Hôm nay,  

Nếu Tôi Còn Một Chân

05/02/201000:00:00(Xem: 134966)

Nếu Tôi Còn Một Chân

Tác giả: Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Bài số 2856 -1628926- vb6050210

Sapy Nguyễn Văn Hưởng, cư dân San Diego,  là tác giả đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Lần thứ nhất là bài  "Hoa Ve Chai", giải bán kết năm 2001. Năm 2004, ông nhận thêm giải chung kết với  bài "Giọt Nước Mắt", chuyện kể về việc một kiến trúc sư gốc Việt thiết kế xây dựng Đài Tưởng Niệm trong Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey.  Tại Hoa Kỳ cũng như khi có dịp về thăm Việt Nam, ông Hưởng là người  đặc biệt quan tâm tới những đồng đội cũ, đặc biệt là các thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà ở quê nhà hiện nay.  Sau đây là bài viết của ông trích từ báo xuân Việt Báo Tết Canh Dần 2010, hiện đang phát hành khắp nơi.

***

Trong một lần về thăm đất ngàn năm văn vật, tôi ngạc nhiên khi đọc cái địa chỉ ngôi nhà bà con của một người bạn thân, nhờ tôi đem lá thư từ Mỹ về trao tận tay cho họ. Tôi những tưởng khó mà tìm ra được, bởi nào là tên đường, tên ngõ rồi thêm cả tên ngách nữa. Ngờ đâu anh tài taxi chỉ liếc sơ qua, rồi vừa chạy vừa dò tìm đường bằng mắt, bằng miệng độ một lúc, là đưa tôi đến ngay trước ngõ vào nhà.
Nhắc đến chuyện đường xá khiến tâm trí tôi lại hiện lên hai câu vè như lời ca dao, được lưu truyền trong dân gian sau ngày đường phố Sài Gòn bị thay tên: "Nam Kỳ Khởi Nghĩa" tiêu "Công Lý / "Đồng Khởi" vùng lên mất "Tự Do"
Trong số thương binh mà anh bạn Nguyễn Sanh Biên nhờ tôi ghé lại thăm trong chuyến về nước lần này. Chỉ có mỗi cái địa chỉ của người đồng đội Nguyễn Xuân Khai là rõ ràng, với đầy đủ mọi chi tiết số nhà, tên đường, khu vực, phường khóm, tỉnh thành... Hơn nữa, tôi đã từng có thời sống ở Tây Đô, nên tôi tin việc tìm kiếm sẽ hết sức dễ dàng.
Xe xuống đến Cần Thơ lúc bụng tôi đã đói meo. Trong khi nhà tôi lo thuê mướn phòng trọ. Tôi lôi quyển sổ tay ra, nhẩm đọc lại mấy chi tiết về người thương binh mà chúng tôi định tìm gặp. Tôi cố nhớ, nhưng không tài nào nhận ra con đường ghi trong cái địa chỉ ấy nằm ở nơi nào. Nên lúc gởi lại chìa khóa phòng cho cô nhân viên khách sạn, tôi liền hỏi thăm:
- Đường Trần Quang Diệu có gần đây không cô"
Cô ta vui vẻ đáp:
- Chú biết "Ngã Ba Lộ Tẻ" không" Trần Quang Diệu là con đường đó, đó chú.
Bốn tiếng "Ngã Ba Lộ Tẻ" thân thương giúp tôi nhận ra ngay nơi mình muốn đến, và cũng khiến tôi bỏ luôn ý định dạo quanh bến Ninh Kiều trong buổi chiều hôm ấy.
Tôi liền bàn với nhà tôi:
- Cơm nước xong mình đón xe lôi đi tìm thăm ông Khai ngay. Em nghĩ sao"
Vợ tôi gật đầu tán đồng, còn chú tài dương to đôi mắt ngạc nhiên thắc mắc:
- Sao không để con đưa cô chú đi luôn cho tiện"
Chú tài tuy khá thân thiết, tín cẩn vì là người từng đưa đón chúng tôi trong mấy chuyến về nước trước đây. Nhưng chú còn quá trẻ, làm sao có thể thấu hiểu hết bao nỗi ưu tư lo lắng của một người muốn tìm lại đồng đội mình ngày trước. Đột ngột đến thăm một thương binh, tôi sợ sự có mặt của mình, chẳng những không đem lại ích lợi gì, mà còn khuấy động cuộc sống thường nhật và biết đâu, còn gây rắc rối, phiền toái cho họ... Riêng bản thân mình, rất dễ bị nghi ngờ, quy chụp là có "âm mưu phá hoại"... rồi mang họa vào thân.
Về đến miệt Hậu Giang, tôi thích đi xe lôi, một phương tiện chuyên chở đặc thù của vùng sông nước. Ngồi xe lôi tuy không êm ái như xích lô, nhưng nó chạy nhanh hơn và không gây cho tôi cái cảm tưởng là mình bóc lột sức lao động người khác. Hình ảnh những chiếc xe gắn máy lôi theo cái thùng phía sau chở chật cứng người, gợi nhớ lại trong tôi bao kỷ niệm của một thời đã qua. Nhưng tôi lại muốn nó sớm biến mất, bởi đó như một biểu tượng cho cái nghèo khó triền miên của người dân nước mình.
Chỉ đọc lướt qua cái địa chỉ tôi trao, anh lái xe lôi tuổi còn rất trẻ ngã giá ngay:
- Cả đi lẫn về, chú Hai cho con 30 ngàn được không"
Tốn chưa tới 2 đô la, vừa giúp tôi đi kiếm nhà, vừa cho tôi tìm lại chút kỷ niệm thời xa xưa, thì còn gì để tôi cò kè bớt một thêm hai. Tôi gật đầu, đưa tay đỡ nhà tôi bước lên. Mỗi con đường chiếc xe lôi chạy ngang qua, đều gợi lên trong tôi biết bao kỷ niệm của một thời sống nơi thành phố này. Tuy tôi không còn nhận ra mấy hàng quán cũ, nhưng làn gió mát tạt vào mặt tùy theo nhịp tay ga lên xuống của người lái, cũng khiến tôi bồi hồi.
Lúc chiếc xe dừng lại chờ đèn xanh hơi lâu, tôi nhận ra mình đã tới Ngã Ba Lộ Tẻ, và mắt tôi cũng vừa đọc được cái tên Trần Quang Diệu, treo trên các bảng hiệu hàng quán ven đường. Chạy thêm độ một lúc, anh lái xe kêu trời luôn miệng vì mấy con số nhà "khi trồi khi sụt" cứ lung tung cả lên. Vợ chồng tôi cũng chia nhau, người nhìn bên phải kẻ ngó sang trái phụ giúp anh. Chiếc xe chạy hết quãng đường nhựa bằng phẳng, đến đường trải đá lổm chổm, qua tới đường mòn vắng vẻ, mà vẫn chẳng thấy con số nhà tôi muốn tìm đến nằm ở phương nào. Tới khi trời tối mịt, đường càng lúc càng nhỏ hẹp lầy lội, làm chiếc xe dằn xóc nhiều thêm. Chúng tôi phải bám thật chặt vào thành xe, mới tránh khỏi bị văng xuống đường. Tiếng chó đua nhau sủa vang, mỗi khi chú tài dừng xe lại để nhìn cho rõ số nhà hay tìm người hỏi thăm. Đi kiếm một địa chỉ nơi thị xã, mà chẳng khác chi việc tìm nhà bà con trốn vùng kinh tế mới trở về thành phố.
Tới lúc nhà cửa thưa dần, đường sá nhỏ hẹp đến nỗi xe không thể nào chạy thêm được nữa. Tôi đành bảo anh lái cho xe quay trở lại và không quên an ủi, cám ơn việc anh đã hết lòng giúp tôi tìm nhà, bằng lời hứa trả thêm tiền công.  Lúc trở ra tới đường lớn, anh liền đề nghị:
- Hay để con chở chú thím Hai lại công an phường hỏi"
Tôi lắc đầu:
- Thôi, anh cho tôi về  chỗ trọ, trời cũng khuya rồi, có tìm ra nhà chắc họ cũng đã ngủ, đâu trò chuyện gì được nữa!
Sáng sớm hôm sau, tôi bảo chú tài xế đưa chúng tôi tới Ngã Ba Lộ Tẻ, để từ đó vợ chồng tôi vừa đi vừa tìm nhà vừa đón xe lôi cho đỡ mất thời gian. Tôi thầm nghĩ, trời sáng tỏ việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn. Nhưng cả xe lôi lẫn ngôi nhà tôi muốn tìm vẫn chẳng thấy đâu. Dừng bước lại hỏi thăm, mỗi người chỉ mỗi hướng, chẳng biết lối nào mà đi. May mắn thay, vợ tôi lại vào đúng ngay nhà ông trưởng khu vực để hỏi. Ông ta cười rồi lắc đầu bảo, đường Trần Quang Diệu mà chúng tôi muốn tìm, là một con đường khác, nằm dọc theo bờ sông dưới chân cầu Bình Thủy. Nghe đến đấy, tự nhiên hai tiếng "trời ơi" từ trong miệng tôi vọt ra. Tôi thật không tài nào hiểu nổi, tại sao trong cùng một phường, lại đặt hai con đường trùng một tên danh nhân trong sách sử" Sau cái vấn nạn tìm đường, tôi còn biết thêm, xe lôi chỉ được phép chạy từ sau 5 giờ chiều đến khi trời rạng sáng, còn ban ngày bị cấm hẳn. Tuy hay biết muộn màng về sự việc này, nhưng cũng đỡ phải tiếp tục vừa đi vừa ngóng đợi xe. Tôi tự an ủi, nhờ vậy mà chúng tôi có một buổi sáng đi bộ thể dục đáng ghi nhớ trong đời.
Trở ra tới ngoài xe, sau khi nghe nhà tôi kể lại chuyện tìm xe lôi, tìm nhà, nhìn những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên mặt, chú tài xế lắc đầu cười cảm thông, mở máy lạnh lớn thêm lúc cho xe chạy đến cầu Bình Thủy. Sự mệt nhọc tan biến ngay khi hàng chữ "Trần Quang Diệu, Khu Vực 8, Phường An Thới, Thị Xã Cần Thơ" vẽ trên một tấm bảng hiệu ở ngay trước mặt. Nhìn con đường nhỏ bé, đông đúc người qua kẻ lại, tôi nghĩ nên gọi nó là "ngõ" hay "ngách" giống như người Hà Nội" có lẽ đúng hơn. Dán mắt vào mấy con số nhà treo trên các bảng hiệu, tôi mừng thầm và hy vọng, mình sẽ không còn bị lạc nữa, bởi các con số đã thay đổi dần theo một thứ tự nhất định.


Nhà tôi người nhỏ nhắn ăn mặc đơn sơ, tương phản với cái dáng phốp pháp, dềnh dàng, dễ làm cho người ta chú ý của tôi. Vì vậy nhà tôi nhận đóng vai trò hướng đạo mở đường trong việc đi tìm nhà ông Khai. Đáng lý ra tôi phải đợi đến khi vợ tôi tìm ra nơi rồi, mới quay lại gọi tôi vào. Nhưng đi tới đi lui chờ đợi được một lúc, tôi nóng lòng, chậm rãi bước theo như người nhàn nhã tản bộ. Các con số nhà cứ nhỏ dần và khoảng cách giữa hai chúng tôi cũng thâu ngắn lại. Càng vào sâu thêm nhà cửa càng thưa thớt. Đến khi con lộ biến thành một lối mòn dọc theo ven sông, thì tôi đã gần bắt kịp nhà tôi. Cái cảm giác lo sợ bị dòm ngó cũng giảm bớt đi nhiều. Quay đầu lại nhìn thấy tôi lẽo đẽo phía theo, vợ tôi dừng bước, chờ tôi đến gần âu lo cằn nhằn:
- Anh đi đâu vậy" Sao không đứng chờ em ngoài đầu đường"
Tôi trấn an:
- Chắc không sao đâu. Vừa đi anh vừa coi chừng mà, đâu có ai chú ý đến mình. Trong Nam bề gì cũng thoáng hơn ngoài Trung và ngoài Bắc.
Chúng tôi đi tới đi lui mấy lượt trước hai căn nhà có số nhỏ và lớn hơn số nhà mà tôi muốn tìm. Cuối cùng tôi lên tiếng:
- Có lẽ nhà anh Khai nằm phía sau hai căn này.
Chúng tôi hơi ngần ngại định chùn bước khi trông thấy một căn nhà gạch tương đối khang trang nằm phía ngoài. Tới khi bước qua khỏi cái sân rộng, mới lộ thêm một ngôi nhà nhỏ bé, ọp ẹp nằm khuất phía sau. Tôi thầm nghĩ, chắc đây đúng là nơi mình muốn tìm đến. Thêm một lần nữa, tôi đảo mắt nhìn từ ngoài ngõ vào tận trong sân, vẫn không thấy một bóng người. Tôi vừa định lên tiếng gọi, thì từ trong căn nhà nhỏ, một chiếc xe lăn cũ kỹ hiện ra trước mặt. Tôi giương to mắt nhìn một người đàn ông gầy, thân hình chắc nịch, để mình trần, có mái tóc còn đen cột thành búi tó sau ót, bộ râu dài đến khỏi ngực, đôi mắt sáng như hai chiếc đèn pha đang quét khắp người tôi. Tôi rà xét lại mấy chi tiết ghi trong đầu. Tôi nhớ rõ, người tôi cần tìm khoảng tuổi sáu mươi, bị cụt hai chân. Tôi nghĩ mình đã tìm đúng người khi không nhìn thấy đôi chân. Nhưng bộ râu dài trắng toát, khiến tôi khựng lại. Tôi vẫn chôn chân một chỗ, cố nhìn kỹ thêm. Nét già nua trên gương mặt người đối diện trẻ lại dần trong mắt tôi. Tôi ngập ngừng hỏi:
- Xin lỗi, có phải anh là Nguyễn Xuân Khai không"
Người đàn ông mỉm cười gật đầu, đôi mắt quắc thước vẫn không ngừng quan sát tôi. Một lát sau, nhận thấy nét thoáng vui trên gương mặt ông, tôi thân mật hỏi thêm:
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi"
Ông đáp gọn lỏn:
- 59
Tôi bước tới nắm lấy tay ông, nói trong bồi hồi:
- Tôi là Nguyễn Văn Hưởng còn đây nhà tôi, chúng tôi từ Mỹ về thăm anh. Anh có khỏe không"
Ông gật đầu, nhìn sang người đàn bà vừa từ trong buồng bước ra giới thiệu:
- Đây bà xã tôi.
Rồi ông đon đả mời chúng tôi vào nhà. Tôi chưa kịp đưa tay ra đẩy chiếc xe lăn, ông đã nhanh nhẹn cho quay xe vào trong.
Lo sợ sự có mặt của mình gây phiền hà cho gia đình ông, nên kéo ghế ngồi xuống xong, tôi khẽ hỏi:
- Chúng tôi đến đột ngột như vầy, có gây khó khăn gì cho anh chị không"
Ông Khai mỉm cười đáp:
- Anh chị đừng lo, tôi cũng đâu có ngán họ.
Tôi hỏi tiếp:
- Anh có gặp phiền hà gì khi nhận tiền ở ngoại quốc gởi về không"
Ông Khai hãnh diện:
- Có lần họ kêu tôi lên hỏi, tiền ai gởi" Tôi liền hỏi ngược lại: "Thương binh các anh còn có người nuôi sao tôi lại không""
Qua lời bộc trực ấy, tôi nhận ra, việc còn biết nghĩ đến nhau, nó to lớn hơn cái giá trị vật chất rất nhiều. Rồi ông Khai kể cho vợ chồng tôi nghe vài mẩu "chuyện vui" về quá khứ đời mình. Mỗi câu, mỗi lời ông nói như toát ra cái bản tính thẳng thắn, kiên cường và một khối óc nhạy bén trước mọi tình huống:
- Có lần tôi bị công an kêu lên hạch sách: "Hồi trước anh cấp bậc gì"" tôi đáp ngay: "Thiếu úy". Họ nói tôi khai không thành thật. Tôi phang lại liền: "Đúng rồi, nếu mà còn đánh giặc tới giờ này tôi cũng lên Tướng rồi." Họ nín luôn.
Nghe tôi thuật lại chuyện đi tìm nhà đêm hôm qua và sáng nay xong, ông bà Khai cười ngất. Ông kể thêm:
- Nội ba cái việc đặt tên đường, định số nhà đơn giản như vậy mà họ còn làm loạn xạ cả lên, mặc cho dân than phiền hết ngày này qua ngày khác, thì còn trông mong gì họ làm được những điều lớn lao cho đất nước.
Ngừng lại một lúc ông nói tiếp:
- Họ hô hào: "Sai đâu - Sửa đó". Dân mình kê liền: "Sai đó - Sửa đâu" Mà "Sai đâu - Có sửa" rồi "Sửa đâu - Sai đó..."
Rồi ông thao thao bất tuyệt kể nào là những tệ nạn tham nhũng, hối lộ... Ông càng nói càng hăng, như cố trút càng nhiều càng tốt biết bao điều ấm ức chất chứa quá lâu trong lòng. Giọng ông cứ sang sảng khiến nhà tôi đâm lo, đứng dậy bước ra ngoài canh gác cho tôi. Khi thấy tôi quay đầu lại nhìn gian nhà phía sau, nơi có một thanh niên đang nằm co ro trên bộ ngựa, ông Khai liền trấn an:
- Anh chị đừng ngại, nó là thằng con trai tui đó. Mấy bữa rày nó bị bệnh, tối ngày nằm ì một chỗ.
Nhìn chiếc xe lăn, nhìn cảnh nhà, tôi nhận ra ngay sự thiếu thốn của gia đình ông. Tôi đến thăm, là muốn chia sẻ phần nào nỗi bất hạnh với một người thương tật. Nhưng ông chẳng nhắc gì về cái quá khứ khổ đau đã cướp mất đôi chân, cái khó khăn trong cuộc sống mà ông đang phải gánh chịu. Nên những gì tôi biết về ông chỉ vỏn vẹn mấy điều anh bạn Nguyễn Sanh Biên trao cho: "Ông mang cấp bậc Thiếu úy, thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, một trong những đơn vị thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa".
Nhắc lại cái giây phút đầu gặp gỡ, ông nói:
- Anh chị mà đến trễ một chút là tôi đã xuống ao móc đất rồi.
Cứ để mặc tôi ngạc nhiên nhìn đôi chân cụt, ông nói tiếp:
- Hễ rảnh là tôi xuống ao móc đất làm líp trồng chuối, trồng rau, trồng cải cho vợ tôi đem ra chợ bán. Tôi cũng nuôi thêm ít gà vịt, để kiếm sống cho qua thời buổi "hòa bình" đầy nhiễu nhương này.
Thật tôi không thể nào hình dung ra được, cảnh một người cụt cả đôi chân lên đến khỏi đầu gối, một mình xuống ao móc đất. Cho đến giờ phút ngồi ghi lại những dòng này, tôi vẫn tiếc là sao không nán lại, để ghi nhận cái cảnh sống động ấy vào máy ảnh.
Vợ chồng ông Khai tiễn chúng tôi đi bằng ánh mắt vui tươi, hòa lẫn với nỗi ngậm ngùi bịn rịn. Rời ngôi nhà nghèo nàn cũ kỹ, tôi đem theo, hình ảnh đầy tự tin của người thương binh Miền Nam, cùng niềm hãnh diện trước mọi người, khi nhận được sự chăm sóc của chính anh em mình. Tôi cảm thấy tự hào về người đồng đội mà quên đi những hao mòn trên thân thể của ông. Lúc đến, chúng tôi mong mang lại cho ông chút niềm vui. Nhưng ngược lại chính chúng tôi là người nhận được biết bao điều hữu ích từ ông. Ngoài việc ông ban tặng cho tôi niềm tự hào và hãnh diện về một người đồng đội can trường, ông còn cho tôi thấy rõ cái ý nghĩa cuộc sống của một người mất cả đôi chân. Siết chặt tay nhau lúc tiễn đưa, ông còn nói thêm:
- "Nếu Tôi Còn Một Chân" tôi đã đi từ lâu rồi! "Nếu Tôi Còn Một Chân" tôi đã...
Trên đường về, nhiều lần tôi lập đi lập lại câu: "Nếu Tôi Còn Một Chân". Làm sao tôi có thể hiểu được hết ý nghĩa của nó. Nếu tôi còn một chân, tôi có những ý nghĩ giống như ông Khai không" Và cũng không dễ gì, những người có đủ hai chân hiểu được câu nói ấy.
"Nếu Tôi Còn Một Chân", một câu nói đơn sơ mà ông Nguyễn Xuân Khai ban tặng, khiến tim tôi thắt lại, làm lòng tôi ray rứt. Tôi chỉ còn biết tự nhủ với lòng, bao lâu mà tôi còn đứng vững trên đôi chân, tôi sẽ cố không quên những người đã để lại một phần thân thể cho quê hương đất nước.
Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,789,279
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến