Hôm nay,  

Trên Xe Bus

16/07/200900:00:00(Xem: 304779)

Trên Xe Bus

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 279-16208746- vb571609

Diệu Hương là tác giả đã hai lần được tặng giải thưởng viết về nước Mỹ. Với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô nhận giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài viết về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong dịp 30 lần thứng Tư tại Mỹ, và bài "Cầu Vồng Giữa Mùa Hè", về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose.  Bài mới của cô là một truyện ngắn cho thấy tấm lòng trân trọng cuộc sống của người viết.

***

Ngồi sau tay lái của  cái xe bus cồng kềnh, dài như một toa xe lửa, đã hơn ba mươi năm, ông  Phil hiểu nỗi vất vả của nghề  lái xe bus cho County.  Hồi mới về  từ chiến trường Việt Nam đầu thập niên 70, ông cũng từng làm nhiều  công việc khác, từ nhân viên đưa thư của bưu điện, đến nhân viên  bảo trì sửa chữa maintenance cho  School District, nhưng ông không cảm thấy thoải mái như thời còn mặc áo lính nên khi người bạn thân  thời Trung học rủ vào làm nghề lái xe bus cho County, ông bằng lòng ngay.
Tuy có chiều cao gần sáu feet nhưng  với ông, chiếc xe bus cũng cồng kềnh, quá khổ, nhất là so với chiếc xe thể thao hai cửa lúc đó của ông. Ông phải đi học một bằng lái xe đặc biệt cho những tài xế lái phương tiện chuyên chở công cộng.  Rồi phải trở lại trường mấy tháng để lấy loại bằng lái xe dành riêng cho những tài xế xe bus, nhiều yêu cầu hơn  bằng lái xe class C cho xe cá nhân mà hầu hết người Mỹ trên  17 tuổi đều có. 
Thi đậu về lý thuyết xong, đến phần thi lái xe, lần đầu tiên ông ngồi lên ghế tài xế của chiếc xe bus cao  to quá khổ, ông có cảm giác mình  đang ngồi sau ghế tài xế xe tăng thời còn trong quân đội.  Thật ra, điều khiển xe tăng khó hơn, nhưng trước mặt tài xế xe tăng là chiến trường không có người qua lại, không có hàng chục chiếc xe cá nhân và đôi khi vài chiếc motorcycle chạy chung quanh như lái xe bus.  Chưa kể lâu lâu lại có người liều lĩnh băng ngang qua đường, không chịu ngó trước ngó sau,  không đúng vị tri ở trong hai lằn sơn trắng chỉ dành riêng cho người đi bộ.
Lần đầu thi thực hành, không thành công  vì ông  không  lái được xe bus đến những trạm chờ đúng giờ, dù là do đèn đỏ ở hai ngã tư đường kéo dài lâu hơn bình thường khi một đoàn học sinh tiểu học đi filed trip băng qua đường. Ông còn nhớ  có mười trạm cho xe bus phải ngưng lại trong suốt lộ trình thi thực hành, ông chỉ trễ có hai trạm khoảng hai phút trong lần  đầu tiên lái chiếc xe bus quá khổ nhưng ông giám khảo khó tính cuả công ty xe bus VTA  đã bắt ông phải thi lại  với lý do tài xế xe bus phải luôn luôn đến các trạm chờ xe đúng giờ.   Lần thi  thứ hai, ông cố hết sức tránh khuyết điểm cuả lần trước, vẫn bị đánh rớt với lý do  ông chờ ở trạm X, một trạm xe bus rất bận rộn, không đủ ba phút như yêu cầu. Thi lại lần thứ ba,  chấm điểm ông trong việc thi thực hành có đến  hai giám khảo và một tài xế lái xe bus với hơn hai mươi năm kinh  nghiệm.  Dù đã tự tin hơn trong lần thi thứ ba, ông vẫn chuẩn bị tinh thần để nếu phải thi lại lần nữa, ông vẫn không bỏ cuôc.  Ông vẫn được ông bà cụ thân sinh dạy ông từ ngày đủ trí khôn "you re never been a quitter". Lần đó, trời mưa, tưởng là khó lái hơn bình thường, nhưng có lẽ nhờ mưa nên người ta ít đi ra đường, đường vắng hơn, và ông thi đậu với số điểm gần như tuyệt đối từ cả hai vị giám khảo.  Cả tháng sau khi có được bằng lái, ông  đóng vai trò người lái phụ trên hơn mười chuyến xe bus chạy khắp tuyến đường của County.  Thoạt đầu,  những người lái xe lâu năm đầy kinh nghiệm chỉ cho ông  điều khiển chiếc xe bus  thời gian đường vắng xe, dễ lái. Một tuần sau, thấy người tài xế trẻ lái chiếc xe bus một cách tự tin, thư thái, họ để ông cầm lái suốt ngày.  Tuy vậy, họ cũng ngồi ở ghế gần tài xế nhất, tận tình chỉ dẫn cho ông những bất trắc  mà bất cứ nghề nghiệp nào cũng có, nhất là nghề lái xe bus với đa số hành khách là trẻ em hoặc người lớn tuổi, không còn phản ứng nhanh nhẹn, chính xác. ghế ngồi lại không có dây nịt an toàn.
Có những cô cậu học sinh teenagers  mải mê nói chuyện hay chơi game  trên xe bus, không chú ý đến những trạm dừng, đến lúc nhớ ra thì đã vượt qua nơi cần đến một đoạn  dài.  Ông  liên lạc bằng điện thoại với người đồng nghiệp chạy ở chiều ngược lại, và họ gặp nhau ở trạm xe bus kế đó, ở hai chiều đối nghịch nhau trên cùng một lộ trình,  để những học sinh có thể lên xe bus chiều bên kia về lại nhà mà không cần phải trả thêm tiền. Lần đó, chưa bao giờ chiếc xe bus của ông lại vui vẻ, huyên náo như vậy!  Chỉ có tám học sinh khoảng mười ba, mười bốn tuổi, nhưng đã gây một không khí hưng phấn với những tràng pháo tay kèm theo lời reo hò khi thấy cái xe bus chiều ngược lại ngừng lại bên kia đường, và người lái xe chiêu bên kia thò đầu ra từ ghế tài xế, vẫy vẫy các cô cậu teenagers.  Những người lớn tuổi ngồi trên xe cũng vui lây theo cái hào hứng của bọn nhỏ.  Chuyện đó xảy ra vào mùa giáng sinh nên  các em nhỏ học sinh đã gọi ông với cái nick name bằng tiếng Pháp rất dễ thương "Papa Noel".
Một lý do khác để các cô cậu  học trò Trung học thích đi xe bus là được tự do nói chuyện, cười giỡn với bạn bè đồng trang lứa, không bị ngồi một mình, không có bạn bè bên cạnh  như trên xe riêng của cha mẹ.  Điều làm các  cô cậu tranh cãi hào hứng nhất là những hình vẽ quảng cáo ở hai bên hông của xe bus.  Những hình vẽ đó thường là những hình tài tử của một phim sắp chiếu trong các rạp cinema ở địa phương.  Thôi thì đủ thứ hình từ hình của những tài tử lão thành như Clint Eastwood đến những tài tử con nít  vừa xong Trung học như Ashley Olsen. Nhiều lúc lái cái xe bus  cồng kềnh với hình tài tử của cuốn phim sắp chiếu ở hai bên hông nhưng ông Phil và các đồng nghiệp không biết  rõ về họ như những hành khách tennagers  đi xe bus. Nghe các cô các cậu bàn cãi mới hiểu  tai sao người ta bỏ một số tiền không nhỏ để thuê những hoạ sĩ có tài vẽ quảng cáo thường (chỉ kéo dài khoảng hai tuần) ở hai bên hông của các xe bus chạy trong thành phố. Các  cô các cậu nhỏ tranh luận hăng say  về các chi tiết trong phim, về  "thần tượng trên màn ảnh" của mình.  Đôi khi bất phân thắng bại,  hai bên  cùng thỏa thuận trích một phần tiền trong số tiền allowance nhỏ nhoi được cha mẹ "phát lương" mỗi tuần, mua vé cho một  người bạn khác, " nhân vật thứ ba đáng tin cậy" đi coi để về làm.... trọng tài.  Gần mười năm nay, ông Phil không còn đến rạp để coi những phim mới ra như những ngày còn trẻ, nhưng ông  biết rất nhiều về các phim mới chiếu qua những hành khách học trò đi xe bus của ông mỗi ngày. Vào muà hè, trường đóng cửa vài tháng, ông Phil cũng cảm thấy nhớ những "bình luận gia phim ảnh"  đáng tin cậy của ông.  Tụi nhỏ cũng quý người tài xế đứng tuổi lái  chuyến xe bus trên lộ trình đi học của chúng vì có hôm lở bị thiếu tiền, ông Phil cho các cô cậu học trò thiếu nợ, khi nào có tiền sẽ trả.
Quan hệ giữa hai bên ngày càng thắm thiết vì "chủ nợ" không bao giờ đòi, nhưng  "con nợ"  luôn nhớ trả số tiền mình còn thiêu, dù có lỡ kẹt tiền trả trễ, nhưng vẫn trả đúng số tiền mình đã nợ ông tài xế xe bus tốt bụng.
Nhưng với những người già, những senior citizen đã lớn tuổi, không biết lái xe, hay không còn đủ sức để lái xe, phải dùng xe bus như phương tiện di chuyển hàng ngày thì mọi chuyện phức tạp hơn nhiều. Ông cụ thường lên xe ở trạm số 32 chẳng hạn, dù đã về hưu khá lâu, nhưng thói quen tất bật vội vã luôn chạy đua với kim đồng hồ của ông vẫn còn, nên nhiều khi ông để quên đồ trên xe bus. Sáng hôm sau, vẫn lên xe đúng giờ thông lệ, nhưng ông cụ không đi thẳng đến chỗ ngồi quen thuộc của mình ở khoảng giữa xe, ma ngồi ngay sau lưng tài xế và hỏi:
- Cái mũ tôi bỏ quên hôm qua, ông có cất giùm tôi không"
Khi nhận lại được cái beret quen thuộc màu đen, ông cụ đã cảm ơn bằng cách tặng  cho ông Phil hộp sữa chocolate hiệu Nestlé (ong Phil vẫn quen  mang theo xe  bus để uống) còn lạnh buốt như mới được lấy ra từ tủ lạnh.
Hai vợ chông ông bà cụ lên xe ở trạm số 50  luôn mỉm cười rất thân thiện và hỏi thăm ông một cách vồn vã khi họ vừa lên xe và chià cho ông  xem cái vé đi xe tháng của người lớn tuổi. Ấy vậy mà  một lần, vì mải mua sắm, ra trạm chờ xe bus lượt về trễ hơn lệ thường năm phút. Khi cánh cửa lên xuống được đóng lại,  chiếc xe bus lăn bánh ông Phil mới thấy thấp thoáng hình ảnh hai vợ chồng người khách quen thuộc vội vã băng ngang qua đường sai chỗ quy định (giữa hai cột đèn lưu thông), không đúng luật lệ phải băng qua đường trong hai lằn sơn trắng dành cho người đi bộ.  Ông rất muốn chờ hai người khách quen thuộc từ cả chục năm nay, nhưng quy luật về giờ giấc ở mỗi trạm xe bus không cho phép ông chờ lâu hơn thời gian quy định quá hai phút.  Và chặng ở trạm chờ kế tiếp, có rất nhiều người đi làm ca hai ở một nhà máy nằm ở  phiá Đông Nam thành phố. Ông không muốn những người công nhân này phải đến sở trễ giờ vì lỗi của ông. Những người già đã về hưu, không còn đi làm, trễ chuyến xe bus này, họ chỉ cho mười lăm phút vào ngày thường hay nửa tiếng vào cuối tuần để lên chuyến xe bus kế về nhà hay đi mua sắm ở các cửa tiệm. Nhưng những người công nhân thì không thể trễ được, họ phải có mặt đúng giờ ở chỗ làm.
Hôm sau, gặp lại ông bà cụ trọng tuổi đã trễ xe bus chiều qua, ông Phil nghe ông cụ phàn nàn về chuyện trễ xe bus phải đứng giữa trời mùa đông mười lăm phút để chờ chuyến xe kế tiếp; lại còn bị phạt một cái ticket về tội "Jaywalking", băng qua đường không đúng chỗ quy định, phạm luật giao thông dành cho người đi bộ.  Cũng may ông Cảnh sát giao thông thương tình cho những người già sống bằng  qũy an sinh xã hộI, thu nhập không cao, nên chỉ phạt cụ ông một cái ticket với tiền phạt là $30.00; và không phạt cụ bà dù cả hai người cùng băng qua đường không đúng vị trí quy định,
Ông Phil chăm chú nghe, tuy không đứng hẳn về phe ông cụ hay về phiá nhân viên Cảnh sát nhưng vẫn biểu lộ sự thông cảm với nỗi ấm ức của ông cụ.
Tuy vậy, vốn là  một người lạc quan, nhìn nửa ly nước với ý nghĩ "ly nước vẫn còn đầy một nửa",  ông cụ vừa diễn tả xong nỗi ấm ức đã tự khôi hài với cái giấy phạt ba mươi dollars của mình:
- Như vậy là coi như ông Cảnh sát đã cho  hai vợ chồng tôi được "buy one get one free" với pháp luật đúng không"
Đến đây, thì không những chỉ ông Phil mà hai người khách ngồi ngay sau  lưng ông Phil, nghe rõ mọi chuyện,  cũng bật cười thành tiếng.  Hạnh phúc đôi lúc cũng đơn giản như lộ trình lái xe bus của ông Phil mỗi ngày.
Đó chỉ là một trong hàng trăm mẩu chuyện ông Phil được nghe hàng ngày trong gần ba mươi năm lái xe bus cho County. Những người khách quen thuộc qúy ông Phil không phải chỉ vì ông đã lắng nghe mọi chuyện của họ, những bực dọc đời thường mà họ không thể chờ đến lúc về nhà, phải  phân trần ngay với ông Phil, mà còn vì họ đã từng chứng kiến ông Phil giúp đỡ nhiều hành khách đi xe bus, đặc biệt là những người  homeless không có nhà, vẫn mua vé "day pass" cả ngày, rồi ngồi ngủ gà ngủ gật với nhiệt độ dễ chịu trên xe bus, với máy lạnh vào mùa hè, và máy sưởi vào mùa đông.


Ông Phil  yêu nghề lái xe bus của mình  vì một lẽ giản dị là khuôn mặt rạng rỡ của những người đợi ông ở trạm  chờ xe bus.  Nhất là những  ngày mùa Đông, trời lạnh,  đặt chân lên xe bus có máy sưởi, dễ chịu hơn nhiệt độ ngoài trời nhiều. Thế nên  mùa Đông, thỉnh thoảng vẫn có những người homeless vét những đồng  quarter cuối cùng từ cái áo jacket đã dày lại càng phồng lên với đủ thứ  đồ vặt vãnh cá nhân, đât vào hộp bán vé xe vẫn đặt cạnh tài xế. Có hôm  một người  vét đủ cả   bốn túi quân của cái quần jeans bạc phếch, đến  hai túi áo của chiếc jacket dầy cộm, đến cái túi vải cũ ông ta mang trên vai, vẫn còn thiếu năm mươi cents, ông Phil  nhẹ nhàng:
- Đừng lo, tôi sẽ trả phần còn lại cho ông.
Chuyện chỉ có vậy, năm mươi cents không đáng là bao, vào thời điểm này chưa mua được một ly cà phê ở  McDonald, nhưng người homeless ân cần cảm ơn,  tỏ vẻ rất cảm kích làm ông Phil cứ áy náy trong lòng.
Ông có thiện cảm với những người homeless, đặc biệt là những người homeless đứng tuổi vì nhiều  lý do, mà lý do quan trọng nhất là ông đã từng là một người lính, và có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ, lúc giải ngũ, trở về đời sống dân sự, vì nhiều lý do cá nhân, hoặc vì không được chuẩn bị tinh thần để chuyển từ đời sống quân sự dù phải khép mình trong kỷ luật gắt gao nhưng  có chính phủ lo mọi thứ, sang đời sống dân sự tự do hơn nhưng phải tự lo cho mình, phải đấu tranh trong một môi trường mà những người lính trẻ chưa kịp thích nghi thì đã bị vấp ngã, nên đã mang bệnh trầm cảm. Gặp khó khăn như vậy, lại không được sự trợ lực cần thiết của gia đình nên đã trở thành một thành viên của đội quân homeless, một vấn nạn triền miên của Hoa Kỳ mà chưa có một ông Tổng thống Mỹ nào có khả năng giải quyết ổn thỏa.
Ông Phil phân biệt được người homeless nào là cựu chiến binh qua "tài sản", mà vì không có nhà, họ luôn mang theo bên mình.  Những người homeless là cựu chiến binh vẫn còn giữ được tính ngăn nắp của một quân nhân.  Đồ đạc của họ gọn gàng hơn, lưng họ vẫn còn thẳng mặc dù đang phải gánh gồng nhiều áp lực từ đời sống lang thang, không nhà.
Mỗi độ cuối thu đầu đông, khi trời trở lạnh, những  shelter (nhà tập thể mở cửa suốt mùa đông giúp những người homeless có chỗ dung thân dưới cái lạnh buốt da buốt thịt của trời đất)  mở cửa mười hai tiếng mỗi ngày, từ bẩy giờ tối đến bẩy giờ sáng,  những chuyến xe bus của County thành  nhà tạm trú cho những người homeless nửa ngày còn lại, từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối. Họ ngối ở những băng ghế cuối xe ngủ gà ngủ gật, không để ý đến ai, hiền lành,  vô hại. Lâu lâu ông Phil mang cho họ một hộp donuts, hay một vài gói potatoes chips.  Lúc đầu, họ không nhận, về sau nhận ra người tài xế xe bus có từ tâm, thật lòng muốn giúp đỡ họ.  Ông làm việc đó vì trái tim  thương người khốn khó, không phải bằng tính toán thiệt hơn, để quay phim, chụp hình  như các chính trị gia đang vận động tranh cử, không mưu đồ cho lợi ích cá nhân, nên họ nhận  thức ăn và coi ông như một "Good Samaritan" chuyên giúp đỡ người khác một cách vô vị lợi.  Ông  Phil bắt đầu  mang đồ ăn lên xe bus  cho những người homeless vẫn ngồi ở cuối xe, dong ruổi cùng ông cả ngày trên xe bus, từ mười năm trước. 
Lúc đó, khi ông đủ hai mươi năm thâm niên làm việc với Công Ty xe bus,  những người đồng nghiệp làm cho ông một cái bánh chocolate rất lớn  có hình một  chiếc xe bus, mỗi cửa sổ là một viên chocolate hersley hình chữ nhật, trên mặt bánh có con số hai mươi tròn triạ màu olive. Vì họ biết ông rất yêu nghề và yêu cả  quãng đời trai trẻ mặc áo lính,  dù  phải hy sinh nhiều thứ nhưng được đi khắp nơi trên thế giới,  học được rất nhiêu thứ từ "sàng khôn"của cuộc đời Dĩ nhiên  cái bánh rất lớn  có kích thước gần bằng phân nửa khung cửa kính trước của cái xe bus, mừng ông đủ hai mươi năm trong nghề lái xe bus, chỉ được "tiêu thụ" khoảng một phần ba.  Hai phần ba còn lại, cô Kathy ở Huaman Resources bỏ vào hộp để ông mang về. Ông từ chối mãi không được, đành phải mang về và vì phần bánh còn lại to quá, ông mang lên xe bus ngày hôm sau để mời những người khách vẫn đi xe bus mỗi ngày. Hôm đó, cái xe bus quen thuộc của ông trở thành một cái party lưu động.  Khách lên xe, dù đã quen mặt từ bao năm  qua, đến những người mới đi xe bus lần đầu, từ những cô cậu học sinh  mười lăm, mười sáu tưởi đến những ông bà cụ già đã phải chống gậy đều rất vui vẻ  vì "sweet treat" bất ngờ trên xe bus từ người tài xế đứng tuổi vẫn được tiếng tốt bụng, thương người..  Đến cuối ngày, cái bánh chocolate vẫn còn một phần tư, và ông nhờ người homeless ngồi ở cuối xe mang về shelter cho những người khác.  Ông ra về, lòng thanh thản như mọi ngày, đúng như một câu thánh kinh đã dạy "tay mặt làm phước không nên để tay trái biết".
Ấy vậy mà hôm sau, ông nhận được một bó hoa của những người homeless tặng cho ông,  Ông bàng hoàng, thấy mình có lỗi vì đã làm phiền đến những người homeless. Không chừng họ đã phải vét những đồng quarters cuối cùng trong túi áo, góp lại để mua hoa cho ông, như họ đã từng vét tất cả túi áo, túi quần để đủ mua một cái "day pass" để được ngồi trên xe bus cả ngày,  như là một cái nhà lưu động của họ.
Bên cạnh những chuyện vui, cũng có những chuyện bực mình trong nhiều năm lái xe bus, chẳng hạn chuyện có những người không biết đã bất đồng ý kiến, không thuận thảo với nhau ở đâu,  lại giải quyết mâu thuẫn ngay trên xe bus, từ  tiếng bấc tiếng chì, mới đầu còn nho nhỏ vừa đủ nghe, sau giận quá mất khôn, mở hết volume của âm thanh từ cổ họng, và đến giải pháp nặng nề nhất, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.  Tuy họ chỉ đánh nhau, không đụng đến bất cứ một hành khách nào, nhưng cũng đủ làm ông Phil bị chia trí, không tập trung vào lái xe. Vì phải  có thời gian cố định, chính xác đến và đi ở mỗi trạm xe bus, ông Phil không thể ngừng xe lại can gián, mặc dù ông đã có được đai đen Thái Cực Đạo thời còn ở trong quân đội. Điều duy nhất ông có thể làm được là gọi về văn phòng của Công ty VTA, ở đó nhân viên trực sẽ  tường trình vụ ẩu đả trên xe với Cảnh sát địa phương.  Ở một trạm ngừng kế tiếp, nhân viên công lực sẽ lên xe, giải quyết nội vụ. Cái khó của  tài xế xe bus là sau đó nhiều khi họ phải ra tòa làm chứng, mất rất nhiều thì giờ  dù họ không được chứng kiến và nghe rõ  mọi chuyện.  Những  nhân chứng thật sự thấy và nghe rõ nguồn cơn thì lại xuống xe đi mất biệt ở phương trời nào,  nhân viên công lực chỉ biết rõ người tài xế lái xe bus trên tuyến đường có rắc rối hôm đó.  Nên  rất nhiều tài xế xe bus nếu phải lái xe ở một tuyến đường của một thành phố trình độ dân trí không cao, thường phải thường xuyên ra hầu tòa vì những chuyện không liên quan gì đến mình.
Một điều bực mình khác, nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng vẫn là chuyện không có gì vui chỉ xảy ra ở mười năm gần đây khi kỹ thuật  truyền thông đã đạt được mức độ mọi người dân đều có một cái điện thoại mỏng, nhỏ có thể mang theo bên mình bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Từ lúc đó, không khí trên xe bus không còn tĩnh lặng như trước,  thỉnh thoảng chuông điện thoại reo lên, rồi một hành khách nào đó (nhất là những cô cậu còn trẻ)  nói chuyện trên phone, càng lúc càng hào hứng đến mức độ quên rằng mình đang ở trên xe bus, tự nhiên... phơi bày đời tư và chuyện riêng của mình cho người khác nghe.  Chính vào những lúc quyền "tự do ngôn luận" được lạm dụng qúa độ, ảnh hưởng đến  "tự do yên lặng" va "tự do suy nghĩ" của quần chúng nơi công cộng, một vài hành khách (thường là những hành khách  lớn tuổi) tiến đến gần ông tài xế xe bus để... khiếu nại về việc họ không  thể đọc sách, hay đọc báo trên xe bus khi bên tai cứ phải bị nghe những chuyện... không lợi ích, những hỉ nộ ái ố của cuộc đời  về cá nhân những người khác.  Ông Phil chỉ nhẹ nhàng khuyên họ:
- Ông  (bà) chịu khó dời chỗ ngồi khác, như vậy sẽ được thoải mái hơn.
Một số người dễ tính, dời chỗ ngồi, dích ra xa người đang lạm dụng quyền "tự do ngôn luân" đến độ xâm phạm quần chúng nơi công cộng, hay đặt headphone lên tai để vừa nghe nhạc, vừa tránh  nghe chuyện  thị phi. Một số người khác khó tính hơn, nhất định không chịu để tự do ngôn luận của người khác phương hại tự do cá nhân của mình, nằng nặc đòi ông Phil yêu cầu người đang nói chuyện trên cell. phone... điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền những người khác trên xe bus.  Điều duy nhất ông Phil có thể ngăn chận "chiến tranh có thể bùng nổ" là vặn to hệ thống âm thanh trên xe bus.  Dĩ nhiên âm thanh của public announcement trên xe bus át được âm thanh của mobile phone nên người đang nói chuyện trên phone tạm ngưng  "phát huy quyền tự do ngôn luận" của mình.
Thời còn trai trẻ trong quân ngũ, nhiều lúc giữa những phút bình yên hiếm qúy ở chiến trường, ông Phil vẫn tự hỏi "tại sao có chiến tranh" để có nhiều hệ qủa đáng buồn, mà không khi nào tự trả lời được  Mãi về sau này, sau nhiều năm tháng nhìn xã hội thu nhỏ trên xe bus, đôi khi vẫn có tranh chấp giữa một nhóm người nhỏ đếm trên đầu ngón tay, ông nghiệm ra rằng tại sao vẫn có chiến tranh, nếu không là chiến tranh súng đạn, thì cũng là chiến tranh ngôn ngữ.
Đến khi ngân sách của Chính phủ bị can kiệt vì "mạnh ai nấy tiêu xài" không quan tâm đến người khác, từ liên bang đến tiểu bang, người ta nghĩ đủ cách để cắt giảm chi tiêu, ngay cả cắt giảm ngân sách dàng cho giáo dục, và những phương tiện chuyên chở công cộng như xe bart, xe bus... Điều đó là chuyện tất nhiên, ông Phil và đồng nghiệp không phàn nàn vì cha mẹ giầu thì con hưởng, đến lúc cha mẹ túng quẫn thì con cái phải hy sinh mỗi đứa một chút.  Nhưng  những người tài xế lái xe bus đều phẫn nộ khi một vài bài báo trên những tờ báo địa phương cho là nghề lái xe bus là một nghề  "overpaid" nghiã là được trả lương quá cao.  Tác giả của những bài báo đó có lẽ chưa bao giờ phải đi xe bus, chưa bao giờ tưởng tượng đến một tuổi nào đó khi gối mỏi chân chồn, mắt mờ tai điếc, họ không còn lái xe được nữa, xe bus sẽ trở thành một phần đời sống của họ. Họ cũng không tưởng tượng được trách nhiệm của một người tài xế xe bus về những lợi ích công cộng, về sự an toàn của hành khách  cũng như tất cả mọi người trên đường phố.  Rồi còn  kiến thức về cơ khí để còn biết cách bảo quản tu sửa chiếc xe bus để xe luôn có tình trạng hoàn hảo.
Ông Phil đã sắp đến tuổi về hưu, ông sẽ không bị ảnh hưởng bởi qũy an sinh xã hội càng lúc càng thu nhỏ lại trong lúc đội ngũ người đến tuổi về hưu càng lúc càng đông vì tuổi thọ của người ta tăng cao cùng với sự tiến triển của khoa học.  Ông cũng không thấy trở ngại lắm nếu  paycheck của ông bị giảm xuống.  Điều ông vẫn trăn trở là tại sao người ta không đặt mình vào vị trí của người khác trước khi phát biểu, phê phán, hoặc làm điều gì"
Ông vẫn trân trọng từng người khách đi xe bus, ông vẫn trân trọng nỗi nhọc nhằn của tất cả mọi người mỗi ngày vì no áo cơm.  Hy vọng như những con đường hai chiều quen thuộc, mọi người cũng trân trong sự hy sinh của những người lính ở chiến trường bom đạn, tinh thần trách nhiệm của những người lái xe bus trên "chiến trường đường phố" mỗi ngày
Nguyễn Trần Diệu Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,969,871
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến