Hôm nay,  

Mùa Hè Tại Bờ Biển Miền Tây Nước Mỹ

27/07/200900:00:00(Xem: 52874)

Mùa Hè Tại Bờ Biển Miền Tây Nước Mỹ 

Tác giả: Đoàn Thanh Liêm
Bài số 286-16208755- vb272709

Tác giả là một luật gia,  nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm Giáp Tuất 1934, tại  Nam Định. Tốt nghiệp Luật khoa Saigon 1958. Du học Mỹ 1961-62. Từng là chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62), Quản lý Chương Trình Phát Triển Quận 6,7,8 Saigon  (1965-71); Giám Đốc Văn Phòng Nghiên cứu và Liên lạc Hội Đông Tôn giáo Thế giới tại  Saigon (World Council of Churches, 1972-74); Gia nhập Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon  (1969-75); Tham gia nhiều tổ chức văn hoá quốc tế; Tù nhân chính trị ở Việt nam (1990-96); Hiện là thành viên Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI-Summer Peacebuilding Institute) tại Đại học EMU, Harrisonburg Virginia và tại Knoxville, Tennessee  (2001-2009).

***

Tính ra tôi đã trải qua đến 14 mùa hè trên đất Mỹ. Lần đầu tiên là năm 1960 lúc tôi đi du học tu nghiệp tại Quốc hội Mỹ và theo học tại trường Luật của Đại học George Washington (GWU) tại thủ đô Washington DC. Rồi từ năm 1996 khi tôi đến định cư tại California đến năm nay 2009 là đã tới trên 13 năm.
Chỉ kể từ năm 2000 đến nay, tôi đã đi đến 18 vòng chung quanh nước Mỹ, suốt từ miền Tây qua miền Đông và cả vùng Trung Tây (Midwest) của lục địa mênh mông này. Tôi đi nhiều như vậy là để làm 3 công việc: Tham dự các khóa hội thảo Mùa hè về Xây dựng Hòa bình      (Summer Peacebuilding workshop), Nghiên cứu, Trao đổi về chuyên môn (Research /Exchange) tại một số Đại học và Thư viện Quốc Hội Mỹ, và nhân tiện thăm viếng bà con, bạn hữu.
Mùa hè tại các vùng ven biển ở Mỹ thì không bao giờ nóng quá, thường là vào khỏang 70-85 độ F (cỡ 20-28 độ C) vào ban ngày, còn ban đêm lại mát dịu hơn. Chỉ ở các tiểu bang miền Trung Tây như Missouri, Kansas, Oklahoma, Texas ..., thì mới nóng cỡ trên dưới 100 F (36 C). Nhưng được cái có máy lạnh, quạt điện tại các công sở, tại tư gia và cả trên xe hơi, thì cũng thỏai mái dễ chịu thôi.
Để bạn đọc tiện bề theo dõi bài viết, tôi xin lần lượt trình bày câu chuyện theo ba vùng địa lý chính yếu của nước Mỹ: đó là Bờ biển miền Tây, Bờ biển miền Đông và miền Trung Tây. Đầu tiên là về bờ biển miền Tây.
Bờ biển Miền Tây
(The West Coast)
Bờ biển miền Tây nước Mỹ gồm 3 tiểu bang, từ phía nam đi lên phía bắc là California, Oregon và Washington. Thành phố San Diego thuộc California ở cực nam, nằm sát với biên giới Mexico. Và thành phố Seattle thuộc Washington ở cực bắc, thì nằm sát với Canada. Chiều dài dọc theo bờ biển Thái bình dương như vậy có thể lên tới cỡ 3000 cây số.
Tôi sống ở miền nam California, phía nam Los Angeles, nên đi ra bãi biển rất thuận tiện. Chỉ cần dùng xe bus với nhiều tuyến đường khác nhau, là từ khu phố Bolsa -trung tâm của khu vực Little Saigon- ta có thể đến các bãi biển thuộc các thành phố Huntington Beach, Newport Beach, Laguna Beach... môt cách dễ dàng. Mà chỉ mất chừng 30,  60 phút mà thôi. Lúc này đang vào tháng bảy, học sinh được nghỉ hè, nên các gia đình được dịp kéo nhau ra bờ biển thật là đông đảo, náo nhiệt. Vào sáng sớm, lúc trời còn mát mẻ thì thường là các vị cao niên lũ lượt đi bộ trên bãi biển. Đến buổi trưa và chiều, thì giới thanh thiếu niên mới ùa nhau đi tắm, trượt sóng, chơi volley và phơi nắng hoặc đi xe đạp, chạy bộ trên lối đi dành riêng cho khách bộ hành. Chiều tối, thì hay có màn đốt lửa trong những lò xây sẵn trên bãi cát dọc theo bãi biển.
 Với nguồn thu nhập cao cho ngân sách địa phương nhờ số đông khách du lịch, nên các thành phố ven biển này tiếp tục đầu tư rất nhiều để nâng cấp tòan bộ hạ tầng cơ sở như bãi đậu xe, chỗ cắm trại với lò đốt củi, sân chơi bóng beach volleyball,  nhà tắm, nhà vệ sinh cũng như nhiều tiện nghi công cộng khác... Riêng khu sát với cầu tàu Huntington Beach (pier), thì lại còn hay tổ chức các cuộc thi chung kết cấp quốc tế về môn lướt sóng (surfing), do vậy mà thu hút thêm được khá nhiều du khách mỗi năm. Dọc theo mé sát biển thì cứ cách khỏang 100 - 150 mét là có một chòi canh của nhân viên cứu hộ để canh chừng cho các người tắm biển. Phần đông họ là người chuyên nghiệp, được trả lương đàng hòang, và được huấn luyện chuyên môn về cứu cấp ngòai biển, nên làm việc rất thành thạo với tinh thần trách nhiệm cao độ và lương tâm nhà nghề.
Vùng Newport Beach lại có nhiều kinh lạch, nên rất thuận tiện để làm bến đậu cho các du thuyền đủ kiểu, đủ lọai. Tại đây, cũng như tại Long Beach vế phía bắc, lại còn có nhiều con tàu chuyên việc chở khách du ngọan ngòai khơi, hay cả máy bay trực thăng để ra đảo Catalina cách xa bờ biển đến vài ba chục miles, hoặc là chở du khách đi các chuyến du lịch đường xa (cruise) đến 3-5 ngày dọc bờ biển, có khi xuống phía nam tận Mexico.
Nhiều lần, tôi được bà con bạn bè chở đi theo xa lộ dọc bờ biển có tên là Pacific Coast Highway (PCH = Xa lộ Bờ biển Thái bình dương)) suốt từ Quận Cam đi lên phía bắc đến gần San Francisco, dài đến trên 600 miles. Xa lộ này còn có tên là "Scenery Route" (Con đường để vãn cảnh), thật đẹp đến mê hồn. Phong cảnh hai bên đường cặp sát với bờ biển thật là "sơn thủy hữu tình", y hệt như trong các bức tranh cổ điển của nước Tàu. Khí hậu ở đây luôn mát dịu vì nhờ gió biển và hơi nước bốc lên, thật khác xa với tại xa lộ số 5 trong nội địa giữa miền thung lũng San Joaquin có khi nóng lên tới cả 100 độ F.
Các thành phố trong nội địa dù có nóng nực đến đâu, thì tôi cũng vẫn thường lui tới để thăm viếng thân nhân và bạn bè. Cụ thể như các thành phố Fresno, thủ phủ Sacramento, San Jose là những nơi tôi có rất nhiều bà con, bạn hữu. Mỗi năm ít nhất tôi đến San Jose đến 5-7 lần để thăm con gái và cháu ngọai, đồng thời gặp gỡ các đồng nghiệp luật gia, cac bạn tù chính trị, cùng với các bạn văn nghệ sĩ. Bù lại gần kề với San Jose là thành phố lịch sử San Francisco, thì khí hậu luôn luôn dịu mát vào mùa hè, trung bình cỡ 60-70 độ F (15   20 độ C). Từ ngày kỹ nghệ điện tử phát triển vượt mức vào cuối thập niên 1970, một phần của vùng vịnh này (Bay Area) còn được mệnh danh là Thung lũng Điện tử "Silicon Valley", đã tạo nhiều công ăn việc làm đặc biệt cho người Việt tỵ nạn chúng ta, khiến nhiều gia đình trở thành "chồng tách, vợ ly" (tách = technician, ly = assembly = lắp ráp máy điện tử). Thật rõ ràng là bà con ta đã gặp cơ may "đúng lúc, đúng chỗ" khi mới chân ướt chân ráo đến định cư tại vùng này.


Cách mấy chục miles về phía bắc San Francisco, thì có Napa Valley là nơi trồng nho và sản xuất rượu nho đang rất nổi tiếng trên thị trường thế giới. Du khách đến đây sẽ được mời ra tận các vườn trồng nho được chăm sóc rất công phu, có hướng dẫn viên giải thích cặn kẽ về kỹ thuật trồng tỉa và còn dẫn đi thăm nhà máy chế biến rượu. Sau đó còn được mời nếm thử các lọai rượu, để rồi tùy ý chọn lựa mua rượu mang về nhà nữa. Khí hậu và phong cảnh tại đây thật là mát mẻ với màu xanh thực vật quyện lẫn với màu đất màu đá đỏ, thật là một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời.
Nói chung, thì riêng tiểu bang California đã có diện tích lớn hơn cả nước Việt nam mình rồi, mà tổng sản lượng thì lại gấp mấy chục lần so với Việt nam, dù dân số chưa bằng một nửa so với nước ta. Thu nhập nông nghiệp mỗi năm của California vào cỡ 32 tỷ mỹ kim, so với tổng thu nhập của ngành nông nghiệp Việt nam chỉ vào cỡ 10 tỷ. Mà lực lượng lao động nông nghiệp ở California chỉ có chừng trên 1 triệu, mà ở Việt nam là trên 25 triệu.
Dọc theo xa lộ số 5 về phía bắc California là đi tới hai tiểu bang Oregon và Washington. Tôi thường đến thành phố Portland, rồi đi tiếp lên Seattle. Cả hai tiểu bang này cây cối xanh tươi quanh năm, nhờ có mưa liên tục tới đến 160 - 200 ngày mỗi năm, khác hẳn với California thường bị hạn hán với khí hậu trong nội địa giống như ở sa mạc. Vì nhiều cây cối như vậy, kỹ nghệ lâm sản ở miền này trước đây khá phồn thịnh, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các di dân từ xa đổ dồn về kể từ cuối thế kỷ XIX. Nhưng kể từ sau chiến tranh thứ hai tới nay, thì nhờ vào việc kỹ nghệ hóa phát triển, nên đã có nhiều ngành mũi nhọn tới đặt cơ sở tại khu vực này. Điển hình như ngành chế tạo máy bay Boeing ở Seattle và sau này là kỹ nghệ điện tử cao cấp Microsoft của nhà tỷ phú Bill Gates. Hai tiểu bang này cùng với khu vực British Columbia của Canada đã tạo thành một "cực phát triển" (development pole) vững chắc của miền Tây Bắc Lục Địa Mỹ châu hướng về Thái bình dương qua phía Đông Bắc Á châu.
Tại Portland, tôi thường đến thăm gia đình cháu Mỹ Ngọc là con anh chị Kim. Anh Kim là bạn cùng khóa 13 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ năm 1962. Lần khác, thì tôi đến thăm gia đình Lê Phước Huệ, Huệ là một kỹ sư rất tháo vát năng nổ, có một số sáng chế về lọai mực in được Sở Bưu Điện Mỹ đặt mua với số lượng khá lớn. Tại đây, tôi còn có anh bạn Nguyễn Hữu An, hồi xưa cùng là sĩ quan làm việc chung với nhau tại Bộ Quốc Phòng, nhưng rất tiếc là An đã qua đời vì bệnh ung thư phổi mấy năm trước đây rồi.
Portland được mệnh danh là "thành phố hoa hồng", với ngày Lễ Hội Hoa Hồng (Portland Rose Festival) thường được tổ chức vào tháng 5 và 6 mỗi năm. Portland còn được xếp hạng trong số các thành phố có đời sống thỏai mái nhất (the most livable cities). Đặc biệt là chỉ có tại Oregon, thì người mua mới không phải trả lọai thuế "sales tax" như tại các tiểu bang khác.
 Gần với Portland, tôi còn có Linh mục Trần Hữu Lân hiện coi sóc một xứ đạo thuộc tiểu bang Washington. Cha Lân hồi xưa là bạn học chung tại đại chủng viện Vĩnh Long với người cháu của tôi là Linh mục Hoàng Kim Đại, hiện vẫn còn ở tỉnh Bến Tre, Việt nam. 
Tại Seattle, tôi có người cháu con ông anh cả, đó là Đòan Kiến Nam. Nam có chiếc du thuyền để đi biển và hay chở tôi ra biển câu tôm, cua thật là vui thích vào dịp hè. Cũng tại đây, còn có cháu Lan Anh là con út của anh chị Thụy, anh Thụy là anh của bà xã nhà tôi. Về bà con, thì tôi còn có anh Phan Văn Hài là cousin của tôi. Anh Hài là trưởng nam của Bác Lý Chư ở Ngọc Cục. Anh và các bạn có một siêu thị bán thực phẩm khá là đông khách ở Seattle, mà phần lớn thân chủ là người Philippines. Ngòai ra, tôi cũng còn có nhiều bạn bè khác cũng định cư trong khu vực thành phố Seattle này.
Mấy lần tôi đến Seattle, thì đều vào mùa hè cả. Từ đó tôi lấy xe lửa hay bus để đi về phía đông cho tới Minneapolis, Chicago, New York v.v... Nói chung, vùng bờ biển phía Tây của nước Mỹ cũng đã đạt tới trình độ phát triển kinh tế xã hội rất vững chắc, không thua kém là bao so với miền bờ biển miền Đông là nơi người di dân từ Âu châu qua Mỹ đã đặt chân đến từ 3-400 năm trước. Đáng chú ý là kể từ giữa thế kỷ XX, với sự bành trướng của nước Mỹ về phía Thái bình dương, thì các tiểu bang California, Oregon, Washington đã được cơ hội phát triển hết sức thuận lợi, thu hút được số vốn đầu tư khổng lồ và kỹ thuật chuyên môn rất cao, cả trong lãnh vực quốc phòng như hải quân, không quân, cũng như trong lãnh vực dân sự, cụ thể là điện ảnh, hàng không, điện tử, hóa chất, ngư nghiệp...
Vùng West Coast này còn là căn cứ hậu cần thiết yếu cho hai tiểu bang mới nhất ở phía cực Tây của nước Mỹ, đó là Alaska ở phía bắc và Hawai ở giữa Thái bình dương. Hai tiểu bang này chỉ mới được công nhận có quy chế của một tiểu bang (statehood) thuộc Liên bang Hoa kỳ vào năm 1959, dưới trào Tổng Thống Eisenhower cách nay đúng nửa thế kỷ.
Điểm đáng chú ý nhất đối với tôi chính là sự kiện người dân Mỹ gốc Á châu hiện đang đóng một vai trò khá quan trọng về nhiều mặt tại vùng West Coast này. Điển hình là đã có một người gốc Á châu đầu tiên được bàu làm Thông Đốc Tiểu bang Washington cách đây hơn 10 năm, đó là ông Gary Locke. Ông Locke hiện đang là Bộ trưởng Thương Mại trong Nội các của Tổng Thống Barack Obama. Tôi sẽ có dịp trình bày đày đủ hơn về khía cạnh này trong một dịp khác.
Tôi sẽ viết chi tiết hơn về mùa hè tại các vùng bờ biển miền Đông và miền Trung Tây trong những bài kế tiếp. Xin bạn đọc đón coi.
Đòan Thanh Liêm 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,768,368
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến