Hôm nay,  

Cá Hóa... Rồng

08/10/200900:00:00(Xem: 233318)

Cá Hóa... Rồng

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 2749-1628820- vb5100809

Bảo Trân đã nhận giải tác giả Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài viết "Con Bé," chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Bài viết mới là chuyện kể về việc thi cử thường được coi là rùng rợn nhất với các bà các cô.

***

Tôi đang ngồi xếp lại mấy cái hồ sơ để cuối ngày làm thêm hai tiếng overtime thì điện thoại cầm tay reo. Tôi bấm máy. Tiếng con bé Tí Ti, cháu gái thứ hai của tôi reo vui vẻ trong điện thoại:
-  Dì Mai ơi, chiều nay con có thể sang lấy $50 của dì rồi.
Tôi cũng vui mừng không kém nó:
-  Vậy là con đậu rồi phải không"
Con bé cười ha hả:
-  73 điểm lận đó dì Mai. Con xém rớt, nhưng mà khi nhìn thấy cái mặt méo xẹo của con nên ông giám khảo... thương tình.
Tôi ngạc nhiên: 
-  Có chuyện đó sao" Nhờ con... sắp khóc mà được đậu đó sao" 
-  Đúng rồi dì Mai ơi, không tin được phải không"  Con phải "dọa" ổng là nếu ổng không cho con đậu thì con sẽ mất cái xe, mà mất xe rồi thì đời con khổ lắm... Chiều nay con qua nhà kể lại đầu đuôi cho dì Mai nghe.
-  Ừ, nhưng mà sau bẩy giờ rưỡi nghe, tại dì Mai phải làm overtime tối nay.
Con bé nói:
-  Dạ, con sẽ qua khoảng tám giờ. Thôi con cúp nghe, con còn phải gọi cho bà ngoại và mấy đứa bạn con nữa. Cuối tuần này con xuống nhà bà ngoại lấy luôn tiền thưởng rồi tụi con đi "all you can eat" ăn mừng. Con mừng hết lớn dì Mai ơi. See you later.
Con nhỏ nói xong rồi cúp máy cái rụp không kịp nghe tôi trả lời. Chắc nó đang vội vã để gọi phone cho tất cả mọi người báo cái tin vui này. Không phải chỉ có nó vui, ai nghe nó đậu được cái bằng lái xe cũng thấy vui lây, vì đây là lần thứ tư nó "vác" xe đi Nha Lộ Vận lấy bằng.
Người ta nói "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" mà sao tôi thấy con bé Tí Ti này không giống má nó chút nào. Kim Lan lanh lẹ bao nhiêu thì con bé này chậm lụt bấy nhiêu. Với một cái bằng viết, Nha Lộ Vận cho thi lái ba lần thì nó rớt đúng ba keo. Sau khi dẫn nó đi đóng tiền thi lại bằng viết mới, về nhà má nó đã đe:
-  Nếu lần này mà không đậu nữa thì sẽ mất cái xe. Qua năm tới con Tí Út vô trường Cal Poly sẽ lấy xe đó đi học.
Kim Lan đã hứa với mấy đứa con của nó từ hồi tụi nhỏ còn học ở trung học, hễ đứa nào tiếp tục lên học đại học thì sẽ được một cái xe mới toanh, để làm phương tiện di chuyển. Đứa con gái đầu của Kim Lan khôn lanh, có bằng lái xe từ đầu năm lớp 12, nên khi đi học ở UCSD nó vác theo ngay cái Nissan Sentra làm chân. Tới phiên con Tí Ti thì được má nó mua cho một cái Toyota Corolla, nhưng đã học đến năm thứ hai ở UCI rồi mà cái xe vẫn nằm ở nhà, do má nó toàn quyền sử dụng. Mỗi tuần phải đưa đón con đi về cũng mệt, nên Kim Lan chỉ mong cho Tí Ti nhanh chóng lấy được cái bằng.
Nghe má nói sẽ đem cái xe cho Tí Út, con Tí Ti nước mắt đoanh tròng. Má tôi thấy tội nghiệp nên dỗ dành:
-  Con ráng thi đậu đi, rồi bà ngoại sẽ cho con $50 ăn mừng.
Tôi cũng khuyến khích nó:
-  Dì Mai cũng cho con $50 nữa, ráng đi, không thì mày sẽ mất cái xe mới.
Tuy la mắng con như vậy nhưng Kim Lan cũng đóng tiền cho Tí Ti đi học thêm thực tập lái xe ở một trường dạy lái xe tư ở Rowland Heights. Sau hai tháng học hành chăm chỉ, con bé tiến bộ thấy rõ và bây giờ nó đã có bằng lái xe. Thế là mùa học fall này, con bé cháu của tôi sẽ hân hoan lái cái Corolla đi học.
Vừa xếp soạn hồ sơ tôi vừa tủm tỉm cười nhớ lại câu nó nói,  chắc không ai tin là nó phải... "dọa dẫm" ông giám khảo mới đậu được cái bằng lái xe. Nhưng riêng tôi thì tôi tin chứ, bởi vì... tôi cũng đã từng làm như thế 30 năm về trước cơ mà...
. . .
Lúc Thảo chở tôi về nhà bố báo là tôi đã thi đậu bằng lái xe hơi, cả nhà không ai chịu tin, bởi vì từ nào tới giờ tôi vẫn là... chuyên viên đi bộ, đi xe đạp, xe bus.
Hồi học tiểu học ở trường Chí Hòa, cách nhà có vài con hẻm nhỏ, nên tôi đi bộ tới trường là điều dễ hiểu. Rồi đến khi thi đậu vào trung học, trường học cách nhà khoảng chừng ba mươi phút, tôi cũng đi bộ. Đúng ra thì mấy tháng đầu tiên sau khi tôi đậu vào Gia Long, bố sợ tôi đi học một mình trên đường xa nên cũng cố về buổi trưa để đưa tôi đi học, rồi buổi chiều sau khi tan sở bố lại tới đón tôi về. Hôm nào bố bận họp không về được thì bố cho chú Tư tài xế đem xe về để đưa tôi đi học.
Sau đó vài tháng thì tôi đã quen đường, quen lối, và vui hơn nữa là tôi đã có Nhất Khanh, học chung một lớp, làm bạn đồng hành nên tôi nói với bố là bố không cần đưa đón tôi nữa. Nhất Khanh ở trên cùng một con đường Lê Văn Duyệt với tôi, nhà Nhất Khanh chỉ cách nhà tôi chừng năm trăm thước, nên hai đứa tđã hẹn giờ đi học cùng nhau, và đã có bốn năm dài thủ thỉ với nhau trên suốt quãng đường khô khan nhiều xe cộ.
Nhưng khi lên trung học đệ nhị cấp, tôi và Nhất Khanh chọn hai ban khác nhau, có những bận bịu riêng, nên đã không có nhiều thời giờ gặp nhau, đi học chung với nhau nữa. Cũng vào thời điểm này, phong trào xe đạp mini đang bành trướng mạnh mẽ, bạn bè tôi đứa nào cũng có một chiếc, nên tôi cũng vòi bố mua cho một cái xe cho có với mọi người. Cái xe đạp mini màu vàng của tôi nho nhỏ, dễ thương, lại gấp lại được làm đôi, bỏ vừa trong thùng xe của bố, nên thỉnh thoảng tôi lười, và gặp dịp bố đi làm sớm, tôi quá giang bố đến trường, rồi đến khi tan học đạp xe về.
Sau khi thi đậu tú tài, tôi vào đại học. Từ nhà tôi đến con đường Cường Để kể cũng khá xa. Bố mua cho tôi một cái xe PC để tôi đi học cho nhanh, nhưng khi chạy thử vài lần rồi tôi mới thấy là tôi không thể nào điều khiển cái xe gắn máy này theo ý tôi được. Chạy tới, chạy lui hoài mà cũng không khá hơn được, tôi nản lòng, nhường cái xe PC cho Kim Lan, em kế tôi, rồi lại trở về với những vòng xe đạp nho nhỏ của mình.
Qua tới Mỹ, tôi hết được làm chuyên viên đi bộ, đi xe đạp vì đường sá ở đây xa xôi quá. Tôi cũng không có cái xe đạp mini nào để đạp xe đi học ngắm lá vàng rơi. Tôi chuyển sang làm chuyên viên đi xe bus. Tôi đi học bằng xe bus hết hai năm trời khi gia đình tôi còn thuê nhà ở vùng Paramount và tôi phải đi sang thành phố Norwalk học.
Hồi đó, sau khi học xong mấy tháng ESL mùa hè ở cái trường trung học tráng niên gần nhà, ba chị em tôi ghi danh vào đại học. Chúng tôi có hai cái trường để chọn lựa, đại học cộng đồng Long Beach hay là đại học cộng đồng Cerritos. Nhà bố thuê lúc đó ở ngay ngã ba hai tuyến đường xe bus đến hai ngôi trường này nên chúng tôi đi học trường nào cũng được. Tuy nhiên đường đến Long Beach City College xa hơn đến Cerritos College, vì trường Long Beach này ở mãi tận dưới Pacific Coast Highway, và phải đi hai chuyến xe bus mới đến nơi, nhưng Kim Lan và Kim Trúc vẫn thích đi xuống đó học vì nơi này qui tụ đông đảo sinh viên Việt Nam. Tôi thì chọn Cerritos College ở thành phố Norwalk vì cái trường này có vẻ tĩnh lặng hơn, và chỉ cần đi một chuyến xe bus chạy thẳng trên con đường Alondra là tới.
Đi học được một mùa, tuy vui vì nhiều bạn bè, thầy cô Việt Nam, nhưng phải dậy sớm chờ xe bus hoài nên Kim Lan đâm nản, con nhỏ nhất quyết đi học lấy bằng lái xe. Kim Lan gan dạ, và cũng nhờ có nhiều bạn bè chỉ bảo, tập tành cho sau những buổi tan học nên cuối năm học đó nó đã thi đậu, lấy được bằng. Con nhỏ cứ đi theo năn nỉ bố mua cho một cái xe cũ để hai chị em khỏi phải đón xe bus mỗi ngày, đỡ lo mưa lo nắng. Kim Lan lý luận, nếu không phải mất thì giờ đi bộ, đón xe bus thì nó và Kim Trúc sẽ xin làm thêm giờ work study ở trong trường và sẽ có thêm tiền. Ngoài việc tự lo tiền đổ xăng hai đứa còn có thể góp cho bố mỗi tháng một ít tiền để trả tiền xe và đóng bảo hiểm. Bố nghe nói hoài cũng xiêu lòng, nên mua một cái xe Toyota Corolla cũ để Kim Lan chở Kim Trúc đi học. Còn tôi thì vẫn tiếp tục đi xe bus sang trường Cerritos học cho đến ngày bố mua nhà ở ngay con đường Crossdale, nằm bên kia con lộ Alondra, đối diện với trường.
Tôi còn làm chuyên viên đi xe bus thêm gần hai năm khi tôi nhận việc làm chính thức, đầu tiên trong đời, làm thư ký cho một văn phòng thừa phát lại của quận Thiên Thần. Và tôi chỉ hết được làm chuyên viên đi xe bus khi tôi thi đậu vào làm cán sự xã hội, một công việc đòi hỏi tôi phải có bằng lái xe, phải có xe để đi thăm viếng khách hàng.
Cho nên, cả nhà ngạc nhiên khi thấy tôi lấy được cái bằng lái xe hơi ở bên Mỹ. Mấy đứa em tôi trêu, nói, chắc là hôm đó ông giám khảo mới được lên chức, lên lương, nên muốn chia sẻ với tôi niềm vui của ổng. Bố thì gật gù:
-  Có bằng lái xe cũng tốt, khỏi phải mất công đi xe bus. Xe bốn bánh, vững chãi, không cần phải giữ thăng bằng như xe hai bánh, không lo té, chỉ cần theo đúng luật lệ đi đường và tránh húc vào xe người khác mà thôi. Con gái bố bây giờ có tiến bộ, giỏi thiệt à nghen.
Nhưng bố đâu có biết là muốn tiến bộ, giỏi được như vầy tôi cũng đã trầy vi, tróc vẩy bao phen.
Trước ngày đi thi lấy bằng viết, tôi thu thập mấy cái đề thi của những người đã thi đậu, học thuộc lòng những câu đáp trúng, rồi đi thi. Sau khi tôi có bằng viết rồi, Thảo tập cho tôi lái xe. Lần đầu tiên tôi tập lái, chưa có kinh nghiệm nên Thảo cho tôi chạy vòng vòng trong mấy con đường hẻm quanh nhà. Tôi lạng qua, lạng lại như những anh chàng say rượu,  Thảo phải luôn tay giúp tôi điều khiển bánh lái, không thì tôi đã quệt hết vào những cái xe đậu ở hai bên đường. Lần thứ hai, không biết tôi đã làm những gì, chỉ thấy Thảo lắc đầu than:
-  Điệu này dám phải thay hộp số mới.
Lần thứ ba thì kinh hoàng hơn. Thảo hốt hoảng khi thấy tôi sắp đâm đầu vào một chiếc xe vận tải hạng nặng trong con hẻm nhỏ, lúc chiếc xe này đang chạy đến ngược chiều với xe tôi. Tôi cứng đơ người ngồi yên trên ghế, không biết phải làm sao. Ông tài xế trên xe vận tải mở cửa, ló đầu ra nhìn tôi rồi đưa hai tay lên trời lầm bầm cái gì không rõ. Tôi chỉ nhớ là Thảo bảo tôi bước xuống, giao tay lái lại cho chàng rồi Thảo lái xe về. Sự bất quá tam, Thảo ghi danh cho tôi đi học thực tập lái xe ở cái trường trung học tráng niên gần nhà, để người ngoài dạy tôi cho được việc.
Cùng một lớp học với tôi có hai đứa nhóc con. Tôi gọi chúng là nhóc con vì chúng còn đang mài đũng quần ở cái trường trung học gần nhà tôi. Buổi thực tập đầu tiên, trước khi cho xe rời bãi đậu, ông thầy giáo phỏng vấn sơ qua về kinh nghiệm lái xe của mấy người học trò. Con nhỏ Mễ bảo nó đã từng lái xe ké của bạn nhiều lần rồi. Thằng nhỏ Phi nói sau khi nó lấy được cái bằng viết hồi cuối năm ngoái, nó cũng được bố nó tập cho lái xe trên đường đến nhà thờ mỗi sáng chủ nhật. Chỉ có tôi là chưa tập lái xe được đủ ba lần. Đương nhiên là chúng phải lái xe giỏi hơn tôi.
Ông thầy giáo xanh mặt khi tôi biểu diễn tài lái xe lần đầu tiên. Không những chỉ có ông thầy xanh mặt mà tôi thấy mấy đứa học trò cũng đăm chiêu không kém. Sau buổi sát hạch đầu tiên, ông thầy quyết định chia cho tôi giờ học ở giữa chừng. Thằng nhỏ Phi lái xe đi, con nhỏ Mễ lái xe về, phần giờ còn lại là của tôi. Hai đứa nó ăn gian, cộng thêm sự đồng lõa của ông thầy, thằng nhỏ Phi thì cố tình lấn qua giờ của tôi, và chưa tới giờ tôi giao xe cho con nhỏ Mễ mà ông thầy đã bảo tôi ngừng xe để thay người lái, nên mỗi buổi học gần hai tiếng đồng hồ thì tôi lái được chừng khoảng hơn ba mươi phút là may mắn lắm. Nhưng ba mươi phút tập lái xe với tôi kể cũng đã khá nhiều, nên tôi không thèm phản đối.
Có một lần ông thầy cao hứng, cho thằng nhỏ Phi lái xe từ Artesia lên vùng đồi Whittier thăm bạn. Sau khi trò chuyện với bạn xong rồi ông mới nhận thấy cái lỗi lầm tai hại của mình. Thằng nhỏ Phi lái xe lên đồi, bây giờ tới phiên tôi lái xe xuống dốc. Tôi làm ra cái vẻ bình tĩnh bước lên ghế của tài xế, ngó trước, nhìn sau rồi kéo cần thắng xuống để lùi ra khỏi sân đậu xe. Nhìn xuống cái dốc thẳng băng trước mặt tôi nổi da gà. Ông thầy hỏi:
-  You có chắc là sẽ lái được không"
Tôi trả lời tỉnh khô:
-  Chắc cũng được, để tôi thử coi.
Lỡ làm le tôi không thể rút lui. Hơn nữa, tôi muốn nhân dịp này trả cái hận bọn họ đã a dua chèn ép tôi. Tôi muốn cho bọn họ (và cả tôi) lên ruột một lần. Tôi cho xe chạy từ từ xuống dốc với cái vận tốc bình thường, cái vận tốc mà mỗi ngày ông thầy với mấy đứa nhỏ vẫn chế nhạo tôi là vận tốc rùa bò. Cái vận tốc rùa bò tự nhiên trở thành vận tốc của máy bay phản lực. Cái xe nhỏ nhắn của trường học phăng phăng tuột dốc. Ông thầy ngồi bên cạnh tôi nhấp nhỏm, nhắc chừng:


-  Chạy từ từ, nhìn bảng stop, thắng...
Chiếc xe tôi đang lái ngon lành bỗng dưng bị thắng giựt lại, rồi đứng khựng giữa ngã tư đường. Nhưng không phải tôi thắng mà là... ông thầy thắng. Nếu ông không nhanh chân đạp thắng thì xe tôi đã đâm vào cái xe băng ngang con đường trước mặt, con đường không có bảng stop như con đường tôi đang đi. Và cũng may là người tài xế trên xe đó cũng đã nhanh chân phóng mạnh chân ga để tránh cái đầu xe tôi đang vùn vụt lao tới. Chiếc xe chạy qua rồi, mà tôi vẫn còn nghe tiếng chửi rủa của người tài xế trên xe kia vọng lại:
-  Đồ ngu, đồ mắc toi.
Trời mùa đông mà thầy trò chúng tôi ướt đẫm mồ hôi. Đang ở giữa ngã tư nên tôi phải chạy luôn qua phía bên kia đường. Ngừng xe ở cuối dốc, tôi cài thắng đàng hoàng rồi giao xe cho con nhỏ Mễ, leo lên băng ghế sau ngồi cạnh thằng nhỏ Phi. Tôi thấy thằng nhỏ ngồi lặng im, mặt nghiêm trọng như đang trong buổi cầu kinh. Chắc thằng nhỏ đang làm dấu thánh giá âm thầm trong đầu, tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban cho nó được bình yên. Tôi biết, sau lần biểu diễn cái màn lái xe ngoạn mục theo kiểu trượt tuyết này thì ông thầy sẽ cắt phần thời gian học của tôi xuống hơn một chút nữa để bảo đảm sự an tòan cho ông và hai đứa học trò kia. Cũng may là đã gần cuối khóa.
Vậy mà tôi cũng được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Thật tình mà nói thì tôi lái xe cũng đỡ hơn trong những ngày học cuối. Ông thầy có vẻ thư giãn hơn, và mấy đứa nhóc con cũng thoải mái ngồi nói chuyện học hành với nhau trong thời gian tôi thực tập. Họ còn khen tôi là có tiến bộ. Ông thầy giáo đưa cho tôi tờ giấy chứng nhận, bảo:
-  You còn phải tập tành nhiều, đừng vội đi thi. Có bằng lái xe rồi cũng nên lựa mấy cái đường bằng phẳng mà đi, khoan lái xe lên đồi nghe không!
Rồi những lần tôi đi thi cũng trần ai không kém. Lần đầu tiên tôi đi thi, gặp một ông giám khảo già người da trắng, mặt nghiêm trang, tôi mở lời chào hỏi cầu... "hên" mà ông cũng không nói không cười. Sau khi trắc nghiệm tôi về mấy cái dấu tay, dấu chân xong xuôi ông ra lịnh cho tôi lái xe đi. Tôi run run kéo cái cần thắng tay xuống, tiếp theo tôi kéo cái cần hộp số xuống một nấc, vào ngay đúng chữ... "R". Ông giám khảo ngồi bên cạnh nhanh tay kéo cái cần số lên lại bỏ vào chữ "P" rồi ra dấu cho tôi xuống xe, khỏi đi đâu nữa hết. Tôi không cần thi cũng... rớt. Thảo đứng trên lề đường chờ tôi, nhìn thấy hết. Chàng giơ hai tay lên kêu trời. Cũng may là tôi chưa thả chân thắng để đạp chân ga, chứ không thôi thì hậu quả sẽ còn tai hại đến đâu, khi tôi lùi ngay vào chiếc xe đang xếp hàng ngay ngắn sau lưng xe tôi chờ đợi đến lượt đi"!
Lần thứ hai tôi gặp một bà giám khảo da màu. Nhìn cái mặt khó đăm đăm của bà tôi biết ngay là tôi cũng khó lòng thi đậu kỳ này. Bà hành tôi đi hết con đường này qua con đường khác, bắt tôi làm một hơi mấy cái U turn, three points turn. Tệ hại nhất là bà còn bắt tôi len xe vào đậu ở giữa hai cái xe đang đậu sẵn bên lề đường. Cái mục đậu xe này thì hình như đâu có trong chương trình thi cử!"   Đương nhiên là tôi đậu không được, bởi vì tôi có bao giờ muốn tranh chấp với người khác về cái chỗ đậu xe nhỏ xíu này đâu. Không có chỗ đậu gần thì tôi tìm đậu chỗ khác dẫu có xa mà rộng rãi hơn, rồi từ từ đi bộ đến nơi tôi muốn đến. Tôi đâu cần phải khổ cực de lui, lái tới để len lỏi vào một cái chỗ đậu xe như thế này. Sau buổi thi bà tuyên bố:
-  You nên về ghi danh học lái ở một cái trường dạy lái xe nào đó. Học thêm ít nhất là mười giờ tập lái. Thực tập thêm vài chục lần nữa rồi hẵng xin cái hẹn khác để đi thi. Mà nhớ tập cho thuần thục cái lối đậu parallel lỡ có gặp lại tôi.
Lần thứ ba đi thi tôi lái có vẻ khá hơn. Ông giám khảo người Mễ mập mạp dễ thương cứ nhìn tôi tủm tỉm cười nhưng cũng không quên gạch lia lịa vào cái bảng chấm điểm trên tay. Chừng trở về, đợi tôi đậu xe ngay ngắn vào bãi đậu xe của Nha Lộ Vận rồi ông hỏi:
-  You nghĩ sao về buổi thi hôm nay"                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    
Tôi đáp:
-  Tôi không biết nghĩ sao cả, nhưng nếu lần này tôi cũng không đậu thì tôi sẽ được lên chức... "đại úy".
Nhìn khuôn mặt ngớ ngẩn của ông giám khảo, tôi vội vàng giải thích:
-  Mấy người bạn cùng đi học với tôi ngày xưa đã sắp đặt cấp bực rõ ràng để chế nhạo những người lái xe "giỏi"... cỡ tôi. Thi lái xe một lần không đậu thì được gắn lon "thiếu úy", thi hai lần không đậu thì được lên "trung úy". Cấp bực cứ tăng dần, ai được chức cao nhất thì coi như là người đó lái xe... "ngầu" nhất, có kinh nghiệm sa trường đau thương nhất. Lần này mà tôi rớt nữa thì tôi sẽ lên chức "đại úy", mà biết đâu lên tới "thiếu tá" cũng không chừng, tha hồ cho đám bạn bè tôi chế riễu. Cái việc bị chế riễu không quan trọng lắm, điều quan trọng là tôi cần việc làm. Tôi đã thi đậu làm cán sự xã hội, đã đi phỏng vấn và đang chờ bổ nhiệm vào nhiệm sở mới. Tôi sẽ làm "Eligibility Worker" ở một trong những văn phòng Welfare của quận Thiên Thần để giúp đỡ tài chánh cho những người kém may mắn trong xã hội, có con cái còn trong tuổi vị thành niên, nheo nhóc. Cái công việc này đòi hỏi phải có bằng lái xe vì cán sự phải lái xe đi thăm viếng khách hàng. Tôi đã nộp cho Bộ Xã Hội cái giấy chứng nhận là tôi đã thi đậu bằng viết. Trước ngày nhận nhiệm sở tôi phải chứng minh là tôi có bằng lái xe. Ông không cho tôi đậu là ông đã mạnh tay dìm chết một nhân viên ưu tú tương lai của nhà nước, người đang sẵn sàng góp đôi bàn tay nhỏ bé để cứu vớt những kẻ khốn cùng.
Ông Mễ nhìn tôi đăm đăm. Ông không hiểu là tại tôi sắp rớt đủ ba lần nên nói sảng hay là tôi nghiêm trọng với việc... cứu độ nhân loài. Nhưng cuối cùng thì ông cũng cho tôi đậu, 71 điểm, đủ tiêu chuẩn để cá chép vượt vũ môn hoá kiếp thành rồng.
. . .

Khi nghe con bé kể xong chuyện "dọa" ông giám khảo của nó hai dì cháu tôi ôm bụng cười như nắc nẻ.
Con bé cháu của tôi không đẹp, nhưng trời đã cho nó đôi mắt "nai tơ" làm xao xuyến hồn người. Chắc là cái hình ảnh của con bé Tí Út tươi cười với cái chìa khóa chiếc xe Corolla lẩn quẩn trong đầu óc con Tí Ti suốt đoạn đường đi, nên nó đã "tấn công" giám khảo ngay sau khi cuộc thi hoàn tất:
-  Ông có nghĩ là tôi sẽ đậu kỳ này không"
Và khi bị ông giám khảo hỏi ngược lại:
-  What do you think"
Thì con bé đã "nước mắt viền quanh mi" mà tâm tình với ông giám khảo là:
-  Tôi đang học năm thứ hai ở UCI. Sang mùa học tới là tôi không còn được ở trong cư xá của trường nữa. Tôi phải thuê chung cư ở ngoài nên tôi cần có xe để đi học mỗi ngày. Mẹ tôi đã mua cho tôi một cái xe nhưng mà tôi thi mãi cũng chẳng lấy được bằng. Lần này mà tôi cũng không đậu là mẹ tôi sẽ đem chiếc xe đó cho con em tôi. Thế là tôi sẽ ngậm ngùi mà đi xe bus. Đi xe bus thì tôi không ngại, nhưng nếu có được chiếc xe để đi học thì tôi đỡ phải dãi nắng dầm mưa, và tôi có thể dùng cái thời giờ đứng đợi xe bus đó để học thêm một chút nữa, thì đời tôi sẽ đẹp biết bao nhiêu.
Và ông giám khảo của nó cũng mủi lòng mà chấm cho nó đậu.
Tôi cũng kể cho Tí Ti nghe cái kinh nghiệm "trần ai" của tôi khi tôi đi thi lấy bằng lái xe ba mươi năm về trước. Con bé cháu tôi cười hóm hỉnh:
-  Vậy là con "ngon lành" hơn dì há, con được lên tới chức "đại úy".
Tôi cốc nhẹ vào đầu nó:
-  Ừ ngon lành tới độ... sắp mất cái xe.
Con bé rụt cổ le lưỡi cười rồi hân hoan cầm $50 của tôi cho đi về. Nhìn con bé "cẩn thận" cho xe "bò lui" ra khỏi cái sân đậu xe của tôi, tôi dấu nụ cười thầm.
Thật tình ra thì con cháu gái tôi, và cả tôi, không lái xe tệ đến thế đâu, chúng tôi chỉ "quá cẩn thận" thôi. Ấy thế mà bị mọi người "xì nẹc" là rùa bò, chậm chạp. Nhưng thế cũng còn tốt hơn là lái xe bạt mạng trên đường phố, hại mạng ta và hại đến cả mạng người. Con bé Tí Ti này cũng giống hệt như tôi, ngoài cái việc "cẩn thận" ra, nó cũng không biết lái xe băng ngang đường, hay không biết quẹo tay trái nếu không có cột đèn xanh đèn đỏ.
Bởi thế tôi mới dạy cho nó cái "bí quyết" của tôi. Trước nhất  là cứ tuân theo đúng luật đi đường. An toàn cho mình, cho người là điều "ắt có và đủ". Bảng chỉ dẫn trên đường cho phép chạy nhanh cỡ nào thì chạy nhanh cỡ đó. Không biết quẹo tay trái thì cứ đi theo bên tay phải, lái đủ ba vòng bên tay phải rồi thì cũng đến nơi mình muốn đến, dẫu có xa hơn chút xíu cũng chẳng sao. Còn nếu phải đi lên xa lộ thì cứ nhắm cái lane chậm mà đi, nhường fast lane cho mấy người thích chạy đua thi nhau chạy. Sau này, khi có nhiều kinh nghiệm giỏi giang rồi thì sẽ... "phóng hết ga" làm "anh hùng xa lộ". Tôi thì không dám... "phóng hết ga", chứ con bé cháu của tôi "hậu sinh khả úy", chắc là từ từ rồi nó cũng phải lái xe giỏi hơn tôi.
Từ bao nhiêu năm nay, tôi vẫn áp dụng cái bí quyết lái xe của tôi, đường ta ta đi, không chen lấn với người nào khác. Cũng may là tôi đi làm cách nhà chỉ có 6 miles, không cần phải lên xa lộ. Khi nào phải đi họp hành hay đi huấn nghệ đường xa mà không "quá giang" được người nào trong sở thì tôi cũng áp dụng cái công thức... fast lane phần người, slow lane phần ta. Cuối tuần đi chợ búa ở dưới Bolsa hay đi đâu xa thì tôi có Thảo làm tài xế. Thế nên hơn ba mươi năm trời nay, tôi chưa từng nhận một cái giấy phạt nào của cảnh sát cả. Cứ cách năm năm thì tôi nhận được một lá thư từ Nha Lộ Vận báo cho biết là... " You are eligible to renew your driver license by mail.", rồi sau này thì tôi lại được "renew your driver license online". Chỉ có một lần cách đây mười năm tôi phải đem cái thư đó ra tận văn phòng Nha Lộ Vận để nhân viên ở nơi này chụp hình mới, chắc họ muốn xem tôi "tròn trịa" đến đâu rồi.
Những ngày sau này, không biết có được lên chức... "anh hùng xa lộ" hay không nhưng chắc chắn một điều là hai dì cháu tôi cũng không bao giờ dám quên ơn hai ông giám khảo (Mễ) rộng lượng, đã thấu hiểu cho nỗi lòng của chúng tôi. Chắc hai ông cũng nhìn thấy cái "năng lực tiềm tàng" trong hai dì cháu chúng tôi và đoán biết là chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để "vật lộn" với cái vô lăng và con đường tráng nhựa, nên đã rủ lòng thương cho hai con cá lừ đừ mà hóa kiếp chúng thành... rồng.
Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2015.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả là một nhà báo Việt ngữ tại Atlanta. Ông viết tin, bình luận… với bút danh Phương Điền Nguyên. Một trong những mục ông phụ trách là “Thư Atlanta về Sài Gòn” với bút hiệu Bình Thiên.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia,
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 2 bài đã phổ biến:
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài viết mới của Song Lam.
Tác giả là cư dân Ca-li được hai mươi năm. Đã nghỉ hưu. Lạc quan. Yêu đời. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Mưa”, phổ biến từ cuối tháng 12, 2015. Sau đây là bài mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học viện Ngôn ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả đã có sách anh ngữ "The Clan Divided," do một nhà xuất bản Mỹ tại New York ấn hành. Ông cũng là tác giả sách "Tiếng Việt Đáng Yêu." Trần Đức Hân sinh năm 1942 tại miền Bắc, di cư vào Nam.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Nhạc sĩ Cung Tiến