Hôm nay,  

Ba Tôi

19/06/200900:00:00(Xem: 138255)

Ba Tôi

Tác giả: Ngọc Anh
Bài số 2647-16208724- v661909

Ngọc Anh là tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Sau vụ khủng bố tấn công làm nổ tháp đôi ở New York, cô viết bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể chuyện sở làm, một công ty chủ nhân người Ả Rập Hồi Giáo, nhưng hàng trăm nhân viên đủ gốc Á Âu, Do Thái... sống với nhau hoà thuận. Bài viết được trao tặng giải tác phẩm trong năm 2002. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, nhân lễ Father’s Day  kế cận Ngày Quân Lực 19 tháng 6.

***

Ở Việt Nam ngày trước năm 1975, chúng ta không có ngày lễ đặc biệt dành cho những người Cha như nước Mỹ. Qua đây sống , từ từ hội nhập dòng sống của người Mỹ, mỗi năm, những ngày lễ lớn như Lễ Tạ ơn, Giáng sinh, lễ cho Mẹ , lễ cho Cha, lễ cho Tình yêu... lần lượt thâm nhập vào từng gia đình người Việt sống trên đất Mỹ tạo thành một truyền thống tốt đẹp bên cạnh những tập tục cổ truyền của người mình như Tết , Vu lan mùa báo hiếu ... 
Năm nào mùa lễ Cha, tôi cũng đau lòng nhớ tới ba tôi , người đã quá cố từ hơn bốn mươi năm nay.
Ba tôi là một nhiếp ảnh gia, nói theo chữ nghĩa nhà nghề.
Thuở đó thập niên 50s, tôi còn nhỏ tí, chưa đi học. Gia đình tôi được cấp phát một căn nhà nhỏ trong khu cư xá Cảnh sát Quốc gia nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, góc Lê Thánh Tôn sát nách chợ Bến Thành, Saigon. Sở làm của Ba thuộc ngành Cảnh sát Tư pháp. Ba làm ở phòng Giảo nghiệm. Nhân viên ngành nầy tuy là Cảnh Sát , nhưng tôi thấy mấy bác cũng như ba tôi đều mặc thường phục áo sơ mi trắng quần tây màu đen khi đi làm. Tại sở, ba khoác thêm chiếc áo choàng màu trắng, như áo bác sĩ dài tới gối, lúc làm việc.
Ba tôi, giống như mấy bác đồng nghiệp của ba mà tôi biết, phải trực mỗi tháng một đêm ngủ luôn tại sở. Những ngày nầy tụi tôi thường được ba cho đi theo ba vô sở ngủ lại với ba.
Tụi tôi thích ghê lắm. Tôi vẫn còn nhớ tấm hình thằng em trai nằm trên cái ghế bố nhỏ, cầm tờ báo lên đọc giả bộ bắt chước y như ba, mà  ba chụp được, tờ báo đó em trai cầm ngược chiều vì nó có biết chữ đâu mà đọc.
Tôi thì thích theo ba vô phòng tối để coi ba rửa hình.
Ngộ ghê nghen, ba trực mà thấy ba cứ lui cui trong cái phòng tối om nầy suốt đêm.
Ngoài cửa phòng có gắn cái bóng đèn nhỏ xíu màu đỏ, được bật lên mỗi khi ba vô phòng tối để làm việc, là đèn hiệu phòng đang dùng để không có ai mở cửa vô , ánh sáng làm cho hình rửa bị hư , tôi nhớ ba nói vậy đó. Trong phòng tối thiệt, tối om, dơ bàn tay không thấy. Tôi sợ ma, bám dính theo ba.
Tôi nhớ, trong phòng tối cũng có gắn một bóng đèn rất nhỏ, màu đỏ, không đủ soi cái gì hết .
Ánh sáng có được, tôi nhớ, toát ra từ bộ phận máy rọi hình xuống tờ giấy Kodak màu trắng bóc. Sau đó thời gian mấy giây, nhớ ba canh chừng bằng cái đồng hồ đeo tay, ba nhúng tờ giấy đó vô thau đựng thuốc rửa hình, bằng cây kẹp, rồi lấy ra, ngâm vô thau kế bên.
Giai đoạn nầy thích thú nhất với tôi.
Tôi đứng bên ba, cái đầu chắc vừa đụng bàn thôi vì lúc nhỏ tôi nhỏ con lắm. Từ cạnh bàn, tôi trố hai mắt mà coi hình ảnh từ từ hiện lên trên tờ giấy trắng như là phép lạ.
Rồi tới khi hình đã rõ ràng sắc nét, ba tôi chăm chú kẹp tấm hình còn ướt lên, dùng mấy cái kẹp phơi quần áo mà kẹp tấm hình đen trắng đó lên sợi dây giăng ngang phiá trên cao.
Trên sợi dây nầy, tôi đã nhìn ngắm những tấm hình "thấy ghê" toàn là những hình ảnh xác chết . Những xác chết treo la liệt trong mấy tấm hình nầy như chết vì xe đụng, vì bị đâm chém, bị bắn, những vụ án mạng, treo cổ tự tử (cái nầy tôi sợ nhất). Có lần tôi thấy tấm hình người chết trôi trương phình lên sợ ghê lắm. 
Trong sở làm nầy mấy bác thường kể chuyện cho má tôi nghe là có ma .
Ma hay đè mấy người ngủ đêm vì tới phiên trực.
Tôi nghĩ chắc ba cũng ...sợ ma, cho nên ba mới đem lũ con nít theo ngủ trong sở với ba cho đỡ sợ .
Mấy đứa em tôi, tuổi chưa đi học, pha ùphách như quỉ có đứa nào biết sợ ma là gì đâu. Tôi thì sợ hình ảnh chớ không biết sợ ma nhiều. Được theo ba vô sở ngủ, được tự do đùa giởn mà ba ít khi nào rầy rà, là thích lắm. Má tôi nói ma là mấy hình tượng cụt đầu bằng đồng đen, những khuôn mặt phụ nữ, chưng bày trong sở đó. Mấy pho tượng cụt đầu nầy tôi nhớ rất đẹp, hình khuôn mặt tây phương, chắc do những người Pháp mang từ bên Pháp qua, chưng bày trong sở.
Tôi nhớ, Viện Giảo Nghiệm nầy xây theo kiểu người Pháp, rất đẹp. Sở làm có tầng lầu, cầu thang lên xuống có tay vịn bằng gỗ mun đen trơn bóng rất mịn đẹp, là chỗ tôi ưa tuột từ trên xuống dưới chơi như cầu tuột. Ban ngày thì ba lui cui trong phòng thí nghiệm, với những chai lọ kiểu dáng tròn tròn rất ngộ. Thỉnh thoảng ba đem về cho tôi vài cái chai nhỏ xíu nầy để tôi chơi.
Bạn biết, con nít mình thuở đó đâu có đồ chơi, nên mấy món như vậy thích lắm, tôi dùng để bỏ mấy con dế, con cuốn chiếu tôi bắt được. Tôi tuột cầu thang nổi tiếng tới nổi sau nầy khi tôi đã là thiếu nữ yểu điệu dịu dàng, học trường nữ trung học Gia Long, mỗi lần gặp lại mấy bác bạn của ba, mấy bác còn hỏi "cháu còn tuột cầu thang hông"" làm tôi mắc cở đỏ ửng mặt mày.
Tôi nhớ một lần ba về nhà, khoe với má là sở làm vừa có một máy sấy cho khô hình từ Nhựt gởi qua, ba đỡ phải treo hình lên dây nữa.
Không biết có phải vì méo mó nghề nghiệp hay không, mà ba tôi lúc nào cũng kè kè cái "súng Canon" bự tổ chảng, loại máy ảnh của phóng viên xài đó, bất kể lúc nào ba thấy cái gì hay hay, lạ lạ là ba túm lũ con vô bô hình của ba, cho nên tụi tôi rất ghét. Nhỏ em kế tôi còn kể, ghét nhứt hạng là mỗi đầu năm, ngày Tết, ba bắt từng đứa đứng kế bên cây bông mồng gà đỏ chói để ba bấm hình Tết. Ba thường cười mím mím nói "cười tươi chút đi con". Nó nói nó ghét vì mình bị bắt chụp hình, chù ụ, đứng kế bông tươi rói, nên bông luôn đẹp hơn mình.


Bây giờ ngày tết, tôi luôn ao ước trong lòng, phải chi ba còn sống, ba bắt mình đứng đâu để ba chụp hình mình cũng ưng, mà cười thiệt tươi, tươi hơn cảnh và vật ở chung quanh. Nhờ ba thường hay chụp hình, mà bây giờ gia đình còn giữ lại nhiều hình ảnh rất quí giá như tấm hình thằng em trai ngồi ôm con khỉ của nó, con khỉ của chị em tôi, con khỉ mà tôi thương nhứt nhà. Trên bàn thờ của má tôi, có hình ông bà ngoại, ông nội, ông cố... Hình ông ngoại với bộ râu cá trốt thật đẹp, khuôn mặt khắc khổ mà tươi. Ông ngoại bận đồ lớn trong tấm hình nầy, coi chiến lắm, văn minh lắm, mà đầu ông ngoại thì bới củ hành.
Hỏi má, má cười cười nói:
-Ba mầy chụp ông ngoại lúc ông ngoại đang ngồi trên ghế ngoài sân, ông ngoại bận bà ba đó chớ. Trời nắng xiên xiên nên khi ba kêu ông ngoại ngước mặt lên cho ba chụp, ông ngoại nheo nheo con mắt mà hình lại thấy đẹp quá. Rồi ba mầy vẽ thêm cho ông ngoại cái áo lớn cho trịnh trọng, tô màu cho tươi  nữa.
Thì ra là ông ngoại bận bà ba chớ không phải bận áo lớn như trong hình.
Hình má thiệt đẹp, đầu bới cao, đôi chân mày do ba tự tay vẽ cho má.
Hình mấy chị em ngồi xếp hàng từ cao xuống thấp trên một bờ đê ở Phú Xuân Nhà Bè buổi đi chơi dã ngoại. 
Từ ngày ba bị giết chết năm Mậu Thân, khoa học càng ngày càng tiến bộ. Tôi nhớ, ba tôi thích tất cả những kiến thức mới, những tiến bộ, những phát minh ... Mỗi cái mới chạy nhựt trình là ba đọc cho cả nhà nghe, trong những bữa cơm gia đình.
Năm chiếc phi thuyền của Mỹ lên tới mặt trăng, mang về trái đất mấy mẫu đá ong lổ chỗ, người Mỹ mang đi khắp thế giới để khoe, ba cũng đưa mấy đứa con chen chúc nhau đi coi triển lãm cho biết.
Bây giờ, mỗi khi thấy những máy chụp hình ngày càng tinh vi, cho tới loại máy digital ra đời, vô cùng tiện lợi, hình ảnh đưa thẳng vào computer, sửa chữa thêm thắt dễ dàng bằng những software gài đặt sẳn, tôi lại ngậm ngùi nhớ tới ba tôi, ngày xưa đơn độc trong phòng tối để rửa từng tấm hình, rồi cắt bằng tay, hay ngồi còm lưng tỉ mỉ sửa chữa những đường nét trên hình bằng cây bút lông nhỏ tí teo chấm mực đen hay màu.
Nhiều khi ngồi nhìn lại những tấm hình xưa ba đã chụp, thấy mặt mày đứa nào cũng hỏng tươi, hỏng cười, vì hỏng thích làm người mẫu của ba, ba phải năn nỉ để chụp, thấy lòng dâng trào cảm xúc thưong ba, ước chi ba còn sống, mình sẽ luôn sẵn sàng để có những nụ cười tươi tắn nhứt, để dành cho ba mình.
Ngay cả những ngày lửa loạn ly về tận thành phố Saigon năm Mậu thân, mấy chị em ngồi trên mái nhà coi khói tỏa lan bầu trời, coi máy bay thả rocket, ba cũng chụp hình mấy chị em.
Sau đó mấy ngày thì ba mất! Ba rời cõi đời như một cơn gió thoảng qua.
Tôi nhớ những ngày đầu năm Mậu Thân, khi toán lính Thủy Quân Lục Chiến tiểu đoàn 2 Trâu Điên về trấn đóng trong cư xá Phú Lâm A, để vài hôm sau lại rút ra xa cảng ngăn chận bước tiến của cộng quân, ba tôi cũng đã chụp hình đoàn lính nầy và cho tôi tấm hình một người lính Trâu Điên kiêu dũng mà tôi giữ mãi cho tới ngày lưu lạc quê hương mới bị lạc mất. Nhờ câu chuyện về người lính Trâu Điên nầy mà tôi đã tìm ra vị Đại Đội trưởng chỉ huy Trâu Điên năm xưa, hiện đang sống tại quận Cam.
Thời gian nầy ba tôi thường ôm máy ảnh chạy theo Tướng N.N. Loan, Vị chỉ huy trưởng Tổng Nha CSQG can trường, xông xáo giữa lửa đạn, để chụp hình trận chiến khốc liệt đang diễn ra quanh khu vực Chợ Lớn, mặt trận Hàng Xanh, cầu Thị Nghè. Những công tác kề cận bên vị Tướng Tư lịnh CSQG oai hùng nầy tánh mệnh của ba cực kỳ nguy hiểm khi một chiếc áo giáp cũng không có, vủ khí trong tay chỉ là chiếc máy chụp hình. Cũng năm Mậu Thân tràn ngập khói lửa trong thành phố với mức độ khốc liệt, bạn bè của ba chết khá nhiều, ngày nào về ba cũng kể cho má nghe, rồi thì đến lượt ba tôi đã bị cộng sản giết chết trong khi đang thi hành nhiệm vụ.
Ba chết đi, cảnh sống thanh bần của gia đình tôi để lại ngôi nhà tan hoang trống lốc với má tôi, hãy còn rất trẻ, và bầy con tám đứa.
Má tôi, từ một bà nội trợ chân yếu tay mềm, đã phải xông xáo ra đường buôn bán nuôi bầy con, nay đã trở thành những Quốc Gia Nghĩa Tử.
Mấy bác đồng nghiệp của ba đã nói "ba cháu sanh nghề tử nghiệp".
Bây giờ tôi cũng đam mê chụp hình, nhưng chỉ sắm cái compact gọn gàng để bóp, đi đâu cũng đem theo. Em trai tôi cũng sắm một dàn máy chụp hình có tầm cở mà mỗi tấm hình em trai chụp ra là một nghệ thuật tài hoa. 
Mỗi khi nhà có đám tiệc họp mặt, có đầy đủ gia đình, tôi thường cầm máy chụp hình rà kiếm mấy đứa cháu xinh xắn dễ thương để năn nỉ, ỉ ôi hay nài ép chúng nó làm mẫu để tôi bấm vài kiểu. Có đứa thích được chụp hình thì ẹo qua ẹo lại làm dáng, đứa không thích chụp hình thì cái mặt chù ụ y chang tụi tôi hồi đó.
Một lần tôi chụp đứa em gái áp út, khi hình lên khung chuyển đi cho khắp mấy chị em, bà chị tôi cười quá trời vì con nhỏ nầy có cái trán in hệt ba tôi, vừa cao vừa rộng, đôi mắt thật lớn, miệng luôn mim mím, nhìn biết liền ...con gái của ba. Em gái út thì khỏi nói, nó lấy hết nét đẹp của ba và má cộng hưởng. Tội nghiệp nhỏ em út nầy, không còn nhớ mặt ba, vì khi ba mất, nó mới lên 3 tuổi thôi.
Những tấm hình tôi chụp, luôn mang những nụ cười trẻ thơ, những kỷ niệm sinh nhật ngày Tết ngày lễ, và những hình ảnh tôi chộp bắt được trên đường đi làm, đâu đâu, tôi cũng đưa máy chụp hình lên nhắm, hình ảnh lung linh phía trước có khuôn mặt Ba, nụ cười mím chi rất đặc biệt luôn tươi tắn hiền lành, ba đẹp như Phan An, Tống Ngọc.
Ngày lễ Cha, tôi buồn nhiều lắm.
Từ năm Mậu Thân cho tới nay, đã qua 41 năm.
Má tôi đã trở thành một bà cụ già ốm nhom, cô đơn, tối ngày ngoài vườn chăm sóc mấy cây trái bông hoa . 41  năm, má tôi làm sương phụ nuôi dưỡng hình ảnh người chồng bạc mệnh thời chiến tranh.  
Mơ ước như trẻ thơ, được một lần, đứng làm mẫu để ba chụp hình.
Nhất định là tôi sẽ cười, nụ cười đẹp nhất, để tươi hơn mấy nhánh bông mồng gà đỏ chói kia. Ước gì mình quay ngược được...thời gian.
 Ngọc Anh            

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,165,423
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Ba truyện kể về “Nhân Duyên” sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo năm Kỷ Hợi 2015.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây là bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của bà.
Chương trình America's Got Talent (AGT) trên truyền hình NBC, ra mắt từ tháng Sáu 2006, tới nay đã trụ được 13 mùa, tiếp tục làm mê mẩn 12 triệu khán giả hàng tuần. Simon Cowell, nhà sản xuất của AGT, vào danh sách báo Time bình chọn 100 nhân vật thế giới tạo nhiều ảnh hưởng nhất. Sang năm 2019. Simon 60 tuổi. Show chung kết AGT The Champions mùa thứ 13, gồm những màn trình diễn hấp dẫn của các tài năng đã thắng giải từ khắp thế giới, được sắp xếp thành 7 chương trình TV, trình chiếu đúng dịp Tết Kỷ Hợi. Riêng chương trình cuối, công bố kết quả AGT 2019, sẽ chiếu ngày Thứ Hai 18/02/19. Sau đây là bài viết của Tố Nguyễn, tác giả lần đầu viết về nước Mỹ và đã nhận giải đặc biệt 2018.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết đầu năm của tác giả.
Thứ Năm tuần này là Ngày Tình Yêu / Velentine Day 2019, đánh dấu đúng 750 năm ngày 14 tháng Hai năm 269, khi Giám mục Valentine bị hoàng đế La Mã Claudius Đệ Nhị cho lệnh chặt đầu, vì làm phép kết hợp các đôi lứa theo nghi thức nhà thờ. Nhân ngày đặc biệt này, mời đọc bài viết thứ ba của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, cựu nữ sinh Trưng Vương, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới về Tết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới sau đây kể về lớp dạy văn chương Việt tại UC Irvine.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài ông viết đầu năm mới Kỷ Hợi.
Nhạc sĩ Cung Tiến