Hôm nay,  

Có Ai Nào Ngờ…

21/01/201000:00:00(Xem: 184705)

Có Ai Nào Ngờ…

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2843-1628913- vb512110

Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp  hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California.

***
Vào tuần lễ thứ hai của đầu tháng Giêng năm nay khắp nước Mỹ cùng chịu cảnh thời tiết bất thường, mưa, bão, tuyết, lụt.  Riêng tại vùng Bắc Cali chỉ trong ba ngày liên tiếp đã có nhiều trận động đất tương đối đáng kể với độ Richter scale từ 3,5 tới 6,5 độ.  “Life is short,” câu này được người bạn Mỹ của Kim nói đi nói lại nhiều lần hàm ý hãy trân quý hiện tại đang có, vì một khi thời gian trôi qua chúng ta có nuối tiếc vẫn không kéo nó lại được.  Khoảng hai tháng nay Kim đã đưa tiễn 4-5 người thân của bạn bè, người ở lại ai cũng tiếc nuối sao không bỏ thêm thời gian gần gũi người thân, giờ thì quá muộn, người thân đã vĩnh viễn làm một chuyến đi xa.
Thấm thoát thế mà đã gần 35 năm Kim rời xa Việt Nam.  Kim nhớ rõ ngày 29 tháng 4 năm ấy, sáng sớm ba Kim mặc bộ đồ lính và đến sở tại Bến Bạch Đằng, Sài-gòn làm việc như thường lệ mặc dầu nơi đó đã bị đạn pháo kích 4 ngày trước đó.  Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, ba đậu chiếc xe Vespa trước nhà và hối thúc gia đình Kim chuẩn bị đi theo ba vào sở vì có thể có cách rời khỏi Sài-gòn.  Ba “ra lệnh” mỗi người chỉ được mang theo một túi nhỏ bao gồm hai bộ quần áo, giấy tờ tùy thân, vật liệu cá nhân, và thức ăn dọc đường cho hai ngày; túi này không ai xách giùm cho ai, mạnh ai nấy giữ và nhất là mất ráng chịu. 
Mẹ Kim dùng dằng không muốn đi vì ông ngoại vừa chạy nạn ở ngoài Đà Nẵng vào người vẫn còn yếu, mỗi lần không thấy mẹ Kim ở gần là réo gọi luôn hồi.  Còn Kim và bốn đứa em chạy lăng xăng quanh nhà tìm kiếm những gì nên đem theo vì nếu đi trót lọt thì đây có thể là lần cuối Kim và các em ở nhà này.  Trong lúc cả nhà đang thu dọn thì ba cho anh của Kim xuống nhà bác của Kim hỏi có ai muốn đi theo không.  Tuy nhà bác đông người nhưng phút chót đến giờ lên đường chỉ có người con trai cả và bác đi với gia đình Kim.  Mẹ Kim cứ chần chừ dặn dò chị họ Kim cách chăm sóc ông ngoại vì không biết gia đình có chạy loạn được không, hay là chỉ đi tránh đạn pháo kích rồi nay mai lại trở về.
Loay hoay mãi từ 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa gia đình mới rời khỏi nhà. Mặc dầu ngoài đường giờ giới nghiêm là 24/24 nhưng Kim vẫn thấy nhiều người tụ nhóm này nhóm kia thăm hỏi nhau có cách nào rời thành phố không.  Gia đình Kim có 10 người, gồm 5 người lớn và 5 đứa nhỏ cùng đèo nhau trên 4 chiếc xe.  Ba Kim lái xe Vespa chở mẹ và hai đứa em nhỏ dẫn đầu, kế đến là anh Kim mới học năm đầu đại học chở Kim và đứa em gái kế trên xe moped của anh, em trai Kim tự lái xe đạp chạy theo, và anh họ Kim lái xe gắn máy chở ông bác đi sau cùng.  Ba Kim dặn phải lái xe từ từ để trông chừng nhau kẻo lại đi lạc.  Con đường từ nhà đến sở của ba, Kim đã thuộc được nửa phần đường vì nó cũng đa số là con đường từ nhà đến trường Thiên Phước mà Kim đã từng đi học lúc còn ở bậc tiểu học. 
Khi chạy gần đến sở thì gia đình Kim bị chặn tại hàng rào kẽm gai.  Những cảnh sát viên và người lính trong bộ quân phục đeo súng và lựu đạn đầy người, họ chặn mọi người không cho ai vượt hàng rào kẽm gai nếu không có tên trong danh sách.  Lúc đứng chờ xe kế bên ba, Kim mới cảm thấy mình thật sự đang chạy loạn, cái chết có thể tới ngay trước mắt mình.  Tên ba không có trong danh sách nhưng ba vẫn cự lộn với người quân cảnh.  Ba đưa cho họ xem giấy tờ chứng minh ba thật sự làm việc trong Bến Bạch Đằng, vì Sài-gòn đang bị pháo kích nên ba muốn có gia đình bên cạnh.  Người lính nhất định không mở hàng rào và lại cầm cây súng lớn lên cò.  Ba lúc đó cũng rút khẩu súng lục đeo bên hông phải ra chĩa ngay vào người lính và nói: “Giấy tờ tôi đã trình đầy đủ, nhiệm vụ của tôi là trở về nhiệm sở làm việc. Anh cản đường là anh không làm tròn nhiệm vụ gác đường của anh.  Anh có súng, tôi cũng có súng.  Chưa chắc ai bắn nhanh hơn ai.”
Những người lính nhìn nhau chần chừ vài giây rồi kéo hàng rào ra đủ cho 4 chiếc xe lọt vào và kéo nhanh hàng rào trở lại vị trí cũ.  Tưởng thoát được lần đó là cứ phoong phoong lái xe vào sở của ba, nhưng không phải vậy.  Chạy được một quãng đường, gia đình Kim lại bị vài lần lên tim vì cảnh cũ tái diễn.  Nhờ khẩu súng oai phong, giọng nói hùng hồn của ba, cộng thêm lon thiếu tá trên vai và một số huân chương trên túi, gia đình Kim vượt qua mấy hàng rào kẽm gai không khó khăn mấy.
Con đường khi xưa chỉ tốn 15-20 phút là đến nơi, hôm ấy phải hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến sở làm của ba.  Vào đến bên trong Kim thấy người là người, già trẻ bé lớn, đứng ngồi hỗn độn, ai cũng có những chiếc va li đủ mọi màu sắc kề bên.  Ba nói họ là bà con thân nhân của những cấp tá cấp tướng.  Đó là lý do tại sao sáng nay mới đến sở có 1 tiếng là ba đã quay trở về đón gia đình.  Ai đời ngày thường ba là người phải chào cấp cao hơn, nhưng sự việc sáng nay ngược lại.  Cấp trên gặp ba tay bắt mặt mừng, hỏi han vồn vã, và sau lưng họ là cả bầu đoàn thê tử đi theo vào sở, nơi mà sau trận pháo kích cách đấy 4 ngày thì vắng như chùa bà đanh; hơn thế nữa nhìn ra bến tàu, ba thấy có nguyên chiếc tàu hải quân lớn đang đậu tại bến, linh tính báo cho ba biết có thể có đường đi. 
Ba dặn mẹ, Kim và những đứa em ngồi yên một chỗ, còn ba và những người đàn ông khác trong gia đình đi theo ba để thay quần áo lính cho thuận tiện việc đi lại.  Không ai mặc được bộ nào ngoài anh hai vì bộ nào cũng rộng thùng thình.  Trông anh hai thật giống “lính” vì nước da anh ngăm ngăm, mặc chiếc áo lính màu xanh rêu trông oai đáo để, dưới chân là đôi giầy nhà binh mới tinh chưa dính bùn (vừa lấy trong nhà kho), chỉ có cái quần tây màu nâu xậm là anh nhất định không chịu thay vì mới mua tuần trước. 
Ba đưa một khẩu súng nhỏ không lắp đạn cho anh bỏ vào túi để phòng khi cấp bách.  Anh Kim hí hửng thực tập xoay khẩu súng tới lui như đã từng xem trong phim cao bồi.  Mẹ nhất định không chịu và bảo anh trả súng lại: “Mặc dù súng đó không lắp đạn nhưng người khác lại tưởng con cầm súng bắn họ, họ bắn con với đạn thiệt thì có phải là con chết trước không"”  Anh Kim luyến tiếc nhìn khẩu súng bóng loáng lần cuối rồi trao lại cho ba.  Ba lắc đầu ngao ngán vì lý lẽ hợp lý của mẹ và đem súng trả về nhà kho.


Hai giờ sau, cả sở náo loạn lên, mọi người ùn ùn kéo nhau về hướng chiếc tàu hải quân.  Gia đình Kim cũng nối đuôi theo họ.  Ba đi đầu tiên với mẹ sát bên cạnh nắm chặt tay đứa con trai út mới lên 6 tuồi.  Đứa em trai và anh Kim đi kế, Kim nắm tay 2 đứa em gái lật đật chạy theo, còn ông bác và anh họ đi sau cùng.  Dù đã 4-5 giờ chiều, trời vẫn còn nắng gắt, tiếng gọi cha mẹ, con cái kèm theo tiếng khóc của những bà mẹ thất lạc con vang lên liên hồi.  Khi đến bến tàu, nhìn thấy đồ ăn, quần áo, giầy dép vứt bỏ la liệt dưới đất, Kim thầm nghĩ sao ai lại bỏ quên đồ đạc của họ đầy đường.  Chiếc thang dẫn lên tàu vẫn đông nghẹt người chưa nhích được chút nào. 
Kim đảo mắt nhìn chung quanh, một tiếng rú thất thanh vang lên bên phải, kèm theo tiếng “tủm” như có vật gì nặng vừa rớt xuống nước, lại thêm một tiếng “tủm” khác lớn hơn.  Mấy người đứng kế bên Kim thầm thì nói: “Lại một đứa bé rớt xuống sông”.  Nhìn lên boong tàu bên phải, Kim gặp cặp mắt đỏ hoe của một người đàn bà khoảng ba mươi mấy tuổi, đầu tóc bù xù đang chỉ tay xuống nước kêu gào mọi người giúp bà vớt đứa bé mới rớt xuống sông.  Thì ra bà may mắn lên tàu trước, ông chồng còn kẹt ở dưới với đứa bé chừng một tuổi chưa lên tàu được; ông nghĩ ra cách thẩy đứa bé lên boong tàu trước cho người ở trên chụp thì ông mới có hy vọng len lên tàu sau đó.  Nào ngờ chiếc tàu quá cao, mà sức ông thì không đủ mạnh để thẩy đứa con lên trên boong tàu nên đứa bé rớt xuống sông. 
Có người phía sau đẩy Kim tiến gần “cầu thang” bắc lên tàu.  Gọi là “cầu thang” cho sang, thật sự nó chỉ là một tấm sắt phẳng, dài và hẹp chỉ đủ cho một người bước lên thoải mái, tay vịn là một sợi dây nylon mong manh kéo từ chân “cầu thang” đến boong tàu.  Sàn “cầu thang sắt” rất trơn trượt vì người ta đã dẫm lên cơm và nước trước khi bước lên, và cũng chẳng có bậc thang nào để một bàn chân có thể đứng vững trước khi bàn chân kia tiến bước lên “dốc” khá cao.  Đa số các bà và trẻ em đều dồn qua bên phải để vịm vào “tay cầm” mà leo lên. 
Mặc dầu ở nhà Kim được tiếng là khoẻ mạnh và có sức chịu đựng, thế mà khi đối diện với cầu thang lên “thiên đàng tự do” Kim bỗng thấy đuối sức. Kim choàng chiếc túi đựng hai bộ quần áo vào vai đứa em gái và dùng tay trái nắm tay nó, còn tay phải thì chỉ dám vịm hờ vào sợi dây rồi tiến lên.  Kim ước chừng cũng khoảng hai mươi mấy bàn tay đã nắm vào sợi dây, rủi có ai đi không vững nghiêng hẳn về phía bên phải thì chắc chắn Kim cùng một số người sẽ xuống thăm Hà Bá ngay lập tức.  Lúc này Kim mới hiểu tại sao cặp vợ chồng kia dám “chấp nhận thương đau” thẩy con lên tàu mà không “leo thang” như mọi người. 
Lên được trên tàu, Kim và đứa em gái ngồi xụp đại xuống một chỗ gần đó vì tay chân quá run, không “lết” đi đâu được nữa.  Ba thấy vậy bèn bảo mọi người ngồi yên tại chỗ để ba và anh Kim đi tìm một chỗ khác cho cả gia đình ngồi an toàn hơn.  Nửa tiếng sau cả nhà Kim nắm tay nhau len lỏi trong đám đông, cứ lấy cái đầu nửa trắng (bạc) nửa đen của ba làm đích mà bước theo.  Chỗ ba chọn vẫn ở trên boong tàu, nơi anh Kim đang nằm dài giữ chỗ.  Tuy chỗ này tương đối khô ráo và sạch sẽ nhưng mẹ không hài lòng cứ đòi đổi chỗ khác.
-  Ông nhìn con trai ông kìa, chỉ cần nó vô ý lăn thêm vài centimét là rớt tỏm xuống sông, miếng chắn của sàn tàu chỉ cao bằng một gang tay, thế nào cũng có đứa rớt xuống sông.
-  Thế bà nhìn kỹ chung quanh có còn chỗ nào trống trải hơn không"
Mẹ Kim đuối lý, vì đâu đâu cũng có người ngồi nằm cứ như “tấc đất là một tấc vàng”.  Nếu bỏ chỗ này chưa chắc đã tìm đưọc chỗ khác khá hơn.
- Vậy thì ông phải ráng thức đêm để canh chừng lũ nhỏ!
Khi trời tối, chiếc tàu mới từ từ rời bến.  Chung quanh tàu tiếng đạn pháo kích vẫn nghe rõ mồn một.  Mọi người cố gắng ngồi thu gọn như những em bé mới sinh hy vọng không ai bị lạc đạn.  Giữa những lằn đạn tỏa sáng cả bầu trời trong đêm lạnh, Kim nghe tiếng ba thì thầm bảo mẹ:
-  Tôi không biết tương lai của gia đình mình ra sao"  Nhưng nếu có chuyện gì xẩy ra đến tôi thì bà cố gắng bảo bọc nuôi nấng con mình.
Gia đình Kim lúc ấy ai nấy đều thon gọn nếu không muốn nói là gầy gò so với tiêu chuẩn của Mỹ.  Thế mà “nhà” cũng chỉ chừng một mét vuông rưỡi cho 10 người, chỗ ngồi còn chưa đủ lấy đâu ra chỗ nằm.  Ba và hai ông anh ngày ngày thay phiên nhau đi cuốc bộ cho giãn gân cốt, khi kiếm thấy đâu có chỗ trống là ngồi / nằm đánh một giấc cho tới khi bị đuổi vì dám xí “đất cắm dùi” của người ta.  Có khi tìm không được chỗ mà mí mắt cứ muốn xụp là anh Kim chui đại vào “trụ sắt” trông giống như “trụ điện” kế bên (chỗ có mấy thanh sắt vây quanh khẩu súng khổng lồ mà ba nói để bắn trả lại khi tàu bị tấn công gì đó) nằm cho thoải mái.  Mẹ sợ anh bị điện giựt cứ la anh hoài.  Ba cự nự: “Nếu sét đánh nó bị điện giựt thì cả tàu này mọi người đều chết hết vì tàu làm bằng sắt.”
Lênh đênh trên mặt biển cả tuần mới cặp được bến Subic Bay, Phi Luật Tân và gia đình đổi tàu tiếp tục đi qua Guam và rồi qua Mỹ.  Một chuyến đi không được sắp xếp trước, gia đình Kim đã vượt qua những ngày mưa nắng đói khát trên biển cả mà mọi người cứ ngỡ dài hơn một thế kỷ, để đi đến “thiên đường tự do” xa quê hương cả ngàn dặm trường. 
Hiện nay dầu đang sống tại Cali nơi đất trời nổi cơn thịnh nộ lúc nào không hay, nhưng Kim vẫn không ngờ rằng gia đình Kim và bao triệu người dân Việt đã và đang trải qua một quá khứ quá đau thương.  Kim hồi tưởng lại bảy ngày dài đăng đẳng ấy với những chuỗi ngày không có việc gì làm, chỉ ngồi mơ mộng có được một chén cơm nóng ăn chung với thịt bò xào khoai tây hoặc thịt heo kho tôm trong khi thực tế thì cả nhà phải ăn mì khô vì không có nước nóng; khi hết mì thì mọi người ngậm mấy viên kẹo ông anh họ đem theo để có chất đường trong người cho khỏi kiệt sức.  So với hơn 34 năm đã sống tại Mỹ, Kim thấy sao thời gian đi quá nhanh.  Phải chăng thời gian chỉ kéo dài và có ý nghĩa khi ta sống trong cảnh “thập tử nhất sinh” hoặc khi ta làm một công việc gì đó có ích lợi cho người khác thay vì cho chính bản thân mình"
Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,726
Ngày cuối năm Thân, mời đọc bài viết mới của Dan Heaven. Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach.
Một sáng sớm mùa đông ở tiểu bang lạnh, trời mù mù trong tuyết, đùng đục trong sương. Những hoa tuyết to, lớn như bông bưởi rơi mau và nhanh chóng hòa vào cánh đồng tuyết ngập kín những bãi cỏ, bít kín các lối đi, phủ trắng cả vạn vật.
Mai Hồng Thu tức Donna Nguyễn là tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985,là cư dân Bắc California, cô dự giải Việt Báo từ 2008.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ năm 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2010.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến