Hôm nay,  

Người Nghệ Sĩ Ở Phố Hầm Atlanta

27/02/201000:00:00(Xem: 314240)

Người Nghệ Sĩ ở Phố Hầm Atlanta

Tác giả:
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 2875 -1628975- vb7027110

Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn cho tuổi học trò trên bán nguyệt san Tuổi Hoa và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa (hiện nay vẫn tiếp tục phổ biến trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoa.hatnang.com.) Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên  làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại Mỹ từ năm 2003. Cam Li đến với giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ" và đã góp nhiều bài giá trị. Sau đây là bài viết mới nhất.

1
My có thói quen đáp xe bus xuống phố mỗi cuối tuần. Xuống phố! Mỗi lần đi như thế My có cảm giác như đang nghe bài hát "Downtown" thuở còn đi học và hát theo giọng hát của Petula Clark trong radio.
Ở downtown, người và xe tấp nập, không giống như khu vực nơi My cư ngụ. My tha hồ đi dạo khắp nơi, không mua sắm thì cũng có nhiều chỗ để ngắm nghía. Và lần nào My cũng không quên đi xuống Phố Hầm.
Phố Hầm! Đó là cái tên của riêng My nghĩ ra và đặt cho khu Underground Atlanta. Nơi đây cũng giống như những trung tâm thương mại khác, nhưng lại có một cái gì rất riêng. Chỉ cái tên gọi "Underground Atlanta" đã là đặc biệt lắm rồi! Một khu vực rộng khoảng năm "block phố", kiến trúc cũ kỹ, nằm dưới "hầm". Biết bao nhiêu thăng trầm từ lúc bắt đầu được xây dựng sau cuộc Nội Chiến, đến nay Phố Hầm như một địa điểm du ngoạn và giải trí cho cả du khách lẫn người dân sở tại.
Buổi sáng hôm nay, My cũng lang thang trong Phố Hầm. My có ý tìm mua một vài món hàng làm quà cho gia đình. My thích ngắm những chiếc "booth", tức là những gian hàng nhỏ, với hình dáng như những chiếc xe ngựa, trên đó trưng bày đủ loại từ quần áo, khăn, mũ cho đến nữ trang, đồ chơi, bánh kẹo.... Những chiếc xe xinh xắn ấy đứng tăm tắp bên nhau, trông như đang chờ để rời bến. Trong lúc còn đang thơ thẩn, My nghe xen lẫn trong tiếng cười nói của mọi người, có tiếng đàn guitar văng vẳng. Có cái gì thúc đẩy My lần theo tiếng đàn ấy. Tiếng đàn rõ dần. Và đây rồi! Không phải chỉ tiếng đàn, mà còn có lời hát nữa. Nơi khoảng trống trước một cửa tiệm bán giầy, người đàn ông đội chiếc "mũ phớt"(1), cầm cây đàn guitar, vừa đàn vừa hát. Chỉ một mình ông thôi. Không có ban nhạc. Không có micro. Nhưng giọng của ông lúc lên cao, lúc hạ thấp, rõ ràng và điêu luyện không kém những ca sĩ trên sân khấu. My tiến đến gần ông. Ôi! Ông đang hát bản nhạc mà My yêu thích từ lâu: "House of the rising sun". Một cảm giác vui vui khiến My mỉm cười. Ông càng hát, My càng bị lôi cuốn theo bản nhạc. Và khi nỗi niềm dâng lên thành một đợt sóng, rồi hạ thấp dần để thành một nỗi đau câm lặng, ông dứt tiếng hát. Ông còn đàn thêm một đỗi nữa với những âm giai mà My hồ như đã quen thuộc lắm, rồi ông để cho tiếng đàn tắt dần. Xung quanh ông bỗng nhiên chỉ còn lại sự im lặng. Cả đám đông im lặng. My chợt đưa tay lên má mình, thấy một giọt nước mắt rơi...
Và rồi đám đông như bừng tỉnh. Tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Người ta bỏ những đồng tiền lẻ vào chiếc hộp giấy ông để cạnh bên. My cũng bỏ tiền vào đó. Một vài người bước đi. Vài người nán lại có ý chờ xem ông có hát thêm hay không.  My đến gần ông, mở lời:
- Hay quá! Cám ơn ông.
Ông nhìn My, gật đầu:
- Cám ơn cô.
My không muốn yêu cầu ông hát bản khác. Bởi bài hát vừa rồi quá hay, My muốn giữ lại dư âm của nó. Người đàn ông gom góp mớ tiền trong chiếc hộp, cho vào túi của chiếc áo khoác màu xám. Chiếc mũ của ông cũng màu xám. Áo quần màu xám. Mái tóc màu xám. Và nét thời gian được vẽ trên gương mặt phong trần của ông với làn da màu nâu. Ông trông giống như một pho tượng đồng.
Chừng như ông cũng không muốn hát nữa, nên ông đến ngồi trên băng ghế dài trước hành lang hẹp. Thấy My đang nhìn vào cây đàn guitar của mình, ông khẽ hỏi:
- Cô thấy cây đàn này thế nào"
My nhìn kỹ. Đó là một cây đàn đã cũ, trông hình thù không có gì đặc biệt. Nhưng thật khó tưởng tượng rằng cây đàn này đã phát ra những âm thanh tuyệt vời lúc nãy. My trầm ngâm một chút, và đáp:
- Ông ơi! Cây đàn hay lắm!
- Thế ư"
- Nói đúng hơn là... ông đàn rất hay.
Người ca sĩ cười thành tiếng:
- Thật vậy sao" Tôi không nghĩ thế. Tôi kiếm sống qua ngày thôi cô ạ!
- Nhưng ông đàn và hát rất hay, hay hơn cả những người nhà nghề.
Ông gật gù ra vẻ hài lòng, rồi ông bắt đầu chơi một bản độc tấu. My ngồi xuống bên cạnh ông, yên lặng lắng nghe. "Kiếm sống qua ngày"! Qua hình dáng khắc khổ của ông, My liên tưởng đến những người đàn hát dạo trên đường phố Sài Gòn, trên những cầu bắc, trên những chuyến phà đông đúc người và xe cộ đủ loại. Đa số họ là những người khuyết tật, do bẩm sinh cũng có, mà do vết tích của chiến tranh để lại cũng có. Những cuộc đời nghèo! Ngày qua ngày, tiếng đàn tiếng hát không phải là nghệ thuật mà như tấm gương phản chiếu toàn bộ cuộc đời vô định của họ. My ngậm ngùi thở dài. Chợt nhìn qua người ca sĩ nơi đây, My thắc mắc không biết cuộc đời của ông ra sao nhỉ"
Hết bài nhạc, ông quay sang My, cười nhẹ, rồi thật tự nhiên, ông nói:
- Tôi tên là Louis. Còn cô"
- Dạ tôi tên My, M.Y. Nhưng xin ông cứ gọi tôi là "mi", không phải "mai".
- "Mi" nghĩa là tôi, phải không"
- Phải.
My cười theo ông, hóm hỉnh. Ôi, mình đã có thể trò chuyện với ông ấy rồi đây!
Nhưng My không thể ngồi nghe ông đàn mãi được, vì My còn phải làm nhiệm vụ: đi mua sắm. My tạm biệt ông. My rảo bước vào những gian tiệm, tìm mua áo quần và đồ chơi. Cũng có những món quà lưu niệm dễ thương My mua ở những cái "booth". Chà! Mỗi người một món, vậy mà xách đã nặng đôi tay. My không quên ghé mua một túi "bánh croissant" nóng hổi ở một tiệm bán bánh Pháp mà My rất mê. Đi một vòng lại trở về nơi cũ, My gặp ông Louis cũng còn đang đàn hát. Vẫn có nhiều người đứng thưởng thức chung quanh ông. Nhưng có lẽ ông dễ dàng nhận ra My trong những người lạ đó, nên ông nheo mắt cười với My.
Chờ ông dứt bản nhạc và ngồi nghỉ, My đến mời ông một cái bánh. Ông nhận ngay, ăn một cách vui thích. Ông gật gù:
- Cô có sở thích giống với tôi. Tôi thích loại bánh này lắm. Ở quê tôi, cũng có tiệm bánh Pháp bán loại bánh này. Thật ra, ở xứ này, nơi nào cũng có những hiệu tiệm như nhau. Nhưng cái gì ăn ở quê thì cũng có khác, phải không cô"
- Quê ông" Quê ông ở đâu"
- Nơi có ngôi nhà mặt trời mọc đó.
- New Orleans"
- Đúng rồi.
- A! Hay quá! Vậy sao ông không ở đó mà đến đây"
- Tôi ở đây để kiếm sống. Ở đây tương đối dễ tìm việc hơn. Đi hát dạo thế này còn kiếm được khá tiền, chứ ở quê tôi thì nghèo lắm!
My im lặng.
Ông Louis hỏi:
- Thế còn cô" Quê của cô ở đâu"
- Quê của tôi... xa nơi đây lắm ông ạ, là Việt Nam đó!
Ông Louis gật gù:
- Việt Nam" Việt Nam ư" Tôi biết. Tôi đã có thời gian ở bên đó.
My reo lên:
- Ông đã ở Việt Nam"
- Phải. Tôi cũng đi nhiều nơi, về thôn quê cũng nhiều. Tôi làm quen cả những người ca sĩ đi đàn hát dạo ở xứ của cô nữa đó!
- Thật vậy sao"... Ông ơi, ông có phải là... cựu quân nhân"
- Phải! Nhưng giờ đây tôi đã về sống đời bình thường. Tôi hồ quên hết rồi! À, gia đình của cô ở cả đây chứ"
- Không ông ơi! Cha mẹ và nhiều anh em tôi còn ở Việt Nam. Tôi nhớ nhà lắm!
- Bao giờ cô về lại"
- Tôi chưa biết nữa. Hôm nay tôi lo đi mua quà dần dần cho những người thân. Tôi muốn gửi quà cho họ nếu tôi chưa về được.
- Vui nhỉ! Vậy tôi hát tặng cô bản "Take me home, country roads" nhé!
- Vâng, cám ơn ông.
- Nhưng tôi không nhận tiền của cô nữa đâu đấy!

2
Phố Hầm Atlanta, người dân ở thành phố Atlanta quen gọi đó là Underground. My thì thấy chữ "Phố Hầm" do mình đặt có một nét hay hay, rất đặc biệt. Từ khi còn là một cô bé, sinh ra và lớn lên tại thành phố sương mù Đà Lạt, My như đã gắn bó với những kiến trúc có tầng hầm. Đi làm việc tại những viện nghiên cứu khắp nơi, My cũng đã từng miệt mài trong những "labo" ở tầng "sous-sol", hay còn gọi là basement. Đến Atlanta, không chỉ có một basement mà còn có thể đến ba, bốn tầng basement. Và ở đây, tính cách vừa cũ kỹ vừa tân thời của khu Underground cũng đã gợi cho My nhiều cảm tình. My thấy mình rong chơi trong Phố Hầm như người đi khám phá những điều thú vị. Khi đi vào những cửa tiệm đầy ánh đèn thì có cảm giác đang là ban đêm, nhưng ra đến một nơi khác thì chan hòa ánh sáng mặt trời. Tại đó, My thích đứng chụp hình với những hình tượng trong truyện cổ tích hoặc phim hoạt họa. Những bức tượng đó cao to hơn My rất nhiều.
Đa số những người làm ăn buôn bán ở Phố Hầm là người da đen, cũng như ở nhiều nơi khác trong thành phố Atlanta. Atlanta! Cái thành phố quê hương của "Cuốn theo chiều gió", của Khu tưởng niệm Martin Luther King Jr., của Trung tâm Jimmy Carter, của tổng hành dinh CNN, của Thế giới Coca Cola, ... và của Phố Hầm. My quen thuộc những nơi ấy, cũng như quen thuộc lối đi về CDC và Villa International trên khu đồi thơ mộng của mình vậy.


Nếu My gặp ông Louis ngoài đường phố, không đàn không hát không chuyện trò, thì chắc My cũng thấy ông bình thường như những người My gặp trên xe bus, trong tiệm ăn, trên màn hình ti-vi, hoặc như những người làm việc trong các tiệm đánh giày. A! Nói đến tiệm đánh giày thì phải nhấn mạnh đến điểm đặc biệt của nó. Người ta sẽ được thấy một khung cảnh mà ở Việt Nam không bao giờ có. Người khách hàng ngồi trên một chiếc ghế đặt trên một cái bục rộng, cao khoảng hơn một mét. Người thợ đánh giày thì đứng, chứ không ngồi, và đứng rất thẳng, làm công việc đánh bóng đôi giày cho khách. Lần đầu tiên khi My nhìn thấy cảnh này, My giật mình vì có cảm tưởng rằng người khách kia ngồi "chễm chệ" trông hách dịch quá! Nhưng khi nhìn lại, và suy nghĩ kỹ, My thấy hay hay, bởi vì người thợ đánh giày không phải ngồi lom khom dưới chân của khách. Họ đứng thẳng như những người thợ hớt tóc, thợ may, nhân viên bưu điện hay ngân hàng; hoặc theo cái nhìn "méo mó nghề nghiệp" của My, giống như những người làm việc trong phòng thí nghiệm vậy. Nhưng đó là những người thợ đánh giày làm việc trong tiệm. Ngoài đường, My vẫn gặp những cô cậu thiếu niên xách những thùng đồ nghề giống như những em bé đánh giày của Việt Nam. Chúng chen chúc chạy lên xe bus, xe lửa, đứng túm tụm vào với nhau và nói cười râm ran thật tự nhiên.
Ông Louis thì lại đại diện cho một góc cạnh khác của thành phố này. Cũng như những người đàn hát trên phố ở những nơi khác mà thôi, nhưng ông hầu như đã gắn liền với Phố Hầm. Ông nói cho My biết rằng ông sống đơn độc ở Atlanta từ mấy mươi năm nay, sau khi ông trở về đời sống dân sự. Ông cư ngụ trong một khu phố nghèo ở ngoại ô, ngày ngày đáp xe lửa vào đàn hát mưu sinh ở Phố Hầm. Tiền bạc kiếm được ông đều gửi về giúp bà con ở New Orleans. Ông sống cuộc sống rất đơn giản nên không cần nhiều tiền chi lắm. Công việc đàn hát của ông cũng như một "hobby" thôi, nhưng lại là một thú tiêu khiển kiếm ra tiền, ông không còn mơ ước nào hơn. Có khi đôi mắt ông, trong khi hát, bỗng trở nên xa thẳm. Tiếng đàn của ông, tuy không réo rắt thổn thức như tiếng kèn trumpet của ông Jack, bạn ông, cũng hay biểu diễn trước khu nhà hàng, nhưng nó lạ lùng lắm. Có khi nó vui tươi tở mở như tiếng reo của người đi xa lâu ngày được trở về quê. Lại có khi nó nghẹn ngào như nói lên thân phận của những người sống lạc loài đã mấy trăm năm, muốn tìm lại cội rễ của mình.
Lần này thì My nghe ông Louis hát bản "Georgia on my mind". My thường nghe bài này với hình ảnh Ray Charles ngồi đàn piano và hát. Nhưng ông Louis chơi guitar thì lại có một tính cách riêng. Chơi guitar trình bày một bản nhạc jazz thì có vẻ hơi lạ lùng một chút. Nhưng ông Louis vừa đàn vừa hát rất tự nhiên, như thể ông đang tâm tình cùng mảnh đất nơi ông đang trú ngụ.

Chỉ một bài hát cũ
Giữ Georgia trong tôi
Đêm ngọt ngào quyến rũ
Qua hàng thông, trăng trôi

Như cánh tay vươn nhẹ
Như ánh mắt dịu dàng
Giấc mơ lành khe khẽ
Về đường tôi thênh thang

Khi ông Louis dứt tiếng thì My cũng vừa dịch xong lời bài hát trong đầu. My đọc cho ông nghe. Ông lộ vẻ cảm động lắm. Ông nói:
- Tiếng Việt của cô nghe hay quá! Nó trầm bổng du dương như có nốt nhạc.
- Cám ơn ông Louis.
Ông Louis bỗng reo lên:
- A! Tại sao cô không cho tôi và khán giả quanh đây nghe một bản nhạc Việt nhỉ" Cô... có chơi đàn được không"
- Dạ... có. Ông cho tôi mượn cây đàn nhé!
- Dĩ nhiên.
Và ông quay sang nói với đám đông:
- Thưa quý vị, đây là người bạn của tôi. Cô ấy sẽ hát cho quý vị nghe một bản nhạc Việt Nam.
My ngượng lắm. Nhưng cố thu hết can đảm, My bắt đầu bài hát mà My yêu thích từ nhỏ:
- Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn, lúa ngô cho đủ hai mùa. Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê...(2 )
Hát xong, My tóm tắt ý bài hát ra tiếng Anh cho mọi người hiểu. Mọi người vỗ tay dòn dã. My hết sợ. Ông Louis chớp nhanh đôi mắt, xúc động. Hình như ông đang bắt được cái nhịp đập chung của hai bài hát. Ông đứng yên. Ô kìa! Đám đông đang bắt đầu một động tác quen thuộc: họ lần lượt đến bỏ tiền vào chiếc hộp của ông. Nhiều người đến bắt tay ông, và bắt tay My nữa. My bối rối, nhưng nghe một niềm vui kỳ lạ đang đến. Hôm nay My đã làm một nghệ sĩ đường phố. Một nghệ sĩ của Phố Hầm!...
Khi ông Louis gom tiền từ chiếc hộp, ông đưa cho My và nói:
- My ơi! Tiền này là của cô đấy!
My từ chối:
- Không! Đó là tiền của ông. Tôi chỉ hát chơi thôi mà!
- Không được, của cả hai. Tôi chia đều nhé!
My phì cười:
- Ông thật là công bằng như kiểu Mỹ. Nhưng ông hãy cho phép tôi gửi tặng lại cho những em bé nghèo ở quê ông, nhé ông! Làm ơn!
- Ồ!.. Vâng. Vậy tôi xin thay mặt các em bé đó cám ơn cô.

3
Tuần cuối của tháng tám, My bất ngờ nhận được tin ba đau nặng. My bay về Việt Nam ngay. Đầu tháng chín, ba mất. My ở lại Sài Gòn nửa tháng để cùng má và anh chị em lo việc cho ba. Nỗi đau thương của gia đình chiếm hết thời gian và tâm trí của My. Và My phải trở lại Atlanta. Dòng đời mỗi người vẫn phải trôi theo hướng đã định. My lại bù đầu với công việc hàng ngày...
Một sáng chủ nhật, khi những tia nắng vàng bắt đầu nhảy múa, gợi lại sự thanh thản cho My, My cảm thấy muốn đi xuống phố. Xuống phố! Một công việc quen thuộc, chỉ trong vài tuần đã trở nên khá xa xăm. My lên xe bus.
Phố Hầm vẫn nhộn nhịp. Người qua kẻ lại dường như đông hơn trước. My khẽ mỉm cười. Ai cũng như có chút quen biết. Tại vì lòng mình nghĩ thế thôi! Chẳng trách những cư dân của Villa International, nơi My cư ngụ, cũng thường thốt lên "Home! Sweet home!" mỗi khi đi xa về. Phố Hầm như cũng ngọt ngào chào đón. My chạy ngay đi mua loại bánh Pháp quen thuộc, rồi đến nơi ông Louis vẫn thường biểu diễn.
Không có ông ở đó. My chạy tìm ông ở những nơi khác, cũng không gặp. Ông đã đi đâu" Ông bệnh chăng" My giật mình khi nhớ ra rằng ông không còn trẻ trung gì nữa. My ngơ ngác...
Tiếng kèn trumpet! My đã nghe tiếng kèn văng vẳng. My chạy đến nơi kịp nhìn thấy ông Jack vừa chấm dứt bản nhạc. Thấy My, ông Jack đưa một bàn tay lên chào. My đến gần, hỏi ông:
- Ông Jack, ông có biết tại sao ông Louis không đến đây"
Ông Jack lắc đầu:
- Không. Tôi đã không gặp ông ấy từ cuối tháng. Ông ấy bảo ông phải về New Orleans để thăm bà con và giúp đỡ cho họ. Sau đó, đã xảy ra cơn bão Katrina. Cho đến nay, vẫn chưa thấy ông ấy trở lại. Tôi không được biết tin tức gì thêm.
Thấy My chưng hửng, ông Jack an ủi:
- Chắc không sao đâu! Cầu Chúa ban phước cho ông ấy.
- Vâng, chắc không sao đâu!
My tạm biệt ông Jack. Phố Hầm bỗng như vắng lặng khác thường. Túi bánh trên tay My vẫn còn nóng hổi. My lang thang hết các khu phố. Tiếng xe lửa chạy rầm rập trên những chiếc cầu cạn (3), gợi nên hình ảnh một người tìm về quê. Một chân bước xuống sân ga, chân kia còn trên toa tàu...
Well, I got one foot on the platform
The other foot on the train
I'm goin' back to New Orleans
To wear that ball and chain...

My ra khỏi Underground. Khung cảnh sáng trưng trước mắt với đài nước chảy lấp lóa. Một bầy chim bồ câu đang vui đùa với các du khách. My mở túi bánh, lấy ra một chiếc và bẻ nhỏ mời chúng ăn. Bầy chim ăn no nê xong rủ nhau bay đi. Nhưng có một con còn ở lại. Nó không cử động.  My đến gần. À, con chim giả! Con chim bồ câu đậu gần chân của một bức tượng. Đó chính là bức tượng người đàn ông đội chiếc "mũ phớt", ngồi trên thềm, cúi đầu, bên cạnh ông là một chiếc chăn nhỏ cuộn lại. Một người không nhà! Bức tượng có lẽ làm bằng thạch cao, nhưng lớp sơn bên ngoài đen xám như màu đồng. Ông đang ngồi thật thong dong. Có lẽ ông cũng đang thả những mẩu bánh vụn xuống đất cho con chim nhỏ này ăn. Sau lưng ông là bờ vách nước chảy rất đẹp mắt. Ông ngồi như bao nhiêu du khách ngồi chơi trên bậc thềm thấp đó, yên lặng, nhưng không lẻ loi.
My ngồi xuống bên bức tượng, chợt giật mình. Bao lâu nay My đã quen thuộc với bức tượng này mỗi khi đến Phố Hầm. My lại còn ngồi cạnh ông để chụp hình nữa. Nhưng chưa bao giở My ngắm kỹ gương mặt của ông, bởi nó hầu như khuất trong bóng của chiếc "mũ phớt". Bây giờ My mới nhận ra rằng gương mặt này rất giống ông Louis. Mà không! Không phải chỉ giống ông Louis. Bức tượng này có lẽ giống rất nhiều người. Đó chính là những người "nghệ sĩ" rất âm thầm của Atlanta. Họ đến rồi đi. Có thể rồi họ cũng sẽ trở lại.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(1)  Mũ phớt: mũ nỉ có vành hẹp
(2) trích "Tình hoài hương" (nhạc Phạm Duy)
(3) cầu cạn: viaduct

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến