Hôm nay,  

Vào Nơi Gió Cát

18/06/200900:00:00(Xem: 278150)

Vào Nơi Gió Cát

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2646-16208723- v561809

Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, lớp tuổi 60’, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại  Glendale, Los Angeles, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết và mới nhất, năm 2008, ông nhận giải Việt Bút, dành cho những tác giả đã "vượt được chính mình." Bài mới nhất của ông được viết nhân Ngày Quân Lực 19 tháng Sáu. “Sống ở Mỹ tôi thường nghe nói đến sự tráo trở của người Mỹ, nguyên nhân đưa đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Mỗi lần nghe nói vậy tôi lại nhớ đến câu "Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ" (Trách mình trước, trách người sau).” Đoạn hồi ký sau đây của ông được viết theo tinh thần “trách mình trước”: Không lẽ, không lẽ...

***
Hôm nay gần đến Ngày Quân Lực 19 tháng 6, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ đến những niên trưởng, những bạn bè, những chiến sĩ và hàng hàng lớp lớp người đã đem đoạn đời tươi đẹp nhất của mình hiến dâng cho tổ quốc. Có người đã đi về bên kia thế giới. Có người sống vất vưởng trong tù tội. Có người ở lại quê nhà, lê tấm thân tàn phế năng nỉ khách qua đường mua cho mình một tấm vé số để kiếm món tiền hoa hồng chỉ tương đương vài cent. Có người như tôi đã được người Mỹ cưu mang. Sống ở Mỹ tôi thường nghe nói đến sự tráo trở của người Mỹ, nguyên nhân đưa đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Mỗi lần nghe nói vậy tôi lại nhớ đến câu "Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ" (Trách mình trước, trách người sau). Và tôi viết đoạn hồi ký ngắn dưới đây.
*
Đầu tháng 11 năm 1960 tôi gia nhập Khoá 17 Trường Võ bị Quốc gia và 8 tháng sau tôi lấy cớ thiếu sức khoẻ, xin giải ngũ. Tôi về Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa để lấy bài vở về nhà học. Tôi định vừa đi học vừa đi làm. Vì là cựu quân nhân do ...8 tháng quân vụ ở Trường Võ bị Đà Lạt, tôi nộp đơn xin việc tại Nha Cựu Chiến binh và Phế binh. Tôi đã được chấp thuận dễ dàng. Vậy là tôi nghiễm nhiên trở thành một ông tham, tham sự công nhật, và được thuyên chuyển xuống Tỉnh Chương Thiện.
Chương Thiện là một tỉnh mới thành lập. Các ty không chuyên môn như nội an, hành chánh, tài chánh...đều tọa lạc trong một gian nhà lớn mái tôn, ngăn cách nhau bằng những bức vách. Nhân viên các ty và ngay cả người ngoài, lui tới viếng thăm nơi đây một cách dễ dàng. Thiếu tá Tỉnh trưởng Nguyễn Hiền Điểm cho tôi làm quyền Trưởng ty Nội an, đặc trách Ấp Chiến lược, sau một tuần học việc với ông trưởng ty mà tôi thay thế. Sau đó tôi lên chức Trưởng ty. Lúc ấy tôi chưa tới 21 tuổi căn cứ theo giấy tờ. Tuổi thật còn nhỏ hơn. Dưới quyền tôi có nhiều nhân viên nam nữ, tất cả đều lớn tuổi hơn tôi, trong số đó có một cô thư ký trẻ nhất và khá đẹp. Cô là nguyên nhân sâu xa làm tôi tái nhập ngũ.
Số là có Trung uý Trần X , ở một đơn vị quân sự nào đó gần toà tỉnh, thường hay lui tới văn phòng Đại uý Phó Tỉnh trưởng Nội an Đặng (Nguyễn") Xuân Phong và rất hay qua Ty Nội an la cà nói chuyện với cô thư ký trên, làm cô bê trễ công việc. Tôi không hiểu sao Trần X quá nhàn hạ như vậy, trong khi tôi đầu tắt mặt tối với đống giấy tờ, nào là "sao gởi", nào là "phổ biến"... mà tôi rất bối rối; lại còn phải đi thanh tra ấp chiến lược ở những nơi nguy hiểm. Tuy vậy tôi không hề có ý kiến gì với Trần X, không phải vì tôi sợ ông ta mà vì tánh tôi xưa nay vẫn dễ dãi. Vậy mà không hiểu sao Trần X cứ "kênh" tôi, lúc nào cũng nhìn tôi với vẻ mặt đằng đằng sát khí, nhất là khi gặp tôi ngoài phố. Tôi thấy chức trưởng ty của tôi chẳng ăn nhằm gì so với bốn hoa mai vàng Trần X gắn trên cổ áo. Đã thế Trần X còn nói xấu tôi. Ông ta nói với mọi người rằng ngay cả một sinh viên sĩ quan mà tôi làm cũng không được, chắc tôi thuộc loại bệnh hoạn vô dụng, không chừng mắc bệnh... bất lực, nên mới giải ngũ. Tức quá, tôi xin thôi làm công chức. Tháng 4 năm 1963 tôi gia nhập khoá 13 Sĩ quan Hải quân Nha Trang.
Sau khi ra trường tôi phục vụ tại Đội 16 Hải thuyền, đóng tại Cửa Tư Hiền, Quảng Ngãi. Đội 16 Hải thuyền trực thuộc Vùng 1 Duyên hải. Tôi xin mở ngoặc nói thêm: Từ đây tôi gọi Đội Hải thuyền là Duyên đoàn và Bộ Chỉ huy Vùng Duyên hải là Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải theo tên được đổi lại sau này.
Trên đường đáo nhậm đơn vị mới tôi đã viết cho Nga một bức thư.

Em yêu,
Anh viết thư này cho em khi thuyền vừa ra cửa biển, hướng về phương nam, đến đơn vị đầu tiên của anh trong đời quân ngũ, Duyên Đoàn 16, đóng bên cạnh một xóm nhỏ có tên Cổ Luỹ. Anh gọi "thuyền" vì anh đang ở trên một chiếc thuyền nhỏ có tên là Yabuta đóng theo kiểu thuyền của người Nhật. Thuỷ thủ đoàn có 5 người, không kể anh. Thuyền trưởng là một người khoẻ mạnh, chất phác, đẹp trai và rất lễ phép với anh. Nhìn viên thuyền trưởng anh liên tưởng đến anh chàng Vọi trong truyện Trống Mái của Khái Hưng. Các thủy thủ khác cũng có tánh cách chung như thế. Tất cả đều được tuyển mộ trong đám dân chài địa phương.
Em yêu! Thuyền vừa đến Sa Kỳ. Mặt trời sắp khuất về bên kia ngọn đồi cao sát biển. Mặt biển bây giờ đỏ rực, những đợt sóng lăn tăn như hàng trăm ngàn con rắn bằng lửa đang nô đùa. Từng đàn hải âu di chuyển về phía những đám mây trắng như đang làm một chuyến du hành lên trên các tầng trời.
Anh có cảm tưởng như anh là Odysseus trong sử thi Hy Lạp, còn em là Penelope. Dù cho sóng gió hay trở ngại nào cũng không ngăn được tình yêu của chúng ta.
Đáng lẽ anh viết cho em nhiều hơn nhưng những đợt sóng đã bắt đầu lớn dần, thuyền tròng trành dữ quá. Khi đến nơi anh sẽ viết tiếp cho em.
Anh,
Người chinh phu đang vào nơi gió cát

Chừng một tiếng đồng hồ sau thuyền cặp cầu tàu Duyên đoàn 16. Anh thủy thủ gác cầu tàu nghiêm chỉnh chào tôi. Cái ngạc nhiên đầu tiên của tôi khi đến đây là nhà cửa, phòng ốc và hệ thống phòng thủ. Toàn nhà tranh vách đất, kể cả phòng làm việc của duyên đoàn trưởng và duyên đoàn phó. Nhưng sự ngạc nhiên của tôi đã được thay thế bằng sự hồi hộp. Tôi hồi hộp vì sắp trình diện Đại úy Võ M, duyên đoàn trưởng, người có cấp bậc cao hơn tôi, thâm niên quân vụ hơn tôi và lớn tuổi hơn tôi khá nhiều. Ông từ lục quân chuyển qua hải quân. Sau này tôi được biết ông sinh năm 1927, xuất thân từ Quân đội Liên hiệp Pháp. Tôi thở dài nhẹ nhỏm khi biết Đại úy M đi vắng.
Tôi không nhớ rõ ràng về lần gặp Thiếu uý Thiên, Khoá 12 Sỉ quan Hải quân Nha Trang (SQHQ/NT) nên không tiện ghi ra đây. Anh Thiên là người tôi thay thế giữ chức Duyên đoàn phó. Tôi biết anh Thiên từ trước. Anh Thiên quê Quảng Ngãi, tánh tình hiền hoà, ít nói.
Một hạ sĩ quan lân la vào gặp tôi. Anh ta nghiêm chỉnh chào tôi, rồi cười nói:
-Ngày mai đại úy mới về. Thiếu uý ra chợ Tư Hiền chơi. Ngoài chợ vui lắm.
Tôi theo anh ta ra chợ rồi cao hứng đi xa hơn. Chúng tôi vào một quán giải khát, chủ nhân là một cô chừng 25 tuổi có thân hình khá đẹp. Cô ta rất ít nói, chỉ liếc nhìn hết người này đến người khác. Anh hạ sĩ quan kề tai tôi nói nhỏ:
-Chịu chơi lắm! Tối cô ta nằm ngủ ngoài hiên sau. Ai muốn tới làm gì cô ta cũng được. Không đòi tiền, mà cũng không cần biết là ai. Cô ta thường nằm ... chổng mông ra ngoài cửa.
Sau đó anh ta kể nhiều chuyện buồn cười ở đây. Đại uý Võ M có bà nhỏ; Thượng sĩ Tr, Quản nội trưởng kiêm Trưởng ban An ninh Tình báo cũng có bà nhỏ. Vợ Thượng sĩ Tr từ Đà Nẵng hay vào đánh ghen, làm ồn ào doanh trại nhiều lần. Anh ta nói thế nào tôi cũng có nhiều dịp phân xử những vụ đánh ghen này.
Tôi hỏi:
-Đại uý thì sao" Có ai đánh ghen không"
-Bà đại uý không bao giờ vào đây. Có bao nhiêu tiền lương đại uý gởi về hết.
Tiếp tục câu chuyện, anh ta nói sẽ kiếm cho tôi một cô. Có cô Ph ở Tư Nguyên chỉ mới 18 tuổi, "ngon" lắm.
Sáng hôm sau Đại uý Võ M mới về đơn vị. Trông ông giống như một anh dân chài đang... bị ốm, mắt lờ đờ, môi thâm, nước da đen tái. Ông mặc quân phục xanh xám. Lưng quần lên quá rốn ít nhất cũng nửa phân, làm bụng ông phình ra thêm. Mũ bê-rê đen hải thuyền ông đội một cách quá ngay ngắn trên đầu, làm mặt ông trông ngây ngô. Tôi nghiêm chỉnh chào ông theo đúng quân phong quân kỷ. Ông bắt tay tôi, mời tôi vào văn phòng. Ông nói sơ qua về tổ chức đơn vị, về các hạ sĩ quan và thuỷ thủ, về tình hình ta và địch. Giọng nói của ông rè rè, làm tôi có ý nghĩ ngộ nghĩnh là râu ông mọc ngược trong cổ họng. Ông vừa nói vừa hút thuốc, mắt nhìn đâu ở phía dưới cằm tôi làm tôi có cảm tưởng như ông ta trình diện tôi, chứ không phải tôi trình diện ông.
Cuối cùng ông nói, tiếng Quảng Bình nặng trình trịch:
-Thiếu uý là duyên đoàn phó kể từ ngày mai. Hôm nay cứ việc nghỉ ngơi, muốn đi chơi đâu thì đi.
Sức trai tráng, ở đây lại buồn, tôi khó tránh khỏi chuyện vui chơi. Về Đại uý M, hầu như tôi chỉ thấy ông ta làm có ba việc: Ra nhà bà vợ nhỏ ở xóm Cổ Lũy, đi họp trên tiểu khu Quảng Ngãi hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng và tiếp các chủ thuyền buôn. Thỉnh thoảng các chủ thuyền này cũng mời tôi đi nhậu nhưng tôi không có hứng thú nhậu với mấy tay này nên luôn luôn từ chối. Có lần một chủ thuyền đem vào biếu tôi mấy hộp giấy đánh máy. Xuân, "tà-lọt" của Đại uý M, nói nhỏ với tôi:
-Thiếu uý ơi, mấy xấp giấy thì có giá trị gì. Thiếu uý coi bên trong có gì không.
Tôi cười nói:
-Anh kiểm soát thử có chi không.
Xuân bươi mấy hộp giấy ra nhưng chẳng thấy gì cả.
Một hôm tôi chỉ huy một toán hải thuyền vuợt sóng lớn ra biển rồi đổ vào bờ, bắn bị thương và bắt được một bí thư huyện ủy tên Khoa. Khoa không ngờ tôi dám ra biển trong lúc biển động mạnh nên đã bị bắt. Tôi còn nhớ lúc Khoa bị thương, anh ta hô to ba bốn lần:
- Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm.
Rồi anh ta mê man nói lảm nhảm:
-Một bà tiên, hai bà tiên, ba bà tiên.
Cuối cùng anh ta xin gặp tôi:
-Xin thiếu úy cứu tôi.
Tôi nói:
-Anh sẽ được đưa lên tiểu khu. Như vậy là được sống rồi.
Đại úy Võ M lúc ấy có mặt trong đơn vị nhưng tôi ngạc nhiên thấy ông ấy không hề đến gặp Khoa mà cũng chẳng khen tôi lấy một lời.
Hôm sau Trung tá Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải vào thăm đơn vị. Ông trao huy chương cho Đại úy M. Tôi là người có công đầu trong việc bắt bí thư huyện uỷ Khoa thì chỉ được ông "khen" một tiếng:
-Hăng lắm!
Lần đầu tiên tôi thấy ông ta đến đây với vẻ mặt tươi cười. Những lần trước vừa mới bước lên cầu tàu ông đã chửi:
-Mẹ nó! Chỉ biết cái L. Nhà cửa, phòng ốc bê bối, công sự phòng thủ như thế này sao.
Dĩ nhiên là ông chửi Đại uý M. Thường thường ông đi quanh đồn, vừa gãi mông đít vừa chửi. Tướng đi và khuôn mặt của ông hao hao giống George C. Scott, người thủ vai Tướng Patton trong phim Patton. Nghe nói ông rất ái mộ Patton. Có lẽ vì vậy mà tánh ông nóng như ông tướng này. Được cái ông rất năng nổ, nhanh nhẹn trong mọi công việc và có thái độ tốt với cấp dưới. Tôi không hiểu sao lần nào vào đây ông cũng chửi mà mọi việc "vũ như cẩn", vẫn nhà tranh vách đất, giao thông hào rắn bò không lọt, cả ba nhân vật quan trọng nhất trong đơn vị, kể cả tôi, vẫn chơi nhiều hơn làm việc. Dù sao tôi vẫn ray rứt, lo lắng, có đêm ngủ không yên. Tôi nghĩ đến hơn 100 sinh mạng trong đồn, có cả gia đình binh sĩ. Tôi nói với Đại úy M việc này thì ông trả lời rằng vật liệu chưa có. Tôi đi quanh doanh trại, quan sát các giao thông hào. Chỉ là một đường rãnh chật hẹp nằm sát những mái tranh. Sự chật hẹp của đường rãnh này tỉ lệ thuận theo thời gian. Chỉ cần một đặc công bò đến gần, vất một mồi lửa hay một qủa súng cối phóng vào, nhà sẽ cháy, kho đạn nổ, người ra tro. Có lần tôi yêu cầu Đại úy M củng cố lại hệ thống phòng thủ, nhất là về giao thông hào, thì ông nói:


-Chúng chưa dám tấn công ta đâu. Tôi biết tụi nó còn hơn biết mấy ngón tay của tôi.
Sáu tháng trôi qua. Mọi việc không có gì thay đổi. Cái gọi là giao thông hào chật hẹp thêm. Những ngôi nhà xiêu vẹo và cũ kỹ thêm. Một hôm tôi từ cầu tàu đi lên thì thấy một mảnh giấy ướt sũng nước nằm vùi trong cát. Tò mò tôi nhặt lên đọc, nhưng chỉ đọc được đoạn giữa:

"...Mặt trận Giải phóng Miền Nam cám ơn anh về thái độ tốt đối với nhân dân.
Mặt trận không bao giờ quên những người góp công sức vào sự nghiệp giải phóng..."

Tôi vội xé tờ giấy và trở về phòng. Ngày hôm sau tôi xin đi phép. Việc đầu tiên của tôi khi về đến Đà Nẵng là xin thuyên chuyển khỏi Duyên đoàn 16.
Tôi được thuyên chuyển đến Duyên đoàn 11 đóng tại Cửa Việt. Duyên Đoàn 11 khác hẵn Duyên Đoàn 16 về nhà cửa phòng ốc và hệ thống phòng thủ. Tất cả đều được xây dựng kiên cố. Nơi đây có sẵn một toán thợ nề lấy trong đám hạ sĩ quan và nhân viên Duyên đoàn. Đại uý Q, Duyên đoàn trưởng, người cỡ tuổi như Đại uý M và cũng xuất thân từ Quân đội Liên hiệp Pháp, nhưng rất năng nổ, hoạt động. Lần đầu tiên gặp ông tôi ngạc nhiên và suýt bật cười vì thấy ông nhai trầu bỏm bẻm. Duyên đoàn ông chỉ huy là một đơn vị gương mẫu. Theo tôi, ông có một khuyết điểm lớn là "kiêu binh" vì ông được khen thưởng nhiều lần. Ông không muốn nghe lời phê bình của người khác. Ông từng gây gổ với viên Đại úy cố vấn Mỹ, gốc Đức, có lẽ vì anh cố vấn này đã...cố vấn ông hơi nhiều, làm ông khó chịu. Viên đại úy cố vấn gây với ông bằng tiếng Anh; còn ông chửi lại anh ta bằng tiếng Pháp vì ông không biết tiếng Anh. Mỗi khi hai người gặp nhau trên đường, người nào cũng rẽ qua lối khác, giả bộ làm gì đó, để tránh chạm mặt nhau.
Đại uý Q cũng từng to tiếng với Trung uý Lợi, Khoá 11 SQHQ/NT, vừa thuyên chuyển ra làm duyên đoàn phó. Đứng bên ngoài nhìn vào phòng ăn, tôi thấy mặt mày cả hai người đều hầm hầm, sau đó anh Lợi đá chiếc ghế một cái khá mạnh. Tôi đoán chắc Đại uý Q ra một khẩu lệnh gì đó hơi nghiêm khắc và Trung uý Lợi phản đối. Có lẽ Đại uý Q tưởng nhầm Trung uý Lợi cũng như tôi, bảo gì nghe đó. Quả thật, sau khi thất vọng quá nhiều về Đại uý M, tôi thấy Đại uý Q đáng để mình phục tùng. Tuy thế sau này tôi hơi bất mãn ông về việc ông đã "săn sóc quá kỹ lưỡng" vợ của một hạ sĩ dưới quyền vừa bị tử trận.
Đơn vị kế tiếp của tôi cũng là đơn vị tác chiến, Duyên đoàn 15. Đơn vị này toạ lạc gần Căn cứ Chu Lai của Quân đội Hoa Kỳ nên tương đối an ninh. Tuy Duyên đoàn 15 không sợ địch tấn công nhưng lại sợ nội tuyến. Trung uý Duyên Đoàn trưởng Hoàng Hà, khoá 10 SQHQ/NT, đã chết vì một trái lựu đạn gài nơi cửa ra vào phòng ngủ.
Duyên đoàn 15 là một trong những đơn vị phục vụ tâm đắc nhất của tôi. Duyên đoàn trưởng là Đại úy Hải, Khoá 11 SQHQ/NT; Duyên đoàn phó là tôi; Sĩ quan Đệ tam là Trung úy Quyền, Khoá 14 SQHQ/NT. Dĩ nhiên không phải cả ba cùng đến đây và cùng rời nơi đây một lần, nhưng thời kỳ cả ba cùng ở đây kéo dài gần một năm và là thời kỳ vui nhất của tôi. Cả ba không hề phàn nàn, bất mãn nhau điều gì. Cả ba làm việc thật nhiều nhưng chơi cũng không kém. Nơi chúng tôi thường lui tới là xã Kỳ Hà, ở đây có nhiều hàng quán với những thiếu nữ xinh đẹp và đứng đắn. Tôi có một kỷ niệm khó quên về Đại uý Hải. Đại uý Hải đã xách súng ru-lô rượt đuổi Đại uý Quận trưởng Lý Tín Nguyễn Đ vì bị xúc phạm gì đó tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ Nguyễn Đ mặt xanh như tàu lá cùng đám cận vệ chạy trốn.
Sau này ở trong trại tù cải tạo, tôi cứ than: phải chi hồi đó anh Hải cho Nguyễn Đ một phát đạn thì nhiều anh em trong tù không bị điêu đứng và không bị giết như Trung uý Trân. Ai cũng biết ở trại tù Tiên Lãnh, Nguyễn Đ là một tay ăng-ten khét tiếng. Sau này Nguyễn Đ được công an cho làm "trưởng tù". Trong trại tù Nguyễn Đ có làm bản thu hoạch, khai mình đã nhiều lần thả cán bộ cách mạng bị bắt. Điều này không hẵn là láo khoét. Nguyễn Đ đã nhiều lần thả nhiều cán bộ Việt Cộng, nhưng chỉ thả sau khi nhận được tiền đút lót. Năm 1982 Nguyễn Đ ra trại và bị chết một cách đáng ngờ ngay sau đó. Tôi từng ngạc nhiên về việc Nguyễn Đ vào Khoá 11 Sĩ quan Thủ Đức. Anh ta cùng học tiểu học với tôi. Khi tôi tiếp tục học trung học thì anh ta nghỉ học đi lang thang. Thế mà vào năm 1967 khi tôi mới vừa lên trung uý, Nguyễn Đ đã là đại uý quận trưởng. Có người thấy Nguyễn Đ mang lon đại uý, đã bắt chước nghệ sĩ Văn Hường mỉa mai:
Nhân bất học bất tri lý
Nhỏ không học, lớn làm đại uý
Năm 1967 (") tôi phục vụ tại Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên. Đại úy M đã giải ngũ. Duyên đoàn trưởng 16 lúc bấy giờ là Trung úy Thông, khoá 11 SQHQ/NT. Một hôm Trung tá (hay Đại tá) Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên Hải gọi tôi lên văn phòng:
-Duyên Đoàn 16 bị tấn công. Trung uý Thông và nhiều nhân viên tử trận. Tôi thấy chỉ có anh là có kinh nghiệm về duyên đoàn. Anh muốn thay thế Trung úy Thông không"
Tôi lễ phép từ chối. Tôi nói tôi chỉ thay thế Trung úy Thông một tuần để "thu dọn chiến trường". Tôi đã phục vụ tại Duyên đoàn 16, đã có nhiều "mắc mứu" tại đó, việc này không có lợi cho tôi cũng như cho đơn vị. Tôi muốn nói nếu tôi ở lâu tại Duyên đoàn 16, biết đâu tôi sẽ bị địch móc nối; nếu không thế thì tôi cũng bị địch tìm cách trừ khử vì sự hăng hái của tôi hay vì thù oán.
Tôi bước ra khỏi văn phòng tư lệnh như người mất hồn. Tôi nhớ đến những người thân cận trước đây của tôi tại Duyên đoàn 16. Tôi nhớ đến Trung úy Thông, người có cái răng cửa sún, tóc hớt ngắn. Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với anh Thông. Tôi có cảm tưởng trời sinh anh ra để làm một sinh viên, chứ không phải để chỉ huy đơn vị. Nghe nói anh bị bắn trong giao thông hào hay trong một hầm trú ẩn nào đó.
Tôi đáp một chiếc hải thuyền rời Đà Nẵng vào Duyên đoàn 16. Mới bước ra khỏi thuyền, tôi đã ngửi thấy mùi cháy khét của thịt người. Nhà cửa phòng ốc hầu hết đã ra tro. Trong một túp lều che tạm bằng tôn có 5, 6 cái quan tài, trên đó những ngọn đèn cầy màu trắng đang cháy leo lét. Thỉnh thoảng mùi trầm hương pha lẫn mùi tử khí bay lơ lửng theo những cơn gió vào tận trong văn phòng.
Tôi cùng Trung úy Phương, Khoá 14 SQHQ/NT, Chỉ huy phó Duyên đoàn 16, chỉnh đốn lại đơn vị. Phương làm việc nhiều hơn tôi và làm một cách nhiệt thành. Tôi còn nhớ Phương cầm hai chân của một hạ sĩ chết sình ở dưới nước kéo lên. Hai cái chân có hình thù kỳ dị như cặp chân gà vĩ đại đã được luộc chín, nứt nẻ, lòi vài mảng thịt ra ngoài. Phương không hề sợ hãi và ghê tởm trong khi tôi không dám nhìn. Sau này khi tôi trở về Đà Nẵng "cặp chân gà" và mùi tử khí ám ảnh tôi suốt cả mấy tuần.
Sau khi duyên đoàn thất thủ, vài nhân viên gốc hải thuyền đã không thấy đâu cả dù không tử trận mà cũng không đi phép. Trong số đó có Thuỷ thủ L, người trước đây rất thích la cà nói chuyện với tôi và rất dễ thương (").
Đêm trước khi về Đà Nẵng, tôi ra thăm Đại úy M đang ở nhà bà vợ nhỏ. Hình như Trung uý Phương cũng cùng đi với tôi. Tuy Đại uý M đã giải ngủ nhưng vẫn bị địch bắt trong một thời gian ngắn rồi thả về. Gặp tôi, ông kể đủ chuyện về việc bị bắt. Tôi còn nhớ một câu nói của ông:
-Mình khó mà thắng được. Mình như một cái chấm, còn Việt Cộng là cả một "vạt". Tôi bị đưa vào rừng, nhìn ngang không thấy, nhìn lên không thấy.
Ông vừa nói vừa rót nước cam mời tôi uống. Hai bàn tay ông đầy ghẻ ruồi. Lúc tôi cáo từ ra về ông vào phòng trong lấy một tờ báo đưa cho tôi xem. Đó là tờ báo có tên hình như "Giải Phóng" hay "Quảng Ngãi", góc trên tờ báo có lá cờ xanh đỏ sao vàng. Tôi tò mò đọc. Toàn tin tức về chiến thắng, trong đó có chiến thắng Tư Hiền, tấn công quét sạch Duyên đoàn 16. Suốt đêm hôm đó tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi không hiểu sao ông M lại cho tôi xem tờ báo, một tài liệu mà nếu ai lưu giữ có thể bị rắc rối. Tôi liên tưởng qua chuyện khác. Tại sao Đại uý M dám qua đêm tại nhà bà vợ bé ở xóm Cổ Lũy mà chỉ có anh "tà-lọt" đi theo. Tại sao Đại uý M thuyên chuyển đi rồi đồn mới bị tấn công . Tại sao... Biết bao nhiêu cái tại sao nữa. Mười năm sau thắc mắc của tôi được trả lời trong một tờ báo tôi đọc trong trại tù cải tạo: "...Chiến thắng san bằng đồn Duyên đoàn 16 có sự giúp đở của Đại uý ngụy Võ M....".
Khi về Đà Nẵng tôi định đem chuyện này nói với ông Tư lệnh nhưng tôi cảm thấy một cái gì như bất nhẫn, nên không nói. Ngoài ra tôi nghĩ không lẽ những cơ quan an ninh tại Quảng Ngãi không biết gì cả sao. Còn An ninh Hải quân nữa, biết đâu họ đang có kế hoạnh mật gì đó. Thôi, đó là phần việc của họ. Không lẽ, không lẽ... Khi bị lùa vào trong những trại gọi là cải tạo, tôi cũng nghĩ "Không lẽ cả một quân lực hùng mạnh như vậy đi tù". Chắc chắn lúc ấy có rất nhiều anh em cũng nói thầm hai tiếng "không lẽ". Và chắc khi Sadam Hussein cho đầu vào dây thòng lọng cũng nói "Không lẽ..."
Để tạm quên những nỗi ám ảnh, những thắc mắc, xen lẫn những dày vò, tôi xin nghỉ phép một tuần. Tôi xin máy bay đi Nha Trang, rồi từ Nha Trang sẽ vào Sài Gòn ngày hôm sau. Đã ba năm xa Nha Trang, tôi rất muốn trở lại thăm thành phố này, tìm lại những kỷ niệm không dễ gì phai mờ được của thời sinh viên sĩ quan. Tôi từng có một mối tình tại đây. Người yêu tôi hồi ấy chỉ mới 17 tuổi. Hồi ấy mỗi lần gặp nhau tôi thường nói:
-Ra trường anh sẽ xin phục vụ tại Nha Trang để được gần em.
Sau này khi tôi đến giã từ cô để ra Duyên Đoàn 16, cô không tin vào tai mình. Tôi còn nhớ như in cái giọng Nha Trang của cô:
-Anh nói sao"
Tiếng "sao" nghe như tiếng "sau". Một tiếng đơn giản, phát âm không lấy gì hay lắm nhưng đã đeo đẳng tôi gần nửa thế kỷ. Hôm ấy cô nắm áo tôi giống như bắt đền tại sao tôi dối cô. Cô vừa níu áo tôi vừa khóc nức nở. Cuối cùng cô chạy nhanh vào phòng.
Đến Nha Trang việc đầu tiên của tôi là đến thăm cô. Nhưng gần đến nhà cô tôi quay lui. Đến để làm gì, không chừng lại thêm một lần níu áo với những dòng nước mắt. Chỉ vô ích mà thôi. Tôi đã có người yêu, tôi sẽ không đem đến cho cô điều gì khác ngoài những dòng nước mắt. Tôi rời khỏi xóm cô ở, đáp xe lam đi thăm lại ngôi trường cũ, Trường Sĩ quan Hải quân.
Hôm đó nhằm ngày chủ nhật nên các sinh viên sĩ quan trong các bộ tiểu lễ trắng đang sắp hàng chờ đi bờ. Tôi đứng trước cổng trường mê mải nhìn họ. Trong một thoáng tôi chỉ muốn trở lại làm một sinh viên sĩ quan như ba năm trước đây, khi ấy tôi chưa va chạm với những sự thật phũ phàng ở ngoài đời, chưa hề nghe nói đến, biết đến những người như Trần X, Đổ M, Nguyễn Đ...
Bồ Tùng Ma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,711,842
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Nhạc sĩ Cung Tiến