Hôm nay,  

Nến Trăm Đầu

12/02/201000:00:00(Xem: 218310)

Nến Trăm Đầu

Tác giả: Anne Khánh Vân
Bài số 2862 -1628962- vb5021110

Dân Mỹ hợp chủng trợ cấp cho bà con họ ở khắp thế giới.  Năm 2009, có 160 nước nhận 420 tỷ tiền cho không biếu không được gọi là "kiều hối". Nước Mỹ đúng là nến trăm đầu. Tha hồ mà đốt. Đốt nó cách nào" Bài này bàn về đủ loại tiền trợ cấp, từ trong tới ngoài nước.  Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống tại Virginia và làm việc tai  AECOM,  được Fortune xếp trong 500 đại công ty hàng đầu thế giới. Với 45,000 nhân viên, hoạt động trong các dự án giúp phát triển kinh tế tại hơn 100 quốc gia, lợi tức của AECAM trong năm tài khoá 2009 là 6.1 tỷ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Canh Dần 2010, hiện có bán tại các nhà sách.

***

Từ Pháp...
Nhân viên Tòa Thị Chính Vénissieux được huy động đến khu Les Minguettes.  Hôm ấy, một cao ốc chung cư 16 tầng sẽ được cho đổ sập. Cư dân ở những cao ốc lân cận phải tạm di tản đến các địa điểm tập trung như trường học, sân vận động, các lều to được dựng trong các công viên... Nhân viên Tòa Thị Chính giúp phân phát thức ăn, nước uống và hướng dẫn họ tập trung, giữ trật tự...
Đến giờ, nhìn từ xa, như trong phim... Đùng! Đùng! Đùng! Từ tầng cao nhất, từng mảng tường sụm vào nhau. Khói mìn, bụi xi-măng, mù mịt không gian... Nhanh lắm, chỉ chừng 10, 15 phút, một công trình xây dựng nhiều năm đã "biến mất" như một màn "ểm xì bùa". Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh cho nổ sập một cao ốc.
Les Minguettes là tên của khu vực gồm 62 tòa nhà cao tầng xen kẽ với 54 nhà khối (block) chung cư thuộc thành phố Vénissieux, giáp ranh phía Nam thành phố Lyon, nước Pháp. Chúng được xây dựng từ đầu những năm 60. Đây là nơi tập trung dân nhập cư, phần đông là từ các nước Bắc Phi như Morocco, Algeria, Tunisia... 72% dân vùng Les Minguettes lãnh tiền trợ cấp.
Sau 1975, nhiều thuyền nhân Việt cũng được Pháp tiếp nhận. Ngoài ra còn nhiều người Việt sang Pháp (bằng máy bay) định cư, nhờ "ăn theo" quốc tịch Pháp của ông bà cha mẹ thời Pháp. Họ "trở về" Pháp với tư cách "người Pháp" "hồi hương". Vì vậy, khi đến vùng Les Minguettes, bạn cũng sẽ thấy kha khá người Việt tập trung sống ở đây. Người Việt cũng có lãnh trợ cấp... Nhưng người Việt tương đối siêng năng chịu khó nên số người lãnh trợ cấp không đáng kể.
Đầu những năm 80, để giải quyết cảnh "người nghèo" tập trung ở một nơi và để phân bổ dân số đồng đều hơn nhằm giúp cân bằng mức kinh tế, chính quyền địa phương đã mở ra chương trình cải thiện chất lượng đời sống. Dân cư vùng Les Minguettes dần dời đi khắp nơi. Khoảng 20 cao ốc chung cư 16 tầng này đã được cho nổ sập. Cứ mỗi lần có một cao ốc được dời dân sang những cao ốc khác để nó hoàn toàn trống trước khi cho sập, trong thời gian chờ đợi cho nổ sập, cao ốc này đã trở thành nơi tập trung và hoành hành của các băng đảng. Les Minguettes trở thành "Bronx" thời trước của New York ở Vénissieux. Hầu như tối nào cũng có xe hơi bị đốt. Ở một bãi đậu xe lân cận sẽ là những miếng nệm được tưới xăng vào và cho cháy... Thủ phạm bắt được của những vụ gây rối loạn, ăn cắp xe, đốt xe, buôn bán ma-túy... phần lớn là những người gốc Ma-rốc hay An-gê-ri: thế hệ thứ 2 của đợt dân di cư vào Pháp từ Bắc Phi những năm 70.
Vì làm việc trong Tòa Thị Chính, tôi biết kha khá những hoàn cảnh đáng để ý của vùng Les Minguettes. Gia đình nào cũng đến Tòa Thị Chính để xin ghi danh hưởng tất cả các phúc lợi mà họ thuộc vào hàng có quyền được hưởng. Nào là trợ cấp gia đình đông con, trợ cấp một... mình nuôi con, trợ cấp thất nghiệp, nói chung mọi thứ trợ cấp... Hầu như ở hoàn cảnh nào, ở độ tuổi nào, bạn cũng có thể được hưởng tiền trợ cấp của chính phủ. Nhiều người chỉ mới có 3 con, nhưng đã được "rủ rê" và sau đó đã có nhiều con hơn để được nhận tiền trợ cấp nhiều hơn. Bảo hiểm sức khỏe căn bản thì những người không có thu nhập này, ai cũng được hưởng đồng đều và miễn phí. Và nếu bạn có việc nhưng "không may" bị thất nghiệp, bạn sẽ có... "may mắn" khác: hưởng tiền thất nghiệp (giảm dần) trong vòng 2 năm.
Dĩ nhiên đối với đời sống ở Pháp thì những người gốc Bắc Phi này thuộc các gia đình "nghèo", nhưng với số tiền lãnh được, khi không phải chi phí nhiều, thì chồng (cha) của các gia đình này có thể "cùng lúc" "nuôi" 2 gia đình. Hai gia đình" Vâng, và có khi còn nhiều hơn hai! Bởi họ là những người có phong tục có thể có nhiều vợ. Nên, dù đã có gia đình bên Pháp, họ vẫn có thể có thêm vợ ở quê nhà và họ rất thường xuyên qua lại để "thăm... nuôi" vợ con bên ấy. Những câu trả lời, "Tôi có tổng cộng 16, 18... đứa con," rất phổ biến.
Nhìn những người cứ "vô tư" hàng tháng đi lãnh tiền trợ cấp, không trực tiếp "phát" tiền cho họ, những người đi làm nhiều lúc cũng đâm sốt ruột và thắc mắc. Cũng thông cảm được, vì bạn đi làm và đóng thuế (rất nhiều), nhưng sao cái nước nó vẫn cứ nghèo, đời sống cứ vẫn khó khăn, cái giống gì cũng đắt đỏ,... Tiền thuế chính phủ thu của dân chính xác dùng để làm những gì" Thuế thu nhập ở Pháp rất cao. Bạn có thể phải trả đến 48% nếu lương đụng mức..."trần nhà". Thuế mua hàng (TVA) thì 19.6%. Thất nghiệp năm 2009 ở Pháp là 9.1%, riêng vùng Les Minuettes thì thất nghiệp ở những người trẻ khoảng 40%.
Không biết, có phải - ngoài "gánh nặng" nuôi dân "nghèo" của mình, Pháp còn phải nuôi những người dân tỵ nạn, rồi nuôi cả bà con gia đình sống ở quê nhà của những người hiện đang tỵ nạn tại Pháp này - đã góp phần "cột" nước Pháp trong tình trạng "nghèo... lâu" như thế không"
Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp không thay đổi nhiều: 10% đến 11% trong những năm 1990 -1999; và trong khoảng 8%, 9% từ sau 1999 đến nay. Tổng Sản Lượng Nội Địa (Gross Domestic Product -GDP) của Pháp thì chỉ xê dịch rất ít trong trên dưới 1.30 nghìn-tỷ trong 10 năm 1990-1999; sau đó mới leo dần lên được hơn 2-nghỉn-tỷ. Theo thông tin của ngân hàng thế giới, trong năm 2008, dân số Pháp là 62 triệu, GPP là 2.85-nghìn-tỷ.
...Qua Mỹ
Wao! Số lượng di dân tại Mỹ nhiều hơn Pháp gấp bội. Gốc gác các sắc tộc di dân thì phức tạp gấp trăm. Dân (gốc) Việt, với tổng dân số trên toàn nước Mỹ là 1.64 triệu, phần đông tập trung ở Nam Cali. Dân Phi Luật Tân, 3.05 triệu, đa số tập trung ở những vùng có nhiều căn cứ quân sự như VA, Maryland. Thấp xuống các tiểu bang miền Nam một chút thì tập trung thật nhiều những người Mễ, chiếm gần 47 triệu trong dân số Mỹ; họ sống lẫn lộn với dân bản xứ Mỹ đen. Người Trung Hoa, thuộc dân Châu Á đông nhất ở Mỹ, 3.54 triệu, thì sống đông đúc ở New York, San Francisco và có mặt ở hầu hết các tiểu bang trên nước Mỹ. Đó là thống kê dân số của U.S.Census tính đến giữa năm 2008.
Nước Mỹ hợp chủng có tổng dân số là 307 triệu (chưa kể người nhập cư bất hợp pháp, không có giấy tờ). Dân số Mỹ đứng hàng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đông dân số đồng nghĩa với đông nhân lực lao động. Nhưng mức cao thấp của GDP - tổng sản lượng quốc gia- là chuyện khác, vì tùy thuộc nhiều yếu tố phức tạp về trình độ phát triển.
Năm 2008, theo Ngân Hàng Thế Giới, Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (Gross Domestic Product - GDP) tính bằng Mỹ kim theo số trillion -nghìn tỉ- có thể xếp hạng như sau:

1.  Mỹ   14.2 nghìn-tỷ
2.  Nhật   4.91
3.  Tàu   4.33
4.  Đức   3.65
5.  Pháp   285
6.  Anh   2.65
7.  Brasil  1.61
8.  Nga   1.61
9.  Mexico  1.09 nghìn tỷ
10. Úc   1.02

Xếp hạng nhất nhì ba tư nghe có vẻ sàn sàn một lứa. Thật ra, GDP của cả ba anh Nhật, Tàu, Đức -với tổng dân số đông hơn 5 lần dân số Mỹ- dù có đứng chồng lên nhau, cũng chưa đụng đến... mũi của chú Sam; Nói Nga Mỹ, nghe cũng sàn sàn, nhưng Mỹ mạnh hơn gần 9 lần. Việt Nam dĩ nhiên rất xa, chỉ có 90 tỷ, chưa đạt tới số trăm.
Khỏi nói thêm về sự giầu có, tài giỏi của nước Mỹ. Mấy đề tài kinh tế tài chánh nhức đầu xin nhường các chuyên gia. Với chút kinh nghiệm từ Vénissieux -thị trấn tiêu biểu cho nước Pháp nổi tiếng về đủ loại trợ cấp an sinh xã hội và thành tích... đốt xe hơi- tôi muốn coi chuyện này ra sao ở nước Mỹ hợp chủng. Ủa, đủ loại di dân, ai cũng có quyền giữ súng giữ đạn, vậy mà dân Mỹ không loạn. Cũng không thấy đốt xe hàng ngày... Có phải do cơ chế Mỹ mở cơ hội đồng đều cho mọi sắc dân, lưới an sinh trợ cấp có đó nhưng không bao cấp toàn diện; xã hội là một guồng máy thúc đẩy sự ganh đua cạnh tranh ngày đêm"
Trước hết, coi tình trạng lãnh trợ cấp an sinh xã hội ở Mỹ những năm qua ra sao.

Welfare Spending Chart
Fiscal Years 2000 - 2009
Year Welfare-total $ billion
2000  267.66
2001  290.16
2002  320.34
2003  390.56
2004  380.28
2005  404.04
2006  411.39
2007  414.88
2008  485.70
2009  577.54

Nhìn vô bảng trợ cấp này, thấy tiền trợ cấp năm 2000 mới là 267.66 tỷ, năm 2008 đã là $485.7 tỷ (billion).  Chỉ trong 8 năm ông Bush cầm quyền, tiền trợ cấp xã hội của nước Mỹ đã tăng gần gấp đôi. Nhưng đừng vì vậy mà lo quá, GDP Mỹ năm 2000 mới là 9.76 nghìn tỷ. Năm 2008 đã là 14.2 nghìn tỷ. Tăng hơn 4 tỷ rưỡi.
Sang năm 2009, năm đăng quang của ông Obama, lên $577.54 tỷ (billion), tăng gần 1 trăm tỷ so với 2008, hơn 20 phần trăm. Chưa thấy con số tăng của GDP 2009.
Số lượng người lãnh tiền trợ cấp ở Mỹ được ghi nhận như sau: 38.8% là dân da trắng, 39.8% là dân da đen, 15.7% là dân nói tiếng Tây Ban Nha, 2.4% là dân Châu Á và 3.3% là các giống dân thiểu số khác. Tỷ lệ với dân số của từng giống dân thì người da đen ăn trợ cấp nhiều nhất ở Mỹ, theo ghi nhận cuối năm 2008 của sở lao động.
Chỉ muốn coi trợ cấp an sinh xã hội trong nội địa Mỹ thôi, nhưng rồi phải coi tiếp, vì...
"Đốt Nến Hai Đầu"
Trong số những người lãnh trợ cấp ở Mỹ, hàng năm, có kha khá số người bay qua bay về giữa Mỹ và Châu Âu. Họ không phải những người làm việc và đóng thuế ở hai nơi. Họ cũng không phải tất cả đều là những người đã từng đánh giặc cho Tây hay cho Mỹ... nên "thoải mái" để cho chính phủ của những nước này "trả ơn". Họ chỉ đơn giản thuộc lứa tuổi ngoài tuổi lao động, có hai quốc tịch nhờ ăn theo con cái định cư ở hai nơi. Thế là hàng năm, họ sẽ "chịu khó" bay đi bay về để hiệp đủ điều kiện "không đi quá lâu, không ở quá ít," để có thể là "công dân" của cả hai xứ và từ đó lãnh tiền trợ cấp của cả hai nơi! Cộng lại, hơn mức lương trung bình sau khi trừ thuế của một người đi làm.
Một cô bạn đồng nghiệp người Mỹ gốc Nhật của tôi, tính tình dịu dàng, nhưng khi biết có tình trạng này đã nổi sùng. Cô ta gọi người cùng lúc nhận trợ cấp xã hội của hai nước là bọn "đốt nến hai đầu". Một cô bạn khác, Mỹ gốc Hoa, nói "thì coi như con cái của họ đi làm đóng thuế cho họ lãnh... chứ có gì đâu mà bực..." Vậy là bắt đầu nổ.
Cô bạn Mỹ trắng chính gốc tham chiến. Bộ mày nghĩ tiền thuế con cái họ đóng đủ để phát cho họ bấy nhiêu đó tiền hàng tháng hả" Còn khuya! Ngồi xuống tính thử đi. Bao nhiêu người đi làm và đóng thuế thì mới đủ để phát tiền trợ cấp cho chỉ một người! Đâu phải khi phát trợ cấp cho một người $500 thì chính phủ tốn chỉ $500. Còn phải chi cho rất nhiều giai đoạn tốn kém để tiền thuế thu được của dân có thể chuyển thành tiền gửi đến tay người lãnh trợ cấp hàng tháng. Rồi còn biết bao khoản "ăn theo" sau món trợ cấp tiền mặt. Chi phí này khi được tính toán và bình quân ra thì có khi còn gấp nhiều lần hơn số tiền phát ra cho mỗi người.


Cô bạn gốc Nhật nặng lời hơn: Đốt Nến Hai Hầu là hành vi bất nhân. Đốt cả hai đầu, đâu có cây nến nào chịu thấu. Cứ dung dưỡng tình trạng lạm dụng 'kỹ' như vậy thì làm sao chính phủ các nước này không 'sập tiệm'. Ai lãnh lương mà lại thích bị đóng thuế bao giờ. Không phải hiện đang có rất nhiều người trốn thuế đó hay sao" Ai cũng mong có thể mang hết tiền về nhà, tha hồ tiêu xài. Ai cũng mong, nếu có đóng thuế thì chỉ đóng vài ba phần trăm tượng trưng thôi... Nhưng khổ nổi, "sở hụi" (chết) của chính phủ "nặng" quá, làm sao những người đi làm có thể đóng thuế ít cho được. Thiết nghĩ, nếu không có những người tôn trọng luật trả thuế và trả thuế đầy đủ, ai cũng trốn thuế cả, thì chính phủ lấy tiền đâu để chi phí cho những người đợi nhận trợ cấp hàng tháng"
Mình đi làm, è cổ ra đóng thuế. Vài chục năm nữa khi đến lứa của mình về hưu thì đừng mong quĩ hưu còn để cấp tiền già cho tụi mình.
Tranh luận tiếp tục sôi nổi. Chúng nó sùng. Mà chúng sùng cũng có thể thông cảm. Nhưng đã tới lúc cần hạ hoả. Tôi cười hì hì, "Khoan khoan đừng giận. Đốt nến hai đầu mà nhằm gì. Tao biết có cảnh đốt nến còn rùng rợn hơn nhiều."

* Và "Nến Trăm Đầu".
What" Where" Ở đâu ra mà có nến trăm đầu" Mày biết bọn nào đốt" Lũ bạn nhao nhao. Ở ngay đây chớ đâu. Tôi chỉ vào... chính mình. Tao đây chớ ai. Mà không chỉ mình tao à nhe. Ông tiến sĩ Cà Ry khó chịu của bọn mày cũng đốt. Ông gác dan người Pakistan cũng đốt. Cả con Soo -cô bạn gốc Hoa- cũng đốt luôn. Đốt cháy phừng phừng. Nến trăm đầu mà.
Cô bạn gốc Hoa làm nghiêm. "Tao đốt hồi nào""
"Mới hôm qua chớ lâu lắt gì. Không phải hôm qua mày kể là check lương kỳ này mày phải xén 300 gửi về bển cho bà già ăn tết""
Chờ cho lũ bạn nhìn cô Soo biểu diễn màn há mồm ngạc nhiên xong, tôi mới đủng đỉnh thêm: "Con Soo gửi tiền về Tàu cho bà già. Tao gửi tiền về Saigon cho cô em ăn tết. Doctor Cà Ry gửi hai phần ba lương về Mumbai cho vợ con. Ông Pakistan gửi tiền về nước cho bố già nuôi các em. Bọn mày tính coi trong cái sở mấy chục ngàn nhân viên của mình có bao nhiêu sắc dân. Rồi cả cái hợp chủng quốc này nữa. Mỗi sắc dân có bao nhiêu người lãnh lương xong gửi đô-la về nước giúp cha mẹ anh em bà con" Mấy người lãnh trợ cấp còn mang tiền trợ cấp xài trong nước Mỹ, nghĩa là còn đóng sale tax. Tiền ông Tiến sĩ Cà Ri hay con Soo, hay chính tao gửi về quê nhà là tiền cho không biếu không thì Mỹ nào xài được. Nó cũng là một loại trợ cấp vậy. Dân Mỹ hợp chủng trợ cấp cho bà con họ ở khắp thế giới. Bao nhiêu nước nhận trợ cấp loại này" Cả trăm. Vậy nước Mỹ này không phải là nến trăm đầu thì mấy đầu"
Vậy là chuyện "đốt nến hai đầu" đổi thành "nến trăm đầu".
Cũng không chỉ trăm đầu. Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới công bố tháng 11- 2009, có tới 160 quốc gia nhận trợ cấp của thân nhân từ hải ngoại mà nhiều nhất là từ Hoa Kỳ. Tất cả cùng đốt, tha hồ tưng bừng. Tổng số được ghi nhận: $384 tỷ trong năm 2007, $443 tỷ trong năm 2008, và trong năm 2009 là $420 tỷ. Chỉ riêng tiền di dân vào Mỹ trợ cấp cho bà con quê cũ cũng đã lớn hơn 6 lần tổng số GDP của cả nước Việt Nam. Đó chỉ mới kể con số được ghi nhận qua các ngân hàng. Chưa tính khoản tiền mặt những người di dân "cất riêng" trong... bóp khi mang về quê nhà trong những chuyến viếng thăm...
Dưới đây là bảng danh sách 20 nước đứng hàng đầu có lượng tiền "viện trợ không hoàn lại" theo Ngân Hàng Thế Giới trong ba năm qua. Xin lưu ý số hạng thay đổi trong ngoặc đơn.
Tiền hải ngoại gửi về nước cho bà con, tình theo triệu mỹ kim

Tên nước  2007  2008  2009e

India  37,217 (2) 51,581 (1) 47,000 (1)
China  38,791 (1) 48,524 (2) 46,989 (2)
Mexico  27,136 (3) 26,304 (3) 22,870 (3)
Philippines 16,302 (4) 18,643 (4) 19,411 (4)
France  14,513 (5) 15,908 (5) 15,603 (5)
Spain  10,739 (6) 11,776 (6) 11,664 (6)
Germany 9,839 (8) 11,064 (7) 10,762 (7)
Bangladesh 6,562 (15) 8,995 (12) 10,431 (8)
Nigeria  9,221 (9) 9,980 (9) 9,585 (9)
Belgium  8,557 (10) 9,280 (11) 9,134 (10)
Pakistan 5,998 (17) 7,039 (17) 8,619 (11)
Poland  10,496 (7) 10,727 (8) 8,500 (12)
Romania 8,539 (11) 9,380 (10) 8,000 (13)
Egypt  7,656 (13) 8,694 (13) 7,800 (14)
United Kingdom 7,877 (12) 7,836 (14) 7,602 (15)
Lebanon 5,769 (18) 7,180 (16) 7,000 (16)
Vietnam  5,500 (19) 7,200 (15) 6,901 (17)
Indonesia 6,174 (16) 6,795 (19) 6,639 (18)
Morocco 6,730 (14) 6,891 (18) 5,720 (19)
Russian  4,713 (20) 6,033 (20) 5,506 (20)

___________________________________________________

Báo chí Việt ngữ, cả trong lẫn ngoài nước thường gọi chung mọi loại tiền trợ cấp nhận từ thân nhân nước ngoài là "kiều hối." Có vẻ kiểu vơ đũa cả nắm! Kiều dân là dân sống (tạm) ở nươc ngoài, nhưng vẫn giữ quốc tịch cũ. Vậy kiều hối chỉ có nghĩa là tiền do những kiều dân này gửi về. Trong khi, các con số thống kê là bao gồm toàn bộ tiền nhận từ tất cả mọi người thân, kể cả những người đã vào quốc tịch Mỹ. Thuật ngữ tài chính gọi các khoản này là "remittance / tặng dữ," có nghĩa... tiền cho không biếu không.
Mỗi con số tự nó đều biết nói. Nghe được bao nhiêu là tuỳ người, tuỳ mức. Nhìn bảng thống kê Top 20 nước nhận trợ cấp từ thân nhân ngoài nước, chỉ xin ghi ba điều bốn chuyện. Trước hết về phía nhận:
- Nước nhận đô la từ hải ngoại nhiều nhất trong năm 2009 là Ấn Độ với $47 tỷ. Hạng nhì là Trung Quốc, $46.99 tỷ; Kế đó là Mexico ($22.87 tỷ). Trước đây, Trung Quốc thường dành hạng nhất, nhưng từ 2 năm nay, Ấn Độ đã vượt lên dẫn đầu sát nút. Theo dõi thời sự, có thể thấy Ấn Độ lâu nay vẫn lặng lẽ làm ăn. Dân gốc Ấn tại Mỹ học hành vượt trội, làm ăn chăm chỉ. Trong nước, chế độ dân chủ ngày càng vững vàng, phát triển thứ tự, gốc trước ngọn sau, chính phủ ít đua đòi, thấy chậm  mà chắc. Trung Quốc thì ngày càng độc tài, làm ăn ẩu tả, phô trương, vung tay quá trán, sẽ có lúc... lãnh đủ.
- Về phần Việt Nam, riêng năm 2008, lượng tiền trợ cấp gọi là kiều hối đứng thứ 15. với 7.2 tỷ. Đây là mức tăng đáng kể so với năm 2007, khi lượng tiền về đạt 5.5 tỷ. Tuy nhiên trong năm 2009, Việt Nam tụt xuống hạng 17, với lượng tiền ước lượng $6.9 tỷ. Đây là do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động nặng nề đến các nước Âu Mỹ, nơi xuất phát của nguồn tiền. Rồi tình hình trong nước thế nào"
Đọc tin trong nước sẽ chỉ thấy dối trá, lừa phỉnh, tham nhũng, cướp bóc, ăn chơi, phét lác... Một năm GDP của Việt Nam tăng được bao nhiêu" Cứ cho là 8% đi, cũng chỉ mới tương đương 7.2 tỷ "kiều hối" trên tổng số GDP 90 tỷ. 
 Tiếp theo, từ phía người Mỹ:
- Trên danh sách thống kê, chỉ có 160 quốc gia được nhận tiền kiều hối. Thế giới có trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vậy là còn không ít những nước chưa thấy có tên, như Cuba, Bắc Triều Tiên.... Tin tức mới đây cho hay Tổng Thống Mỹ Obama nói sẽ cho phép dân Cuba ở Mỹ được chuyển tiền về nước. Khi nói "cho phép" có nghĩa là muốn cấm thì cấm. Vậy muốn khoá hay muốn mở "vòi nước kiều hối" không phải là chuyện khó với Mỹ.
- Kinh tế Mỹ đang thời suy thoái, chỉ số thất nghiệp từ 5% có lúc đã vượt lên 10.2%. Nếu cái vòi "kiều hối" được khoá lại, khoản tiền $400 tỷ hàng năm được lưu hành và sử dụng trong nước Mỹ, sẽ có bao nhiêu là hàng hóa được sản xuất thêm, bao nhiêu công việc được mở mang, kinh tế Mỹ có thể đã không bị xuất huyết! Nước Mỹ hẳn biết rõ điều này. Vậy mà không những không khoá vòi mà còn muốn mở thêm. Sau Cuba được phép lãnh "trợ cấp dân sự" từ bà con ở Mỹ, biết đâu sẽ là Bắc Hàn, Miến Điện, rồi Iran... Thời kinh tế toàn cầu, Mỹ là trái tim của cơ thể tài chính thế giới, máu là đô-la bơm cùng khắp châu thân. Bàn chân, bàn tay không có máu nuôi thì sẽ liệt. Chỗ nào kinh mạch tắc nghẽn thì phải làm cho thông, có ra có vào, có tuần hoàn tái tạo. Cả cơ thể, dù là cơ thể con người hay cơ thể một đế quốc, mà ăn xài quá độ thì sẽ bệnh. Để xuất huyết bừa bãi thì có ngày cạn máu mà chết. Cơ hội hoặc trở ngại để tồn tại và phát triển của quốc gia và thế giới ra sao, các viện nghiên cứu chiến lược và các chính phủ của nước Mỹ sẽ đánh giá, chọn lựa, quyết định.
Mồi nến và góp sáp
"Đốt nến hai đầu" thì không ngọn nến nào chịu nổi," Cô bạn gốc Nhật của tôi nói. Ấy vậy mà mà nước Mỹ đưa đĩa nến cả trăm đầu ra cho khắp nơi đốt. Người nhận tiền, cũng như những đất nước được nhận tiền "viện trợ không hoàn lại", cần phải trân quý và dùng tiền đó như ngọn nến làm mồi cho cái túi tiền của mình, cho nền kinh tế của đất nước mình.
Tại Mỹ, cứ mỗi lần nền kinh tế được phục hồi, chính phủ sẽ có khuynh hướng nới lỏng các chương trình phúc lợi... và sẽ có những người lợi dụng và lạm dụng. Trận suy thoái kinh tế vừa qua là hậu quả của chuỗi tiếp nối những lợi dụng, lạm dụng ở nhiều mức độ, từ người lãnh trợ cấp ít ỏi tới các đại tài phiệt, từ kiểu làm ăn cò con thu tiền mặt trốn thuế tới kiểu đại công ty tô vẽ luồn lách luật pháp để gian lận bạc tỷ.
Chúng ta không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm vào chỉ người lãnh đạo đất nước. Để kinh tế Mỹ, kinh tế của đất nước của bạn, kinh tế của thế giới, được hồi phục, rồi mạnh mẽ bền lâu... mỗi cá nhân hãy hỏi xem mình có thể làm gì!
Bạn hãy nhìn quanh. Hàng ngày, hãng xưởng của chúng ta mất bao nhiêu là giờ trong việc nhân viên nói chuyện riêng trên điện thoại, nhân viên ra ngoài hút thuốc lá, nhân viên ăn lố giờ ăn trưa... Năng suất làm việc liệu có đạt tiêu chuẩn" Hãy cố gắng tiết kiệm những gì trong phạm vi của mỗi người chúng ta. Hãy bắt đầu từ từng tờ giấy trắng nhỏ nhoi. Đừng in ấn bừa bãi những gì không cần thiết để sau đó phải xé bỏ... Hãy giúp hãng xưởng của chúng ta đừng bị đẩy tới chỗ phải đóng cửa. Đó là bảo vệ chính sự dài lâu của công việc của chúng ta, bảo vệ chính tương lai của chúng ta, bảo vệ chính sự tăng trưởng và kinh tế của đất nước của chúng ta.
Mỹ hay Pháp, những nước đã đón nhận và giúp đỡ những người đã có công với họ trong quá khứ, cũng như những người dân xin tỵ nạn chính trị, kinh tế từ khắp nơi... Họ đã ăn ở rất "có hậu" khi nhận lãnh chúng ta vào vào sinh sống ở đất nước của họ. Họ đã cho chúng ta cơ hội, công ăn, việc làm, đủ các loại tiền trợ cấp... Chúng ta: những kẽ may mắn, những kẽ rất được ưu đãi... Chúng ta cũng cần phải sống có hậu.
Mỗi sáng sớm, rất nhiều người mù, chỉ với chú chó và chiếc gậy. Họ lần mò ra khỏi cửa căn hộ thuê giản dị của họ. Họ lần mò đến thang máy, xuống lầu, ra trạm xe buýt... Sau mười, mười lăm phút, họ đến trạm tàu điện. Họ chen chúc vào làn người đang hối hả đi làm. Họ lần mò đến được bến đợi tàu điện. Họ đưa tay lên vẩy vẩy những người xung quanh. "Làm ơn nói cho tôi biết xe đường Xanh hay đường Vàng đang đến thế"" Ồn lắm, rất ồn. Tiếng của tàu điện đang dần đến từ xa. Tôi chạy đến, ghé sát vào tai người bạn mù đi tàu điện hàng ngày của tôi. "Xe màu vàng. Xe của tụi mình đấy. Lên xe thôi. Nó đến trước mặt anh rồi..."
Họ là những thầy giáo. Họ là nhân viên của những văn phòng chính phủ. Họ là những nhân viên trả lời thắc mắc và giúp đỡ khách mua hàng qua điện thoại hoặc Online. Họ là những người ngồi phía sau các cửa sổ kiếng để tiếp những người đến lãnh tiền thất nghiệp, tiền trợ cấp xã hội ở những văn phòng Phát Tiền Thất Nghiệp, những văn phòng An Sinh Xã Hội... Và... họ là những người khơi lên trong tôi tinh thần muốn làm việc, tinh thần muốn đóng góp, tinh thần trồng cây cho thế hệ sau ăn trái,...
Ngọn nến chỉ cháy sáng và cháy lâu, khi chúng ta không đốt hai đầu, khi chúng được làm mồi thắp sáng những nơi còn u tối...Và nếu được đóng góp thêm sáp, ngọn nến ở khắp nơi sẽ cháy mãi, không bao giờ tắt. Đó là ngọn nến văn minh, cầu tiến của con người.
ANNE KHÁNH VÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,638,861
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến