Hôm nay,  

Chuyện Tình Lan Và Điệp Ở Mỹ

24/07/200900:00:00(Xem: 134514)

Chuyện Tình Lan và Điệp ở Mỹ

Tác giả: Châu Hà
Bài số 285-16208752- vb672409

Tác giả thuộc lớp tuổi 50  hiện là cư dân tiểu bang Oregon, làm nghề đi giữ người già và tàn tật của Washington County ở Salem, Oregon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là truyện kể "Ông Ngoại Của Thu Đi Lấy Vợ.” Bài mới của bà vẫn là một chuyện tình.

***
Thảo vừa chở Lan ra Phi Trường Los Angeles, California. Lan di chuyển qua tiểu bang Virgina... Trên đường lái xe về nhà, Thảo chép miệng: "Lan lại đi lấy chồng..."
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa, "những ngày xưa thân ái" thưở học trò "nhất quỉ nhì ma..." thật sống động như mới hôm qua, tuổi hồn nhiên, vô tư yêu đời với những ước mộng vẽ vời, những tương lai rực sáng...cuối chân mây, cùng với những trò đùa tinh quái, hệt như trong bài thơ: "Ba cô đội gạo lên Chùa. Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư...."
Thảo gặp Lan ở Chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Công Lý, quận 3, SàiGòn. Qua Lan, Thảo quen thêm Hằng, kết hợp thành bộ tam sên rất ăn ý, rất hợp "gu". Ba đứa thường rủ nhau đến Chùa, không phải "đội gạo" mà "đội sách" đến Chùa để học bài thi. Lan chọn Sư Phạm, Hằng đang gạo bài để thi vào Y Khoa, Thảo vừa mới đậu Tú Tài hai, chuẩn bị ước mơ học Luât Khoa,... Ai cũng có một thời để thương, cả một khung trời để nhớ. Một thời của tụi Thảo cũng om xòm với: "Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu"; "Ngày Xưa Hoàng Thị...Thảo" và "Con Đường Tình Ta Đi"...
Khung cảnh Chùa khá yên tĩnh, mát mẻ. Thảo chọn núp bên góc gác chuông, Lan cũng xà theo. Có lần đang học, Thảo liếc thấy Lan thật dịu hiền. Con nhỏ chân đất khắp sân Chùa, vóc dáng gầy gầy, thanh thanh... như một cành lan, thỉnh thoảng hay quên hay cố ý quăng dép vương vãi sân Chùa... Lan bất chợt nhìn lại, cặp mắt đen lánh, là lạ, vui vui và thật dễ thương. Riêng Hằng chọn chỗ ngồi không xa lắm, dưới sân Chùa, có hòn non bộ, có tiếng nước chảy róc rách, có tiếng khánh kêu lanh canh, thanh tịnh trong những trưa hè êm ả.
Học xong, ba đứa rủ nhau đi ăn kem Tân Định, cạnh rạp hát Kinh Thành, bữa đi ăn bún riêu ở chợ Phú Nhuận...Hằng thường đố vui để... chọc: "Tại sao Điệp khóc"" ( trong  chuyện tình Lan và Điệp thưở xa xưa ). Hằng: "Này nhé: Điệp đến Chùa tìm Lan, cầm bông hoa sứ...tự dưng Điệp khóc...vậy tại sao Điệp khóc" Lan và Thảo nhìn nhau chưa nghĩ được câu trả lời. Hằng ranh mãnh: "vì Lan không còn tóc để Điệp được cài hoa sứ trên đầu". Hằng tiếp tục kể: Điệp buồn quá, vào Chánh Điện tụng kinh. Khi niệm Phật xong, ra khỏi Chánh Điện, Điệp lại khóc, tại sao Điệp khóc" Lan và Thảo vẫn ngơ ngác nhìn nhau... Hằng tự trả lời: vì Điệp mất đôi xăng đan rồi! Hằng vẫn điệp khúc: Tại sao Điệp khóc khi Điệp ra khỏi cổng Chùa" Lần này vì Thảo và Lan biết cái mánh kể chuyện của Hằng, Thảo trả lời: vì Điệp mất xe Honđa nên Điệp khóc. Hằng không chịu thua nói: cái thời của Điệp chỉ có xe đạp thôi. Lan tình cảm hơn, trả lời: Tại Điệp thương Lan chân tình, thương Lan vô bờ bến... Điệp đau khổ quá, nên Điệp khóc...Câu trả lời đã diễn tả được hết con người Lan, tuy nghịch ở chừng mực nào đó nhưng tâm hồn rất quảng đại, con tim của Lan luôn rung động, hết lòng cùng tha nhân, thông cảm và muốn chia sẻ những nỗi đau của mọi người chứ không đùa giỡn quá đáng như Thảo và Hằng.
"Ba cô đội sách đến chùa" càng ngày càng thân nhau hơn. Một lần Hằng ngừng học bài, lén qua gác chuông, khều tay Thảo chỉ nhỏ Lan: - Ê Thảo, nhỏ Lan đang tương tư ai dzậy" Thảo ngồi im không trả lời, khe khẽ đọc thơ của Thi Sĩ Đinh Hùng: "làm học trò mà không sách cầm tay...có tâm sự đi nói cùng cây cỏ..." Lan đang nhìn qua sân trường Sao Mai, theo ánh mắt của Lan...có một ông Thầy trẻ đang dẫn học trò xếp hang ra về. Thảo nghĩ: chắc Lan đã "làm thân con gái, buồn như lá cây, chút hồn thơ dại, xanh xao tháng ngày" (Thảo đọc thơ của Nữ Sĩ Nhã Ca đó ).
Thảo và Hằng bày mưu tính kế chọc phá cô nàng Lan chơi. Hằng về nhà, nhờ một anh hàng xóm giả làm ông Thầy giáo viết thư xin làm quen Lan, anh hàng xóm đóng vai ông Thầy giáo khá xuất sắc, người đưa thư là con bé học trò, em của anh hàng xóm...Thảo và Hằng tha hồ được đọc thư tình của Lan và anh... hàng xóm... Thư qua; thư lại...ngày càng ướt át...ngày càng nồng nàn, ngày càng yêu thương da diết...Cuối cùng, đến cái thư Lan đòi gặp mặt, hẹn Thầy giáo trẻ ở sân chùa...Hằng tím tái hỏi Thảo: làm sao bây giờ" bây giờ làm sao"...Hằng liều mạng cho anh hàng xóm viết ngày giờ hẹn. Ngày hẹn, Lan diện đẹp, tươi vui, bồn chồn...Thảo thương Lan quá đi thôi. Thảo bàn lui với Hằng: hãy nói sự thật cho Lan biết...tụi mình ác quá...không nên đùa giỡn với tình yêu như vậy, tụi mình đi quá xa rồi...Hằng không cho Thảo nói sự thật, "nếu Thảo sợ, Thảo tự rút lui đi!"
Giờ hẹn đã đến...sao mà hên quá là...may (may mắn làm sao...), ông thầy trẻ hôm đó tự dưng xuất hiện, lang thang trên sân chùa hóng mát...Lan đi theo ông...xa xa...rồi khoảng cách từ từ ngắn lại...Lan rụt rè...ông giáo trợn tròn mắt...
Hằng thúc nhẹ Thảo: Chắc nhỏ Lan đang run. Thảo nhát gan còn thấy mình run hơn, nhìn cảnh Lan đang lẽo đẽo theo ông Thầy giáo trẻ. ..hai người đang nói gì với nhau"
Thảo chạy ra khỏi cổng chùa rút lui và trốn luôn từ ngày đó.
Biến cố 1975, bạn bè tản mác khắp nơi. Hằng đi vượt biên đã đến được bến bờ nước Mỹ, một số bạn bè của Hằng còn ở lại như cánh hoa trước gió xác xơ, rơi rụng tả tơi, tan tác...rớt xuống đời...nhiều đứa phải đi thăm nuôi người yêu, người chồng trong trại tù cộng sản...Cái duyên cho Thảo gặp lại Lan một lần: vào ngày đẹp trời, Thảo đi chợ Tân Định, nghe tiếng nói quen quen...sau tiếng nói quen quen đó là tiếng chửi thề của người đàn ông...Thảo quay lại nhìn: - Trời ơi! Lan đó hả" mừng ơi là mừng... Lan giới thiệu người đàn ông bên cạnh Lan là một Sĩ Quan của Việt Nam Cộng Hòa, cao ráo, đẹp trai, tuy hơi đen và gầy nhưng ánh mắt vẫn còn sáng quắc hào hùng. Khi ra khỏi tù anh không hề liên lạc được với vợ và hai đứa con, có thể bà ấy ôm cầm sang thuyền khác, hay đã vượt biên, hoặc có thể bỏ mình trên đường vượt thoát..." Lan gặp anh qua bạn bè của anh giới thiệu...Ngày mai, Lan theo anh lên máy bay đi Mỹ, qua diện HO đi nhanh (vì anh bị tù hơn 13 năm trong nhà tù cộng sản) Thảo chưa kịp hỏi thăm, nhắc nhở kỷ niệm ngày ở sân chùa"...Thảo vội vàng cho Lan số điện thoại của em trai Thảo ở Mỹ để liên lạc lại với nhau, vì gia đình Thảo cũng sẽ đi Mỹ sau Lan 3 tháng, theo diện người em trai bảo lãnh gia đình đoàn tụ.
*
Thành phố Westminster, vùng Quận Cam ở phía Nam Tiểu Bang California, một ngày đẹp trời, "Ba cô đội sách đến chùa" gặp lại nhau. Mừng hơn lượm được vàng! Lan đã cắt đứt liên hệ với "anh Thề"  (nick name do Hằng và Thảo đặt ra) người chồng hay chửi thề của Lan mà Thảo đã gặp ở Việt Nam. Sang Mỹ, Lan làm nghề Teacher Aid, phụ giúp Cô Giáo trong một trường Tiểu Học (Elementary School).


Có một lần khi cô giáo người Mỹ đọc chuyện Snow White and seven dwarfs (Bạch Tuyết và bảy chú lùn) cho học trò - Lan tâm sự: - tối về, Lan bắt chước bà Hoàng Hậu trong truyện, Lan hỏi Gương Thần: Bà vợ của anh Thề và Lan, ai là người đẹp nhất" Gương Thần trả lời: Lan là người đẹp nhất vì Lan đã giúp anh Thề dần dần... hết chửi thề. (thật ra nước Mỹ và đời sống mới đã giúp anh trở lại chính con người anh, một cấp chỉ huy ngày nào, không còn cái tức tối bực bội căm hờn trong các trại khổ sai cộng sản) Gương Thần còn nói thêm: Hai người con của anh Thề là đẹp nhất trên trần gian này, hãy trả anh Thề về với hai người con của anh ấy... Thảo nghĩ: đó là tiếng lòng của Lan khi nghĩ về vợ con của anh, chứ đâu có gương thần nào ở xứ Mỹ này. Lan đâu có giành giật quyền làm cha của anh ấy đâu. Vợ của anh không có lỗi bỏ chồng trong cơn hoạn nạn, vì hoàn cảnh phải đem hai con bỏ xứ ra đi, nếu còn ở lại Việt Nam, con cái của Sĩ Quan "Nguỵ" không thể ngóc đầu lên ở xã hội cộng sản, không được học cao hiểu rộng để giúp đời. Anh Thề đã tìm được vợ con anh sau bao nhiêu nhắn tin qua Hội Đồng Hương, qua Hội Đoàn của Quân Lực VNCH, qua báo chí, truyền thanh, truyền hình...
Sau lần gặp gỡ vợ con anh Thề, đứa con trai đang là một Luật Sư, con gái vừa ra trường Bác Sĩ Y Khoa, Lan quyết định dứt khoát trả anh về lại mái nhà xưa bên cạnh người vợ can đảm, đã đưa con vượt biên, biết nuôi con ngoan ngoãn, học hành thành tài trên xứ người. Thảo nghĩ: Gương Thần của Lan nói đúng hay tình yêu của Lan đã đúng"
Anh Thề về với vợ con. Bịn rịn xót xa xen lẫn thán phục người con gái can trường quảng đại. Bà vợ cũ cũng nghẹn ngào. Hai đứa con xin phép được kêu Lan là Má Hai suốt cuộc đời.
Lan trả lại căn phòng Apartment. Một người bạn đọc rao vặt trên báo: "nhà dư một phòng, cần người đến ở cùng để giúp gánh nặng tiền nhà..." bèn giới thiệu cho Lan đến. Căn nhà rộng thênh thang mà chỉ có hai mẹ con góa bụa: chị Hai trạc ngũ tuần, chồng chết trong tù cải tạo và bà mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Đêm nào cũng vậy, Lan thường nghe tiếng Bà Cụ thở dài than thở: "Thằng Ba đâu rồi" ...Trời Phật ơi! Cho con gặp Thằng Ba một lần rồi con chết cũng cam..." Bà Cụ cứ gọi tên, cứ khấn vái nhiều lần như vậy, mỗi đêm...Lan tò mò hỏi chị Hai: - Ai là Thằng Ba" hiện giờ ở đâu" - Em trai của chị còn kẹt lại ở Việt Nam...
Một lần nữa, trái tim của Lan lại rung động... Lan lại tâm sự với Thảo: Lan thương Bà Cụ nhiều hơn là thương cái Thằng Ba nào đó...Lan đề nghị với chị Hai: về Việt Nam, Lan dzớt cái Thằng Ba qua Mỹ cho Bà Cụ gặp lại con. Lan nói là Lan làm ngay. Tự dưng Lan có chồng... tự dưng Lan có cái tên là "vợ thằng Ba."
Nhưng số phận hẩm hiu vẫn mãi theo đuổi Lan, một "hồng nhan mà bạc phận". Đâu đó chừng hơn một năm, Lan chua chát tâm sự: "Thằng Ba mê Las Vegas hơn ở nhà, hình như bên Việt nam thiếu điện, hết điện nên nó thích đi Las Vegas để được ngắm triệu triệu ngọn đèn ở đó" Thua hết tiền mà còn mê gái nữa chứ... Thôi thì, Lan đành mua bó nhang, hoa và trái cây đem ra ngôi mộ của Bà Cụ dứt khoát thêm một lần: "Má ơi! Có lẽ Má đã mãn nguyện gặp được thằng Ba của Má rồi, hôm nay, con đến thăm Má và xin phép Má cho con quăng cái thằng Ba...Rọi của con ra khỏi cuộc đời này."
Lan lại "Lỡ một cung đàn..."
Lan thề với Thảo: Không bao giờ Lan lấy chồng nữa đâu, có lẽ tên Lan là định mệnh" Hình như tu là cõi phúc, tình là dây...thung, chắc mình phải vào chùa tu hay sao há" Lan còn trẻ đẹp quá mà, đi tu lỡ... kẹt cho mấy thầy thì tội sa địa ngục đấy. Nước Mỹ lại mênh mông, phồn hoa tấp nập, dập dìu tài tử giai nhân... có chùa nào dám cho Lan chui vào không"
Ba đứa vẫn liên lạc với nhau, ba đứa là ba cuộc đời khác biệt. Thảo vẫn nhắc Hằng thường xuyên điện thoại an ủi người bạn tốt bụng mà số phận truân chuyên, tình duyên lận đận. Hằng thông minh học giỏi, hiện giờ là Bác Sĩ. Hy vọng có nhiều ý kiến  giúp đỡ bạn mình...
Mải suy nghĩ miên man trên dặm trường xa lộ, nhỏ Lan chắc đang chèo queo... một mình trên máy bay, đang ở trên trời, về nơi chân trời tím hay xám" Hay vẫn còn là màu xanh hy vọng"
Thảo vừa vào nhà đã nghe tiếng phôn reo. Đúng là Hằng, Thảo khoe và hét lên trong phôn với Hằng. Lan đã báo tin cho Hằng biết chưa" Thảo vừa mới đưa Lan ra sân bay đi Virgina... Lan lại đi lấy chồng... Mà lạ kìa Hằng có vẻ bình tĩnh, không ngạc nhiên như Thảo. Hằng rủ tháng sau ngày July 4, Thảo tổ chức họp mặt bạn bè ở nhà Thảo đi nha, vì nhà Thảo gần chỗ bắn pháo bông, dĩ nhiên là phải mời Lan và người chồng sắp cưới của Lan rồi, vì Lan cũng muốn giới thiệu "Điệp mới teng" của Lan.
Thảo hồi hộp mong ngày Lễ July 4 đến nhanh, nhanh hơn dự định. Vợ chồng Hằng đến sớm nhất, đem theo bánh cưới và quà để tặng Lan. Thảo làm soup măng cua, gỏi gà, gỏi vịt... Hằng đã sắp đặt xong trước rồi, chỉ có vợ chồng Thảo là ngạc nhiên thôi. Khi gặp Điệp của Lan ... Thảo há hốc miệng, mắt tròn xoe xoe và muốn té xỉu.
Hằng giành phần nói trước: Cùng trong lãnh vực nghiên cứu Y Khoa, Hằng đã gặp Bác Sĩ Điệp qua những bài viết về Y Học... qua hỏi thăm, Hằng biết được Bác Sĩ Điệp ngày xưa là Thầy giáo trẻ của trường Sao Mai bên cạnh chùa Vĩnh Nghiêm. Chính ông Thầy giáo mà Thảo và Hằng đã tổ chức chọc phá Lan. Trái đất tròn quay... Hằng rủ BS Điệp đến phòng mạch của Hằng thú thật với Điệp chuyện ngày xưa. Điệp vẫn còn độc thân vui tính. Lan qua bao lần trắc trở, đến giờ này vẫn còn gối chiếc phòng không. Hiểu được đầu đuôi câu chuyện, Điệp tha thiết mong được gặp lại Lan để xin Lan... tha thứ...hi hi...
Đến phiên anh Điệp nói: "Nếu ai lấy vợ tên Lan... thì sẽ bị Hằng và Thảo gán cho cái tên là Điệp" Và ngược lại"...", bây giờ cứ gọi chết cái tên tôi là Điệp cho vào kỷ niệm vui vui... Riêng tôi, lần đầu tiên gặp Lan ở sân chùa Vĩnh Nghiêm, cuộc gặp gỡ lạ lùng mà suốt đời tôi không thể nào quên... trong bối cảnh sửng sốt, sững sờ... tôi cầm cái thư (thư của ông hàng xóm...của Hằng viết...), nhìn cô bé có đôi mắt bồ câu đen lánh hiền hòa, vừa chút e thẹn, vừa chút dạn dĩ... tự xưng tên là Lan, tôi nghĩ: mấy con nhỏ ra vào chùa học bài lúc đó... chắc là một lũ "quỷ chùa"...dám tỏ tình ngay trong sân chùa và còn dám tự xưng tên là Lan nữa chứ. Lúc đó, tôi nghiêm nét mặt, nửa như chọc ghẹo, nửa như tội nghiệp, nửa như mắng Lan: Ừ, tôi cũng tên là Điệp...sao cô dám chọc ghẹo tôi...xin lỗi, tôi...tôi chưa bao giờ viết thư cho cô...Lan đỏ mặt tía tai, chợt oà lên khóc, rồi lủi mất tiêu...
Kể xong, Bác Sĩ  Điệp quàng tay qua vai Lan và hôn lên mái tóc...(dĩ nhiên tóc của Lan dài... đầy đủ...để cho Bác Sĩ Điệp được cài trăm trăm triệu triệu bông hoa sứ trên đầu...)
Pháo bông được bắn kín cả bầu trời Little SàiGòn. Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ. Mọi người trầm trồ: đẹp quá, huy hoàng quá, tiếng nổ nghe sao giống như tiếng pháo đêm Giao Thừa ở quê nhà mình quá! Đêm hội hoa đăng, đêm thanh bình, đêm hội ngộ, đêm đoàn tụ, đêm hạnh phúc ngập tràn. Đêm nay mới thực là đêm của chuyện tình Lan và Điệp trên nước Mỹ.
Châu Hà
(tặng Lan và Thảo, hiện ở Little SàiGòn, California)

Ý kiến bạn đọc
07/12/201700:19:14
Khách
Hơn 3 năm sau đọc lại vẫn mê mẩn. Một trời thương yêu, lãng mạn!
08/10/201403:30:10
Khách
Trời ơiiii!...Chuyện dễ thương quá đi!
Chắc là chuyện...giả tưởng chị heng!?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,098,499
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ ba của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bàà đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bà đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Bài viết mới của tác giả được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ năm của bà được ghi là “Viết tặng các bà Mẹ và những người làm con nhân Ngày Từ Mẫu”
Bài viết cho Ngày Lễ Mẹ 12 tháng Năm 2019. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Ngày mai, Chủ Nhật 12, 2019 sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Lê Xuân Mỹ, một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Qua Mỹ năm 1998. Cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến