Hôm nay,  

Khi Hãng Cắt Giảm Người

10/10/200900:00:00(Xem: 335641)

Khi Hãng Cắt Giảm Người

Tác giả: Khôi An
Bài số 2751-1628822- vb7101009

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" tự sự của một thuyền nhân, kể về chuyến tầu vượt biển bị hải tặc săn đuổi suốt đêm, vào lúc cùng quẫn chạy hết  nổi thì  thấy lá cờ Mỹ và được cứu sống. Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại công ty Intel. Bài mới nhất của cô kể về công việc hãng xưởng vùng Thung Lũng Điện Tử thời kinh tế suy thoái. Hình: Khôi An nhận giải.

***

Thứ Hai, ngày 2 tháng 2, 2009

* 7:45am
Mai bật đèn hiệu rồi chuyển từ xa lộ 880 sang xa lộ 237. Đây là một trong những con đường chính cuả vùng Thung Lũng Điện Tử Bắc California, nơi chào đời cuả máy vi tính cá nhân, cũng là trung tâm nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ cần thiết cho mạng Internet toàn cầu. Xa lộ 237 nối từ Đông Vịnh sang vùng Tây Vịnh, đưa người đi làm đến Milpitas, San Jose, Santa Clara, Sunnyvale, Mountainview, nơi tập trung phần lớn các hãng xưởng. Nhìn dòng xe cộ trước mặt đang xuôi chảy, không bị kẹt, phản ứng đầu tiên cuả Mai là thở ra nhẹ nhõm. Nhưng ngay sau đó, Mai thấy lòng chùng xuống trong lo lắng. Số xe cộ trên những con đường chính vào giờ đi làm giống như thước đo số việc làm trong vùng. Từ đầu năm 2008, số lượng xe đã ít đi thấy rõ. Thị trường tài chính sụp đổ, hai trụ cột của ngành tài trợ điạ ốc - Fannie Mae và Freddi Mac – mấp mé vực phá sản, nhà cưả xuống giá như bong bóng xì hơi đã như những cơn bão lốc khủng khiếp liên tiếp thổi vào nền kinh tế Hoa Kỳ rồi lan ra toàn thế giới. Người tiêu thụ, hãng sản xuất, và các cơ quan ở khắp nơi đều vội vã thắt lưng buộc bụng. Những máy móc đời mới có hiệu năng gấp mấy lần máy cũ mà mọi người từng nghĩ là bắt buộc phải có bỗng nhiên trở thành xa xỉ phẩm. Và như thế, cơn lốc đã quét tới vùng Thung Lũng Điện Tử, nơi từng được xem là một trong những điểm hẹn cho giấc mơ Mỹ quốc…
Đã gần một năm qua nhưng dấu hiệu hồi phục vẫn chẳng thấy đâu, chỉ thấy các hãng xưởng tiếp tục thu nhỏ, những nơi buôn bán ngày càng vắng, người mất việc ngày càng nhiều. Hàng trăm tỉ đô la đã được chính phủ đổ vào cứu trợ nhưng cơn mưa bão kinh tế vẫn chưa chịu chấm dứt! Mai đưa tay tắt radio sau bản tin tài chánh mới nhất, thị truờng chứng khoán hôm nay lại xuống! Cô thở dài…

* 8:15am
Bước vào phòng làm việc, Mai mở máy xem emails như thuờng lệ. Hãng cuả Mai có chi nhánh ở nhiều nơi nên từ sáng sớm hộp thư đã có những emails từ các nơi gởi tới. Liếc mắt lướt qua các chủ đề, không thấy có việc gì khẩn cấp, Mai bấm nút in ra bản báo cáo hàng ngày rồi cô khoác áo choàng, đi vào Lab.
Mai thường gọi công việc cuả cô là “khâu thử thách cuối cùng”, đây là lúc các sản phẩm phải qua những xét nghiệm thật khó khăn trước khi được phê chuẩn cho chế tạo hàng loạt. Trong phòng Lab rộng hơn 12,000 bộ vuông (square feet), mấy trăm máy vi tính được chế tạo đặc biệt cho việc “thử thách” vẫn đang miệt mài chạy. Phía cuối Lab, dàn máy mới được ráp là một trong những trách nhiệm chính cuả Mai. Cô cùng một nhóm mười sáu người làm việc với nhau trong hơn bốn năm qua để cung cấp và bảo trì máy cho toàn Lab. Cầm bản báo cáo trong tay, Mai nói với Tom, người chuyên viên kỹ thuật trưởng:
- Các máy số 285 tới số 291, hôm nay cho ra dùng được rồi. Máy 292 đêm qua bị lỗi ở phần số 4, chắc là do memory (bộ nhớ) trục trặc. Tom cho thay memory rồi chạy lại. Máy 284 đã thử hai lần với các bộ phận khác nhau mà vẫn có vấn đề, lát nữa tôi phải coi kỹ lại. Bây giờ tôi đi họp, có chuyện gì cần anh gởi email cho tôi nhé …

* 9am
Đúng 9 giờ sáng. Mọi người đã có mặt đầy đủ trong phòng họp. Hai tuần trước cả hãng đã xôn xao với tin số hàng bán ra giảm bất ngờ trong muà mua sắm cuối năm 2008 – thời gian được coi là “muà gặt” cuả hầu hết các thương vụ ở Hoa kỳ. Thêm vào đó, số đơn đặt hàng cho hai tài khoá đầu năm 2009 cũng thấp hơn mức bình thường khá nhiều. Ngay sau đó các phân tích gia của thị trường chứng khoán New York đã giảm ước định về giá trị cuả hãng, tựa như bồi thêm mấy cú đấm thôi sơn vào mặt người võ sĩ vưà bị đánh ngã. Cổ phiếu (stocks) rớt giá gần 20% trong vòng hai ngày ngắn ngủi.Và, điều mọi người lo lắng đã xảy ra: hãng phải đối phó gấp rút bằng cách giảm chi tiêu tối đa và cắt bớt việc làm…
Trong lúc Kevin, người quản lý nhân sự cao cấp (high-level manager) trình bày về mức thu thấp nhất so với mười năm gần đây, Mai cảm thấy từng bắp thịt trong toàn thân căng thẳng. Cô biết lần này số phận của các nhân viên ở chi nhánh vùng Thung Lũng Điện Tử là lành ít dữ nhiều. Đơì sống ở California đã trở nên đắt đỏ sau khi giá nhà tăng vọt, lại thêm chính quyền tiểu bang gần đây thất bại trong việc điều khiển ngân sách, lại tiêu tiền vô lý đưa đến thiếu hụt và thuế ngày càng cao. Vì thế, nhiều hãng đã chuyển việc làm qua các tiểu bang khác và cả nước ngoài như Ấn độ, Mễ Tây Cơ. Mai biết chắc chắn đợt này nhóm cô sẽ phải bớt người, nhưng vẫn hy vọng là không đến nỗi quá tệ …
Sau khi nói về các quyết định ngưng mọi chuyến đi công việc (business trip) , ngưng tài trợ cho tất cả các lớp huấn luyện, Kevin nói tới cắt giảm nhân viên. Từng nhóm đuợc nêu tên cùng với số người phải cắt, các quản lý nhân viên (manager) phải nộp chi tiết về kế hoạch giảm người trong tuần tới. Sau vaì phút mà Mai cảm thấy dài như cả tiếng đồng hồ, Kevin nhìn về phiá Mai:
- Ban quản trị cuả hãng đã quyết định chuyển phần lớn công việc của sản phẩm Alpha sang Texas. Vì thế, nhóm Validation and Lab Support (1) cuả cô Mai sẽ phải bớt tám người, các máy trong Lab cần thu xếp để chuyển sang Texas trong vòng 3 tuần tới .
Bằng một cử chỉ gần như vô thức, Mai đưa tay bóp trán. Tám người là 50% tổng số người trong nhóm cuả cô!

* 12 giờ trưa
Giờ ăn trưa. Thường ngày Mai xuống tiệm ăn của hãng để có dịp gặp gỡ, trao đổi với các bạn đồng nghiệp, nhưng hôm nay cô ngồi yên trong phòng làm việc. Từ khi nhận chức làm quản lý nhân viên cô đã chuẩn bị tinh thần cho những lúc khó khăn mà người trong chức vụ này không tránh khỏi; tuy vậy, khi chuyện giảm người thật sự xảy ra, cô vẫn quá băn khoăn, bứt rứt. Hồi trước, khi còn là kỹ sư chỉ chuyên lo về kỹ thuật, cô đã từng nghĩ rằng việc quản lý nhân viên thật là dễ dàng. Cô nghĩ người quản lý chỉ cần nhận việc từ cấp trên, chia việc cho nhóm kỹ sư, rồi theo dõi tiến triển, thỉnh thoảng giải quyết những khúc mắc nhân sự. Người nào may mắn có được một đội kỹ sư giỏi thì sướng như tiên. Chẳng phải theo sát các tiến triển nhanh tới chóng mặt cuả các sản phẩm, chẳng phải vùi đầu trong phòng Lab vật lộn với máy móc, chẳng phải tìm tòi lý do khi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Ngày đó, Mai nghĩ làm quản lý nhân viên là lọai công việc làm ít hưởng nhiều. Tuy nhiên, sau nhiều năm trong nghề, Mai đã hiểu rằng làm quản lý nhân viên có nhiều khó khăn riêng. Nếu không may phải lãnh đạo một nhóm người thiếu khả năng và tinh thần làm việc thì khổ sở nặng nhọc tựa như đẩy một chiếc xe vận tải vưà cũ vưà nặng lên dốc trong một buổi trưa nắng gắt! Nếu may mắn có được đội ngũ nhân viên giỏi thì cũng còn rất nhiều chuyện để lo. Phải biết làm thế nào để cấp trên biết rõ phần đóng góp cuả nhóm mình để cuối năm nhóm đuợc tuởng thuởng xứng đáng; phải có khả năng khi mềm mỏng, khi cuơng quyết trong lúc làm việc với các nhóm khác để công việc trôi chảy mà nhóm mình không bị thiệt thòi; phải biết rõ năng lực cuả nhóm và biết cách phô trương năng lực đó trong lúc phân chia công việc để đem về phần việc có tầm cỡ cân xứng với số tiền hãng bỏ ra để duy trì nhóm … Đó là phần “đối ngoại”, còn “đối nội” cũng là cả một nghệ thuật. Ngành điện tử thu hút nhân viên đến từ moị nơi, từ thành phố New York hối hả, hiện đại tới những tỉnh nhỏ êm đềm, bảo thủ ở Trung Hoa, Ấn độ. Trong hãng cuả Mai, người quản lý nhân viên không những phải lo cho cả nhóm làm việc hữu hiệu, mà còn phải lo cho từng người có được cơ hội để phát huy khả năng. Trăm người trăm tính, làm sao cho mọi người làm việc nhịp nhàng, hăng hái với một tinh thần đồng đội gắn bó là mong muốn của mọi người quản lý nhân viên nhưng điều đó không dễ chút nào! Năm tháng “lăn lộn” trong nghề càng cao, Mai càng hiểu rõ chìa khoá thành công khi quản lý bất cứ nhóm người nào là phải chinh phục đuợc lòng tin cùng sự nể trọng cuả họ cũng như của nhiều người khác, từ bạn ngang cấp cho đến cấp trên. Mai đã phân vân dữ lắm khi được đề cử làm quản lý cho nhóm. Cái chức quản lý nhân viên bậc một (first-level manager) thật đúng là “có tiếng mà không có miếng”, luơng chẳng hơn kỹ sư cao cấp bao nhiêu mà lại phải giỏi cả về kỹ thuật lẫn nhân sự. Tuy vậy, Mai cũng hiểu rõ rằng sự thăng trầm cuả nhóm tuỳ thuộc khá nhiều vào người quản lý. Mình không làm thì họ giao cho người khác, lỡ gặp quản lý tệ thì còn khổ hơn, chi bằng ráng cố gắng cho lợi ích cuả chính mình và cho cả nhóm. Mai đã nghĩ vậy, đã nhận lời, cho nên lúc này cô đang phải ngồi thừ người, nhìn đăm đăm vào danh sách những người trong nhóm…
TÁM NGƯỜI! Hai tiếng đó như đang gõ bưng bưng trong đầu Mai. Nhóm cô có bốn người làm theo giao kèo ngắn hạn, những người này dĩ nhiên là phải đi trước. Ngoài ra, còn Jason, một người làm việc kém mặc dù Mai hết sức tạo cơ hội và khuyến khích. Đối với Jason, hãng chỉ là một nơi mà anh ta miễn cuỡng đến, việc làm thì không gì khác hơn là một phương tiện chán ngắt để kiếm tiền. Vì vậy, tuy thông minh nhưng anh ta chỉ làm đủ mức tối thiểu, anh ta không muốn học hỏi thêm mà chỉ tìm cách ra về khi có dịp. Có những lúc Mai đã hơi buồn vì thấy cô không thay đổi đuợc phong cách làm việc cuả Jason, nhưng trong giây phút này Mai thấy không băn khoăn khi thấy ngay anh ta là người phải ra đi… Nhưng còn ba người còn lại" Là ai đây"  Mấy năm làm việc sát cánh bên nhau, cả nhóm đã trải qua mấy sản phẩm. Đã cùng qua những ngày làm việc tới tối mịt khi sản phẩm mới chào đời, những lần cùng nhau học hỏi, những lần muốn ôm nhau nhảy tưng lên khi cùng tìm được “thủ phạm” làm cho máy chạy chậm hơn dự tính… bao nhiêu là cố gắng và công sức cuả từng người. Những khó khăn cùng chia, những vinh quang cùng hưởng… Qua bao năm làm việc chung, Mai còn biết ít nhiều về tính tình và hoàn cảnh gia đình cuả từng người. Giờ phải bắt buộc cho họ nghỉ, Mai không những buồn cho họ mà còn tiếc cho hãng phải mất đi những nhân viên rành nghề mà chính Mai và hãng đã bỏ bao nhiêu công đào tạo… Sau một hồi suy nghĩ, Mai mở thời khoá biểu làm việc cuả John, boss (2) cuả Mai, xin gặp ông ta để bàn thảo thêm.

* 3pm
Mai và John gặp nhau ngay cửa phòng họp, Mai mỉm cười chào John và cám ơn ông ta đã bỏ thì giờ gặp cô. Khi cánh cửa phòng vưà khép lại, Mai đi ngay vào vấn đề:
- Ông John à, tôi muốn đề nghị ông thương lượng lại với cấp trên về việc cắt tám người ở nhóm tôi. Ông làm ơn hỏi thử xem chúng ta có thể giảm ít người hơn đuợc không" Lý do không chỉ vì những ngươì này là đồng đội của tôi, nhưng hơn nữa, hầu hết là những nhân viên tốt. Họ làm việc rất cần mẫn và có năng suất cao, thưa ông.
John lắc đầu:
- Tôi không nghĩ là chuyện này có thể thương lượng được thêm nưã đâu. Chính vì cấp trên biết rõ năng lực cuả nhóm cô từ bao lâu nay, nên lần này họ chỉ cắt tám người thôi. Cô thấy không, công việc bị chuyển đi nhiều lắm rồi, những nhóm khác làm cùng sản phẩm vơí cô đều phải cắt từ 75 tới 80% kià! Trong nhóm cô có những nhân viên làm việc ngắn hạn, những người này ngay từ khi bắt đầu họ đã hiểu rõ rằng giao kèo có thể chấm dứt ngay khi hãng không còn cần người nữa…
Mai nhìn thẳng vào mắt John, tha thiết:
- Vâng, thưa ông, lần này tôi sẽ cắt bỏ hết bốn người làm việc ngắn hạn và Jason, người làm việc kém mà chúng ta đã chú ý khuyến khích trong một thời gian dài nhưng không có kết quả. Còn những người khác, họ đều làm việc chăm chỉ lắm. Đành rằng có những người mà công việc cuả họ đã bị chuyển đi, nhưng họ có thể làm việc khác trong thời gian tới. Họ đều là những nhân viên tốt và rất có lòng với hãng, bây giờ cho họ đi tôi thấy gần như là … bất công với họ!
John gõ nhẹ những ngón tay trên bàn, cử chỉ ông ta thường làm khi có điều khó nghĩ. Ông chậm rãi cân nhắc từng lời:


- Cô Mai, tôi biết cô hết lòng với nhân viên cuả cô. Đó là điều tốt. Chính nhờ công sức và lòng tin tưởng cuả cô với từng nguời mà nhóm cô đã tạo được uy tín cao và có nhiều thành quả tốt.  Nhưng có điều này tôi muốn chia xẻ với cô… Mười mấy năm trước, lần đầu tiên tôi phải cắt bớt nhân viên, tôi cũng băn khoăn lắm. Nhưng sau này, tôi hiểu ra rằng trong những lúc khó khăn, chúng ta có trách nhiệm không phải với một người hay một nhóm người, mà là với cả hãng. Tình trạng kinh tế kém, nếu chúng ta không cắt bớt một số người kịp thời, sẽ có ngày ta phải sa thải HẾT MỌI NGƯỜI.
Ông cười nhẹ, nhìn Mai và tiếp:
- Xem kìa, cô đừng căng thẳng quá như là đang làm chuyện “phản bội” ai vậy. Trong thời kinh tế phát triển, nhân viên có toàn quyền bỏ hãng qua nơi họ thích hơn, ngược lại khi hãng thua lỗ thì chuyện bớt người là cũng là chuyện không tránh khỏi. Hãng chúng ta luôn đối xử tốt và công bằng với nhân viên, nhưng cô đừng quên quan hệ giữa hai bên vẫn là quan hệ làm ăn cơ mà! Trừ những người cấp cao lắm thì tôi không dám chắc, còn lại thì hãng đối xử với ai cũng như nhau, kể cả cô và tôi! Trong lúc khó khăn như bây giờ, người nào hết việc trước thì phải đi trước, dù họ cũng làm việc giỏi như bao người khác. Hãng mình trả cho những nhân viên bị nghỉ việc một món tiền khá lắm, ít có hãng nào bằng. Nhân viên cuả cô cũng là nhân viên cuả tôi, tôi cũng đâu muốn cắt ai, nhưng tình hình lần này tệ lắm, tôi nghĩ tôi khó mà thương lượng thêm …
Cả hai trầm ngâm trong giây lát rồi Mai lên tiếng:
- Thưa ông, tôi hoàn toàn đồng ý với ông là ta không thể giữ ngươì nếu không có việc cho họ làm. Nhưng hiện nay tôi nghĩ là nhóm tôi cần tới chín, mười ngươì mới làm hết việc. Tôi sẽ coi kỹ lại các công việc từ nay tơí cuối năm… Ông John, ông cho tôi hai ngày nữa nhé.
John mỉm cười nhìn Mai và đùa:
- Cô Mai, cô đúng là người chiến đấu tới cùng! Mai mốt tôi lớn tuổi, tôi xin làm nhân viên cuả cô, cô nhớ bảo vệ tôi giống vậy nha!
Mai cũng cười, nheo mắt:
- Vâng, tôi sẵn lòng, nhưng tôi nghĩ chuyện đó không xảy ra đâu, thưa boss!

Thứ Năm, ngày 5 tháng 2, 2009

*10am
Xem lại một lần nữa bản phân tích đầy đủ các việc cần làm trong từng tháng cho tới cuối năm, Mai thấy hài lòng. Hai hôm nay, cô đã bỏ rất nhiều công sức xem xét, phân tích và đã chứng minh được rằng các công việc còn lại cần ít nhất là chín người. Thật ra, chín người cũng vẫn còn rất bận rộn, nhưng cô biết mình không thể đòi hỏi nhiều hơn. Trong những lúc gay go, đưa ra một đề nghị xít xao mà đối phương khó lòng từ chối là điều cốt yếu, cho nên chỉ một chi tiết nhỏ cũng có thể làm nghiêng cán cân từ thành công sang thất bại. Nghệ thuật thương lượng cũng là một điều mà Mai đã học hỏi đuợc từ việc làm, và Mai biết trong lần “giằng co” này, hy vọng thành công duy nhất cuả cô là dựa vào các con số, các dữ kiện thật rõ ràng, chính xác. Thôi thì được ngươì nào hay người đó, lần này ráng giữ thêm một người cho tới cuối năm, xem tình hình lúc đó ra sao rồi sẽ tính tiếp, Mai tự nhủ…Mai gõ nhẹ lên vách văn phòng của John, trước khi thò đầu vào:
- Chào John! Tôi đã nghiên cứu kỹ về các việc mà chúng ta còn phải làm cho sản phẩm Alpha, và tôi có nhiều lý do rất cụ thể để chứng minh là chúng ta chỉ nên bớt bảy người trong nhóm tôi thay vì tám ngươì. Chiều nay tôi có thể bàn thêm với ông về việc này không"
- Được, tôi gặp cô lúc 2 giờ chiều nhé.

* 2:50 pm
Liếc nhìn đồng hồ, Mai đóng laptop (3) lại rồi bắt đầu tóm tắt buổi họp:
- Ông John thấy đó, công việc cần làm cho tới cuối năm còn nhiều lắm. Các dữ kiện đều cho thấy là nếu chúng ta chỉ giữ lại thêm một người, việc chuyển tiếp sản phẩm Alpha sang Texas sẽ nhanh chóng và hữu hiệu hơn nhiều. Đây thật sự là lợi ích cho hãng, thưa ông.
John gật đầu hài lòng:
- Tốt lắm, Mai. Tôi rất thích cách phân tích dựa trên các biểu đồ và chi tiết rõ ràng cuả cô. Nghe cô trình bày mà tôi nắm rõ thêm các dữ kiện mới nhất về công việc cuả nhóm cô. Chưa gì mà đã tôi thấy tôi có lợi rồi.
Ông mỉm cười rồi nói tiếp:
- Người ta nói “Chuyện gì không đánh gục được ta thì sẽ giúp ta mạnh mẽ hơn“ (4), cô biết đó. Qua lần sóng gió này, tôi tin là cô sẽ mạnh hơn nhiều! Tôi cũng thấy là nhóm cô chỉ nên bớt bảy ngươì thay vì tám ngươì, nhưng mình tôi không đủ quyền quyết định. Cô cần trình bày với Kevin, boss lớn đó. Tôi sẽ nói trước với ông ta là tôi đồng ý với cô, nhưng Kevin lúc nào cũng muốn biết rõ chi tiết, và không ai trình bày chi tiết về nhóm cuả cô hay hơn cô! Cô có lửa ở trong mắt lúc cô nói chuyện mà!
Mai reo lên:
- Cám ơn ông đã đồng ý với tôi! Nghe ông nói tôi lên tinh thần quá! Ông nhớ cầu nguyện cho tôi nhé!

Thứ Sáu, ngày 6 tháng 2, 2009

*10:50am
Buổi họp với Kevin có vẻ tiến hành khá tốt đẹp, Mai thầm nghĩ. Mọi chi tiết đã đuợc trình bày rõ ràng, mọi câu hỏi đã được trả lời thoả đáng với những con số chứng minh chắc nịch. Mai vuốt tóc ra phía sau để lộ vầng trán cao thông minh, cô nhìn Kevin với vẻ thành khẩn nhưng không kém phần tự tin:
- Như ông thấy, chuyển sản phẩm Alpha sang Texas quan trọng nhất không phải là chuyển máy móc mà là chuyển kiến thức, thưa ông. Chuyện này cần thì giờ chứ không thể chấm dứt đột ngột ngay sau khi chúng ta hoàn tất các buổi huấn luyện. Ai cũng vậy, chỉ khi nào ngươì ta bắt tay vào làm thì họ mới nhìn thấy những lỗ hổng trong kiến thức cuả mình. Vì thế, chúng ta cần lưu lại những ngươì rành việc cho tới khi mọi công việc bên Texas trôi chảy, nhặm lẹ. Lúc đó nếu tình hình vẫn tệ, chúng ta sẽ tính lại. Tôi đã từng thấy rất nhiều lần chỉ một buổi nói chuyện với người rành việc đã giúp cho những nhân viên mới tránh được cả tuần vật lộn khổ sở. Nếu cho những ngươì biết việc ra đi quá sớm thì giống như là tiết kiệm một đồng hôm nay mà phải trả bốn, năm đồng trong tháng tới vậy, thưa ông!
Kevin mỉm cười:
- Cô quả là người có tài thuyết phục đó, cô Mai. Nãy giờ mọi thắc mắc của tôi cô đều trả lời cặn kẽ, và những lý do cô đưa ra nghe có lý lắm. Hôm qua John cũng có tóm tắt cho tôi nghe đề nghị cuả cô và John cũng đã bằng lòng. Thôi được, thứ Ba tới, John và cô chỉ cần đưa tôi danh sách bảy ngươì phải cắt.
Mai cười rạng rỡ:
- Thay mặt cho cả nhóm, xin cám ơn ông! Tôi tin chắc là ông sẽ rất hài lòng với quyết định này!

Thứ Năm, ngày 12 tháng 2, 2009

* 9am
Mai đã nộp danh sách bảy ngươì phải ra đi gồm có bốn người làm việc ngắn hạn cùng với Jason, Dave, và Amid từ thứ Ba. Những ngươì khác đã được thông báo hôm qua, sáng nay là lúc Mai  phải báo cho Amid và Dave – hai nhân viên cần mẫn - tin họ bị mất việc. Mai đọc lại tờ tóm tắt các khoản tiền hãng trả cho Amid và Dave thêm một lần nưã, mặc dù cô đã thuộc lòng các con số này. Kiến thức từ những lớp huấn luyện về quản lý nhân viên còn nhớ rõ, những bí quyết từ những buổi sinh hoạt chuyên môn về các đề tài tâm lý còn nóng hổi, nhưng Mai vẫn thấy cho những nhân viên tốt nghỉ việc là một chuyện thật  khó khăn. Hèn chi một ngươì bạn làm việc lâu năm đã nói “Cho dù là lần đầu tiên hay lần thứ hai mươi, mỗi lần phải cắt ngươì là một lần khổ tâm...“

* 2pm
 Amid gạt tờ giấy tóm tắt các món tiền được trả sang một bên, cau mày nhìn Mai:
- Cô Mai, trong lần chấm điểm mới cuối năm ngoái, cô nói là tôi đáp ứng đuợc mọi yêu cầu cuả công việc, tôi đóng góp cho kết quả tốt cuả cả nhóm. Sao bây giờ cô sa thải tôi"
Mai trầm giọng:
- Amid, tôi rất tiếc. Tôi thật sự nghĩ rằng anh là nhân viên tốt, tôi thật sự nghĩ là anh đóng góp cho cả nhóm. Nhưng công việc anh làm đã hoàn tất hơn một tháng nay. Thêm nữa, nhóm mới bên Texas cũng có nhiều người chuyên về phần việc giống hệt như việc cuả anh. Vì thế, họ không cần được huấn luyện thêm nữa. Đó là lý do tại sao anh phải đi...
Amid ngắt lời:
- Tôi thật là tiếc công tôi học hỏi, làm việc hết lòng bao lâu nay!
Mai đan các ngón tay vào nhau, nhìn Amid, nhẹ nhàng nói:
- Amid à, tôi biết anh đang phiền lòng lắm và tôi cũng không vui gì hơn anh! Nhưng tôi nghĩ anh hiểu rằng những gì anh học hỏi được sẽ mãi là kiến thức cuả anh, đó chính là “lợi tức“ khi đi làm, cũng như tiền lương vậy. Chúng ta đã từng nói với nhau rằng mình thích làm hãng này vì được tiếp xúc với những kỹ thuật mới nhất, anh nhớ không" Đó là một trong những lý do làm cho mình hứng khởi và hết lòng với công việc. Tôi tin rằng những gì chúng ta học hỏi được, kể cả thói quen giữ kỷ luật và tinh thần làm việc cao, sẽ làm cho chúng ta nổi bật hơn trong thị trường tìm việc ngoài kia! Nói chung, công sức anh bỏ ra không hề tan biến khi anh ra khỏi hãng, chúng sẽ mãi là “tài sản“ của anh...
Amid vẫn bực dọc:
- Tôi vẫn không thể nào hiểu được tại sao cô chọn tôi" Thiếu gì người trong mấy nhóm kia họ ăn rồi chơi trong khi tôi lo làm" Hãng này thật là bạc bẽo!
Mai thở một hơi thật sâu rồi lại nhẹ nhàng nói:
- Amid, tôi thật sự tiếc lắm. Nhưng mong anh hiểu là tình hình kỳ này rất tệ, rất nhiều nhóm khác phải đi hết hoặc gần hết. Khi phải để cho anh đi, tôi đã cân nhắc nát óc. Không phải tôi nghĩ anh làm việc thua những người khác, nhưng vì thật sự hãng không có việc cho anh làm nữa. Anh được lãnh hai tháng lương, thêm vào đó cứ mỗi năm anh đã làm cho hãng thì anh được trả tám ngày, như vậy là anh được tới gần sáu tháng lương khi anh ra khỏi hãng. Thời buổi này như vậy là nhiều hơn hầu hết các chỗ khác, đây chính là một cách hãng nói lời cám ơn với anh, anh thấy đó. Anh là một nhân viên tốt, nếu sau này hãng có mướn người lại, chắc chắn tôi sẽ nghĩ tới anh. Nếu anh cần người giới thiệu khi đi tìm việc, anh cứ gọi tôi. Bây giờ chúng ta tạm dừng nhé. Nếu anh có thắc mắc gì thêm, ngày mai anh cứ đến gặp tôi.

Ra khỏi phòng họp Mai ghé lấy một ly trà để thấm cổ họng khô đắng.  Hôm nay quả là một ngày thật dài. Phản ứng bình tĩnh cuả Dave hồi sáng hay phản ứng gay gắt cuả Amid mới đây đều đã qua nhưng Mai vẫn thấy thật mệt mỏi. Hơn nưã, cô thật sự buồn khi phải đem tin xấu tới cho những nhân viên mà cô luôn coi là bạn đồng đội thân tín. Nhưng tất cả là một phần của công việc mà cô phải làm, Mai tự nhủ. Cô hít một hơi dài và nghĩ mình sẽ cảm thấy khá hơn khi tuần tới bắt đầu ...

Thứ Hai, ngày 27 tháng 9 năm 2009

Từ đầu tháng 9 đã có vài chỉ dấu cho thấy kinh tế đã ngừng tuột dốc, thời kỳ ổn định có vẻ đang tới gần. Tháng này Mai có nhiều tin vui. Hãng vưà cho biết là số đơn đặt hàng trong tài khoá cuối năm không đến nỗi tệ, và Mai cũng mới nhận email từ Amid. Amid đã tìm được việc làm, anh ta cám ơn Mai đã nói những lơì giới thiệu tốt đẹp về anh với người chủ mới. Hồi đầu tháng Dave cũng cho biết đã trở lại trường từ  khoá muà thu 2009 để lấy bằng Cao học (Master) ở nơi anh lớn lên, tận tiểu bang Michigan. Mai đã bật cười khi đọc email của Dave, anh gởi cho Mai một tấm hình chụp chung với người bạn gái mới quen trong trường kèm theo câu “Nếu mọi chuyện không bao giờ thay đổi thì thế gian sẽ không có bướm“ (“If nothing ever changed, there'd be no butterflies“). Đúng là ngôn ngữ của một người đang hạnh phúc!

“Chuyện gì không đánh gục được ta thì sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn“, Mai mong rằng câu nói mà John nhắc tới ngày nào sẽ sớm thành sự thật cho Thung Lũng Điện Tử, nói riêng, và cho nước Mỹ, nói chung. Khi đó chắc trời sẽ đẹp và sẽ có rất nhiều con bướm mạnh mẽ và rực rỡ , thoát xác từ những con nhộng tầm thường, bay lượn khắp nơi...

Khôi An

* Chú thích:

(1) Validation and Lab Support: thử thách chất lượng sản phẩm và cung cấp dịch vụ trong phòng thí nghiệm.
(2) Boss: tiếng gọi chung để chỉ cấp trên.
(3) Laptop: máy vi tính di động. Máy này có kích thước nhỏ, có thể để trên lòng khi làm việc (“laptop“ nghiã là “trên lòng“)
(4) “Chuyện gì không đánh gục được ta thì sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn“: câu nói của một triết gia “That which does not kill us makes us stronger“
(5) Câu chuyện này được dựng lên dựa trên kinh nghiệm làm việc cuả ngươì viết và bạn hữu. Tuy nhiên đây chỉ là một chuyện chung cho kỹ nghệ điện tử, nó không phản ảnh chuyện xảy ra trong một hãng nào. Danh xưng của mọi nhân vật trong bài chỉ là tưởng tượng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,605,046
Nhạc sĩ Cung Tiến