Hôm nay,  

Cây Giáng Sinh Tình Yêu

23/12/200900:00:00(Xem: 359361)

Cây Giáng Sinh Tình Yêu

Tác giả:
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 2819-1628889- vb4122309

Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn cho tuổi học trò trên bán nguyệt san Tuổi Hoa và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa (hiện nay vẫn tiếp tục phổ biến trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoa.hatnang.com.) Sau tháng Tư 1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên  làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại Mỹ từ năm 2003. cô góp nhiều bài viết đặc biệt. Bài viết mới nhất là truyện ngắn dành cho mùa Giáng Sinh.

***

Ba nhắc tôi:
- Mặc nhiều áo vào con ạ! Trời lạnh lắm đó!
- Dạ.
Tôi "dạ" rồi lẳng lặng vào lấy thêm áo khoác. Hai cha con ra xe. Như một công việc quá quen thuộc hàng ngày, Ba đưa tôi đến trường. Trường học chỉ cách nhà tôi ba "block", nhưng Ba vẫn đưa tôi đi, Ba không muốn tôi phải co ro trong tiết trời lạnh lẽo này nếu tôi đi bộ.
Đến trường, hai cha con nói "Bye" với nhau thật ngắn gọn. Ba lái xe đi. Mười tiếng đồng hồ nữa tôi mới gặp lại Ba. Bỗng nhiên hôm nay tôi dừng lại một chút ở cổng trường, ngoái nhìn theo Ba. Tôi không kịp thấy gì ngoài cái đuôi xe màu xám bạc. Rồi tôi liên tưởng đến màu trắng xám trên mái tóc của Ba. Một cách không cố ý, hai bàn tay của tôi nắm chặt lại. Tôi nghe tiếng thở dài của mình. Tôi bước theo đám học sinh, vào trường.**
Giờ ăn trưa, trong khi các bạn xúm xít với nhau bàn chuyện lễ Giáng Sinh, tôi lặng lẽ đến ngồi ở một góc vắng. Tôi phải len lén chứ không thì chẳng yên thân với tụi nhóc. Thật ra thì khi tôi học hành, vui chơi cùng các bạn, tôi cũng là một cô học trò linh hoạt lắm. Nhưng khi ngồi yên tĩnh một mình, tôi như sống bằng một phần già dặn của chính tôi. Mấy đứa bạn thân không cần tinh ý gì cả cũng biết là tôi buồn vì không được sống gần mẹ. Nhưng tụi nó không muốn nói nhiều về điều đó nên thường để tôi một mình khi thấy tôi cần như thế. Dù sao, ở cái tuổi mười lăm như chúng tôi đây, cũng đã mang một chút gì "người lớn" trong cách suy nghĩ và xử sự.
Nhưng tôi còn có Ba. Ba cũng thương tôi lắm, chăm sóc tôi không thua một ông bố nào mà tôi biết. Ba đưa đón tôi đi học, giúp tôi làm bài, chở tôi đi chơi, đi mua sắm, thật như kiêm luôn cả phần việc của một người mẹ nữa. May là tôi cũng đã lớn, chứ không thì còn được Ba bồng bế, dỗ dành và ru ngủ nữa. Tôi cảm nhận được hết cái tình trìu mến của Ba. Tôi không đòi hỏi gì hơn. Nhưng tôi thấy rất rõ, giữa Ba và tôi vẫn có một khoảng cách. Vì tôi là con gái chăng" Không đúng. Mà có lẽ cái khoảng cách ấy chính là sự thiếu vắng của Mẹ.
Ở trường chúng tôi ăn cùng một thực đơn như nhau. Những thức ăn nhà trường cung cấp là quá đủ cho chúng tôi. Nhưng bạn tôi hầu như ai cũng có một chút gì mẹ chuẩn bị cho đem theo ăn thêm. Tôi thì không. Đó cũng là điểm khác biệt. Có khi tôi cũng được chia những thức ăn "phụ trội" đó. Tôi thưởng thức mà không suy nghĩ. Nhưng cũng có khi vì đó mà buồn.
Bữa ăn tối, thường thì hai cha con cùng nhau nấu nướng. Nhưng có những lúc tôi sắp thi, ba tôi lại giành nấu một mình. Có khi lười quá Ba lại lái xe ra ngoài để mua "cơm chỉ". Mà ở đây lại là "cơm chỉ" của Mỹ. Mấy món ăn của tiệm "cơm chỉ" cũng ngon nhưng nhiều chất béo quá. Tôi là con gái nên sợ béo. Tôi không dám chê, nhưng hay len lén nhìn Ba. Tôi thấy Ba không lộ vẻ gì, nhưng khen thì Ba cũng không khen.
Đêm thì hai cha con hai phòng sát bên nhau nhưng tôi thường đi ngủ trước. Ba ngồi làm việc hay xem ti-vi một mình rồi Ba đi ngủ hồi nào tôi không hay. Và đó là xong một ngày của hai cha con. Cuộc sống có vẻ đơn điệu quá phải không"

**
Chiều nay tôi đi bộ về một mình vì Ba tôi làm thêm giờ. Tôi đi một đoạn ngắn với nhỏ Tina rồi chúng tôi chia tay ở trước nhà nó. Đi đến chỗ cây sồi to, tôi dừng lại và giật mình khi nhớ đến một chuyện đã khá lâu rồi, khi tôi mới bốn tuổi. Lúc đó Ba đi làm xa nên Mẹ là người đón tôi. Tôi được ngồi trong xe ấm áp nhưng tôi lại đưa mắt thèm thuồng nhìn các bạn đi bộ ngoài đường. Tôi buột miệng hỏi Mẹ:
- Mẹ ơi! Sao mẹ không cho con đi một mình như các bạn ấy"
Mẹ cười:
- Nhà các bạn ấy ở gần hơn nhà mình. Có bạn thì cha mẹ đi làm hết nên bạn đi một mình. Con sung sướng có mẹ đưa đón mà con không vui sao"
- Con... con cũng thích đi bộ một mình giống như các bạn.
Mẹ lắc đầu:
- Con xem bạn Dalena kìa! Nó phải đi một mình vì mẹ nó mất rồi!
Tôi im lặng. Bỗng tôi lẩm bẩm thật nhỏ tưởng mẹ không nghe:
- Bạn ấy vậy mà sướng!
Nhưng Chúa ơi! Mẹ lại nghe rất rõ. Mẹ lái xe tấp vội vàng vào ven đường, nơi có cây sồi to tướng này. Mẹ thắng xe "két" một cái nghe chói tai, rồi Mẹ đưa hai tay ôm lấy đầu. Mẹ khóc nức nghẹn không thành tiếng. Tôi hoảng sợ, bật khóc theo và xin lỗi mẹ rối rít. Sau này, tôi có dịp tâm sự cùng cô giáo dạy môn English, tôi được cô cho biết là có rất nhiều bạn nhỏ cùng suy nghĩ như tôi vì muốn chứng tỏ mình độc lập. Cô khuyên tôi đừng buồn. Nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ lại chuyện ấy và có tâm trạng mình đã làm lỗi với mẹ.
(**)
Tôi rẽ vào cái ngõ cụt của nhà tôi. Hai cha con, hai chìa khóa riêng, tôi không phải lo. Tôi nhìn một lượt vòng quanh những nhà hàng xóm, cảm thấy không khí xung quanh có chút rộn ràng. Kìa! Đèn hoa và các vật trang trí trước những ngôi nhà đã đầy cả rồi!
Tôi mở khóa, bước vào nhà. Tôi đã quen với cái tĩnh mịch của căn nhà mình sống. Tôi quen dọn dẹp nhà cửa mỗi khi về đến, và nấu thức ăn cho hai cha con. Tôi dừng lại trước tủ lạnh, ngắm những tấm ảnh gia đình tôi đã đính thật nhiều trên cánh cửa bằng những miếng hình có nam châm đủ màu sắc lưu dấu những danh lam thắng cảnh. Như một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, tôi mỉm cười chào những người trong hình: Ba, Mẹ và tôi.

**
Ba mang về một cây thông Giáng sinh. Đó là một cây thông giả. Nhà tôi đã bỏ hẳn lệ chưng cây thông thật từ khi tôi phát sinh chứng bệnh dị ứng với mùi nhựa thông. Cây thông giả của những năm trước, sau khi dùng đi dùng lại đã cũ nên Ba muốn mua cây mới. Khi Ba nhờ tôi phụ để lắp nó, tôi rất ngạc nhiên nhận ra đó là một cây thông có lá màu bạc. Toàn cây cũng là màu bạc. Tôi thắc mắc:
- Sao lại là màu bạc hở Ba"
- Đó là màu đặc biệt nhất đó con. Màu xanh thì mình đã biết từ bao lâu nay rồi!
- Nhưng con thấy cái cây thông màu bạc thì trông không vui.
- Ba sẽ trang trí những đốm tuyết trắng, rồi treo đèn kết hoa lên thì vui ngay.
- Con không thích. Thông là cây evergreen, làm sao mất màu xanh được" Con nghĩ nhà sản xuất cây này có tâm tính hơi khác thường, làm ra cái chuyện không đúng sự thật.
Ba nghe tôi chê thẳng thừng thì tỏ vẻ thất vọng. Nhưng Ba vẫn cố thuyết phục tôi:
- Con nhìn một lát sẽ thấy đẹp.
- Đẹp gì" Con nghĩ đó chỉ là tự ép buộc mình thôi. Con không quen nhìn màu bạc này trên một cái cây lẽ ra phải xanh.
- Con thật khó tính!
Nghe Ba nói hơi gắt, tôi bỗng khựng lại. Cảm giác khó chịu làm tôi bỏ đi vào bếp. Tôi nghĩ Ba không để ý đến con gái mình nghĩ gì, Ba "theo thời", và chắc chắn là cái cây thông này phải mắc tiền hơn những cây thông "cổ điển" lâu nay.
Ba thấy tôi giận, nên đi vào gợi chuyện:
- Sao" Tối nay con gái cho Ba ăn món gì"
Tôi đáp nhẹ:
- Như mọi ngày thôi Ba!
- Vậy tốt rồi! Ba chỉ mong một ngày như mọi ngày.
Tôi kịp nghe tiếng Ba thở dài thật nhỏ. Tôi thấy hơi hối hận vì mình đã hờn mát với Ba. Tôi đang suy nghĩ một câu nói đùa để chọc Ba cười, thì có tiếng chuông điện thoại reo. Ba đi bắt máy. Tôi nghe loáng thoáng nhưng đoán được ngay điện thoại từ đâu. Ba nghe điện thoại xong, đến gần bên tôi, và không đợi tôi hỏi, Ba nói:
- Cô y tá nói Mẹ không còn đập phá, nhưng đã hai ngày nay bỏ ăn, không nói gì, chỉ ngồi ủ rủ trong một góc.
Mấy hôm nay buổi chiều tôi phải đi bộ về nhà một mình, vì Ba sau khi tan sở đã ghé bệnh viện thăm Mẹ, thật tối Ba mới về. Tôi cũng chuẩn bị cơm chờ Ba về rồi hai cha con cùng ăn. Tôi không thể thăm Mẹ hàng ngày như Ba được, mà phải chờ đến cuối tuần, vì Ba muốn tôi có đủ thời gian để làm bài. Mà đã bao năm nay vẫn là như vậy rồi. Chỉ khi nào Mẹ có những biểu hiện khác thường thì Ba mới vào thăm mỗi ngày, ngoài ra hai cha con chỉ vào thăm Mẹ mỗi cuối tuần.
Thời gian đầu, khi Mẹ phải ở lại bệnh viện như một bệnh nhân nội trú, Ba như phát điên lên. Mãi sau, Ba đành phải chấp nhận sự thật: Mẹ không thể chung sống với gia đình như những người phụ nữ bình thường được nữa. Căn bệnh tâm thần của Mẹ đã quá nặng! Đứa con gái cần có người mẹ để chia xẻ, hướng dẫn và giúp đỡ nhiều nhất, đã phải chấp nhận sống xa mẹ. Vâng, tôi cũng đã phải chấp nhận sự thật đó. Cho đến bây giờ, tôi nhìn lại vẫn cảm thấy tủi thân ghê gớm. Ba là đàn ông, có thương con đến mấy cũng khó có thể hiểu thấu và chia sớt cùng con.


Tối nay tôi đã tận dụng thời gian Ba chưa về để làm xong bài tập Toán. Tôi được rảnh rồi! Chỉ còn chờ Ba về là ăn cơm thôi, cũng hơi trễ một chút nhưng hai cha con còn có thời gian để xem một phim gì đó trên ti-vi. A! Tôi bỗng thấy mình có việc làm, khi nhìn qua phòng khách, cây Giáng sinh chưa được trang hoàng gì cả. Ba quá bận rộn mà! Tôi sẽ làm cho Ba có chút ngạc nhiên chứ" Con gái Ba sẽ được khen là giỏi. Tôi tủm tỉm cười và đi sang đó.
Trong khi soạn những hộp đựng đồ trang trí cho cây thông, tôi liếc nhìn qua góc làm việc của Ba, bỗng thấy trên bàn chiếc máy computer chưa tắt. Ba hẳn đã ngủ gà ngủ gật ở đây đêm hôm qua ư" Ba lại mê viết lách chi đây" Ba thật là người tham công tiếc việc! Từ bao lâu nay Ba vẫn mê công việc như thế. Phải tắt máy giùm Ba thôi. Tôi chạm nhẹ nút "enter". Màn hình hiện lên một trang đang viết dở. Không phải là những khung tài liệu "excel" như thường lệ, mà toàn những chữ, như một bài văn. Dòng chữ đầu tiên đập vào mắt tôi: "Anh rất ân hận..."

**
"Em! Anh rất ân hận vì đã không biết trân quý em. Mọi cái anh đều coi như chuyện đương nhiên là như vậy. Đến bây giờ, khi gặm nhấm nỗi nhớ ray rứt, đối diện với sự cô đơn, anh hiểu thế nào là sự thống khổ. Anh không dám để lộ cho con biết, dù với sự tinh tế của con, nó sẽ dễ dàng lắng nghe lời anh thố lộ.
Ngày trước, khi em mỗi tháng tay xách nách mang đi thăm nuôi anh ở trong tù, anh đã thương em biết bao! Mỗi lúc nhìn em quay lưng đi và chìm cái dáng gầy gò nhẫn nhục trong dòng người, anh ứa nước mắt tự nhủ "Nếu được có tự do, tôi sẽ làm mọi cái để cho vợ tôi được hạnh phúc".
Bao nhiêu gian nan rồi cũng vượt qua được một cách kỳ diệu. Sang bên này, mọi cái bỗng không được như mình nghĩ. Anh và em phải đi làm cật lực mới đủ sống. Mình đã không dám sinh con. Dù chưa đến nỗi như cảnh hai vợ chồng trong một câu chuyện mình đọc được trên báo: họ chỉ gặp nhau ở trạm xăng, khi người vợ làm ca đêm trở về và người chồng bắt đầu đi làm buổi sáng, nhưng anh và em cũng không có nhiều thời gian dành cho nhau. Khi anh chọn được một công việc vừa ý, hợp với khả năng của mình, anh đã đam mê công việc nhiều hơn là nghĩ đến em. Mỗi ngày mình trở về từ hãng, em lủi thủi làm bếp, và anh ngồi miệt mài với những giấy tờ của sở. Có hôm nghe tiếng em xuýt xoa vì bị dao cắt trúng tay, anh ngồi bên này hỏi vọng sang "Em có sao không"", rồi nghe em trả lời "Không sao", anh lại tiếp tục công việc của mình. Cho đến mấy ngày hôm sau, thấy em đi bác sĩ, anh mới biết là vết thương khá sâu trên ngón tay em bị làm độc. Ôi anh thật là hời hợt! Thế mà rồi đâu cũng vào đấy. Một lần đến chơi nhà bà con, em bưng tô phở nóng sôi bị vấp té. Anh thấy các bà các chị xúm lại giúp em, anh đã không theo em vào phòng để xem vết phỏng, và anh vẫn chén chú chén anh với mấy người đàn ông.  Ngày qua ngày, anh càng tỏ ra là một người không quan tâm đến em khi anh quá ỷ lại vào những người xung quanh.
Những chuyện đó có người sẽ cho là rất nhỏ, nhưng trong nỗi ân hận của anh, chúng lại trở thành ray rứt vô cùng. Ôi, anh ước gì ngay bây giờ em đang có trước mặt anh để nghe anh xin lỗi. Anh đã phạm một tội lỗi mà chính anh không tha thứ cho mình, đó là anh đã quên mất căn bệnh của em. Ngày anh quen em, anh đã rất xót xa vì biết em mang một tâm bệnh. Phần vì em có mang một tính di truyền, trong dòng họ của em đã có người cậu bị bệnh tâm thần, phần vì em là một sinh viên rất đam mê học hành. Em đặt hết tâm trí vào việc học, em luôn muốn được đậu cao. Đậu cao! Hầu như cái thời của mình ai cũng mơ đậu cao. Nhưng em đã bị tác dụng của sự đam mê ấy làm mất quân bình. Cuối năm thứ nhất thi hỏng vài môn, em đã phát bệnh. Lúc đó em rất hiền, ngồi bên anh, em bảo em nghe có tiếng người nói thì thầm vào tai, có lúc như có một người khác đang "ở trong em". Thế thôi! Người nhà đưa em đi chữa thuốc. Sau đó em yên ổn trở lại. Từ sau ngày cưới của mình, em đã như một người hoàn toàn khỏe mạnh...
Em! Một người nào đó đã nói: "Con người ta có thể dũng cảm đương đầu với những sự gian khó, nhưng lại không sống nổi với sự nhàm chán và cô đơn". Có phải là trường hợp của em đó không" Em rất can trường nhưng em cũng rất yếu đuối. Em rất vững chãi nhưng em dễ ngã quỵ. Anh đã không nghĩ đến điều đó. Thời gian em mang thai, anh cũng không ngờ đến căn bệnh tiềm ẩn của em. Anh tưởng sống vui vẻ với nhau là đủ rồi, thật đơn giản. Ôi anh không thể tưởng tượng được, cái ngày đứa con gái xinh xắn của mình tròn năm tuổi là ngày bệnh của em tái phát. Em biết rõ như vậy nên em rất kềm chế mình. Những lúc em nổi cơn giận dữ thì anh lại không có bên cạnh. Anh ham mê công việc ở hãng và phó thác em cho người được Sở Xã hội gửi đến giúp. Em vì bệnh nên không thể tiếp tục đi làm, trong khi em là người dệt thật nhiều những ước mơ tốt đẹp về sự nghiệp. Điều này tác dụng y như việc trước kia em bị thi hỏng. Và bệnh của em ngày càng nặng thêm.
Mimi được năm tuổi thì mẹ lại phải xa con. Tình trạng của em quá tệ đến nỗi tất cả mọi người, từ bác sĩ đến người thân, đều khuyên anh đưa em vào ở trong bệnh viện để được điều trị thích hợp và cũng để giữ an toàn cho con. Anh không còn cách chọn lựa nào khác. Mỗi lần anh cùng Mimi vào thăm em, anh như thấy em đổi khác một chút. Em cũng trò chuyện, nói cười, nhưng đột nhiên em như chìm vào một cõi xa lạ nào chỉ có mình em biết. Và anh thường dắt con ra về trong một cảm giác hụt hẫng đau đớn. Có phải đó là sự trừng phạt Trời dành cho anh không hở em"
Mười năm qua anh sống trong một cảm giác vô cùng nuối tiếc những ngày chúng ta vui buồn có nhau. Anh cố gắng làm tất cả cho con của mình được sung sướng. Nhưng anh như người lính ra trận không có chiến hữu. Anh không thể tâm sự với em được nữa rồi! Những lúc vào thăm em, nói chuyện với em, anh chỉ là một người ngoại quốc. Có lúc em tỏ vẻ lắng nghe anh rồi bỗng cười phá lên và hỏi "anh nói cái gì""... Em không còn có thời gian, không gian để chia xẻ cùng anh nữa.
Mấy hôm nay em đã trở bệnh thành một trạng thái khác, không còn khích động hung hăng. Anh vào thăm, thấy em ngồi im lìm trong góc phòng, hỏi gì cũng không nói. Bác sĩ cũng không hiểu em nghĩ gì. Nét mặt của em lạnh như một tảng băng. Là vì sao hở em" Anh muốn tảng băng đó phải được ấm lên. Làm thế nào đây" Anh tự hỏi và không có câu trả lời. Anh đã kiệt sức!"
...

Ba và tôi đã hoàn thành cây Giáng sinh kịp trước lễ. Không khí của đêm Chúa ra đời thật bình an tuy ngoài trời tuyết rơi nhiều. Xứ Lake Tahoe của tôi năm nay trời lạnh hơn mọi khi. Tôi chuẩn bị một vài món ăn cho tiệc "réveillon", chữ này Ba bày tôi nói theo tiếng Pháp đó! Tôi biết làm các món ăn nhờ sưu tầm và học hỏi qua sách báo, internet và ti-vi, chứ tôi đâu được học ở mẹ như các bạn khác.  Tôi bày tất cả thức ăn trên bàn, và ngồi chờ.
Ba về! Và có cả Mẹ nữa! Tôi đã hồi hộp chờ đợi giây phút này. Mẹ ngơ ngác nhìn quanh khắp nhà như đang đến một xứ lạ. Mẹ thờ thẫn nhìn tôi lúc này đang ôm lấy Mẹ. Tôi không cần biết Mẹ có nhận ra tôi là ai không nữa. Nhưng tôi biết rằng lòng tôi đang được ấm lên, rất ấm.
Ba đưa Mẹ vào phòng khách, dìu Mẹ ngồi xuống chiếc ghế tròn từ ngày nào vẫn là dành riêng cho Mẹ. Chiếc ghế này tôi cũng rất thích, vẫn thường thay Mẹ ngồi vào đó để cảm nhận cái sung sướng muốn cuộn mình ngủ vùi như một con mèo nhỏ. Mẹ tỏ vẻ hài lòng. Và Mẹ nhìn sang cây Giáng sinh. Đôi mắt của Mẹ bỗng sáng lên như có hồn. Mẹ lẩm bẩm:
- Cây thông! Cây thông... màu bạc! Ô, sao có cây thông màu bạc"""
Ba bật khóc. Ba quỳ xuống bên cạnh Mẹ, nói với giọng  xúc động:
- Phải, cây thông màu bạc. Em có nhớ gì không"
Mẹ lắc đầu. Ba nói trong sự nhẫn nại:
- Cây thông trên ngọn đồi gần Viện Pasteur Đà Lạt, em nhớ không" Năm đó, anh nghỉ phép về cưới em, mình được thêm mấy ngày để đi Đà Lạt. Mình đã tinh nghịch chạy lên ngọn đồi trước mặt Viện Pasteur để chặt cây thông con về làm cây Giáng sinh. Khi hai đứa khệ nệ mang đi, có người chạy theo cho biết là cảnh sát sẽ phạt những ai đốn chặt cây thông con, vì đó là điều cấm. Hai đứa hoảng hồn. Em nảy ra sáng kiến vào tiệm bán sơn mua một lon sơn. Hết sơn trắng để giả làm tuyết, mình đành mua lon sơn màu bạc, hai đứa thi nhau phết sơn lên cành cây. Thế là ra một cây thông màu bạc. Hì hục sơn xong, anh và em nhìn quanh thấy mọi người bu lại như coi hát xiệc. Trong số đó có một anh cảnh sát. Anh ấy lắc đầu, cười hai đứa mình già đầu mà dại như con nít. Thật không giống ai! Thế nhưng cây thông được bưng về tặng cho trường học vì mình đâu có nhà ở đó mà chưng. Thế rồi...
Ba đang nói huyên thuyên bỗng ngưng bặt, vì Mẹ đang cười thật giòn. Như có một phép lạ nào làm cho cả gương mặt của Mẹ sáng lên rạng rỡ. Mẹ thật đẹp như Mẹ trong những bức hình tôi ép vào sách để ngắm mỗi ngày. Ký ức của Mẹ có phần nào đã sống lại chăng"
Tất cả những gì Ba vun đắp bấy lâu, bằng nỗi buồn phiền, thất vọng, nhớ nhung, ân hận, và tình yêu, đã được đền lại bằng phút giây này!
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,732,175
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến