Hôm nay,  

Nhà Lửa

06/10/200900:00:00(Xem: 294192)

Nhà Lửa
 
Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 2747-1628818- vb3100609

Phạm hoàng Chương là tác giả vừa nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009, với các bài viết góp cho giải thưởng năm thứ 9, trong số này có bài "Xóm Hoang" kể chuyện một cô gốc Việt đạt giấc mơ Mỹ trước tuổi 30, sống giữa một khu xóm hợp chủng đầy khó khăn thời kinh tế suy thoái. Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, có hồi ông từng bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận. Ông chủ tịch và ông thầy nay về hưu, an cư tại Riverside, Nam Cali, Bài viết sau đây được tác giả viết trong những ngày Nam Cali ngột ngạt với các vụ cháy rừng.

***

Đức Phật nói "Ba cõi như nhà lửa". Ba cõi đây là Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới. Địa cầu chúng ta thuộc về Dục giới, vì chúng sinh phải có dục mới sinh sôi lưu truyền nòi giống. Ở hai cõi kia, chúng sinh chỉ có hình tướng, hay không có hình tướng, chỉ cần móng tâm ưa thích nhau là có thể sinh sôi nảy nở. Trong cả ba cõi này, chúng sinh dều chịu sanh tử luân hồi, còn phải chiêu cảm hạnh phúc và phiền não, chứng kiến những cảnh tạm bợ, vô thường; và xung quanh đầy dẫy những hiểm nguy, bất trắc. Trong Kinh Pháp Hoa, Phật cũng ví địa cầu chúng ta đang ở như một cái nhà  lửa đang bị thiêu đốt, lửa hiểu theo nghĩa bóng, là vô số thứ khổ nạn từ trong ra ngoài bức bách.
Chiều nay ghé thăm con bé cháu nội xinh xắn ở nhà vợ chồng con trai từ L.A ra, ngồi xe lái về nhà trên freeway 60, tôi thấy trời bỗng dưng nóng bức lạ thường. Mùa hè ở Cali như bốc lửa. Xe cộ giờ tan sở đông đảo chạy rần rần bên trái bên phải, hai mắt phải liếc trước liếc sau, liếc qua liếc lại trong gương liên tục để giữ tánh mạng an toàn.  Những chiếc foods truck khổng lồ 18-bánh dài chành bành hung hăng đua nhau xấn xổ chạy ầm ầm hai bên liên hồi làm tôi sợ hãi kềm chặt tay lái trong chiếc Toyota bé nhỏ. Nhớ cô Trúc có lần khuyên phải luôn luôn chạy cách xa loại xe "khủng long" này một "lane", vì nếu bất tử một trong hai xe nổ "lốp" thình lình, chúi mũi vào nhau, hay tài xế bất cẩn, đuôi xe quật vào xe mình thì chắc chắn phải chết bỏ xác giữa đường. Tôi ít thích mở máy lạnh khi lái xe, chỉ vặn xuống hai cánh cửa mỗi khi trời nóng để đón gió thiên nhiên, mà sao hôm nay không khí bên ngoài khô nóng lùa vào ngột ngạt khó thở, nặng đầu mờ mắt, như có cháy rừng ở đâu, hay có núi lửa gần đây sắp phun, phải lập tức bấm nút kéo hai cửa lên, mở máy lạnh...
Cháy rừng làm tôi nghĩ đến tiếng "nhà lửa" trong kinh Pháp Hoa, lửa hiểu theo nghĩa đen.  Ba năm nay Cali không có mưa, tuyết trên các ngọn núi cũng mỏng đi, chính phủ phải mua thêm nước từ sông bên Arizona. Mùa hè nào Nam Cali cũng cháy rừng, không chỗ này thì chỗ kia, gió Santa Ana thổi tro bụi bay loạn xạ vô thành phố, hắt hơi nóng ngột ngạt vô mặt mũi người ngồi lái xe. Hạt bụi lửa làm tôi chợt liên tưởng đến quả địa cầu đang quay, với bao nhiêu tỷ người nghèo đói bệnh hoạn bám vào, lơ lửng trong không gian. Địa cầu với bao nhiêu khổ nạn bức bách, thiên tai, bão lụt, hạn hán, động dất, luân phiên xảy ra khắp thế giới, thất nghiệp, chiến tranh, bệnh tật, độc tài chuyên chế, ô nhiễm môi trường, khí hậu nóng dần, nước uống khô cạn...
Tôi nhớ lại đứa con dâu, đang ăn thất nghiệp, ngồi mặt mày buồn xo trong nhà lúc nảy, bên cạnh Mẫn ngồi rầu rầu kể lể:" Bây giờ càng ngày càng nhiều người thất nghiệp ba à, sang năm còn bết bác hơn. Ai cũng thủ không dám tiêu xài nên hãng xưởng lần lượt đóng cửa hết. Ba biết hiệu Macy s không, đang chuẩn bị dẹp tiệm..." Tôi nhìn quanh cái nhà  4 phòng đồ sộ của hai vợ chồng, mỗi tháng trả tới 2500$ tiền mortgage, tiền trả hai cái xe mới, tiền bảo hiểm nhà, xe, gửi bill liền liền, tiền property tax tháng 11 tới nơi mà nản lòng, lo sốt ruột giùm con. Mười năm đi làm, ăn xài hoang phí mà chưa để dành được gì ngoài cái nhà ngói đỏ này, mà nhà thì thời buổi này "của thiên trả địa" liền liền, có gì mà chắc chắn.
Em rể tôi sửa xe hãng Mỹ Toyota bị laid off gần năm nay, nhà lại mới mua năm ngoái, lợi tức trong nhà chỉ trông vào mỗi đầu lương duy nhứt em gái tôi làm hãng 13$ một giờ. Em gái kia bên Texas làm Bưu điện 8 năm nay bây giờ cũng đang lo không biết sắp tới bao nhiêu người bị sa thải, hay cho về hưu non, mà cái nhà cũng chưa trả off. Công nghệ computer tiến bộ kinh hồn, cell phone phổ biến rộng rãi đã cướp mất lợi nhuận gửi tin của Bưu điện từ nhiều năm nay. Mẫn may mắn là một trong 3 managers làm ở headquarter của SONY, lương cao, còn giữ được job, nhưng giai đoạn kinh tế này, ai cũng như ngồi trên đống lửa, tối lên giường nằm sáng dậy không biết việc làm có còn không, hay nghe hai tiếng chủ nói "sorry". Tôi vẫn hay trách con, thà cứ làm RN cho nhà thương như xưa còn hơn, y tá thời nào cũng cần, không sợ bị laid off, nhảy qua business để lương cao hơn làm gì cho thêm lo. Business tư nhân sống bằng lợi nhuận, bán ế là nó thẳng tay sa thải công nhân, dẹp tiệm, còn bệnh viện công hay tư, có tiền medicare chính phủ hay các hãng bảo hiểm sức khỏe tư trả cho bệnh nhân, ít khi nào đóng cửa. Làm việc cho bệnh viện không sợ thất nghiệp, nếu mất việc đi apply nhà thương khác, hay cùng lắm ký giao kèo đi săn sóc cho các bệnh nhân giàu tại tư gia cũng đủ sống. Ai cũng có thể nhịn ăn nhịn mặc, không thể "nhịn" vô nhà thương khi nghẹt tim, sưng gan, suy thận...
Cuộc đời con người, từ nhỏ đến lớn, tôi thấy trừ mấy năm về hưu thảnh thơi không kể, không lúc nào hết những âu lo canh cánh, những nghịch cảnh khó khăn phải đương đầu. Ở VN như tôi lúc trẻ phải lo học hành thi cử, lo sao cho đậu tú tài, đại học chuyên môn, để khỏi bị bắt lính, lo có cái nghề vững chắc dể bảo đảm cuộc sống, lo cưới vợ đẻ con, nuôi con. Tạo được cơ sở buôn bán, đi dạy lương cao tưởng đã yên thân thì xảy ra biến cố tháng tư 75, mất việc, vào tù, xã hội nghèo đói, tương lai tối mò, chưa kể có thể bị nhà nước tập trung lại để thủ tiêu bất cứ lúc nào. Lo cho tiểu gia đình rồi đến đại gia đình, 8 đứa em, lo sao cho các em vượt  thoát khỏi VN cho má nhẹ gánh lo, ngày đạp xích lô, cuốc đất, đêm nằm suy tính nát óc tính kế vượt biên an toàn dể cứu đám còn lại. Tới Mỹ chưa kịp mừng, lại phải vất vả lo làm, lo học, mua nhà, bảo lãnh vợ con. Cuộc đời thăng trầm lên voi xuống chó nhiều năm, tiện tặn nuôi con cái ăn học thành tài, rồi lại lo gả chồng cưới vợ cho con thành đạt ở riêng. Đến lúc về hưu, được thong thả chưa dược lâu, chưa đi du lịch non xa xứ lạ bao nhiêu thì kinh tế Mỹ đã tuột dốc, thiên hạ mất jobs như sung rụng, nhà cửa tịch thu nhan nhản, lại phải lo lắng, sợ con cái mất nhà mất cửa, các cháu ăn học dở dang, tương lai vô định.
 Ngủ một giấc khuya rạng sớm hôm sau trên giường, quen mắt, tôi lại thức dậy sớm như mọi hôm. Bên ngoài trời còn tối. Hơi lạnh ngoài cửa sổ tràn vào phòng làm tôi tỉnh ngủ, ngồi thẳng lên nhớ lại đứa con dâu bị laid off, giọng lo lắng đứa con trai trước viễn ảnh tình trạng thất nghiệp kéo dài ở Cali. Vuốt mặt thở dài. Ngần tuổi này vẫn còn phải lo, ở ngay nước Mỹ giàu có mà vẫn phải lo, lo theo cái lo cơm áo, nhà cửa, tương lai của con cháu, của dân Mỹ nói chung.
Người ngoài mất job, ít lo. Con em trong nhà thất nghiệp, lo nhiều. Phụ tử tình thâm, anh em cốt nhục. Bởi còn thương yêu con cái anh em gia đình, còn ái dục, nên mới chuốc lấy lo âu này. Nếu độc thân, xuất gia như tu sĩ, không còn anh em cha mẹ, có lẽ tâm hồn đã rỗng rang, thanh thản rồi. Nhớ thầy Thanh Từ hay quở các cụ già bảy mươi tuổi tới chùa "Thật là tức cười, suốt đời đã vất vả lo cho con nên người rồi, giờ lại lo bao đồng dến cháu, đến chắt, không biết cái mạng mình như ngọn đèn sắp tắt tới nơi, hãy lo tu mau kẻo trễ. Con cháu có nghiệp riêng của chúng nó, mình có nghiệp riêng của mình, không ai cứu được ai hết.”
Biết vậy, mà sao lúc niệm Phật vẫn cứ vơ vẩn buồn lo man mác. Mở Tivi coi cho khuây khỏa lại thấy tin Taliban ôm bom tự sát ở Iraq chết bao nhiêu người, chiến tranh đổ máu leo thang ở Afganistan, nữ sinh viên Việt ưu tú ở Yale bị giết, xác nhét vào trong vách tường. Tin Úc, bắt mẹ con phụ nữ gốc Việt buôn bạch phiến trị giá 5 triệu "đô", bão cát mịt mù ở Sydney tối đen thành phố. Tin VN, tàu Trung quốc bắt cóc ngư dân VN đánh cá ở bờ biển Quảng Ngãi đòi tiền chuộc, CSVN đàn áp công giáo nhà thờ, đánh đập xua đuổi tăng nhân Làng Mai ở Lâm đồng, nhốt tù các nhà tranh đấu dân chủ, tin ba đứa trẻ mồ côi trên dưới 10 tuổi ở An giang phải bỏ học khiêng gạch, khiêng đá chất xuống thuyền kiếm vài ba chục ngàn nuôi ông bà nội già đau yếu...
Đúng là "ba cõi như nhà lửa". Lửa SÂN bên trong con người. Thế giới đã bị lửa bên ngoài bức bách chưa đủ, ngày càng nhiều thiên tai bất hạnh giáng xuống đã đành, tâm con người vẫn cứ tiếp tục tham, sân, si, điên loạn, hãm hại nhau, hiếp đáp nhau, toàn cảnh khổ, không tìm đâu ra một nơi thật sự thoải mái, êm đềm với những con người nhân hậu, mộc mạc, để an hưởng tuổi già... Tâm mình còn vọng động, còn chạy theo vọng cảnh, nên tâm chưa được an.


Ngồi buồn tự hỏi thất nghiệp do đâu mà ra" Do con người sinh sản vô tội vạ, mà tài nguyên trái đất thì ít" Hay do lòng tham con người vô hạn" Đầu tư nhà cửa chứng khoán táo bạo cẩu thả làm chi, cho vay dễ dãi để hưởng lợi nhiều làm chi cho đổ nợ, kéo theo xụp đổ dây chuyền các hệ thống tài chánh toàn cầu. Dân hết tiền thì nhịn tiêu pha, hãng xưởng tiệm buôn đóng cửa, sa thải công nhân. Dân thất nghiệp đóng thuế ít đi thì ngân sách thâm thủng, công chức bị cắt lương, giảm giờ, dịch vụ công cọng, trợ cấp xã hội bị xén bỏ, chính phủ lo trả tiền thất nghiệp trối chết. Hoa kỳ là nước giàu, còn gia hạn trợ cấp thất nghiệp thêm cho dân, thử hỏi các nước nghèo Phi châu, Á châu lấy đâu ra tiền làm việc đó. Mà rồi ngay cả ở Mỹ, phát tiền thất ngiệp cho dân ở không ăn mãi, " núi cũng có ngày lở" Tương lai Hoa kỳ đang chưa biết đi về đâu. Thất nghiệp kéo theo những tệ nạn thiếu niên bỏ học tham gia băng đảng, trộm cướp, vào tù, làm nặng thêm ngân sách đài thọ các trại tù lên đến bạc tỷ mỗi năm.
California thâm thủng ngân sách kêu cứu Liên bang cứu trợ. Liên bang cũng đang nợ thế giới cả ngàn tỷ. Trung quốc là chủ nợ chính cũng lo sốt vó thấy con nợ Mỹ đang khốn đốn, phải "ma giáo" xoay ra o bế, mua chuộc lãnh tụ các nước nghèo yếu để đưa dân mình tới đó làm công, mua đất, lập nghiệp, xâm thực đồng hóa, lại phô trương sức mạnh vũ lực để chiếm biển Đông, biến các nước nhỏ láng giềng thành chư hầu, thuộc địa.
Chiến tranh do đâu mà xảy ra" Do bản năng sinh tồn các nước mạnh, uy hiếp các nước yếu để bán hàng hóa, khai thác tài nguyên, lấn đất mở mang bờ cõi" Vì kỹ nghệ sản xuất võ khí đem lại lợi nhuận tốt" Do cuồng tín hận thù từ các phe nhóm Hồi giáo dùng chiến thuật khủng bố, phục kích chống lại các nước văn minh giàu mạnh" Hay đơn thuần chỉ vì muốn giải quyết nạn thất nghiệp, nhân mãn trong nước mà bắt lính gia tăng quân số"
Bao nhiêu thế kỷ qua, các dân trên trái đất hình như không lúc nào có thể yên ổn sống chung hòa bình được. Hai cuộc Thế chiến thảm khốc vừa qua, chiến dịch tiêu diệt người Do thái rùng rợn của Phát xít Đức, kết thúc với 2 trái bom nguyên tử kinh hoàng ở Nhật năm 1945, chưa kịp phai mờ trong tâm trí nhân loại, đã kéo theo chủ nghĩa Cọng sản Nga Tàu dai dẳng giết chết không biết bao nhiêu triệu mạng người vô tội ở Á châu, kể cả Việt nam. 
Rồi bây giờ, sang thế kỷ 21, chiến tranh vẫn cứ còn lai rai tiếp diễn với lò thuốc súng âm ỷ ở Trung đông, sách lược khủng bố dã man của Taliban, sự bắt bớ, trù dập, thủ tiêu phong trào tranh đấu dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo của các chế độ độc tài, quân phiệt chuyên chế Á châu, sự hăm dọa thí nghiệm vũ khí nguyên tử liên tục của Bắc Hàn bé như hạt tiêu mà sân si, "hung hăng con bọ xít".
Một ngọn lửa khác tấn công ngôi nhà địa cầu của chúng ta nữa là bệnh tật. Tai biến mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường, ung thư, hepatitis ABC, bướu não, phong cùi, AIDS... Riêng căn bệnh AIDS nguy hiểm giết hàng triệu người, chưa tìm ra thuốc chữa, còn kéo thêm các loại dịch cúm gà cúm heo chết người lan khắp thế giới. Đây là sự trừng phạt của Thượng đế vì con người sa đọa dâm dục, hay chỉ là một biện pháp điêu hòa nạn nhân mãn của Đáng thiêng liêng" 
Theo nhiều triết gia hữu thần ngày xưa, các bệnh dịch lây chết hàng loạt vốn là phương cách giảm bớt nạn nhân mãn do Thượng đế trực tiếp điều khiển (dịch hạch, dịch tả, HIV, ung thư, cúm...), trong khi chiến tranh là cách gián tiếp: Ngài mượn bàn tay các bạo chúa loài người có đầu óc bệnh hoạn  tạo nên (Hitler, Lenin, Stalin, Mao trạch đông, Pol Pot...) Khoa học gia càng tìm ra các phương thuốc mới trị tuyệt bệnh cũ, Thượng đế lại cắc cớ gieo rắc thêm các bệnh mới, sinh ra những loại vi trùng độc ác hơn. Nhưng đáng sợ nhất là hiện tượng ô nhiễm môi sinh do văn minh cơ khí gây ra, và nguồn nước ngọt  từ từ cạn dần bởi nhiệt độ bầu khí quyển gia tăng...
Có lẽ tôi bản chất cần kiệm, vì lớn lên trong một gia đình đông con, một nước nghèo nhược tiểu, nên hay lo xa. Đang sống đầy đủ tiện nghi ở Hoa kỳ xứ giàu có bậc nhất thế giới mà lại cứ lo chuyện "con bò trắng răng" hết nước, hết gạo. Các em tôi hay nói tôi nóng nảy, đi đứng hấp tấp, lái xe vội vàng. Đi đứng hấp tấp thì cuộc đời lao đao, vất vã, ba chìm bảy nổi. Lái xe "ào ào" nên hay bị tickets, móp xe, xì lốp. Tôi may được chút no ấm thong thả lúc về già có lẽ nhờ cung Phúc đức tốt, chắc kiếp trước hay bố thí giúp đỡ người nghèo, nên khi gặp nguy hay có quí nhơn xuất hiện kịp thời cứu vớt...
Nhớ  truyện ngắn của Hoàng Thi trên VVNM kể chuyện bà mẹ vì trả tiền nước và "sewage" nhiều mà nổi xùng với loài tôm cá dưới sông dưới biển được chính phủ bảo vệ sự sống, tôi thấm ý, mỗi lần nghĩ tới hay cười một mình. Ý thức được tác hại nguy hiểm của ô nhiễm môi sinh, ai mà không lo, lo khí thải xăng dầu xe cộ, nhà máy làm dơ không khí gây ung thư, bướu não cho con người, lo các nước thải do kỹ nghệ, "bâu xít" đầu độc làm chết dần các giòng sông người dân quê dùng để tắm giặt, ăn uống nấu nướng. Lo chất cặn nguyên tử các nước đóng thùng thả ngâm xuống biển có ngày xì ra làm các loài thủy tộc nhiễm bệnh, lây cho con người ăn phải chất độc hại.
Rồi những phân bón hóa học làm lúa gạo, rau trái, hoa quả mang mầm độc gây bệnh lạ, mạch nước ngầm dưới đất bị nhiễm hóa chất làm ung thư ruột, suy thận, chai gan, giảm thọ con người. Lo hàng hóa thức ăn chế biến dơ bẩn của Trung quốc tràn ngập thị trường ViệtNam, hủy hoại sức khỏe đồng bào, bao nhiêu vụ ngộ độc đã xảy ra nhan nhản ở các trường học, hãng xưởng trong nước...Thêm vào đó, nạn xử dụng hoang phí tài nguyên thiên nhiên, nạn săn bắn vô tội vạ, nạn phá rừng  lấy đất cất nhà, hãng xưởng ở nhiều nước làm chim quý, thú lạ biến mất, đât đai khô cằn dần vì không còn rễ cây giữ nước bên dưới. "Balance" của thiên nhiên bị xáo trộn, gây ra nhiều tai họa khó lường cho sự sống còn của các thế hệ tương lai..
Sau hết là sự hâm nóng địa cầu do khí thải vướng mắc dưới tầng khí quyển bao bọc, gây hiện tượng "nhà kính" làm các tảng băng Nam Cục, Bắc Cực tan chảy khiến mực nước biển dâng cao, lấn đất, nuốt dần nhiều phần đất sống của nhân loại, mà miền Nam nước Việt là một, như các nhà khí tượng thế giới báo động. Lớp khí quyển này không dày, bảo vệ che chở cho sinh vật tránh khỏi tác hại chết người của tia phóng xạ từ mặt trời chiếu xuống. Thế mà quá nhiều khí thải bay lên đã nạo mòn, hay xuyên thủng lớp này lỗ chỗ, khiến tia phóng xạ mặt trời chiếu xuống làm mù mắt, nhức đầu, ung thư da thú vật, cá voi và ngư dân, như chuyện đã từng xảy ra ở vùng biển nước Úc. Trái đất với khí hậu thay đổi còn gây ra những hậu quả khó lường như sóng thần, động đất, bão cát,nước hồ sông ngòi khô cạn...Nạn đói khát và thiếu lương thực rau cỏ ngũ cốc chắc chắn xảy ra vào giữa thế kỷ này, trừ phi Ông Trời thương xót, sinh ra cho thế gian vài vĩ nhân xuất chúng phát minh  được cách lọc nước biển thành nước ngọt, hay tìm ra biện pháp rẽ tiền đưa dân lên cung trăng ở.
Còn bao nhiêu là vấn đề nan giải khác nữa cho cuộc sống còn của cư dân trái đất này: ganh ghét vì sở hữu đât đai tài nguyên không dồng đều các nước, kỳ thị chủng tộc và tôn giáo, sự đối xử tàn nhẫn với nhau do lòng tham lam ích kỷ, danh dự và sống còn của dân tộc mình, một khi con người bắt đầu lâm vào cảnh đói khát, kiệt cạn tài nguyên lương thực...  Đến lúc đó, có lẽ nhiều người sẽ thấy điều Phật nói là chí lý:  "Ba cõi như nhà lửa", địa cầu là một cái nhà nhỏ đang bị nhiều ngọn lửa bao vây không biết xụp đổ lúc nào mà trong đó con người vẫn cứ mãi mê tranh dành các thứ đồ chơi vật chất, chế tạo các thứ vũ khí giết người tinh vi để uy hiếp, bóc lột nhau, thỏa mãn lòng tham và sân hận  do "vô minh"gây ra. Đức tin mù quáng Hồi giáo, chủ trương khủng bố giết người để làm vui lòng Thượng đế cũng là lượng dầu lớn đổ thêm vào ngọn lửa đang thiêu đốt trái đất, ngôi nhà quí giá duy nhứt của nhân loại. Cho nên, mạng sống của địa cầu, dài hay ngắn, theo tôi, tùy thuộc vào sự kiện chúng ta có được nhiều hay ít các vị lãnh đạo quốc gia nhân đức, thương người, tài ba, xứng đáng, cũng như bao lâu mà các tôn giáo vị tha trên thế giới còn được tôn trọng và truyền bá...
Cầu sao cho địa cầu được Ơn Trên phù hộ bình an lâu dài, con người muông thú được no đủ hạnh phúc mãi mãi..Nhưng mà lời cầu nguyện này tự nó cũng đã sai lầm. Vì cái gì có sinh tức phải có lúc diệt. Luật "thành, trụ, hoại, không" không chừa bất cứ cái gì trong thế giới hữu vi.  Chúng ta phải mở rộng tình thương bao la, làm mọi sự lành cứu giúp chúng sanh, an hạnh "tri túc", không tham đắm vào bất cứ cái gì trên trái đất này nữa, mới mong trong tương lai được cùng nhau tái sinh trong một thế giới an lành, tốt đẹp, hoàn mỹ hơn, nếu không nói là bất sanh bất diệt ...
PHC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến