Hôm nay,  

35 Năm Sau: Chiều Xan Phan

27/03/201000:00:00(Xem: 250977)

35 Năm Sau: Chiều Xan Phan

Tác giả: Đoàn Thị
Bài so á28747-1628997-vb7032710

“Ngày Ba Mươi Tháng Tư năm đó, đố ai dám nghĩ dân ta sẽ...” Đó là ý tưởng trong đoạn kết bài viết về nước Mỹ thứ hai của Đoàn Thị: chuyện một cô gái miền Nam  “tham quan“ nước Mỹ để “trẩy hội” tìm chồng. Bài viết thoáng nhiều nụ cười buồn, tinh tế mà tử tế. Tác giả họ Nguyễn, cho biết hiện làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh. Bút hiệu Đoàn Thị do họ chồng ghép với tên lót nữ giới rất VN thời xưa.
 
***

Ngày Châu bước chân đến phi trường Xan Phan (San Francisco), với hộ chiếu tham quan do chi nhánh Sàigòn gửi đi, nhân viên hải quan mắt tèm nhem ngái ngủ đóng đại con dấu cho tạm trú mười tháng, tiền đâu mà đi chơi đến chừng đó ngày tháng, mặc kệ người ta cho mình nhận, lộc trời đấy, có người chỉ được ba tháng du dương trên xứ cờ hoa.
Cũng nhờ James, giám đốc chi nhánh ở Sàigòn, làm việc với nhau trên năm năm, thấy Châu cần mẫn, thật thà, trước khi chuyển công tác về trụ sở chính bên Mỹ, James đề nghị Châu du lịch một chuyến cho biết với người ta. James đại diện hãng mời nàng đi tham quan, dạo đó Châu do dự, James cười cười ỡm ờ, cứ đi cho biết, thích thì ở, chán quay về.
Chú sam này chưa đủ tuổi để vướng vào chiến tranh VN, nhưng gia đình có mấy người tham chiến, lúc rút “cờ ngàn sao” rời VN hồi hương họ rinh thêm mấy o ngoài nớ qua để tiếp tục thưởng thức món bún bò Huế, khi qua Sàigòn làm việc James am hiểu tường tận tâm tư “dân ngụy”, cái cột điện có chân cũng đi, nói gì...
Thôi thì ba bảy liều, gia sản mười năm làm việc với mấy công ty Đài Loan, Thụy Điển, My ... dành giụm vài ngàn đô la, đầu thập niên chín mươi, số tiền đó là cả một gia sản so với người đi làm ăn lương, tính ra bảnh hơn công nhân viên nhà nước nhiều, có bao nhiêu nàng mang theo hết, rủi thích ở lại như James nói thì sao.
Trước khi xuất du, Châu sang nhà chị Liên xin địa chỉ bên Xan Phan tiện thể bác Lượng nhờ nàng mang sang mấy ký lương khô cho chị. Tội nghiệp gặp nàng bác lại nhớ đến con, tiễn Châu ra cửa bác dúi vào tay nàng tờ năm mươi đô mới toanh, bác biếu con đi chơi, nàng lắc đầu, cảm ơn bác con có chút ít mang theo rồi. Bà cụ thật thà, thế bác giữ lại cho con, đi chơi vui nhé, nếu quay về bác sẽ lì xì tết này đấy, Châu đi nhanh ra đường làm như đứng lâu thêm một chút nàng sẽ không cầm được nước mắt. Trước bất cứ cuộc chia ly nào, dù là điều mong ước, ta vẫn thấy chạnh lòng, câu nói của một nhà văn Pháp thuở học trò, giờ nàng thấy thấm thía làm sao. 
Những ngày đầu bát phố Xan Phan, Châu bị sốc ơi là sốc, hả miệng lòi ngay cái ngôn từ cán cộng, khổ cho dân Sàigòn, ở lâu bị nhiễm, mà không dùng ngôn ngữ của họ cũng không xong, tiếng việt lúc đó “bó rọ” trong chừng đó từ ngữ, phấn khởi, hồ hởi, quyết tâm... Đi ngang một tiệm bán quà lưu niệm, Châu nói “cửa hàng” chưa dứt câu, có bác nhíu mày khó chịu, ô hay cô này nói năng lạ nhỉ, con nhỏ hết hồn, líu ríu nói đại, cái shop này.Chị Mai, cháu của bác, giải tỏa không khí căng thẳng bằng câu đùa, giỏi thiệt, kiểu này khỏi học ESL, chuyện cười ra nước mắt thuở ban đầu, làm rát bỏng con tim người mới tới.
Đi đâu cũng nghe người quen hỏi, sao không ở lại, người ta vượt biển mất xác, cô đi máy bay mà không ở, hối tiếc ngàn thu đấy, chưa kịp du sơn du thủy thiên hạ đã rủ rê “tỵ nạn”, chưa biết tính sao, sao trăng giăng đầy đêm mộng mị, đêm sàigòn ngày Xan Phan, hội chứng người di tản bàng bạc trong giấc ngủ.
Châu may mắn tìm ra một số bạn cũ, người này lần ra người nọ, họ “lên kế hoạch” giúp Châu ở lại, mấy bà vào sở làm tìm người mai mối, mấy ông lùng sục trong đám cựu chiến binh xem anh nào vừa gãy gánh, ráp vào với Châu. Dân ta xa nhà nên thấy dân “gốc mẹ đẻ” lạc xứ bơ vơ không nỡ làm lơ, hơn nữa đây cũng là dịp “chén anh chén chú” cho bỏ những ngày xa cách. Cuối tuần Châu liên tục “ăn tiệc” từ nhà này sang nhà khác, có tuần có cả tiệc sáng tiệc chiều, chủ nhà bảo, mai chú ấy quay về làm việc nên làm luôn “ca chiều”.
Tuy chưa chồng, nhưng Châu chả siêu lòng anh nào, mỗi anh một vẻ, siêu gì nổi, khi lòng rối bời chuyện về hay ở, đêm nằm xuống mắt thao láo nhìn trên trần nhà, làm như trên đó có mẫu số giải đáp bài toán khó nhất đời nàng, ở lại ai không muốn, nhưng ở lại cách nào là chuyện nhiêu khê.
Người tử tế không dám nhào vô, sợ cơm không lành canh không ngọt không biết “vứt” Châu vào đâu, đuổi người không giấy tờ, ác quá, giữ bên mình sống sao nổi, thôi lắc đầu cho chắc ăn. Có anh rạch ròi tiền trao cháo múc như lúc “đóng cây” đi vượt biên, em cứ về ở thử, sau vài tháng nếu thấy được, tụi mình cưới, vài tháng đó là bao nhiêu ngày tháng, đố ai trả lời chính xác được. Tính nhẫm mười tháng ông hải quan đóng vào hộ chiếu lúc xuống máy bay, hổm rày tiêu hao gần một tháng rồi. Chín tháng mười ngày còn lại, “ở thử” được với mấy ông kẹ để được ở lại xứ này, một bài toán với hàng loạt ẩn số dài lê thê, thử vận kiểu này còn liều hơn ngồi vào canh bạc.
Nhiệm vụ của bạn bè, người quen, người ta tìm “mối”, họp mặt ra mắt ăn uống văn nghệ cho vui, đương sự có nhu cầu “chốt lại thiên đường tự do” tự liệu. Qua tiếng nhạc xập xình của dàn karaoké, tiếng ai như hát hộ Châu, “Chiều nay có một người đôi mắt buồn, nhìn xa xăm về quê hương ...”, nàng chưa thực sự lìa xa quê nhà mà sao lặng câm trong đớn đau trước một cơ hội mà ai cũng cho là ngàn năm một thuở.
Không đi thì khắc khoải, đến nơi rồi sao cứ muốn về, gần ba mươi năm dầm mưa giải nắng Sàigòn, đâu dễ gì một chiều Xan Phan mà quên được xóm nhỏ thân quen, cái xóm cứ tưởng không bao giờ rời xa nổi. Những chiều tàn tiệc, nàng buồn lắm, lần đầu tiên trong đời Châu thấy cô đơn, tự nhiên trở thành kẻ cô thân, lạc lõng giữa miền đất hứa.
Ba tháng đi “trẩy hội” tìm chồng đến “chai mặt”, tội nghiệp Châu, mỗi lần nghe có người muốn gặp mặt, nàng bán tin bán nghi, nghĩ mình đã hết thời tận số, có gặp cũng thế thôi. Rồi nàng quyết định sẽ trở về Sàigòn, thiên hạ nháo nhào phản đối, bảo công của họ đổ sông đổ biển sao, thế là mấy bà tự động đứng ra “phỏng vấn” mấy ứng viên trước khi cho “đôi trẻ” gặp nhau. Lúc này họ mới hiểu, lấy nhau phải có duyên nợ tiền kiếp, cưới nhau vì tờ giấy, phải có máu thương buôn mới làm được chuyện này, vì thế Châu có đòi quay về cũng đúng thôi. Còn vài tháng nữa để các bà “còn nước còn tát”, gái khôn tìm chồng chốn ba quân, chị em ta tất tả ra tay cứu bạn hiền.


Cuộc phiêu lưu của Châu, có một người chứng kiến từ đầu, ông cụ nhíu mày khó chịu ngày nào nghe Châu nói “cửa hàng”, câu cú của việt cộng cụ nghe không lọt lỗ tai, nhưng nghĩ lại cụ thương con nhỏ, trâu chậm uống nước đục, giờ này mới dẫn xác qua. Nghe người ta kể lại, Châu hết đường binh, chắc phải về, cụ nghĩ đến thằng con chết trong trại cải tạo. Cụ tiếc cho con trâu chậm qua được đến đây mà bó tay, không ai chịu cứu vớt con nhỏ ở lại, cụ bèn nghĩ đến người bạn tri kỷ bên San Diego, biết đâu chuyến này ông làm nên cơm cháo.
Ngày cưới, Châu ngượng nghịu bên ông chồng xấp xỉ tuổi bố mình, đã thế chú rể một tay cặp tay cô dâu tay kia tì vào cây gậy, cứ tưởng chỉ có tỷ phú hoặc tài tử mới cưới gái trẻ, ông gìa hom hem cũng cưới được vợ trẻ như ai, ái tình đâu có ngán tuổi tác. Đám bạn từ Xan Phan kéo xuống dự đám cưới, thở phào nhẹ nhỏm, mừng cho Châu có “đất cắm dùi”, người có lòng với nàng lo ngay ngáy sợ mãnh đất Châu đang bám víu “sạt lỡ” bất tử coi như giấc mộng định cư của nàng phá sản.
Từ ngày sang sông, Châu rút vào hậu cứ, đành chia xa bạn bè nhộn nhịp, nàng bắt đầu cuộc sống mới từ con số không, chạy giấy tờ tùy thân, tìm việc làm, học thêm ban đêm và chăm sóc ông chồng ân nhân. Ông Thống có bệnh nan y, niên kỷ của ông đếm chưa đến ngón áp út bàn tay, ông muốn giúp Châu. Như người sắp chết hứa sẽ hiến tặng nội tạng còn nguyên vẹn của mình cho ai cần tới, ông không đợi đến lúc mình chết đi mới hữu dụng cho người khác. Châu thật cảm động khi nghe ông cụ nhíu mày ngày trước kể lại, hai ông bạn gìa thương cảm hoàn cảnh của nàng nên ra tay nghĩa hiệp. Làm đám cưới để Châu dễ làm thủ tục sau này, ông Thống đâu cần làm khổ người khác trước khi chết, ông góa vợ đã hai năm nay, cuộc đời này còn gì để ông níu kéo nữa.
Ngày Châu có thẻ xanh cũng là ngày ông Thông mệt đến khó thở, nàng đưa ông đi cứu cấp, nằm nhà thương được một tuần, bác sĩ lắc đầu bảo đưa ông về, những ngày cuối nàng túc trực bên ông, có lúc tỉnh ông bảo Châu đưa chiếc thẻ xanh cho ông xem, lần đầu tiên hai người nắm tay nhau.
Châu bật khóc thành tiếng khi ông mỉm cười, mệt mỏi thỏ thẻ, cháu ở lại hạnh phúc, bác hài lòng lắm, ít ra bác cũng làm một cái gì cho đời, con của bác đã chết ngoài biển, cháu như vết tích của bác để lại trên quê hương thứ hai này.
Các bạn trên Xan Phan không ai ngạc nhiên khi nghe tin ông Thống qua đời, ai cũng cảm mến lòng nhân hậu của ông. Chả bù có bô lão chê vợ già, về Sàigòn tìm osin tuổi đáng con mang sang để tối lửa tắt đèn có em ru ngủ, sáng ra đưa em xuống phố lấy le với chúng bạn cao niên.
Gửi hủ cốt của ông Thống vào chùa, Châu trở về Xan Phan lập nghiệp. Lấy được cái bằng kế toán nàng may mắn được nhận vào một hãng lớn, vài năm sau nàng theo hãng chuyển đi tiểu bang xa. Địa danh đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ cứ tưởng sẽ là quê mới sau cái đất Sàigòn bên kia bờ đại dương, rồi cũng chỉ là trạm “trung chuyển” cho cuộc đời phiêu bạc ngoài dự định của Châu.
Mấy năm sau chán cái tiểu bang lạnh, Châu quay về chốn cũ, thăm dò tình hình tìm việc ở đây, Xan Phan bây giờ thay đổi quá, hay chính nàng đổi thay, nàng hí hửng réo các bạn họp mặt mừng ngày trở về. Đáp lời nàng, một số “ân nhân” ngày trước vui vẻ tay xách nách mang thức ăn đến, họ chuyện trò rôm rả. Ai đó nhắc lại cái thuở ban sơ, cô Châu ngờ nghệt đi phố thấy cái gì cũng lạ so với Sàigòn chỉ toàn xe đạp và ngô khoai, cũng có người khen nàng thành công trên đất hứa, có giọng diễu cợt pha chút ganh tị, trâu chậm giờ bảnh rồi.
Châu chợt buồn, ngày đó mới đến Xan Phan, chỉ một túi quần áo, vài ngàn đô phòng thân, mà sao bạn bè thân thiết thương yêu mình đến thế, họ bỏ chồng con lăn lóc, chạy đôn chạy đáo, tìm người “cứu bồ” cô bạn chân ướt mới qua.
Giờ cô ở lì gần hai mươi năm, bạn bè thưa dần, có người cắt liên lạc vì con trâu chậm ngày trước giờ đã qua mặt họ một cái rụp với mảnh bằng kế toán, cái bằng đó chả làm được chuyện lớn, lớn chuyện ở đây là người ta ứa gan cái mảnh bằng chết tiệt kia, người ta chưa rảnh đi học cho bằng Châu, chứ người ta đâu có dốt.
Bạn tri kỷ chỉ còn vài người, bạn cũ có người chuyễn qua tiểu bang xa, có người chia tay với bạn đời, trở về cố hương cưới người yêu của mối tình đầu mang sang hủ hỉ ôn lại kỷ niệm thời thơ dại ngu ngơ.
Châu vẫn chữa chồng, ở tuổi này ở vậy cho ổn, ngoài năm mươi, thời bố mẹ mình, các cụ đã lên hàng ông bà, cô nàng vẫn “phòng không”. Người ta nói Châu ế chồng, nói thế không chính xác, thời lấy chồng đã qua lâu rồi, phải gọi là gái gìa, chữ gái chỉ đổi vị trí hai “chữ cái” IA thêm dấu huyền vào nghe buồn thê lương.
Thời vi tính người ta tìm bạn dễ ợt, bạn bè muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, bàng bạc trên mạng, một ngày chịu khó bỏ vài giờ dạo phố ảo, tung hình tung lý lịch chà xi đánh bóng đưa lên mạng, chọn cái nick thật kiêu, sớm muộn gì cũng câu được con cá bự, cá nấu món gì, hậu xét.
Nghe bạn bè khuyên Châu phì cười, nàng không màng cái trò “đỏ đen tình ái” trên mạng, ngày mới đến bạn bè bày tiệc giáp mặt nhau còn chưa ưng ý, lên mạng phải có tính liều, vì đằng sau cái nick kia biết “ai là ai”, ba mươi lần chat, một lần gặp là tan tát cuộc tình ảo, hy vọng bao nhiêu thất vọng bấy nhiêu.
Các cụ ngày xưa làm liều mà hay, ép duyên con cái, chín cặp được, một cặp thua, trong chín cặp được chưa chắc “được” trăm phần trăm, nhưng vẫn sống đến hết đời. Đời nay ai dám ép nhau, có nài nỉ con cái cũng chả thèm “sang ngang”, xã hội tư bản “tự do quá trớn” (cụm từ của bộ đội thứ thiệt đó), bọn trẻ đâm chán đời, không thèm yêu, không thèm cưới, không thèm đẻ. Nhân gian trở nên cô đơn quá trớn luôn, người già chơ vơ một mình hiu quạnh, hình như Châu vô tình đã dính vào cái đám quá trớn kia rồi thì phải.
Chiều Xan Phan gió lồng lộng thổi dọc thổi ngang, lòng nàng ngang dọc những ý tưởng lang mang, ngày còn bên nhà ai chả mơ thiên đàng hạ giới, đến nơi chưa nóng đít lại nhớ nhà quay quắt đến nổi muốn lộn về ngay, hội chứng của người tha hương, gần hai mươi năm vẫn chưa nguôi ngoai trong nàng.
Chiều nay ngồi bên chiếc cầu vàng (Golden Gate), nàng nhớ đến ngẫn ngơ, ngày đó ba lô nhẹ tênh vài bộ quần áo, bỗng có hai ông tiên đến cứu nàng. Hai ông bạn già tri kỷ đã giã từ thế gian này, giá không gặp họ, giờ này nàng đâu có ngồi đây, và nhớ lắm ông cụ nhíu mày khó chịu ngày trước, ơ hay cái cô này... Cô này đã nhập tịch xứ cờ hoa rồi ông ơi.
Châu cười một mình, ngày ba mươi tháng tư năm đó, đố ai dám nghĩ dân ta sẽ “đóng đô” ở ngoại quốc, cách mệnh tràn vào nam, “dân ngụy” bị bức tử. Ba mươi lăm năm sau, có người châm biếm, “nhờ ơn bác đảng” dân ta mới hiểu mất tự do là mất tất cả, bắc kỳ 54 di tản lần thứ hai, nam kỳ bỡ ngỡ tan đàn rã nghé, và biết cả Sàigòn xa New York, xa Paris, xa Sidney... bao nhiêu giờ bay.
Đoàn Thị

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,300,995
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến