Hôm nay,  

Chỗ Đậu

15/03/201000:00:00(Xem: 111142)

Chỗ Đậu

Tác giả: Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Bài số 2887 -1628987- vb2031510

Sapy Nguyễn Văn Hưởng, cư dân San Diego,  là tác giả đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Lần thứ nhất là bài  “Hoa Ve Chai”, giải bán kết năm 2001. Năm 2004, ông nhận thêm giải chung kết với  bài “Giọt Nước Mắt”, chuyện kể về việc một kiến trúc sư gốc Việt là tác giả bản vẽ Đài Tưởng Niệm trong Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

***

Sáng sớm nay, có một người bạn chuyển bằng e-mail cho tôi bản danh mục một số giá biểu tiền phạt vi phạm luật lưu thông của bang California, được áp dụng kể từ ngày 6 tháng giêng năm 2010. Tôi chẳng những chóng mặt, ngạc nhiên về mấy con số tiền phạt leo thang, mà còn không ngờ mấy vụ vi phạm tưởng chẳng đáng gì, lại phạt rất nặng. Tôi sao chép ra đây vài trường hợp thường vi phạm, với luôn cả phần tiếng Anh, để phòng khi tôi dịch sai hay tối nghĩa.
Nhìn con số gần cả ngàn đô tiền phạt cho lần đầu nếu đậu xe vào nơi dành riêng cho người khuyết tật, và sẽ tăng gần gấp đôi cho lần vi phạm sau. Tôi thấy nó thể hiện được rõ ràng sự quan tâm của chính phủ đối với người khuyết tật. Nhân đây tôi xin phép được tản mạn đôi điều về chuyện tìm chỗ đậu.

California Traffic Tickets Fines (01-06-2010) / Giá Biểu Tiền Phạt Vi Phạm Lưu Thông Tại California Kể Từ 06-01-10
Violation Total Fine Due
Vi Phạm / Tổng Số Tiền Phạt

- Failure to provide evidence of financial responsibility (insurance) Không Chứng Minh Được Có Bảo Hiểm Xe  $796 
- Failure to stop at a red signal.Không Dừng Xe Lại Khi Đèn Đỏ  $436
- Unsafe Speed, 1 to 15 miles over the limit./ Chạy Quá Tốc Độ Quy Định Từ 1 Đến 15 Dặm 214 
- Unsafe Speed, 16 to 25 miles over the limit. / Chạy Quá Tốc Độ Quy Định Từ 16 Đến 25 Dặm 328 
- Failure to stop at a stop sign. 
Không Ngừng Xe Tại Bảng "Stop" 214
- Passing a school bus with flashing red signals./ Xe Vẫn Chạy Khi Đèn Xe Chở Học Sinh Chớp Đỏ  616 
- Drive using wireless phone not hands free, First offense / Tay Cầm Và Sử Dụng Điện Thoại Lúc Lái Xe (Lần Đầu)  148 
- Drive using wireless phone not hands free, For each subsequent offense. / Tay Cầm Và Sử Dụng Điện Thoại Lúc Lái Xe (Lần Sau)  256
- Parking in a bus loading area. / Đậu Xe Nơi Dành Riêng Cho Xe Buýt Lên Xuống Khách 976 
- Violation of disabled parking provisions, first offense./ Đậu Xe Nơi Dành Riêng Cho Người Khuyết Tật Lần Đầu 976
- Violation of disabled parking provisions, second offense./ Đậu Xe Nơi Dành Riêng Cho Người Khuyết Tật Lần Thứ Hai 1876
 
*

Đến Mỹ chiều hôm trước, qua sáng hôm sau trước khi đi làm, ông Tô Văn Tám, người bảo trợ gia đình tôi, đưa cho tôi một mớ tài liệu. Ông bảo, hãy cố học để chuẩn bị đi thi bằng viết lái xe. Tôi chưa kịp phân trần về vốn liếng tiếng Anh kém cỏi của mình thì ông đã đi mất. “Cái khó ló cái khôn”, tôi đành phải lôi cuốn tự điển Anh Việt bỏ túi nhầu nát ra vừa dịch vừa học. Rồi sau vài lần thi cử, tôi cũng đỗ được bằng viết, rồi đỗ luôn bằng lái xe hai tuần sau đó.
Khoảng một tháng sau ngày ông Tám đưa tôi ra ngân hàng, bảo lãnh cho tôi vay tiền để mua xe, tôi đã có thể sống tự lập, ít còn phải nhờ vả tới ông như trước nữa. Qua những việc ông Tám lo lắng, nâng đỡ gia đình tôi, giúp tôi nhận ra, chiếc xe hơi ở Mỹ là vật dụng quan trọng, là phương tiện không thể thiếu. Nó chính là đôi chân. Bước đi được thì cuộc sống mới ổn định và khởi sắc. Tôi vẫn luôn khắc ghi trong lòng, cái ơn ông Tám sớm tạo cho tôi cơ hội thi đỗ cái mảnh bằng quan trọng nhất trong đời, còn giúp tôi mua ngay được một phương tiện tối cần thiết, trong bước đầu tái lập lại cuộc sống mới, khi tôi vẫn chưa có đủ tiền.
Người cần nhà để ở, đương nhiên xe cũng cần nơi để đậu. Cho nên chỗ đậu cũng là một vấn đề lớn liên quan đến từng người người sống trên đất Mỹ. Và nó cũng ghi vào lòng tôi không ít những chuyện vui buồn đáng nhớ và suy gẫm.
Câu chuyện đầu tôi muốn thưa là chuyện ông Bill Gates, nhà tỷ phú được xếp vào hạng giàu nhất hành tinh này, liên tục hơn mười năm trời. Tôi nghe có người kể lại rằng, một hôm ông Bill Gates tự lái xe đến dự buổi gây quỹ từ thiện tại một khách sạn sang trọng. Khi nhìn thấy giá phí chỗ đậu nơi đó quá cao, ông bèn quay trở ra bên ngoài, tìm một chỗ đậu công cộng đặt dọc ven theo lề đường (Self parking). Mấy nơi đó giá cả tương đối rẻ hơn nhiều. Vì vậy ông Bill Gates đã phải xin lỗi cử tọa về việc đến trễ giờ, rồi sau đó ông mới ký tặng vài triệu đô la trước khi ra về.


Nghe xong câu chuyện, tôi biết mình không đủ trí, đủ tài để học được phương cách làm giàu như ông Bill Gates. Nhưng chuyện tìm một chỗ đậu để tiết kiệm được vài chục đô la, rồi cho đi bạc triệu của nhà tỷ phú, tôi nghĩ, nếu cố gắng học hỏi, rồi bắt chước làm được một phần nhỏ, theo cách chi tiêu của ông ấy thôi, cũng đủ giúp cho cuộc sống mình ngày càng hạnh phúc thêm.
Câu chuyện kế, tôi nghe cách nay đã mấy năm. Một hôm tôi đến chơi nhà anh Tường, người bạn cùng đơn vị hồi trước. Trong lúc trà dư tửu hậu, anh Tường kể cho tôi nghe chuyện của ông Du, một người mà anh cho là có nếp sống mẫu mực, đáng lấy đó làm gương.
Ông Du tuy tuổi đã khá cao mà vẫn say mê chuyện học hành. Nhà ông ở cách trường độ mươi mười lăm phút xe. Nhưng ông Du thường rời nhà đến trường sớm cả tiếng đồng hồ, để tìm được một chỗ đậu gần lớp học nhất. Học xong, ông lái xe thẳng lại phòng tập thể dục, leo lên máy (treadmill), đi và chạy đúng 45 phút, xong xuôi ông mới trở về nhà tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi.
Câu chuyện nghe qua chẳng mấy thú vị, hấp dẫn, vậy mà nó cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi. Tôi ngẫm nghĩ để cố tìm xem mình học được gì từ tấm gương này. Tôi biết, việc đi bộ thể dục hàng ngày là tối cần thiết, cho mọi người sống trên một đất nước, mà mỗi lúc ra khỏi nhà là bước ngay lên xe. Tôi biết, Balboa Park, một công viên to và đẹp nhất San Diego, chỉ cách ngôi trường nơi ông Du đang theo học chưa tới nửa dặm. Chung quanh công viên đó, có nhiều đoạn đường cây to bóng mát, hoa cỏ luôn xanh tươi, thả bộ dạo quanh giống như lạc vào chốn non bồng. Quan trọng hơn là có nhiều bãi đậu rộng rãi, thênh thang. Tôi tự hỏi, sao hàng ngày ông Du không tới đó đậu, rồi đi loanh quanh ngoạn cảnh một lúc xong đi đến lớp học. Hết giờ học lại đi bộ ra xe. Chỉ cần tính toán sao cho thời gian đi vừa đủ sức mình và đến lớp đúng giờ học. Như vậy, mỗi ngày ông Du khỏi phải phung phí gần cả giờ quý báu chờ đợi, để tìm một chỗ đậu gần lớp học, rồi sau đó lại mất thêm thời giờ chạy tới phòng tập và đi bộ trên máy.
Nghĩ về người rồi ngẫm lại mình. Tôi nhớ hồi thành phố Los Angeles tổ chức Thế Vận Hội mùa Hè năm 1984. Tôi cũng đã phải bỏ ra đôi ba chục đô la để có một chỗ đậu cách vận động trường thi đấu cả nửa dặm đường. Vì mấy chỗ đậu gần, có nơi treo bảng giá tới cả trăm đô. Không biết bao lần tôi cũng lái xe chạy vòng vòng để tìm một chỗ đậu thật gần nơi mình muốn đến. Tôi cũng từng thấy thiên hạ đánh nhau, chửi nhau chỉ vì một chỗ đậu. Tôi cũng đôi phen bực mình đến nỗi phải sừng sỏ với một người ngang nhiên đậu vào ngay cái chỗ mà tôi đang dừng xe chờ đợi từ lâu. Tệ hơn nữa, có lần tôi phải bồi thường thiệt hại cho một chiếc xe mà tôi lỡ đụng vào, vì vội vàng chạy tới de lui trong cái bãi đậu quá chật hẹp.
Rồi đến một hôm, tôi chợt nghĩ, tại sao mình cứ phải đậu mãi như vậy" Đậu khác đi một chút hay ngược hẳn lại không được hay sao" Tại sao lại để những tranh dành, bon chen, nhỏ nhoi ấy gây phiền toái cho mình. Nó còn đánh mất đi bao nhiêu thời giờ quý báu. Nhận ra mấy điều đó, tôi tự tạo cho mình một nguyên tắc đậu riêng. Tôi quyết, từ đây, đến bất kỳ nơi đâu, tôi sẽ tìm một chỗ đậu xa nhất, trống trải nhất, chỗ mà không một ai muốn tranh giành với mình. Cho dẫu có phải cuốc bộ một vài dặm đường cũng chẳng sao. Đậu như vậy vừa thoải mái, vừa được dịp đi bộ thể dục, vừa tiết kiệm thời giờ phải đi bộ trên máy, nhất là lòng được thảnh thơi.
Tính đến hôm nay, tôi đã đậu theo nguyên tắc đó đã ngoài ba năm. Nó giúp tôi đi lại nhanh nhẹn hơn, người cũng bớt nóng nảy vì ít phải bon chen. Nhưng tiếc là nguyên tắc này chỉ dùng được ở nơi nhiều nắng ấm, ít mưa, nhất là thành phố San Diego nơi tôi đang ở. Còn các tiểu bang nhiều mưa, lắm tuyết, chỉ áp dụng được tùy theo mùa. Chứ cứ làm đúng theo cái lối tôi vạch ra, sức khỏe sẽ chẳng tăng, không khéo còn giảm thọ.
Sáng nay, sau khi lái xe vào chỗ đậu bên dưới bóng mát một tàng cây, chung quanh vắng hoe. Tôi thảnh thơi rảo buớc một lúc luôn ba vòng chung quanh cái bãi đậu thênh thang. Nhìn những chiếc xe nối đuôi nhau chạy tới lui tìm chỗ đậu. Tự nhiên tôi nhớ tới hai câu thơ Nôm của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,784,353
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Bước qua thêm một mùa Lễ Mẹ, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả là cư dân San Jose, đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Ngày Lễ Mẹ đang tới. Mời đọc bài viết của Dong Trinh. Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Chủ nhật cuối tuần này là Mothers Day, mời đọc bài viết mới của Năng Khiếu: chuyện về bà ngoại, đồng thời là chuyện về bà mẹ. Tác giả họ Trần, trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.
Tháng Năm, Chủ Nhật 14 sắp tới là Mothers Day. Mời đóc bài Phan viết nhân ngày Lễ Mẹ.Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County.
Iris Đinh là tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư,
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông"
Nhạc sĩ Cung Tiến