Hôm nay,  

Lo Âu Nặng Gánh...

18/08/200900:00:00(Xem: 206209)

Lo Âu Nặng Gánh...

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 2702-16208773- vb381809

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, là người vừa nhận giải Vinh Danh Tác giả Viết Về Nước Mỹ năm thứ chín, 2009, với bài viết “Con Bé” về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu.
 Là cư dân Pomona, CA. Bảo Trân hiện làm việc cho Bộ Xã Hội, phụ trách việc tìm việc làm cho những người đang hưởng trợ cấp xã hội.  Sau đây là bài viết mới nhất của cô, với những klinh nghiệm bản thân về bệnh trầm cảm.

***

Năm ngoái, tôi đã dự định nghỉ ba tuần phép để đi thăm em và con đang làm việc ở Thái Lan, rồi chúng tôi sẽ làm một chuyến viễn du sang xứ Chùa Tháp để viếng thăm kỳ quan Angkor Wat.  Ki cũng được nghỉ hai tuần lễ, và mẹ con tôi sẽ có những ngày vui chơi bên nhau bù đắp cho những tháng ngày xa cách.  Ki gọi sang cho tôi bảo:
-  Nếu mẹ sang đây ngày 28 tháng 9 thì mẹ sẽ là một trong những người khách đầu tiên của cái phi trường mới Suvarnabhumi này đó. 
Nghe con nói, tôi ngần ngại hỏi:
-  Phi trường mới, liệu các phi công có quen đường quen nước chưa đây"  Hay lại trượt đường bay chạy thẳng ra đến biển"
Ki cười ha hả trong điện thọai:
-  Mẹ ơi, người ta đã bay thử từ cả bao nhiêu tháng trước rồi, không chờ đến bây giờ đâu mà mẹ sợ phi công đi lạc đường. 
Thảo hăm hở:
-  Ngon lành nghe, mình sẽ là những hành khách đầu tiên của phi trường mới. 
Thế là tôi đặt vé máy bay, đi với Cathay Pacific Airlines, chuyến bay sẽ đến phi trường Suvarnabhumi ngày 28 tháng Chín.
*
Còn khoảng hơn tuần lễ là đến ngày lên đường, đang ngồi làm việc trong sở, thì tôi nhận được điện thoại của một người bạn ảo:
-  Này, định đi Thái Lan tháng này đó hử, có biết là bên Thái Lan đang đảo chánh không"
Tôi sửng sốt:
-  Thật sao"  Sao không nghe con tôi nói gì hết vậy"
Người bạn ảo cười:
-  Lên internet mà đọc tin tức, coi xe tăng, lính tráng, súng ống, đầy đường kìa...cứ ngồi đó mà mơ màng mãi.
Tôi thuộc loại người không màng đến thế sự, nên tôi chẳng bao giờ để ý đến phần tin tức.  Những việc xảy ra ở tiểu bang California, ở những thành phố chung quanh tôi, hay ở ngay trong cộng đồng người Việt của cái thủ đô tị nạn gần tôi mà tôi còn không biết tới, thì nói gì đến tin thế giới.  Nhưng hôm nay, cái tin giật gân này quả có sức thu hút tôi, có liên quan đến tôi, vì Thái Lan là nơi con tôi đang ở, nơi tôi sắp sửa đi tới. 
Tôi đóng cái hồ sơ đang làm dở lại, đổi computer qua phần internet.  Tin tức đảo chánh ở Thái Lan chiếm trọn cả trang đầu màn hình của những đài truyền thông.  CNN đã chiếu đầy đủ hình ảnh từ lúc đầu tiên khi quân đội đưa xe tăng tiến vào thủ đô Bangkok, cho đến hình ảnh sau cùng khi lính tráng với đầy đủ súng ống cô lập tất cả các nẻo đường thành phố.  Cuộc đảo chánh không máu đổ thịt rơi này đã thành công.  Thành phố Bangkok đã yên ắng sau khi quân đội nắm chính quyền.  Phe thân thủ tướng Thatsin Shinawatra thì phản đối phe đảo chánh, la lối om sòm, trong lúc những đám đông dân chúng chán ghét nhà lãnh đạo độc tài này... thì hân hoan đem quà, bánh, hoa đến tặng cho những binh sĩ đã tham dự vào cuộc đảo chánh.
Tôi mở thêm mấy trang nữa qua BBC, FOX News... để tìm kiếm thêm hình ảnh và tin tức của cuộc đảo chánh thì cũng chỉ đọc được có từng đó thứ.  Tôi vào trang nhà của bộ ngoại giao Mỹ thì nhìn thấy thông cáo của chính phủ về cuộc đảo chánh ở Thái Lan nằm chễm chệ ngay trang đầu tiên.  Theo bản thông cáo thì hiện thời chính phủ Mỹ chưa nghĩ đến việc phải đưa công dân Hoa Kỳ ở Thái Lan đi di tản, nhưng chính phủ cũng khuyến cáo dân chúng là... nếu không có việc gì cần phải đi Thái Lan thì không nên đi, để phòng ngừa những bất trắc có thể xảy đến mà chính quyền không can thiệp kịp.  Đọc xong bản thông cáo tôi đâm lo.  Vé máy bay mới lấy ngày hôm qua, làm sao đây"  Tôi gọi lên văn phòng dịch vụ du lịch hỏi thăm, thì cô bán vé quen cho biết là cũng có nhiều người dự định đi Thái Lan đã hồi vé, nếu không muốn đi nữa thì tôi phải đem vé lên trả lại ngay hôm nay thì mới được hoàn lại toàn phần chi phí.  Tôi gọi về cho Thảo, bảo anh đem vé đi trả trước, hôm nào muốn đi thì sẽ mua vé lại. 
Tôi ngồi ở sở mà đầu óc rối loạn không làm được việc gì.  Giờ này Bangkok đã quá nửa đêm, chả lẽ tôi gọi điện thoại dựng em và con dậy giữa lúc chúng đang ngủ"  Tôi ráng chờ đến bốn giờ rưỡi chiều, sẽ là sáu giờ rưỡi sáng bên Bangkok, giờ mà con bé Emily phải thức dậy để sửa soạn đi học, mới dám gọi cho con, cho em.  Ba đường giây điện thoại di động, thêm một đường giây ở nhà đều bận liên tục không liên lạc được.   Tôi vào Yahoo định e-mail cho hai đứa để hỏi thăm tình hình thế sự, nhưng vừa mở hộp thư ra thì đã nhìn thấy thư của Ki nằm gọn lỏn trong đó:
-  If you are watching the news, we are fine.  The coup was in Bangkok.  Our village is guarded. Don't worry.  - 
Tôi thở phào, đỡ lo.  Nơi Ki ở, nhà của Lin, em tôi, ở thành phố Bang Muang, thuộc vùng ngọai ô Bangkok, nằm trong một khu vực dân cư riêng biệt có vòng đai tường rào kiên cố bao bọc, có lính gác ở ngòai cổng.  Đảo chính, lộn xộn là ở thành phố chính, nên dân chúng ở vùng ngọai ô vẫn bình thường.  Tôi e-mail lại cho Ki, bảo gọi ngay về nhà, vì tôi gọi sang Thái Lan bao nhiêu lần mà cũng không được.
Buổi tối đi làm về, ăn cơm xong tôi lại tiếp tục gọi điện thoại, nhưng vẫn không thể nào liên lạc được với bên Thái Lan.  Gần chín giờ rưỡi đêm Cali thì Ki mới gọi sang bảo không có gì phải lo, mọi việc đã trở lại bình thường, nhưng vì có lệnh thiết quân luật nên tất cả mọi thương vụ, trường học, công, tư sở đều đóng cửa.  Tôi bày tỏ sự lo lắng, dặn dò Ki cất giữ giấy tờ tùy thân cẩn thận, đi làm xong là về nhà ngay, đừng có lang thang xuống phố, gọi điện thoại cho dì nếu phải làm trễ, phải liên lạc ngay với toà đại sứ khi cần di tản v.v...   Ki bực dọc:
-  Mấy người làm tin tức ở bên đó biết gì, chỉ phóng đại thôi.  Ngày mai con đi làm lại rồi.
Thằng em rể chọc tôi:
-  Chị nhát hít, tụi này vừa đi xuống phố chụp hình xe tăng với lính về đây. Có gì đâu mà sợ.  
*
Một tuần lễ trôi qua, cái việc đi chơi của tôi bị cho vào quên lãng vì tình hình chính trị ở Thái Lan vẫn chưa ngả ngũ đến đâu.  Để dân chúng yên tâm làm ăn, vua Thái Lan đã đứng ra dàn xếp với phe đảo chánh, và quân đội Thái sẽ tạm giữ chính quyền cho đến ngày bầu cử tháng mười năm tới.  Nhưng có tin đồn là ông thủ tướng lưu vong có thể về Thái bất cứ lúc nào, và phe của ông sẽ nổi lên cướp chính quyền trở lại.  Tuy nhịp sống Thái Lan đã trở lại bình thường nhưng lời khuyến cáo về việc du lịch tới Thái Lan vẫn còn chiếm ngự ngay trang đầu tiên trên trang nhà của bộ ngoại giao Mỹ.
Tôi đã báo với xếp là không đi nghỉ phép nữa nên tiếp tục đi làm.  Buồn tình, tôi mượn phim về coi, một bộ phim Đại Hàn ngập tràn nước mắt với những tài tử nổi tiếng Cha Song Joo, Han Jung Seou, Tae Hwa trong những vai chính.  Bộ phim mang tên "Nấc Thang Lên Thiên Đường" là một câu chuyện tình tay ba có kết quả bi thương.  Kết cục là hai nhân vật chính yêu nhau đều chết, và họ tìm gặp nhau ở trên những nấc thang dẫn lên thiên đường.  Còn lại nhân vật thứ ba ngồi ôm đàn giữa trời, giữa biển, nghẹn ngào, tức tưởi, hỏi mãi một câu... "Trời hỡi, tại sao"""
Mấy ngày sau Lin gọi sang bảo:
-  Mọi việc đã trở lại bình thường.  Tụi này đi làm lại ngày hôm sau.  Chỉ nghỉ làm, nghỉ học có một ngày sau đảo chánh thôi.  Đảo chánh bên này như ăn cơm bữa, biết bao nhiêu lần đảo chánh rồi, có chết chóc thằng tây nào đâu.  Chị còn muốn đi Angkor Wat không thì tính đi, mình phải book lại.
Thảo cũng thôi thúc tôi:
-  Việc gì mà sợ, có em, con mình ở bên đó.
Thế là tôi gọi lên hãng du lịch mua lại vé đi Thái Lan.  Lần này tôi mua vé ở hãng Eva Air cho nó hên, cũng may là Eva Air đang có chương trình giảm giá đặc biệt nên giá rẻ hơn Cathay Pacific.  Tôi hỏi dò cô bán vé xem có ai mua vé đi Thái Lan chơi không thì cô bảo mặc dù đời sống Thái Lan đã trở lại bình thường, nhưng du khách vẫn còn ngại, nên những chương trình, dịch vụ du lịch đi Thái Lan đã sút giảm rất nhiều.  Sau khi đặt vé đi Thái Lan, tôi cẩn thận hơn, lên internet đọc tin tức thế giới mỗi ngày.  Thảo hỏi để làm gì thì tôi chịu không trả lời được. 
Ông xếp tôi gọi tôi vào phòng làm việc, cầm giấy xin nghỉ phép của tôi hỏi đi hỏi lại:
-  You nhất định rồi chứ, lần này you đi thật chứ" 
Mấy người làm việc cùng nhóm với tôi, biết là tôi lại sửa soạn đi Thái Lan, kéo nhau vào phòng ông góp chuyện, kẻ thúc, người cản.  Người nói:
-  Đi sang chơi với con cho vui, lo gì, đảo chính thành công rồi.
Còn người khác thì bảo:
-  Nếu tôi là you thì tôi chờ thêm một thời gian nữa, xem tình hình ngã ngũ như thế nào, chứ đi trong lúc tranh sáng tranh tối như thế này thì hơi phiêu đó.
Có người đùa:


-  Tôi không lo đảo chánh, tôi chỉ lo phi công đi lạc phi đạo rồi húc lẫn nhau trên cái phi trường mới đó mà thôi.  Nghe đâu là phi trường này được cất trên đất một cái nghĩa trang cũ, có nhiều tai nạn đã xảy ra, nhà cầm quyền đã phải làm lễ cầu cúng ghê lắm mới tạm yên đó.
Tôi còn chưa trả lời được câu nào thì con bé người Trung Đông ngồi ở cái cubicle trước mặt tôi cười lên ha hả:
-  Biết đâu cô ta đi lần này rồi không trở lại nữa.
 Tôi giận xanh mặt nhìn người vừa thốt ra câu nói vô duyên đó, cô ta vẫn toét miệng cười, không biết rằng cô ta đang làm đảo lộn cả tâm thần tôi.  Cả bọn rũ ra cười hô hố với nhau, không ai để ý là tôi đang tái tê quay quả bước đi.
*
 
Đầu tháng mười, tự dưng Taiwan có biến động.  Dân chúng ở Taipei đeo băng đỏ biểu tình đòi tổng thống Chen Shui-bian từ chức.  Những đòan biểu tình diễn hành đầy đường phố, ngồi bao vây vòng ngoài phủ tổng thống. Càng ngày, tình hình càng dữ dội hơn, dân biểu tình tràn ngập phố phường Đài Bắc, thậm chí những đòan xe biểu tình còn chạy vòng xuống dưới Đài Trung để tìm thêm người hưởng ứng.  Lại có tin đồn là dân chúng Đài Loan sẽ làm một cuộc tổng tấn công vào phủ tổng thống và những văn phòng, cơ quan chính quyền trong ngày Quốc Khánh.  Tôi lạnh cẳng, còn năm ngày nữa là tôi lên đường.  Chuyến bay của tôi sẽ đến phi trường Taoyuan ở Taipei đúng ngày Song Thập, ngày Quốc Khánh của Taiwan!! 
Tôi hoảng sợ đến mất ăn, mất ngủ.  Vừa chợp mắt được một lúc là tôi đã chìm vào những cơn ác mộng.  Tôi nằm mơ thấy máy bay tôi đang bay thì bị không tặc bắt đáp xuống.  Một lần khác tôi thấy máy bay rớt.  Rồi tôi nằm mơ thấy bố, thấy ông bà nội, những người của thế giới an bình.  Bố và ông bà nội đang ngồi trò chuyện vui vẻ bên một khu vườn đầy hoa lạ, cách tôi có một chiếc cầu cong sơn đỏ, họ đang vẫy tay, chờ đợi tôi sang...  Tôi nằm mơ thấy ...tôi chết, y như cái kết cục của cái truyện ngắn tôi đã gởi đi hồi tháng sáu vừa rồi, tới một người bạn ảo của một diễn đàn tôi đang rong chơi, để tham gia vào tuyển tập truyện ngắn năm 2006 của diễn đàn đó.  Cái truyện ngắn của tôi cũng có một đọan kết lâm ly bi đát không thua gì cái bộ phim Nấc Thang Lên Thiên Đường, người con gái được yêu trong truyện của tôi cũng chết, để người yêu nàng về... ngậm ngùi xếp lại tàn y. 
Tôi vội vàng e-mail cho người bạn ảo yêu cầu bỏ cái truyện ngắn của tôi ra.  Tôi không thích cái truyện có đọan kết chết chóc của tôi được in trong tuyển tập.  Tôi sợ cái kết cục tưởng tượng đó trở thành sự thật.   
Chủ nhật tôi xuống chùa tìm thầy, xin thầy bói cho tôi một quẻ, xem tôi đi chơi xa có được bình yên không.  Thầy bấm đốt tay một hồi rồi bảo:
-  Mi đi chơi thì tốt chứ có can chi.  Bên nớ tụi nó đảo chánh, biểu tình hòai, chết chóc gì đâu mà lo.
Tôi ngần ngại:
-  Con vẫn còn sợ, thầy cho con cái phép.
Thầy nhìn tôi lắc đầu, nhưng cũng chiều lòng tôi cho tôi cái phép "bình an".  Tôi vào chánh điện khấn vái với Phật Tổ, Phật Bà, cầu xin cho tôi đi đến nơi, về đến chốn.  Sáng hôm sau đi làm vẫn chưa yên tâm, tôi vào VietShare xin quẻ bói Quan Âm, cầu bình an.  Tôi xin được một quẻ xâm Kiết, Phật Bà dạy: "cầu gì được nấy, công việc tốt đẹp, đi xa bình an, người thân gặp nhau ..." Tôi cảm thấy hơi bình tâm.
*
Chiếc máy bay Boeing 747 của hãng Eva Air đáp xuống phi trường Đài Bắc êm ả.  Thảo xiết tay tôi khi đèn màu báo hiệu mở dây an toàn vừa tắt, anh nói - "Mình ok thấy không, em cứ lo sợ hão huyền."
 Hôm nay là ngày mùng 10 tháng 10, ngày Quốc Khánh của Đài Loan, chuyến bay dài hơn mười
ba tiếng đồng hồ đã an toàn đáp xuống phi trường Taoyuan lúc sáu giờ rưỡi sáng.  Tôi nhấc cái
sắc tay lên, uể oải trả lời:
-  Mình còn một chuyến bay nữa mà.
...Trong lúc ngồi chờ đợi chuyến bay chuyển tiếp, tôi chợt liên tưởng đến những người bạn đồng nghiệp.  Mấy ngày trước khi tôi đi, con nhỏ người Trung Đông ăn nói vô duyên đã vào tận bàn tôi xin lỗi:
-  Tôi không có ý xấu, tôi chỉ muốn nói you đi sang đó có người hầu hạ sướng quá rồi you không chịu về nữa.
Còn cái người bảo phi công lái máy bay lạc phi đạo cũng giả lả:
-  You hiểu tánh tôi mà, đùa cho vui thôi, chứ phi công nào mà đi lộn phi đạo chứ hở.
Mấy người bạn Đài Loan thì nhỏ nhẻ khuyên tôi:
-  You đi chơi, nghĩ làm gì nhiều chuyện cho nhức đầu, dân chúng không làm gì được Chen Shui-bian đâu, ông ta có thế lực quá mà, ông ta sẽ ngồi đó cho đến hết nhiệm kỳ.
 -  Taoyuan cách thủ đô Taipei tới một tiếng đồng hồ lái xe, you ở trong phi trường, chỉ ghé ngang đổi máy bay thôi mà, sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu.
-  Tại dân Á Đông mình hay kiêng cữ thế thôi, chứ có phải trù ẻo ai cũng được đâu, you đừng mê tín quá cho nó mệt óc.
Mỗi người một lời vỗ về tôi, tôi cũng làm thinh không nói.  Tôi lặng lẽ đến sở làm mỗi ngày, chỉ mong sao cho chóng đến ngày nghỉ phép.  Tình hình bên Đài Loan vẫn thế, vẫn những cuộc biểu tình chung quanh thành phố, nhưng vẫn chưa xảy ra một cuộc bạo động nào.  
...Mấy tiếng đồng hồ chờ đợi rồi cũng qua.  Tôi lại xách giỏ lên máy bay chuyển tiếp.  Chỉ còn hơn nửa tiếng nữa thôi là tôi sẽ rời khỏi cái đảo Đài Loan này, tôi sẽ không phải lo cái vụ biểu tình chống chánh phủ đó nữa.  Thường thì những chuyến máy bay từ Taipei đi Bangkok đông ghê lắm, nhưng sáng nay không có nhiều người, chắc du khách ngại cuộc đảo chánh vừa rồi nên đã chuyển hướng du lịch.  Tôi và Thảo thoải mái chiếm hết ba cái ghế trên cùng một dãy.  Tôi yên tâm nhìn chiếc máy bay từ từ di chuyển ra khỏi phi đạo rồi phóng nhanh lên không trung. 
Tôi bật màn hình radar, theo dõi hướng di chuyển của máy bay, cái việc thứ hai tôi vẫn làm khi đi du lịch, sau khi đọc hết những lời kinh cầu an.  Nửa giờ trôi qua, chiếc máy bay vẫn êm ả lướt gió, màn ảnh tivi chiếu hình máy bay đang bay ngang biển.  Tôi nhìn sang Thảo, anh đang dán mắt trên màn hình theo dõi một đoạn phim. 
Phi cơ đã lên cao một lúc lâu rồi mà đèn hiệu báo thắt chặt dây an toàn vẫn còn nhấp nháy.  Không khí trong lòng tàu yên lặng đến lạ lùng.  Tôi nhìn quanh quất, tôi không thấy bóng dáng một cô chiêu đãi viên hàng không nào cả.  Thường thì họ chỉ ngồi yên khi máy bay cất cánh hay đáp xuống phi trường thôi.  Đáng lý ra giờ này, họ đã đem thức ăn, đem nước mời chào, ít ra thì cũng đem cho hành khách một cái khăn ấm lau tay, lau mặt. 
Tôi tháo dây an toàn ra, đi về phía sau phòng chứa thức ăn tìm một ly nước uống.  Đến khỏang gần đuôi phi cơ, tôi rợn người khi thấy một đám người mặc áo đỏ, đeo băng đỏ, mặt mũi bậm trợn, đang đứng ngồi lổm nhổm ở nhiều hàng ghế phía cuối cùng.  Họ đang xì xào chuyện gì đó.  Còn mấy cô chiêu đãi viên hàng không thì thanh thản tụm lại với nhau ở căn phòng nhỏ nơi họ vẫn soạn sửa thức ăn.  Những hành khách ngồi ở những dãy ghế phía trên bọn người áo đỏ cũng lặng thinh, họ lãnh đạm nhìn tôi đang lò mò đi xuống. 
Tôi đứng lặng người.  Tôi muốn chạy về hàng ghế của mình nhưng không thể nào nhúc nhích, đôi chân tôi như bị dán chặt xuống sàn tàu.  Một trong những người mặc áo màu đỏ đến bên tôi đưa tôi trở lại chỗ ngồi.  Tôi ngồi xuống ghế nhìn qua Thảo, mắt anh đã rời màn hình tivi, nét mặt đăm chiêu, Thảo nói nhỏ:
-  Mấy người áo đỏ này là của phe chống chính phủ.  Họ muốn máy bay chở mình quay lại Đài Loan để hỗ trợ việc tổng tấn công phủ tổng thống hôm nay.  Mấy người trong bọn họ đang điều đình với phi công ở trên phòng máy đó.
Tôi nghe như sét đánh ngang tai.  Trở lại Đài Loan để tấn công phủ tổng thống, có nghĩa là bọn họ sẽ chơi lối đánh cảm tử như phi công của đội Thần Phong Nhật trong thời thế chiến thứ hai"!  Họ sẽ lái máy bay đâm đầu xuống phủ tổng thống như bọn khủng bố đã cho máy bay đâm vào Ngũ Giác Đài trong ngày 11 tháng 9!!  Tôi hét lên trong kinh hoàng:
-  Không, không, tôi không muốn trở lại Đài Loan.
Nhưng trễ rồi, tôi có cảm tưởng như là máy bay đang quay vòng trở lại.  Tôi nhìn vào cái màn ảnh truyền hình, tôi thấy chiếc máy bay đang chuyển hướng.  Tôi vùng lên chạy xồng xộc về phía phòng lái.  Hai viên phi công chánh và phụ đang ngồi tán gẫu với nhau, trên đầu họ có chít hai cái băng đỏ, họ bình thản quay lại nhìn tôi.  Tôi thở dài, trời ơi, cùng bọn với nhau cả, có gì đâu mà cần phải điều đình. Tôi quơ tay về phía hai người phi công nói lớn:
-  Mấy người không thể làm thế được, mấy người không thể hy sinh chúng tôi...
Mấy người mang băng đỏ, mặc áo đỏ chạy từ cuối phi cơ đến đã bắt kịp tôi.  Họ nắm chặt hai cánh tay tôi kéo xềnh xệch về chỗ ngồi.  Tôi lấy hết sức chống lại, cố phóng người về phía trước.  Bỗng tôi thấy một cánh tay nào đó dơ lên ngang đầu tôi, nháng xuống.  Tôi thấy mắt mũi mình toé lửa, tôi ngất đi...
Thảo chồm tới bên cạnh tôi lay mạnh.
(Xem tiếp kỳ tớiø: Quẳng Gánh Lo Đi!)
BẢO TRÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,328,353
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.