Hôm nay,  

Nữ Cai Tù Dễ Thương

02/05/201000:00:00(Xem: 214178)

Nữ Cai Tù Dễ Thương
 
Tác giả: Hạ Vũ
Bài số 2879-28129-vb8050210

Tác giả tự sơ lược tiểu sử:
Trước  ở Việt Nam,  là cô giáo dạy Việt văn tại một vài trường trung học ở Miền Nam, nhưng chưa từng viết văn.  Khi qua Mỹ, tôi "xuống cấp" làm cô giáo Nhà Trẻ - Mẫu Giáo.   Mãi đến lúc nghỉ hưu, mới bắt  đầu viết văn làm thơ đưa lên mạng dưới vài bút hiệu để rèn luyện cho trí óc chậm thoái hóa. Bài Viết Về đầu tiên của cô là  truyện  tình vui vẻ: một chàng không quân hào hoa bị ông Tướng Không Quân VNCH “ép duyên”, và rồi sau 30 tháng Tư, sau “đại hộc máu” gặp lại ông tướng trên đất Mỹ.

***
Trung úy Không quân Thành vuốt cho thẳng nếp áo quần để vào trình diện ông tướng nổi tiếng "mặt sắt đen xì" nhưng chịu chơi. Anh phân vân và hồi hộp không biết vì chuyện gì mà ông tướng kêu mình trình diện gấp, đến đổi bắt ông Phi Đoàn Trường của anh cắt đặt người khác bay thay thế anh, để anh trình diện tức khắc ông tướng.  Trước khi đi, ông xếp Phi Đoàn Trưởng  hỏi đi hỏi lại anh có đụng chạm với ai không, và hẹn anh phải rất bình tĩnh, nói năng cẩn thận.
Sau khi trình giấy tờ, anh được ông Thiếu tá Chánh Văn Phòng của Ông Tướng đón vào. Anh hít nhẹ một hơi dài, rồi cố bình tĩnh đường hoàng bước vô.  Ông Thiếu tá đứng lại bên ngoài, còn một mình anh với ông tướng.  Ông tướng đang chờ anh. Trong khi anh chào thì ông quan sát anh kỹ lưỡng từ trên xuống dưới.  Anh hơi khớp.  Tuy rằng anh ăn mặc chỉnh tề đúng quân cách lắm rồi,  nhưng mà vạch lá tìm sâu thì thế nào mà chẳng có con sâu bé tí tẹo vừa chui ra từ vỏ trứng.  Anh nhìn lên bàn, chợt lạnh người.  Trước mặt ông tướng là hồ sơ lý lịch cá nhân và quân vụ của anh bị gạch xanh đỏ khắp nơi. Chợt ông tướng hỏi:
- Anh nhận xét tôi là người thế nào" 
Anh ú ớ.  Nói thật mất lòng!  Anh đánh bài "ầu ơ dzí dầu":
- Thưa Thiếu Tướng, ông muốn tôi nói cái nhìn của thuộc cấp đối với cấp trên hay với cái nhìn của người dân đối với một tướng lãnh, hay...
Anh định nói: "hay cái nhìn của một phụ nữ đối với một đấng mày râu", nhưng kịp ngậm miệng. 
Ông tướng hỏi cho có hỏi, chứ không quan tâm tới câu trả lời. Ông không chờ anh dứt câu, hỏi tiếp:
- Anh bao nhiêu tuổi, có vợ chưa"
Thành nghĩ ông này thật lẩm cẩm. Hồ sơ mình nằm trước mặt, ông đã gạch xanh gạch đỏ đầy ra đó rồi mà còn hỏi, nhưng anh cũng nhã nhặn đáp: 
- Thưa Thiếu Tướng, tôi 30 tuổi, chưa vợ.
- Anh có người yêu chưa"
Anh nghĩ: "ông tuớng này quá đáng, gọi mình trình diện gấp, bỏ công vụ để hỏi mấy vụ này!"  Anh nổi sùng, nhưng nhớ lời dặn của xếp nên dằn xuống. Chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu anh: "Hay là ông chọn mình làm ứng viên em rể/ cháu rể... vì ông có người em gái/ cháu gái lỡ vác "ba lô ngược" với thằng cha căn chú kiết nào đó"" Để không bị "ép duyên", anh nói:

- Thưa Thiếu Tướng, tôi có người yêu rồi.
-  Người yêu của anh tên gì" Bao nhiêu tuổi" Còn đi học hay đi làm rồi" Làm nghề gì" Ở đâu"
Anh quyết định nói thật, để ông khỏi "ép duyên" anh:
- Người yêu của tôi tên Trần Hạ Vy, 25 tuổi, là cô giáo dạy Việt văn ở trường trung học..., tỉnh ....
- Còn người yêu thứ hai, thứ ba, thứ tư..., kể hết ra.
- Thưa Thiếu Tướng, không có ai nữa cả.
- Thật hết"  Vậy tại sao già rồi (!) mà chưa chịu lập gia đình"
Anh nghĩ: "Ông này có lẽ "mát giây thần kinh"!   Hỏi nhiều chuyện không dính dáng gì tới nhiệm vụ công tác của anh."  Nhưng, anh cũng  bình tĩnh đáp:
- Thưa Thiếu Tướng, vì tôi không muốn người tôi yêu thương goá bụa khi còn quá trẻ, và con tôi mồ côi cha khi còn quá nhỏ.
 Ông gật gật đầu, nói:
- Anh ngồi xuống. 
 Anh than thầm: " Sao ông tử tế bảo mình ngồi"  Chắc ổng "chấm" mình, rồi sẽ bắt mình bỏ con "Đệ Nhất Đào Thương" của mình, và làm "tấm bình phong" che cho cái "ba lô đeo ngược" nhà ông đây."  Anh dặn lòng quyết tâm không tuân lệnh.  Đột nhiên  ông  lớn  giọng nhưng ánh mắt có điều gì là lạ.
- Anh có biết anh phạm một tội tày trời không"
- Ơ... ơ...ơ... Thưa Thiếu Tướng, tôi không biết. 
- Tôi đưa anh ra tòa án quân sự.  Tội của anh có thể từ chung thân đến tử hình.  Anh chọn cái nào" 
Nghe đến đây, anh nghĩ chắc chắn ông gài tội để "ép duyên".  Văn phòng chỉ hai người.  "Không ai làm nhân chứng cho cuộc "kỳ(cục) ngộ" này!"  Anh than thầm nhưng cũng gắng bình tĩnh trả lời:
- Thưa Thiếu Tướng, tôi nghĩ tôi không có phạm tội gì cả.
- Anh dám nói với tôi là anh không có tội"  Anh mang tội cố ý giết người, biết không" Anh trả lời thẳng câu hỏi của tôi: Chọn bản án nào"
- Con người ai không sợ chết... thưa Thiếu Tướng.
- Vậy anh chọn tù chung thân phải không" 
- Nếu tôi phạm trọng tội, bị toà án xử tù chung thân thì tôi phải chấp nhận vậy.
 Anh có biết bây giờ Hạ Vy ra sao không" 
Thành thất sắc, mặt không còn chút máu.  Anh nghĩ ngay Hạ Vy có thể tự tử vì anh.  Tuần rồi, nàng nhắc anh chuyện làm đám cưới, anh hẹn nàng chờ vài năm.  Anh kêu Trời trong bụng:  "Hạ Vy !  Sao em dại dột vậy"  Sao đành lòng chết trước bỏ anh vậy, Trời!  Anh sẽ xin tòa bản án tử hình để theo em."
- Nếu vì anh nó chết, có phải là anh giết nó không"
 Anh lắp ba lắp bắp trả lời:
- Phải... phải... tại tôi.
Tới đây thì ông cười ha hả, nói:
- Toà án là tôi đây. Người thi hành án cũng là tôi. Tôi tuyên án: "Vì bị cáo thành thật và ăn năn nhận tội nên bổn toà khoan hồng giảm án còn 50 năm tù, cho đặc ân chọn "cai tù."
  Quả thật ông này chịu chơi như tin đồn mà!  Ông nói kiểu này là chuyện đẹp đây.  Anh nhẹ nhỏm người, và bắt đầu ởm ờ:
- Vậy Thiếu Tướng cho tôi chọn cai tù như ý tôi phải không"  Ở tù 50 năm cũng hết đời tôi rồi. Tôi chỉ sợ tôi chưa thi hành hết bản án thì đã về đất.
- Được.  Tôi cho anh chọn cai tù nhưng trong vòng một tháng phải thi hành án.
 - Thưa Thiếu Tướng, Hạ Vy bây giờ ra sao"
 -Anh còn hỏi"  Nó đang chết lên chết xuống chứ sao"
 -Vì bịnh gì, thưa Thiếu Tướng"
 -Anh khéo giả vờ, vì bệnh tương tư thất tình chứ còn bệnh gì nữa"
Ông đứng dậy, vỗ vai anh , đổi giọng thân mật:
- Hạ Vy là con của một người bạn thân.  Vợ chồng tôi đã coi nó như con cháu trong nhà từ lúc nó chập chững biết đi. 
 Anh lẩm bẩm: "Hạ Vy ơi!  Em có biết ba của em hay mẹ của em là bạn thân (!) của ông tướng chịu chơi này"  Sao em không cho anh biết, làm anh muốn rớt tim từ nãy giờ." Ông tướng nói tiếp:
- Nó dễ thương lắm, cũng tới tuổi chín chắn để lập gia đình rồi. Có công ăn việc làm vững vàng, không là gánh nặng cho anh đâu.  Nó nhờ tôi điều tra xem anh có người yêu nào khác không mà chưa chịu làm đám cưới, và nhờ tôi gởi cho anh hai câu này: "Đi đâu cho thiếp đi cùng, Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp không."  Anh đừng để lỡ làng đời nó.  Anh làm nó khổ, tôi đì anh ngóc đầu không nổi.  Được nữ "cai tù" khả ái này cũng tốt phước lắm đấy.  Chúc anh được ở trong nhà tù êm ái hạnh phúc.
Thế rồi, vì ông tướng "ép duyên" nên ông giúp đỡ anh sửa soạn căn phòng ngủ trong cư xá của anh thành "phòng tù"  tử tế để  "đưa nàng về dinh" làm cai tù. 
Từ khi có nàng, anh có nhiều "cái được", đồng thời cũng có nhiều "cái mất" cùng lúc. Cái "được-mất" đầu tiên là bà tướng tặng cho bếp lò, nồi niêu xoong chảo, chén bát đũa muổng, mắm muối, tương chao, mỡ dầu..., khạp gạo đấy ắp.  Ông tướng cho thêm cái bàn phấn để nàng trang điểm, một tủ đứng để đựng quần áo của nàng, còn quần áo của anh  cũng được ké một góc nhỏ trong tủ. 
Không sao! Quần áo anh chỉ vài bộ, đâu cần chiếm nhiều diện tích. Nàng cần nhiều quần áo để mỗi khi ra đường, anh mát mặt, nở mày vì có con "dzợ" ăn mặc đẹp.  Căn phòng của anh bỗng nhiên như trở nên nhỏ hẹp.  Ai đi mà thiếu cẩn thận có thể không đụng cạnh bàn thì cũng chạm cạnh tủ, bầm tay bầm chân.  Tuy nhiên nó rất tươm tất và đầy đủ tiện nghi.  Cái gì cũng có, gần như một tiêm tạp hóa nho nhỏ.  Anh cần đường có đường, cần muối có muối, cần cà phê có cà phê.  "Áo anh sứt chỉ đường tà", có ngay kim chỉ để cho nàng sử dụng. Bao nhiêu áo quần sứt chỉ, đứt nút anh bỏ một đống trong góc tủ được nàng lôi ra khâu lại hết cho anh, và giặt ủi thẳng thớm, xếp vào  tủ ngăn nấp.  Anh vô cùng sung sướng và hãnh diện vì mình hơn hẳn ông Hữu Loan, tác giả bài thơ "Màu tím hoa sim" lừng danh cả nước.  Anh không phải than thở thảm thiết như ông:  "Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu." Mỗi lần "vá cho chồng tấm áo ngày xưa", nàng hay gọi anh đến ngồi bên cạnh để quan sát nàng may vá và "học lý thuyết" may.  Nàng là cô giáo mà, nên mắc bệnh nghề nghiệp, thích dạy người, và có tật hay hỏi " hiểu chưa."  Không sao, biết thêm một việc cũng tốt thôi, để phòng khi "hữu sự" mà vắng nàng thì biết cách "đối phó".  (Xin mở ngoặc nói thêm, nhờ vậy mà sau này khi ngồi tù dài hạn, anh biết vá quần áo cho đỡ sexy khêu gợi.)
 Chiếc giường cá nhân của anh bây giờ thêm một người chia sẻ.  Tuy chật một chút nhưng bù lại anh có "gối ôm mềm mại, ấm áp 37 độ C"  cho... "dễ  ngủ" (!).  Từ hôm có nàng, anh trở thành một anh pilot thich làm ca sĩ.  Đêm nào anh cũng hát bài Ngậm Ngùi, trong đó anh ưa hát đi hát lại hai câu: "Tay anh, em hãy tựa đầu, cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi".  Số giờ ngủ bị giảm đáng kể vì không những anh không chỉ cảm nhận "trái sầu" rụng rơi mà còn  lăn qua lăn lại trên tay anh làm tê cóng, nhưng anh không dám nhúc nhích sợ làm tan giấc mộng vàng của cô nàng "be bé xinh xinh". Dẫu sao anh cũng hơn hẳn anh chàng trong bài ca dao được Phạm Duy phổ nhạc: "Lấy chồng thì em cũng lấy, Nằm chung thì em chẳng nằm."  Nhưng cái mất đáng kể là từ ngày nàng âu yếm tặng cho anh "cái còng" bằng vàng, mấy "em gái hậu phương" nhìn anh bằng nửa con mắt và xa lánh anh.  Đại danh từ anh-em được một vài cô thay vào bằng đại danh từ chú-cháu.
 Từ khi có nữ cai tù khả ái này, ngày naò anh cũng được ăn cơm canh nóng sốt, thật ngon miệng!  Bù lại, tháng nào nàng cũng ngọt ngào: "Anh ơi, đầu tháng rồi.  Lãnh lương chưa, đưa em cất cho.  Anh có tật bỏ bậy, xài bậy(!), phí đi."  Thế là anh đều đặn nộp lương cho nàng để được nàng cho ăn cơm hằng ngày.  Cơm nàng nấu thanh đạm, ăn tốt  hơn "phở" nhiều, vì phở lắm  cholesterol  dễ bị heart attack (!) chết sớm.
Sau vài tháng tạm nghỉ nhảy nhót, anh nhớ vũ trường.  Một bữa đẹp trời, anh dụ dỗ:
- Em ơi, anh dạy em vài điệu nhảy để đi vũ trường với anh cho vui.  Ở nhà miết, phờ người ra, đâm khù khờ mất.
- Đươc.  "Lên non, thiếp cũng lên theo", huống chi là vũ trường!
Thế là đêm đó anh cho mấy cái ghế và bàn "tạm trú" vài tiếng đồng hồ ngoài sân để anh dạy nàng học nhảy. Anh tưởng có thể dẫn nàng đi vũ trường ngay hôm sau nhưng không ngờ nàng là cô giáo mà sao "chậm hiểu" quá, phải mất mấy tuần chân anh mới hết  bị nàng giẫm cho bầm tím.  Thấy tạm được, tuy dáng nhảy cũng còn  cứng còng cứ như nhảy cò cò, anh dẫn nàng tới vũ trường.   Được vài lần, một hôm trong vũ trường, nàng được vài cậu choai choai tới "chào cô", và anh được lên chức "thầy".  Thế là từ đó nàng không tới vũ trường nữa.  Nhiều khi bạn bè rủ rê anh và nàng đi dance ở club này club kía, nàng lắc đầu quầy quậy bảo anh cứ đi với anh em, khi thì "em bận chấm bài luận",  khi thì "em mắc soạn bài dạy học", khi thì nàng nói thẳng: "Em sợ gặp học trò."   Lần nào anh về cũng thấy nàng ngồi ngủ gục ở bàn, cạnh cửa sổ chờ anh. Sao mà thấy thương đứt ruột!  Do đó, anh cũng tìm cách từ chối khéo léo với bạn bè và ở nhà "đánh cờ" với nàng.  Tụi bạn đã không thông cảm thì chớ, lại gieo tiếng xấu cho anh. Tụi nó đặt cho anh bí danh "Thành sợ dzợ".  
 Ngoài nghề nghiệp chính thức "tài xế máy bay", anh kiêm luôn "tài xế xe ôm".  Mỗi ngày hai cuốc xe, anh chở nàng đi và về từ trường tới "tổ uyên ương yêu quới" của mình.  Nghề nghiệp phụ này, anh làm việc cũng rất nhiệt tình, phải nói là hơn nhiệt tình nhiều, vì anh được rửa mắt trước một rừng hoa muôn loài, muôn sắc, muôn hương.  Cám ơn "dzợ cô giáo"!   Nhờ nàng, anh được công khai đứng trước cổng trường trung học mà ngắm nghía, không phải e dè đứng ở gốc me, hay vờ vĩnh làm như vừa ở đâu đi ngang qua.  Có điều anh lên chức "Thầy" hơi oan uổng, vì chỉ là chức "hàm" thôi.  Anh vẫn thích các em nữ sinh trường này gọi bằng "anh" ngọt ngào hơn.  Nàng là cô giáo mà lại sợ học trò!  Anh nhớ lúc còn đi học, anh sợ thầy cô giáo một phép, còn nàng thì: "coi chừng học trò thấy, học trò cười kia kìa, em sợ gặp học trò..." làm anh cụt hứng nhiều phen khi muốn biểu lộ công khai tình yêu đối với nàng.
Vào một ngày nắng... nóng bở hơi tai, nàng thỏ thẻ:
- Anh ơi, bác sĩ bảo em đang mang "ba lô ngược".  Em phải vô cùng cẩn thận trong thời gian mang thai, nhất là ba tháng đầu rất dễ bị mất em bé.
Anh nghe tin mà mát cả ruột gan. Anh sắp được thăng chức nữa: chức "cha" chính thức, không phải chức "hàm".   Anh âu yếm ôm nàng, thưởng một nụ hôn.
- Oẹ...oẹ... oẹ...
Anh trố mắt nhìn chưa kịp hỏi chuyện gì làm nàng khó ở thì nàng bảo:
- Em không chịu được mùi thuốc lá.
Thế là anh bỏ thuốc lá.
Vài ngày sau nàng oẹ... oẹ... oẹ... "em không chịu được mùi rượu", anh lại bỏ rượu. Oẹ... oẹ... oe..., "em không chịu được mùi cá", anh phải vào bếp nấu món thịt.  Oẹ...oẹ...oẹ "em không ăn cơm được", anh lại chạy mua phở hay hủ tiếu hay mì vịt tiềm cho nàng v. v.  Việc công lẫn việc tư làm anh phờ phạc cả người. Hết thì giờ để nhảy nhót đàn đúm với bạn bè!  Lại thêm, vì sợ nàng ngồi cửa sổ trông đợi, lo lắng, buồn bã...rồi sanh ra thằng con mặt nhăn nhó như khỉ ăn ớt làm sao nó "cua gái", anh mất người thừa tự sao!  Nếu là con gái thì hết hi vọng đoạt vương miện hoa hậu!  Anh đành từ giã "nghiệp" nhảy nhót.  Còn nữa, tối anh phải ngủ ghế bố vì "Ơ... anh ơi!  Coi chừng đụng móp cái "ba lô" của em!"  Chưa hết!  Không lâu sao đó, đang ngồi đọc báo, nàng ôm đầu anh hôn vào trán một cái, rồi thủ thỉ:
- Anh yêu ơi, em đau lưng quá!  Ngồi lâu không được.  Anh làm ơn, cộng sổ điểm, chia lấy trung bình, rồi sắp thứ hạng cho học trò lớp em hướng dẫn.  Không mất nhiều thì giờ đâu.
Anh hào hứng nhận lời:
- Chuyện nhỏ!  Ngày xưa anh là học trò giỏi toán mà.  Yên chí!  Anh làm một loáng là xong ngay.
- Cám ơn anh yêu!  Em biết anh là một người chồng tốt nhất trên thế gian! 
- Anh quen lái máy bay thật, em đừng cho anh đi tàu bay giấy chứ.
Nàng phụng phịu, làm mặt giận:
- Con ơi, ba con muốn mẹ lúc nào cũng không vui để sanh con ra thành "Quỷ kiến sầu" khiến con tuyệt đường có "dzợ".
Nàng đánh đòn tâm lý chiến, anh chịu thua.
"Cái ba lô ngược" của nàng mỗi ngày một lớn thì nàng đau lưng và mỏi mệt càng nhiều.  Anh lại làm ông Ba Tàu hành nghề đấm bóp.  Thương nàng ốm yếu mà mang vác nặng nề nên khi nàng kêu gọi giúp đỡ chấm giùm môt xấp luận văn của học trò, anh nhận lời liền.  Hết một xấp nàng đưa thêm xấp khác, rồi xấp khác nữa...  Tổng cộng 4 xấp.  Mỗi hai tuần anh phải đọc, sửa chữa lỗi chính tả, chấm câu, hành văn, tứ văn... của khoảng 240 "tác phẩm" không phải là thư tình, truyện tình đầy ướt át lãng mạn mà là bình luận, giải thích... khô khốc.  Mỗi "tác phẩm" từ 4 đến 8 trang giấy học trò.  Từ đó, anh làm "phụ giáo" cho nàng mà không đòi hỏi thù lao. Anh không còn là "thầy hàm" nữa, mà "thầy thực thụ", tuy không có giấy tờ công nhận chính thức.  Anh kiêm một lúc mấy công việc.  Ngoài việc chính là "tài xế máy bay" có lương, anh còn kiêm "tài xế xe ôm", ông Ba Tàu đấm bóp, phụ giáo...gian, và nội trợ v. v... không lương.  Hết giờ ở phi đoàn, anh lật đật về nhà làm những jobs không lương.  Thì giờ rỗi rảnh để tán gẫu với bạn bè cũng "nói lời chia tay" với anh. Tiền lương của anh còn phải giao nộp đúng hạn cho nữ cai tù kiêm giám đốc "ngân hàng gia đình".  Anh trở thành vô sản đúng nghĩa!  Anh còn gì đâu, ngoài tấm thân xơ xác, tóc tai bù xù này!  Không sao!  Đội nón bay và mặc áo liền quần, thì người nào cũng như người nấy.  "Ôi!  Thời oanh liệt của một anh chàng pilot hào hoa phong nhã nay còn đâu!"


Nhờ cái "ba lô ngược" của nàng, anh được cấp cho một căn nhà trong khu gia cư dành cho Sĩ Quan có gia đình.  Nhờ vậy, khi đưá con ra đời có chỗ để chơi đùa, không sợ u đầu mẻ trán.  Đứa con đầu lòng là một Công Chúa xinh xinh, có cặp mắt long lanh, sắc sảo như mẹ. Kiểu này có khối thằng "chết chìm trong mắt em" đây.  Anh lên chức cha thì phải có bổn phận và trách nhiệm của ngưòi cha.  Thương nàng ốm yếu, lại phải làm việc kiếm sống, không được làm mệnh phụ phu nhân như một số phụ nữ may mắn khác, anh gánh lấy phần lớn việc gia đình. Từ ngày có thêm nàng Công Chúa bé nhỏ, ngoài những jobs chính và phụ kể trên, anh còn thêm job vú em: thay tã, giặt tã, pha sữa, cho con bú, dỗ con ngủ, giặt quần áo cho gia đình... Anh trở thành một anh chàng "bá nghệ", một người chồng lý tưởng!
Hết được tán gẫu với bạn bè, không còn thì giờ lả lướt ở mấy cái club thì anh "Khi vui nước nước non non, Khi buồn lại giở bàn son quân ngà", cùng với nàng "quân thiếp trắng, quân chàng đen."
Nhờ vậy anh có thêm hai Hoàng Tử nữa.
Nhà anh trở nên đông vui, ồn ào như ngày hội.  Khi về nhà, anh làm ngựa cho hết Công Chúa, tới Thái Tử, rồi Hoàng Tử cỡi. Hết đứa này đến đứa kia nắm tóc, bứt râu, níu áo, níu quần anh.  Cha con anh lấy gối, chăn, mền chơi trò Quốc Gia đánh nhau với VC.  Mỗi lần như thế, anh thường nghe nàng rên rỉ: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn!"  Anh như thế này, con lớn thêm chút nữa thì làm sao dạy đây!"  Cha con anh mặc kệ, để cho lời than của bà cai tù đi từ lỗ tai này sang lỗ tai khác rồi chạy rong ngoài đường.  Anh biết nhược điểm của nàng là ưa ngọt. Tối đến anh cho nàng uống nước đường thì mọi việc xong ngay.
"Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả" thì chuyện nàng cai tù của anh có thể chấm dứt nơi đây.  Nhưng... cuộc đời của anh không êm ả như mặt nước hồ thu.
 Khi anh báo tin ông tướng "ép duyên" cho cha mẹ anh hay, thì mẹ anh có đi so tuổi đôi trẻ. Ông thầy bói ở xóm anh "phán" rằng nàng có số "vượng phu ích tử" nên cha mẹ anh tích cực cùng ông tướng "mặt sắt đen xì" của nàng hợp  tác "ép" anh "đưa nàng về dinh".  Nhờ số tốt của nàng, anh không chết sớm, tai qua nạn khỏi trong tích tắc, chỉ bị "muỗi cắn" hai lần thôi, và lên lon đều đều giữa hàng quân, không phải giữa "hai hàng nến trong". 
Sau ngày 30 Tháng Tư 1975,  sau khi "anh em ruột thịt" miền Bắc vào, anh được ưu ái cho "đi học đại học" ở núi rừng thượng du rồi trung du "mát mẻ" Miền Bắc.
Ngày anh ôm quần áo, từ giã cô giáo kiêm, giã từ chức "hàm thầy" để  đi  làm  "xanh (xanh xao) viên trường Đại Hộc Máu" được thành lập vội vàng ở Miền Bắc, anh "bước đi một bước, dây dây lại dừng".  Thật là đau lòng xót dạ!  Anh mang theo hình ảnh nàng cai tù của anh "vai em gầy guộc nhỏ", vác thêm một cái "ba lô" thứ tư, tay mặt nắm Thái Tử, tay trái nắm Hoàng Tử, còn Công Chúa đứng phía trước. 
Cả bốn người rưỡi nhìn theo bước anh đi làm cho ruột anh như đứt từng khúc từng đoạn.  Hai vợ chồng hai đầu lương với ba đứa con mà gia đình anh sống chật vật.  Bây giờ chỉ còn một đầu lương với bốn đứa con làm sao nàng xoay sở đây"  Nàng đi dạy, bỏ con cho ai trông" 
Nàng "bể bầu" không có anh trông nom phụ giúp con cái thì nàng làm sao"  Cơm nước cho đứa lớn, săn sóc đưá mới ra đời, rồi dạy học, soạn bài, chấm bài, cộng điểm..., còn chợ búa cơm nước nữa. Tưởng tượng đến đây anh không dám nghĩ thêm vì chỉ thấy trước mặt là màn đêm dày đặc.  Càng nghĩ tới càng thương nàng đứt ruột nát gan!  
Nhớ lời Tổng Thống Thiệu: "Đừng nghe những gì Cộng Sản nói.  Hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm", nhớ tới ông bác bị kẹt lại Miền Bắc sau 54 của thằng bạn thân Bắc Kỳ bị đi tù "mút mùa Lệ Thủy", đến nay (1975) chưa về, chỉ vì có tí chút chức vụ trong chính quyền của Quốc Trưởng Bảo Đại, anh lạnh xương sống.  Kiểu này anh đi không có ngày về, không phải một tháng như chúng thông báo đâu.  Nếu nàng ôm cầm sang thuyền khác để có nơi nương tựa mà nuôi con, anh cũng cám ơn người đàn ông can đảm đó.  Nhưng mà đâu có thằng nào khùng đút đầu vô "lãnh đạn" một cách lãng xẹt vậy. Không có thằng khùng thì... anh cầu nguyện "đừng đi du lịch âm cung sớm, bỏ anh và bỏ con, nghe em."
Rồi một ngày... thân thể cao lớn, đẹp trai của anh và các đồng đội của anh trở thành những con khô cá lóc, nhà nước Cách Mạng XHCN  "nhân đạo" nên có chính sách cho gia đình đi thăm nuôi.   Các gia đình của những "xanh viên" Đại Hộc Máu này đã vỗ béo người thân của mình.  Và "Nhà Nước ta" lấy đó làm thành tích rêu rao với thế giới sự nhân đạo khoan hồng của họ để "bọn phản động, và đế quốc" không lấy cớ  lèm bèm, bêu rếu Cách Mạng nữa.  Anh biết thân, biết phận, biết hòan cảnh gia đình mình nên không hi vọng nàng thăm nuôi anh.  Nhưng mà... vào một ngày đẹp trời có nắng nóng, có mây bay, có chim trốn nắng trong lùm cây, anh nằm trong danh sách "trúng số": được gia đình thăm nuôi.  Anh đứng lóng nhóng tìm nàng.  Những người mẹ, người vợ đủ lứa tuổi tay xách, vai mang, lưng đèo lủ khủ bao bị, giỏ xách... lũ lượt kéo vào.  Nàng khệ nệ mang vác, lệch bệch đi vào cuối cùng.  Trứơc mắt anh là một nàng nông dân trong quần đen, áo bà ba màu đậm, không còn "áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường"!  Vai em không phải "gầy guộc nhỏ", mà là vai em xương nhấp nhô lồi lõm.  Em như một con cá sặc bị người ta làm khô, phơi mấy lứa nắng hết cả nước.  Tay chân khẳng khiu, đen đúa, trán đẫm mồ hôi.  Em, người cai tù khả ái của anh, từ ngày nàng bớt cái job cai tù, giao người khác đảm nhiệm, tưởng nhẹ đi một phần, ai ngờ...  Bây giờ nàng trở thành người vợ thủy chung "trước sau như một" của anh.  Thương quá là thương "con khô cá sặc" này!  Anh ứa nước mắt, nghẹn lời, nhưng không dám khóc.  Không phải anh sợ mấy con khỉ Trường Sơn lên làm người... ngợm, hách dịch la mắng, mà sợ nước mắt anh đeo đẳng nàng trên đường về nhà, và trở thành ác mộng cho nàng mỗi đêm.  
Với đồng lương "khiêm tốn" của nhà giáo, nàng bươn chải kiếm thêm tiền để nuôi con, nuôi chồng.  Từ đó, mỗi khi hè về, nàng đi thăm nuôi anh.  Trong năm, nàng bận dạy, con bận học thì mỗi tháng nàng gởi một gói quà 5 kí lô cứu đói cho anh.  Anh nhớ tới ông tướng, chú của nàng (chú hay cha"  Bấy giờ anh vẫn còn thắc mắc điều này).  Anh chân thành cám ơn ông  đã se duyên cho anh với một người vợ dễ thương, tình nghĩa thủy chung như thế.  Vậy mà, ngày xưa đã có lần dại dột, anh than phiền với chú: "Cực quá chú ơi!  Kiếp sau cháu thề không lấy vợ làm cô giáo nữa!"  Ông chú đã cười cười an ủi anh: " Ráng đi cháu!  Chú cũng không hơn cháu đâu.  Bóng câu qua cửa sổ, 50 năm nhanh lắm!"
Thời gian trôi qua... Rốt cuộc rồi anh cũng lãnh "bằng tốt nghiệp"  Đại Hộc Máu, sau mười năm "học tập và lao động là vinh quang".  Anh trở về nhà.  Vừa bước tới cửa, chưa kịp gõ thì anh nghe giọng cô chị đang "lên lớp" người em:
- Này, em lớn rồi, phải biết nên thân một chút, chăm chỉ học hành, sách vở áo quần phải ngăn nắp để làm gương cho hai đứa em.  "Thượng bất chính, hạ tắc loạn" hiểu không"  
Câu nói quen thuộc này cả chục năm nay anh mới được nghe lại, nhưng không phải do nàng nói mà do "truyền nhân" của nàng. Anh giơ tay gõ cửa.  Một cái đầu xuất hiện nơi của sổ nhìn ra.  Ôi!  Công Chúa bé nhỏ của anh!  Bây giờ là một thiếu nữ tuy gầy guộc nhưng xinh đẹp, cặp mắt long lanh sáng rỡ không khác cặp mắt nàng cai tù của anh.  Anh lẩm bẩm: 
-Em ơi, con khô cá sặc của anh, em đâu rồi"  Con khô cá lóc về rồi đây!
Con bé trả lời:
- Thưa ông, ở đây không bán cá khô, chỉ có chè thôi, nhưng buổi chiều mới có.
Anh biết con gái anh nhìn không ra cha.  Ngày anh đi, con anh mới 6 tuổi, bây giờ đã là thiếu nữ 16 rồi.  Anh bây giờ hom hem, gầy đét như con khô cá lóc, trông già trước tuổi nhiều làm sao nó nhận ra.  Anh liền nói:
- Ba về rồi đây.  Công Chúa Lớn, Thái Tử, Hoàng Tử, Công Chúa Út của ba, mở cửa cho ba vào, mẹ các con đâu"
Nghe gọi, thêm ba cái đầu xuất hiện nơi cửa sổ, ngó anh lăm lăm.  Công Chúa Lớn dè dặt nhìn hình anh treo trên tuờng rồi nhìn anh, hỏi:
- Ông nói ông là ba của cháu, có gì chứng minh"
Anh chợt có ý nghĩ muốn thử xem các con anh được mẹ giáo dục, dặn dò như thế nào.  Anh nói tên họ và tuổi tác từng đứa con thì được con bé trả lời:
- Thưa ông, cả xóm này, ai cũng biết tên tuổi của chị em chúng cháu.  Xin lỗi, cháu không dám cho nguời lạ vào nhà. 
Anh đưa giấy ra trại của anh, con bé cầm lên đọc, vẻ xúc động rõ rệt trên khuôn mặt nhưng nó xem tới xem lui rồi đưa cho mấy đứa em xem.  Xong, trả lại anh.  Hai đứa lớn đưa mắt nhìn nhau.  Anh thấy đứa con gái khẽ lắc đầu.  Đứa con trai lớn ra dấu đồng ý.  Con bé nhã nhặn nói:
- Xin lỗi... bác (từ ông qua bác), bác chịu khó chờ một chút, mẹ con (từ cháu qua con) đi chợ sắp về rồi.  Con không biết giấy của bác thật hay giả.  Bác không giống như trong hình của ba con.
Nói xong, nó chạy vào bếp mang một chén chè đầy ắp lòn ra cửa sổ đưa cho anh.  Anh vô cùng cảm động.  Người vợ cô giáo của anh dạy con vừa cẩn trọng, vừa ăn nói lễ phép, khôn ngoan. "Cám ơn em.  Mười năm không có anh, em đã hoàn thành xuất sắc việc nuôi nấng và dạy dỗ các con. Anh mang món nợ ân tình này lớn lắm."  Đang xúc động vì hạnh phúc này, nàng về tới, ôm lấy anh khóc vùi.  Các con lật đật mở cửa, đứa nắm tay, đứa kéo áo, lôi vào nhà.  Hạnh phúc đoàn viên thiết tưởng không cần thiết nói ra. 
Ngay chiều đó, anh có job "bưng bê" mặc dầu nàng và các con không cho.  Nhằm nhò gì cái job nhẹ nhàng này so với job "học hành" ở đại học Made by Trung Ương Đảng CSVN.  Sau thời gian ngắn được nàng và con tẩm bổ bằng chè bán ế, anh tìm được vài mối làm "gia sư" Anh văn tại những gia đình có nhu cầu đi nước ngoài, cho nên cuộc sống cũng dần dần đỡ ra.  Cám ơn nước Mỹ ngày xưa đã cho anh hai lần tu nghiệp nghề "tài xế máy bay" nên anh có một số vốn Anh văn kha khá để làm thầy thực thụ.  Nhà anh bây giờ có thêm "cai tù con", truyền nhân chính thức của cai tù mẹ, nên các con anh đi vào nề nếp tốt.  Anh làm đơn xin đi Mỹ, vì anh không muốn con anh đứa thì "Chị Út Tịch còn cái lai quần cũng đánh", đứa kia "Đêm nay Bác không ngủ" ( Bác đi tìm ai"), đứa nọ "Mẹ Suốt đưa đò" (đò ngang hay đò dọc")... mà không thấy Bà Trưng, Bà Triệu, Hưng  Đạo Vương, Vua Lê Lợi,  Quang Trung Đại Đế... đâu cả.
  Với "Mảnh bằng tốt nghiệp Đại Hộc Máu", vài năm sau, gia đình anh đành vĩnh biệt "Thiên Đàng" hạ giới được xây dựng bởi những "đỉnh cao trí tuệ" của loài người, đi sang một nước Tư Bản đang "giẫy chết", để chết theo "Đế Quốc Mỹ" cho dzui dzẻ cuộc đời.  Ở nơi đây anh mới thấy hết khả năng ẩn tàng của hai nàng cai tù lớn, nhỏ nhà anh. Nàng lớn lãnh hàng may gia công, một ngày làm việc từ 15 đến 20 tiếng đồng hồ.  Nàng nhỏ vừa đi học, vừa quán xuyến việc lớn việc nhỏ trong nhà, vừa chăn dắt mấy đứa em.  Anh lại nghe thường xuyên câu danh ngôn "thượng bất chính, hạ tắc loạn" nhưng giờ đây xuất phát từ cô Công Chúa Lớn.  Phu quân của một người đồng nghiệp may gia công với nàng cho anh cộng tác cắt cỏ thuê.  Nói cộng tác cho oai  một chút, chứ thật ra làm công cho anh ta.  Được vài tuần.  Một buổi sáng đẹp trời, anh đến cắt cỏ cho căn nhà đẹp mà chủ nhân là một phụ nữ goá chồng, thường vắng nhà luôn.  Người chủ thầu cắt cỏ bảo anh phải gỏ cửa để lấy cái check mà mấy tuần qua rồi chủ nhân chưa đưa.  Một mệnh phụ đẩy đà mở cửa.  Anh khựng lại, chủ nhân cũng khựng lại. Thôi chết anh rồi!  Đây là một "em gái hậu phương" mà anh phải chạy trốn khi bị ông tướng "ép duyên".  Em, nay tuy có tuổi nhưng cũng còn mượt mà lắm, con mắt lá răm còn tình tứ vô cùng... Nàng mời anh vào nhà, rót cho anh  một  ly  đầy  rượu Martel, thứ rượu ngày xưa anh khoái khẩu.  Nhưng anh vội từ chối vì... phải lái xe.  Nàng bảo:
- Anh ở lại đây chờ tan rượu hãy về.
- Cám ơn em, cho anh về.  Anh còn phải cắt cỏ (xin độc giả hiểu nghĩa đen) nhiều nhà lắm.  Hôm nào rảnh, anh sẽ ở lại chơi lâu hơn.
- Anh cho em xin số phone.
- Em ơi, tha cho anh.  Con "sư tử" nhà anh bắt phone thì xé xác anh chết mất.
Thật ra, không phải anh sợ  "sư tử già" xé xác, mà anh sợ "sư tử con" với câu danh ngôn chân truyền "thượng bất chính, hạ tắc loạn". 
Về nhà, anh thật thà khai báo với hai nữ cai tù.  Anh bị buộc thôi việc, ở nhà, phụ cắt chỉ với nàng, không phải "xe chỉ... ố mấy kim... luồn kim".  Mắt anh lèm nhèm lắm rồi, luồn kim sao được nữa!  Sau đó, anh xin được job coi kho trong hệ thống Costco. Nhờ siêng năng và có trình độ lẫn kinh nghiệm điều hành, dần dà anh được thăng chức Manager. 
Cuộc sống dần dần ổn định và thoải mái. Miểng đạn còn sót lại trong thân thể làm anh đau nhức muốn chết khi gió mùa đông tới cũng được "chế  độ đang giẫy chết" cứu anh sống.  Mấy đứa con của anh dưới tay "quản lý" của Công Chúa Chị đều học hành tử tế.  Nhờ xã hội "Tư Bản đang giẫy chết" cho các con anh nhiều cơ hội tốt nên các con anh thành đạt, có cuộc sống vững vàng.  Hai "Công chúa" được mẹ truyền cho chức cai tù đi nhận "nhiệm sở mới".  Thái tử và Hoàng tử nối gót cha vào "nhà tù mới".
Bây giờ chỉ còn mình anh ngày nào cũng đụng mặt cai tù già.  Càng già cai tù càng khó tính, càng khe khắc.  Mỗi lần anh nói đùa như những ngày xưa thân ái thì nàng chận lại: "Ăn nói cẩn thận "hoạ tòng khẩu xuất" đó, mình à."Nàng dùng chữ "mình" của người Miền Nam, nghe sao ngọt ngào chi lạ!  Nàng bắt anh kiêng hết thức này, đến món kia vì sợ "bệnh tòng khẩu nhập". 
Nàng giảng giải cho anh:  "Bệnh nhập không chỉ vì đưa vào miệng thực phẩm thiếu vệ sinh, thức ăn mất quân bình dinh dưỡng, hay không có gì đưa vào miệng như những ngày "mài miệt" trong Đại Hộc Máu, mà bệnh còn nhập theo thức ăn thừa mứa nữa.  Hiểu chưa, mình""  Ôi!  Lại bệnh nghề nghiệp: "Lên lớp" và "hiểu chưa"!  Nhưng chữ "mình" ngọt như mía lùi, làm sao giận nàng cho được!  Mỗi lần nàng tìm được phương thuốc "thần kỳ" nào trên internet là anh được làm "người thí nghiệm" ngay.  Nàng lập luận: "Không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc,  không ích lợi cái này thì cũng ích lợi cái kia."  Cũng không thể giận được trước tấm lòng "ưu ái" của nàng dành cho anh!  Anh "tự nguyện" bị bắt buộc làm theo nàng.
Vợ chồng anh được các con tặng mỗi người một laptop.  Ngồi trước laptop, anh nhớ lại những ngày ngồi trước nồi chè ở Thiên Đàng XHCN quạt lửa phành phạch, nóng rát chảy mồ hôi mà thương cảm cho những người bất hạnh còn ở lại "Thiên Đường".  Anh cám ơn nước Mỹ đã đem đến cho vợ chồng anh điều kiện để tiếp cận nền khoa học kỷ thuật hiện đại của nhân loại.  Nhờ đó, anh liên lạc thường xuyên đồng đội của mình trên toàn thế giới.
Nàng cũng vậy, liên lạc, "chit chat" với đồng nghiệp và học trò,  cho nên sau này, thời gian bị kềm kẹp của anh cũng ít lại.  Hôm kỷ niệm 50 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cai tù và tù nhân, con cháu quây quần tụ họp đông vui.  Anh chợt nhớ tới chú Thiếu Tướng, anh thắp cho chú một nén nhang và khấn:
- Thi hành án lệnh của chú năm mươi năm rồi, sao cháu chưa được "mãn án""
Trên thinh không, anh nghe tiếng ông tướng văng vẳng:
- Xin lỗi cháu.  Chú tính sai bản án vì chú không biết có ngày cháu sống ở nước Tư Bản Mỹ.  Thôi ráng chịu đựng  bị "bóc lột" của bọn Tư Bản và bị "kềm kẹp" của nữ cai tù nhà cháu  thêm một thời gian nữa, cháu nhé!!!
- Xin chú trả lời cháu một thắc mắc kéo dài nửa thế kỷ: " Hạ Vy là cháu của chú hay là con""
- Này!  Hỏi vớ vẩn!  Bộ nhà ngươi muốn ta bị ...bầm mình hay sao"""  
Hạ Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,997,962
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến