Hôm nay,  

Hai Người Bạn Mỹ Phản Chiến

28/10/200900:00:00(Xem: 42765)

Hai Người Bạn Mỹ Phản Chiến

Tác giả: Đoàn Thanh Liêm
Bài số 2769-1628840- vb4102809

Tác giả là một luật gia,  nhà hoạt động văn hoá xã hội. Ông sinh năm 1934, tại  Nam Định. Tốt nghiệp Luật khoa Saigon 1958. Du học Mỹ 1961-62. Từng là chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62), Quản lý Chương Trình Phát Triển Quận 6,7,8 Saigon  (1965-71); Giám Đốc Văn Phòng Nghiên cứu và Liên lạc Hội Đông Tôn giáo Thế giới tại  Saigon (World Council of Churches, 1972-74); Gia nhập Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon  (1969-75); Tham gia nhiều tổ chức văn hoá quốc tế; Tù nhân chính trị ở Việt nam (1990-96); Hiện là thành viên Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI-Summer Peacebuilding Institute) tại Đại học EMU, Harrisonburg Virginia và tại Knoxville, Tennessee  (2001-2009). Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
 
***
Là người chuyên họat động xã hội lâu năm, tôi có dịp gặp gỡ quen biết với rất nhiều người bạn ngọai quốc, gốc ở Á châu, Âu châu hay Mỹ châu. Nhất là trong thời kỳ chiến tranh leo thang ở Việt nam hồi giữa thập niên 1960, thì có rất nhiều cơ quan xã hội quốc tế đến tham gia vào công cuộc cứu trợ các nạn nhân chiến cuộc tại miền Nam. Và tôi có dịp sát cánh với họ trong công tác từ thiện nhân đạo, đại để như giúp phân phối thực phẩm, quần áo, thuốc men cho các nạn nhân, hoặc giúp việc tái thiết lại nhà cửa bị tàn phá, đặc biệt sau vụ tấn công hồi Tết Mậu thân 1968 tại các vùng ven biên thành phố Saigon. Phần lớn những người bạn này là những thiện nguyện viên mới xuất thân từ các Đại học ở Mỹ và tình nguyện đến phục vụ trong các cơ quan xã hội tại Việt nam. Họ thường ký hợp đồng làm việc từng 2 năm một; sau đó lại trở về đi học tiếp lên bậc Cao học, hoặc đi làm ở các cơ sở tại Mỹ.
Kể từ năm 1970 trở đi, một số các bạn tôi quen biết này lại tham gia tích cực với phong trào phản đối chiến tranh mỗi ngày một lan rộng khắp nước Mỹ, nhất là trong giới sinh viên Đại học trong cả nước. Phong trào Hòa bình (The Peace Movement) đã từng bộc phát tại Mỹ trước 2 cuộc thế chiến hồi đầu thế kỷ XX là một đặc trưng truyền thống của lịch sử nước Mỹ.
Từ ngày qua định cư tại Mỹ năm 1996, tôi đã có dịp gặp gỡ lại một số những người bạn này, và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa ở Việt nam giữa cái thời chiến tranh khói lửa mịt mù tang thương đó. Bài này tôi xin ghi lại một số kỷ niệm với những bạn hữu đã quen biết từ trên 40 năm trước ở Việt nam.
1. Daniel Ellsberg, từ việc tiết lộ tài liệu mật tới vụ Watergate
Ông là người nổi danh về chuyện tiết lộ tài liệu mật của Bộ Quốc Phòng Mỹ, mà được báo chí gọi là vụ: "Pentagon Papers".
Vào cuối năm 1965, lúc tôi đang bận rộn với công việc phát triển cộng đồng tại quận 8 Saigon, thì có người giới thiệu Dan Ellsberg đến gặp tôi và anh ngỏ ý muốn đi thăm công việc nhóm thanh niên, sinh viên chúng tôi làm ở địa phương này. Dan tự giới thiệu anh làm việc cho cơ quan Rand Corporation là một tổ chức "Think Tank" nổi tiếng có trụ sở chính tại Santa Monica, miền nam California. Chữ Rand là viết ngắn lại từ 3 chữ Research and Development (Nghiên cứu và Phát triển). Anh được cử sang làm công việc nghiên cứu và phân tích tình hình tại Việt nam, theo hợp đồng của Rand với Bộ Quốc Phòng Mỹ. Nhiều lần Dan mời tôi về nhà chơi, đó là một căn biệt thự khá gọn ghẽ xinh xắn tại đường Trần quý Cáp, Saigon; đôi khi có cả người vợ sắp cưới là Patricia Marx ở Mỹ qua nữa. Cả hai người đều rất ưa thích mỗi khi tới thăm công trình xây dựng của chúng tôi tại Quận 8. Pat có lần còn gửi tặng cho lũ con tôi cả một thùng đồ chơi bằng nhựa, vì gia đình chị có xưởng sản xuất các lọai đồ chơi con nít.
Dan có bằng tiến sĩ về kinh tế học và được cơ quan Rand khá trọng dụng. Anh đọc được tiếng Pháp, nhưng không quen nói. Dan kể là hồi trước sau khi mới tốt nghiệp đại học, thì có phục vụ mấy năm trong binh chủng Thủy quân lục chiến Mỹ (Marines). Hồi xảy ra vụ Liên quân Anh Pháp hợp lực với Do Thái để tiến chiếm kinh đào Suez năm 1956, thì đơn vị của Dan được lệnh túc trực tại khu vực gần kinh đào này, mà may mắn làm sao mà đơn vị lại không nhận được lệnh phải tham gia hành quân với "Đạo quân thực dân Anh Pháp". Dan nói là mình không hề muốn đứng về phía "bọn thực dân này", nên nếu mà được lệnh phải ra tay giúp họ mà đàn áp người dân Ai cập, thì mình dám"nổi lọan" lắm ạ! Sau ít lâu thì Dan giải ngũ và đi học lên bậc cao học và đã đậu bằng tiến sĩ ở Harvard hay MIT thì phải.
Là cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến, nên Dan rất gan dạ, anh xông xáo khắp các tiền đồn của quân đội Mỹ, và nhiều khi đến sinh họat với các cố vấn quân sự Mỹ bên cạnh các đơn vị quân đội Việt nam cộng hòa. Nhờ vậy mà Dan nắm vững được tình hình nơi các mặt trận tại miền Nam. Có vài lần Dan nói là anh rất khâm phục ông John Paul Vann là một vị cố vấn rất tháo vát năng nổ của Quân đội Việt nam. Ông này về sau năm 1972 đã bị tử nạn trong vụ Mùa Hè đỏ lửa 1972 tại miệt Pleiku   Kontum.
Sau mấy năm sát cánh với Tướng Edward Lansdale ở Việt nam, thì Dan trờ về tiếp tục làm việc với Rand tại Santa Monica. Rồi thì vào năm 1971, Daniel Ellsberg bất thình lình tung ra một "trái bom nổ long trời" bằng cách tiết lộ cho báo chí tòan bộ hồ sơ mật của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan đến cuộc chiến tranh Việt nam. Việc tiết lộ hồ sơ này đã như châm thêm dầu vào ngọn lửa chống đối chiến tranh đang lan rộng khắp nước Mỹ, khiến cho Tổng thống Richard Nixon rất giận dỗi và tìm cách để truy tố Daniel Ellsberg ra tòa án vì tội làm" tiết lộ bí mật quốc gia". Nhưng trớ trêu thay, Dan lại được một số vị Thẩm phán bênh vực, nên Tổng thống Nixon đành chịu bó tay, không thể tiếp tục tiến hành trong vụ khởi tố này.
Mà còn tệ hại hơn nữa, đó là chuyện một số đàn em trong nhóm thân cận với Tổng thống đã tìm cách đột nhập vào văn phòng của bác sĩ trị bệnh tâm thần cho Dan trong khu Watergate tại thủ đô Washington DC để lục lọi hồ sơ bệnh lý của Dan. Rồi quen với việc đột nhập tại khu vực này, mấy tay em lại mò đến văn phòng vận động tranh cử của Trung Ương Đảng Dân chủ cũng tọa lạc trong khu Watergate này. Công việc lần này vỡ lở và rốt cuộc đã đưa tới sự đổ vỡ thê thảm trong sự nghiệp chánh trị của vị đương kim Tổng Thống Mỹ, khiến Richard Nixon phải từ chức vào năm 1974. Việc Tổng thống Nixon bị công luận và báo chí mạt sát chỉ trích nặng nề, rồi lại còn bị Quốc hội Mỹ hạch sách đe dọa liên tục trong nhiều tháng đã làm suy yếu tòan thể guồng máy của ngành hành pháp Hoa kỳ trong một thời gian dài, kể cả sau vụ từ chức Tổng thống. Và dĩ nhiên là tình trạng này cũng ảnh hưởng nặng nề đến chánh sách viện trợ của Mỹ đối với Việt nam vào giai đọan trước năm 1975.


Tôi đã gặp lại Dan Ellsberg tại nhà của anh ở phía bắc San Francisco năm 2001. Dan đã nghỉ hưu rồi và vừa mới hòan thành cuốn "Hồi ký về vụ Pentagon Papers" mà sau này được xụầt bản dười nhan đề "Secrets" vào năm 2003. Dan có kể cho tôi nghe là nhóm lâu la của Nixon mưu tính hành hung đối với anh lúc anh ở Miami Florida; nhưng may mắn bạn bè đã bênh đỡ cho anh thóat hiểm được. Trong số các bạn người Việt nam, Dan nói là vẫn giữ liên lạc với gia đình ông Trần ngọc Châu là cựu dân biểu của Việt nam cộng hòa hồi trước. Dan khen ngợi là con cái của ông Châu rất thành công trên đất Mỹ. Được biết Dan có lúc được mời đi diễn thuyết cho các sinh viên ở Trung quốc, nên tôi có hỏi anh là làm sao anh không tìm cách qua Việt nam" Dan lắc đầu, nhún vai và nói : "Tôi không có sự ưa thích đối với mấy người lãnh đạo ở Hanoi " (nguyên văn : I don t have much esteem for the leaders in Hanoi). Nghe anh nói vậy, tôi cũng không muốn hỏi thêm gì nữa.  Dan có cho tôi biết là anh chị có lần tham dự buổi thuyết trình và thực tập về Thiền do Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức ở khu vực kế cận với San Francisco. Anh còn hỏi tôi về một số tướng lãnh trong Quân đội Việt nam Cộng hòa mà anh có dịp gặp gỡ tiếp súc khi xưa. Anh nói muốn gặp lại tướng Nguyễn Khánh và nhờ tôi tìm giùm địa chỉ của ông ấy. Và tôi đã chuyển lời yêu cầu của Dan cho một anh bạn ở Sacramento vốn là người thân quen của tướng Khánh, để ông tùy nghi tiếp súc với Dan Ellsberg..

2. Don Luce: Đòan trưởng
IVS tại Việt Nam
IVS = International Voluntary Service là tổ chức Thanh niên Chí nguyện quốc tế tại Việt nam.  Don Luce trạc tuổi tôi. Có lần Don tâm sự với tôi: Mẹ của anh chỉ là một viên thư ký tầm thường tại một thành phố nhỏ bé ở miền nông thôn thuộc tiểu bang Maine ở vùng đông bắc nước Mỹ. Vì thế Don cảm thấy rất gần gũi và ưa thích cái phong cảnh và con người ở miền nông thôn Việt nam.  Sau khi tốt nghiệp đại học, Don gia nhập Đòan Thanh niên chí nguyện quốc tế và được phái sang làm việc tại Việt nam từ năm 1957.
IVS là một tổ chức thiện nguyện tư nhân được thành lập tại Mỹ từ hồi đầu thập niên 1950, quy tụ các thanh niên vừa tốt nghiệp đại học để đi làm công tác thiện nguyện tại ngọai quốc. Trong số này, còn có cả thanh niên gốc Ấn độ, Pakistan, Liban, Nhật bản, Đài loan, Singapore, Úc châu, Canada và Anh... nữa Họ thường tham gia về công tác phát triển nông nghiệp, phát triển cộng đồng và nhất là dậy tiếng Anh tại các trương trung học và đại học. Sau này vào năm 1961, Tổng thống Kennedy đã tổ chức Đòan Hòa Bình (Peace Corps) là mô phỏng kinh nghiệm của IVS đã thành lập từ trước.
 Tại Việt nam, IVS ký hợp đông với cơ quan Viện trợ Mỹ Usaid để làm việc tại địa phương các tỉnh, nhiều hơn là tại Saigon. Trụ sở chính tọa lạc tại khu chăn nuôi Tân sơn nhất, gần với Ngã Tư Bảy Hiền. Vào những năm 1960 trở đi, thì giới sinh viên, học sinh Việt nam đã bắt đầu sinh họat chung với IVS, vì họ đều còn trẻ, hồn nhiên vô tư. Cuộc gặp gỡ thường diễn ra qua các trại công tác xã hội, các buổi hội thảo, hoặc các buổi cắm trại vui chơi như kiểu hướng đạo. Đòan viên IVS thường nói được tiếng Việt, mà thanh niên Việt nam cũng thích có dịp được thực tập nói tiếng Anh, nên việc trao đổi giữa những người trẻ này với nhau cũng dễ dàng, thỏai mái.
Vào cuối năm 1964, các đòan viên IVS đã sát cánh hỗ trợ rất đắc lực cho thanh niên Việt nam trong công cuộc cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung. Vì họ giúp liên lạc được với cơ quan Usaid ở Saigon cũng như các tỉnh để giúp phương tiện chuyên chở các thiện nguyện viên và vật phẩm cứu trợ đến các vùng bị cô lập vì ngập lụt tại các tỉnh Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam v.v...
Chính từ sự sự hợp tác này đã phát sinh ra "Chương trình Công tác Hè 1965", nhờ IVS liên lạc được với cơ quan Usaid để cung cấp ngân khỏan điều hành của Chương trình có quy mô họat động tại nhiều tỉnh thuộc miền Nam Việt nam. Có thể nói đây là một chương trình đầu tiên có quy mô họat động rộng lớn nhất trên phạm vi tòan quốc của giới thanh niên, sinh viên và học sinh Việt nam trong suốt mấy tháng mùa hè năm đó. Và IVS đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn tài chánh cho chương trình này. Ngòai Don Luce, thì còn có Charlie Sweet, John Sommer, Mark Lynch v.v.. là những đòan viên IVS rất tích cực năng nổ trong việc hợp tác với giới thanh niên Việt nam hồi đó. Và riêng đối với chương trình phát triển quận 6, 7 và 8 Saigon, thì Don Luce và các bạn IVS luôn có thiện cảm và tìm cách giới thiệu chúng tôi với các tổ chức xã hội nhân đạo quốc tế nữa.
Nhưng đến năm 1967, thì Don Luce và mấy người bạn trong ban lãnh đạo IVS ở Saigon lại viết thư phản đối Tổng thống Johnson về việc leo thang chiến tranh ở Việt nam, và đồng thời rời bỏ chức vụ điều hành cơ quan IVS để trở về Mỹ như là một hành động phản kháng đối với chánh sách quân sự Mỹ.
Vài năm sau, Don trở lại Việt nam với tư cách là chuyên viên nghiên cứu cho Hội Đồng Tôn giáo Thế giới (World Council of Churches = WCC) có trụ sở chính tại Genève, Thụy sĩ. Trong thời gian này, Don lại dính líu tới vụ hướng dẫn phái đòan Dân biểu Mỹ đi phanh phui vụ "Chuồng Cọp Côn sơn" (Con Son Tiger Cages). Do đó mà vào năm 1971, anh bị trục xuất về Mỹ. Và từ đó thì Don Luce sát cánh với nghị sĩ Ted Kennedy và các nhân vật lãnh đạo trong phong trào phản chiến của Mỹ lúc đó đang phát động một chiến dịch sôi nổi đòi chánh phủ Mỹ phải rút quân đang tham chiến khỏi Việt nam.
Dĩ nhiên là Don Luce được Hanoi chèo kéo, mời đi hướng dẫn phái đòan người Mỹ có lập trường phản chiến đến thăm Hanoi, giống như nghệ sĩ Jane Fonda đã từng có dịp đi thăm viếng hồi năm 1970-71. Sau năm 1975, Don cũng là một trong những người Mỹ đầu tiên được mời qua thăm viếng Việt nam. Nhưng vì lúc đó chánh quyền Hanoi vẫn còn nghi kỵ nhiều đối với Mỹ, nên trong chuyến đi này, hình như Don cũng chẳng được tự do để gặp gỡ các bạn quen biết từ xưa ở miền Nam Viêt nam
 Nhưng riêng bản thân tôi, thì kể từ năm 1971 cho đến bây giờ là năm 2009, tôi chưa bao giờ có dịp trực tiếp gặp lại Don Luce. Anh gần như cắt hết liên lạc với bạn hữu xưa kia, và không hề sử dụng e mail, nên sự trao đổi tin tức với Don rất là khó khăn. Có một hai lần tôi nói qua điện thọai với Don hiện ở một thành phố nhỏ thuộc miền Bắc tiểu bang New York. Nhưng chúng tôi cũng không thể nói chuyện nhiều được. Chỉ có lần Don gửi cho tôi bài tường thuật về chuyến anh đi viếng thăm Cambodia và Việt nam với phái đòan từ thiện nhân đạo vào năm 2001,  02.
 Năm 2002, khi được tin tổ chức IVS giải tán, tôi có viết một bài báo đăng trên nhật báo Người Việt về các kỷ niệm với IVS ở Việt nam. Bài báo này, tôi có gửi cho Don Luce, và anh có gửi lời cảm ơn, nhưng cũng không hề viết chi tiết về tổ chức mà anh đã gắn bó chặt chẽ với các bạn cùng thế hệ cách nay đã trên 50 năm trong thời trai trẻ của mình.
Năm 2007-08, khi đến viếng thăm thành phố Philadelphia, thì tôi có dịp gặp gỡ và chuyện trò cùng anh John Sommer vốn là người trước đây cùng làm việc sát cánh với Don Luce ở IVS, thì John cũng than phiền là: " Hồi này Don Luce chẳng còn tha thiết gặp gỡ lại với các bạn bè ngày xưa nữa, mặc dầu hồi năm 1960-67, anh ấy là con chim đầu đàn của lớp người trẻ bọn chúng tôi. Thôi thì, khi người ta lớn tuổi, tính tình cũng có thể thay đổi khác với hồi còn trai trẻ vậy đó...!" Các bạn Mỹ còn cho biết là Don vẫn sống độc thân, vì chưa bao giờ lập gia đình với ai cả.
 Quen biết với Don từ cả 50 năm nay, tôi thấy tính tình của Don Luce thật nhu mì đằm thắm. Anh sống rất giản dị, ăn mặc xuề xòa và nói năng thận trọng, không bao giờ tranh luận hay lớn tiếng đối với bất kỳ ai trước mặt công chúng. Nói chung, thì tôi vẫn giữ được ấn tượng tốt về Don là người hiền lành, chân thật và không hề tỏ ra có một tham vọng nào về địa vị, quyền thế hay tiền bạc. Cho nên cái lối sống ẩn khuất thầm lặng hiện nay của Don là điều không làm cho tôi ngạc nhiên chút nào hết./.
ĐOÀN THANH LIÊM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,322,366
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.