Hôm nay,  

Chuyện Người Đi Bộ Xuyên Nước Mỹ

06/02/201000:00:00(Xem: 152845)

Chuyện Người Đi Bộ Xuyên Nước Mỹ

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Bài số 2857 -1628927- vb7060210

Trong năm 2009, truyền thông Việt Mỹ đã nói nhiều về cuộc hành trình 2,600 dặm xuyên nước Mỹ của Nguyễn Thơ Sinh, một cựu chiến binh hai dòng máu Việt-Mỹ, nhưng đây là lần đầu chính Sinh viết về cuộc đời của anh. Bài trích từ báo xuân Việt Báo 2010, hiện đang phát hành khắp nơi.
  Tháng Sáu 2009, Nguyễn Thơ Sinh khởi hành từ Jacksonville-Florida, cùng một bạn đường là David, đi về miền Tây. Vai vác cờ Hoa Kỳ, lưng mang bảng ghi dòng chữ: "Shore To Shore: A Walk Across America to Honor Those Who Serve!"  Sau 11 tuần lễ đi bộ Sáng Thứ Bẩy 7-11-2009, Sinh tới đích:   chạm chân xuống nước biển Thái Bình Dương tại bờ biển San Diego. Chiều Chủ Nhật 8-11-2009, Nguyễn Thơ Sinh đã có buổi gặp gỡ thân hữu tại Việt Báo Gallery. Hiện Nguyễn Thơ Sinh đã trở lại Fort Worth và tiếp tục theo học bậc tiến sĩ.
 Truyền thông Việt Mỹ đã nói nhiều về cuộc hành trình của Nguyễn Thơ Sinh, những đây là lần đầu chính Sinh viết về cuộc đời của anh. Bài trích từ báo xuân Việt Báo 2010, hiện đang phát hành khắp nơi.

***

Tôi là một trẻ lai Mỹ. Cha tôi đã từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam những năm chiến tranh lan rộng, quân đội Mỹ đổ vào khắp miền Nam. Tôi chào đời ngày 05, tháng Giêng, năm 1969. Đó là thời điểm rất đông trẻ lai như tôi đã ra đời.
Mang thân phận con lai, nhiều người không có được sự thương yêu đùm học từ khi còn nhỏ. Tôi may mắn có một người cha Việt đã nuôi dưỡng tôi rất tốt. Gần như ông giành cho tôi trọn vẹn cả cuộc đời. Những gì tôi có hôm nay, phần lớn thừa hưởng từ người cha nhân đức. Nhưng tuổi thơ của tôi lồng trong bối cảnh chiến tranh là một chuỗi tháng ngày xám xịt. Vừa mới lớn lên được một chút, tôi đã chứng kiến những ấn tượng đầu đời đầy máu lửa. Đó là những xác người chết cháy, những bạn trẻ sớm mồ côi, những tấm di ảnh của người cha trên bàn thờ, u uất như khuôn mặt của những người đàn bà chết chồng.
Tuổi thơ đi qua những giấc mơ kinh hãi, những ngày sống hoang mang theo hiểu biết đơn sơ. Niền vui theo tiếng reo hò "giải phóng" chứ hiểu biết gì đâu! Chỉ hiểu được sự triền miên với đói khổ và thiếu thốn trên vùng kinh tế mới, sau hoà bình. Nên tuổi thơ tôi chỉ còn lại những hình ảnh khổ ải của hàng xóm. Tôi đã nhìn thấy nhiều xót xa không quên, năm tháng vẫn chạnh lòng, ngậm ngùi thương cảm cho một thời điểm lịch sử ám ảnh nhiều đời người thuộc thế hệ chúng tôi.
Một mùa xuân tôi theo mẹ đi thăm người bà con họ xa. Mẹ cầm tay tôi dắt ngang ngôi chợ làng Trà Cổ. Hôm ấy mẹ đưa tôi đi ăn bún riêu, một món ăn lúc đó với tôi là thiên đàng. Nồi nước dùng pha nhiều phẩm đỏ, loáng thoáng vài lát cà chua thái mỏng nổi lên rồi chìm ngay xuống, trông rất đễnh đoãng. Trong bát bún của tôi, một bìa đậu phụ rán cắt vát mỏng tanh, một dúm hành thái nhỏ rắc lên trên. Rau riếp thái ghém bày trên đĩa nhôm xỉn nước mạ, có pha chút rau thơm. Tô bún chợ làng trong những giấc mơ về sáng cả quãng đời còn lại riêng tôi. Có lẽ hôm ấy tôi ngoan, mẹ bảo bà hàng bún múc cho tôi một miếng tiết. Bà hàng bún phải chao muôi mấy bận mới vớt được một miếng tiết luộc, nom đen như cao, nhỉnh hơn miếng mứt gừng một tí. Thế mà tôi hì hục ăn rất ngon lành.
Cạnh hàng bún là hàng cá. Đang ăn bún ngon, tôi chợt nghe tiếng la ó tru tréo. Liếc vội qua, tôi nhìn thấy người ta đang xúm vào đánh đấm túi bụi một thím nọ; chỉ vì thím ấy ăn trộm một con cá. Người ta túm tóc thím ấy giật ngược xuống, rồi vả thẳng tay vào mặt, xỉa xói, chửi rủa rất nặng lời. Hình như không ai thương thím. Người ta đánh thím như thể họ chưa bao giờ đánh một cách hả hê như thế. Họ đánh rất ác một người đàn bà không thể tự bảo vệ mình. Nhìn họ đánh đập thím, tôi thấy con người sao thật nhẫn tâm với đồng loại của mình đến thế. Người ta trút những cơn giận lên đầu thím ấy như kẻ thù; tất cả chỉ vì một con cá.
Thật nhanh, tôi nhận ra thím. Tôi bảo mẹ tôi: Ô. Thím Thoan kìa. Mẹ tôi không nói gì cả. Thật khéo léo, ánh mắt mẹ trông rất khác. Mẹ lừ nhẹ tôi một cái. Tôi hiểu ý mẹ ngay. Nơi này là chỗ lạ, tôi phải im lặng. Đây không phải là chợ làng tôi. Tôi lặng lẽ cúi mặt xuống bát bún. Tôi nhớ không chính xác lắm, nhưng tôi nghĩ bát bún không còn ngon như trước. Mọi người vẫn vả đôm đốp vào mặt thím Thoan. Tiếng thím thút thít khóc. Tôi nghĩ: Ai cũng ghét thím. Mẹ tôi thì nén lại cõi lòng, cố tình lảng tránh. Trông mẹ không tự nhiên như mọi lần. Mẹ tránh né. Hình như mẹ không dám nhìn thím ấy. Tôi đứng nhìn người ta đánh đập thím mà thấy thật tội nghiệp. Thím Thoan là mẹ của thằng Tí. Nó không có bố. Da nó đen. Tóc nó quăn. Nhà thím Thoan chỉ có hai mẹ con.
   Nhà thím Thoan gần nhà tôi. Thím thương thằng Tí lắm. Có bận, thím bổ xoài, chia cho hai đứa tôi hai cái má. Rồi thím cầm cái hột chứ không ăn. Đợi bọn tôi ăn ngấu nghiến hai má xoài xong, thím gọt chút thịt sót lại trên hột xoài cho mỗi thằng một rẻo. Khi chỉ còn một chút thịt xoài màu vàng sót lại, lúc đó thím Thoan mới lặng lẽ gặm cái hột mỏng dính. Lớn lên, khi có dịp nhớ lại chuyện cũ, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ quả xoài ấy thím Thoan đã ăn trộm về. Rồi thím bổ xoài cho hai đứa. Nhưng lý do tại sao thím Thoan bổ xoài cho cả hai đứa ăn, chứ không chỉ một mình thằng Tí, điều đó mãi cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết.
Ăn xong bát bún, mẹ dặn: Về nhà, đừng kể lại cho ai nghe là hôm nay con gặp thím Thoan ngoài chợ.
Khi trưởng thành, tôi biết được lai lịch xuất thân của mình. Hoàn cảnh của tôi và thằng Tí thực ra không khác gì nhau. Tôi và nó đều là trẻ lai. Nhưng tôi may mắn hơn nó nhiều. Tôi có một người cha đã giành cho tôi tất cả. Ông không bao giờ đối xử phân biệt với tôi. Còn thằng Tí, sau chiến cuộc, ba nó về nước. Rất có thể ông ấy đã không biết đến sự hiện diện của nó. Hoàn cảnh thằng Tí chỉ là một trong muôn vàn trẻ lai mà tôi đã gặp, gọi là anh em ngay trên quê mẹ và không hề nghĩ đến quê cha. Nhưng cuối cùng tôi đến Mỹ bằng chiếu khán của một trẻ lai. Chao ôi. Đó là một ngày lịch sử trọng đại. Một cơ hội đổi đời. Lần đầu tiên nhìn thấy những thân cây trụi lá mùa đông của Thành phố Utica, tiểu bang New York, tôi cứ tưởng đấy là những cây khô đã chết. Tôi nghĩ ngay đến mẹ tôi ở nhà. Mẹ tôi quyết định không đi Mỹ. Bà muốn ở lại. Giá như tôi ở nhà, có nhiều củi khô như vậy, tôi sẽ chặt, chất đầy bếp, để mẹ tôi không phải nấu cơm bằng rơm, bằng lá, rất cực. Tôi cũng biết thím Thoan cuối cùng đã thoát khỏi số phận ở Việt Nam, thím cùng thằng Tí cũng đã đến Hoa Kỳ.     
   Tại sao tôi kể câu chuyện của thím Thoan" Sở dĩ tôi kể lại câu chuyện này vì đấy là một phần của bức tranh tôi ghi lại được từ thời thơ ấu. Đó là bức tranh mang những gam màu sắc tăm tối u hoài. Thím là một người đàn bà nghèo, sống rất khổ. Tôi ghét nhắc chuyện thím bị người ta đánh. Tôi chỉ biết thím hiền và rất thương con, thương luôn cả đứa trẻ hàng xóm như tôi. Vì đâu mà thím Thoan phải ăn trộm" Thím không phải người xấu. Còn thằng Tí, hồi nhỏ nó đã chịu rất nhiều thiệt thòi. Mẹ không có tiền mua tập vở, mới học xong lớp ba, chưa làm rành bài toán nhân, nó phải nghỉ học ở nhà. Có lần tôi nhìn thấy nó lấy que tập viết trên nền cát. Viết rồi lại xóa. Xóa xong lại viết. Cứ thế, mãi về sau này, hình ảnh của mẹ con thím Thoan cứ theo tôi mãi, như thể đấy là một bức tranh cũ, quý và tôi là một thợ vẽ ương gàn, người ta có trả giá cao cỡ nào, tôi nhất định không bán bức tranh ấy.


Sau này lớn lên, đi nhiều nơi, tôi nhận thấy phong cảnh làng mạc nơi tôi sống thời thơ ấu đẹp lắm. Giá như đừng có những câu chuyện quá thương tâm như chuyện của thím Thoan, tôi nghĩ mình sẽ là đứa trẻ may mắn trong số những đứa trẻ may mắn nhất. Nhưng cuộc đời tôi và thằng Tí đã sang trang. Tôi không biết nói như thế nào nữa. Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của mình hạnh phúc như thế nào. Những tưởng tương lai của tôi đã chẳng bao giờ có một cơ hội tươi sáng. Tuy được cha mẹ nuôi dưỡng tử tế, với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, tôi tưởng tương lai của tôi đã hết. Tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội đặt chân đến một vùng trời tự do, văn minh. Là con lai, không bị bỏ rơi, được quê cha mang về, tôi rất biết ơn về điều đó. Không có sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ, làm sao tôi đến đây được. Không có những chính sách nhân đạo của chính phủ và vòng tay rộng mở của người dân Hoa Kỳ, làm sao tôi có thể có một cuộc sống tốt đẹp như hôm nay. Vì vậy tôi luôn yêu mến nơi này như quê hương thứ hai của mình.
   Từ tình cảm đó, nhất là khi nhớ đến một người đàn ông tên Rodriguez, một người lính đã tham chiến tại Việt Nam. Ông đã tặng tôi một cơ hội làm người, để tôi được đến Hoa Kỳ, được nhận lại nhân vị của mình. Đó là những điều tôi luôn khắc cốt ghi tâm, canh cánh trong lòng một nỗi niềm tri ơn sâu sắc.Với tình cảm lắng sâu của mình đối với đất nước Hoa Kỳ, có lẽ một phần do ảnh hưởng từ dòng máu người cha, tôi luôn yêu mến màu áo lính. Với tôi, hình ảnh người lính là một hình ảnh rất đẹp. Nên sau ba năm định cư trên quê cha, tôi nhập ngũ. Tôi coi đó là cách đóng góp cho quê hương thứ hai của mình. Lồng trong cảm giác được khoác chiếc áo lính, tôi càng thấm thía hơn về giá trị, ý nghĩa của tự do mà cha tôi và đồng đội của ông xả thân để bảo vệ. Rồi đời tôi gắn bó với những người bạn lính cùng đơn vị chính là những hình ảnh cao đẹp, đáng yêu, đáng trọng nhất trong trái tim tôi.
Đôi khi tôi nghĩ, không có Hoa Kỳ cưu mang, tương lai của tôi giờ đây sẽ ra sao (") Những gì người Việt Nam đang sống ở Hoa Kỳ có được hôm nay đã từ đâu đến (")Hoa Kỳ đã cho chúng ta nhiều cơ hội tự do lựa chọn, tự do cố gắng, tự do vươn lên, tự do chọn cho mình những cơ hội tiến thân từ chính nỗ lực của bản thân. Tôi không biết hết hoàn cảnh di dân của những đồng hương khác. Nhưng với tôi, thân phận trẻ lai, tuy may mắn hơn nhiều anh chị em mang hai dòng máu khác, tôi vẫn thấy quê cha đã tặng riêng bản thân tôi quá nhiều. Cũng như hàng chục ngàn phụ nữ mà thím Thoan là một, đã có cơ hội làm lại cuộc đời. Đòi lại nhân phẩm để ngẩng cao đầu. Làm chủ cuộc đời còn lại của mình, nuôi dậy con cái không thiếu thốn như xưa kia và còn có thể giúp đỡ thân nhân còn ở quê nhà. Hàng chục ngàn trẻ lai như tôi, thằng Tí đã có cơ hội làm người trở lại, tiến thân và thành đạt. Có đứa nối nghiệp cha, đi lính phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Đứa quay về quê mẹ để giúp những anh em lai khác còn kẹt ở Việt Nam sớm được đoàn tụ... Dù với bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn vươn lên. Nhưng chúng tôi chỉ thực sự vươn lên và thành công được kể từ khi chúng tôi đặt chân đến đất nước Hoa Kỳ.  
Tôi thường nghĩ đến người cha lính Mỹ của mình, tôi nghĩ đến đồng đội của ông, cha của những anh em con lai khác. Họ đã chiến đấu. Họ đã hy sinh để phục vụ Hoa Kỳ. Bất luận những trang sử trước đây đã viết về họ như thế nào, với riêng tôi, cha tôi và hàng trăm ngàn những người lính chiến đấu cùng thời với ông chính là những vị anh hùng. Vượt trên hết tất cả, họ còn là cha ruột của chúng tôi. Những người lính đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ cho lý tưởng tự do mà không hề nao núng. Vì thế Hoa Kỳ trong trái tim tôi không phải chỉ là một lãnh thổ tồn tại như một vị trí địa lý, với những thành công kinh tế, những phát minh vĩ đại trong mọi lĩnh vực khoa học, đi đầu trong những giá trị đạo đức nhân bản, những nền tảng dân chủ văn minh... Hoa Kỳ hiện diện trong trái tim tôi qua hình ảnh của những người lính Tự do. Điều đó, đã thôi thúc tôi bước vào cuộc đi bộ xuyên lục địa để tạ ơn Hoa Kỳ, cảm ơn người bản xứ và tri ân người lính. Cuộc hành trình dài hơn 2.400 dặm nối kết hai đại dương. Đây là cách tôi thể hiện lòng biết ơn và tri ân trong suy nghĩ riêng. Với tôi, chỉ có đại dương và lục địa mới là những cấu trúc địa lý to lớn, xứng đáng với tầm vóc hy sinh của những người lính. Sông dài và núi cao cũng không đủ để ghi nhận những hy sinh đóng góp lớn lao ấy của họ. Chỉ có đại dương và lục địa mới so sánh được.
Gần năm tháng trời ròng rã, đi bộ qua chín tiểu bang, đôi chân tôi đã lội lên từ biển Đại Tây Dương và đi xuống bờ Thái Bình Dương. Đó là món quà tôi dâng lên Hoa Kỳ để tỏ lòng biết ơn cũng như để ca ngợi những anh hùng đã chiến đấu bảo vệ đất nước này. Nhưng sau chuyến đi của người Việt đầu tiên xuyên lục địa nước Mỹ bằng đôi chân và một trái tim.Tôi đã nhận được những điều lớn lao hơn gian khổ từng trải như nửa thỏi kẹo Snicker một phụ nữ đang nhai dang dở, chị đưa tôi không ngại ngùng vì thấy tôi đã mệt lả. Tôi không thể quên tình cảm của một em bé 5 tuổi đã đưa cho tôi phần ăn McDonal của em với một nụ cười thật tươi: "You can have mine". Một cựu chiến binh Thế chiến II từng đạp xe ngang qua nước Mỹ 5 lần đã ôm chặt lấy tôi, cầu nguyện cho tôi được bình an với khuôn mặt đầy nước mắt. Những chai nước trao tay tôi trong vội vã. Những bữa ăn được nấu bằng tình thương, sự chân thành mời anh bạn David và tôi ghé lại nhà họ nghỉ chân. Có cả những giọt nước mắt rân rấn trên khuôn mặt của vài phóng viên báo Mỹ phỏng vấn tôi. Những tiếng kèn xe inh ỏi cổ võ, những tiếng la ó, huýt sáo, và cả những cái vẫy tay khi họ gặp tôi trên đường. Những lời cầu nguyện từ đáy sâu tâm tưởng, những tờ 5 đô-la chỗ này, những tờ giấy bạc 10 đô-la chỗ kia... Đấy chỉ là tượng trưng trong số hàng trăm (nếu không phải là hàng ngàn) cử chỉ đẹp mà tôi đã may mắn nhận được. Nhớ cô bé Việt Nam ở Jacksonville, Florida đã dành dụm tiền ăn trưa để mua cho tôi đôi giày… rồi không biết gởi về đâu khi tôi đã đi qua chỗ gặp em cả ngàn dặm. Những bữa cơn Việt Nam hiếm hoi trong hành trình vì người Việt sống rải rác. Nhưng tôi no lâu hơn lương thực về lương tâm và tình nghĩa đồng bào. Đồng hương đã cho tôi niềm tin người Việt bây giờ đi khắp hành tinh vẫn gặp đồng hương Việt Nam trong bữa cơm gợi nhớ quê nhà qua ầm thực đậm đà hương vị, ấm lòng và yên bụng trong tìng yêu thương không bao giờ hết của người Việt Nam…
Tôi hạnh phúc đã hoàn thành tâm nguyện, và tự hào là người Việt Nam, được thừa hưởng di sản truyền thống của văn hóa uống nước nhớ nguồn. Nhiều lúc trên dặm đường rong ruổi, tôi nhớ đến Dì Năm, đến Mom Khúc Minh Thơ, đến chị Hương, chị Đại Thi, anh Trần Anh, anh Phan, anh Nhật Hoàng, anh Đinh Yên Thảo, anh Thuần, anh Đức Duy, anh Vàng, Võ sư Nguyễn Tiến Hoá, nhiếp ảnh gia Minh Đoàn, bạn Tuấn Đàm-Lake Havasu… Tôi sẽ tới nơi một mình nhưng không đi một mình, là niềm tin đưa tôi tới đích. Những suy nghĩ vu vơ giữa sa mạc mênh mông, bước trăng lặng lẽ, tôi nghĩ mình rất may mắn được là người gốc Việt đầu tiên hoàn tất được cuộc hành trình xuyên nước Mỹ. 
Cuối cùng chúng ta đã có một bức tường biểu tượng, cám ơn đất nước Hoa Kỳ. Đây là đất nước đã cưu mang và cho chúng ta rất nhiều cơ hội. Những gia đình như gia đình thím Thoan, những mảnh đời như tôi và thằng Tí, cùng với bao nhiêu những gia đình Việt Nam đã thay đổi hoàn cảnh từ tối tăm ra miềm tươi sáng. Người di dân Việt Nam đối với Hoa Kỳ không gì hơn lời tri ân sâu sắc quê hương thứ hai của chúng ta.
Nguyễn Thơ Sinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,287,528
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả tuổi lục tuần, cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, hiện là chuyên viên ngân sách cho Fairfax County, tiểu bang Virginia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông từ 2004, “Lạc Lối Đến... Thiên Đàng:
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp,
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose từng được cử chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí Ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ 1993-2008 rồi sang Mỹ, sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07-2012.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến