Hôm nay,  

13 Tiệm Mongolian Grill, Chủ Việt

26/09/200900:00:00(Xem: 141172)

13 tiệm Mongolian Grill, Chủ Việt

Tác giả: Đỗ Tiến Bình Minh
Bài số 2738-16208809- vb792609
 
Tác giả sinh năm 1952, khóa 29 Võ Bị Đà Lạt, cựu thuyền trưởng, là tác giả đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2001, với bài viết đặc biệt "Nghề Đánh Tôm Tại Texas" ký bút hiệu Bình Minh. Sau 8 năm vắng mặt, Đỗ Tiến Bình Minh viết trở lại. Bài gần đây nhất của ông là “Thăm Trại Gà Tại Austin, Texas” do một cựu võ bị làm chủ, phổ biến ngày 25 tháng Bẩy,  rất được hâm mộ. Bài mới là kinh nghiệm làm ăn của một cựu võ bị khác, chủ nhân hệ thống 13 tiệm ăn Mongolian Grill.

 

 

 

Hình ảnh theo chiều kim đồng hồ:  1. Mount Rushmore với tượng 4 Vị Tổng Thống. (Từ trái: George Washington,  Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt; Và Abraham Lincoln); 2. Đầu bếp tiệm Mongolian Grill đang trổ tài; 3.  Chủ nhân và các nữ tiếp viên; 4. Một góc của tiệm ăn. Và 5. Chủ nhân Nguyễn Đức An và Nhà Hàng.

***

 

Thành phố Rapid City thuộc tiểu bang South Dakota có một kỳ quan rất nổi tiếng, đó là bức điêu khắc tượng bốn vị Tổng Thống  trên đỉnh núi đá hoa cương Mount Rushmore. Tôi ở Omaha trên mười năm, nhà chỉ cách Mount Rushmore có tám tiếng lái xe mà chưa bao giờ có cơ hội đặt chân đến nơi này. Mãi cho đến khi dọn về thành phố Mesa thuộc tiểu bang Arizona ở cách Rapid City xa lắc xa lơ, cơ hội mới đến.
Đó là nhờ lời mời của  Nguyễn Đức An, một anh bạn mới quen, là chủ nhân của hệ thống nhà hàng Mongolian Grill. Anh có một nhà hàng ở đó muốn nhờ tôi đến góp ý về việc mở thêm suất ăn sáng đặng có thêm lợi tức cho tiệm, tôi nhận lời ngay vì đang rảnh rang và cũng muốn đến tận nơi để chiêm ngưỡng bức tượng có một không hai ở thành phố này.
Tôi quen Nguyễn Đức An hai năm trước trong một buổi liên hoan của Hội Võ Bị Vùng Arizona được tổ chức tại tư gia của anh. Anh thuộc khóa 31- là khóa em út trong trường. Khóa 31 chỉ mới xong tám tuần huấn nhục, vừa kịp chinh phục đỉnh Lâm Viên để được gắn Alfa lên cầu vai là phải di tản khỏi trường rồi tan hàng vì mất nước .
Vượt biên qua Mỹ  năm 1982, định cư ở Pittsburgh Pennsylvania. An trở lại trường, học lấy xong bằng kỹ sư điện năm 1987, làm việc cho  National Semiconductor, rồi cho Micron Technology, cuối cùng chuyển sang làm cho Motorola được mấy năm thì bị hãng gửi về đuổi gà cho vợ.
Không chấp nhận cuộc sống nhàm chán, anh bỏ vợ con ở lại Mesa để một mình đi chu du qua khắp các tiểu bang của nước Mỹ. Anh đã từng ghé qua Idaho, Oregon, Colorado, Minnesota, Montana, South Dakota.... Đi qua mỗi thành phố, thấy có điều kiện thuân lợi anh cho mở  một vài tiệm ăn kiểu Mongolian Grill. Kiếm người trông coi rồi tiếp tục chu du sang tiểu bang khác để tìm chỗ mở thêm tiệm. Cứ như thế, anh đã mở đến tiệm thứ 13.
Lúc đầu nghe mấy người bạn trong nhóm kể về anh như thế tôi không tin lắm, bởi vì thấy anh ta sống ung dung thoải mái quá, không có vẻ bận rộn như các chủ nhân ông khác. Hãy thử nghĩ xem, mỗi tháng anh có mặt ở nhà riêng của anh ở Mesa ít nhất là 10 ngày, mà anh có mặt ở nhà thì dễ biết lắm, vì không sót ngày nào, mặt trời mới ló dạng là anh gọi phôn rối rít dựng đầu ba anh em Võ Bị khác sống trong cùng thành phố dậy để đi uống Café với anh. Ba anh chàng đó là Niên Trưởng Cẩn khóa 21, Triết khóa 31 và tôi khoá 29. An nói, anh chỉ bận bịu vào mấy ngày cuối tháng đi phát lương cho nhân viên, và giải quyết vài ba công chuyện của các quản lý Nhà hàng yêu cầu, ngoài ra thì chẳng có chuyện gì để làm, nên về căn cứ "B-1" nghỉ ngơi.
Làm chủ công ty mà có cuộc sống nhàn nhã, thảnh thơi như thế cũng dễ hiểu thôi, vì công việc mình đã giao hết cho nhân viên làm rồi, đâu cần gì phải bận tâm. Điều làm tôi thắc mắc hơn, chính là nơi con người của anh ta. Tôi đã từng đi ăn với An không biết là bao nhiêu lần, cho đến nay, tôi vẫn nghi ngờ là miệng anh ta không có vị giác, anh ăn gì cũng thấy ngon miệng dù là ăn phải những món ăn rất tồi, đã thế anh lại không biết nấu nướng. Tôi nghĩ anh chỉ biết nấu mì gói và luộc trứng là cùng, vì hồi còn ở trong trường Võ Bị anh đã từng làm việc đó. Ấy thế mà anh đang làm chủ nhà hàng đấy! Mà còn lại làm chủ tới 13 cái mới thật đáng nể.
An nhiều lần rủ rê chúng tôi đến thăm tiệm của anh cho biết, nhưng bận rộn quá, nay mới có cơ hội.
Tôi và An hẹn gặp nhau ở Sioux Falls để cùng lái xe đi Rapid City. An lái xe đi từ Mankato đến Sioux Falls chờ tôi ở đó từ đêm qua. Thực ra, lái xe từ Mankato đến Sioux Falls chỉ mất độ hai tiếng đồng hồ là cùng. Sáng sớm ra, lái xe đi cũng kịp gặp nhau ở điểm hẹn, nhưng An muốn đến sớm hơn và ngủ trọ ở khách sạn, mục đích là để sáng dậy kịp mua bán stock kiếm thêm mấy trăm đô la xài chơi trước khi hai anh em lái xe đi Rapid City - An có cái thú mua bán stock mỗi ngày để kiếm thêm tiền đãi anh em uống café. Không biết anh ta có số may mắn hay chơi stock giỏi mình không biết nhưng it khi anh ta bị thua lắm, với số vốn 25 ngàn, mỗi ngày anh kiếm lời dăm bảy trăm đô là chuyện thường.
Chúng tôi rời Sioux Falls lúc 10 giờ sáng, đường sá thật tốt và vắng vẻ, thỉnh thoảng mới gặp một vài chiếc xe đi ngược chiều. Hai bên đường lác đác những đàn bò khoang đen trắng đang chăm chỉ gặm cỏ, cảnh tượng đó cho ta cái cảm giác an bình.
Tiệm Mongolian Grill của An rộng khoảng bảy ngàn square feet với hơn 350 chỗ ngồi. Tiệm tọa lạc trên đường LaCross Street, đây là một trong những con đường sầm uất bậc nhất của Rapid City. Nếu xét theo phong thủy, địa điểm làm ăn của anh thật là lý tưởng: Phía trước mặt tiệm bên kia đường là một sân chơi mini golf có suối nước chảy róc rách rất đẹp mắt. Phía sau tiệm là rặng núi Rocky Mountains chập chùng ẩn hiện xa xa coi rất ngoạn mục.  Xung quanh tiệm được bao bọc bởi hàng mấy chục khách sạn to nhỏ. Những khách sạn đó nằm rất gần tiệm ăn của An, gần đến độ có thể đi bộ đến tiệm để ăn. Có quá nhiều điều kiện thuận lợi nên tiệm của anh có khách đến ăn rất đông.
Đây là lần đầu đầu tiên tôi bước chân vào một tiệm ăn kiểu Mongolian Grill. Trước kia tôi cứ nghĩ ở tiệm ăn loại này, thực đơn của họ chắc sẽ phải dùng rất nhiều thịt bò, thịt trừu hoặc thịt dê để nấu nướng, bởi vì khi nói đến xứ Mông Cổ thì ai cũng nghĩ đến đồng cỏ và chăn nuôi bò, nuôi dê, nuôi trừu ... Nhưng mọi thứ đều ngoài trí tưởng tượng của tôi. Thực đơn của Mongolian Grill chẳng có món thịt bò, thịt bê gì ráo mà chỉ có đơn độc một món ăn y hệt như món mì  xào mà mình thường ăn ở các tiệm tàu hoặc tiệm Việt Nam, chỉ khác có cái là tại đây đầu bếp biểu diễn xào mì ngay trước mặt của thực khách trong lúc thực khách đứng chờ.
 Mì được xào trên một vỉ nướng thật lớn bằng gang, hình tròn phẳng mặt, được nung đốt bằng gas thật nóng, lửa nóng đến bảy tám trăm độ F nên mỗi tô mì chỉ nấu mất khoảng 30 giây là xong.
Bước vào tiệm ăn, thực khách được mời xếp hàng chọn một cái tô rồi tự tay gắp thực phẩm cho vào tô của mình. Thực phẩm gồm các thứ rau cải, lá thơm, hành, nấm ... các loại thịt tươi gồm có gà bò và heo đã thái sẵn, đồ biển có chân cua giả, tôm tươi đã bóc vỏ... Thực khách tuần tự lấy rau thịt cho vào tô kế đó gắp mì sợi đặt lên trên, tiếp đến thực khách dùng muỗng múc các loại sốt gồm xì dầu, dầu mè, tương ớt ...rưới lên tô mì theo khẩu vị ưa thích của mình, xong rồi giao tô mì " hầm bà nhằng  đó cho đầu bếp xào chín ngay trước mặt của mình. Xào chín xong, đầu bếp gạt mì vào tô và giao lại cho thực khách. Thực khách chỉ còn có việc tìm một chỗ ngồi thoải mái để thanh toán cho hết cái tô Mì Mông to lớn đó. Nên nhớ rằng ở đây không có đồ tráng miệng nên thực khách ăn xong, uống hết ly nước, rồi cứ tự nhiên ra về. Trước khi về, đừng quên trả tiền cho tô mì và tip cho bồi bàn nhé, kẻo ông chủ ổng buồn đó. Thêm điều này nữa, nếu thực khách lỡ tay lấy thực phẩm nhiều quá ăn không hết, thực khách có thể xin người hầu bàn một hộp giấy để đựng đồ ăn thừa mang về nhà.
Vì tò mò, tôi cũng xếp hàng làm một tô cho biết sự đời. Thực phẩm được bầy hai bên quầy, đựng trong các khay bằng kim loại. Có cả chục thứ rau và năm bảy loại thịt, tôi lấy tất cả mỗi thứ một gắp cho vào tô. Đi hết dẫy quầy thì cái tô đầy ắp có ngọn, vun lên cao như ụ rơm. Kế đó, chan mỗi loại sốt một muỗng. Đưa cho đầu bếp xào với lời nhắn nhủ: "Nấu cho khéo nhé tôi chấm điểm đấy"... Đem về bàn, tôi cố gắng hết sức mà chỉ ăn hết có nửa tô, bởi vì mì xào mặn quá. Tôi nghĩ trong bụng chắc mình chan quá nhiều nước tương nên bị mặn. Tôi đưa mắt quan sát thấy nhiều người Mỹ họ cũng chan như vậy, có người lại chẳng chan gì cả mà sao họ cũng tỉnh bơ ăn hết phần của mình, không có ai bỏ thừa lại như tôi. Như thế này, thì rõ ràng, mỗi tô mì sẽ có vị mặn nhạt khác nhau. Như vậy muốn làm được một tô mì ngon vừa miệng chắc phải đi ăn nhiều lần lắm mới có kinh nghiệm được.
Tôi ngồi suốt cả buổi tối ở tiệm để quan sát. Hôm đó, khách vào ăn đông lắm, nhưng nhìn kỹ, chẳng thấy ai than phiền điều gì, chắc là họ cũng hài lòng với thức ăn" Nhưng tôi thì nghi ngờ một điều: Hay là thực khách họ cũng mang cùng một loại bịnh  "thiếu vị giác" như chủ nhân ông của nhà hàng"
An cho biết, tiệm Mongolian Grill đầu tiên anh sang lại của một người Tàu ở Nampa, Idaho. Lúc đó trong tay anh chỉ có 20 ngàn đô la, mượn ngân hàng thêm một ít, thế là anh làm chủ được căn tiệm. Anh thú thực, là anh không biết nấu nướng và cũng chưa bao giờ có một khái niệm gì về việc mở một nhà hàng. Mọi sự xảy ra là do tình cờ: Vì nhẹ dạ, cả tin, anh bị ông chủ nhà hàng người Tàu gạ gẫm sang lại cho cái nhà hàng đang trên đà xập tiệm. Thế nhưng chẳng biết là do "ở hiền gặp lành", hay do "Trời đãi kẻ khù khờ", hoặc do "Thời thế xoay chuyển" mà quán ăn của anh phất lên như diều gặp gió. Chỉ trong vòng một năm anh đã trả được hết nợ ngân hàng, lại có thêm một số vốn trong tay coi cũng được lắm.


Điều hành tiệm được một năm, anh mới chợt khám phá ra rằng, anh chính người thừa thải nhất trong nhà hàng. Tiệm có 4 đầu bếp, 2 phụ bếp, 3 người hầu bàn, 2 người rửa chén, 2 người thu ngân. Khi nào có người nghỉ họ tự thay phiên cho nhau nên chẳng bao giờ anh phải mó tay vào việc gì cả. Thực tình mà nói, nếu chẳng may tiệm có thiếu người làm, anh cũng không giúp được cái khỉ khô gì cả, vì anh có biết làm cái gì đâu. Đang rảnh rang, lại thấy nhà hàng kiểu này kiếm tiền dễ quá, lại dễ điều hành. Rút kinh nghiệm, anh ôm bản vẽ của nhà hàng cũ tìm đến các thành phố nhỏ khác để mở thêm chi nhánh. Trong vòng có mười mấy năm, anh đã mở tới hơn chục tiệm ở các thành phố Boise, Idaho; Bend, Oregan; Billings, Montana; Pueblo, Colorado; Mankato, Minnesota; Rapid City, South Dakota...
Sáng hôm sau, An lái xe đưa tôi đi Mount Rushmore. Mới lái được mấy phút, mắt của An đã muốn nhắm tịt lại, cả tôi cũng thế. Đêm qua cả hai đứa đều không ngủ được, An làm gì ở căn cứ "B-2" tôi không rõ, còn tôi thì An gửi ngủ tạm ở nhà cô tiếp viên xinh đẹp người Đại Hàn nên lạ "nhà", cũng không ngủ đuợc. Để khỏi buồn ngủ trong lúc lái xe, tôi làm một cuộc phỏng vấn nho nhỏ. 
-An có thể cho tôi biết bí quyết nào đã giúp An thành công một cách dễ dàng như vậy không"  An cười cười nói:
-An chẳng có cái bí quyết nào đặc biệt cả, chỉ là áp dụng đúng với câu: "Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà". An sẽ giải thích câu này vào trường hợp của An nhé, nó hơi tiếu lâm một chút nhưng rất có lý.
Nói về Thiên thời. An bị đuổi việc, đó chính là Thiên Thời, không bị đuổi việc thì An đâu có cơ hội mở nhà hàng có đúng không" Rồi An lại gặp phải cái anh Ba Tàu mắc dịch kia ảnh lừa bán cho An cái tiệm đang trên đà phá sản, đó cũng là Thiên thời.
Địa Lợi thì khỏi phải nói rồi. Muốn mở bất cứ một nhà hàng nào, yếu tố địa lợi bao giờ cũng là điểm quan trọng nhất. An Đã phải bỏ rất nhiều thì giờ, lang thang khắp phố chợ chỉ để tìm cho được địa điểm thuận lợi để mở tiệm. Nhưng nghĩ cũng tức cười, có khi mình cố gắng tìm kiếm hàng tháng mà không tìm ra được nơi nào vừa ý, có khi vì tình cờ lại tìm được địa điểm rất tốt ví dụ như cái tiệm ở Rapid City này mà An đã từng kể cho Niên Trưởng nghe. 
-An có thể nói rõ hơn một chút về địa lợi được không"
-Niên Trưởng cũng biết là trong lãnh vực kinh doanh nhà hàng, chọn lựa một địa điểm thích hợp cho loại nhà hàng của mình là một mối quan tâm lớn. Quan niệm của mỗi người rất khác nhau ở cách lựa chọn. Riêng đối với loại nhà hàng loại này, có hai địa điểm An kết nhất đó là các thành phố du lịch, kế đến là các thành phố có trường đại học. Du khách và sinh viên là hai hạng người ăn uống dễ tính nhất, họ lại không có điều kiện để tự nấu ăn lấy nên bắt buộc phải ăn nhà hàng. Cái lý do quan trọng hơn là họ chỉ ăn ở tiệm của mình trong một thời gian ngắn ngủi rồi đi nơi khác, không bao giờ quay trở lại nữa. Hết lớp người này đi, rồi lớp người khác lại đến, dù nấu ăn ngon hay dở mình cũng chẳng bao giờ kịp nghe lời khen chê của họ.
-Hèn chi món ăn của tiệm đơn điệu như thế mà sao cứ có đông người đến ăn! Còn Nhân Hoà là thế nào"
-Nhân Hoà à! Cái điểm này nó nằm ở cuối câu nhưng đối với An nó lại là điểm quan trọng nhất. Nhân Hoà phải có ở hai nơi. Nơi thứ nhất là ở ngoài tiệm ăn. Nơi đây, ta phải chọn nhân viên như thế nào để họ làm việc với nhau cho hợp rơ thì nhà hàng mới hoạt động trơn tru được. Đây cũng là điểm khó nhất trong việc quản trị nhà hàng, không giải quyết được việc này nhà hàng sập tiệm như chơi.
Và Nhân Hoà cũng phải có ở tại nhà của mình nữa: Cổ nhân thường nói:"Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn." Theo An đó chỉ là điều mơ tưởng, trên thực tế không bao giờ có. Không biết những người làm thương mại khác thì tình trạng gia đình của họ như thế nào không rõ, riêng tình trạng gia đình An thì khá đặc biệt. An nghĩ, An có thể làm được nhiều việc lớn lao là nhờ An có được toàn quyền quyết định công việc làm ăn của mình. Bà xã An và cả con cái không bao giờ nhúng tay vào công việc kinh doanh của An. Có bao giờ Niên Trưởng thấy bà xã An bả đi theo An ra tiệm chưa"! Nhiều người rất lấy làm lạ nhưng đó là bí quyết thành công đặc biệt của An.
-Tôi biết rồi! Thế cái ưu điểm của tiệm ăn loại Mogolian Grill là gì" Tại sao An chỉ thích mở loại nhà hàng này"
-Như Niên Trưởng biết đó, cái khổ tâm của các nhà hàng truyền thống là họ phải tìm cho được đầu bếp giỏi, dù phải bỏ ra rất nhiều tiền. Các đầu bếp đều biết rằng, họ là linh hồn của nhà hàng, vận mệnh của tiệm ăn nằm trong tay của họ nên họ tha hồ yêu sách. Nỗi khổ của các chủ nhân nhà hàng nằm ở chỗ đó, cho nên chủ nhà hàng phải là một người biết nấu ăn giỏi thì đầu bếp mới không dám yêu sách.
Loại nhà hàng kiểu Mongolian Grill thì không như vậy, "đầu bếp" không phải là một vấn nạn như các loại nhà hàng kể trên. Niên trưởng có tin không" Chỉ mất một vài tiếng đồng hồ là An có thể huấn luyện được một đầu bếp mới. Huấn luyện đầu bếp cho tiệm Mongolian Grill dễ dàng lắm, bởi vì đầu bếp không cần phải biết nêm nếm. Người được huấn luyện chỉ cần nhanh nhẹn một chút và có sức khỏe là làm được, bởi vậy tìm đầu bếp làm cho tiệm ăn loại này là chuyện nhỏ.
-Hình như mấy tiệm ăn của An không có nhiều nhân viên Việt Nam" Để xem nào, tôi thấy có nhiều người Phi, người mông Cổ, người Đại Hàn, người Tàu, chỉ thấy có ba bốn người Việt...
-Người Việt Nam cần cù và làm việc giỏi nhưng không ai chịu sống ở các thành phố nhỏ, mà các  tiệm của An thì hầu hết nằm ở các thành phố nhỏ nên rất khan hiếm thợ Việt. Thực ra sống ở các thành phố nhỏ dễ kiếm tiền và nhất là dễ để dành tiền, nhưng người Việt mình ham vui, đâu có ai chịu đi.
-Tôi thấy nhân viên tiệm ăn họ có vẻ mến An quá nhỉ, có bí quyết nào không" An vừa cười vừa nói:
-Đơn giản lắm: Nam nhân viên thì cứ cho họ mượn tiền ứng trước khi nào họ đòi hỏi, còn nữ nhân viên thì cứ thường cho họ bonus là xong. Họ qúi An là ở chỗ đó.Tôi đùa nói:
- Tốt quá, vậy tôi phải đầu quân làm việc cho An mới được để thỉnh thoảng mượn trước tiền lương đi đánh bài... An có thể bật mí một chút về lợi tức của một tiệm Mongolian Grill được không"
-An không thể cho Niên Trưởng con số chính xác lợi tức của từng tiệm, nhưng có thể nói chung chung như thế này. Tiệm ăn nào có lợi tức dưới 100 ngàn một năm thì tìm cách bán đi, vì nó không đáng để giữ lâu dài. Tiệm ăn mà Niên Trưởng đến thăm hôm qua có lợi tức gấp ba lần mấy tiệm kia, nếu tổ chức bán thêm suất ăn sáng, tiệm đó có thể có lợi tức gấp bốn lần... Kìa, sắp đến rồi, chuẩn bị máy chụp hình đi Niên Trưởng, chụp hình tượng Tổng Thống ở vị trí này sẽ có góc cạnh lạ hơn.
Tượng bốn vị Tổng Thống đã xuất hiện trước mắt, An lái xe vào lề đường để cho tôi bấm vài tấm ảnh trước khi đi vào khu đậu xe chính của Mount Rushmore.
Hôm nay là ngày nhập trường của đa số học sinh các trường đại học, nên chắn chắn số người đến thưởng ngoạn ít đi, tuy vậy, tôi thấy số người hiện diện vẫn còn đông lắm. người nào cũng tất bật lo chụp hình kỷ niệm. Tôi nhờ An chụp cho tôi mấy tấm, về nhà coi lại hình, cái thì mất đầu cái thì mất đuôi, nhưng may mắn mấy tấm hình tôi chụp cho An thì tốt lắm, tôi sẽ post lên đây cho các bạn cùng xem.
Chúng tôi định sẽ đi xem bức tượng điêu khắc vị anh hùng của Bộ Lạc Sioux là  "Crazy Horse" và căn cứ máy bay B-2 nữa nhưng không còn thì giờ, hẹn sẽ đi vào dịp sau. Tiện đây tôi cho các bạn biết thêm một chút về thành phố Rapid City.
Rapid City nằm dưới bóng của ngọn núi Harney Peak, là ngọn núi cao nhất của rặng núi Rocky Mountains. Thành phố này được hình thành do phong trào đi tìm vàng khoảng thập niên 1874-1884. Vàng được tìm thấy trong rặng núi Black Hills. Rapid city là cửa ngõ để đi vào rặng núi này. Về sau không còn vàng để đào nữa, nhưng thành phố vẫn còn tồn tại là nhờ Nhà điêu khắc trứ danh Gutzon Borglum đã tạc một bức tượng vĩ đại chân dung 4 vị Tổng Thống  (George Washington,  Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt; Và Abraham Lincoln) trên đỉnh của ngọn núi Mount Rushmore.
Công trình được bắt đầu vào năm 1927 và hoàn tất vào năm 1941 đã biến Rapid City thành trung tâm du lich của vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Năm 1940 Chính Phủ cho mở một căn cứ không quân tại đây lối kéo theo khoảng 30,000 dân cư đến lập nghiệp gồm quân nhân và gia đình của họ. Ngày nay dân số  Rapid City có khoảng 65,000 dân. 85% là người gốc mỹ trắng, 20% là người gốc Da đỏ, còn lại là các sắc dân khác gồm Á châu 1%, Da đen 1%, La Tinh 2%... , số người Việt Nam trên niên giám điện thoại của thành phố chỉ có khoảng 50 người.
Hiện nay, vùng núi Black Hills kể luôn Rapid City nằm trong vùng tự trị của bộ lạc Sioux, do đó khi đến thăm vùng này bạn đừng ngạc nhiên khi thấy xuất hiện sòng bài ở khắp nơi. Kế bên tiệm Mongolian Grill của An cũng có một tiệm Casino. Tôi nghi nhân viên của An được đồng tiền tip nào là đem sang đó nướng hết quá.
An nói với tôi, tiệm Mongolian Grill của An là độc nhất ở thành phố này. Tiệm đã được thành phố chấm điểm là tiệm ăn nổi tiếng thứ hai ở Rapid City. Chỉ trừ Tổng Thống Mỹ, tất cả những nhân vật có máu mặt trong chính quyền cũng như tài tử điện ảnh đều đã từng ghé qua tiệm của An khi có dịp ghé qua thành phố. An nói, nếu có khách du lịch người Việt nam đến ăn anh sẽ cho một giá rất đặc biệt.
Đỗ Tiến Bình Minh

Ý kiến bạn đọc
04/10/201701:16:04
Khách
Hi anh Minh
Toi co nguoi ban hoc rat than truoc cung hoc o truong VO BI DA LAT khoa 31 ten Nguyen Thanh Hung,neu anh biet tin tuc gi ve Hung qua nhung nguoi ban cung khoa 31 xin anh lien lac cho biet,email toi [email protected]. Cam on anh.
Hung Pham.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,192,959
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới, không giống bất cứ bài viết nào viết về thuế.
Cho tới nay, Tony Tony là bút hiệu lần đầu xuất hiện trong Viết Về Nước Mỹ. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm hai bài viết ngắn.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; Định cư tại Virginia từ 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Hai bài đã viết: “Cưỡng Bách Hồi Hương Rồi Mới Đến My” và “Mang Con Bị Tê Liệt Đến Mỹ.” Bài viết mới là chuyện 30 năm của gia đình ba: Từ đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Và rồi, nhờ chương trình ROV, vẫn tới được nước Mỹ.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến