Hôm nay,  

Ngày Này Năm Trước - Năm Nay

30/04/200900:00:00(Xem: 134391)

Ngày Này Năm Trước - Năm Nay

Tác giả: Gió Đồng Nội
Bài số 2601-16208678- vb543009

Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả cư dân Florida, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự viết về nước My ngay từ năm đầu tiên. Bài viết mới của bà là chuyện 34 lần Tháng Tư giữa hai thế hệ,  từ ngàydi tản năm xưa tới buổi họp mặt tưởng niệm của giới trẻ năm nay.

***
1975
Đã bao nhiêu năm qua, nhưng biến cố quan trọng này vẫn còn đậm nét trong lòng tôi.  Phải chăng kỷ niệm buồn thường hay làm người ta khó quên"
Lúc 9 giờ sáng ngày 29 tháng Tư, tin từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân, thông báo cho gia đình thân nhân được xuống tàu ra Phú Quốc lánh bom, đạn pháo kích của Việt Cộng đang hăm he bắn vào Sài Gòn. 
Hai vợ chồng tôi cùng vài người anh em dẫn nhau vào Bến Bạch Đằng.  Hành trang vỏn vẹn là vài bộ quần áo để thay đổi và một ít vật dụng cá nhân như kem đánh răng, bàn chải, khăn mặt cùng giấy tờ tùy thân gồm bằng cấp, khai sinh, hôn thú, căn cước, và cả bằng lái xe mà tôi hay để chung với nhau trong một cặp táp.  Chúng tôi qua khỏi trạm kiểm soát bên ngoài không khó khăn gì vì tuy đang giới nghiêm nhưng chúng tôi có đủ giấy tờ chứng minh cần thiết. 
Qua khỏi cổng vào đã thấy đoàn người lũ lượt theo nhau ra bến tàu, mọi người bị chận lại bởi cánh cổng của Hải Quân Công Xưởng bị khóa chặt bởi vòng xích sắt với cái ổ khoá to tướng.  Không một ai nghĩ đến việc tìm chìa khoá hay tìm người mở cổng. Mọi người chen lấn, theo nhau leo qua cánh cổng sắt cao gần ba thước. Lại người trước, kẻ sau, tiếp tục bước về phía trước.  Chẳng có một ý niệm nào về đường đi, nước bước trong khu vực quân sự này, tôi chỉ cảm được là quãng đường cũng khá xa. 
Mãi rồi cũng đến mé nước.  Ngoài xa, thấp thoáng ánh đèn của những chiếc tàu lớn đang neo tại chỗ. Trên bến, chỉ còn lại những chiếc tàu bất khiển dụng đang nằm ụ,  tiểu kỳ, đại kỳ gì đó để chờ sửa chữa. 
Chồng tôi quyết định đưa gia đình lên chiếc 502, chỉ còn một máy hoạt động, mà thủy thủ đoàn đang ra sức làm việc.  Kẻ leo xuống đất khi biết tàu hư, sợ không chạy nổi.  Người leo lên tàu với hy vong sửa chữa được (như chúng tôi).   Không biết bằng cách nào, tôi cũng bám và leo được lên chiếc thang lưới dùng để cấp cứu, đeo lủng lẳng bên hông tàu. 
Đêm hôm ấy, chiếc 502 tách bến, theo những chiếc tàu khác kéo ra Vũng Tàu.  Buổi sáng định mệnh, ngày 30 tháng Tư, năm 1975, ông Tổng Thống một ngày;  Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng. Tin từ Hoa Kỳ đồng ý nhận đám dân Việt trên tàu vào nước họ với tư cách tỵ nạn chính trị.  Mọi người bàng hoàng, sửng sốt, phân vân, không biết tính sao.  Đi  Mỹ hay ở lại"  Người đi dồn lên những chiếc tàu lớn, người muốn ở lại kéo nhau xuống những chiếc Costguard để vào lại đất Vũng Tàu. 
Chúng tôi cũng rời sang một chiếc tàu chở dầu vì chiếc 502 quá đông người nên tình trạng vệ sinh rất tệ.  Những con tàu chuyển hướng, quay đầu ra khơi, tạm dừng ngoài Hải Phận Quốc Tế. 
Các chiến ham Mỹ được lệnh hướng dẫn cũng như hộ tống đoàn tàu di tản này. Một số máy bay trực thăng chở đầy người, đáp xuống chiến hạm Mỹ. Người được cứu và máy bay bị đẩy xuống biển để dành chỗ cho những chiếc khác.  Lại một lần nữa, chúng tôi chuyển sang chiếc HQ1 vì chồng tôi tìm ra vài bạn cùng khóa đang làm việc trên tàu này. 
Dù sang được chiếc tàu lớn, tình trạng sức khoẻ của tôi cũng chả khả quan gì hơn.  Ngày cũng như đêm, không ăn uống được gì lại ói mửa liên miên vì đang ốm nghén, tôi nằm rũ ra, không ngóc đầu lên nổi cho đến khi đoàn tàu kéo vào hải phận Phi Luật Tân.  Mọi người vừa khóc vừa hát bài Quốc Ca Việt nam để làm Lễ Hạ Kỳ.  Những Lá Cờ Vàng được xếp lại và trao cho những viên chức Việt Nam.  Những chiếc tàu được trả lại cho người Mỹ.  Chúng tôi thực sự là những người tỵ nạn Cộng Sản bắt đầu từ đây. 
1976
Đã qua một mùa Đông.  Đã nếm mùi gió rét, tuyết rơi, băng giá của vùng Đông Bắc lần đầu. 
Người Bảo Trợ chúng tôi, chồng Do Thái, vợ Đức đã từng trải qua những cuộc lùng bắt của Đức Quốc Xã, của Cộng Sản Đức, nên rất thông cảm với người Việt.  Họ đã giúp chúng tôi cũng như rất nhiều người Việt tha hương bắt đầu lại cuộc sống. 
Dù bận công việc, chúng tôi vẫn thu xếp để dành ngày đi dự buổi kỷ niệm 30 tháng Tư. Lễ giỗ đầu tiên cho chính thể Việt Nam Cộng Hoà bị bức tử.
Trời cuối tháng Tư vẫn còn lạnh lắm cho người đến từ Việt Nam dù đã một năm như chúng tôi.  Sau hơn hai giờ lái xe theo bản đồ mà Ông bảo trợ đã cẩn thận chỉ dẫn, mấy anh chi em tôi ở tiểu bang Connecticut cũng đến nơi góp mặt. Từ các tiểu bang lân cận, mọi người rủ nhau cùng về New York để kỷ niệm ngày Quốc Hận.  Không hận sao được khi hàng trăm chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã khí khái tuẫn tiết, nhất định không chịu buông súng đầu hàng kẻ thù.  Không hận sao được khi hàng chục ngàn quân nhân đã bị bọn Việt Cộng cầm tù, đày đọa.  Và không hận sao được khi hàng ngàn con dân Việt đã bỏ mình trong biển cả trên đường đi tìm tự do.
Dưới tầng hầm (Basement) của một nhà thờ, thường ngày là chỗ sinh hoạt của trường học, hôm nay được hội USCC mượn cho người tỵ nạn xử dụng. Có bàn thờ tổ quốc với hoa quả, có Cờ Vàng cắm trên bục cao, có thực phẩm để mọi người chia sẻ sau phần nghi thức. 
Dư thừa thức ăn nhưng sao ai nấy đều bùi ngùi, nhiều người mắt còn ngấn lệ. Hầu hết đều nhớ nhà, nhớ người thân yêu đang kẹt laị ở Việt Nam. Mọi người đều nói nhiều hơn là ăn. Chia xẻ lẫn nhau sự khó khăn trong đời sống mới, truyền đạt với nhau kinh nghiệm đời sống hàng ngày, chỉ dẫn cho nhau quyền lợi của người tỵ nạn, mách bảo nhau cách hội nhập vào xã hội mới. Cũng ở đây, tôi tìm được một người bạn học đã mất liên lạc từ sau năm đệ nhất. Hôm đó mới biết anh của bạn là người tôi quen khi đi sinh hoạt Sinh Viên Công Giáo Sài Gòn. Chúng tôi mừng lắm. Thuả ấy người Việt còn hiếm nên tình cảm còn quý lắm. Mới quen đã thành bạn huống gì đã là bạn từ xưa.
1985
Mười năm mất nước.  Không, nước chúng tôi không hề bị mất. Nước Việt Nam vẫn là Việt Nam.  Có mất chăng là một chính thể Cộng Hòa. 
Không phải chỉ một chính thể, thực sự nước Việt Nam đã mất mát nhiều thứ lắm.  Mất tự do, mất đạo nghĩa, mất tình thương, quan trọng hơn cả là mất niềm tin.  Cả một quốc gia bị xáo trộn.  Cả đất nước là một nhà tù vĩ đại.  Ăn cũng phải có hộ khẩu, nói phải xem xét chung quanh. Đi đứng phải khai báo. Mọi người nghi kị lẫn nhau. Ai cũng lo thủ thân mình. Cha, mẹ, vợ, chồng, con cái tố khổ lẫn nhau chỉ vì miếng ăn.  Từ một nước sản xuất lúa gạo, ruộng đồng đã bị bỏ hoang vì sưu cao, thuế nặng. Thuế đóng thóc không đủ thì làm sao có gạo để ăn.  Nay đổi tiền, mai thay luật. Trong một xã hội rối ren như thế, thử hỏi tương lai sẽ ra sao"  Làm gì có ngày mai mà tính. Đó là xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau 10 năm bị Cộng Sản cai trị.
Người Việt trong nước bỏ đi tìm đất sống, tìm tự do. Vượt biên, vượt biển. 9 phần chết, 1 phần sống vẫn cứ đi. Người Việt bên ngoài đã mau mắn hội nhập vào xã hội mới. Thật là chính xác khi nói Hoa Kỳ là đất của cơ hội. Rất nhiều người đã thành công trên đường học vấn. Bác sĩ, Kỹ sư, Thương gia... không thiếu ngành nghề gì mà không có người Việt.
Không còn phải lo mưu sinh, một số người có thì giờ để lo cho con , cháu mình đừng quên nguồn cội.  Những lớp Việt ngữ được mở ra, nhiều hội đoàn được thành lập đẻ duy trì văn hóa dân tộc. Các đoàn thể chính trị cũng lớn mạnh ở thời điểm này.  
1995
Hai mươi năm.  Một cái mốc quan trọng.  Cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Người trong nước đã quen sống dưới sự áp chế của Cộng Sản.  Mũ ni che tai.  Ai làm gì mặc họ.  Mọi người đều cho rằng cuộc sống đã dễ thở hơn 10 năm trước rất nhiều.  Chỉ cần biết thế là đủ.  Không cần tìm hiểu xem tại sao.  Đại đa số dân chúng là vậy. Số người hiểu biết, nhận ra ngay đây là nhờ viện trợ từ bên ngoài của người Việt lưu vong khắp nơi trên thế giới gửi về. 
Những người mà chỉ vài năm trước bị Việt Cộng rủa xả là trộm cắp đĩ điếm, phản bội nhân dân nay đã nhanh chóng biến thành khúc ruột ngàn dặm của lũ thổ phỉ này. Mỗi năm, hàng trăm triệu rồi hàng tỷ đô la tiền mặt, hàng hóa, thực phẩm, thuốc men đổ vào Việt Nam. Viện trợ này do chính người Việt lưu vong chúng ta vì tình thương thân nhân đã vô tình xây đắp cho bọn lãnh đạo Việt Cộng thêm mạnh, thêm giàu.
 Ngày xưa, 10 triệu đô la viện trợ Mỹ đổ vào Việt Nam thì 10% là gạo, 10% là thuốc men, 80% là súng đạn.  Thế mà miền Nam vẫn dư cơm ăn, áo mặc.  Ngày nay số viện trợ không hoàn lại gấp trăm lần hơn, số nhu yếu phẩm gấp ngàn lần hơn mà sao dân ta vẫn đói.  Hãy nhìn về những làng quê, xa thành phố.  Con người vẫn cày thay cho trâu bò.  Vẫn những mái nhà tranh, vách đất.  Đèn dầu lạc để thắp, nước sông để uống.  Xe đạp là giấc mơ mà một đời người ao ước.  Số viện trợ đi đâu"  Ai cũng có thể tự trả lời mà không cần suy nghĩ. 


Tất cả tài sản quốc gia đã vào tay tập thể lãnh đạo Việt Cộng. Một đảng chuyên nghề cướp bóc, vơ vét của người dân về làm của riêng.   Những rừng gỗ quý như trầm, quế, cẩm lai đã bị đốn sạch để bán ra ngoại quốc.  Những giếng dầu cũng bị ngoại nhân khai thác.  Nhiều quặng, mỏ quý cũng chịu chung số phận.  Có ai để ý rằng đám con cái cán bộ gộc của Việt Cộng hiện đang du học ở ngay tại Mỹ càng ngày càng nhiều "  Có ai biết rằng những trương mục ngân hàng với bạc tỷ đô la mang tên đám lãnh đạo Việt Cộng" 
Ngay tại Việt Nam, đám cán bộ này đi xe hơi loại tên tuổi, uống những chai rượu giá cả trăm đô la, ăn chơi phung phi.  Hỏi tiền ở đâu ra" Phần người ở bên ngoài nước Việt Nam, đã quen với sự ru ngủ của kẻ thù.  Quý vị hãy cứ chăm chỉ làm ăn đi.  Về Việt Nam, quý vị sẽ được làm vua trong những lăng tẩm ngoài Huế một vài ngày thoải mái.  Quý vị sẽ được đi thăm những thắng cảnh xưa và dĩ nhiên là nhớ mang theo nhiều tiền về để chia sẻ với thân nhân nhé.  Quý vị (hay những đồng đô la của quý vị sẽ được chúng tôi hân hoan đón tiếp (sic).  Làm vất vả quanh năm để dành về Việt Nam xài một tháng.  Sự trao đổi này có lợi cho cả hai bên.  Bên được tiền và bên được tiếng. Tiếng khen. Khen có tình yêu quê hương, khen có lòng thương người, có tính rộng rãi.  Việt cộng hoan hỉ hô hào mọi người  đem tiền về xây dựng đất nước.
Nằm trong tay Việt Cộng, trước sau gì dân chúng cũng bị lột lại hết những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của người thân dành dụm gửi về. Ai cũng biết mình bị bóc lột nhưng không có cách giải quyết.  Dù biết thân nhân chỉ được một phần, chín phần còn lại bị ăn chặn bằng mọi cách.  Vẫn phải gửi tiền về vì tình cảm gia đình.  Con người của chúng ta khác với Cộng Sản ở chỗ đó.  Đau đớn thay!
1996
Năm thứ 21. Tại những thành phố lớn: Những khách sạn cao, lớn mọc lên như nấm.  Lại có cả sân Golf cho lũ tư bản. Xe hơi tấp nập trên đường phố. Toàn những thứ xa xỉ.  Đây chỉ là sự phồn vinh giả tạo.  Thực sự, nước Việt Nam vẫn chưa tiến bộ.  Dân vẫn nghèo đói.  Đời sống vẫn còn lạc hậu.  Chừng nào thì người dân ở quê hương tôi không phải cày thay trâu nữa"  Bao giờ thì mỗi gia đình có một ngôi nhà không bị dột khi trời mưa bão" Một giếng nước có máy bơm để uống và trồng tiả"  Một ngọn đèn điện để buổi tối gia đình quây quần: Cha đọc báo, Mẹ vá may, Con học bài" 
Câu hỏi 'chừng nào' dường như chưa đủ.  Phải thêm một câu hỏi nữa là chúng ta, tất cả con dân Việt Nam phải làm gì để câu hỏi 'chừng nào' đó có câu trả lời.
1999
Tháng Tư ở Âu Châu. Khác hẳn nơi tôi ở đã vào Xuân, cây lá đang đâm chồi, trổ nhụy.  Tuyết vẫn rơi đều trên đường từ Đức sang Thụy Sĩ. Băng trên mặt hồ Leman bắt đầu tan. 
Chúng tôi tới Geneve. Tôi nhớ đến Hiệp Định Geneve, đã cắt đôi Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc. Chia rẽ gia đình ông bà ngoại với Mẹ tôi vì di cư theo chồng vào Nam. Đập vào mắt tôi là chiếc ghế 3 chân tốt, 1 chân gẫy, thật lớn, dựng trên cao, trong khu sân cỏ, ngay mặt trước của trụ sở Liên Hiệp Quốc. Đang có buổi họp báo của thế giới bên trong.  Chúng tôi, những người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản đang biểu tình vòng quanh sân cỏ, bên ngoài.
Mặc những hạt mưa lất phất rơi, đoàn người Việt Nam, người cầm cờ Vàng, người cầm biểu ngữ đòi Tự Do, Nhân Quyền cho Việt Nam. Nam, phụ, lão, ấu cùng tuần hành trong trật tự. Ở một góc sân là chiếc lều của người Tây Tạng. Họ phản đối Trung Cộng đã chiếm đóng Tibet từ nhiều năm nay. Tây Tạng đang có nguy cơ bị đồng hoá. Chúng tôi ký tên vào bảng kiến nghị với hy vọng Liên Hiệp Quốc sẽ giải quyết vấn đề giúp dân Tây Tạng.
Nhìn người, nghĩ đến mình.  Cùng thân phận của người dân nước nhược tiểu để thấy lòng lạnh thêm.
2009
Thấm thoát mà đã 34 năm. Tháng Tư lại đến. Với người Việt tỵ nạn Cộng Sản, chúng ta gọi là Tháng Tư Đen. Tháng của đau buồn, uất hận. Tháng mà khắp nơi trên thế giới, người Việt ly hương kêu gọi, nhắc nhở, chia xẻ, cầu nguyện cho những nạn nhận của Cộng Sản. Năm nay, lần đầu tiên, tôi được hân hạnh dự ngày Kỷ niệm 30 tháng Tư do sinh viên trường Đại Học Trung Tâm Florida (UCF) tổ chức.
Các cháu sinh viên đã chuẩn bị sẵn sàng. Căn phòng ấm cúng với các dãy bàn mà ở trên đã có sẵn những tờ chương trình với mặt sau là bài Quốc Ca Việt Nam để dành cho sinh viên hát. Một miếng Ru-băng vàng, sọc đỏ xếp cong hình chữ Alpha được cài lên tờ chương trình như một sự tưởng nhớ. Bên cạnh là những ngọn nến trắng đựng trong những chiếc ly thủy tinh.  Một máy điện toán để chiếu hình lên thẳng tuờng trắng.
Đúng 6:30 chiều. Hội trưởng hội sinh viên UCF, cháu Monica Mai bắt đầu chương trình bằng Quốc ca Mỹ, Việt và Kèn truy điệu Tử Sĩ.  Ngắn, gọn, nhưng đầy đủ chi tiết, Monica nói về ý nghĩa của tháng Tư Đen. Sau đó là hai diễn giả Nguyễn Q. Trúc và Nguyễn T. Toàn.
Ông Trúc nói về cuộc nội chiến giữa hai miền Nam, Bắc dưới áp lực của thế giới. Ông cũng đưa ra những tài liệu lịch sử chứng minh miền Bắc với sự giúp đỡ của Cộng Sản Nga và Cộng Sản Tàu nhất định nhuộm đỏ cả Việt Nam.  Và miền Nam, sau khi bị đồng minh Hoa kỳ bỏ rơi đã mất vào tay Cộng Sản.  Đồng thời, ông cũng kêu gọi các sinh viên tìm đọc các tài liệu trung thực về cuộc chiến từ thư viện, internet. 
Một cách khác, ông Toàn đưa ra câu chuyện của một quân nhân bị tù cải tạo, sống cực khổ dưới chế độ Cộng Sản sau năm 1975 trông như 75 tuổi, trong khi ông ta mới 59 tuổi.  Ông cũng nhấn mạnh đến hai chữ 'Re-Education Camp' và giải thích cho sinh viên hiểu rõ đây chỉ là nhà tù, nơi Cộng Sản trả thù những người đã chống lại họ.  Ông cũng yêu cầu mọi người đừng dùng từ  'Cải Tạo' nữa.  Bàn về vấn đề thay đổi ở Việt Nam sau năm 1975, ông Toàn xác nhận là từ Xấu đến Tệ Hại chứ không phải từ xấu đến tốt như người Cộng sản vẫn rêu rao.  Không có tự do Tôn Giáo (lấy đất nhà thờ làm công viên).  Buôn dân (bán trẻ em sang Cam Bốt, Thái Lan làm nô lệ tình dục).  Bán nước (dâng hai đảo Trường Sa, Hoàng Sa cho Trung Quốc). Và gần đây nhất là cho người Tầu vào cao nguyên khai thác quặng mỏ Bauxite (có nhôm) sẽ đưa đến thảm trạng nguy hiểm cho dân Việt vì ô nhiễm không khí cũng như mất chủ quyền vì hơn 10 ngàn người Tầu trấn đóng ngay giữa nước Việt. 
Sau hai diễn giả là phần Video thật ngắn, chiếu lại ngày cuối cùng của Sài Gòn. Những chiếc trực thăng đang di tản người trên nóc Toà Đại Sứ Mỹ. Hình ảnh trại tỵ nạn Pendleton ở California cho thấy chương trình di tản đã được chuẩn bị trước.
Những người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản ngày đó đã hội nhập vào xã hội mới rất nhanh.  Chính họ và con, cháu đã thành công trong mọi lãnh vực.  Monica Mai đưa ra những tên tuổi. Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, Eugene Trịnh của thế hệ cha, ông.  Dương Nguyệt Ánh của thế hệ con, cháu. Cả trong ngành Luật như Đinh Đồng, Thể thao có Đạt Nguyễn.. và rất nhiều bác sĩ, kỹ sư tài giỏi. Từ khoa học đến nghệ thuật, đâu cũng có người Việt góp phần.
Thêm 1 đoạn phim ngắn nói đến thế hệ trẻ. Sinh ra và trưởng thành tại Hoa Kỳ (có cha mẹ là người Việt Nam) Vietnamese-Americans. Một số hình ảnh khuyến khích thanh thiếu niên giữ gìn phong tục, truyền thống, văn hoá của quê cha, đất tổ Việt Nam và đừng quên nguồn gốc của mình.
Trong phần thảo luận, một nam sinh viên muốn tìm hiểu về sự bắt đầu lại cuộc sống trên đất mới của thế hệ trước.  Ngay những công việc rất tầm thường như bán thức ăn ở Mc Donald  ngôn ngữ vẫn là trở ngại chính. Bà Phước Nguyễn, bà Xuân Lê chia xẻ những khó khăn và nhắn nhủ: Hoa Kỳ là đất của cơ hội.  Phải biết nắm lấy để đạt tới thành công. Ông Quang Lưu, một quân nhân, kể lại cuộc sống trong tù 'cải tạo', đã nghẹn ngào nói về chuyến vượt biển của mình làm mọi người rơi lệ.
Đèn được tắt đi, đến đoạn phim chiếu lại cảnh vượt biển của dân tỵ nạn năm 1979. Những chiếc ghe nhỏ chứa đầy người trôi dạt vào Mã Lai Á.  Những khuôn mặt thất thần, ngơ ngác như chưa quên được những khủng khiếp xảy ra trên đường vượt biển.  Những dòng nước mắt chảy dài trên má của 1 người đàn ông đang chắp tay lạy tạ ơn Trời cứu tử khi đến được đảo Pulau Bidong.  Đúng là một hình ảnh hơn ngàn lời nói.  Đây là 1 cuốn phim, chỉ chiếu vài phút nhưng có sức mạnh hơn cả triệu lời dối trá, che dấu sự thật của chế độ Cộng Sản. Đèn bật sáng, mắt mọi người đỏ hoe.
Phần cuối của chương trình, những ngọn nến trên tay, lửa được chuyển đến từng người. Những ánh nến lung linh trong căn phòng tối. Tất cả im lặng cầu nguyện. Riêng tôi, tôi cầu cho những người đã khuất được về nơi vĩnh hằng. Cầu cho mọi người còn sống được an cư, lạc nghiệp. Cầu cho những người lãnh đạo biết thương dân. Cầu cho người dân biết chia xẻ để cùng sống chung trong hoà bình.
Đèn bật sáng với lời cám ơn của sinh viên đại diện. Một ly nước trà, một cái bánh. Vẫn thật đơn giản nhưng rất chu đáo.  Nhìn đồng hồ, 8:30. Tất cả những điều tôi vừa kể trên chỉ xảy ra trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Ngắn, gọn, chính xác. Quan trọng hơn cả là đã đánh động vào lòng mọi người có mặt. 
Qua buổi tối này niềm hy vọng vào Tuổi trẻ Việt Nam của tôi tăng thêm rất nhiều.
Gió Đồng Nội

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,065
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo