Hôm nay,  

Vàng Son Đã Mất

27/12/200900:00:00(Xem: 265845)

Vàng Son Đã Mất

Tác giả: Huyên Chương Quý
Bài số 2822-1628892- vb8122709

Tên thật của tác giả khi nhập tịch Mỹ là Khải Huy,  tuổi trên 50. Nguyên sinh viên tại Saigon, một mình vượt biên đường bộ tháng 11/1980 - qua Mỹ cuối tháng 4/ 1982. Công việc: Vài năm vẽ bìa sách cho nhà xuất bản, vài năm làm bầu show ca nhạc. Hiện là cư dân quận Cam, làm nghề bảng hiệu, tác giả đã nhận giải  Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài  viết kể về một thời từng lỡ bước thành người homless tại San Francisco. Bài viết sau đây tuy gồm nhiều chi tiết từ đời sống thực, nhưng danh tính các nhân vật đều là tưởng tượng.

***

Từ San Francisco tôi về lại quận Cam đầu tháng 5 / 2003. Những con đường rất quen thuộc sáu năm trước vẫn cho tôi cái cảm giác lạ lẫm, nao nao của người đi xa lâu ngày mới về. Những khu phố dọc hai bên đại lộ Bolsa có vẻ sầm uất, nhộn nhịp hơn. Thương xá Phước Lộc Thọ, tụ điểm của những người Việt từ các tiểu bang xa về chơi, hình như đông vui, tấp nập hơn. Tôi được thưởng thức lại các món ăn đậm đà chất quê hương ở các quán cơm phần; nhiều người gọi vui là "cơm chỉ".
Gọi là "cơm chỉ" vì cứ lấy ngón tay chỉ vào món nào trong quầy thức ăn là cô phục vụ múc ngay món đó cho vào hộp trắng "togo". Mỗi phần cơm thường có 3 món ăn cùng với cơm trắng; muốn đem về nhà hay ngồi ăn tại chổ đều được; rất tiện cho những người mồ côi vợ như tôi. Mỗi trưa, tôi xách chiếc xe cũ mèm cà rịch, cà tàng chạy ra phố Bolsa làm một bụng cơm chỉ, no dạ chắc lòng rồi mới tà tà về lại nhà.
Mới đó đã bốn tháng. Trời vào Thu. Trưa nay, thời tiết mát mẻ, dễ chịu. Tôi ngồi ăn “cơm chỉ” bên ngoài hàng hiên một quán cơm góc đường Bolsa và Brookhurst, vừa ăn vừa lơ đễnh nhìn dòng xe cộ chạy qua lại trên đường. Bất giác, tôi nhìn về hướng trạm Bus. Một người đàn bà trông lam lũ tay kéo theo cái vali lớn đang đi tới. Khi đến gần chỗ tôi, người đàn bà đứng lại, mắt dáo dác như đang tìm kiếm ai đó. Nhìn chị khoảng 40 tuổi, dáng vóc mảnh mai, thon thả trong bộ quần áo xốc xếch đầy những vết bẩn. Cái vali lớn phía sau lòi ra mền gối có vài vệt bùn, quần áo cũ lủng lẳng sát mặt đất. Tôi biết ngay chị là một người homeless.
Tội đứng dậy đi đến bên chị. Nhìn khuôn mặt hốc hác của chị, có vẻ quen lắm. Quen lắm. Tôi nhớ ra rồi. Giống K.N quá. Nhưng... làm sao mà là NTK được" NTK ngày tôi rời quận Cam sáu năm trước vẫn đang là ca sĩ thân thuộc trong làng nghệ sĩ. Cô vừa đi hát vừa học nghề làm răng giả và có nhà riêng ở Fountain Valley, quận Cam, đời sống rất yên ấm. Chắc người giống người thôi...
Người đàn bà nhìn tôi, đôi môi mấp máy như muốn nói gì. Nhìn kỹ khuôn mặt chị, tuy hốc hác nhưng còn lộ nét xuân sắc, đôi mắt thâm quầng vẫn còn nét quyến rũ và đôi môi cong cớn... quen thuôc lắm. Tôi lại không tin vào suy nghĩ "chắc nguời giống người thôi". Tôi hỏi:
- Chị...cô...là NTK phải không" Có phải NTK không"
Chị nhìn tôi ngơ ngác :
-  NTK" NTK nào ạ"
-  Vậy... chị tên gì"
-  Con... con tên Ly. Con đi bán Cd nhạc. Thày mua giùm cháu Cd này nha thày. Cháu muốn ăn cơm. Con... mới đi hát về.
Trời đất! Giọng nói cũng thật quen thuộc. Làm sao trên đời này lại có người giống người từ khuôn mặt, mắt, mủi, môi miệng đến cả giọng nói thế này" Và cái gì mà vừa đi bán Cd lại vừa mới đi hát về". Phải là ca sĩ thì mới nói "mới đi hát về". Tôi không thể lầm được. Phải là ca sĩ NTK đây rồi. Nhưng NTK không nhận mình là K. N, còn gọi tôi là thày và lúc xưng con, lúc xưng cháu, nghe rất ngớ ngẩn, xa lạ như chưa hề là người thân quen với tôi trước kia. Cách nói của người có bệnh tâm thần. Sao lại ra nông nỗi này"! Tôi cảm thấy một nỗi xót xa, ngậm ngùi tràn ngập trong lòng. Tôi hỏi tiếp:
-  NTK không nhận ra anh sao " Anh là Quý nè. Anh Quý nè NTK.
-  Thày tên Quý hả" Thày mua CD giúp con. Con đói bụng lắm.
NTK nói tỉnh queo không có gì ngượng ngùng, rồi giơ giơ cái CD cũ đã bể nắp hộp ra trước mặt tôi. Tôi biết có hỏi thêm gì cũng thừa nên chỉ còn mời NTK vào quán cơm. Tôi chỉ vào quầy thức ăn:
 -  NTK muốn ăn món nào"
- Được ăn mấy món hả thày"
-  Bao nhiêu món cũng được, tùy ý NTK. Thích món nào thì chỉ người ta lấy nha.
Trong khi NTK chỉ các món ăn cho chị bán hàng, tôi nghe một chị khác gần đó nói bâng quơ:
-  Hôm nay NTK. lại gặp may, có người bao ăn uống.
Không bỏ qua cơ hội, tôi đến hỏi ngay chị đó:
-  Chị. Cổ là NTK thiệt hở chị"
-  Thì ca sĩ NTK chứ ai nữa.
-  Vậy mà hồi nãy tôi hỏi, cổ không nhận là NTK. Cổ nói tên Ly. Tôi là bạn thân của cổ trước kia mà cổ không nhớ ra tôi. Mà sao cổ lại bị homeless thế này"
-  Cổ đâu còn hát hò gì nữa. Bị tâm thần rồi.
Một chị đứng gần bên tính tiền cho khách xong thì nói góp vào:
-  Cổ mới có con với ai đó, bị chồng bỏ nên sinh bệnh tâm thần, rồi bị homeless mấy tháng nay.
Tôi ngạc nhiên :
-  Tôi biết vợ chồng cổ đã ly dị mười năm trước. Cổ có nhà riêng và sống với hai con gái mười mấy tuổi rồi. Làm gì lại mới có con. Rồi còn chồng nào nữa"
- Chắc chồng sau. Tôi cũng nghe người ta nói. Người ta thấy cổ với đứa con nhỏ mới mấy tháng nằm ngủ ở trên một chiếc xe hư đậu ở lề đường.
Tôi lắc lắc cái đầu, thở dài rồi nhìn về phía NTK. Cổ vẫn thản nhiên như không nghe ai nói gì về cổ. Tôi giờ đã được biết rõ cổ là NTK, lòng thương cảm càng tăng lên. Tôi đến bên cô, nắm bàn tay gầy guộc của cô:
-  NTK ! Anh mua thêm một phần nữa để tối em ăn nhé. Em uống nước gì " Lại tủ nước với anh chọn nhé.
NTK không nói tiếng nào, lẳng lặng theo tôi đến tủ nước. Cô chỉ vào chai trà Thái. Tôi lấy ra hai chai đưa cô cầm rồi đến quầy thức ăn nói với chị bán hàng :
-  Chị làm thêm một phần cơm nữa để tối cổ ăn. Thiệt tình... Tôi không ngờ gặp lại cổ trong hoàn cảnh như vầy. Mấy chị kia nói có đúng không chị"
Chị bán hàng vừa múc thức ăn vừa nói :
-  Thì như vậy đó. Đứa con nhỏ của cổ bị Sở Xã Hội giữ nuôi rồi. Bây giờ cổ homeless không có ai giúp hết. Cổ thường ra chổ này, có ai biết cổ thì cho tiền mua cơm, nước vậy thôi. Anh quen với cổ lắm hả" Anh giúp cổ đi.
-  Trước kia tôi có quen cổ, coi nhau như bạn. Xa cổ sáu năm rồi. Giờ tôi mới về, đang share phòng nhà người ta, lại chưa có việc làm nữa. Không biết giúp cổ như thế nào đây"...
-  Tôi cũng đàn bà, thấy cổ vậy, tội nghiệp quá... Cũng một thời vàng son phải không anh"
-  Vâng. Một thời vàng son đó chị...
Tính tiền xong tôi cùng NTK trở ra hàng hiên. Còn vỏn vẹn 20 đồng, tôi đưa luôn cho K,N. Cô cầm ngay, không một lời cảm ơn. Nhìn NTK lẳng lặng ăn cơm, tôi chẳng biết nói gì thêm nên chỉ ngồi phì phà điếu thuốc. Ăn xong, cô đứng dậy đi đến bên cái vali đồ. Tôi cũng đứng dậy cầm bịch cơm phần đi theo cô:
-  NTK ở đâu" Anh chở em về cho biết chổ để hôm khác anh đến thăm em nhé.
NTK lắc đầu :
-  Con ở xa lắm. Con không đi xe thày đâu. Con đi Bus.
 -  Xa là ở đâu" Anh chở em đi được mà. NTK vẫn không nhớ anh là anh Quý sao"
NTK lại lắc đầu:
-  Xa lắm. Ở tuốt dưới Santa Ana. Thày đừng đi theo con chi.
NTK kéo cái vali đi. Tôi vừa đi theo vừa năn nỉ cho tôi được chở cô. Cô cứ một mực không chịu. Đến trạm Bus, vừa lúc có chiếc Bus ngừng lại, cô kéo vali lên xe. Tôi phụ đẩy cái vali rồi đưa cô bịch cơm phần. Xe Bus từ từ lăn bánh. Tôi đứng tần ngần nhìn theo mãi cho đến khi không còn thấy bóng dáng chiếc xe. Trên mặt tôi, ươn ướt hai dòng lệ không biết từ lúc nào.

*
Đầu năm 1986, tôi được bảo hiểm bồi thường tai nạn xe. Cộng với tiền để dành trong 3 năm làm việc vừa bán hàng cho tiệm Utotem vừa vẽ bìa sách cho nhà xuất bản XT, tôi có số vốn kha khá nên nhảy ra làm bầu show ca nhạc tại bang Texas.
Sau chương trình dạ vũ lần đầu đưa N.Lan về Houston, tôi tổ chức tiếp các show ca nhạc sơ kết và chung kết Giải thời trang Houston 1986 với thành phần ban nhạc Dreamer và nhiều ca sĩ từ Cali qua. Thành công rực rỡ. Ban nhạc CBC nghe tiếng mời tôi hợp tác cùng tổ chức nhiều chương trình ca nhạc khác ở hai thành phố Houston và Dallas. Thành công tiếp nối thành công.
Đến mùa giáng sinh 1986, tôi đưa ban nhạc T.M và nhóm người mẫu thời trang K.D. từ Cali về, trình diễn cũng tại hai nơi. Đêm 24, Dallas. Đêm 25, Houston. Khách đi chơi ngày lễ đông vui, náo nhiệt. Ban nhạc bừng bừng khí thế chơi thật hay. Nhóm người mẫu K.D trong các bộ thời trang lộng lẫy trên bục, trình diễn rất điêu luyện giữa những tiếng la hét, huýt sáo cổ võ của cả ngàn người. Ông chuyên viên video bị đám đông chen nhau xô tới, lấn lui, phải vất vả lắm mới thu hình được cho chương trình này. Sau buổi trình diễn, ban tổ chức và nghệ sĩ ăn mừng, bao luôn một nhà hàng, cùng nhảy nhót đến 6 giờ sáng mới về khách sạn. Trước khi về nhà, tôi nói với Q.Sĩ :
-  Lần đầu T.M về trình diễn giúp anh, thành công quá. Anh mời T.M trở lại trong dịp lễ Tình Yêu 87 sắp tới, cũng hai đêm liền tại hai nơi. Được không "
-  Sẵn sàng với anh. Ở đâu anh "
-  Thứ sáu tại thành phố Austin, thứ bảy tại Houston. Hai đêm rồi có nhóm người mẫu K.D. rất hấp dẫn. Kỳ tới, ngoài các ca sĩ quen thuộc, anh muốn có một khuôn mặt nào khác mới lạ cũng tạo được sự hấp dẫn khách dân chơi như vậy. Q. giới thiệu cho anh với.
-  Có ngay cho anh. NTK. Cổ hát chỉ tạm được, nhưng rất xinh đẹp, trình diễn bốc lắm. Đang được giới trẻ ưa thích.
-  NTK! Được đó. Anh có nghe tiếng cổ nhờ mua mấy cuốn băng nhạc do trung tâm NTK thực hiện. Bìa băng NTK  có hình NTK tuyệt đẹp, nhìn phát mê luôn. Cổ là chủ trung tâm phải không"
- Vâng. Vậy để về lại Cali em nói với cổ. Nếu cổ đồng ý thì em cho biết để anh liên hệ với cổ.
-  Vâng. Cảm ơn Q.
Nhờ Q., tôi liên lạc được với NTK. Cô đồng ý về trình diễn một đêm thứ bảy tại Houston. Lễ Tình Yêu 87 đến. Buổi dạ vũ đêm thứ sáu ở Austin không đông khách lắm. Tuy vậy, tôi vẫn hy vọng sẽ thắng lớn đêm thứ bảy nhờ khách Houston đã biết tiếng ban nhạc T.M, và nhân tố mới hấp dẫn: Ca sĩ NTK.
Khi ra phi trường đón NTK tôi đứng sẵn ở lối ra của hành khách, lóng nhóng nhìn vào cửa máy bay vừa được mở. Tôi nhận ra ngay NTK trong hàng người đang đi tới. Tôi mừng rở giơ tay vẫy vẫy. Chỉ một thoáng, NTK đã đứng trước mặt tôi, miệng nở nụ cười như hoa :
-  Chào anh. Anh là anh Quý phải không "
Tôi thoáng ngẩn người ra trước sắc đẹp kiều diễm của NTK, rồi vội cười tươi và bắt tay cô:
-  Vâng. Anh là Quý. NTK đi máy bay xa có mệt không"
-  Dạ không. Quen rồi anh. Các nghệ sĩ khác đến đủ chưa anh"
-  Tất cả đông đủ. Trình diễn đêm thứ sáu ở Austin, ngủ vài tiếng là cả đám bay về Houston. Anh sắp xếp phòng khách sạn cho mọi người xong là chạy ra đây đón NTK. Giờ anh đưa NTK đi downtown ăn trưa rồi về khách sạn nghỉ ngơi chút. Đến xế chiều, tất cả đến vũ trường dợt nhạc, chuẩn bị cho tối nay.
Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện rất vui vẻ. Cái cảm giác lâng lâng sảng khoái có được trong lần đầu tiên đón ca sĩ N. Lan ở phi trường hồi đầu năm ngoái như thế nào, lần này cũng y hệt vậy khi tôi đi bên cạnh NTK. Nhìn cô khoảng 23, 24 tuổi, tôi nghĩ thầm: Ông nào có phước lắm mới được làm chủ bông hoa tuyệt sắc này.
NTK có đôi mắt phượng đẹp, quyến rũ. Đôi mi dài cong vút. Nhìn vào đôi mắt cô sẽ cảm thấy như bị hớp hồn. Đặc biệt, đôi môi cong cớn rất gợi cảm. Giọng nói cô thanh trong, nhẹ nhàng. Thấy tôi nhìn cô chăm chăm, cô hỏi:
-  Anh Quý bao nhiêu tuổi" Trông anh còn trẻ quá mà đã làm ông bầu rồi. Tài thật!
Tôi cười cười:
-  Anh 32 tuổi rồi. Tam thập nhị lập mà. Có tài gì đâu. NTK mới thật là tài. Còn trẻ măng, chỉ như cô sinh viên đã làm bà chủ trung tâm sản xuất băng nhạc rồi. Lại còn là ca sĩ nữa. Trong giới ca sĩ hiện giờ, anh chưa thấy ai đẹp như NTK vậy.
NTK nở nụ cười thật tươi:
-  Anh khéo khen em quá. Em cũng bình thường thôi mà. Được anh mời hát là em vui lắm. Tiếc là em có hơi bận cái tiệm băng, chứ không thì đã hát luôn cho anh đêm thứ sáu... Vũ trường đây lớn không anh"
-  Lớn nhất trong các vũ trường của người Việt mình trên nước Mỹ. Có thể chứa được gần một ngàn người.
-  Anh là chủ vũ trường hay mướn lại"
-  Anh mướn... Cũng không phải là mướn nữa. Anh hợp đồng với chủ vũ trường mỗi tháng sẽ tổ chức một show lớn gồm ban nhạc và ca sĩ từ Cali về. Vũ trường bán nước. Anh bán vé; lời ăn, lỗ chịu. Anh chỉ trả cho vũ trường tiền vệ sinh, tiền âm thanh, ánh sáng.
-  Còn tiền quảng cáo và cảnh sát giữ an ninh thì sao anh"
-  Dĩ nhiên là những phần anh phải trả trong việc tổ chức... Tối nay anh tăng cường nhiều nhân viên an ninh hơn, vì chương trình này nhắm vào giới trẻ. Khách trẻ, họ cuồng nhiệt lắm. Tuy vậy, theo kinh nghiệm tổ chức những lần trước, nhằm ngày lễ, khách lớn tuổi cũng đến chơi rất đông.
-  Còn anh tổ chức ở nơi khác thì sao"
-  Thỉnh thoảng anh tổ chức ở Dallas và Austin. Phải mướn hội trường ở các hotel lớn. Phải tự thuê âm thanh, ánh sáng. Tốn kém hơn nhiều mà không thành công bằng tổ chức tại đất nhà  Houston này.
-  Anh thấy tình hình tối nay thế nào"
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt đẹp của NTK một lúc, rồi cười, nói:
-  Chương trình nhiều ca sĩ nổi tiếng từ Cali qua, bảo đảm tối nay không còn chổ đứng


Tôi ca cẩm thêm một câu rất cải lương :
-  Và vì nhờ... có NTK kiêu sa, diễm lệ.
NTK cười khúc khích:
-  Anh lại chọc em nữa. Em chúc anh tối nay thành công lớn.

Lời chúc của NTK linh nghiệm như thần. Đến 10 giờ tối đã bán ra 900 vé. Trong vũ trường không còn chổ ngồi. Một số khách phải đứng. Mỗi khi NTK xuất hiện trên sân khấu là khách trẻ ùa ra đứng kín cả sàn nhảy xem cô biểu diễn. Cô ca những bản nhạc trẻ thịnh hành; tuy giọng ca không điêu luyện nhưng nhờ vẻ đẹp kiêu kỳ cùng với lối trình diễn nóng bỏng, hấp dẫn đã lôi cuốn khách trẻ la hét, huýt sáo hoan hô cô muốn bể cả vũ trường. Có một vài khách trẻ cuồng nhiệt đã nhảy lên sân khấu đến gần cô, bị cảnh sát nhanh chóng lôi xuống.
Sau giờ trình diễn, nghệ sĩ và ban tổ chức đi ăn rồi về khách sạn. NTK, ban nhạc và tôi bày cuộc đánh bài, thức luôn cho đến giờ ra phi trường. Trước khi vào cửa máy bay, NTK quay lại nhìn tôi cười tươi và vẫy tay chào tạm biệt.
Hai tuần sau tôi bay qua Cali để mời danh ca T.T. trình diễn chương trình ca nhạc đặc biệt vào cuối tháng 3 /1987. Nhân đó tôi đến thăm NTK tại tiệm băng nhạc của cô trên đường Bolsa. Chúng tôi đi ăn chuyện trò rất thân vui. Đến cuối tháng 7 / 1987, NTK về trình diễn cho tôi lần nữa. Chương trình không thành công do nhằm vào ngày thường. Tuy vậy, tôi rất vui vì được gặp lại NTK yêu kiều, khả ái. Cô cho biết bận rộn việc sản xuất băng nhạc nhưng vì nể tôi nên mới về lần này. Chúng tôi coi nhau như bạn từ đó.
Đời sống có thịnh, có suy. Tôi giã từ nghề ông bầu cuối năm 1988. Trong năm 1990, tôi move về quận Cam, Cali làm nghề vẽ quảng cáo bảng hiệu. Giữa năm 1995, tình cờ tôi gặp lại NTK trong tiệm băng nhạc của nhạc sĩ Q. Dũng, một người bạn mới quen. Tôi mời cô đi ăn. NTK ở tuổi trên 30 có thêm nét mặn mà trong nhan sắc. Cô cho biết vừa mới đổ vỡ cuộc hôn nhân, không còn kinh doanh băng nhạc nữa. Hiện cô đi học làm răng giả, thỉnh thoảng vẫn đi hát. Đôi khi rảnh thì ghé chơi, dợt nhạc với ban nhạc Q.Q.
Lần gặp lại đó giúp tình bạn chúng tôi thân gần hơn. Thỉnh thoảng hẹn nhau đi ăn, đi xem phim, đi nghe ca nhạc, nhảy với nhau vài bản cho vui. Có vài lần tôi mua thức ăn đến nhà cô cùng ăn tối. Nhà cô khang trang, xinh xắn trong một khu an tịnh thuộc thành phố Fountain Valley. Chỉ có 3 mẹ con sống với nhau, rất đầm ấm. Hai con gái của cô đã trên 10 tuổi, rất hiền, ngoan.
Trong giữa năm 1996, cuộc tình giữa tôi với cô bạn gái tên H. không đi đến hôn nhân được vì cha mẹ cô ngăn cản. Tôi buồn chán, rời khỏi quận Cam đi phiêu bạt qua nhiều thành phố rồi ở luôn San Francisco. Xa H. tôi cũng xa luôn NTK từ đó.
....
Tôi vẫn không hiểu sao hoàn cảnh NTK bi thảm vậy. Trong mấy ngày liên tiếp tôi trở lại quán cơm phần, không gặp được cô. Có hôm tôi ngồi chờ đến chiều vẫn không thấy cô. Buồn quá, tôi gọi phone tâm sự với chị Linh, người chị kết nghĩa mười mấy năm qua. Nghe tôi kể về trường hợp NTK lâm vào cảnh homeless như vậy mà không có ai giúp đỡ, chị nói :
-  Chị biết rõ chuyện này. Không phải là không ai giúp đỡ mà đã có nhiều nghệ sĩ giúp đỡ tận tình rồi. Trước đây, họ tổ chức một chương trình ca nhạc lấy tiền lời giúp NTK. Cũng mấy chục ngàn đô. Nhưng NTK đem đi chơi ma túy hết. Làm sao mà giúp được nữa.
-  Trời đất! NTK chơi ma túy" Có thật vậy không"
- Sao không" Cổ chơi ma tuý với băng nhóm nào đó. Khi có thuốc vào rồi thì đâu biết trời trăng gì nữa, rồi sinh ra đứa con. Cổ trở nên tâm thần rồi homeless, đâu còn khả năng nuôi con, nên Sở Xã Hội phải giữ nuôi thôi.
-  Em không ngờ NTK lại trở nên quá độ như vậy. Trước kia em với cổ là bạn. Tính cổ hiền, dễ thương lắm. Vừa rồi gặp lại, thấy cổ thê thảm quá, em rất đau xót. Hai đứa con lớn của cổ đâu rồi, không lo giúp cổ chổ ăn ở"
-  Điều này chị không biết. Dính vào ma túy thì chuyện bi thảm gì cũng có thể xảy đến. Hai đứa con của cổ tuổi còn sinh viên chắc đang sống với cha, có khả năng gì mà lo giúp cổ.
Được chị Linh cho biết những tin trên, tôi thấy tiếc cho NTK. quá. Đang là nghệ sĩ tốt lành, dính vào chi với ma túy để bây giờ rớt xuống vực thẳm tối đen của đời sống.
Tôi đã đi làm lại nên không có nhiều thời gian rảnh tìm NTK. Đôi khi có ra phố Bolsa nhưng không gặp cô. Tôi biết với khả năng tôi hiện giờ đi làm chỉ đủ ăn qua ngày, nếu gặp NTK cũng chẳng giúp gì được cho cô. Giỏi lắm chỉ mời cô ăn uống rồi biếu cô vài chục có được trong túi là cùng. Tôi mong được cô kể lại cho tôi nghe những chuyện gì thật sự đã xảy đến cho cô.
Giữa năm 2005, tình cờ tôi gặp lại cô ở trước thương xá Phước Lộc Thọ. Cô vẫn gọi tôi là thày và xưng con như lần trước. Cô nói đang đi bán bông hồng, mời tôi mua giúp vài bông. Nghe cách nói chuyện và nhìn mấy nhánh hồng héo đen trên tay cô, tôi biết cô vẫn còn bệnh tâm thần. Tôi rất tiếc lần gặp này đang lúc có việc khẩn cấp phải đi nên chỉ kịp biếu cô 20 đồng còn lại trong túi và nhận một nhánh hồng khô héo cho cô vui.
Đầu năm 2006, tôi có dịp gặp lại cô trong khu Mini Mall trên đường Bolsa. Trông cô ăn mặc tươm tất, sạch sẽ hơn. Lần này cô tỏ ra tỉnh táo, không gọi tôi là thày và xưng con, cháu với tôi nữa. Tôi mua cho cô gói thuốc, biếu cô 20 đồng và mời cô ăn bún bò huế. Chờ cô ăn xong, tôi hỏi:
-  NTK có nhận ra anh là anh Quý không"
Cô nhìn tôi một lúc rồi hỏi lại:
-  Có phải anh Quý tổ chức show ca nhạc ở tiểu bang nào đó phải không" Em có đi hát cho anh rồi, phải không"
Thấy cô đã nhớ lại, còn xưng em, gọi anh với tôi, tôi mừng quá:
-  Đúng rồi em, hồi năm 1987 đó. Rồi năm 1995 ở quận Cam này anh còn đến nhà em vài lần nữa. Em nhớ không"
-  Em không nhớ. Em có nhà sao" Nhà em ở đâu vậy"
-  Trời đất! Chuyện xa thì nhớ, chuyện gần hơn lại không nhớ. Còn nhà em mà em cũng không biết ở đâu nữa sao"
-  Em nhớ rồi. Em có cái nhà ở Los nhưng em không ở mà cho đứa em gái. Em ở đây để thỉnh thoảng đi hát. Ngày mai có bác T.V.L mời em đi show ở New Orleans nè.
Thấy cô nói năng lạng quạng, tôi biết cô chưa hết bệnh tâm thần. Trong đầu cô vẫn còn ký ức một thời vàng son đi hát nên giờ lâm cảnh homeless cô vẫn cứ nhớ là mình sẽ đi hát nơi này, nơi nọ. Tôi quay qua hỏi chổ ăn ở của cô. Cô cho biết vừa qua ở trong khu nhà kho của người Mỹ, mới bị đuổi đi. Giờ đang ở tạm trong bếp nhà hàng Đ.N, khu Mini Mall này. Tôi hỏi qua chuyện gì đã xảy ra cho cô thời gian qua khiến cô trở nên như vầy, cô im lặng không nói. Tôi chẳng biết nói gì với cô nữa. Im lặng một hồi lâu, cô khe khẽ hát lên một bài tình ca. Giọng cô vẫn còn thanh trong như ngày xưa. Nhìn cô vô tư hát, tôi muốn ứa nước mắt. Đến giờ đi làm, tôi chào từ giã cô. Cô dặn:
-  Khi nào rãnh, anh đến đây chơi với em.
-  Vâng. Bye NTK.
Một tuần sau, tôi trở lại nhà hàng Đ.N thì cô không còn ở đây nữa.
 Trong năm 2007, đọc báo VW, tôi biết được có nhạc sĩ T. Nghĩa giúp cô mấy tháng tiền share phòng ở nhà một người Việt nào đó. Tôi thấy vui vì vẫn còn có những tấm lòng nhân nghĩa đối với cô.
Trong năm 2008, tôi ra phố Blosa nhiều hơn, thường gặp cô ở thương xá Phước Lộc Thọ. Cô ăn mặc như bà nhà quê. Dáng vóc cô thêm gầy gò, tiều tụy. Mặt cô thêm hốc hác, nhiều nét nhăn, trét đầy phấn trắng. Mỗi lần gặp, tôi  biếu cô một ít tiền, không biết nói gì hơn. Đời sống tôi vẫn chưa khá, nên chẳng giúp được gì thêm cho cô. Nhiều lúc tôi gặp cô đang đứng chung với nhóm thanh niên bụi đời. Những lúc vậy, tôi thấy ngại, không đến gặp cô.
Đầu năm 2009, tôi gặp cô đang đi loanh quanh trong góc một ngã tư. Tôi lại biếu cô ít tiền và hỏi cô đang làm gì ở đây. Cô nói đang kiếm người chở cô ra phi trường đi hát show ở Oklahoma. Cô nhờ tôi chở đi. Biết cô vẫn còn bị chứng ám ảnh về quá khứ đi hát, tôi làm bộ nói có chuyện gấp lắm, không giúp cô được. Cô vẫn vui vẻ:
-  Vậy hôm khác nha anh. Ngày mai đi. Anh đến đây chở em đi nha.
-  Vâng. Hôm khác anh chở em đi.
Rồi tôi hỏi chỗ ở của cô hiện nay. Cô cho biết đang được các thày cho cư trú trong chùa A.H.Tự. Tôi mừng cho cô. Hy vọng trong không khí trang nghiêm, trầm lắng của Phật đường, cô sẽ có lại sự thanh thản trong tâm hồn, không còn sự xáo động của những ngày thác loạn với ma túy và nỗi u buồn về một thời vàng son đã mất.
....

Tôi đã đắn đo nhiều lần khi viết về NTK., người từng một thời là bạn thân và lòng tôi hằng quí mến cô.  Thấy NTK vì ma túy mà lâm cảnh đen tối hôm nay, tôi lại nhớ về hai người bạn, Long, Kiệt thời tuổi trẻ cũng dính vào ma túy đã tự hủy hoại cuộc đời, tôi quyết định viết bài này.
Năm 1973, tôi sống với anh chị nuôi là họa sĩ H. Vân tại Sài Gòn. Anh chị share phòng trong nhà nhạc sĩ B.T. Tôi quen Kiệt, em trai anh B.T. Kiệt cùng tuổi tôi, thông minh, học giỏi, có tài làm ảo thuật. Ở chung nhà, ra vào thường gặp nhau nên cũng thân vui, coi nhau như bạn. Giữa năm 1974, anh chị nuôi và tôi không còn share phòng nhà anh B.T nữa. Tôi không còn gặp Kiệt. Tôi không biết Kiệt chơi ma túy từ lúc nào.
Sau biến động tháng tư, 1975, tôi vừa đi học vừa vẽ quảng cáo trang trí cho thương xá Rex.. Một hôm, Kiệt đến thương xá gặp tôi, hỏi xin một ít tiền để chơi thuốc. Kiệt nói đang bị nghiện nặng lắm. Nhìn Kiệt gầy còm, khuôn mặt hốc hác, đôi mắt sâu hóm, tôi thấy tội nghiệp lắm. Nhưng bản thân tôi bữa đói, bửa no, không có một đồng xu dính túi, lấy đâu ra tiền cho Kiệt. Kiệt buồn bã quay đi. Vài tháng sau, tôi nghe tin Kiệt chết.
Trong năm 1974, tôi quen thêm một người bạn khác, tên Long, hơn tôi một tuổi. Long đẹp trai, cũng thông minh, học giỏi, thêm tài chơi đàn guitar classic vào hàng điêu luyện. Nhiều cô nữ sinh con nhà đàng hoàng yêu Long vì ngón đàn độc đáo làm say mê lòng người. Long không đáp lại tình yêu của cô nào. Long chỉ thích chơi ma túy với đám bạn dân nhà giàu. Vài lần tôi khuyên can Long. Long nghe như nước đổ đầu vịt. Cũng sau biến động tháng Tư, 1975, không còn đám bạn nhà giàu, không còn tiền mua ma túy đáp ứng những lúc lên cơn vật vã, Long chết.
Đã có biết bao nhiêu người ở tuổi thanh xuân như Kiệt, Long chết tức tưởi vì nghiện ngập ma túy"! Ở tuổi họ với trí thông minh, học giỏi và tài năng như vậy đáng lẽ sẽ có tiền đồ tươi sáng, rạng rỡ cho bản thân và giúp ích nhiều cho gia đình, xã hội. Tiếc thay! Chỉ vì ma túy là chất độc hại, một khi dính vào là rơi xuống đáy vực sâu cuộc sống. Sẽ chết như Kiệt, Long, gây đau thương cho gia đình, người thân. Nếu không chết cũng tàn mạt cuộc đời như trường hợp NTK.
Ma túy là đầu mối gây nên bao tội lỗi trong mỗi xã hội. Người dính vào ma túy không những tự tạo thảm kịch cho cuộc đời họ mà còn gây nên đau thương cho bao người hiền lương khác. Trộm, cắp, ăn cướp xảy ra hàng ngày ở khắp mọi nơi chỉ vì ma túy. Có cầu, có cung. Những tổ chức buôn bán ma túy ngày càng mở rộng ở khắp các quốc gia. Bạo lực vì thanh toán, trả thù, tranh dành địa bàn hoạt động buôn bán ma túy ngày càng gia tăng.
Trong năm 2009, tại Mexico xảy ra hàng loạt các vụ giết hại tập thể người dân vô tội và các viên chức chính quyền bởi bàn tay máu của các tổ chức buôn bán ma túy bất lương. Ngay tại Mỹ, dù chính quyền Mỹ đã thi hành nhiều biện pháp ngăn chận và trừng trị thích đáng, nạn ma tuý vẫn lan tràn. Ma túy đi vào giới nghệ sĩ, tài tử giàu sang, hủy hoại thanh danh, sự nghiệp người nghiện ngập. Ma túy đi vào từng học đường ở khắp các tiểu bang, huỷ hoại tương lai tươi sáng của các thanh thiếu niên đang sức học hành, biến họ thành băng đảng, tội phạm. Ma túy đi vào cả tầng lớp bình dân, nghèo khổ gây cảnh đổ vỡ gia đình, người chết, nhà tan.
Nước Mỹ đã từ lâu tuyên chiến với tất cả bọn buôn bán ma tuý ở khắp nơi từ các tên trùm sỏ cho đến các đường dây chuyển vận và bán lẻ. Nhưng điều quan trọng là chính quyền các quốc gia cần có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc ngay đối với những người chơi ma túy, để ngày mỗi giảm đi số lượng người tiêu thụ ma túy. Nếu ngăn chận được mức "cầu" thì mức "cung" sẽ dần bị triệt tiêu. Tệ đoan xã hội sẽ ít lại. Đời sống con người được an bình hơn.
Tôi hy vọng bài viết này như là một đóng góp vào tiếng chuông cảnh tỉnh những người đang hụp lặn trong bùn đen ma túy, hãy ý thức sự độc hại của ma túy mà cố vượt thoát ra khỏi nanh vuốt của nó; hay những người đang có ý nghĩ muốn thử chơi ma túy xem sao, xin dừng lại ngay trước bờ vực thẳm. Những phụ huynh cần cảnh giác con cái ở tuổi vị thành niên rất dễ vướng vào nghiện ngập ma túy vì tính tò mò, hay bị bạn bè xấu dụ dỗ. Nhiều khi, có thể vì những tranh chấp, bất hòa trong gia đình giữa cha mẹ, hoặc cha mẹ ly dị cũng xô đẩy các cháu tìm quên lãng nỗi u uất trong chất độc ma túy.
Tránh xa ma túy là tránh xa được hung thần, ác quỷ. Đời sống có những hoàn cảnh trắc trở, đau buồn vì nguyên nhân gì vẫn có thể xoay chuyển để có được một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng nếu dính vào ma túy là mất cả tương lai. NTK, Kiệt, Long trong bài viết này là cái gương để tất cả chúng ta thấy mà không bao giờ tiếp cận với ma túy. Ma túy, chất độc giết người !
Nguyện cầu bình an, thịnh vượng, hạnh phúc, nhân nghĩa tốt lành luôn ở với tất cả mọi người trên thế giới này.

HUYÊN CHƯƠNG QUÍ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,982,264
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến