Hôm nay,  

Vancouver, Quê Mới

02/08/200900:00:00(Xem: 99061)

Vancouver, Quê Mới

Tác giả: Kim Loan Lê
Bài số 291-16208760- vb880209

Tác giả sinh năm 1953. Nghề nghiệp trước đây tại Việt Nam: giáo viên dạy văn. Hiên là cư dân Vancouver, tiểu bang Washington. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về những nỗ lực của tác giả để học hỏi, hội nhập với quê mới.

***

Lúc còn ở Việt Nam tôi chưa biết gì nhiều về nước Mỹ ngoài những kiến thức thời trung học. Trứơc khi sang đây tôi chỉ hình dung nước Mỹ với sông Lucky Luke, với miền Tây hoang dã, thời kỳ mà người ta còn đổ xô đi tìm vàng và hình ảnh người Mỹ trong tác phẩm Người Mỹ Trầm Lặng.
Sau khi đặt bước chân đầu tiên xuống phi trường Portland, chưa kịp ngẩn ngơ vì những hình ảnh mới lạ thì tôi đã phải sững sờ trước vẻ đẹp tuyệt vời của sông Columbia. Mặt sông loang loáng nước dưới ánh nắng vàng của một buổi trưa đầu hè, đẹp đến độ tôi muốn khóc. Dòng sông mênh mông, hiền hòa làm tôi nhớ sông Vàm Cỏ quê tôi, con sông trong ký ức tôi đã từng bơi lội bây giờ đang cạn kiệt và ô nhiễm vì đủ thứ độc hại mà con người trút xuống.
Columbia River thật sự là con sông đẹp như mơ. Sông rộng đến nỗi phải ngăn làm hai phần bằng một cù lao ở giữa, để nối 2 cây cầu bắc qua. Bên kia sông là Porland-Oregon và bên này là thành phố Vancouver hiền hòa của Washington State.
Với lượng mưa rất cao ở vùng này, Vancouver là một thành phố đẹp tuyệt vời. Những con đường ngoằn ngoèo, lên đồi xuống dốc, rừng thông, cây xanh, hoa cỏ khắp nơi gợi nhớ tới Đà Lạt của những ngày xa xưa.
Nói tới con sông, cây cảnh mà không nói tới người Mỹ ở đây là một sự thiếu sót trầm trọng. Lần đầu tiên tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy nhiều người ở trạm xe buýt chào tôi dù tôi không quen biết họ. Dần dà tôi biết rằng mọi người đều chào  nhau khi gặp. Tôi học được ở họ cách chào hỏi thân thiện. Lý thú nhất là khi tôi cám ơn những điều họ đã làm cho tôi, một số người nói "It's my pleasure".
Lúc còn sống ở Việt Nam, do bận rộn sinh kế hằng ngày, tôi không có thời gian và tiền bạc để học tiếng Anh,  phải chờ tới Mỹ mới vào học lớp ESL. Học tiếng Anh ở độ tuổi 50 không phải là dễ dàng. Suốt tuần lễ đầu tiên tôi chỉ muốn bỏ cuộc. Tôi đã hoàn toàn không hiểu gì và thật sự muốn khóc kh cô giáo hỏi tới. Tôi đã từng là giáo viên hơn 25 năm, nay trở lại làm học trò, tôi phải tự khuyến khích an ủi mình. Nếu không đi học tôi sẽ là người mù, câm và điếc. Khi viết essay trong lớp,  tôi đã không ngần ngại ca ngợi cảnh đẹp của sông Columbia và ước rằng phải chi tôi được sinh ra cạnh con sông đẹp như vậy. Bài viết làm ông thầy David vui, ông nói rằng tôi viết với trái tim đa cảm.
Học được chút tiếng Anh để không bị coi là có miệng mà như câm, tôi bắt đầu đi kiếm việc làm. Trước khi qua đây tôi cũng có nghe nói về nạn thất nghiệp trầm trọng ở Mỹ nhưng tôi đã không tin. Làm sao mà một đất nước giàu có, nhiều tài nguyên như Mỹ mà người dân thất nghiệp. Vậy mà có đó, kiếm việc làm ở đây không phải dễ nhất là người đã lớn tuổi chưa quen với cách làm việc của Mỹ ở đây.
Những ngày lang thang đi kiếm việc còn khủng khiếp hơn là đi học anh văn. Người Mỹ thật lịch sự. Họ không muôn thuê mình họ cũng nói rất là vui vẻ. Dần dà tôi thuộc lòng câu nói thường nghe: "We are sorry. Right now we don't have anything open. We don't know when. If we have anything we will call you or keep callilng us…." Và thường là những nơi nói như vậy không bao giờ gọi lại.
Tôi không biết lái xe và rất sợ tiếng động lớn, do đó tôi phải dùng xe bus hoặc đi bộ. Những lúc lang thang đi kiếm việc làm từ nơi  này sang nơi khác, nước mắt tôi tuôn rơi mà không dám để cho ai thấy. Tôi nhớ câu nói ở đâu đó rằng: "America is the land of opportunities" mà sao chẳng có cái cơ hội nào cho tôi cả.
Rồi tôi cũng kiếm được một việc nhưng chỉ có 4 tháng thì bị lay off vì hết việc. Khi đi làm tôi mới nhận ra vốn tiếng Mỹ ít ỏi của mình. Không kiếm được việc gì khác hơn tôi trở lại tiếp tục học tiếng Mỹ. Trong thời gian đi học tôi vẫn cố gắng tìm một việc gì đó để làm nhưng thật là khó. Ở độ tuổi của tôi thì cũng chưa hẳn là già nhưng chắc chắn là không còn trẻ nữa, tôi hiểu rằng khó có hãng xưởng nào muốn mướn một người lớn tuổi, không còn nhanh nhẹn và thiếu kinh nghiệm làm việc như tôi.
Bốn năm ở Mỹ tôi dùng hơn 2 năm đi học tiếng Anh. Việc học nói tiếng Mỹ tôi có phần lúng túng nhưng tôi viết thì có phần vững vàng hơn mấy cô trẻ tuổi học cùng lớp. Trong lớp tôi là học sinh giỏi nhưng khi trò chuyện giao tiếp thì tôi luôn chậm hơn những người khác.


Tôi có một kỷ niệm đẹp là được báo The Columbian đăng hình trên trang nhất của tờ Bussiness khi tôi mới học level three; và lần thị trưởng thành phố Vancouver đến thăm lớp học năm nay, tôi có hân hạnh chụp riêng với ông một tấm hình làm kỷ niệm.
Năm ngoái ông thầy David hỏi tôi: "What have you done since you arrived here"" tôi buột miệng nói "nothing". David hỏi ngược lại: "Nothing" Did you speak English in your country"" Tất nhiên tôi trả lời không và ông hỏi tiếp: "What language you are talking to me"" tôi trả lời "English" và ông nói tiếp: "Don't be pessimistic! At least, you have done one thing. You must be proud of that, with your age, and you began to study English in here"... Ông còn nói nhiều lời động viên, khuyến khích.
Trường học ở Mỹ có cách giáo dục rất tốt. Cô giáo Sara của tôi thường hay khuyến khích học trò khi cô hỏi điều gì mà chúng tôi không biết. Cô luôn nhoẻn miệng cười và nói rất vui vẻ: "Don't worry, that is why you are in here." Tôi phục người Mỹ ở điểm họ chỉ nhìn vào cái mình làm được và hay tìm thứ để khen dù là chuyện nhỏ. Người Việt Nam mình ít ai khen ai, không hiểu tại sao. Tôi nghĩ rằng ta cần  học hỏi ở họ thói quen tốt này, một lời nói nhẹ nhàng vui vẻ sẽ làm ấm lòng người nghe, ít ra trong khoảnh khắc.
Không phải chỉ khó khăn ở chỗ kiếm job, tôi còn gặp nhiều thứ khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Tôi bị shock về nhiều thứ mà nhiều nhất là bốn không mà tôi hay nói đùa với mấy người học cùng lớp: "I have four nothing: no job, no friend, no money, no house".
Ở Việt Nam tôi có thói quen thức khuya, đọc sách hoặc viết dăm truyện ngắn kiếm sống. Khi sang đây không hiểu tại sao tôi vẫn luôn thức khuya và rất buồn ngủ vào khoảng 4, 5 giờ sáng. Tôi không có thói quen nói nhiều, điều đó rất bất lợi khi tiếp xúc. Hầu hết những người Mỹ tôi gặp hoặc tiếp xúc đều vui vẻ hoạt bát. Tôi thì ngược lại,  và luôn cảm thấy mình như hụt hơi khi cố gắng hòa nhập với cuộc sống mới. Cô giáo tôi nói là "You've gotten a culture shock." Quả thật tôi bị nhiều cái shock quá.
Không tìm được việc gì để làm, tôi cố gắng vận dụng những gì tôi có thể làm được để kiếm sống. Tôi nhận cả việc giữ trẻ nhưng cũng không dễ dàng. Với vốn tiếng Anh tôi tự giới thiệu mình trên craiglist website nhưng vẫn không một tiếng vang. Có người bạn học cùng lớp nói với tôi là đừng có thành thật quá khi đi tìm việc nhưng tôi vốn là như vậy, không thể nào nói rằng có trong khi mình thật sự không. Tôi tự đăng báo để tìm bất kỳ việc gì nhưng cũng không có kết quả mấy.
Dù sao, tôi vẫn thường bắt gặp mình thoải mái và dễ chịu vì tôi biết rằng tôi may mắn hơn đồng bào của tôi, những người đang ở Việt Nam, là được thở một bầu không khí tự do mà nhiều dân tộc đang ước ao. Tôi hấy ở đây phụ nữ may mắn hơn nhiều phụ nữ khác trên thế giới nhất là phụ nữ Việt Nam. Họ gần như không bị lệ thuộc vào người đàn ông kể cả có gia đình hay không. Họ có cuộc sống riêng của họ và biết cách hưởng thụ cuộc sống mà thượng đế ban cho. Họ gần như chủ động trong mọi thứ và có đủ năng lực thể hiện sự chủ động đó. Trong khi người phụ nữ Việt Nam gần như quên họ có một cuộc đời kể cả khi chưa hoặc đã lấy chồng. Đa số phụ nữ Việt Nam sống cho gia đình, người thân mà quên đi rằng mình cũng có một cuộc đời, họ gần như không biết hưởng thụ cuộc sống quý giá mà họ chỉ nhận được một lần trong đời. Thật ra họ không có sự lựa chọn. Phụ nữ ở đây quả thật là may mắn khi họ hược sinh ra trên một đất nước tự do mặc dù đôi khi sự tư do đó hơi quá trớn.
Tôi yêu đất nước tôi. Tôi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cái xứ sở nghèo nàn bao nhiêu lần bị vắt kiệt bởi chiến tranh nhưng tôi cũng bắt đầu yêu mến vùng đất mới nơi tôi chỉ mới bắt đầu phần đời còn lại của mình. Tôi chưa thật sự tin là mình đọc thông viết thạo tiếng Mỹ nhưng nay ngôn ngữ thứ hai cũng đủ giúp tôi khi đi ra ngoài giao tiếp với người khác mà không phải lo sợ. Điều lớn nhất và quan trọng nhất là tôi đã trở thành công dân Mỹ trong thời gian ngắn hơn nhiều người. Tôi có thể tự hào mà nói với ông thầy của tôi rằng ít nhất tôi cũng làm được một điều mà tôi từng ấp ủ. Tôi đã có thê chuyện trò vui vẻ với những người Mỹ hàng xóm với thái độ tự tin hơn. Tôi có thể đi đó đây một mình mà không phải lo lắng
Mỗi lần có dịp đi đâu xa khi trở lại Vancouver tôi có cảm giác yên ổn như trở về nhà thật sự của mình, như ai đó đã nói "không sinh thành thì cũng gọi quê hương." Đây cũng là quê hương thứ hai của tôi. Tôi tạm bằng lòng với những thứ mình có và nỗ lực tìm con đường đi cho phần đời còn lại. Tôi không muốn đầu hàng hoàn cảnh hiện nay, tôi tin có định mệnh và định mệnh mỗi con người tùy thuộc vào tính cách con người đó.
Kim Loan Le

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Nhạc sĩ Cung Tiến