Hôm nay,  

Huế Trong Tiếng Pháo Bolsa

24/03/201000:00:00(Xem: 124800)

Huế Trong Tiếng Pháo Bolsa

Tác giả: Tịnh
Bài số 28745-1628995- vb4032410                                                 

Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, tự sơ lược tiểu sử:      Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng.  Theo học trường Đại Học Sư Phạm Huế (1976-1980).  Sang Mỹ năm 1982. Làm warehouse một đời. Về hưu năm 2004. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên được ghi thêm: Viết tặng một nhà văn một thời và một đời của Huế. Mong ông sẽ tiếp tục viết.

***
    
À, bây chừ là sáng Mồng Một Tết Năm Dần.  Người ta đang đốt pháo rầm trời quanh Little Saigon. Nghe tiếng pháo nổ, lòng tôi rộn rộn, ràng ràng như con trẻ.  Tôi lại nhớ đến những tiếng còi của con tàu kêu rú từng hồi, từng hồiá.
. . .
Tôi trở về Huế vào một sáng mùa đông năm 1980.
Ngày ấy, trời Huế có nắng nhưng rất lạnh.  Đã sống một thời hay một đời ở Huế thì ai cũng biết cái lạnh của Huế có ngày nắng, có ngày mưa phùn bay bay.  Tuy không có tuyết rơi và trời về đêm không rực đỏ như mùa đông xứ người, cái lạnh của Huế khi tê tê, khi buốt buốt, có khi lại da diết, thâm trầm khiến người đi xa vẫn thường đem lòng thương và nhớ những đêm dài, nằm buồn co quặp, mấy đứa chui rúc trong một tấm mền vẫn không có...răng mô tề trong lòng Huế.  Và ước chi vào những ngày tháng lạnh ấy mà có dịp ngồi bệt ở hàng quán bên đường, ăn một tô cơm hến Vỹ Dạ hay sang chợ Đông Ba gọi một dĩa cơm với cá bống kho tiêu mặn ngọt, thêm dĩa thịt heo luộc có chén mắm tôm hay mắm rò, vừa ăn, vừa hít hà, thì trời ơi, sung suớng còn gì bằng, phải không, Huế"
À, thì ngày ấy, tôi về Huế một mình với tâm trạng vô cùng chán chường và tuyệt vọng.  Lúc ấy, có hai việc tôi phải làm.  Thứ nhất, tôi phải vào trường để xin lại hộ khẩu về Đà Nẵng sinh sống.  Thứ hai, tôi muốn gặp mặt một người bạn học lần cuối để nói lời chia tay trọn vẹn và cao thượng.  Vào thời điểm đó, lòng tôi rất phân vân, không biết phải lựa chọn cho mình một con đường là nên ở hay nên đi. Tôi thi rớt môn chính trị cuối khóa, rồi đậu vớt vào đợt hai.  Cái tính ham chơi, thích "làm học trò không sách vở cầm tay" của Đinh Hùng thì viết làm sao được những bài luận triết học quá phứt tạp về Karl Marx hay Lenin"  Rớt là phải.  Nhưng cuối cùng, tôi cũng...may mắn có tên nằm trong danh sách bổ nhiệm về một trường phổ thông cấp 2 hay cấp 3 gì đó ở một vùng Cao Nguyên, nghe nói cách Darlac hay Ban Mê Thuột chừng vài mươi cây số và chung quanh trường, có nhiều đồi núi còn dẫy đầy những vết tích chiến tranh, còn có cả những thú dữ như heo rừng, cọp, voi đàn gầm rú rất ghê rợn khi đêm về.  Một con đường tuyệt vọng, tôi nghĩ vậy. 
Thật lòng, tôi không muốn làm thầy dạy học.  Tôi biết tôi không mẫu mực, không học hành siêng năng như các bạn học để có được một kiến thức sư phạm vững vàng, nhất là lòng tự tin khi đứng trên bục giảng.  Vậy thì tôi đi dạy để làm chi"  Hơn nữa, đi dạy với tâm trạng rối bời của một kẻ thất tình, nửa tỉnh, nửa say thì tội nghiệp cho đám học trò thiểu số và làm một tội đồ trong ngành giáo dục như bao nhiêu đồng nghiệp khác.  Tôi không làm được.
Nói cho đúng, lớn lên vào thời bao cấp khó khăn, tôi đã không có một con đường lựa chọn nào khác ngoài việc phải ra đi.  Ngày trở về Huế, tôi đã đến trường, can đảm trình bày nguyện vọng và hoàn cảnh của mình để mong họ giải quyết cho tôi rút lại hộ khẩu.  Nhưng họ từ chối.  Thì ra, sau ngày ra trường, chẳng ai còn biết về hộ khẩu của tôi, ngoại trừ Ty Giáo Dục Darlac hay Ban Mê Thuột.  Tôi biết trước sau gì họ cũng trả tôi về địa phương quản lý vì tôi đã quyết định từ bỏ nhiệm sở.  Thôi thì cứ nhắm mắt đưa chân, làm một Chí Phèo của Nam Cao, tới đâu thì tới.
Ngày ấy ở Huế, sau khi rời văn phòng trường, tôi đã bước thật chậm khắp khuôn viên sư phạm, lên lầu nhìn vào lớp học và vòng quanh cư xá Đội Cung để tìm gặp những ai tôi từng quen biết nhưng còn sót lại đâu đây, sau ngày tốt nghiệp, để bắt tay, chia sẻ với nhau vài ba điếu thuốc, một nụ cười, hay ít ra cũng sẽ rũ rê nhau đi qua cầu Trường Tiền, vào quán Phấn, ngồi xuống nhâm nhi một ly cafe đen, nói chuyện đời cho thật khuây khỏa để rồi sau đó, sẽ từ biệt nhau, đường ai nấy đi và bắt đầu một cuộc sống vô định. Lúc đó, tôi nhìn thấy những dẩy hành lang vắng tanh.  Không còn nữa bóng dáng các thầy và các bạn cùng khóa, cùng trường.  Tôi biết ai cũng đã bỏ Huế mà đi ở lần bổ nhiệm đợt trước. Chứ có ai buồn trở lại hay ở lại Huế để làm chi hay mần chi"
 Trưa hôm ấy ở Huế, tôi còn nhớ,  tôi đã cuốc bộ từ trường sang bên cầu Gia Hội, tìm đến nhà anh Thảo để chào từ biệt. Đến nơi rồi, người nhà nói anh Thảo chán đời, đã...tình nguyện đi kinh tế mới ở Kontum.  Buồn quá, tôi bước đi một đoạn đường nữa để vào thăm nhà Mệ Từ ở gần đó.  Ngày xưa, trước và sau năm 75, tôi đã trọ học và sống với Mệ Từ trong một căn nhà cổ kính, có vườn tược và nhiều âm miếu thờ tự.  Mệ Từ thường căn dặn tôi đi qua, đi lại những nơi thờ phụng thì phải cúi đầu và ngày rằm thì phải thắp hương khấn vái để người khuất mặt không hù dọa hay khuấy rối mình.

*
"Huế linh thiêng lắm nghe mi.  Chiến tranh chết chóc nhiều, kể không hết mô.  Ngày xưa, thời Việt Minh, thời Tây trở lại, tao chạy giặc, cơm không có mà ăn, sợ mấy thằng Ma Rốc cà răng, căng tai làm nhục đời thì khổ.  Rồi đến năm Mậu Thân, năm 72, 75, tao cũng chạy tứ tán.  Mất hết mi ơi!  Chừ tao già rồi.  Tao không thèm chạy nữa mô nghe."
Mệ Từ nói đúng.  Huế linh thiêng lắm.  Về đêm, Huế rất âm u và tối như mực.  Hiếm khi có một ánh điện đường.  Mỗi lần đi uống cafe ở ga Huế hay chơi domino với bạn bè ở cư xá Đội Cung về khuya, tôi thường cúi đầu đạp xe thật nhanh qua những con đường vắng mà tim cứ đánh nhịp liên hồi. Lớn rồi nhưng tôi vẫn tin ở Huế...có nhiều ma.  Vừa đạp xe đi trong bóng tối nhưng miệng tôi thì cứ đọc những câu kinh Phật Mệ Từ dạy cho tôi để trấn áp sự hồi hộp, lo sợ trong lòng.  Lâu lâu gặp một vài người đi trên đường, tôi liếc liếc xem họ có chân hay không rồi thở phào đạp tiếp.
"Con đến thăm Mệ lần ni.  Rồi con đi..."  Tôi nói với Mệ Từ.
"Con đi được thì cứ đi.  Mệ biết trước sau gì con cũng đi.  Con đi mô cũng được.  Mệ dặn con...con nhớ đừng chính trị, chính trọt hay làm chi mân tình, mân tội với ai.  Mình nghèo nhưng sống đúng với cái tâm của mình là được rồi."  Mệ Từ vừa nói, vừa bập bập điếu Cẩm Lệ trên môi, mắt nhìn chăm chăm ra cửa, đến đám gà con đang theo tiếng mẹ tục ta, tục tác trên sân nhà.


Tôi rời nhà Mệ Từ.  Ra đầu ngõ, tôi đón xe đạp thồ về Bến Ngự.  Tôi còn một việc phải làm, đó là lên Nam Giao chào người bạn học lần cuối trước khi cô ấy đi lấy chồng.  Người bạn tôi rất hiền, thông minh và học hành giỏi giang, không như mấy anh chàng học trò xứ Quảng như tôi. Tôi nhớ mãi hình ảnh người bạn tôi đứng khép nép dưới mái hiên nhà, nụ cười và cánh tay người bạn ấy đưa lên cao vẩy chào tôi trước khi tôi quay lưng, tự tay mình khép lại chiếc cổng sắt và ra về.  Tự dưng tôi muốn khóc. Tôi đi như chạy.  Xuống con giốc cao, đến chùa Từ Đàm, tôi mới dừng chân lại.  Không hiểu vì sao lúc ấy, tôi thèm nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ.
"Anh ơi, đi mô rứa"  Em thồ anh đi."
"An Cựu.  Bến xe An Cựu.  Cho anh kịp chuyến xe về Đà Nẵng."

*
Thằng bé tuổi chừng mười lăm hay mười sáu chờ tôi lên xe rồi đạp đi thật nhanh.  Hắn chở tôi đi suốt con đường Nguyễn Huệ, miệng cứ tía lia, tía lịa.
"Huế mình cực thiệt, anh hỉ" Ở trong nớ, người ta gọi mình là dân...trèo đèo đó anh.  Năm 72, ba mạ em bị lật xe chết trên đèo Hải Vân.  Chừ em sống với hai bà chị.  Suốt ngày họ chằm nón, thêu ren cho hợp tác xã mà có đủ sống mô.  Cả nhà cứ ăn sắn luộc với bo bo hoài.  Còn anh, anh đi Đà Nẵng mần chi rứa""
"Anh về Đà Nẵng rồi anh...đi xa lắm."
"Anh, mà thôi.  Em hiểu rồi.  Đi được thì cứ đi anh ơi."
"Đi mô"  Đừng nói tầm bậy.  Tai vách mạch rừng đó nghe em."
"Sợ chi"  Em có giấy kêu đi nghĩa vụ rồi.  Còn sợ chi ai nữa đâu anh""
Đã đến giờ xe chạy.  Chiếc xe Renault thời đệ nhị thế chiến chạy bằng than thay xăng.  Lơ xe chất đầy người, hàng hóa, và chiếc xe đò giống như con ngựa sắt già, ra sức chạy ọc ạch rất tội nghiệp từ An Cựu đến Phú Bài thì hết hơi, nằm giữa đường ăn vạ.  Tôi lại phải đón xe thồ trở về Huế.  Thì ra, Huế vẫn còn như ma níu chân tôi ở lại qua đêm cho...rệp cắn để suốt đời không bao giờ quên một ngày cuối cùng tôi với Huế.
Rồi đêm về.  Đêm ấy, tôi nằm trên ghế bố và quanh mình, kẻ co ro, ngủ dựa, người thiêm thiếp nhưng tai vẫn ngóng tiếng còi tàu xa xa.  Ai cũng ngứa và gãi sồn sột.
"Đi nghe anh.  Vô trong em...lấy rẻ cho.  Con em hết sữa bú rồi."  Cô gái trẻ đang bồng con, đi đi, lại lại trước mặt tôi mời mọc.
"Không, không. Cảm ơn chị." Tôi nói.
Trời Huế lạnh.  Tôi buồn và không ngủ được vì rệp cắn khắp mình mẩy. 
Tôi đi.  Về Đà Nẵng, tôi lao đao, lận đận một thời gian trước khi tôi lặng lẽ rời Việt Nam vào năm 1982.
     Sớm mai với con tàu,
     Xa Huế và xa em,
     Dặm ngàn xa, rất xa...
Thấm thoát đã ba mươi năm xa Huế.  Chừ tôi ngồi đây, muốn ghi lại những tâm tình sâu kín nhất trong lòng tôi về Huế.  Ai cũng nói Huế đi dể nhưng khó về.  Về mần chi, còn ai nhận ra mình nữa mô mà về, phải không, Huế"
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi về thăm nhà ở Đà Nẵng là vào mùa xuân năm 2002.  Một hôm tôi tình cờ tìm lại được bài thơ về Huế của Uyển, một người bạn học trường Sư Phạm Huế, khoa Ngoại Ngữ.  Đọc bài thơ học trò Con Vào Đại Học của Uyển, lòng tôi chết lặng. Ngồi trong căn phòng nhỏ, nhà của một người bạn, tôi bỗng nhớ đến kỷ niệm một thời với Huế.  Hơn hai mươi mấy năm rồi còn gì...

Tin Mẹ mừng con đã vào đại học,
Mẹ chuẩn bị cho con khăn gói lên đường,
Chiếc khăn tay, chiếc khăn quàng cổ, bình dầu Nhị Thiên Đường,
Huế mùa này lạnh lắm, nghe con.

Nắng xứ Quảng dạt dào hương lúa mới,
Mưa mưa đông trời Huế buốt da người,
Con gắng học về làm thầy làng Mẹ,
Lấy gái quê mùa là ước nguyện Mẹ mong,
Nhưng Mẹ ơi, khi chân bước vào đời,
Con chập chửng như người say xứ lạ...

Tôi nhờ bạn bè mua vé tàu, định bụng ra thăm Huế một mình vào ngày hôm sau. Ai cũng nói bây giờ Huế đang trẻ lại, đẹp hơn, nâng cấp mỗi ngày nên xinh xinh và thùy mị như... mấy o gái tuổi dậy thì.  Riêng tôi, tôi thầm mong Huế vẫn mãi là Huế không son, không phấn ngày xưa. Thật ra, chỉ có những người đã từng sống thật với Huế, yêu Huế và đớn đau vì Huế, mới hình dung và cảm nhận được cái đẹp của Huế và con người Huế mà thôi.  Huế là một vùng đất khổ.  Đất khổ nên con người cũng khổ.  Tuy hai nhưng là một.  Đất và người.  Một cái khổ đẹp không thể tách rời làm đôi do định mệnh trời dành.  Huế đẹp là đẹp.  Đẹp tự nhiên và đẹp hồn nhiên.  Cái đẹp của Huế không cần phải định nghĩa hay bào chữa bao giờ.  Chỉ biết rằng Huế đẹp trong cái khổ và Huế bao giờ cũng khổ trong cái đẹp có tính tự hào thầm kín của riêng mình, mình hiểu thôi.  Người trong nớ hay ngoài tê...mần răng mà "chộ" hay cảm hiểu được cái đẹp của mình, đúng không Huế"
Vậy mà năm 2002, tôi đã không về thăm Huế vào giờ phút chót. Tự dưng tôi đâm sợ. Tôi sợ những kỷ niệm ngày xưa sẽ khiến tôi đau lòng và xúc động.  Tôi sợ tìm lại chính mình và không nhận ra được đó chính là tôi ngày xưa trong gương soi hiện tại.  Tôi sợ nhìn lại một quá khứ, những con đường, lớp học, nhà trọ, hàng quán, góc phố tôi đã từng đi qua và sống quá.  Tôi sợ hình dung được và tìm lại được những con người rất đẹp và rất người trong tầm nhớ của tôi.  Để rồi khi đối diện với hiện thực thì mọi vật, mọi điều đã quá già nua, cằn cỗi, không chỉ riêng tôi, sẽ khiến tôi đau lòng khi bỏ Huế mà đi một lần nữa trong đời.
 Tôi nghĩ người đi xa, trí nhớ họ rất trẻ.  Năm 2002, ngồi bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng, tôi đã mơ về Huế. Tôi vẫn hình dung được những khuôn mặt thân tình và thân thương ngày nào của các bạn tôi. Trong tôi, họ và tôi đều rất trẻ, dể nhận ra nhau. Không như căn nhà năm xưa, sau hai mươi hai năm xa cách, tôi đã đối diện và không thể nhận ra đó chính là nơi tôi đã một thời sinh ra và lớn lên. Ngay cả những con hẻm, những phố xá tôi thuộc nằm lòng trong ký ức cũng đã trở thành những con đường, những cao ốc xa lạ, và tất cả đã đổi thay, không giống như những gì tôi gói ghém trong tầm nhớ của tôi trước khi trở về.  Còn Huế"  Huế thì răng"  Chừ ra răng"  Có thật lòng không răng mô, răng rứa"
À, bây chừ là sáng Mồng Một Tết Năm Dần.  Người ta đang đốt pháo rầm trời quanh Little Saigon.  Nghe tiếng pháo nổ, lòng tôi rộn rộn, ràng ràng như con trẻ.  Tôi lại nhớ đến những tiếng còi của con tàu kêu rú từng hồi, từng hồi trước khi lăn bánh mang tôi rời xa Huế vào một sáng mùa đông năm 1980...
Bỗng có tiếng gõ cửa.
Tôi đang viết ngon ơ về Huế thì có tiếng gõ cửa.  Tôi đoán chắc là Mệ Martinez yêu quí của tôi đang đến đòi tiền nhà.
"Listen, Mr. Vietnamese.  You can run but you can't  hide.  Pay your rent by tomorrow or I'll kick your...out!  You hear""
"Yes, Mrs. Martinez.  I'll pay you...by tomorrow."  Tôi lên tiếng, từ trong phòng nói vọng ra, giọng nhỏ nhẹ.
"That's good. Remember, nothing is free in America!"
Huế ơi, thấy rồi đó.  Ở đâu rồi cũng khổ.  Chừ mới biết Mệ Từ nhai trầu của Huế ngày xưa đã nói rất đúng về cuộc đời: biển mô rồi cũng mặn, cũng ê chề như nhau.
Tôi sẽ về.  Về ở cuối cuộc đời.  Chỉ một lần thôi.  Tội tình chi mô, chính trị, chính trọt chi mô"  Về để tìm lại những "cuộc đời con" và "những giấc mơ con" của một thời học trò muốn làm "Thà Như Giọt Mưa" của Nguyễn Tất Nhiên. Thử hỏi có ai bỏ Huế mà đi một thời hay một đời mà cái "rọt" hay lòng đã không nhớ, không thương, mà không thèm về một lần thăm Huế"
Tịnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,809,202
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Nhạc sĩ Cung Tiến