Hôm nay,  

Bóng Xế Hoàng Hôn

21/10/200900:00:00(Xem: 139284)

Bóng Xế Hoàng Hôn

Tác giả: Trần Hồng Linh
Bài số 2762-1628833- vb4102109

Tác giả viết về tác phẩm đầu tay của bà, “Ở VN, tôi chưa từng viết văn viết báo, dù chỉ là viết bích báo cho lớp học. Sang xứ người, nhận ra tiếng Việt của mình đang mất dần, tôi ráng tập viết văn. Xin đừng cười, khi văn tài trổ hoa ở tuổi tóc muối tiêu." Bóng Xế Hoàng Hôn là một truyện ngắn tinh tế và tử tế, về quan hệ mẹ con, bà cháu nơi xứ người. Mong bà tiếp tục viết.

***
Bà Tâm thở dài không biết đã bao nhiêu lần rồi. Từ ngày ông chồng bà mất đi, bà càng trở nên cô quạnh, ru rú trong nhà. Ngày ngày bà đi ra đi vào với công việc vườn tược, hoặc đan áo, nhà cửa thì được bà lau chùi suốt ngày đến độ sáng loáng. Bà Tâm chỉ còn nỗi trông mong đến những buổi nghỉ lễ long-weekend để  được đi thăm con thăm cháu, chỉ có ngày nghỉ dài thì con trai bà mới có thể thảnh thơi một chút được, chứ thường ra nó phải bận đưa con đi học thêm vào buổi cuối tuần.
 Ngày nào mới được con bảo lãnh sang Bắc Mỹ, gia đình xum họp ,cả nhà quần tụ tíu tít nói cười.  Rồi đến lúc con trai bà lập gia đình, hai vợ chồng bà gượng vui khi con trai mình đặt vấn đề mướn một căn appartment sau khi đám cưới. Điều đó đúng thôi, con chim khi đã đầy đủ lông cánh cần phải rời tổ để đi xây một cái tổ khác.
Tiếng đứa con trai lớn của bà vang lên "Mẹ ơi, ra ăn cơm với chúng con" nhắc chừng bà Tâm đang trong cuộc viếng thăm gia đình đứa con.
"Từ từ rồi mẹ ra," bà Tâm trả lời, đủng đỉnh đứng dây khỏi cái ghế nệm dài nơi phòng khách, vừa đi bà vừa nói "năm nay sao mùa hè chẳng thấy nóng như mọi năm, con nhỉ. Ăn cơm xong con đưa mẹ về bên nhà không kẻo trời quá tối rồi con khó lái xe ."
"Mẹ cứ hay lo xa, mùa hè đến 9 giờ tối còn chưa tắt nắng mặt trời , lái xe có bao xa đâu mà mẹ lo. " Hùng, anh con trai bà, nói với giọng gắt gỏng.
Bà Tâm bước tới bàn ăn, những món ăn cũng như mọi lần bà tới thăm con thăm cháu. Mùa hè thì dễ dàng cho bà đi tới thăm con, nhưng dù vậy bà vẫn điện thoại trước một ngày để xem con của  bà có bận rộn không, nếu được câu trả lời " Tuần này con không đi đâu cả" bà mừng lắm. Thế là bà mau mắn  nói "Ngày mai mẹ tới chơi được không" ". Phía bên kia giọng của Hùng có vẻ ngần ngừ "Mẹ tới bằng gì, đi xe bus hả" để con lái xe chạy lại đón mẹ nhé."
Tới nhà con trai, bà Tâm không khỏi xót ruột khi thấy con trai mình lúi húi với đống chén bát ở nơi bếp, nước rửa chén bắn tung toé ra đầy mặt bàn. Ngày tháng con mình vừa đi học vừa đi làm, bà lo cho nó không có thì giờ học nên tất cả công việc trong nhà bà phải đảm trách hết, không dám sai con rửa chén hay lau nhà. Bà chỉ khua tay một chút là xong để nó có thì giờ học bài, thậm chí đôi khi thấy con thức khuya học bài, bà còn làm thêm một vài món ăn nhẹ để sẵn trong tủ lạnh hòng khi con học đêm đói bụng. 
Giờ đây nó công thành danh toại rồi, đi làm cả ngày rồi không nói làm gì, về đến nhà còn phải hầu vợ hầu con, rửa chén sau mỗi bữa ăn, đó là do sự phân công của vợ nó. Hùng vừa cười vừa nói với mẹ "Đàn bà nấu ăn thì đàn ông phải rửa chén, vậy mới là xứ nữ quyền chứ mẹ". Xứ Tây Mỹ rồi, muôn sự đời đổi thay thôi, bà  Tâm chỉ biết thở dài cho sự bất lực của một bà mẹ chồng.
Đâu hẳn đã yên thế, các cháu của bà cũng ngoan lắm chứ, ngoài những giờ học ở trường ra chúng còn được học thêm tiếng Việt ở những buổi thứ Bảy cuối tuần. Thằng Johny, lớn nhất đã 12 tuổi còn học thêm Karate nữa, con Tina 9 tuổi thì học hội hoạ ở lớp thiếu nhi, còn đứabé nhất Michael 5 tuổi thì cũng tập tọe với cái đàn piano như anh chị của nó. Các cháu đi học như vậy là ngoan tốt lắm rồi, vợ nó muốn thế mà, chỉ tội cho thằng con trai của bà mà thôi, những buổi tối đưa con đi học đàn, học vẽ là nó ngồi ngòai xe chờ cho xong buổi học để đón con về nhà luôn thể.  Đâm ra con bà chẳng còn chút thời giờ nào cho chính nó cả, hết đưa đứa này đi học võ thì đưa đứa kia đi học vẽ , học nhạc.
Thấy con bận rộn bà Tâm cũng phát lo lắng cho con, bà nói "Hùng à, mẹ thấy con nên bảo vợ con lái xe đưa các cháu đi học để con còn có thì gìờ nghỉ ngơi một chút chứ."
Hùng gạt ngang "Ới, con mà để vợ con lái xe thì mướn Taxi còn hơn, mỗi lần để vợ con lái xe không đụng chỗ này thì đụng chỗ nọ, may mà chưa đụng ai hết, chứ mấy lần thiếu điều làm đổ hàng rào nhà người ta rồi. Thôi, để con chịu khó đưa bọn nhỏ đi học một chút, không sao đâu mẹ.  Với lại mẹ nghĩ xem, nếu con không đưa đón mấy đứa nhỏ đi học thêm thì con chẳng có cơ hội nào gần chúng nó cả, cứ coi như là ban ngày bọn nhỏ có vợ con chăm sóc, đến tối là tới phiên của con."
Con bà nói đúng, người đàn ông trong gia đình rất ít có thì giờ với con cái, nhất là còn phải làm thêm giờ phụ trội nữa. Không như nề nếp gia đình nhà bà lúc còn ở Việt Nam, ông bố cầm tay con để dạy viết chữ, dạy kèm con học, mỗi buổi tối các con phải làm xong bài tập mới được xem Tivi.  Còn ở xứ này nhiều bận rộn qúa khiến cho mọi sự học hành của đứa nhỏ đều giao hết cho trường học. Ngày nào có buổi diện kiến với thầy cô giáo, ông bố hay bà mẹ , người nào đến trường để nghe kết quả học tập của con mình,  đó mới là người quan tâm đến việc học của con trong gia đình, chắc là như vậy, bà nghĩ.
Bà Tâm nhớ lại lúc thằng Hùng con bà con nhỏ, bà không cần phải cho con bà học Karate đâu.  Thế mà nó vẫn mạnh cùi cụi, chạy trên sân nhà thờ để đá banh với lũ bạn hàng xóm, nó có thua ai đâu. Nhiều khi thấy mặt con lem luốc nhễ nhại mồ hôi, thở dốc chạy theo trái banh cùng với lũ bạn của nó hò hét, bà cảm thấy hãnh diện khi con bà biết vui với niềm vui do nó tạo nên.  Giờ đây cháu bà phải có một chỗ dựa, đưa đi đón về mới có thể tập luyện thân thể ư "
Dù rằng đã nhiều lần đến chơi nhà con, bà Tâm vẫn e dè đối với nàng con dâu, dù gì là xứ Tây rồi, làm gì còn có chuyện con dâu phục vụ mẹ chồng nữa. Thôi thì cái gì cũng phiên phiến đi, có gì ăn đấy, chứ đừng bày vẻ chi ra chuyện nấu nướng nữa. Tuy vậy con dâu bà tỏ vẻ ngoan hiền, mỗi tội bộc trực thấy gì nói đấy, không suy nghĩ.
"Má à, hôm nay con làm chả giò, tối hôm qua con đã ướp thịt rồi, bây giờ chỉ còn cuốn và chiên thôi,"  Thảo, con dâu bà nói thế.”
Cũng may là thằng Hùng con bà lấy vợ người Việt, nên bà còn được ăn chả giò, chứ chắc lấy vợ Tây Tàu là mình ăn Hamburger hoặc Spaghetti, Mì Xào rồi.  Bà Tâm cũng thầm cám ơn Trời Phật đã thương thằng con bà lấy vợ Việt, dù rằng con vợ nó người miền Nam, thế nào bà cũng phải ăn món chả giò có độn khoai môn hoặc đậu xanh với lý do là để giữ độ giòn cho chả giò khi không còn nóng, tuy là không hợp với khẩu vị miền Bắc của bà cho lắm, nhưng thôi, con bà khen ngon là ngon, chỉ mong cho nó được vui vẻ là bà Tâm cảm thấy yên lòng rồi.  Nhưng để con dâu xoay xở trong bếp một mình thì bà không đành lòng chút nào cả.
Bà Tâm lên tiếng "Để mẹ phụ rửa rau cho, mẹ có mang đến một túi rau thơm trồng ngòai vườn, mẹ mới hái lúc trứơc khi rời nhà, rau mới hái nên thơm sực mùi."
"Mẹ cứ hay mang sang thứ này thứ nọ, con đã mua rau thơm và nhặt rửa sạch sẽ từ hôm trước rồi, con bỏ trong tủ lạnh , chừng nào ăn thì lấy ra thôi, con cũng đã luộc bún từ hồi sáng."  Vừa nói, Thảo vừa đỡ lấy túi rau thơm ở tay bà Tâm rồi cho nhanh vào tủ lạnh, khiến bà Tâm tiu nghỉu, nén trong lòng tiếng thở dài. Nó nghe thấy mình sang thăm nên phải chuẩn bị từ tối hôm trước cho đến bây giờ. Bà Tâm bổng dưng  thấy áy náy quá.  Bà quay sang hỏi thăm mấy đứa cháu, Thảo giục bà ra phòng khách để chơi với các đứa cháu bà.
Ngồi cạnh thằng Johnny xem cháu chơi game điện tử vậy, thằng bé cứ bấm bấm cái control rồi nhảy dựng lên hoặc uốn éo theo với mành hình.  Lâu lâu bà thấy nó bực bội  thốt " Die again," rồi thở dài với sự thất bại của cuộc chơi.  Bà Tâm dõi mắt nhìn theo thằng cháu , trên màn hình là một cô gái bước theo tiếng nhạc để tránh qua những cái bẫy dưới chân.  À, thì ra thằng nhỏ đang điều khiển con rối trên mành hình nhảy qua những bục cạm bẫy.  Bà lặng lẽ quan  sát đứa cháu chơi game. Cô gái hoạt hình  trong Tivi như trêu tức thằng nhỏ, nhảy múa quá đỗi nhanh  làm hoa mắt người điều khiển nó vậy.
Đột nhiên bà lên tiếng "Đưa cho bà cái đồ bấm game đây Johnny."
"Bà don' t know how to play " đâu, bà lại die đó. " Thằng nhỏ vừa nói tiếng Việt lẫn tiếng Anh .
Tuy nói thế, thằng Johnny vẫn đưa bà nội cái đồ bấm game, rồi dạy bà bấm bên trái bên phải ra sao để điều khiển game.  Bà Tâm cầm đồ bấm trong tay, sau một mành tập dượt bị chết với con rối của game, bà Tâm nhanh nhẹn bấm.
"Wow, bà bấm trúng rồi." Thằng Johnny reo lên.
Bà Tâm lại tiếp tục bấm tiếp ở một level khác nữa, thằng Johnny há hốc miệng ra nhìn bà nội bấm game.
"Bà biết chơi game sao, when bà know how to play game, mà sao bà chơi đến level 3 rồi ." 
"Không, bà chưa chơi game bao giờ, vừa rồi Johnny chỉ bà chơi game đấy,"
"Sao bà nội chơi hay vậy" Có một level thôi Johnny phải die bao nhiêu lần mà chưa qua được đó ."
 "Có gì khó đâu," bà Tâm nói, " Tại cháu không để ý tới cái tiếng nhịp và chân bước của con nhỏ Đầm trên Tivi đó thôi.  Này nhé, khi cô Đầm nhảy lung tung , nó làm cháu hoa mắt và bấm, nhưng nếu cháu lắng nghe tiếng nhạc, nhịp nào là nhịp chính thì cháu bấm vào cái cần bấm là ăn chắc mình thắng rồi."
Quả thật bà Tâm chưa bao giờ chơi game điện tử cả, bà chỉ thấy thằng cháu  bực tức với mổi lần làm game chết nên bà Tâm quan sát trò chơi để giúp cháu mà thôi. Bà liên tưởng đến câu chuyện Quách Tỉnh trong cuộc cầu hôn phải tranh tài âm nhạc với một chàng trai phong lưu công tử họ Âu Dương. Một chàng trai quê mùa thì làm sao qua được cuộc sát hạch của ông bố vợ đầy nghệ thuật âm nhạc. Nhưng anh chàng nhà quê này đã bắt lấy được nhịp chính của bài nhạc, đã nắm được nguyên tắc nên vượt qua được kỳ khảo hạch.  Cháu của bà chơi game chỉ biết bám theo cái hình múa rối trước mắt, chứ nó không để ý tới tiếng tiếng nhạc. Bà Tâm phải chỉ cho cháu bà điều này để giúp thằng cháu vượt qua chặng game.
 Thằng Johnny tập làm theo lời bà nói, thằng nhỏ có vẻ thích thú với lối bày vẻ của bà nên thắng game lẹ làng hơn trước. Johnny phục bà nội vô cùng, nó vui thích ra mặt.
"Lần sau Johmmy sẽ nhờ bà giúp nữa, bà có chịu không" " Thằng bé nhìn bà với đôi mắt khẩn khoản cầu cứu.
 "Ừ, hôm nào bà rãnh rồi bà sẽ cùng với Johnny chơi game".
Nỗi chán ngán nhất của bà Tâm là mỗi lần sau bữa cơm với con cháu xong, bà phải ngồi nghe các cháu đàn piano cho bà nghe.  Con dâu của bà muốn thế, " ít ra phải để nó khoe thành tích của con nó chứ" bà Tâm nghĩ vậy, bà đâu có thích gì cái lối nhạc cổ điển Tây Phương này, nghe cứ như là Vịt nghe sấm vậy, điệu nhạc cứ buồn buồn chậm chậm khiến cho bà thiếu điều ngủ gật. Chưa kể là bà không biết cháu mình đánh đàn đúng sai, hay dở chỗ nào.  Không phải chỉ riêng gì bà không hiểu cái hay của bài nhạc, con dâu bà chẳng hơn chi bà, nó có phải là nhạc sỹ nhạc siếc gì đâu, chẳng qua thấy con người ta đàn piano thì cũng muốn cho con mình học đàn vậy.  Bà Tâm vẫn cứ phải chịu trận với tiếng đành của con Tina, Thằng Michael và thằng Johnny. Lần lượt ba đứa cháu ngồi trước cái đàn và biểu diễn cho bà nội nghe.  Thôi thì cứ khen vùi đi, cho con cái được vừa lòng, dù sao cũng là ý kiến con dâu bà, nó muốn cho con cái Văn Võ song toàn, Cầm Kỳ Thi Họa toàn năng toàn mỹ.
Bà Tâm thưởng thức thì ít nhưng nghĩ tới tiền học phí và công lao đưa đón cho mấy đứa nhỏ đi học thêm của con bà thì nhiều.  Ngày xưa nuôi con, bà Tâm đâu có phải bận tâm về việc con cái học nhạc, ở trường Trung Học có giảng dạy nhạc mà, con bà đã chả từng mang bảng nhạc về giải thích cho bà biết thế nào là note Trắng , nốt tròn, móc đôi, móc đơn. . . . học nhạc từ lớp 6 đến lớp 9 mỗi tuần một giờ đủ để nó biết thưởng thức âm nhạc rồi, nó cũng đã từng tham gia ban nhạc của trường nó kia mà.  Bà Tâm chỉ cần có thế thôi, bà không mong con bà phải trở thành nhạc sỹ hay ca sỹ gì cả.  Nếu nó là thiên tài âm nhạc thì tự nó đã phát triển với sự yêu thích của nó rồi.
Còn bây giờ bà Tâm đã có lần xót xa khi thấy con trai mình đã buộc miệng than thở về những học phí học thêm của các con nó.  Bà Tâm an ủi"Thôi, cứ cho là cuộc đầu tư con ạ."
Còn cuộc đầu tư thua lỗ hay lời nhiều lời ít, làm sao biết được !
Đến phiên Tina, đứa cháu gái bà mang thành tích vẽ ra khoe với bà nội.  Bà Tâm cố gắng nghe đứa cháu gái giải thích về màu nào thuộc loại nóng, loại lạnh, loại ấm.  Bà gật gù đồng ý với tất cả lời nói của cháu bà,  bản vẽ nào bà cũng khen đẹp cả.  Nó vẽ cái nhà của nó xanh xanh đỏ đỏ, cứ như là cái chuồng chim bồ câu với những cửa sổ tròn tròn, tuy rằng cửa sổ nhà nó hình vuông kia mà. Chắc tại mình không biết về hội họa nên bây giờ hình vuông người ta có thể khoanh tròn được,  nhằm kêu gọi sự tưởng tượng của người xem chăng.  Cũng may mà nó không vẽ bà Nội của nó, nếu có, chắc nó sẽ vẽ tóc mình màu vàng như tóc mấy cô Đầm thôi.  Bà Tâm vẫn vui vẻ khen cháu gái vẽ đẹp.  Dẫu gì, cháu bà vẫn có nhiều phương tiện để phát triển tài năng hơn ở thế hệ của bà và bố nó, bà phải nhìn nhận thế.
"Còn Michael đâu rồi, có gì mang ra khoe với bà nội không" " con trai bà lớn tiếng hỏi.
Michael, thằng bé mập mỉnh, tròn trỉnh nhất nhà, không loằng khoằng lèo khèo như anh chị của nó. Cái vẻ phục phịch của nó đã từng làm đề tài trêu chọc của đám trẻ, nhưng bà Tâm lại thấy thích dáng người bụ bẫm của Michael lắm. Đó cũng là nguyên nhân khiến bà có những xung khắc với con dâu.
Bà còn nhớ lắm chứ, lúc thằng bé Michael còn nhỏ, bà đã từng bồng ẳm nó trong khi Thảo bận lo cho hai đứa lớn.  Cái thằng háu ăn dễ sợ, bà cho cái gì thì thằng bé ăn ngay cái đấy. Trông nó đút đồ ăn vào miệng, thấy phát thương.  Cái bánh cái kẹo to đến đâu, nó chỉ hả miệng là đút vào gọn lỏn ngay, đã vậy nó còn liếm mép thòm thèm làm bà Tâm càng thêm chìu cháu, đưa cả cho nó hộp kẹo chocolate.


Nhiều lần con dâu bà lên tiếng ngăn chận "Má à, nó đang bị bác sỹ bắt diet đó, đừng cho nó ăn nữa."
Rồi tiếp theo đó là những câu nói thẳng thừng của đứa con dâu đã khiến bà Tâm buồn lòng không ít. Đúng là mình ít học, không biết gì về dinh dưỡng con cái cả, chỉ biết đứa nào ăn được thì mình cho nó ăn. Ngày xưa, mình không có dư dật nhiều để mua kẹo bánh cho con ăn, bây giờ mình dư thừa bánh kẹo thì thằng cháu lại bị cấm ăn. Bà thấy tội nghiệp cho thằng bé cứ tắc lẽm mỗi khi nhìn thấy hộp kẹo bà mang đến.  Lần này đi thăm cháu, bà Tâm không dám mang theo bánh kẹo làm quà cho cháu nữa vì e ngại với con dâu, rồi đâm ra mất vui.
Thằng Michael "Dạ" lớn tiếng, rồi mang ra một loạt tập hình tô màu của bà Tâm cho nó hôm tháng trước.
Những tấm hình tô vẽ nguệch ngọac của nó khiến cho bà Tâm cảm thấy vui hơn bao giờ hết.  Bà đã bỏ ra cả ngày ở tiệm bán đồ chơi " Toy ' R Us " để chọn cho cháu món đồ chơi, mua cái gì nhỉ" Mua ba cái súng đạn tàu bay thì chỉ làm cho nó thêm tính bạo lực khi lớn lên, mua cho nó trái banh thì đã có lần nó ném banh trong nhà làm vỡ cái bình hoa đắt tiền của mẹ nó, thằng bé đã bị mấy roi đánh đít rồi. Cũng tại bà nội cả, nếu không có trái banh bà cho, thì làm sao cháu bị đòn.  Cho cháu cái xe đạp thì lại qúa lớn so với cái túi tiền của bà. Bà đứng mãi ở quầy sách vẽ chọn cho cháu một quyển tập đồ và tô màu dù biết rằng món quà của bà sẽ khiến thằng bé phải làm việc chứ chẳng phải giải trí gì cả, nhưng biết đâu là nó thích, bà lẩm bẩm nói.
Giờ đây bà Tâm hài lòng lắm, thằng bé mang tập sách ra khoe thành tích hoàn thành của nó. Nhìn những trang giấy tập đồ viết chữ, những bài tô màu, khiến nỗi vui tràn đầy trong lòng bà.
Thấy mẹ vui với các cháu, Hùng nói ngay "Hay là mẹ về ở với chúng con cho tiện ."
"Mẹ ở chỗ đó từ ngày định cư đến giờ đã quen rồi, hơn nữa cũng là nơi kỷ niệm với bố con lúc còn sống, nên mẹ không muốn rời nơi đó."  Bà Tâm đáp.
Vả lại nơi bà Tâm ở gần khu phố chợ người Việt, nơi thị tứ rất tiện đường xe bus cho bà đi lại. Bà ở nhà một mình không đủ để yên tịnh sao" Chật hẹp gì cũng là một chổ ngủ thôi.
Ở chung với con cái là niềm mơ ước của bà kia mà, nhưng bà rất ngại sự xung đột của hai người đàn bà trong cùng một mái nhà  sẽ làm cho con trai bà khó xử. Mà làm sao tránh khỏi những đụng chạm trong cuộc sống của hai người không cùng máu mủ.  Bà biết lắm chứ, những mẫu chuyện của các bạn bà kể về những khó khăn khi sống chung với con cái ở xứ Tây Phương này, khi mà người đàn bà cầm quyền bính trong gia đình là người vợ, không phải là bà mẹ. Điều đó là đúng thôi.  Không giống như những ngày xa xưa của thế hệ bà, người đàn bà phụ thuộc vào gia đình nhà chồng, làm vừa lòng mẹ chồng và các bà cô bên chồng là đã biết bao nhiêu nước mắt, gặp phải người chồng thương yêu thì đỡ khổ, còn nếu gặp phải những ông chồng bài bạc, nghiện ngập, trai gái thì người đàn bà chỉ còn biết ôm con khóc thôi.
"Nhưng những lúc mẹ đau yếu thì làm sao con biết được để đưa mẹ đi bác sỹ"" Hùng nhăn nhó hỏi.
"Ồ, con cứ lo hão, mẹ khỏe mạnh thế này, đau yếu vặt vãnh chóng vánh là qua ngay."
Bà Tâm biết về sức khoẻ của mình lắm chứ, càng ngày sức càng yếu đi với những lúc huyết áp của bà  thay đổi đột ngột, những ngày ra vườn xới đất trồng luống rau thơm đôi khi bà đã cảm thấy hoa mắt chóng mặt.  Vào nhà nghỉ ngơi một chút, rồi lại ra vườn tiếp tục vun xới cho các khóm hoa và rau thơm. Niềm vui này đã làm bà tất bật quên đi nỗi buồn đơn độc của mình.  Nhưng ngày tháng mùa đông thì bà chật vật hơn, bị trói chân trong nhà bởi tuyết gía khiến cho bà buồn bực hơn bao giờ hết.  Thì bà lôi đống len ra ngồi đan áo dù biết rằng chẳng bao giờ các cháu của bà ưa thích cái áo len bà nội đan cho, " This style is too old"  con Tina nhỏ xíu đã biết nói thế. Kệ nó, trẻ con mà, đã biết gì đâu.
"Bao giờ thì mẹ đến kỳ check-up""Hùng lên tiếng hỏi.
"Mẹ đã đi kiểm tra sức khỏe cách đây hai tuần rồi."
 "Sao mẹ không nói sớm để con đưa mẹ đi bác sỹ."
"Không sao đâu, ngày hè nắng ráo mẹ đi xe bus được mà, bao giờ tuyết giá hẳn hay.  Thôi bây giờ con đưa mẹ về.  Bao giờ mẹ rãnh rỗi thì đến chơi với các cháu."
Bất chợt  Hùng đưa mắt nhìn mẹ, màu tóc bạc của mẹ càng ngày càng bạc trắng nhiều lên, những nếp nhăn trên mặt bà mẹ đã nhiều hơn nữa, Hùng chợt nhớ đến bà Tâm nói đến cuộc họp mặt với các bà bạn của mẹ.
"Con nghe nói bác Ngọc hẹn với mẹ đi đâu mà."
"Ừ, có gì đâu, mẹ chẳng có bận rộn gì cả nên bác Ngọc rũ đi  đâu thì đi theo đến đó.  Hai ông bà ấy đang định hỏi thăm về chương trình nhà già nên rũ mẹ đi đến đó xem thế nào."
Hùng cao giọng hỏi " Mẹ nghĩ sao mà mẹ lại muốn vào ở nơi đó, hay là chúng con đã làm điều gì không vui lòng mẹ""
Bà Tâm từ tốn " Con ạ, không phải là mẹ bảo các con sai quấy thế này thế nọ, nhưng người lớn tuổi có nhu cầu của họ con ạ. Hẳn  con còn nhớ bác Bảo không, hôm tuần trước mẹ mới đi thăm bác Bảo nằm trong bệnh viện."
 "Bác ấy ra sao, con vừa mới gặp bác ấy  ngoài chợ hôm tuần rồi đây mà."
"Ừ, thì cũng là vậy đó, người đang khỏe mạnh thế kia, ai ngờ bác ấy ngã qụy trong lúc làm vườn.Cũng may là có hai ông bà hàng xóm đang đứng ở sân bên cạnh trông thấy, vội vàng gọi cấp cứu cho. Đưa vào nhà thương thì họ bảo là bị stroke, may là đưa vào cấp cứu kịp thời nên bệnh không đến nỗi nặng lắm, nhưng sao mẹ vào thăm thì thấy nửa người của bà ấy đã bị liệt rồi, lưỡi đã cứng đo nên không nói được gì cả."
Nói đến đây, bà Tâm nghẹn lời, biết sao được với tuổi già, đủ hết chứng này tật kia cho một cơ thể đã chạy đua với thời gian.  Có người nói rằng " Người ta không chết vì gìa nhưng chết vì bệnh tật." làm bà buồn cười với câu nói đó. Có ai già mà không bệnh" Người trẻ còn có lúc có bệnh nữa thì  huống gì người già.  Đủ thứ bệnh hết, bệnh tim mạch , bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp, bệnh xương rỗng, mắt mờ , chân chậm . . . là bệnh của giới già. Thì cũng giống như một cái xe cũ thôi, có thay sửa bộ phận, có chăm sóc thế nào đi nữa rồi đến lúc phải trở thành đống sắt phế thãi. Cái ngày ông chồng bà đột ngột qua đời, bà đâu đã nghĩ tới cái chết đến với ông chồng bà nhanh chóng như vậy.  Ông ấy chẳng đau chẳng ốm gì cả, nói nào hay, đã có lúc ông ta nằm bệnh viện để giải phẩu cắt bỏ cái bướu trong ruột. Bà lo lắm, tưởng là ông không qua khỏi cuộc giải phẩu lần đó, nhưng rồi ông được bình phục và phom phom đi lại bình thường.  Thế mà chỉ một cái té qụy trượt chân trước sân nhà trong khi ông xúc tuyết, thế là ông ra đi, bệnh viện phán quyết "Ông chết vì bệnh tim."
Tiếng của Hùng kéo bà trở về với thực tại, Hùng hỏi tiếp" Nặng thế ư" rồi bệnh viện chữa trị ra sao""
" Thì họ tiếp tục cho thuốc điều trị, và rồi sẽ hướng dẫn bà ấy tập luyện những phần cơ thể bị tê liệt."
"Bao giờ thì bác ấy ra viện, mẹ có hỏi không""  
"Có, mẹ có hỏi con của bà Bảo, con gái bác ấy nói là chắc phải tới 6, 7 tuần gì đó, điều đó còn tùy thuộc vào sự luyện tập therapy nữa, rồi bệnh viện sẽ chuyển bà Bảo tới một nơi khác có bác sỹ và y tá chuyên môn cho phần luyện tập này.  Con của bà Bảo cũng dự định là khi đón bà ấy về nhà thì sẽ mướn một người Phi Luật Tân ở luôn trong nhà để chăm sóc cho bà ấy. "
"Mướn nanny người Phi ư" Bác Bảo làm sao nói tiếng Anh để có thể nói với người Phi giúp đỡ cho bác  ấy được""
"Ừ mẹ cũng nghĩ thế."
Bà Tâm nghĩ đến những lúc lau chùi tắm rửa cho một cơ thể bất động, cái cảnh đi đứng khó khăn, đi vệ sinh cũng phải có người giúp đỡ.  Lúc còn ở Việt Nam, bà đã nhìn thấy trường hợp như vậy rồi, ông già hàng xóm bên cạnh nhà đã bị chứng bán thân bất toại, ở nơi ấy làm gì có thuốc men như xứ Bắc Mỹ này, người bệnh chỉ còn biết nằm một chổ , chờ con cái đến phụ giúp; Đứa con thì phải đi làm kiếm sống ban ngày, buổi tối về nó mới có thể tắm rửa cho ông ta, nó vần ông ấy sang một cái ghế bố  khác, rồi lôi cái ghế bố mà ông đã nằm trong ngày ra sân để xịt nước rửa cho tan đi những hôi thối phóng uế.  Cứ như vậy ròng rã hai năm trời, ông ta mới chết được, nghe nói là lúc ấy cái lưng của ông đã lở lóet hôi thối vì nằm mãi một chổ.
 Điều này đã khiến bà Tâm nghĩ đến những ngày tháng cuối đời của bà, liệu có ai bên cạnh bà lúc lâm chung hay không" để còn báo tin cho các con của bà đến chu tất nữa chứ.  Bà Tâm rùng mình nghĩ đến bản tin trên báo hôm nào, người đàn ông chết khô đã lâu trong nhà mà không ai biết, các chi phí hoá đơn tính tiền vẫn cứ tự động rút ra trong trương mục của ông ta nên chẳng ai nghĩ rằng người đàn ông đó đã không còn có mặt trên cõi đời nữa.  Những lo ngại của bà Tâm về hậu sự càng làm cho bà phân vân, bà biết rằng hiện tại cái cảnh một mình một nhà như thế này là không ổn rồi, các con bà ở xa thì làm sao nó có thể chu toàn cho bà lúc bà ốm đau nằm một chổ, chết chẳng chết cho mới là nỗi khổ, thân xác bị đau đớn đọa đày và làm các con thêm vất vả chăm sóc, rồi còn lúc lâm chung thì sao" Chẳng có đứa nào ở cạnh bà nữa sao, hoặc ít ra còn có một người hàng xóm nào đó để báo tin cho con bà biết chứ. Cho nên hôm nọ, vợ chồng bà Ngọc hẹn rũ bà đi thăm nhà già,  khiến bà Tâm tò mò muốn biết lối sống ở đó ra sao, nếu không tốt thì làm sao người ta phải chờ đợi đăng ký vào đó, bà nghĩ thế.
Hóa ra sự ra đi của ông chồng mình thế mà tốt, ra đi trong nhẹ nhàng sạch sẽ, chỉ tiếc là nhanh chóng qúa, ông không kịp nói lời nào với vợ con.
"Mẹ à, thằng Vinh có thường hay phone về cho mẹ không" Có lần con gọi điện thoại cho nó nhưng  vợ nó nói rằng nó sang Nhật công tác vài tuần nên không có nhà."  Hùng lãng tránh vấn đề chỗ ở của mẹ mình bằng cáh hỏi sang đứa em trai.
 Nhắc đến Vinh, bà Tâm thấy thương thằng con lận đận lụi đụi, mang tiếng tốt nghiệp Đại học nhưng ra trường trong thời kỳ kinh tế khó khăn, đầy dẫy thất nghiệp, khi được một công ty ở tiểu bang khác chấp nhận, thế là thằng bé mau mau chạy sang đấy nhận việc và rồi cưới vợ, cắm rễ luôn ở vùng đó.  Bà Tâm đã có lần sang thăm con, bà chẳng thể nói chuyện với cô con dâu người Đài Loan câu nào cả.  Cả hai đều phải nhờ đến Vinh làm thông dịch mỗi khi muốn nói với nhau câu nào, thôi cũng được đi, nói ít thì đỡ đụng chạm.
Con vợ nó trông ngoan ngoãn hiền lành, gái Đài Loan có khác, đôi mắt một mí, nhỏ và dài , hơi xếch lên, cộng với nước da trắng của người phương Bắc trông cũng khá xinh xắn, thêm vào lối phát âm của tiếng Quan Thoại như chim riú rít chứ không ồn ào như tiếng Quãng Đông.  Nghe con trai bà kể lại là chúng nó gặp nhau ở nơi làm việc, cô ta là dân du học đến làm thiện nguyện. Tuy không cùng ngôn ngữ với nàng dâu nhưng bà Tâm rất hài lòng về sự cư xử của vợ Vinh, có thể là bà ở với vợ chồng nó ngắn ngày nên chưa đụng chạm chăng"  Nhưng thái độ mềm mỏng lịch thiệp của nàng dâu Đài Loan làm bà Tâm cảm thấy quý mến cô gái này. 
"Ừ, nó bận rộn đi suốt nơi này nơi khác, tội nghiệp cho vợ nó ở nhà lo đủ thứ việc cứ như là Chinh Phụ vậy.  Thường  khi nào thằng Vinh ở nhà thì nó hay gọi điện thoại cho mẹ vào cuối tuần, nhưng mà mấy  khi nó được ở nhà, chỗ làm của nó cứ gửi nó đi làm việc nước này nước nọ, thật là cái số nó vất vả kiếm ăn.  Mẹ cũng lo cho vợ chồng nó, cứ cái kiểu xa nhau hoài thế này, vợ nó sẽ quạu cọ rồi nhà cửa mất vui. "
"Ôi, hơi đâu mà mẹ lo xa vậy, con thấy cứ như thế là hay, thỉnh thoảng đi làm xa rồi lại trở về nhà với vợ con mới thấy gia đình là quý, chứ ngày ngày ra vào gặp mặt không khéo lại trở nên nhàm chán"  Sợ mẹ giận về câu nói suông miệng của mình , Hùng vội tiếp lời "Con nói chơi thế thôi."
"Tội nghiệp vợ thằng Vinh con ạ, vừa rồi nghe đâu mấy đứa nhỏ đùa giỡn sao đó, thằng lớn bị trượt té ngã bể đầu, phải vào bệnh viện khâu mấy mũi kim, trong lúc ấy thì chồng nó không có ở nhà. Nó phải chở con đi cấp cứu, nhờ người hàng xóm trông giùm cho đứa nhỏ."
Nghĩ  đến đứa cháu nội đang sống ở Mỹ, bà Tâm thấy bùi ngùi.  Con mình lấy vợ ngoại quốc thì coi như mất đi tiếng nói ở thế hệ sau rồi bởi lẽ người ta nói "Tiếng Mẹ Đẻ" chứ có ai nói là Tiếng Cha Đẻ bao giờ đâu. Vợ nó là người Đài Loan thì ít nhiều gì con nó sẽ nói tiếng Mandarin, dễ gì con nó nói được tiếng Việt. Chắc đây rồi đứa nhỏ sẽ có ba ngôn ngữ trong nó, tiếng bản xứ, tiếng của mẹ, tiếng của cha, không biết tiếng nào là tiếng nó biết ít nhất, bà tự hỏi.
"Mấy đứa nhỏ ở nhà vẫn đi học tiếng Việt cuối tuần đấy phải không hở con""  Bà Tâm hỏi.
"Vâng, chúng nó vẫn đi học đấy mẹ ạ."  Hùng trả lời.
 Bà Tâm nhỏ nhẹ nói "Con ạ, còn có điều kiện học tiếng Việt thì cứ tiếp tục cho lũ trẻ theo học, được chữ nào hay chữ nấy, chứ không mai này nó không biết nghe, không biết nói tiếng Việt thì làm sao vợ chồng con hiểu được con cái để mà răn dạy chúng. Trường học chỉ dạy phần nào về kiến thức chuyên môn, chứ làm sao dạy được, truyền được những kinh nghiệm của đời sống. Mất tiếng nói là mất đi nguồn gốc của mình, con ạ."
"Vâng, nó học được chữ nào hay chữ nấy, con cố gắng đưa mấy đứa nhỏ đi học." Hùng gục gặt đầu.
"Thôi, tối trời rồi, con đưa mẹ về bên nhà, kẻo lại khuya. Quá giấc, mẹ không ngủ được."
"Dạ vâng, con ra xe đây." Hùng trả lời.
Bà Tâm đủng đỉnh bước theo Hùng ra bãi đậu xe.
Bên ngoài,trời đã tắt nắng, những vết mây màu vàng đỏ đang nằm vắt ngang trên nền trời như đang muốn kéo thêm thời gian cho một buổi chiều.  Xa xa ráng mây tím như bức màn kéo che nền trời, những tia nắng chiều yếu ớt không níu kéo nổi buổi ngày trễ nãi cho mùa hè nơi Bắc Mỹ.
Trần Hồng Linh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến