Hôm nay,  

Chuyện Bà Thầy, Chuyện Ông Bạn

10/07/200900:00:00(Xem: 235815)

Chuyện Bà Thầy, Chuyện Ông Bạn

Tác giả: Trương Tấn Thành
Bài số 274-16208741- vb671009

Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Ông là một tác giả rất nhiệt thành đóng góp bài vở cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2005. Sau đây là hai bài viết ngắn.

***

I. Bà Thầy Người Da Đỏ
Đó là bà Yvonne Peterson, giáo sư người Da đỏ, giáo sư trưởng của chương trình cao học đào tạo giáo viên cho các em Da Đỏ. Tôi không bao giờ quên được bà.
Sau khi cày cựa hết bốn năm ở đại học, ra trường tôi chỉ kiếm được việc làm trợ huấn cho trường học không thể nào đủ sống. Một hôm nọ khi đang ngồi giúp một học sinh làm bài tôi nhặt được trong sọt rác một tờ giấy tuyển sinh viên của trường đại học tiểu bang là Evergreen cho chương trình cao học về giáo dục. Tôi liền vội vàng gọi phone cho văn phòng của nhà trường để hỏi cách thức ghi danh. Chương trình này có danh hiệu là MIT 2000, (Master in Teaching) chương trình cao học về sư phạm nhằm đào tạo giáo viên cho trẻ con người Da Đỏ, bắt đầu năm 1998 và chấm dứt vào năm 2000. Học chương trình này tôi có thể mượn tiền trợ cấp của chính phủ, làm work study và cuối tuần nếu có được giờ nào rảnh thì đi làm thêm.
Chương trình này kéo dài trong hai năm. Năm đầu học lý thuyết, năm thứ nhì đi thực tập tại các trường. Có bốn giáo sư trưởng và một số giáo sư thỉnh giảng ở các nơi khác và các diễn giả, đa số là người Da đỏ được mời tới để thuyết giảng. Bà Yvonne là một trong bốn giáo sư trưởng đó. Bà là người Da đỏ chính gốc, vóc người thấp nhưng chắc và khỏe mạnh như đa số người Da đỏ. Bà có giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười rất tươi và cởi mở. Ngày lễ khai khóa bà mặc lễ phục của người Da đỏ và làm những nghi thức theo cổ tục để cầu an lành tốt đẹp cho khóa học. Nói trắng ra là tôi ghi danh học thêm khóa này là để kiếm tiền chi phí cho cuộc sống vì không tìm ra được việc làm có mức lương mà cuộc sống mình đòi hỏi  sau bốn năm sống đời sinh viên....già đói rách. Tôi là sinh viên Châu Á duy nhất trong chương trình học và có lẽ cũng là lớn tuổi nhất. Rất may là tôi được có người giáo sư đầy thông cảm và dành cho tôi nhiều cảm tình cũng như nhiều nâng đỡ.
Tôi rất may là được nằm trong nhóm sinh viên do bà phụ trách hướng dẫn. Bà luôn khuyến khích tôi và nói rằng bà rất vui khi có được một sinh viên người Á Châu muốn trở thành thầy giáo cho trẻ em người Da Đỏ. Bà mong ước là khi tôi ra trường sẽ giúp cho trẻ em Da đỏ trong việc học hành và nhất là thấy được việc học là cần thiết sau này cho tương lai của mình và tương lai của người Da đỏ đang bị quá thiệt thòi trong xã hội Mỹ hiện tại. Ngoài tính tình nhân hậu và luôn luôn khiêm tốn và giải quyết những xung đột  mâu thuẩn trong chương trình một cách đầy tình cảm đưa đến sự hàn gắn hơn là chia rẽ và bất mãn giữa các sinh viên và giáo sư.
Bà luôn luôn mở đầu lời nói của mình một cách thật là khiêm nhường: “In my sense...” (theo như tôi cảm nghỉ...) rồi kiên nhẫn lắng nghe lập trường của người nói để đi đến kết luận hay giải pháp. Bà luôn kêu gọi đến mọi người hãy nghĩ đến tầm quan trọng của chương trình và vai trò của người thầy giáo tương lai trong việc giáo dục các trẻ em Da Đỏ. Bà không cực đoan trước những bất công của người da trắng trong quá khứ đối với chủng tộc mình mà chỉ kêu gọi sự giúp đỡ của thầy cô tương lai để mở mang kiến thức và tạo một chỗ đứng xứng đáng cho thế hệ trẻ tương lai không bị thua kém các cộng đồng và chủng tộc khác ở xã hội hiện nay.
Càng đi sâu vào chương trình tôi càng thấy mình thật dễ cảm thông với thân phận của người Da đỏ khi xưa. Từng là người “tù cải tạo” tại miền Nam Việt Nam trước đây, tôi dễ dàng hiểu được hoàn cảnh bị giam cầm, đầy ải mà người da đỏ từng phải chịu đựng trước đây. Tại nước Mỹ thời hiện tại, các thế hệ người da đỏ đang có ý hướng vươn lên để dành lại chỗ đứng xứng đáng trong xã hội.
Trong luận án tốt nghiệp tôi đã chọn đề tài đối chiếu hoàn cảnh của chế độ tập trung cải tạo tại Việt Nam ngày nay và hoàn cảnh người da đỏ tại Mỹ ngày xưa. Khi trình cho bà Yvonne Peterson duyệt để được phê chuẩn, tôi được bà  cho biết là đề tài của tôi khá độc đáo vì đã nói lên được nguồn gốc dẫn đến sự thua thiệt của người Da Đỏ hiện nay và rất ngạc nhiên cùng thông cảm trước thân phận của người tù cải tạo và luôn nói lên sự ngạc nhiên của mình bằng câu hỏi: “It is true"” (có thật vậy sao").
Tôi rất hài lòng với luận án đó tôi đã nói lên được thảm trạng của những nạn nhân của hai trường hợp, hai hoàn cảnh nhưng cùng chịu đựng chung sự áp ức và bất công trong lịch sử của hai quốc gia cách xa nhau kể cả ngàn dặm. Nhất là tôi thấy được sự thông cảm chân thành của bà trước nổi thống khổ của dân tôäc Việt vì nó cũng không khác gì cái thảm cảnh bi thương của dân tộc bà phải chịu.
Bà thầy Da Đỏ kính mến của tôi,
Giữa tôi và bà chúng ta có cùng một nổi đau trong quá khứ và vẫn còn  kéo dài đến hôm nay. Chủng tộc của bà bị tàn sát, ngược đãi, đồng hóa trong các đặc khu và trường của chính phủ ngay chính trên quê hương đất đai của mình. Dân tộc tôi cũng bị ngược đãi, trù diệt ngay trên chính quê hương của mình đến nỗi phải bỏ xứ liều chết ra đi. Hai năm học trong chương trình bà đã cho tôi thấy và cảm được thế nào là nổi đau cùng cực đó của người Da đỏ. Bà cũng thông cảm được phần nào nổi đau khổ của những người tỵ nạn chúng tôi. May thay chủng tộc của bà còn có người thấy được việc cần kíp phải làm cho thế hệ mai sau. Bà đã như người dũng sĩ ngã ngựa nhưng không chịu khuất phục mà vẫn vận dụng hết tâm hồn và ý chí để đứng dậy ngửng cao mặt để nhìn Trời và để tiếp tục chiến đấu cho sự sống còn của giống nòi.


Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu với nghịch cảnh, với số mạng và với kẻ bạo ác để chúng thấy rằng những gì đi ngược với nhân bản và Tự Do của con người rồi cuối cùng phải đổ sụp, tiêu vong. Lịch sử đã nhiều lần xác minh như vậy. Bà đã và đang làm công việc chiến đấu cho mục đích chính đáng đó vậy./.

*
II. Anh “Tôn Tếu”
Tôi quen anh Tôn đã lâu lắm rồi. Sau này tôi mới biết anh là sinh viên đại học Khoa Học và sau đó là sĩ quan Hải quân trước năm 75 và cũng ở đảo tỵ nạn Galang nhiều năm trước tôi. Có điều là mọi người ở đây chỉ biết và gọi anh qua tên “Tôn tếu”.
Có lẽ anh có cái tên đó vì anh hay nói chuyện tếu tếu chăng. Anh là người miền Nam chân thật và tính tình rất là bình dị. Anh làm đủ nghề khi vừa tới Mỹ và hiện nay làm nghề sửa chữa đủ chuyện trong nhà như là một handyman. Khách hàng của anh là bà con người Việt quanh vùng trong số đó có tôi. Nhờ tay nghề vừng và nhất là có lối nói chuyện têu tếu nên bà con ai cùng mến anh. Thêm vào đó anh rất chịu khó trong mọi loại công việc, và sẵn sàng làm sớm, làm khuya để phục vụ khách hàng. Anh có học và đọc nhiều sách về triết học và rất bình dị nên mọi người cho là anh hay nói chuyện tếu, ít ai nhận ra được cái đặc điểm độc đáo đó của anh.
Nghe anh kể về cuộc đời sau năm 75 đã từng lăn lóc từ Nam ra tới Bắc với đám cán bộ để kiếm cơm nên anh biết rất nhiều về cuộc sống cũng như địa lý ngoài đó. Câu chuyện của anh rất ly kỳ với những lần đụng độ với đám công an trong những chuyến vượt trạm và những lần vô ra khám có thể viết thành một tập truyện rất là hấp dẫn. Anh đã từng đứng trước núi Văn Du mà tôi đã được đọc của nhà văn Thế Lữ khi còn ở trung học. Anh đã chịu cái rét kinh người nơi miền núi cao gần biên giới Hoa Việt. Anh đã thưởng thức thịt con gà trống (sống) thiến vào ngày Tết và nhiều, rất nhiều thứ nữa, những kinh nghiệm trong cuộc sống mà tôi chưa bào giờ trải qua.
Không biết có phải vì anh đọc nhiều sách triết học của triết gia Đức như Herman Hess, của các thiền sư Nhật, các vị cao tăng Phật giáo nên cái nhìn cuộc sống của anh nó “têu tếu” hơn người chăng"
Khách hàng của anh gồm đủ mọi giai tầng trong xã hội từ bác sĩ, thương gia, dân làm nail, công chức, thầy thợ. Vì anh tính giá thấp và không ngại khó khăn, không kể giờ giấc trong việc làm cho nên công việc anh làm không hết. Vì vậy công việc anh thường bị chồng chéo lên nhau có khi khách hàng phải phàn nàn vì đợi lâu mới đến phiên mình.
Nhiều công việc anh phải chạy đi hơn cả tiếng và làm cho đến hơn cả tiếng và làm cho đến hơn mười giờ tối mới về nhà. Những khi ống nước bể, chậu sink rửa chén bị nghẹt, toilet không thông hơn chín giờ tối anh phải lái xe tới nơi vì “đây là trường hợp khẩn, emergency” như anh hay nói. Nhiều khi anh phải chun xuống dưới hầm basement để sửa, hàn, cắt nối ống thật là cực khổ và đầy hôi hám. Có lần anh bị mảnh sắt văng vào mắt tưởng đã phải bị mù. Lần khác có người làm chung không biết xử dụng súng bắn đinh bóp cò loạn quạng làm cây đinh bắn ra xuýt chút nữa là trúng ngay vào cổ của anh.
Cái khó, hay đúng hơn là cái khổ trong cuộc sống của anh là mấy chiếc xe của anh. Mấy “cái chân, cái cẳng” để anh đi kiếm sống đó làm khổ anh hoài. Hết chổ này chảy nước đến chổ khác lung lay. Có lẽ là anh mãi đi làm nên không có thì giờ tu bổ chúng. Không biết sao anh lại không chịu mua xe Nhật mà chỉ mua mấy xe Mỹ nên tới chừng hư thì quả là bị đổ nợ. Cũng vì không có thì giờ mà anh để chúng trở nên ngày thêm tàn tạ. Thấy vậy nhiều lần tôi nói anh nên mua xe kha khá hơn đỡ phải sửa chữa làm mất thì gì quý báu của anh và đỡ tốn tiền. Xin được nói thêm là chiếc xe truck của anh nếu bạn bè có ai cần chở đất cát thì anh cho mượn ngay. Sau nhiều lần như vậy nó đã bị “xi cà que” lại thêm xức vè, xệ bửng.
Thường thường thằng Biền, đứa con lớn anh đi theo phụ cha vào cuối tuần trong việc khuân vác di chuyển đồ nghề nhưng giờ nó đã học hết trung học và xắp đi xa để lên đại học. Coi như là giờ mình anh lãnh trọn gánh nặng công việc. Thêm vào đó cánh tay trái của anh bị sai gân bả vai vì vận dụng quá nhiều trong khi làm việc làm anh phải nhận bớt việc làm. Cộng thêm vào đó tình hình bớt nhân viên nơi anh làm nhiều lúc công việc dồn lên gấp đôi làm anh bị stress thật nhiều. Nếu như tôi thì chắc chắn là tôi sẽ trở nên bực dọc khó chịu nhưng còn anh thì không như vậy. Lúc nào anh vẫn hòa nhã và vẫn “tếu” với nỗi khốn khổ của mình. Tôi phục và quý anh chổ đó.
Thường tối nào trước khi ngủ tôi đều gọi anh để nói về chuyện trong ngày vì cũng như tôi anh ngủ rất trể. Anh kể lại cho nghe quảng đời bị bầm dập sau năm 75 với tất cả những hiểm nguy, tù tội để mưu tìm cái sống cho đến lúc vui mừng cực độ khi tấp vào đảo tỵ nạn Galang. Rồi đến những gian lao vào những năm tháng đầu tiên ở xứ người với nhiều dọ dẫm, vấp ngã và bị kẻ xấu lợi dụng lòng chân thật của anh nữa. Hiện nay anh đang được cắt làm việc nhẹ một thời gian vì bị chứng đau vai. Anh than thở về những căng thẳng và gánh nặng chồng chất của gia đình. Tôi rất cảm thông với anh và luôn tìm cách để anh lên tinh thần với những tư tưởng tích cực, lạc quan. Vì:
Anh Tôn nhe,ù dù có ra sao đi nữa, ta vẫn nhận rằng nơi đây là chốn thiên đường.
TRƯƠNG TẤN THÀNH, W.A.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,979,569
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.
Nhạc sĩ Cung Tiến