TT. Reagan Và Hành Trình Một Lá Thư
Tác giả: Diệp Bá Tường
Bài số 296-16208765- vb680709
Tác giả sinh năm 1959 tại Cần Thơ, hiện cư trú tại Thủ Đức. Trong những năm 1990’, khi Việt Nam còn khuất sau bức màn tre, ông có nhận một lá thư do TT. Ronald Regan và đệ nhất phu nhân Nancy Reagan gửi cho ông. Ông tự sơ lược tiểu sử: “Hiện là Thạc Sĩ giảng dạy tiếng Anh cho Đại Học Công Nghiệp Sài Gòn, Trưởng khoa ngoại ngữ đại học Gia Định Sài Gòn-Việt Nam. Lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ (19.7.2009). Lần đầu tiên đọc Việt Báo (20.7.2009). Lòng rộn ràng được viết bài về nước Mỹ. Chuyến đi này nhằm "tham quan" năm Đại học Mỹ và cũng vì hành trình của một lá thư. Độc giả nên biết rằng đây là câu chuyện có thật 100%.” Bài viết được đăng lại toàn văn, không sửa chữa thêm bớt. Tác giả cũng cho hay ông sẽ trở lại Việt Nam vào tuần tới. Việt Báo kính chúc ông và gia đình an vui.
***
* Một Dòng Họ
Hai Định Hướng
Trong chiến tranh chống Pháp, tôi có người anh họ tên Diệp Minh Châu. Anh bị thương trong một trận đánh. Anh đã lấy máu mình vẽ hình Hồ Chí Minh và ba cháu bé Bắc, Trung, Nam. Bức tranh sau đó được gởi đến tay Hồ Chí Minh. Anh đã gặp và sống một thời gian với Hồ Chí Minh trước khi được ông ấy đưa đi tu học ngành hội họa điêu khắc tại Tiệp Khắc. Nếu có dịp về Việt Nam, bạn có thể thấy tượng Hồ Chí Minh và cháu bé trước trụ sở ủy Ban Nhân Dân Thành Phố (Tòa Thị Chính) mà anh ấy tạc. Anh đã mất mấy năm trước vì tuổi già.
Sau 1975, tôi là một giáo viên Anh Văn. Người mà tôi ngưỡng mộ nhất là Cố Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan. Năm 1990, tôi tình cờ phát hiện một tấm ảnh nhỏ, cũ của thống đốc bang California lúc đó là ngài Ronald Reagan trong tạp chí Reader's Digest. Bằng sự kính trọng thiêng liêng, tôi đã vẽ lại hình ngài bằng bút bi và gửi cho đài VOA nhờ chuyển. Tôi đã gửi tặng Ngài dù lúc đó ngài không còn là Tổng Thống Mỹ nữa. Tôi rất lo sợ vì chính quyền cộng sản có thể bắt giam tôi bất cứ lúc nào. Họ cho đó là "phản động". Một thời gian lâu sau, trước cửa nhà tôi có một người lạ (có lẽ là tình báo cộng sản) hơn là một "mailman" theo tiếng Mỹ. Ông ấy đã đưa cho tôi lá thư hồi âm của ngài Ronald Reagan. Tôi mừng, hạnh phúc. Mọi người trong gia đình cũng vui lây. Tôi không dám khoe hàng xóm, bởi lẽ họ sẽ báo cảnh sát. Mọi phiền toái sẽ trút xuống đầu tôi. Đây là một "form letter". Tuy nhiên, đối với tôi, nó là tài sản vô giá. Trong thư là lời cám ơn và lời chúc của Ngài Tổng Thống cùng đệ nhất phu nhân- Nancy Reagan. Lòng tôi vui mừng khôn xiết.
*Lá Thư Của Ronald Reagan Đi Úc
Năm 2004, tôi sang Úc lãnh bằng thạc sĩ TESOL về phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Tôi mang theo cả lá thư của Ngài Cựu Tổng Thống Ronald Reagan theo. Tại một sạp báo ở Melbourne, báo chí Úc loan tin về cái chết của Ngài. Tôi đau đớn cả người và lặng chết một lúc. Tôi định đến Tòa Đại Sứ Mỹ ở Úc xin Visa dự đám tang Ngài. Nhưng tôi nghĩ chả ai tin tôi về điều này để cấp Visa cho tôi.
* Lá Thư Về Việt Nam
Sau chuyến đi Úc dự lễ tốt nghiệp MA, tôi trở về Việt Nam. Lòng tôi rạo rực muốn thăm mộ Ngài cố Tổng Thống. Năm 2005, tôi liều mạng làm hồ sơ xin đi du lịch Mỹ. Lập tức, nhân viên Tòa Lãnh Sự Mỹ từ chối thẳng thừng và cho rằng việc thăm mộ là không tưởng của một tên điên rồ! Tôi như bị một cái tát lên mặt. Thất vọng ê chề. Thế là khát khao được thăm mộ Ngài Tổng Thống đã tắt trong tôi.
*Giấc Mơ Mỹ
Hồi nhỏ, ở miền Nam, tôi đã học bộ "English For Today" một bộ sách giáo khoa về đời sống văn hóa Mỹ, về Cầu Kim Môn, về suối phun Old Faithful, về những siêu xa lộ, về văn chương Mỹ.
Năm 1983, tôi tốt nghiệp đại học Cần Thơ và giảng dạy tiếng Anh cho các trường trung học, cao đẳng và đại học. Trong lớp, học sinh của tôi thường đặt câu hỏi về nước Mỹ. Có những câu khó trả lời vì tôi chưa hề đặt chân lên nước Mỹ. Thế là tôi phải khất lại các em. Tôi nghĩ, bài giảng của tôi sẽ thực tế, sinh động hơn khi tôi được đến Mỹ để cùng ăn cơm, cùng ở, cùng sống, cùng làm với người Mỹ. Tuy nhiên, đối với tôi, chuyện đi Mỹ là không thể nào thực hiện được.
*Cơ Hội
Năm 2008, tôi là trưởng khoa tiếng Anh của một trường Đại Học Saigon. Cơ hội đã đến với tôi. Thầy Phó Hiệu Trưởng của trường bên Việt Nam là một Việt Kiều Mỹ. Thầy cũng là Giám Đốc Viện Giáo Dục Toàn Cầu tại Mỹ. Thầy đã đích thân mời tôi sang tham quan học hỏi các trường Đại Học Mỹ. Cơ hội ngàn năm có một đã đến với tôi. Cám ơn Chúa!
*Lá Thư Của Ronald Reagan Đến Mỹ
Giấc mơ của tôi đã thành sự thật. Lãnh sự Mỹ OK cái rụp. Chuyến bay của hãng hàng không Northwest-Delta đưa tôi quá cảnh phi trường Tokyo, Nhật Bản, rồi bay thẳng một lèo, vượt Thái Bình Dương, đáp xuống phi trường Los Angeles. Nó quá rộng lớn, gấp nhiều lần các phi trường khác, một học trò cũ đã định cư 20 năm ở Mỹ đã chờ tôi suốt 3 tiếng đồng hồ ở phi trường vì sợ tôi đi lạc. Tuy nhiên có người của nhà trường ra đón ở sân bay. Đường vào trung tâm thành phố thẳng tắp. Mỗi bên có tới 6-7 làn xe, tốc độ trên 100km/h., có đến 2-3 đường cao tốc chồng chéo lên nhau. Đúng là những siêu xa lộ. Mùa hè ở Los Angeles nóng vào ban ngày nhưng mát lạnh vào ban đêm. Người Mỹ gồm nhiều sắc dân. Họ năng động. Hàng xóm không ồ ào. Nhà ai nấy ở. Xe cộ chạy ngay hàng, thẳng lối. Ai cũng sợ cảnh sát phạt. Người đi bộ được ưu tiên, nhường nhịn. Còn ở Việt Nam, xe cộ nhắm thẳng họ mà lao tới.
Thực phẩm tại chợ, siêu thị rất dồi dào. Những thứ ở miền nhiệt đới vẫn có mặt ở đây. Thượng vàng hạ cám, không thiếu thứ nào bên Mỹ. Khu China Town cho người Tàu, khu Little Saigon, Phước Lộc Thọ cho người Việt. Hàng hóa Châu Á không thiếu thứ gì.
Tiệm ăn đầy dẫy khắp nơi. Tô phở to ăn mệt nghỉ. Các món ăn Việt muôn hình muôn vẻ. Người Mỹ thì chuộng hamburgers, sandwiches hoặc pizzas. Tôi vào thử một tiệm fastfood tự phục vụ. Khu mua Coke, cô bán hàng chỉ đưa cái ly rỗng, nói lăng xăng cái gì đó. Tôi không hiểu. Sau này mới biết là mình tự mở vòi mà lấy Coke. Quán xá không lộ thiên như ở Việt Nam. Không có kẻ say, người xỉn như xứ ta, nhậu say vẫn lái xe lạng quạng.