Hôm nay,  

Lắc Khí Công

30/05/200900:00:00(Xem: 129488)

Lắc Khí Công

Tác giả: Phúc Thiện Nhật
Bài số 2627-16208704- v753009

Tác giả tên thật là Phùng An, hiện là cư dân Westminster, Nam California, tự sơ lược tiểu sử: Trước năm 1975, công chức VNCH. Từ năm 1975 đến 1979: Bán chợ trời. Năm 1980: Vượt biên đến Mỹ. Nghề nghiệp ở Mỹ: Electronic Technician. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là "Cơm Chỉ".  Bài gần đây nhất là “Thứ Sáu Đen/Black Friday. Mong tác giả tiếp tục.

***
Động tác "lắc khí công" theo định nghĩa thông thưòng là một trong những phương pháp luyện tập cơ thể thuộc ngành thể dục thẫm mỹ,  mục đích tăng cường sức khoẻ và duy trì nét trẻ, đẹp cho cuộc sống thế nhân, tuy mới mẻ nhưng không xa lạ đối với cộng đồng người Việt hải ngoại những năm gần đây. 
Muốn tập thể dục thẫm mỹ có nhiều cách,  nếu có tiền và thì giờ,  mua thẻ hội viên vào các trung tâm thể dục thẫm mỹ tập theo lịch trình mình lựa chọn,  đi hoặc chạy bộ trên máy,  đạp xe đạp,  đánh đu thăng bằng,  cử tạ,  kéo dây  hoặc nhảy nhót,  múa quay,  uốn éo,  theo điệu nhạc giúp co, giản toàn thân, đùi,  mông,  bụng,  ngực,  máu huyết  được lưu thông điều hoà. Ngoài ra,  ta cũng có thể khoác áo lạnh,  trùm đầu mang găng tay, giày thể thao,  đi bộ ngoài đường,  rảo bước quanh công viên, sườn đồi hay dọc theo bãi biển, mục đích tạo cho cơ thể được vận động, ngăn ngừa bệnh tật, đời sống an vui.
"Bà xã" tôi cũng cùng chung quan điểm nói trên nên thường rủ rê vài người bạn láng giềng đi bộ mỗi buổi chiều nắng ấm hoặc buổi sáng cuối tuần,  mặc dù quý vị nữ lưu nầy đang ở lớp tuổi "sồn sồn", cholesterol chưa đến mức báo động và nhịp tim chưa nhảy lung tung  nhưng điều quý bà lo lắng là sau vài lần vào nằm khu hộ sản ở bệnh viện,  vòng số 2 mỗi ngày mỗi nảy nở đều đặn làm lu mờ vòng số 1 và vòng số 3,  đó là lý do quý bà rủ nhau đi bộ mỗi ngày.
Đi bộ lâu ngày cũng thấm mệt, hiệu quả chẳng bao nhiêu, thêm vào đó,  quý bà hàng ngày phải bận rộn việc nhà cửa,  chồng, con và thời tiết khi nóng,  khi lạnh bất thường, đi bộ ngoài đường không đều đặn,  quý bà nảy ra sáng kiến mua máy tập ở nhà.
Hiểu được tâm lý này,  từ lâu những nhà sáng chế đã lần lượt phát minh nhiều loại dụng cụ giúp tập thể dục tại gia ta thường thấy giới thiệu trên các chương trình TV,  đặc biệt những dụng cụ giúp làm tan mỡ, giảm cân,  giữ cho ngoại hình lúc nào cũng thon gọn đã thu hút sự chiếu cố đông đảo của quý bà,  quý cô thường ngày.
Trong bài viết hôm nay,  tôi không có mục đích quảng cáo bất cứ dụng cụ và hiệu quả của các loại máy "lắc" hoặc động tác tập thể dục thẫm mỹ,  tôi chỉ muốn kể lại những chuyện vui,  vui về 2 loại máy "bà xã" tôi đã mua và tự tập tại nhà.
Đầu năm 2008,  tôi không biết "bà xã" được một quân sư quạt mo nào trong nhóm bạn bè thường rủ nhau đi bộ hàng ngày bàn ra,  tán vào về một loại ghế thích hợp cho mọi người nhứt là nữ giới muốn tập vòng "eo" thon,  gọn,  ngỏ ý với tôi muốn mua ghế "Hawaii".  Sau khi hỏi ý kiến, "bà xã" dùng lời ngon,  tiếng ngọt thuyết phục tôi,  rằng thì là...  có ghế "Hawaii" ở nhà,  em sẽ khỏi đi bộ mỗi buổi chiều, để anh và mấy đứa nhỏ ở nhà buồn tội nghiệp...  Rằng thì là ...  có ghế "Hawaii",  có thì giờ rảnh anh ngồi lên "lắc" cho bụng nhỏ lại như lúc mình mới quen nhau...  Rằng thì là . . . ghế "Hawaii" bền bỉ,  dễ điều khiển,  an toàn khi "lắc",  anh với em tha hồ "lắc" sau này các con lớn lên chúng cũng "lắc" luôn  khỏi đi thẫm mỹ viện hoặc vào các trung tâm thể dục thẫm mỹ, tiết kiệm được thì giờ và tiền bạc. Thấy tôi còn phân vân,  "bà xã" nêu thêm ưu điểm : "Ghế  "Hawaii" vùa tiện,  vừa lợi,  chiều đi làm về anh ngồi "lắc" và xem TV trong tư thế nghỉ ngơi,  bụng anh xẹp lúc nào không hay;  ở nhà có thì giờ rảnh em cũng vừa ngồi "lắc" vừa xem phim bộ,  bụng em sẽ thon,  gọn như hồi còn con gái,  mấy bà bạn em sẽ lé mắt luôn."  
Bà xã nói vừa dứt lời,  đứa con gái 12 tuổi từ nhà tắm bước ra đến bên cạnh má nhờ   giúp sấy tóc,  nghe ba,  má bàn bạc mua ghế "Hawaii",  góp ý : "Phải há má.  Con qua nhà bạn con,  má nó cũng có ghế "Hawaii",  mỗi lần ngồi lên "lắc",  má bạn con mặc quần jean bó sát, áo ngắn hở bụng ngồi "lắc" con thấy giống như những màn "múa bụng"  trên TV,  đẹp lắm.  Chừng nào má mua ghế "Hawaii" má cũng mặc quần jean,  áo ngắn hở bụng ngồi "lắc" trông sẽ đẹp hơn má bạn con."  Nghe con gái nói,  "bà xã" vừa cười, vừa trả lời: " Má bạn con sanh có một đứa, bụng còn đẹp nên thích mặc quần jean,  áo ngắn hở rún chứ bụng của má mấy chị em con làm hư từ trong ra ngoài làm sao má dám mặc quần jean, áo ngắn hở bụng, chắc chỉ mình con khen." 
Nói xong  2 má con vào phòng tắm sấy tóc.  Ngồi ở phòng khách, nghĩ đến mẩu đối thoại hai má con, tôi thấy nguyên nhân xa và thủ phạm chính làm hư bụng "bà xã"  đâu phải 3 đứa nhỏ.  Có lẽ "bà xã" nói tránh hay không cố ý truy tìm thủ phạm đang ngồi lù lù đây, lòng tôi lắng đọng,   thấy  thương quá,  xiêu lòng. Sáng hôm sau chở đi mua ghế "Hawaii".
Mua ghế "Hawaii" về,  mấy tháng đầu,  mỗi tối trước khi ngủ "bà xã" cũng ngồi "lắc" trông có vẻ thích thú.  Tuy không mặc quần jean,  áo hở bụng nhưng nhờ "bà xã" có tầm vóc cân đối, dáng ngồi thong dong khi ghế "lắc" ở tốc độ nhanh,  mấy đứa nhỏ nhìn vừa cười, vừa khen "má mi"  "lắc" đẹp quá.  Đến tháng thứ 5,  thứ 6 "bà xã" không còn ngồi "lắc" thường xuyên như những tháng đầu,  có lẽ ngồi "lắc" ghế "Hawaii" không còn hấp dẫn hay bụng không thấy thon,  gọn như những màn quảng cáo trên TV nên mất kiên nhẫn,  đến những tháng cuối năm "bà xã" đặt trọng tâm vào sự sốp-ping,  quà cáp mùa Holiday nên ghế "Hawaii" cũng bắt đầu bám bụi.
Đầu năm 2009,  sau bữa cơm tối cuối tuần,  tôi đang ngồi tại phòng khách chăm chú đọc những mục hấp dẫn của tờ Việt Báo Thứ Bảy, "bà xã  dọn dẹp việc bếp núc xong  thay vì lên ngồi ghế "Hawaii", đến ngồi ghế xô-pha bên cạnh tôi, nói :"Em bán lại ghế "Hawaii" cho người bạn bằng nửa giá mua,  sáng mai bạn em đến lấy,  chiều anh chở em đi mua máy "lắc khí công", nghe anh. Ngày mai chúa nhựt họ còn bán giá "on sale." Lời nói tuy nhỏ nhẹ,  ngọt ngào nhưng có uy lực tuyệt đối. Tôi chỉ còn cách nói vuốt đuôi: "Ngày mai em điện thoại bạn em đến lấy ghế "Hawaii" sớm hơn,  anh sẽ đưa em đi mua ngay máy "lắc khí công" chiều về kịp anh coi foot ball. "Bà xã" trả lời trong sự hân hoan :" Ô kê, "ông xã" và nhoẻn miệng cười  lộ rõ 2 đồng tiền 2 bên má,  gợi nhớ trong ký ức tôi,  cũng đôi má lúm đồng tiền này,  mấy mươi năm trước đã làm cho tôi chết mê,  chết mệt,  hôm nay trông vẫn còn đẹp duyên dáng, não nề, mặc dù ở lớp tuổi xấp xỉ ngũ tuần.


Máy "lắc khí công" là loại máy nhỏ,  gọn,  do ông Shizuo Inoue,  một bác sĩ người Nhật từ hơn ba thập niên qua vừa nghiên cứu vừa kiên nhẫn quan sát loài cá vàng (goldfish) bơi lội trong hồ,  tìm ra một định lý con cá chỉ vẫy đuôi đã làm toàn thân cử đông,  nhờ vậy,  loài cá thọ thêm được nhiều năm giữa lòng đại dương. Sau đó, ông ta sáng chế ra dụng cụ "lắc" dành cho nhân loại,  đặt tên thương mại là "The Chi Machine",  người Việt chúng ta quen gọi máy "lắc khí công."
 Những gia đình khác,  nếu có mua máy "lắc khí công" tôi không biết để đâu khi nằm "lắc",  bà xã tôi sau khi mua máy về để luôn trên gường trong phòng ngủ,  đêm,  đêm nằm "lắc" trước khi ngủ.  Đây mới là giai đoạn có nhiều chuyện vui vui đáng nói.
Ở lớp tuổi gần lục tuần,  suốt ngày bận rộn đi làm,  ban đêm nhờ giấc ngủ lấy lại phong độ 6 giờ sáng hôm sau phải thức dậy tiếp tục đi cày nhưng oái oăm thay, khoảng hơn 10 giờ đêm khi giấc ngủ vừa mon men chập chờn đến là lúc "bà xã" rảnh rang mọi việc,  vào nằm bên cạnh mở máy "lắc khí công".  Giai đoạn đầu,  có lẽ nhờ cảm giác mới,  lạ,  nhịp "lắc lư" êm êm đều đặn,  tiếng động của máy cũng không quá ồn ào,  nhứt là khi máy lắc làm rung chuyển nguyên chiếc giường "king size"  thuộc loại có hàng ngàn ruột gà (springs) trong từng túi vải,  người bên kia trở mình không làm lay động người nằm bên này" (đại ý lời quảng cáo của tiệm bán bàn,  ghế,  tủ,  giường . . . ) nhưng mỗi lần "bà xã" nằm "lắc khí công" cái gường king size rung chuyển nhịp nhàng làm toàn thân tôi cũng rung chuyển theo mặc dù tôi không gác chân lên máy.  Trạng thái lắc lư gợi lại trong tôi cảm giác như khi nằm trên sàn ghe vượt biên đang còn chạy trong biển Đông chưa đến hải phận quốc tế.
 Thường thường  mỗi tối "bà xã" lắc khoảng 15 phút,  những ngày cuối tuần,  biết tôi hôm sau không phải dậy sớm đi làm,  "bà xã" tăng thời lượng lên 30 phút.
Sau 2 tuần "lắc" liên tục,  hôm nay cuối  tuần "bà xã" tăng thời lượng lên 30 phút nằm "lắc" thoải mái, thấy tôi nằm bên cạnh chưa ngủ,  khoe: "Bụng em hơi thon thon rồi,  anh coi nè." Tôi không biết nói thế nào để "bà xã" không thất vọng và trung thực bèn lập lại  câu triết lý bình dân thuộc lòng thời tiểu học : "Có công mài sắt,  có ngày nên kim,  nếu em kiên nhẫn "lắc" đều đặn mỗi tối, bụng em sẽ tan bớt mỡ, thon gọn như lớp tuổi thanh xuân khỏi phải đi viện thẫm mỹ vừa tốn tiền và  vừa đau."  Tiếng cười hí hí... trong bóng đêm làm tôi cũng vui lây.
Thấy tôi có ý kiến biểu đồng tình,  "bà xã" nói tiếp,  từ nay mỗi tối khi vào phòng ngủ, anh còn thức em sẽ "lắc" 30 phút,  nếu anh ngủ,  em chỉ "lắc"  15 phút thôi.  Nắm được yếu tố này,  mỗi tối khi cửa phòng ngủ nhè nhẹ mở ra,  nhìn "bà xã" rón rén đi vào tôi giả vờ nằm yên như đang ngủ.  "Bà xã" nhè nhẹ nằm bên cạnh điều chỉnh máy lắc khí công 15 phút,  vừa nằm "lắc" vừa nói nho nho : "Ông xã" ngủ sớm quá,  mỗi tối lắc 15 phút biết bao giờ tan hết lớp mỡ bụng đây!  Nghe "bà xã" than vắn, thở dài thấy thương quá  nhưng nghĩ đến ngày mai phải dậy sớm đi bấm thẻ đành nằm lặng thinh như đang ngủ say. Thỉnh thoảng hé mắt nhìn trộm thấy bả  nằm gác 2 chân lên máy "lắc khí công",  thân thể trong tư thế thăng bằng, 2 tay duỗi thẳng,  nhịp thở nhè nhẹ,  đôi mắt mơ màng như đang nằm thiền,  tôi không đoán được tư tưởng "bà xã" đang suy nghĩ hay đang khấn nguyện Thượng Đế điều gì.
Đêm đêm nằm bên cạnh giả vờ ngủ nghe máy "lắc khí công" đang chạy,  thỉnh thoảng hé mắt nhìn,  tôi thấy "bà xã" vừa "lắc" vừa sờ sờ, nắn nắn trên bụng từ trên xuống dưới,  từø bên này qua bên kia tôi vừa thương,  vừa nghĩ ngợi miên man...  
Hơn 30 năm trước đây khi còn ở quê nhà hoặc thế hệ ông cha ta ngày trước đâu có nhiều loại dụng cụ tập thể dục thẫm mỹ,  cũng không có máy móc làm tan mỡ,  giảm cân,  giúp điều hoà sự lưu thông huyết mạch nhưng ông bà ta vẫn sống khoẻ mạnh,  sanh nở đều đặn,  hầu hết các gia đình Việt Nam ngày xưa có 5,  7  mặt con nhưng không nghe ông bà ta than thở vòng số 2 nảy nở bất thường, vòng số 1 cần bơm thêm hay vòng số 3 phải nâng cấp.  Những gia đình khác tôi không biết,  riêng gia đình ba,  má tôi,  "bà già" sanh cho "ông già" 8 người con, vừa trai vừa gái,  thỉnh thoảng tôi vẫn nghe "ông già" khen: "Má mày càng sanh,  tao thấy càng đẹp." Thế hệ ông già,  ở Việt nam chưa có quan niệm "lady first" tôi không nghĩ đây là câu nói nịnh đầm.  Nét đẹp của người phụ nữ thế kỷ 20 khác nét đẹp người phụ nữ thế kỷ 21.  "Bà già" tôi lúc bấy giờ phục sức đơn giản,  thông thường, không quần là,  áo lượt,  mùa đông mặc 2, 3 lớp;  mùa hè mặc rộng thùng thình, 3 vòng nhìn như nhau nhưng "ông già" vẫn khen đẹp đâu cần mặc quần jean ôm sát vào người,  hoặc áo thiếu vải, hở ngực, hở bụng như bây giờ.
Thỉnh thoảng cuối tuần,  vài người bạn của "bà xã" ghé nhà chơi,  câu chuyện thường tình của quý bà là nét đẹp người phụ nữ,  bà này báo tin: " Bà A vừa sửa toàn bộ phía sau,  tối ngủ phải nằm sấp cả  tuần lễ";  hoặc "Nhỏ B vừa bôm phía trước, trông đẹp,  tròn trịa nhưng luôn luôn phải giữ gìn cẫn thận kẻo tốn tiền "rì- biêu" (re-build)";  chị H vừa hút mở bụng. nếu mặc áo dài sẽ trông thướt tha như con gái;  tháng trước gặp chị trong đám cưới  con chị T,  khi chưa hút mỡ bụng chị mặc áo dài bó chặt như đòn bánh tét,  hôm sau chị điện thoại than thở: "Tiệc cưới hôm ấy cô dâu, chú rể đặt nhà hàng nấu nhiều món ăn ngon quá nhưng mặc áo dài muốn giữ "eo" cho đẹp phải bó trên,  bó dưới, lớp trong,  lớp ngoài không dám ăn no, tối về nhà thay áo dài và các thứ nai nịt ra  thấy đói bụng phải giặm thêm tô mì gói mới ngủ được!  Chữ "đẹp" và chữ "Đói"  cùng  2 vần "Đ" nhưng ngược chiều nhau,  muốn "Đẹp" phải chấp nhận "Đói." Ngại đói thì phải... hút.
Có lần tôi gợi ý xem bà xã thích làm đẹp bằng phương pháp giải phẩu thẫm mỹ không"  Bà xã trả lời: "Em cũng thích nhưng sợ đau và để dành tiền lo tương lai cho mấy đứa nhỏ cũng như em không muốn phí phạm công sức lao động vất vả của anh."  Câu trả lời đơn sơ,  mộc mạc nói lên nghĩa phu thê, tình mẫu tử  như liều thuốc bổ giúp tôi thức sớm về muộn hàng ngày đi cày không biết mệt.
Năm 2010, không biết những nhà sáng chế sẽ phát minh thêm những loại dụng cụ tập thể dục thẫm mỹ hoặc những kiểu "lắc" như thế nào,  hy vọng có nhiều hiệu năng hơn,  không quá cầu kỳ khi sử dụng  để "bà xã" tôi có dịp thay đổi kiểu "lắc",  kết quả nhanh hơn, ít tốn thì giờ và tiền bạc hơn,  mấy cha con tôi được dịp nhìn "bà xã" và "má mi" lắc những kiểu mới lạ,   trẻ trung hơn; đặc biệt,  tôi sẽ luôn luôn được nhìn thấy "bà xã" tươi cười với 2 đồng tiền 2 bên má.
Phúc Thiện Nhựt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,276,895
Năm nay, tháng Năm ngày 12, sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết mới là chuyện ngôi nhà đã mất sau tháng Tư 1975.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả: Thương kính viết tặng để tưởng nhớ Anh Tư - Cố Đại úy Pháo đội trưởng Trương Văn C., Tiểu đoàn 183, Sư đoàn 18 Pháo Binh.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài tác giả mới viết sau đám tang của Ó Đen Lý Tống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ tư.
Tác giả hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến