyên tiền cho một tổ chức tôn giáo, đi nghe nhạc để giúp tiền cho người cùi, người bệnh ở Việt Nam..., tôi đều thấy rất hay. Tôi tự nhủ sẽ đi theo nhóm Phật tử ở Little Saigon để phát cơm từ thiện cho người vô gia cư nhưng chắc sức mạnh đồng tiền còn có sức lôi kéo tôi hơn nên tôi chưa từng tham gia. Tôi tự biện minh một cách quen thuộc như nhiều người ở đây là "mình bận đi làm", hoặc "phải để dành giúp mấy người bà con nghèo bên Việt Nam".
Khủng bố 9/11, bão Katrina.... xảy ra, người Việt Nam ở Mỹ đóng góp một số tiền lớn đáng tự hào. Có ý kiến cho là ở đây "họ" giàu rồi, sao không để dành giúp đồng bào nghèo khổ ở quê nhà. Ý khác cho rằng "họ" đã cưu mang mình từ tay trắng lúc mới tới đây cho đến ngày mình kéo rồng rắn dòng họ cả bên nội ngoại, bên dâu, bên rể sang đây thì cũng phải đóng góp chút ít gọi là chứ. Thôi thì mình "liệu cơm gắp mắm". Tôi nhớ hồi ở Việt Nam, má tôi hay nói "ăn cây nào, rào cây đó", nên khi nghe bác sĩ Bích Liên kêu gọi tham gia cùng hội Ung thư Việt Mỹ (VACF) đi bộ ủng hộ cho tổ chức truy tầm và chống ung thư vú Susan G. Komen (SGK) là tôi tham gia liền.
Dù chưa biết mặt vị bác sĩ này nhưng tôi rất quý cách trả lời trên radio và tài năng của bác sĩ nên tôi không do dự lôi kéo, kêu gọi, rủ rê, "dụ dỗ" người quen chỗ làm, chỗ học, nơi tập thể dục, bà con, bạn bè cùng tham gia. Mặt khác tôi cũng muốn tham gia sinh hoạt từ thiện của người bản xứ cho biết. Vả lại, Fashion Island là nơi luôn thu hút.... túi tiền của chị em phụ nữ như tôi. Thế là đến hạn chót ngày đăng ký, nhóm của chúng tôi cũng có trên 10 mạng. Hội Ung thư Việt Mỹ có 155 người tham gia, quyên được 6.995$. Muốn tham gia, mình đóng góp 30$ mỗi người. Trẻ em, người lớn tuổi đóng góp 25$. Tùy khả năng, mình quyên góp thêm cho SGK bao nhiêu thì khi vào trang web của VACF là
www.ockomen.com/race/vacf
nhấn vào tên mình thì sẽ hiện lên tên của những người tài trợ cho mình cùng số tiền mà mình quyên được.
Chỗ tôi tập thể dục có những người Mỹ về hưu cho 5$- 10$, tôi gom lại đóng cho các em học chung ở Việt nam mới qua, muốn đi mà không đủ tiền đóng. Bạn của tôi vào hãng cũng quyên được nhiều và phát hiện ra là có rất nhiều người biết về hoạt động của SGK. Mỗi tối, lên trang web này xem hôm nay hội VACF có thêm bao nhiêu người tham gia, góp được bao nhiêu tiền, đã đạt được chỉ tiêu của hội đề ra chưa .... tôi thấy vui và lòng khấp khởi khi có ai quyên đýợc nhiều cho đại diện của ngýời Việt nam. Dĩ nhiên đa số là tên họ của người Việt nhưng cũng có một số tên họ người nước ngoài.
Riêng tôi, tôi cũng mời được cô giáo dạy ESL của mình ở trung tâm Le-Jao, rồi cô cũng mời thêm 2 cô giáo người Mỹ khác. Các cô cũng khuyến khích học trò của mình tham nhưng không có kết quả lắm. Chắc nhiều học sinh còn chưa quen với hoạt động này, với lại đa số học sinh chúng tôi dù muốn tham gia nhưng khó có điều kiện đóng góp. Tôi thấy thương cô giáo mình cứ nhắc đi nhắc lại là mình đi học tiếng Mỹ ở trường nhưng cũng nên tham gia các sinh hoạt bên ngoài để hiểu biết thêm đời sống ở đây. Các cô giáo này mấy năm trước đi bộ với nhóm bạn người Mỹ khác nhưng năm nay các cô muốn đi với học trò ESL để hòa nhập thêm. Cô giáo tôi cũng giới thiệu với lớp là VACF có nhiều tài liệu miễn phí về bệnh ung thư, viêm gan, cai thuốc lá. Nếu mình chẳng may bị viêm gan B,C mà không có bảo hiểm, hội cũng hướng dẫn để mình tìm được bác sĩ hay chương trình hỗ trợ với chi phí thấp nhất. Ở đây cũng giúp và hướng dẫn chị em tự khám ngực mỗi tháng để tự phát hiện ung thư vú sớm nhất. Nếu cô giáo tôi nhận được tài liệu giới thiệu về hội VACF như một nhân viên ở đây đã hứa gửi, chắc cô sẽ kêu gọi được nhiều học trò của cô tham gia hơn.
Mỗi tuần vào chiều thứ năm, tôi nghe lời kêu gọi tha thiết của bác sĩ Bích Liên trên radio mà tôi thấy nể cho sự kiên nhẫn của bác sĩ. Đi bộ cho SGK chỉ là một lần mỗi năm để chúng ta có thể đóng góp cho việc điều trị ung thư vú. Ngoài ra, chúng ta có thể đóng góp trực tiếp cho hội hay mỗi lần đi chợ Sài Gòn City Market Place. Chỉ cần bảo người tính tiền tại chợ này là mình muốn ủng hộ cho Hội Ung Thư Việt Mỹ là chợ sẽ trích ra 1% số tiền chợ vừa thu vào để đóng góp cho hội. Người đi chợ chỉ tốn thêm một câu nói chứ không phải trả thêm một đồng nào.


Ngày đi bộ này luôn được tổ chức vào chủ nhật, khoảng cuối tháng 9 mỗi năm. Chúng ta có thể tham gia chạy bộ 5K vào lúc 7:30 sáng hay đi bộ 1 mile (fun walk) vào lúc 8 giờ sáng hay chạy/đi bộ 5K vào lúc 9:45 sáng. Hội VACF tham gia đi bộ lúc 9:45. Hội sẽ liên lạc, gửi bản đồ hướng dẫn đường đi, chỗ đậu xe, chỗ có xe buýt để chở mình đến nơi tập họp... qua thư từ hay email tùy mình yêu cầu.
Tham gia với VACF, mình tập trung ở văn phòng của hội, mọi người sẽ cùng nhau đi chung xe. Trước khi đi, mỗi người nhận một cái nón màu xanh dương có tên của hội, một áo thun trắng có hình vẽ nhiều người như những chiếc nơ màu hồng rất dễ thương. Những ai đang bị ung thư mà tham gia đi bộ sẽ có áo thun màu hồng đậm và mỗi năm mà người ấy chống chọi được với bệnh ung thư, sẽ nhận được một chuỗi đeo cổ màu hồng. Không khí ở Hội Ung Thư Việt Mỹ sáng hôm đó thật là vui vẻ. Ai là người thân thiện sẽ có dịp làm quen với nhiều đồng hương khác.
Đến Fashion Island vào khoảng 8:30, tôi bị choáng ngợp trước biển người tham dự dù có nhiều đợt khác đã và đang ra về. Nhóm của VACF thật bé nhỏ giữa nhiều màu áo của các hội khác. Lá cờ có tên của hội cũng thật nhỏ bé giữa một rừng người. Nhìn đâu cũng thấy đa số áo trắng, áo hồng hoặc từng nhóm có đồng phục riêng. Hãng Energizer tặng rất nhiều nón màu hồng có hai cái tai thỏ chỉa lên thật dễ thương. Nếu không có ngưới của hội chỉ kỹ càng chắc chúng tôi khó mà tìm được nơi tập họp của VACF.
Chúng tôi thật sự vui mừng vì cô giáo ESL tìm ra được cả đoàn. Cô giáo lái xe lừ Los Angeles đến Fashion Island rồi đi xe bus vào nơi đi bộ. Có những lúc nhạc, kèn trổi lên, rồi đông đúc, vui vẻ, ồn ào nên cellular phone khó mà nghe được. Trong lúc cô Hương Thơ của đài truyền hình đang phỏng vấn một nhóm người Việt nam tham gia, bạn tôi kín đáo chỉ cho tôi một vài vị có chức vụ và nổi tiếng trong cộng đồng người Việt, tôi đã không nhận ra họ vì giờ đây họ thật đơn giản trong bộ đồ đi bộ và giày thể thao. Vậy cũng hay!
Hôm ấy sương mù giăng giăng. 9 giờ sáng mà vẫn chưa có ánh mặt trời. Không khí tháng 9 mà thật là mát mẻ. À, dân cư ở đây trả giá rất mắc cho nhà cửa họ ở để được hưởng cái không khí thanh bình, dễ chịu này. Những đoạn đường lên xuống dốc làm tôi nhớ cảm giác lần đầu đi Đà Lạt với tâm trạng náo nức của một học sinh cấp II được đi du lịch. Phải rồi, đi đến đâu rồi cũng thấy nhớ quê hương.
Dọc đường chúng tôi đi bộ có nhiều nhóm chearleader của các trường đứng cổ vũ , có nhiều ban nhạc lớn - nhỏ chơi nhạc, hát.... nhạc Mỹ, Mê hy cô thật vui và phong phú. Có những ông bà cụ được con cháu đẩy đi trên xe lăn, có các em bé được ba mẹ đẩy stroller đi, có các gia đình có con tuổi thiếu niên, nhi đồng đi chung với nhau, trên áo có đeo hình của người thân đã mất vì ung thư làm cho tôi thấy xúc động. Mọi người vừa thong thả đi vừa làm quen, chọc ghẹo nhau... Tôi làm quen với một dì Việt Nam trong đoàn, dì nói dì bị ung thư đã hai năm, không có bảo hiểm, được VACF giúp đỡ tiền mỗi tháng, kể cả tiền đi xe bus. Mong sao đồng hương mình biết được hoạt động hữu ích của Hội và hỗ trợ cho VACF nhiều hơn.
3 miles qua thật mau. Gần về đến đích, không khí càng nhộn nhịp. Các cheerleader reo hò cổ vũ, trống nhạc tưng bừng. Trên các gốc cây palm lớn hai bên đường có hình của nhiều người mất vì ung thư vú. Tôi đoán gia đình họ tài trợ nhiều để hình thân nhân được tưởng nhớ nơi đây. Âu cũng là một kiếp người!
Trên bậc thềm của một hội trường, có một nhóm đông người bận áo màu hồng đậm, đội tóc giả màu hồng bóng loáng, tay cầm hoa hồng đang hợp ca. Trên cổ vài người có đeo cả chục sợi chuỗi màu hồng, dấu hiệu của những người bệnh ung thư. Xin chúc mừng cho những năm tháng chống chọi được với ung thư. Tôi thật sự muốn rơi nước mắt trước sự lạc quan của họ. Chung quanh họ có nhiều người cổ vũ. Hình ảnh này hôm sau tôi có thấy trên OC Register. Đọc báo thấy được hôm đó Susan G. Komen quyên được 3 triệu đô la, có gần 30 ngàn người tham dự, vậy mà theo tôi thấy không hề có xe cộ cọ quẹt, không có té ngã, không dẫm đạp cỏ hoa, không cãi cọ chửi mắng, không tranh thủ mua bán hàng quà vặt. Thật quá hay! Đó là chuyện của năm 2008. Cho kỳ đi bộ của năm 2009, tôi không tham dự được nhưng vẫn theo dõi tin tức về sinh hoạt này.
Năm nay kinh tế có khó khăn nhưng hội Ung thư Việt Mỹ vẫn đứng thứ 3 về quyên góp (được 3.540$) và đứng nhất về số lượng người tham gia của một nhóm (131 người). Theo tạp chí In Style, số tháng 10 năm 2008, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 180.000 trường hợp ung thư vú được phát hiện thêm và có hơn 40.000 phụ nữ bị thiệt mạng vì căn bệnh này.
Theo tổ chức SGK thì tỉ lệ ung thư vú chiếm hơn 1/4 các loại ung thư được chuẩn đoán. 73% phụ nữ Mỹ được chuẩn đoán ung thư vú sẽ sống hơn 15 năm. Nếu ung thư vú được phát hiện sớm trong 5 năm đầu tiên thì tỉ lệ sống sót sẽ hơn 98%. Theo bác sĩ Bích Liên, 50% phụ nữ Việt nam bị ung thư dưới tuổi 50.
Nếu theo dõi các buổi nói chuyện của hội VACF trên Little Saigon Radio vào mỗi chiều thứ năm, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều hữu ích về hoạt động của hội và việc chữa trị ung thư. Mỗi chúng ta đều có cách riêng để làm từ thiện nhưng tôi vẫn thích cách ví von của người Việt nam: "Ăn cây nào, rào cây đó". Mình đang sống ở Mỹ mà tại sao không ủng hộ cho sinh hoạt ở Mỹ"
Trinh Nguyen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,598,696
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến