Hôm nay,  

Cho Mỹ Share Phòng

07/05/200900:00:00(Xem: 375932)

Cho Mỹ Share Phòng

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 2607-16208684- vb550709

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về nước Mỹ từ năm đầu tiên,  và vẫn liên tục viết.  Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, có hồi ông bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Phan Rang. Ông chủ tịch và ông thầy nay về hưu, sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài mới của ông.

***

Tôi làm chủ cái nhà lầu 3 phòng ở Riverside, ở có một mình. Bà xã qua miền Đông ở với con gái "babysit" thằng cháu ngoại từ lúc mới sanh đã 2 năm nay. Tiền hưu tôi thong thả đủ sống, bà xã cũng có tiền con gái đưa mỗi tháng để dành dưỡng già, nhưng nhà cửa thênh thang trống trải thui thủi mãi cũng buồn, săn sóc cây cảnh, viết lách mãi cũng chán, nhiều lúc đêm khuya lạnh lẽo, cứ nghĩ bậy lỡ mình bị "tai biến mạch máu não" mà chết thình lình, con cái ở xa  không biết đấy là đâu. Con trai có nhà gần Los Angeles, làm ca khuya dưới Long Beach, nên ngủ ngày, mệt mỏi, ít khi ghé thăm, vì thấy "ông già" còn trẻ trung khỏe mạnh. Hỏi ý Pedro, láng giềng Mễ bên cạnh, hắn nói nửa đùa nửa thực:
-Anh đừng lo, lúc đó mùi thúi sẽ bay ra khỏi nhà nhận ra ngay, tôi sẽ gọi cho con anh liền.
-"Cửa sổ đóng kín mà sao mùi  bay ra được" Chờ cho tới lúc đó thì trễ mất", tôi cười giỡn lại.
-Anh có đóng kín hết bao nhiều cửa, ở ngoài cũng vẫn ngửi được hết.Tôi kinh nghiệm rồi. Hai ngày thôi là nghe mùi rồi.
Tôi nghĩ cần có một người ở "share" chung nhà để lỡ đêm hôm có thình lình đứt mạch máu não,  á khẩu", méo miệng, thì cũng có người ở cạnh gọi 911 giùm. Có thêm tiển rent vài trăm trả bớt tiền " property tax" mỗi năm 3 ngàn cũng đỡ. Nếu may mắn có được ai làm nghề y tá ở chung thì càng quý. Thấy gần nhà có Riverside community college, tôi nảy ý định kiếm một sinh viên ngoại quốc cho share, bèn in hình mặt tiền cái nhà , viết mấy hàng "Room for rent", nice and quiet area, giá $400 một tháng, utilities included, rồi "post" quảng cáo trong trường. Cho sinh viên ngoại quốc ở thì không lo, nó đi xe bus, lại không có bà con thân thích ở đây tới thăm viếng, khỏi sợ khiêng đồ nhà mình chở đi mất khi mình vắng nhà. Có hai cô bé Đài loan và Đại hàn tới coi nhà, chịu lắm, nhưng sau đó chắc là chê mắc, không thấy gọi lại.
 Bẵng đi mấy tháng sau, tôi bèn in quảng cáo khác, hạ xuống $350, không kén sinh viên du học nữa, mà sinh viên địa phương cũng được . Có cậu sinh viên Mỹ đen cao nghều lái xe tới coi nhà, ngoan ngoãn lễ phép, suýt xoa khen nhà đẹp, nói vừa học vừa làm ở college, đang ở apartment $1200 với roommate đi làm, mỗi người trả $600. Nhưng roommate vừa mất job, bắt nó bao  "full rent" đỡ  một hai tháng, làm nó phải tính chuyện tách ra đi ở riêng share nhà cho rẽ, gồng mình chờ roommate kiếm được việc khác biết đến bao giờ, thời buổi kinh tế đang khó khăn. Nhưng rồi nó cũng không dứt khoát tình nghĩa nợ nần gì đó với thằng kia được, nên không thấy gọi lại. Một cậu Viêt nam mới qua du học được bà chị chở lại coi phòng, hỏi,"chú có một mình mà ở nhà chi rộng quá vậy chú"" rồi từ giã đi không trở lại. Rồi tới một ông già Mỹ đen (lại Mỹ đen), ăn mặc đồ cũ kỹ, đi bộ tới xin ở, nói láo 45 tuổi cho trẻ bớt, khoe  có bằng cao học, sắp được job dạy ở đại học cộng đồng, chìa tấm check tiền hưu gì đó hồi xưa đi làm, nói có đủ tiền trả hàng tháng, đừng lo. Tôi coi bằng lái thì lòi ra 57 tuổi, hỏi ông già mà chưa có nhà sao. Ông nói ngày xưa cũng có nhà đàng hoàng ở Texas, nhưng thất bại, mất nhà, bây giờ đang ở nhờ nhà thờ nào đó gần đây. Tôi thấy nhà mình thì sạch sẽ, trong ngoài thơm tho ngăn nắp, mà ông này thì tiều tụy ốm yếu, áo quần hôi hám như cả tuần chưa tắm, lại không có nỗi một chiếc xe cũ đi lại, nói láo tuổi tác, mà còn dám xưng là giáo sư đại học, ai mà đi mướn một người như vậy làm giáo sư, thật là láo khoét. Tôi không kỳ thị Mỹ đen, cũng muốn " đối đãi tất cả chúng sinh một cách bình đẳng" như dức Phật nói, hay như tổ Huệ năng nói "Hình thù tướng mạo chúng sanh tuy có khác, nhưng Phật tánh thì như nhau" nhưng sao nhiều người ưa nói láo trắng trợn lạ kỳ quá, làm như mình ngu si khờ khạo không biết xét đoán. Chưa kể già yếu như vậy lỡ có bệnh hoạn lên cơn nửa đêm, hay trượt chân té chết trong nhà,thì khổ cái thân mình.  Bèn lịch sự từ chối.
Bẵng đi nửa năm, chán, tôi cũng không nghĩ đến chuyện cho  share"nữa, bỗng cuối tháng 3 năm nay, coi tử vi mình thấy chuyển qua đại hạn Tử phủ vũ tướng hội SONG LỘC, tự nhiên con gái gửi cho $1000 mừng sinh nhựt ba, rồi thằng cháu vợ có cô bạn nhờ xem tử vi giùm 3 mẹ con, kiếm được $120, cô nha sĩ quen mắc làm việc, nhờ tới ngồi nhà coi thợ Mễ sơn nhà dùm mấy ngày , biếu một ít tiền đền ơn, thấy vui vui, "té ra năm nay có Song lộc nên tiền tự nhiên tới lai rai, bèn  táy máy computer làm mấy tờ quảng cáo cho share phòng mới, hạ giá xuống $300, in ra, đem lên dán ở college. Kỳ này thế nào cũng "dính", nghĩ thầm, vì hạn có Song lộc mà. Được hai hôm thì quả nhiên có  thằng sinh viên Mễ gọi tới coi nhà, tên Luis. Thằng này mới 21 tuổi, cao ráo đẹp trai, phương phi tuấn tú, coi bộ hiền lành, không có xe hơi, nhờ con bạn  Mễ chở tới, lên lầu ngó quanh quất chịu ngay, hẹn ngày mai tới chồng tiền rồi dọn vào liền. Nó kể được hưởng Pell grant $3500 cho 6 tháng, được đi xe bus free, vì không có cha mẹ, và đang kiếm việc làm thêm.Tôi ngạc nhiên hỏi:
-"Cha mẹ em chết cả hay sao mà không có cha mẹ" Đang học college năm thứ mấy "
-Cháu ở tiểu bang xa, lúc nhỏ ba má ly dị, rồi lấy chồng lấy vợ có con khác, nên bỏ nhà ra đi tự lập kiếm sống lúc mới 14 tuổi. Cháu ở Texas đi làm được hai năm, có bạn ở Riverside nên dọn qua Cali, kiếm được việc tốt nhưng sau bị "laid off" nên quyết định xin grant đi học lại, rồi kiếm làm nhà hàng thêm sau. Semester này là semester đầu.
-Vậy hai tháng nay ở nhà ai"
-Ở tạm nhà thằng bạn thân tên Charles, thằng mập mập chở dùm đồ cháu tới đây hôm qua.
-Rồi đi học làm sao"
-Cháu dậy sớm đi bộ ra bus stop đầu đường đón xe city, rồi xuống ở góc Magnolia đón tiếp xe bus khác tới trường.
Tôi thấy cũng tội nghiệp, thấy đồ đạc chẳng có gì, không mền, không "drap" trải giường, mỗi một cái gối trần không có áo gối, quần áo thì lơ thơ mấy bộ, quần jean thì rách đầu gối, không biết cố ý xé ra cho rách cho hợp thời trang hay cũ quá nên rách, bèn mang vào cho cái mền len dày, tấm "drap", lục quần áo cũ thằng con trai bỏ lại một đống ra hỏi nó muốn lấy mặc bao nhiêu cái thì lấy. Qua hôm sau lại có một thằng sinh viên khác, tên Eric, gọi tới mướn phòng. Nghe giọng (accent) lạ lạ, hỏi "phải mày là sinh viên ngoại quốc không" , nó nói "yes". Hỏi tiếp:
-EM ở Ấn độ tới hả"
-Không, con ở Kenya, Phi châu.
"Lại Mỹ đen," tôi nghĩ. Nhớ tới cái thằng Mỹ đen cao nghều lễ phép năm ngoái cũng tới coi rồi cút luôn. Đen thì đen chứ cũng có nhiều đứa ngoan, thấy "du học sịnh" từ nước nghèo tới khốn đốn về chỗ ở cũng tội. Năm ngoái Tuấn, con ông bạn cũ ở Việt nam, qua du học ở East L.A college, tôi cũng đã đi tìm chỗ ở dùm suốt mấy ngày trời ở Alhambra mà không ra, sau cùng nó phải ở chung phòng với một đứa khác, chủ nhà tính tới $620 cho 2 dứa. Tôi hiện còn một phòng nữa trống, để không, đang do dự không biết có nên cho mướn không, hỏi đại:
-Chừng nào muốn tới coi phòng" Đang ở đâu"
-Con đang ở trong nhà một gia đình ở tuốt dưới Moreno Valley, đi xe bus tới trường Riverside xa quá nên muốn kiếm chỗ nào ở gần trường hơn. Bữa nay thứ bảy con bận, sáng thứ hai con tới được không"
-OK, tôi sẽ ở nhà thứ hai chờ.
Chờ qua thứ ba cũng chả thấy nó gọi lại, đang lái xe thì có con bé Tàu dân Hongkong gọi hỏi rent, bảo nó gọi lại sau. Buổi chiều lại có một thằng Mỹ trắng học college gọi xin mướn  phòng, tên Brad. Thằng này to khỏe, đầu cạo trọc lốc, để một chỏm râu vàng dưới cằm, xâm mình  và tay xanh lè, mới đầu thấy tướng dữ dằn nhưng nghe ăn nói thấy lễ phép, từ tốn, hiền lành. Nó nói mới xin làm cho tiệm Safeway có lương 8$ một giờ, và đang hưởng grant để đi học, chưa có $ 100 deposit bữa nay, thứ sáu lãnh grant có tiền sẽ mang tới nộp. Tôi cũng ái ngại:
-  Sinh viên RCC gọi tới gần như mỗi ngày xin coi phòng, nếu từ đây tới đó có ai xin ở và đóng tiền liền, nhắm được tao sẽ nhận, không thể chờ mày tới thứ sáu được,OK"
-OK.
-Vậy bây giờ đang ở đâu" Có xe hơi không"
-Con đang ở nhà ông anh ruột gần đây, đi học và làm bằng xe đạp, nhưng ổng hay uống rượu say, mắng chửi con hoài...
Bỗng nó ngần ngừ, do dự như muốn nói điều gì. Tôi ngạc nhiên hỏi,"What"". Nó hạ giọng nói:
-I want to let you know that I am... "on parole".
-Parole" What do you mean"
-Con mới mãn tù bên Utah, mới dọn về Cali ở với ông anh ở gần đây, còn đang trong thời gian "parole", tháng 11 mới dứt.
Tôi sửng sốt:
-Vậy sao" Ở tù vì tội gì" Bao lâu"
-Cũng lâu lâu.
-Tội gì" Hiếp dâm, cán người hả"
-Drunk driving. Con uống rượu lái xe tung xe khác, làm người trong xe bị thương nặng.
-Tù mấy năm"
-Bảy năm.
Tôi trợn mắt:
-Drunk driving mà tù tới 7 năm" My Goodness!
Brad cúi đầu:
-Năm nay con 34 tuổi rồi, lầm lỡ tuổi trẻ đã qua, con muốn đi học, xây lại cuộc đời.Mẹ con ở San Diego, con hiện đang dưới quyền giám sát của một sĩ quan parole. Con sẽ cho chú số phone chủ chỗ con làm và phone của sĩ quan này để chú liên lạc.
Tôi thấy thằng này cũng thật thà, nó mà cố ý dấu chuyện ở tù, mình cũng đâu có biết, bèn lấy số phone cô sĩ quan P.O, nhưng không hứa chắc có còn phòng cho nó không. Luis thì cứ hỏi tôi có muốn cho thuê phòng kế bên không, nó gọi bạn nó làm nhà thương ở Pomona tới. Tôi nói,"thì mày kêu nó tới cho tao gặp mặt nói chuyện cái đã". Qua hôm sau thì có một thằng sinh viên Mỹ trắng khác gọi tới mướn phòng. Nó nói học Riverside, nhưng ở dưới Corona,lái xe xa quá. Tôi theo tiêu chuẩn"first comes, first serves" nên gọi con bé Hongkong thì nó nói là kiếm phòng dùm cho bạn gái nó, chứ nó có chỗ rồi. Cả nó lẫn thằng ở Corona hẹn 5 giờ chiều mai tới coi nhà một lúc. Tôi ở nhà đợi tới 7 giờ chả thấy ma nào tới, mà chúng cũng chẳng gọi lại xin lỗi mình hẹn lúc khác. Thật là mất dạy. Luis thấy vậy chộp ngay:
-Sao, tụi nó không tới hả" Con gọi người bạn làm nhà thương tới chú nói chuyện nhé"
-OK, gọi liền đi.
Mười phút sau thì thằng này tới, Mỹ trắng, đẹp trai, cao ráo thon gọn khỏe mạnh, nhanh  nhẩu bắt tay, ngồi ghế salon nói chuyện trôi chảy, lưu loát, tự giới thiệu nghề nghiệp, đang ở đâu, tại sao mà muốn tới khu vực này ở. Nó tên Jeremy, 26 tuổi,có bằng BA, và license LVN, nhưng làm  Director of admissions cho một nhà thương "skilled nursing" ở San Dimas, vừa nói vừa móc business card ra đưa, lương rất khá, lại thêm bonus hàng tháng chia cho rất hậu.
-Tuần rồi, Luis quảng cáo nhà chú rất đẹp, ít người, ở rất thoải mái tự do, khu yên tịnh, khang trang sạch sẽ, cháu đã có ý định xin tới mướn, ở với nó cho có bạn, ai dè hôm qua nó nói có sinh viên nào ở Corona hôm nay tới coi phòng rồi, cháu thất vọng, đang tính di tìm chỗ khác thì mới 15 phút, nó gọị lại cho hay  người kia không "show up", kêu cháu tới gấp. Nếu chú đồng ý, cháu xin đưa tiền deposit và tiền 22 ngày còn lại của tháng 4 ngay bây giờ, ngày mai cháu dọn tới. Chú muốn lấy bao nhiêu"
-EM làm lương cao sao không mua nhà" Lúc này đang rẽ.
-Cháu có nhiều thứ nợ đang phải trả. Nợ xe, student loan, nợ credit...
-Gia đình ba má, anh em ra sao, ở đâu"
-Cháu có 2 anh em đang ở với mẹ bên Ohio. Mẹ tái giá hồi cháu còn nhỏ, dượng cháu ở trong nhà binh. Cháu học xong highschool, bỏ nhà đi làm cho nhà thương từ năm 18 tuổi, vừa làm vừa học lên đại học. Bây giờ job cháu rất ngon, cháu ký giấy nhận bệnh nhân ở emergency room chỗ khác đưa vô, cai quản nhiều y tá, coi sóc hơn 100 bệnh nhân, nhưng  đich của cháu là học thêm lên sau này ra "physician assistant," lương cả trăm  ngàn. Cháu đang chuẩn bị ghi danh học hàm thụ online lên lấy bằng Máster.
-Em có nấu ăn không"
-Không, cháu luôn luôn ăn ngoài.
Tôi nghe Jeremy nói chuyện mạch lạc đâu ra đấy, đầy vẻ tự tin, trong bụng thán phục nghĩ thầm: "Thằng này giỏi, nghe qua là biết ngay đứa tháo vát, có tài, mồm năm miệng mười, biết chỉ huy, tính toán nhanh lẹ, vừa siêng vừa thông minh, công nhận Mỹ nó chọn tuyển người hay thật. Tôi nhận của nó 220$ cho 22 ngày còn lại tháng tư, và 100$ deposit, coi như 300$ tiền rent 1 tháng, bằng giá với Luis cho công bình. Qua ngày sau, Jeremy dọn tới, nghe tôi dặn mỗi tuần chỉ được giặt sấy một lần, nó nói nó xài Tivi, laptop, quạt máy, hay tắm rửa giặt sấy luôn...đề nghị đưa thêm tôi $50 tiền điện nước mỗi tháng, làm tôi thấy cũng "lucky , có được người thuê phòng làm nhà thương, biết rành thủ tục nhập viện (lỡ mình bị stroke,nó giúp đưa vô nhà thương cứu cấp), lại ăn ở rộng rãi, biết người biết ta, thông cảm chủ nhà. Trong lúc nói chuyện ban ngày, tôi để ý thấy da dẻ Jeremy trắng trẻo, mình mẩy thơm phức, môi  mỏng, nói nhanh không cần suy nghĩ, mắt dẹp long lanh, miệng cười duyên dáng, 2 lỗ tai lại  xỏ  lỗ đính 2 viên kim cương, y như là mấy chàng Mỹ "gay". Bây giờ nhiều con trai không  "gay" cũng ưa gắn ngọc lỗ tai theo "mốt", mà tướng nó đàn ông, đeo cà vạt, mặc đồ lớn, xách cặp táp đi đứng thẳng thắn, khỏe mạnh oai vệ, bắt tay chào hỏi gọn gàng ra phết. Nội trong nửa ngày, nó đi mua màn cửa, drap, mền mới, lục đục xoay giường trở kệ, dọn dẹp, biến cái phòng sơ sài bỏ trống chính giữa xưa nay thành một căn phòng ấm cúng xinh đẹp, sáng sủa, ngăn nắp, thơm phức dầu thơm loại sang, với những design đơn giản trên tường mà cao cấp, nói lên chủ nhân có  một trình độ mỹ thuật  rất cao. Hai đứa "share" chung cái bathroom chính giữa 2 phòng, nhưng trong khi Luis ăn ở bày hày, luộm thuộm, vất quần áo sách vở bừa bãi dưới thảm thì Jeremy ra công  chùi buồng tắm từ dưới sàn lên kệ trắng bong, gương lau sáng chói, lại xịt dầu thơm không khí thơm lừng.
Lúis tới ở được ba ngày thì 11 giờ khuya, dắt một thằng bạn lái xe màu đỏ tới lên lầu vô phòng ngủ. Sáng sớm, nó về, tôi tò mò dòm xuống đường thấy thằng này nhỏ con, giống như dân Á đông. Nằm trên lầu mà có ai vô nhà hay đi ra là nghe cửa sắt kêu "kịch" một cái rõ mồn một, đang lim dim ngủ cũng phải mở mắt, nhổm lên dòm xuống cửa sổ coi ai vô, hay ra. Tôi cũng không chấp, nghĩ thằng này thiếu tình thương gia đình từ nhỏ, kéo bạn thân tới ngủ cho vui là điều dễ hiểu, chưa chắc nó đã là "gay". Sáng ra hỏi ai vậy, nó nói bạn cũ nó ở San Bernardino, rồi lãng nhanh qua chuyện khác.  Được mấy hôm lại thấy nó đi chơi khuya với một thằng khác, đậu xe trước nhà, kéo nhau vào phòng ngủ rồi tờ mờ sáng thằng kia lẻn ra về. Tôi bắt đầu sinh nghi. Nửa tháng nay chả thấy con bạn gái nào tới thăm, toàn là bạn trai trẻ tuổi choai choai tới thậm thọt  vô phòng..Chắc chắn nó là dân "gay", mà  thằng bạn Jeremy  nó đem tới ở, đeo 2 bông tai hột xoàn, thích trang hoàng phòng ốc, chắc chắn cũng  một loại. Tắm rửa suốt ngày, mặc áo hồng, áo tím, thay đổi áo quần liền liền, mình mẩy thơm phức thế kia chắc chắn là "gay"rồi. Nhìn bề ngoài, không ai có thể ngờ được 2 chàng trai cao 1m 80, khỏe mạnh, đẹp trai thế kia lại là dân " bóng". Tôi không kỳ thị , trước đây đã từng có bạn  gay" Việt nam ở San Jose, rất giỏi, học cao, tánh tình rất dễ thương. Dân "gay" đa số có khiếu về mỹ thuật, ca  múa, khiêu vũ.Trong khi đó thì anh chàng đầu trọc ở tù kia cứ 2 ngày lại gọi tới nhắc nhở để dành chỗ , sắp có tiền. Tôi nói chỉ còn cái studio ở dưới, mày muốn thì tao mua cái nệm bỏ vô, biến thành cái  phòng ở tạm.  Hôm nó hớn hở đem tiền mới lãnh tới toan deposit, tôi chỉ cái studio, nó lắc đầu lia lịa :
-I can t. I can t live in there. Không có cửa nẻo gì cả, no privacy. Tôi có bạn gái. I need privacy.
-Tùy anh. Nếu kẹt chỗ ở thì tôi tính bớt cho, cho anh cái tủ file cabinet, cái closet, nửa kệ sách, cái mền len, tấm "drap" dày trải giường.. Ở tạm rồi từ từ kiếm chỗ tốt hơn sau. Tôi chỉ muốn giúp thôi. Anh mới ở tù ra, không có nhiều tiền, tôi biết...Bây giờ phòng nào cho share cũng $350 hay $400 trở lên, cọng thêm điện nước, và chưa chắc đã gần trường như ở đây. Nếu chịu thì tôi đi mua cái nệm mới .
Brad ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu chịu. Tôi tính $280 một tháng, hứa đem về một cái bình phong gỗ chắn ngang phòng thay cho cửa. Nó năn nỉ $250. Tôi lắc đầu nói ," Không được, mày nấu ăn. Hai thằng trên lầu không nấu ăn, nó biết tính quá rẽ, sẽ complain phân bì đòi bớt". Nó đành chịu, xin cho cất xe đạp trong garage (đã có sẵn 2 chiếc Toyota của tôi nằm trong)..Thế là Brad có cái phòng "không cửa" khá ấm cúng, giường nệm mới toanh kế bên cửa sổ nhìn ra cây cối xanh tươi sau nhà, còn được dùng ké cái bàn computer rộng rãi của tôi trong đó luôn. Được cái nó lễ phép, hút thuốc tự động ra ngoài vườn hút, muốn gì xin phép đàng hoàng, xin cho girlfriend thỉnh thoảng tới ngủ, vì không có quen bạn bè nào hết ở đây ngoài nó, xin giặt sấy, xin chút dầu ăn, trái cà chua, xin cái lược chải tóc. Tôi ngạc nhiên:
-Đầu chú mày trọc lốc mà mượn lược làm gì"
- Tôi chải râu.
Tôi tức cười chảy nước mắt. Mấy hôm sau có bà mẹ từ San Diego lên thăm, cho tôi một mớ trái "bơ" trong vườn nhà. Bà ngó sang trọng, vui vẻ, hiền lành. Có 3 đứa Mỹ share nhà, mà mỗi đứa một tánh. Lúis thì bừa bãi, chỉ lo cái body sạch, tắm nước chảy ào ào lâu lắc, còn cái phòng thì nhếch nhác, bừa bãi, vẽ tranh, sơn cọ rải rác khắp nơi, thùng rác đầy, thức ăn, mấy ly soda nhựa uống dư không chịu đem xuống bỏ thùng rác, lại lâu lâu hút thuốc, nhưng giỏi computer . Jeremy  quen sống xa hoa, tiện nghi, kêu thợ tới gắn cable trong phòng, gắn luôn cho phòng tôi, xin mượn tạm cái Tivi dưới family room coi đỡ vài tuần trước khi mua cái mới về, đèn đuốc dưới nhà, ngoài cửa không để ý tắt tiết kiệm cho chủ, để quạt máy quay suốt ngày trong phòng cho mát chỗ nằm, đi làm về mang cả giày lên lầu. Ông đầu trọc mặt mày "cô hồn" dưới nhà thì làm bếp nhiều năm trong tù quen, nên thấy cái sink nhà bếp tôi dơ, chịu không được, hì hục thò tay xuống lỗ móc rác, bấm nút điện xay rào rạo, đổ dấm xuông khử mùi hôi, kỳ cọ lui tới cái bồn men trắng bong rồi khoe, chờ tôi khen. Tôi kinh ngạc thật sự, vì nó trắng sạch thơm phức còn hơn mấy con Mễ chuyên nghiệp clean nhà."
-Wonderful!",tôi khen.
 Được thể, anh chàng kỳ kèo:
-Chú bớt tiền rent xuống 200$ đi, đổi lại tôi sẽ cắt cỏ, lau chùi cầu tiêu, sàn gỗ thường xuyên trong nhà  cho chú. Tôi thiếu nợ má tôi 300$ chưa trả, phụ tiền xăng cho girlfriend chở đi đó đây, mua thức ăn, mà làm có 32 tiếng, 8$ một giờ, tháng đem về có 650$, không đủ đâu vào đâu...
Tôi thấy tội, Mỹ trắng mà phăi kỳ kèo xin xỏ mình là dân tỵ nạn, nhưng nói cứng:
-Tôi mà tính 200$ thì anh sẽ ở luôn đây suốt đời. Nên nhớ là tạm thôi, khi nào có tiền dư giả phải kiếm chỗ khác. Bà xã tôi tháng 7 về đây ở rồi.Trong college thỉnh thoảng cũng có chỗ yết giá 350$, để ý theo dõi coi.
-Rent 350$ một tháng tôi cũng trả không nỗi. Chắc hết khóa hè này tôi về ở dưới San Diego với má tôi, học luôn ở đó ...
-Rồi girlfriend anh dịnh bỏ lại cho ai"


Con girlfriend Mễ nó ốm mà cao lênh khênh, làm cho bác sĩ thú vật ở Ontario, cũng nghèo, gửi 2 đứa con cho mẹ nuôi, cứ vài hôm lại mò tới hú hí, hai đứa bù khú rúc rich với nhau. Tôi cũng không biết nói sao. Cho một người vô nhà ở là phải chấp nhận tất cả nhu cầu trần tục, ăn chơi du hí hưởng lạc của họ, chứ không phải đơn giản lấy tiền mà bắt họ nằm ngủ im lìm một chỗ cả ngày như khúc gỗ. Hôm sau, cô cảnh sát P.O của Brad tới coi nhà, coi phòng của Brad.  Brad mời tôi xuống gặp nói chuyện, cô hỏi han vài ba câu về các roommates khác..Brad nói chỉ ở tạm đây một hai tháng thôi, cô ta gật đầu rồi đi. Vừa khi đó thì Ẻric, du học sinh từ Kenya gọi, xin lỗi vì bệnh cả tuần nay nên không tới coi nhà được. tôi nói:" Too late. Có người ở hết rồi". Bệnh mà cũng không gọi được cú phone sao. Thật kỳ cục, nói thế mà nghe được.***

Con trai tôi nghe chuyện ba cho Mỹ trắng share phòng, cực lực phản đối:
-Mỹ trắng tụi nó không có tốt đâu, con làm việc con biết. Ba dễ tin quá, coi chừng lại bị gạt.
Tôi gạt đi:
-Con cứ vơ đũa cả nắm, có người này người kia. Thấy nó ở tù ra trắng tay, năn nỉ tội nghiệp, cho nó một cơ hội làm lại cuộc đời trong bước đầu. Ba má, bà nội xưa nay ăn ở tốt để đức lại cho con cháu, giờ này con với em con mới được xênh xang nhà cửa, xe cộ, cây xăng như vậy chứ, nghĩ lại mà coi. Hồi mình mới qua Mỹ, cũng nhờ chánh phủ lấy tiền đóng thuế dân Mỹ cho mình welfare ba mới đi học lại được, làm có tiền nuôi 2 đứa đi học, sắm nhà cao cửa rộng. Bây giờ giúp lại mấy đứa Mỹ nghèo sa cơ thất thế có đáng gì.
-Mấy đứa không có tiền mới ham mướn chỗ rẽ, ba coi chừng nó trả tiền rent trễ, hay có ngày nó mượn tiền không trả đó. Ba cất giấy tờ cho kỹ, khóa phòng cẩn thận.
Ba đứa share phòng, tôi nhận được gần một ngàn bạc, đúng là năm nay đại hạn cung Di có Song lộc, lưu đại hạn cũng đóng đồng cung, tiểu hạn thì xương khúc tả hữu, đào hồng, hèn chi mà tiền vô hàng loạt, lại có thêm người ở trong nhà đông đúc,mèo chuột tình ái lăng nhăng. Chả bù với năm ngoái nhà cửa êm ru hoang vắng, tiền bạc có hạn. Nhưng có Không Kiếp, Thái tuế đóng chung thì phải coi chừng.  Tiền vô tay này ra tay kia, không tồn tại lâu trong tay. Sô tôi xưa nay vẵn vậy. Cái lộc Trời cho cố định, an phận hưởng bấy nhiêu thôi, cố gắng làm thêm thì lại  bị traffic ticket, xe hư, đám cưới sinh nhật mời, con bị tung xe, phá của...Quả nhiên, tôi lấy $400 Lúis mới đưa, lái tới nhà bank "deposit" , sợ để ở nhà hơ hỏng mấy đứa share phòng ăn cắp thì không biết đổ thừa ai. Trên đường đi không cột seat belt, thình lình ngó lại đã thấy xe police chạy sát đằng sau, hết hồn, tính thò tay kéo dây xuống cột, nhưng lại thôi, sợ nó thấy loay hoay cử động đâm ra nghi ngờ mắc công. Thay vì đó, có mặc cảm phạm tội, nên lái xe rà rà ẹo ẹo sát  lề đường khi sắp vô exit. Điều này mới làm thằng cảnh sát chú ý sinh nghi, thấy không seat belt, tức thì  bật đèn xanh đỏ chớp chớp ào ào, làm tôi rụng rời tay chân, lật đật kiếm chỗ tắp vô bờ ngồi chờ nạp mạng, "Yes, Sir". Cái bill chạy không seat belt tòa án gửi về 3 tuần sau, phạt hết 142$. Chưa hết, cái xe trắng Jeremy mấy hôm nay tôi cho đậu tên driveway, một sáng  mở cửa garage để "de" xe Toyota đỏ mình ra thì quẹt cái fender trước phía mặt của xe nó, để lại mấy vết trầy vết móp nhẹ. Tôi thấy cũng không hư hại gì nặng, chùi sạch vết sơn thì hết, nó cũng chả để ý gì, nhưng qua hôm sau lương tâm áy náy, tôi bảo:
-Xe  em lần sau nên đậu sát gần phía cỏ, lỡ tôi "de" xe ra đụng đó.
Jeremy vội vàng chạy ra xem xét, thấy vết sơn đỏ để lại trên xe trắng nó, tái mặt, chạy lại coi fender xe đỏ tôi coi thì thấy vết sơn trắng xe nó còn in rành rành, mặt mày xanh mét:
-Chả lẽ chú đụng xe con sao" Có lẽ nào"
-Chắc vậy quá. Em có bảo hiểm "full coverage" mà" Xe đời năm nào"
Jeremy nhăn nhó:
-Đời 2008. Bảo hiểm nó bắt mình phải "deductible" trước 250$ rồi nó mới đền sửa sau. Phải đi coi estimate 3 chỗ, chỗ nào rẽ nhứt nó sẽ trả cho chỗ đó sửa. Con sắp đổi xe này lấy xe khác mới hơn, mà trày móp kiểu này....
Tôi thấy thằng này cái xe trầy có một chút mà mếu máo như cha chết, buột miệng:
-Thôi được rồi, để tôi ký check trả cho 250$.
Thản nhiên ngoài mặt nói, mà trong bụng rủa thầm cái xui xẻo đưa lại sao mà liền tay. Mới nhận của nó hôm kia 220$ ở đến hết tháng tư, thì bây giờ phải "nhả" ra lại trả nó, còn lỗ thêm 30$ nữa. Đúng là tiền vô tay mặt, ra ngay tay trái, vì lí do rất  buồn cười. Bằng chứng rành rành, không tin số mệnh sao được" Chưa hết, hai ngày sau, Lúis ngủ dậy trưa, sợ đi bộ ra trạm bus  trễ chuyến 7 giờ, nhờ tôi chở dùm ra bus stop cho kịp giờ. Tôi vội vàng "de" xe đỏ ra, cứ lo ngó bên mặt coi kiếng có chạm cửa sắt garage  không ngờ cái kiếng soi "mirror" bên trái đập vào kiếng soi phải của xe Jeremy. BỘP, rắc rắc rắc.. Mắt tôi chóa lòa thấy miếng kiếng vỡ tan nát rớt xuống đất, còn kiếng Jeremy thì cụp lại, tá hỏa tam tinh, tái mặt. Lại hao tài nữa rồi. Xe đen này là xe nó mới hí hửng mua về của một đứa bạn không trả nỗi payments nữa, "carry over"  trả tiếp,payment rẽ hơn xe trắng cũ, mà lại đời 2009 nữa. Tôi mà lại húc lần này nữa thì chắc nó "giết"mình mất.  Ai dè Luis tới bật cái kiếng xe Jeremy ra, trở về chỗ cũ, không có trầy trụa, chỉ có xe mình mất cái kiếng soi, phải thay. Thở nhẹ cái phào một cái. Vậy mà rồi Jeremy nó cũng tìm ra mộtt chút móp nhỏ xíu ỏ phía dưới, nó nói tại mình "de" hơi xéo. Tức mình,"thôi được,hôm nào mày theo tao qua bên Wesminster bạn tao gõ lại cho, tao trả tiền." Đúng là "họa vô đơn chí". Vừa lái xe vừa lầm bầm,"Hai cái thằng này kiếp trước chắc mình mắc nợ, bây giờ tới lúc phải trả nên khiến chúng kéo nhau tới nhà mình ở, rồi gây rắc rối bắt mình phải trả." Ở đời cái gì cũng có nhân duyên, không phải tự nhiên mà xảy ra. Gọi anh bạn sửa xe ở Little Saigon thay mirror bao nhiêu, nói, "kiếng xe "gin" tại hăng, cùng màu xe $200 mấy, kiếng cũ khác màu mua nghĩa địa xe $100 mấy, lái xe qua tui coi thay cho, coi chừng chạy cảnh sát thấy sẽ phạt".
Sau 2 tuần, quan sát cách ăn ở 3 roommates, tôi thấy cần phải soạn thảo điều lệ, in ra 6 bản giao kèo thuê phòng, bắt 3 đứa ngồi xuống đọc và  ký tên. Cấm hút thuốc trong phòng( hôi phòng, cháy nhà, bảo hiểm cháy nhà đền chủ nhà,chứ không đền roommate). Cấm để thức ăn đồ uống thiu thối trong phòng (kiến lên). Cấm dẫn bạn bè về sau 10:30 đêm (cả nhà mất ngủ). Chủ nhà có quyền vô phòng khi người thuê vắng mặt dể check vệ sinh và đèn đuốc, máy móc bỏ quên không tắt. Ba đứa ký liền. Tôi giữ một copy, chúng giữ mỗi đứa một copy. Sau đó thì Jeremy mượn hơn 375 bạc đóng tiền học  online, rồi sau đó dây dưa không trả, lấy cớ lỡ nể bạn, cho bạn đau bệnh mất job mượn tiền chưa trả. Đòi nữa thì nói,"sang mai tôi bỏ tiền phong bì để trước cửa phòng chú". Sáng mở ra chả thấy gì, nó đã đi mất từ hồi nào. Qua đầu tháng 5, lại xin khất tiền rent trả trễ vài hôm. Mỗi lần nhắc, cứ nói quanh co chuyện này chuyện kia.Tôi hỏi:
-Tell me the truth. What s wrong with your money"
 Nó nhỏ nhẹ thú thật đang "on probation", phải trả iền phạt hàng tháng  nữa. Tôi giựt mình:
-What" Parole" You too" Like the guy downstairs"
-No, not "parole", "probation  ís different. It ís not a crime. Không phải tội hình sự, mà là ký check không bảo chứng. Bạn tôi ký, không phải tôi.
 Nó ấp úng kể 7 năm trước cặp với 1 thằng Mễ ở lậu trên đất Mỹ. Hai đứa đứng chung tên bank account, khi chia tay, joint account cũng đã canceled, mà về Mễ thằng này vẫn giữ checkbooks cũ tiếp tục ký checks mua đồ, nên nó bị liên lụy theo. Thằng này trốn về Mễ ở mất tung tích, nên Tòa nắm người "có tóc" là Jeremy (dân Mỹ có job, chung account)  kết tội liên đới "bank fraud", bắt trả góp 315$ hàng tháng tiền phạt, vì đứng tên chung trong checks. Nó lại năn nỉ tôi nếu sĩ quan P.O nó có gọi, làm ơn đừng cho biết nó làm việc, sợ cô ta tới nhà thương thăm hỏi thì lòi ra lý lịch khai man, đồng nghiệp cấp dưới kinh ngạc đồn tới tai chủ, công chuyện đổ bể tùm lum, nó sẽ mất việc, mà lương đang làm rất là tốt. Tôi cũng hỡi ôi. Cũng may mà nó tiết lộ, mình nắm được cái "cán", dọa báo cáo cho cô P.O thì "nắm đầu" trị được nó. Còn Lúis, thằng bé sinh viên, thì hổ thẹn nói tiền Pell grant gửi về chưa kịp, lại chưa có job nào kêu đi làm, có mấy trăm thì lại phải đóng trước tiền học cho khóa Summer tới, nên  hụt  tiền trong account, sẽ mượn đỡ Charles, thằng bạn thân, trả rent tuần sau. Nó rất tức bực nghe chuyện tôi kể về Jeremy, áy náy liên tục xin lỗi đã giới thiệu "người xấu" về thuê phòng, mượn tiền, nói láo, xe trầy...lôi thôi đủ thứ, làm phiền lòng thiệt hại chủ nhà.
 Thấy nó thiệt thà, bứt rứt lo lắng, cũng thương hại. Cha mẹ ở Mễ, không giúp được, ở với ông cậu, học hết lớp 9 mới 14 tuổi phải "drop out" vì lộ diện là "gay , bị gia đình cậu xua đuổi, theo thằng bạn trai 21 sống lang thang khắp nơi, lại  thiếu chất gì trong người nên hay buồn ngủ, mắt cận thị, năm ngoái bị mất job nên bị lấy xe lại, bad credit, phải ở nhờ bạn đi bộ, rồi xin Pell grant để có tiền sống, cố gắng đi học trở lại. Jeremy cũng chẳng khác gì, 17 tuổi bị dượng ghẻ và mẹ đuổi vì tự thú là "gay", phải lăn lóc tự lo lấy thân 9 năm nay mới được cái job ngon,mà còn thiếu hụt, nợ nần chỉ vì xài sang. Mới biết mình ở nhà lầu, không làm mà tiền bạc rủng rẻng, ung dung đi gym bơi lội, coi phim, khỏe mạnh rong chơi  lâu nay an nhàn là quá "lucky". Vừa mở cửa cho xã hội bên ngoài ùa vào, chỉ mới qua mấy đứa share phòng, đã thấy cảnh khổ thế gian ngay trước mắt chứ không đâu xa , toàn kẻ neo đơn, thiếu hụt, bất bình thường, tù tội, nợ nần, gia đình tứ tán. Ai nói con người không có số mệnh" Có phước thì cả đời no đủ, cha mẹ nuôi cho ăn học đàng hoàng, tha hương lập nghiệp vẫn được nhà cao cửa rộng. Kém phước thì nhỏ tuổi đã mồ côi, bôn ba lận đận, lớn tuổi biết có thay đổi gì không. Phần mình tiểu hạn năm nay đang yên lành, mắc mớ gì mà kêu người vô ở cho hao của, bực mình. Đúng  là đại hạn, lưu đại hạn có Song lộc và bộ "Thái tuế, quan phù, bạch hổ", nên rắc rối kiện cáo tiền bạc, thị phi , đã vậy lại thêm Không kiếp, thì  đành phải chấp nhận . Theo giáo lý Phật, vạn sự trên đời đều là hư dối, không thật, nên hãy coi CÓ cũng như KHÔNG, từ từ mà bình tâm giải quyết công chuyện. Có duyên thì tới, hết nợ thì đi, sân si buồn phiền làm chi cho thân tâm phiền não, vì phiền não chính là dịa ngục tại thế gian.
Hỡi ôi, nhưng còn  thằng Brad "đầu trọc" dưới lầu nữa, không biết có mắc nợ nó cái gì không mà chưa thấy đòi, mau mau đòi cho xong luôn thể. Có một đêm, chứng nào tật nấy, nó buồn uống rượu say khướt ở đâu trở về, gõ cửa lè nhè làm phiền 2 đứa trên lầu, sang ra  tỉnh dậy xin lỗi rối rít, dặn đừng nói cho cảnh sát P.O hay girlfriend biết.
 Đúng là cái gì cũng có giá. Được chút tiền vô thì ban dêm ngủ không ngon giấc, thức giấc nhiều lần vì cửa dưới nhà kịch kịch, két két, nghe tiếng thì thầm kẻ ra người vô, buồng tắm shower nước chảy ào ào sáng sớm, tiếng dập cửa động chạm trên lầu, dưới lầu ban đêm, không biết ăn trộm hay người share phòng vào nhà. Trước kia chỉ có một mình, bốn bề tối đen phăng phắc, yên tâm khóa cửa ngủ tới sáng, bây giờ phải giỏng tai trố mắt, phải lo toan cho 3 mạng người khác đang sinh hoạt khác nhau trong nhà, phải "deal  với các vấn đề của họ, nghe những tiếng động đêm khuya kỳ lạ, giấc ngủ lơ mơ chập chờn, lên lầu xuống lầu kiểm soát thường xuyên, con mắt dòm chừng đèn đuốc quên tắt, ai ngủ ai học, ai còn vắng mặt...
Nhà yên lặng quá nhiều khi phát sợ, mà có người ở, tiếng động lịch kịch khắp nơi trong nhà đêm khuya cũng làm mất ngủ, phân vân lo lắng. Hèn chi có những người thích để nhà trống ở một mình, nhứt định không cho "se" phòng, như anh chàng Mỹ độc thân đầu trọc ở cuối đường, nhà 4 phòng mà cứ ở vậy với con chó  berger" cột dây trước cửa, thè lưỡi lăm le ngồi canh chừng nhà suốt ngày, thui thủi một người một vật làm bạn với nhau. Ở xã hội Mỹ siêu văn minh , con người không còn tin cậy con người, người không thích chơi với người, mà lại ưa chơi súc vật, chó mèo, sóc thỏ....Bây giờ , lâm trận, mới hiểu lí do tại sao. Một bài học khôn, nhớ đời.
  ***
Chuyện tới đây kết thúc là tốt, nhưng chắc có nhiều đọc giả tò mò chưa chịu, muốn biết tôi xử trí ra sao với mấy tên "se" phòng cà chớn. Như vầy, sau đó thì tôi quyết định kêu Jeremy nói nghiêm trang:
-Tao cho mày một tuần lễ kể từ hôm nay mồng 2, nếu mày vẫn chưa trả nợ và tiền rent thì tao sẽ tịch thu đồ đạc mày  cấn  nợ và quăng hết đồ đạc trong phòng mày ra đường. Tiền deposit 100$ đủ cover 10 ngày đầu tháng mày ở đây rồi. CHúng ta không còn nợ nần gì nhau nữa. Mày nói láo chuyên nghiệp, ngay cả Lúis bạn mày cũng tiết lộ lúc trước mày hứa nó nói giúp cho mày dọn vô nhà này, mày sẽ trả tiền rent giùm nó một tháng, bây  giờ mày lại phủ nhận.
Jeremy đùng đùng chạy sang phòng Luis cãi lộn ầm ầm. Lúis một lát rón rén sang phòng tôi hỏi "what happened", nhỏ nhẹ xin đừng ném đồ Jeremy ra đường. Tôi nói:
-Đứa nào không trả rent, tao đều làm vậy, không riêng gì nó. Tao cho mày khất vì tao thương hoàn cảnh mày, mày thú thật và tỏ ý xin lỗi, nhưng nó cố ý lường gạt và thách đố tao. Đi về đi.
 Một lúc Jeremy hầm hầm trở qua, 2 tay vung vẩy:
-Ông đừng có đe dọa tôi. Ông không có quyền quăng đồ tui ra ngoài. Như vậy là illegal.  Tôi có bill gắn cable gửi về đây, là bằng chứng tôi đang ở nhà này, ai cũng biết.
Tôi cười gằn:
-Tao không đe dọa ai hết. Mày không trả tiền rent, tao có quyền đuổi ra. I know what I am doing. Tao sẽ gọi con cảnh sát của mày.
-Cảnh sát P.O tôi biết rõ hoàn cảnh tôi rồi.
-Thì tao lên tận ông chủ mày tao complain.
Nó hầm hầm quay lưng về phòng, một lúc sau thì tình cờ Từ Mẫn, con trai tôi, gọi tới nói, "chú Đáng  mai về Việt nam, gọi ba hoài coi có gửi gì không mà không thấy trả lời. Sao giọng Ba khàn vậy, bệnh hả" "
-Ba đang bực mình cái thằng Mỹ trắng "se  phòng nó thiếu nợ ba và không trả tiền rent tháng này, cứ tránh né, nói láo quanh co hoài. Mới la mắng bắt nó trả trong một tuần nữa, nếu không sẽ quăng hết đồ đạc nó ra đường. Nó tức giận, nói vậy là  illegal, ba không có quyền làm vậy.
Thế là con tôi nổi xung lên, càm ràm trách móc tôi một trận, "Con đã nói mà ba không nghe... Đang yên đang lành lại rước rắc rối vào thân. Tụi Mỹ đen Mỹ trắng nó không có đàng hoàng đâu. Con làm việc lâu nay con biết.  Để con tới giải thích cho nó nghe phải trái và dằn mặt nó. Hiện giờ ở nhà có mấy đứa" Con sẽ đuổi hết 3 đứa trong nửa tháng nữa ra khỏi nhà cho coi. Con tới bây giờ liền."
Một giờ sau,Từ Mẫn tới, vừa lúc Jeremy chuẩn bị ra khỏi nhà. Nó tự giới thiệu là con tôi, bắt tay, rồi ứng khẩu xổ ra những tràng tiếng Anh rành rọt, lưu loát, ăn nói chắc nịch, mặt mày đanh lại, y như nói chuyện với cấp dưới ở sở làm. Tôi cũng không ngờ thằng con ngày xưa cứng đầu,khó dạy, đua theo bạn bè hư hỏng một thời gian tuổi 19, 20 mà bây giờ ăn nói dõng dạc như quan tòa, như cảnh sát hình sự, miệng mồm có gang có thép như luật sư chuyên nghiệp, chinh phục người nghe dễ dàng. Thảo nào mà công danh thăng tiến vù vù, làm toàn cấp chỉ huy coi trên dưới cả trăm người.
-Ba tao là chủ nhà, có quyền quăng đồ đuổi mày ra nếu không trả tiền, rõ không" Tao từng làm manager cho nhà thương, cho các hãng lớn nhiều năm, "deal" với những đứa xì ke ma túy nghiện rượu, tào lao, tao biết như vậy là "legal", có hiểu không" Mày còn probation, có biết là sẽ bị trở lại tòa án, nếu vi phạm  điều lệ probation không" Hơn nữa lâu nay tao vẫn chống lại chuyện ba tao cho người "se" nhà.  Ổng rất tôt, nên tưởng ai cũng  tốt như ổng cả...
 Jeremy sợ hãi ngẩn ra nghe, một lúc bình tĩnh lại, lắp bắp kể lể , cũng là quanh co vớ vẩn gì đâu, không dính tới tiền nhà tiền nợ đang thiếu.
-Thì Ba anh nắm hết information về tôi, số phone địa chỉ chỗ làm tôi, cảnh sát probation, chẳng lẽ tôi mặt mũi nào lừa gạt được sao. Tôi rất thích ở đây, con người Ba anh rất tốt... chẳng qua tại ổng đôi lúc không hiểu tôi nói gì mà nổi giận lên. Tại bạn tôi mượn tiền tôi không trả nên tôi hụt, không đủ trả cho ổng bây giờ, nhưng tôi đã hứa đi hứa lại mấy lần... Xe cũ tôi bán lấy tiền mới có một nửa, nên không có dư để trả...
Mẫn nói:
-Tôi không muốn nghe đồ "bullshit" tào lao. Tiển rent ba tôi lấy có 300, hay 350 của mấy chú rẻ hay là mắc" Rẻ thì các chú phải biết điều, không thì dọn ra ở chỗ khác, không đâu có giá đó, phải không".
-"Phải." hai đứa đồng thanh dáp.
-Thuê phòng ở thì phải lo tiền rent trước chứ, mọi việc khác tính sau. Chuyện riêng mấy chú kệ mấy chú, ai cần biết. Tánh ba tôi hay giúp đỡ, nhưng dễ nổi nóng khi thấy kẻ khác không biết điều. Con người trực tánh, nên nghĩ sao nói vậy, không thích lươn lẹo, quanh co.. Một tuần nữa mà chú không trả nợ, trả tiền phòng, tôi sẽ tới đây phụ với ba tôi quăng đồ chú mày ra, hiểu không"
Vừa lúc đó, Luis di đâu về mở cửa thò đầu vô, thấy một thanh niên Á châu lạ đang "bullshit"  (not bâu xít) với Jeremy thì tái mặt. Mẫn hỏi tôi phải đây là thằng sinh viên không, nó không có problem gì chứ"", rồi tiếp tục "giáo huấn  cả hai. Lúis tay cầm ly nước soda mua về ngoài tiệm, lo lắng khép nép dựa vách nghe Mẫn thao thao bất tuyệt. Sau cùng, Jeremy cam đoan hứa chắc thứ tư tới sẽ trả hết tiền cho mình. Mẫn trở lại thái độ vui vẻ, hòa nhã với hai đứa, hỏi "ba còn chuyện gì nữa không, con bảo ban cho chúng luôn""
Thấy bầu không khí bớt căng thẳng, Mẫn bắt đầu chuyển qua màn "vuốt", hỏi Luis:
-Em học ngành gì" ART hả" Không thực tế chút nào (cười). Mà thôi, em còn trẻ, con đường còn dài, sau này nên nghĩ lại chuyển cái khác cho thực tế. Tôi năm nay 35 tuổi rồi. Hồi  tôi trẻ như mấy chú, cũng phá phách, chơi với bạn xấu, tung xe, phá tiền, học thì học chứ  không có chí hướng gì, gây trouble đủ thứ... nhờ ba tôi hướng dẫn bắt học nursing, kềm kẹp nhiều năm, mới có được như ngày nay.  Các chú cứ nghe theo ý ba tôi muốn thì ở đây lâu dài. Thôi lên lầu đi.
Tôi kêu con theo lên lầu coi phòng Jeremy, Mẫn trầm trồ khen phòng quá đẹp, nói phòng Luis là phòng ngày xưa khi còn độc thân đã ở mấy năm, rồi tươi cười xin lỗi lúc nảy đã quá nặng lời vì nóng ruột cho ba mình đã già mà không được yên thân với kẻ đáng tuổi con cháu, bắt tay 2 đứa ra về. Trước khi về, nói nhỏ tôi:
-Hai đứa này "lại cái", nó có ý sợ con rồi đó. Thằng lớn lươn lẹo, ba coi chừng, thằng nhỏ thì hiền, biết sợ, không sao. Còn thằng "parole" dưới nhà ba nói nó đang sắp dọn đi hả. Tôt, tụi uống rượu, hết "parole" xong cũng tánh nào tật nấy à, con biết. Không nên cho ở lâu. Thôi con về nghen.
Thực ra tôi không cần thằng con cao lớn, mắt to, hung dữ tới "dằn mặt" mấy đứa này làm gì, chúng trước sau gì cũng phải thanh toán sòng phẳng với tôi thôi, nhưng như vậy cũng tốt. Phải gây chiến tranh, mới có hòa bình. Cho chúng biết tôi hiền, tử tế, nhưng không cô đơn ở đây. Và quan trọng hơn, với tôi, nó chứng minh thằng con vẫn còn biết thương  cha mẹ, nghe tôi khan tiếng, giọng nói buồn phiền trong phone, mà nổi tức lên, nóng nảy chạy ngay tới dạy cho bọn "lếu láo" một bài học đích đáng. Cũng là dịp hiếm có nó tỏ  cho tôi thấy thằng bé con ngày xưa lon ton theo tôi xuông thuyền vượt biên ở Nhatrang, gây cho tôi nhiều phiền muộn ở tuổi teenage "nổi loạn", cứng đầu, bất hiếu ngày nào, giờ đây đã dư thừa bản lãnh tài nghệ đương đầu với dân bản xứ và những vấn đề khó khăn, rắc rối nơi xứ người.
Phạm Hoàng Chương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,292,032
Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Đây là bài viết đầu tiên tham dự VVNM. Mong tác giả tiếp tục gửi bài
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Mùa hè, 16 tháng 9, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là hồi kết bài viết mới nhất của ông về những mùa hè khó quên.
Mùa hè, 19 tháng 6, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết mới nhân mùa bóng đá.
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ hai của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng, sinh năm 1975, qua Mỹ định cư năm 1992. Từ năm 2000-2005 hành nghề dược sĩ (Consultant Pharmacist), sau đó trở lại học và tốt nghiệp Y Khoa. Nghề nghiệp hiện tại là Physician tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.
Nhạc sĩ Cung Tiến