Hôm nay,  

Tôi Thi Quốc Tịch Mỹ

04/10/200900:00:00(Xem: 133295)

Tôi Thi Quốc Tịch Mỹ

Tác giả: Huyên Chương Quí
Bài số 2745-1628816- vb8100409

Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài “Tình Người”, kể về một thời từng lỡ bước thành người homless tại San Francisco, với nhiều kinh nghiệm quí và chi tiết sống thực. Ông thuộc lớp tuổi trên 50, định cư tại Mỹ cuối tháng 4/ 1982. Hiện là cư dân quận Cam, làm nghề bảng hiệu. Bài viết mới kể chuyện tác giả vừa đi thi quốc tịch và tuyên thệ làm công dân Mỹ với tên mới là Khải Huy. Xin chúc mừng ông.

***
- Quý vào công dân Mỹ năm nào vậy"
-  Chưa thi lấy đâu công dân Mỹ.
Lộc trợn mắt nhìn tôi:
-  Trời đất! Ông qua Mỹ hai mươi mấy năm mà chưa chịu thi quốc tịch Mỹ. Có khùng không"
Tôi cười ha hả rồi cầm ly bia lên:
-  Cụng. Làm hết ly bia rồi tôi nói cho nghe. - Hết ly này thôi nhen
Hai cái ly chạm nhau nghe cái cạch. Lộc ực hết ly bia rồi nói tiếp: - Nói đi. Lý do gì mà chê cái chức công dân Mỹ"
-  Như vầy. Mười năm trước, 1998, tôi đã nộp đơn thi quốc tịch rồi. Ngày phỏng vấn, nhân viên Di trú hỏi tôi tại sao không ghi danh thi hành quân dịch. Họ cho tôi tờ giấy yêu cầu ra bưu điện ghi danh quân dịch, trong vòng một tháng phải gửi bổ túc vào hồ sơ để được phỏng vấn lần hai.  Ông biết đó, thời hạn ghi danh quân dịch từ 18 đến 26 tuổi. Năm 1982 tôi đến Mỹ, còn trong hạn tuổi. Nhưng không có ai cho tôi biết cái luật ghi danh quân dịch này. Cứ vậy, đến ngày phỏng vấn đó tôi mới biết. Bấy giờ tôi mới đi ghi danh. Nửa tháng sau, cơ quan Selective Service gửi giấy cho biết tôi đã quá tuổi ghi danh. Tôi chưa biết làm sao. Lần lựa đến vài tháng sau, tôi nhận được giấy của cơ quan Di trú thông báo đơn xin nhập tịch Mỹ của tôi bị từ chối. Tôi thấy chán quá, mãi đến giờ vẫn không nghĩ đến chuyện nộp đơn thi lại lần nữa.
 Lộc lắc lắc cái đầu: 
-  Chuyện chỉ vậy mà ông thấy chán. Quyền lợi ông, ông phải cố gắng chớ. Nộp đơn lần này không được thì lần khác nộp đơn thi nữa. Hồi đó người ta đòi hỏi như vậy, bây giờ qua lâu rồi chắc khác. 
-  Đúng rồi. Tôi cũng nghĩ vậy. Gần đây có vài bà chị kết nghĩa cũng nhắc nhở tôi lo thi quốc tịch đi, để có thể về Việt Nam lấy vợ. Tôi biết, ngoài việc lấy vợ ở Việt Nam, mình còn có nhiều quyền lợi ở Mỹ nữa. Như, có thể đi bầu cử, có thể không bị trục xuất về Việt Nam nếu lỡ mình có vi phạm pháp luật. Còn nhiều quyền lợi khác nữa khi về già.
-  Ông biết vậy thì lo làm hồ sơ ngay đi. Rồi lấy vợ. Ông cái gì cũng muộn màng. Tóc đã có nhiều cọng bạc rồi kìa, cứ nằm đó mà ca cẩm:  "Chỉ vì đời mình chưa có bình minh!". Thế ông đã có quen cô nào ở Việt Nam chưa"
 Tôi cười xòa: 
-  Cũng chít chát, email qua lại với hai cô bạn ba năm nay. Thấy được lắm. Tôi chưa biết nên chọn cô nào. Chắc phải về Sài Gòn gặp tận mặt. Tìm hiểu cho kỹ mới quyết định chọn cô nào... Làm thêm lon nữa nhé.
Lộc xua tay: 
-  Không được nữa. Hai lon là vừa. Còn phải lái xe về. Không khéo thì khổ vợ con. Tôi với ông thân nhau quá, còn nhiều dịp. Tôi chỉ có ý kiến này. Đàn bà, con gái ở Sài Gòn bây giờ ghê lắm. Nó chít chát với mình trên mạng rất ngọt ngào, cái gì cũng dạ, cái gì cũng chìu theo ý mình, hứa sẽ hết lòng yêu thương, chung thủy với mình trọn đời, nhưng khi đưa nó qua Mỹ, có được thẻ xanh rồi là nó tưng tưng đi theo thằng khác ngay. Nó chỉ lợi dụng mình làm cái cầu cho nó đi qua Mỹ thôi.
Tôi gật đầu:
-  Lộc nói cũng đúng. Nhưng không phải cô nào cũng vậy đâu. Tôi thấy nhiều cặp sống với nhau năm, bảy năm rồi vẫn hạnh phúc lắm. Hên xui, may rủi một phần, phần khác là do mình chịu khó tìm hiểu tư cách, tính tình người ta. Tôi tin tưởng ở tuổi này, ông Trời sẽ thương cho tôi có được người vợ tốt.
-  Tôi cũng hy vọng vậy. Thi quốc tịch lẹ lẹ đi, rồi cho tôi được uống rượu mừng. Thôi tôi về. Lúc khác gặp.
-  Vâng. Bye Lộc. Lái xe cẩn thận.
 Sau buổi nói chuyện với Lộc, tôi đi lo ngay hồ sơ thi quốc tịch Mỹ. Đến tiệm ABC chụp hình, mua cuốn tài liệu học thi. Đến văn phòng người bạn thân tên Hoàng nhờ điền đơn N-400 Application for Naturalization. Chỉ trong một ngày, tôi đã hoàn tất hồ sơ và gửi đi ngay. Hôm đó là ngày 8 tháng 12 / 2008, đúng ngày sinh nhật tôi. Hoàng cho biết thời gian này Sở Di Trú giải quyết hồ sơ quốc tịch nhanh lắm, lo học thi cho kịp.
Tôi không lo việc học thi vì theo luật định, trên 50 tuổi, ở Mỹ 25 năm thì được thi tiếng Việt. Việc học thi 100 câu hỏi và trả lời bằng tiếng Việt, đối với tôi, dễ quá. Chỉ ba ngày là tôi học thuộc hết. Tôi chỉ lo lần này không biết có bị hỏi về việc ghi danh quân dịch hay không. Nên gửi hồ sơ đi rồi mà lòng tôi không yên.
Cơ quan Di trú làm việc nhanh chóng đúng như lời Hoàng nói. Một tháng rưởi sau, tôi nhận được giấy báo đi lăn tay (Fingerprint Notification); hai tháng rưởi sau nữa nhận được giấy hẹn đi phỏng vấn (Request for Applicant to Appear for Naturalization Initial Interview) tại U.S Citizenship and Immigration Services, 34 Civic Center, Santa Ana., vào ngày 28 / 4 / 2009. Buổi tối trước ngày đi phỏng vấn, tôi nhờ Lộc làm giám khảo hỏi tất cả 100 câu hỏi, tôi đều trả lời đúng. Giám khảo Lộc cho tôi 100 điểm. Tôi yên tâm ngủ một giấc.
Giấy hẹn của Sở Di trú ghi 7 giờ rưởi sáng, tôi đã có mặt từ 6 giờ. Trước cửa cơ quan Di trú, chưa có bóng dáng một người nào. Đến 7 giờ, có vài cặp nam nữ người Việt đi tới, xếp hàng trước cửa. Tôi cũng vội đứng vào hàng. Anh người Việt đứng trước tôi lấy ra điếu thuốc định châm hút, cô gái đi cùng với anh cản lại:
     -  Anh, đừng hút thuốc ở đây. Họ gắn camera nhìn thấy mình hết đó. Coi chừng bị cho rớt.
Nghe cô nói có vẻ nghiêm trọng quá, tôi nhìn chung quanh cửa, chẳng thấy có máy camera nào cả. Tôi nghĩ ai mới đi thi quốc tịch đều có tâm trạng lo cái này, sợ cái nọ. Hàng người bây giờ đã dài. Tôi quay lại hỏi thăm một chị phía sau tôi: 
-  Chào chị. Chị mới đi thi lần đầu hở"
 Chị lắc đầu: 
-  Tháng rưởi trước thi một lần rồi. Bị rớt. Khó lắm anh. 
-  Tôi nghe nhiều người nói thì có vẻ dễ lắm. Họ xem hồ sơ hợp lệ mọi thứ rồi hỏi 10 câu hỏi, nếu trả lời đúng 6 câu là cho đậu.
-  Cũng hên xui, may rủi thôi anh. Gặp người khó tánh, họ hỏi tùm lum chuyện. Như trường hợp của tôi.
Nghe chị nói, tôi thấy hồi hộp. Không biết hôm nay tôi sao đây" Tôi cầu nguyện thầm trong đầu, xin Ơn Trên thiêng liêng phù hộ cho tôi được gặp người phỏng vấn dễ tánh.
Đúng 7 giờ rưởi, nhân viên an ninh cho mọi người vào trong. Chúng tôi được hướng dẫn lên phòng chờ đợi ở tầng 2. Cả phòng, cũng phải trên 50 người, đủ các sắc tộc. Đúng 8 giờ, một người Việt trẻ ngồi trước tôi ở hàng ghế đầu được gọi vào đầu tiên. Cô gái ngôì kế bên quay nhìn tôi nói nho nhỏ:  
- Hồi hộp quá. Anh có lo không"
 -  Tôi cũng thấy lo lo như cô. Cô mới thi lần đầu hở"
-  Dạ.
-  Cô qua Mỹ mấy năm rồi"
-  Dạ năm năm. 
-  Cô qua theo diện gì"
-  Theo diện vợ chồng. Đáng lẽ em thi hai năm trước, nhưng vì lu bu chuyện, đến bây giờ mới thi. Còn anh thì sao"
-  Tôi qua Mỹ đã hơn 25 năm, giờ trên 50 tuổi nên được thi tiếng Việt. 
-  Vậy thì anh sướng rồi, lo gì không đậu. Còn em phải học vấn, đáp bằng tiếng Anh. Mệt lắm !. 
-  Cô tự tin thuộc hết chưa"
-  Cũng có tự tin một phần, nhưng vẫn thấy hồi hộp.
-  Tự tin thuộc bài là được rồi. Yên tâm đi. Chúc cô may mắn.
-  Dạ. Cảm ơn anh.
Cánh cửa phòng phỏng vấn mở ra, một nhân viên người Mỹ trắng gọi tên:  Quy Anh Ly. Tôi lật đật đứng dậy, đi nhanh tới cửa chào ông. Ông dẫn tôi vào một phòng nhỏ. Vừa vào tới phòng, ông ngồi ngay vào ghế, tôi thì đứng trước bàn làm việc của ông. Ông bảo tôi giơ tay phải lên tuyên thệ. Ông nói một tràng dài bằng tiếng Anh. Tôi hiểu đó là lời tuyên thệ tất cả những lời khai của tôi trong hồ sơ và tại buổi phỏng vấn hôm nay hoàn toàn đúng theo sự thật. Sau khi tôi trả lời:  Yes, ông bảo tôi ngồi xuống ghế. Tôi nghĩ mình phải được phỏng vấn bằng tiếng Việt, sao lại gặp ông người Mỹ, nên tôi nói ngay: 
-   I am Vietnamese. I am now fifty one years old. And I have been United States over twenty five years. May I take a Vietnamese test"
  Nghe tôi nói, ông lật lật xem nhanh các tờ trong hồ sơ, rồi gật đầu: 
-   Ok ! You right.
  Ông đứng dậy dẫn tôi trở ra phòng chờ đợi, bảo tôi ngồi chờ, sẽ có nhân viên người Việt phỏng vấn tôi.
  Khoảng 30 phút sau, một nữ nhân viên người Việt gọi tên tôi. Tôi lại lật đật đến chào chị rồi theo chị vào phòng làm việc của chị. Tôi cũng phải làm thủ tục đứng giơ tay phải lên tuyên thệ, xong mới được ngồi. Chị xem qua hồ sơ rồi hỏi tôi một số chi tiết lý lịch, xem tôi trả lời có đúng như đã khai trong hồ sơ không. Nhiều lúc tôi dạ, thưa khi trả lời chị, chị nói: 
-   Anh đừng dạ, thưa dài dòng. Chỉ trả lời có, không ngắn gọn theo câu hỏi của tôi. Tôi không có nhiều thời giờ. 
 Tôi hơi run, nghĩ thầm:  Ái cha ...coi bộ chị này hơi khó à nhen! Nhưng tôi lấy lại bình tỉnh ngay khi thấy mặt chị vui lên và trấn an tôi: 


-   Không có gì đâu, anh đừng có lo. Tên mới của anh là Khải Huy phải không" Sao đổi tên vậy"
       -  Tại tôi thấy tên cũ gắn liền với một thời nhiều trắc trở, đau buồn. Tôi đổi tên Khải Huy nghe có vẻ sáng sủa, ý nghĩa hơn.
 Chị cười, nói: 
-   Thôi được rồi, bây giờ tới phần vấn, đáp lịch sử Mỹ.
 Tôi vui vui khi cảm thấy bầu không khí không còn nặng nề nữa. Chị hỏi 6 câu rất dễ. Tôi trả lời đúng hết. Chị cho biết ngay kết quả: 
-   Anh đậu rồi nhen. Chúc mừng anh. Anh về nhà chờ, khoảng một tháng sau sẽ nhận được giấy thông báo đi tuyên thệ.
  Chị đưa cho tôi tờ giấy có đánh dấu X vào hàng chữ đậm:  Congratulations! Your application has been recommended for approval. Tôi sung sướng, cảm thấy người nhẹ nhàng, sảng khoái muốn bay lên đụng trần nhà luôn. Tôi cảm ơn chị rồi đứng dậy rời khỏi phòng; bước chân phiêu phiêu, miệng cười tủm tỉm hoài cho đến khi ra khỏi cơ quan Di trú.
  Nửa tháng sau, tôi nhận được giấy báo đi tuyên thệ (Form N-445, Notice of Naturalization Oath Ceremony), 12 giờ rưởi ngày 28 tháng 5 / 2009, tại US District Court Central, Los Angeles County Fairgrounds, Building 4, Pomona. Tôi mừng quá, gọi phone cho Lộc ngay. Lộc nói: 
-  Chúc mừng! Chúc mừng! Phải có một chầu nhà hàng sau khi đi tuyên thệ về nhen.
      -  Dĩ nhiên rồi. Làm sao quên được ông thày.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là tới ngày. Tôi mở báo xem các mẫu rao vặt dịch vụ đưa đón đi tuyên thệ, chọn đại một số phone gọi ngay. Gặp một anh tên Thiện. Anh cho biết sẽ có thêm vài người nữa đi chung xe, nên giá tiền đưa đi, đưa về được rẻ hơn, chỉ $35 một người. Vậy là yên tâm, tôi ăn ngon, ngủ yên chờ ngày đi tuyên thệ.
Tới ngày, anh Thiện đến đón tôi lúc 9 giờ rưởi sáng. Trên xe đã có sẵn ba nữ, một nam. Cả đám chào nhau vui vẻ. Tôi lớn tuổi nhất nên được xếp ngồi ghế trên. Anh Thiện ngồi vào tay lái, rồ máy xe rồi nói đùa:  
-  Rồi. Bây giờ các tân công dân ưu tú của nước Mỹ giàu mạnh lên đường.
 Một chị trẻ nhất trong đám, khoảng trên 30, cười khúc khích: 
-  Chưa tuyên thệ sao gọi là công dân Mỹ được anh"
 Chị lớn tuổi nhất, khoảng 45, góp tiếng: 
-  Từ lúc mình đậu phỏng vấn coi như công dân Mỹ rồi. Tuyên thệ chỉ là hình thức thôi.
 Chị thứ ba  khoảng 40 tuổi cải lại: 
-  Thì phải qua đủ các thủ tục mới chính thức là công dân Mỹ chớ.
 Đúng là ba bà họp lại thành chợ. Nhưng nhờ có các chị chuyện trò rôm rả, chuyện nhà cửa, con cái, chuyện giá cả rau, trái, thịt bò, heo, gà ở các chợ, thời giờ qua thật nhanh. Chẳng bao lâu xe đã tới địa điểm. Cả đám lục tục xuống xe. Anh Thiện nói khoảng 2 giờ chiều sẽ trở lại đón chúng tôi, rồi vọt xe đi ngay.
 Chúng tôi năm người, bấy giờ mới giới thiệu tên làm quen với nhau. Chị lớn tuổi nhất tên Mai. Chị trẻ nhất tên Ngọc. Chị nửa chừng xuân tên Hồng. Anh bạn trẻ tên Tùng. Nhìn vào bên trong khuôn viên địa điểm, một tòa nhà to lớn, người người tụ tập đông đảo bên hông phải tòa nhà. Chúng tôi đi về phía hông trái tòa nhà. Ở đây còn đông vui hơn nữa. Cũng phải mấy ngàn người. Đủ các sắc dân:  Việt, Mễ, Tàu, Phi, Hàn, Nhật...Có nhiều người da trắng, da đen, không biết người nước nào. Cảnh tượng thật náo nhiệt. Tiếng nói, cười ồn ào cả một vùng. Ở cách một khoảng xa hông tòa  nhà có nhiều người bu quanh các gian hàng bán thức ăn, nước uống. Gần cửa tòa nhà, nhiều anh người Mễ bưng thùng đi loanh quanh mời mọi người mua các bìa cứng đủ màu, xanh, đỏ, trắng. Loại bìa cứng này dùng để cất giữ chứng chỉ quốc tịch Mỹ  (Certificate of Naturalization), giá $10. Chúng tôi, mỗi người mua một cái, chọn màu theo ý thích, rồi đứng vào hàng chờ đợi.giờ vào toà nhà làm lễ tuyên thệ.
Thời gian đứng chờ đợi là dịp cho ba bà nói chuyện chồng con, chuyện trên trời, dưới đất, đến chuyện học thi quốc tịch. Tôi và Tùng chỉ đứng lắng nghe. Chị Mai, người nhỏ nhắn, nói giọng Bắc:
     -  Tôi xui nên thi lần đầu gặp ngay một bà Mỹ khó tánh. Bả không hỏi gì về lý lịch trong hồ sơ hay các câu vấn, đáp lịch sử Mỹ. Bả hỏi toàn mấy chuyện tào lao về sinh hoạt học hành và đời sống ăn, ở, giải trí của tôi. Nói chuyện một hồi, bả phán tiếng Anh tôi còn kém lắm, về học ESL thêm khóa nữa rồi mới đi thi quốc tịch. Tức không"!. Tôi cũng phải về đi học thêm một khóa ESL theo lời bả biểu. Học ngày, học đêm. Hết mấy tháng trời.
 Ngọc hỏi: 
-  Rồi chị học luyện thi quốc tịch ở đâu"
      -  Tôi học tư ở nhà ông thày Trung. 
-  Có phải thày Trung khoảng 50 tuổi, người Bắc, dáng cao cao không"
      -  Đúng rồi. Ổng đó. Dạy tận tâm lắm.
      -  Ô! Em cũng học chổ ổng. Vậy làm tuyên thệ xong, hôm nào em với chị đãi thày Trung một bửa để cảm ơn nhen.
Chị Mai nói OK, rồi hỏi Hồng:  
-  Còn Hồng học ở đâu" 
-  Em học ở văn phòng Cứu người vượt biển. Trên đường Bolsa đó. Họ dạy cũng tận tình lắm. Thử test cho điểm từng người.
Ngọc nhìn về phía tôi và Tùng, hỏi: 
-  Nảy giờ tuị em nói chuyện tùm lum, anh Huy với Tùng cứ nín thinh thế. Anh Huy giới thiệu sơ về anh đi.
      -  Tôi 52 tuổi. Ở Mỹ hai mươi mấy năm rồi, đến giờ mới vào quốc tịch.
      -  Anh có mấy cháu rồi"
      -  Tôi chưa từng có vợ lấy đâu con với cháu.
 Hồng góp tiếng: 
-  Trời đất ! Lớn tuổi vậy mà chưa có vợ. Chắc tại anh kén chọn quá chớ gì"
 Chị Mai cười, nói: 
-  Chịu làm em rể tôi không" Em gái tôi ở Việt Nam hiền, ngoan, lại đẹp lắm.
 Ngọc chỉ về Hồng:
     -  Đây nè. Đi đâu Việt Nam cho xa. Hồng đang phòng không, chiếc bóng chờ anh đó.
        Tùng cười ha hả:
     -  Rồi. Đúng địa chỉ. Đợi gì nữa, anh Huy. Xin số phone liền đi.
        Hồng cũng chẳng vừa:
     -  Em có tiệm nail, có sẵn nhà nữa. Chịu thì cho em số phone.
        Xui cho tôi, gặp ba bà này đáo để quá. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ cười cười cho qua chuyện. Vừa đúng 12 giờ trưa, đoàn người được cho vào hội trường. Từng nhóm, từng nhóm thứ tự đến các bàn trả lại thẻ xanh và nhận phiếu có số ký danh để sau khi làm lễ tuyên thệ xong thì trở lại bàn nhận chứng chỉ quốc tịch.
Trước khi ngồi vào hàng ghế, tôi nhìn quanh. Người người đã ngồi kín cả hội trường. Tôi ước tính cũng khoảng 4,000 người. Trên sân khấu, một số nhân viên tòa án đã ngồi sẵn sau một cái bàn thật dài. Đúng 1 giờ trưa, bà Chánh án từ bên trong hậu trường bước ra sân khấu. Giờ làm lễ đã đến.Tất cả mọi người trong hội trường đứng lên giơ cao cánh tay phải, nghe bà Chánh án đọc lời tuyên thệ. Sau phần tuyên thệ, tất cả mọi người ngồi xuống chăm chú nhìn lên màn ảnh xem phim giới thiệu về nước Mỹ. Kế tiếp là hình ảnh Tổng thống Obama đọc lời chúc mừng các tân công dân Mỹ. Tiếng vổ tay rào rào của cả 4,000 người trong hội trường nghe thật vui tai. Sau cùng, tất cả mọi người đứng dậy làm lễ chào quốc kỳ Mỹ. Tôi cảm thấy lâng lâng, vui sướng khi tiếng hát quốc ca Mỹ cất cao, vang vọng khắp hội trường.
Lễ tuyên thệ bế mạc. Lại từng nhóm, từng nhóm theo số ký danh đến các bàn nhận chứng chỉ quốc tịch. Tôi và Ngọc lấy chứng chỉ ở cùng một bàn. Ngọc nhìn vào tờ chứng chỉ của tôi, thấy tên tôi vỏn vẹn hai chữ Khai Huy, Ngọc ngạc nhiên hỏi: 
-  Sao anh không lấy tên Mỹ"
 Tôi cười, trả lời: 
-  Anh không quen với tên Mỹ cho mình. Thấy kỳ kỳ sao đó. Anh ở Mỹ lâu năm nhưng tâm hồn vẫn rất Việt Nam, nên chỉ thích lấy tên Việt. Cũng có thể anh nhà quê quá. Thôi mình đi. Anh Thiện chắc trở lại rồi đó.
 Đúng như tôi đoán, anh Thiện đã chờ ở parking. Anh mua sẵn cho mỗi người một ổ bánh mì, một chai nước. Cả đám lại lom khom lên xe. Trên đường về, ba bà đã thân hơn nên nói chuyện, đùa giởn với nhau rất vui. Xe gần về tới khu Apartment của tôi, Ngọc nói: 
-  Giờ chia tay với anh Huy tới rồi. Hồng có nhắn nhe gì không"
Hồng cười khúc khích: 
-  Có duyên gặp lại. Hay khi nào anh Huy có vợ thì báo cho tụi em đến góp vui.
 Chị Mai nói vào: 
-  Đúng rồi. Nhớ mời cả đám hôm nay nhen.
 Tôi gật đầu: 
-  Chắc chắn rồi. Mời anh Thiện với Tùng nữa. 
 Xe ngừng lại, tôi bắt tay anh Thiện, nói lời chào từng người rồi xuống xe. Cả đám vẫy vẫy tay tạm biệt. Tôi cũng vẫy vẫy tay chào lại cho đến khi xe chạy đi.
 Tôi đi vào khu Apartment. Lại một lần nữa, bước chân tôi phiêu phiêu như muốn bay lên cao. Tôi sẽ nhớ mãi ngày 28 tháng 5 / 2009. Một kỷ niệm thật đẹp, thật vui vẻ. Vào nhà, tôi nhón người và giơ thẳng hai cánh tay lên, hét lớn:  Tôi đã chính thức trở thành công dân Mỹ rồi ! La lá la la...La là la !...
Huyên Chương Quý

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến