Hôm nay,  

Vui Buồn Trên Miền Đất Cơ Hội

28/04/200900:00:00(Xem: 161449)

Vui Buồn Trên Miền Đất Cơ Hội

Tác giả: Hồ Hải
Bài số 2599-16208676- vb242709

Tác giả hiện là cư dân San Jose, 65 tuổi, vừa quyết định hưu trí sau nhiều năm học hành, làm việc tại Hoa Kỳ.  Tác giả nói về bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông: “Đây là những chuyện có thật mà tôi đã trải qua trong những năm sống trên đất Mỹ, hy vọng sẽ được chia sẻ chút kinh nghiệm, trong lãnh vực học và làm việc, đến với cộng đồng người Việt khắp nơi.” Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Đầu năm 1984 tôi vượt biên cùng với hai đứa con lớn, một trai một gái. Tôi lái tàu nên chủ tàu cho tôi được 3 ghế. Ghế chỉ là ngôn từ "thời thượng" lúc đó mấy tay tổ chức dùng để trao đổi với  những người lái tàu như tôi cho ra vẻ một chút chứ dưới ghe vượt biên thì làm gì có ghế ngồi. Nôm na là người ta cho đi được 3 người kể cả tôi vì vậy mà nhà tôi và 3 đứa con nhỏ phải ở lại chờ một cơ hội khác. Chuyến đi cũng trải qua nhiều gian nan và nguy hiểm như nhiều chuyến vượt biên khác nhưng cuối cùng rồi chúng tôi cũng đã đến được trại tị nạn Palawan, Phi Luật Tân. Chúng tôi ở lại Phi một năm để lập thủ tục đi định cư ở nước thứ ba là Hoa Kỳ.
Từ lúc còn ở trung học, môn sử thế giới, tôi còn nhớ một cách đại cương thì Châu Mỹ là lục địa mới được ông Columbus khám phá hồi cuối thế kỷ thứ 15.  Nước Mỹ thì chỉ mới lập quốc từ giữa thế kỷ thứ 18, đất rộng, giàu tài nguyên, không bị tàn phá (ngay trên lãnh thổ họ) bởi hai cuộc thế chiến nên có điều kiện thuận lợi để phát triển. Người Hoa Kỳ hầu hết là di dân từ các lục địa khác đến lập nghiệp và đa số họ đều đã thành công vẽ vang sau một thời gian cần cù làm việc vì vậy mà người ta gọi đây là Miền Đất Của Cơ Hội (Land Of Opportunity.) 
Thời gian ở trại tị nạn Palawan và Bataan, tôi có cơ hội tiếp xúc với các giáo viên và một số thiện nguyện viên người Mỹ, đặc biệt là qua các các giờ Orientation, tôi hiểu biết thêm về nước Mỹ, cũng rất tổng quát như là "người Mỹ có tinh thần tự lập cao, con cái đến tuổi 17, 18 thì ra riêng không muốn sống chung với cha mẹ nữa. Ở Mỹ muốn xin được việc làm phải có bằng cấp (degree) hoặc ít ra cũng phải có chứng chỉ (certificate) xác nhận đã có học nghề đó thì mới xin được việc làm và hành nghề mới hợp lệ. Nào là ở Mỹ chỉ sợ không có tài và không chịu khó chứ không sợ không thành công. Nào là vì có nhiều giống dân đến lập nghiệp nên Mỹ là một quốc gia đa văn hóa và vấn đề tự do, nhân quyền thì rất được tôn trọng v.v..."  Mọi người trong tâm trạng chờ lên đường đi Mỹ ai cũng đều thích nghe câu: "Ở Mỹ muốn làm giàu thì khó nhưng nghèo không cơm ăn, áo mặc lại càng  khó hơn."  Và, với mớ hiểu biết đó, tôi đã lên đường đến Mỹ định cư vào tháng 3 năm 1985. Năm đó tôi đã 41 tuổi.
*
Cháu trai tôi bảo lãnh cha con tôi từ Phi qua Mỹ. Cháu cũng là cựu sĩ quan hải quân, ra tù cải tạo trước tôi và vượt biên đến Mỹ năm 1981, định cư ở thành phố Cincinnati, Ohio. Lúc còn ở đảo, qua thư từ tôi được biết cháu đang học đại học năm thứ ba, vợ thì đi làm hãng điện tử. 
Vợ chồng cháu tôi và hai đứa con nhỏ đang ở trong một căn apartment hai phòng,  nay có thêm ba cha con tôi nữa nên trong bửa tiệc mừng cha con tôi mới đến Mỹ, cháu tôi chỉ mời có hai người bạn thân của nó đến dự. Một người được giới thiệu qua Mỹ từ năm 1975, trước kia là trung úy không quân, tốt nghiệp kỹ sư điện, đã đi làm được vài năm. Và một người khác trẻ hơn, mới đến Mỹ được 2 năm. Lúc rời Việt Nam anh ta vừa tốt nghiệp kỹ sư trường bách khoa Phú Thọ, nay đang học năm thứ hai cùng trường với cháu tôi.
Trong buổi tiệc qua vài câu thăm hỏi xã giao về cuộc sống hiện nay ở Việt Nam và ở trại tị nạn v.v... cháu tôi và các bạn nó đều xoay quanh những vấn đề liên quan đến việc học, việc làm của họ. Qua vài tuần bia, lon mới dọn lên, lon trên dọn xuống, câu chuyện bắt đầu trở nên hào hứng và thân thiện. Tôi vui miệng hỏi mọi người:
- Học bên này có khó lắm không"  
Chàng kỹ sư Phú Thọ nhanh miệng trả lời:
- Dễ lắm cậu (Các bạn của cháu tôi ai cũng còn trẻ nên họ đều gọi tôi bằng cậu). Học bên nay thật ra bài vở thì không dễ nhưng cách học thì rõ ràng dễ hiểu hơn, không từ-chương như bên mình. Cố gắng, chịu khó thì "qua cầu" hết cậu ơi!
Cháu tôi gật đầu tiếp:
- Nhưng mình là hải quân, dân ban B (tóan) mà cậu lo gì" Còn Anh văn thì cháu nhớ hồi đó cậu có làm Sĩ Quan Liên Lạc (Liaison Officer) cho hải quân Mỹ một thời gian, vừa rồi bên Phi lại đứng T.A.(Teacher Assistant) nữa. Tụi cháu học được, cậu học được mà, uống đi rồi mai mốt hãy tính.
Tôi đáp:
- Cậu chỉ suông miệng hỏi chơi cho biết thôi.
Anh chàng không quân, kỹ sư phụ họa:
- Hỏi thiệt, làm thiệt chứ chơi sao được cậu" Mình là dân nhà binh mà. Nói đánh thì đánh... còn nói buông súng không đánh nữa thì phải chạy chứ cậu lòng vòng ở đó làm gì để vô tù cải tạo bây giờ mới qua" Đã trễ rồi lại còn hỏi chơi!
Cả bàn cười thích thú với câu nói đùa đó và cùng nâng ly lên mời nhau. Tôi nhìn qua anh chàng kỹ sư Phú Thọ, hỏi thăm:
- Chú mới tốt nghiệp Phú Thọ qua đây ngay chắc là học khỏe lắm "
- Bên Việt Nam sau 75, đâu có học Anh văn, lúc mới qua đây cháu tòan chơi "body language", vì vậy mà thời gian đầu cháu chỉ lấy mấy môn khoa học như tóan, điện, vật lý né mấy môn Anh văn. Cháu còn nhớ học đến semester (lục cá nguyệt) thứ hai rồi mà giờ vật lý ông thầy Ấn Độ, ổng giảng cả mười lăm phút mà cháu không biết ổng nói cái gì, đến khi ổng viết công thức lên bảng mới biết nảy giờ ổng giảng về lực ma-sát (friction.)
Dường như ai cũng đều nghĩ là đương nhiên tôi phải đi học, không ai nghĩ tôi phải đi làm ngay. Điều đó đã ảnh hưởng đến quyết định của tôi không ít. Tôi không biết mình có nên "tranh thủ" lúc vợ con chưa qua đủ, dù sao cũng đang còn nhẹ gánh, ráng học vài năm nếu không có được cái degree thì cũng có cái certificate, có được việc làm ổn định, để sau này đời sống gia đình sẽ đở hơn" Tối đó tôi cứ trằn trọc, thao thức không sao ngủ được.
Hôm sau, cha con tôi lên USCC để ký một số giấy tờ, sau đó đến cơ quan xã hội ký nhận ngay mỗi người 200 đồng, tặng một lần cho mỗi người mới đến và nhận tiền trợ cấp cho tháng đầu tiên, gồm có tiền mặt và food stamp, đến nay tôi không nhớ rõ mỗi người được bao nhiêu. Tôi nhờ cháu tôi đặt mua ngay một thùng thuốc tây để gửi về bên nhà (lúc đó chưa gửi được tiền mặt mà chỉ có thể gửi qùa bằng thuốc tây từ bên Pháp.) Tiền còn lại tôi mua soong, nồi, chén bát và vật dụng để chuẩn bị ra ở  riêng.
Theo hướng dẫn và cũng là yêu cầu của hội USCC và sở xã hội, cha con tôi ghi danh học Anh văn ở trung tâm Anh ngữ mà họ chỉ định; nơi đây cũng sẽ hướng dẫn chúng tôi tìm việc làm. Tôi nhẩm tính tiền trợ cấp của ba cha con đủ để thuê một căn aprtment hai phòng, tiền ăn và những chi phí lặt vặt khác, nếu tiện tặn thì mỗi tháng cũng có thể còn được khỏang 50 đến100 đồng, vài ba tháng cũng đủ một thùng quà gửi về bên nhà. Nếu tôi đi học thì apply tiền financial aid, đủ để trả học phí, sách vở và di chuyển. Đứa con trai lớn của tôi khi rời Việt Nam vừa học xong lớp 12. Tôi quyết định đi học cùng với các con tôi ngay mùa hè này.
Một vài kỷ niệm đến nay đã nhiều năm mà tôi vẫn chưa quên. Giờ học đầu tiên của năm thứ nhất, lớp freshman English, sau khi học sinh tự giới thiệu xong, cô giáo cho biết trong lớp này có hai học sinh là cha con. Lần đầu tiên trong đời đi dạy của cô mới gặp trường hợp như vậy. Cả lớp ngạc nhiên thích thú xoay người nhìn quanh xem là ai. Cô giáo yêu cầu cha con tôi đứng lên cho cả lớp biết mặt. Tôi có hơi ngượng nhưng đồng thời cũng cảm thấy vui vui.
Hầu hết các lớp học cha con tôi đều lấy giống nhau và ngồi cùng phòng vì vậy tôi cũng sợ đôi lúc hoặc cha hoặc con không làm bài thi được, kẹt quá lại cầm lòng không được phải "help" nhau, lỡ bị thầy, cô bắt gặp thì chỉ có nước bỏ học. Do đó luôn luôn chúng tôi phải ngồi cách nhau ít nhất là hai bàn cho được "đảm bảo" an tòan.
Bắt đầu năm học, con gái tôi năm đó 16 tuổi, học high school từ sáng đến 3 giờ chiều nên đã nghỉ học lớp Anh văn do sở xã hội chỉ định. Tôi và đứa con trai thì buổi sáng đi học Anh văn, buổi chiều và tối qua University học. Nhiều khi tôi cứ tưởng mình như đang ở thời còn trai trẻ, đi học đại học và đôi lúc tôi cũng ngồi trầm ngâm trong thư viện mà mơ ước ... "nếu dòng đời cứ êm ả trôi thế này thì 4 hay 5 năm sau, tôi cũng có được bằng kỹ sư như ai." Lúc còn trẻ, vừa mới xong trung học, chưa biết giảng đường đại học rộng hẹp ra sao thì tôi đã vào lính. Hơn 10 năm trong lính,  gần 3 năm tù cải tạo, vượt biên đến Mỹ ở tuổi 41 thì cái bằng kỹ sư địên tốt nghiệp và được làm việc ở Hoa Kỳ  cũng là một điều mơ ước chính đáng.
Qua năm học thứ hai, thấy bài vở cũng chưa lấy gì làm khó, cha con lấy đến 18 units nhưng đồng thời cũng phải nghỉ học lớp Anh văn do sở xã hội chỉ định để có được thêm thời giờ cho các môn học vừa mới lấy thêm; vã lại lớp Anh văn do sở xã hội giới thiệu cũng chỉ cần cho những người mới đến Mỹ.
Nhưng rồi một ngày cuối tháng, khi nhận tiền trợ cấp tôi chỉ thấy có mỗi phần tiền của con gái tôi. Tôi đi khiếu nại thì mới biết là do cha con tôi đã bỏ học chương trình Anh văn do sở xã hội chỉ định từ hơn tháng nay. Theo qui định của chính phủ tiểu bang thì  đối với những người trên 18 tuổi, bắt buộc phải học chương trình Anh văn này để trường giúp tìm việc và trong thời gian chưa tìm được việc thì chính phủ còn trợ cấp. Điều này trước đó tôi thật không biết. Nay nếu tôi muốn trở lại học lớp Anh văn để xin hưởng  trợ cấp cũng không được vì như vậy tôi phải withdraw (bỏ lớp đã ghi danh) đến mấy lớp buổi sáng mà thời hạn được withdraw thì đã qua rồi. Cũng may là tôi còn để dành được chút ít tiền, cha con cũng đủ tiêu dùng cho đến hết mùa học.
Cincinnati là một thành phố tương đối nhỏ, năm đó có khỏang vài ngàn người Việt Nam, chỉ có một cái chợ nhỏ và một tiệm ăn của người Việt. Người mới đến định cư, tìm những việc làm part time không cần kinh nghiệm như bán xăng, tiệm tạp hóa, nhà hàng v.v... rất khó; ngay cả những sinh họat, thông tin liên quan đến việc xin trợ cấp, việc học, việc làm với nhau cũng rất giới hạn.
Vừa hết mùa học là cha con tôi đi tìm việc làm và semester kế đó tôi chỉ lấy 12 units, đủ để xin được tiền financial aid và còn có thể đi làm thêm nếu xin được việc. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc mượn tiền học (student loan) nhưng rồi lại thôi.  Ở Việt Nam cực quá vừa mới được đến Mỹ, chưa đi làm, học hành chưa biết ra sao nay đã mượn nợ thực sự trong lòng tôi không muốn. Tôi chưa có được cái suy nghĩ và dễ dàng chấp nhận việc đi học mượn tiền, ra trường làm trả dần như tôi có thể chấp nhận sau này. 
Tôi xin được một chân rửa chén buổi tối trong một nhà hàng Tàu từ 5 giờ chiều đến 9 giờ đêm. Thứ bảy, chúa nhật thì làm nguyên ngày. Lương được trả minimum wage $3.5 một giờ không có tip. Thứ bảy, chúa nhật nói là làm nguyên ngày nhưng thật ra chỉ bắt đầu từ 11 a.m. đến 3 p.m. thì waiter, waitress và phụ bếp, rửa chén như tôi đều phải bấm thẻ ra ngòai ngồi chơi, đến 5 p.m. vào bấm thẻ làm lại; vì vậy cũng chỉ hơn ngày thường 4 tiếng nên lương mỗi tháng cũng không được bao nhiêu.
Đầu năm học thứ ba, giờ tóan tôi thấy có một cậu học sinh Việt Nam lạ vào lớp.  Hai năm trước tôi chưa hề gặp anh ta học lớp nào trong trường. Đến giờ nghỉ tôi đến hỏi thăm, được biết anh ta vừa mới transfer từ Community College (đại học cộng đồng) lên và, trường này chương trình học chỉ có 2 năm thì lấy được bằng AA hoặc AS (bằng cán sự), nếu học chậm cũng chỉ mất 3 năm. Tối đó tôi liên lạc hỏi cháu tôi (đã ra trường và đi làm xa) về cái trường Community College này. Cháu tôi trả lời: "cháu biết chứ, trước kia cháu cũng học ở đó 2 năm rồi mới transfer nhưng sau này biết trường mình được thi vô trực tiếp thì tại sao phải học trường đó làm chi""
Giải thích của cháu tôi cũng hợp lý nhưng lại không thích hợp với hòan cảnh của   tôi lúc này. Nay nếu tôi muốn qua trường đó học cho mau ra trường để đi làm cũng phải chờ đến mùa sau. Tìm hiểu tôi còn được biết thêm, mặc dù tôi đã học được trên 60 units nhưng nếu muốn lấy bằng AS tôi phải học thêm mất hơn một năm nữa vì nhiều môn tôi đã học theo chương trình 4 năm, bằng AS không cần, các môn G.E. (General Education) cũng chưa lấy lớp nào. Mùa sau  mới chuyển qua, nếu tính thời gian thì tôi phải mất đến 2 năm.  Tôi lấy làm tiếc lẫn một chút ân hận là hơn hai năm trước, nếu  tôi biết có trường này thì  tôi đã không học ở University và nay đã có được cái bằng cán sự để đi tìm việc làm, rất thích hợp với hòan cảnh và tuổi tác của tôi. Không có cái học nào vô ích nhưng mà tôi thì đang chạy đua với thời gian...

Trong chuyến ghe tôi vượt biên có một cựu quân nhân hạ sĩ quan hải quân. Lúc ở trại tị nạn anh ta học Anh văn lớp tôi đứng T.A., sau đó anh đi định cư bên California. Anh ta đang làm cho một nhà hàng ăn của người bà con. Tôi và anh ta thỉnh thỏang liên lạc nhau. Nhà hàng đang cần một người có uy tín, đã có làm qua nhà hàng càng tốt, khá Anh văn để làm quản lý, trông coi tiệm cho người chủ đi mở thêm tiệm thứ hai. Anh ta đã sốt sắng giới thiệu tôi.  Sau khi phỏng vấn tôi qua điện thọai, người chủ đồng ý thuê và muốn tôi qua làm sớm. Tôi bay đi Cali nhận việc ngay lúc vừa hết semester đó. Hai con tôi thì ở lại Cincinnati tiếp tục đi học.
Ngồi trên máy bay đi Cali, qua cửa sổ, nhìn khối mây trắng đục bên dưới đang bay ngược về phía sau mà tôi cảm tưởng như mình đang từ từ đẩy lùi cái quá khứ không mấy sáng sủa để đến gần vùng trời bao la, trong xanh trước mặt như một tương lai đầy hứa hẹn. Tôi nhớ ngày từ Phi bay qua Miền Đất Cơ Hội này để lập nghiệp, tôi cũng có ý nghĩ tương tự nhưng rồi nay đã gần 3 năm, tôi vẫn chưa có được một cái certificate nào để bỏ túi thì không biết những ngày sắp tới sẽ ra sao" Tôi cảm thấy mình, ngay từ đầu, dường như đã bước sai một bước nhưng rồi lại tự nhủ: "dù sao ba năm cũng chưa phải là dài, mình còn nhiều cơ hội mà."
*
Tôi làm quản lý cho nhà hàng được 3 năm thì gia đình vợ con tôi được qua đòan tụ theo diện tôi bão lãnh qua hội USCC.
Khi đến Mỹ được một tháng thì tôi đã có thẻ xanh, có lẽ vì tôi thuộc diện vượt biên và lúc đó tiểu bang có ít người tị nạn đến định cư nên họ giải quyết nhanh chăng" Và tôi cũng đã được làm đơn bão lãnh vợ con liền ngay sau đó. Hai năm sau nữa, kinh tế gia đình tương đối đủ sống, con cái đã đi học được ổn định; dường như cái "nợ sách đèn" tôi chưa trả xong và, thú thật nhiều lúc tôi cũng thấy tiếc và "trăn trở" về những năm học dở dang lúc trước lắm nên tôi bàn với nhà tôi là tôi muốn đi học lại. Nhà tôi vui vẽ đồng ý. Thế là tôi lại khăn gói đến trường lần nữa, ở cái tuổi cũng đã gần năm mươi.
Năm năm tôi làm quản lý nhà hàng tuy chỉ là business nhỏ nhưng ít nhiều công việc cũng liên quan đến marketing, sales, tổ chức, quản trị hơn là ngành điện tử mà tôi đã học trước kia nên tôi quyết định không học lại điện tử mà học ngành tổ chức, quản trị (organizational management); vì là cử nhân khoa học (B.S) nên trường nhận tất cả các môn khoa học tôi đã học ở University of Cincinnati và như vậy tôi chỉ học khỏang hai năm hoặc hai năm rưỡi nữa là xong.
Khi gần ra trường sinh viên phải viết "research project" và có được một "sư phụ" cố vấn giúp đỡ. Sư phụ của tôi là một bà giáo sư, vừa là luật sư nhà ở thành phố Oakland cách San Jose khỏang một giờ lái xe. Công việc giúp một sinh viên hòan chỉnh một cái research project cần phải góp ý, thảo luận trực tiếp trong nhiều giờ; khó có thể hướng dẫn ở lớp được. Tôi lại là học sinh Á châu lớn tuổi nên đã được sư phụ chiếu cố đặc biệt hơn. Bà độc thân và ở một mình trong căn apartment sang trọng, không muốn cho sinh viên lên phòng nên khi cần gặp người nào để hướng dẫn riêng, bà thường hẹn gặp sau giờ cơm chiều ở quán cà phê Starbucks gần nhà bà.
Một tối nọ sữa bài xong tôi ra về lúc 10 giờ đêm. Đang lái xe trên xa lộ 880 từ Oakland về San Jose thì trời đổ mưa lớn, không thấy đường lái, tôi tấp xe vào lề đường đậu chờ mưa tạnh. Đói bụng, mệt, tôi mở radio nghe nhạc, gặp lúc Phương Hồng Quế đang hát bài Chiều Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông "... khi lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần mưa bay gió cuốn.. còn nhiều anh ơi..."  Hòan cảnh của người lính khi xưa  khác xa với tôi bây giờ nhưng sao tôi thấy  câu hát đó đúng với tâm trạng mình lúc này quá và thấy buồn ngang xương. Tôi lẩm bẩm: "Có tơ vương khanh tướng gì nữa đâu" Đi kiếm cái mảnh giấy chứng nhận để  tìm việc làm thôi, chỉ tại đường trần nhiều mưa bay gió cuốn quá!"  Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.  Tuy có hơi "cải lương" nhưng không hiểu sao kỷ niệm nho nhỏ đó cứ nằm mãi trong trí nhớ mỗi khi tôi phải "phấn đấu" để vươn lên từ một thất bại.
Và cũng thật may mắn, ra trường khỏang một tháng sau thì tôi được công ty viễn thông Snyder Communication LP. thuê làm Sales Manager. Nhiệm vụ quản trị và điều hành một cái sales account và có khỏang 9,10 nhân viên, vừa có basic salary vừa có commision và bonus. Công việc có vẻ cũng OK lắm nhưng không hiểu sao một ngày không đẹp trời nọ, công ty tuyên bố thua lỗ phải đóng cửa. Tôi làm cho công ty này chưa được hai năm.
Tôi gọt dzũa lại resume để đi tìm job mới. Với cái background chỉ có hai năm sales manager và 5 năm quản lý nhà hàng, nay xin vào cơ quan hay hãng xưởng tôi cũng tự biết không phải là chuyện dễ. Mỗi ngày tôi gửi đi từ một đến hai cái resume, liên tiếp trong vòng nhiều tháng, chắc cũng phải trên 100 cái. Job chính phủ thì nhiều lần đậu thi viết nhưng lại cứ rớt vấn đáp.
Tôi apply nhiều việc, nhiều positions và nhiều hãng khác nhau quá nên resume, phần kinh nghiệm cũng phải thêm bớt cho thích hợp; vì vậy khi có hãng nào gọi đi phỏng vấn hoặc là phỏng vấn trước trên điện thọai, tôi phải biết chắc là trong resume gửi cho hãng đó tôi xin việc gì và đã khai mình có kinh nghiệm như thế nào" Do đó tôi không bao giờ dám bóc những cú phone gọi đến, cứ cho họ để lại lời nhắn tên và số phone hoặc tên hãng. Tôi tìm cái resume gửi cho hãng đó xem kỹ, chuẩn bị tư tưởng xong rồi mới gọi lại cho họ. Thư "thank you" đến trong hộp thư của nhà tôi cũng nhiều bằng các flyers quảng cáo.
Loay hoay mà tôi thất nghiệp cũng đã 6 tháng. Ở Mỹ thất nghiệp 6 tháng không phải là chuyện lạ nhưng cũng không phải là chuyện không đáng nói. Có lúc tôi cảm thấy mình bị mất tự tin và như đang chới với trên cái Miền Đất Cơ Hội này. Một ngày nọ đọc báo tôi thấy IBM có mở "job fair".  Đến nơi thấy không có job nào liên hệ đến management mà chỉ có software engineer, technician và operator. Tuy là job operator nhưng phải qua một cái test căn bản về điện, tóan, vật lý, safety v.v... để chạy máy trong "clean room" nên lương được trả 11 đồng/ 1 giờ, đầy đủ benefit. Trong lúc đó lương technician mới ra trường làm ở các hãng khác cũng chỉ khỏang 12 đến 14 đồng/1 giờ. Xét thấy mình chỉ có thể "qualify" cho việc này nên tôi đành phải apply.
Làm ở IBM tôi biết được hầu hết manager đều là kỹ sư. Supervisor thì được bổ nhiệm từ technician qua. Làm công việc chạy máy nhàn hạ và không có overtime nên tôi có thời giờ quay lại San Jose City College lấy các lớp Lab và một vài môn còn thiếu để có được cái bằng AS. G.E. thì tôi đã lấy đủ cho bằng BS trước đây. Điều nghịch lý đến tức cười là người ta thì học bằng AS trước rồi học lấy bằng BS sau còn tôi thì ngược lại. Từ xưa đến nay tôi chưa bao giờ đi xem tử vi, bói tóan nên tôi không biết được con đường học vấn của tôi nó ba chìm bảy nổi đến như vậy.
Dù sao thì trời cũng không phụ người chịu khó, ba tháng sau kể từ lúc tôi nộp cái bằng AS đó cho phòng nhân viên thì tôi được cất nhắc lên làm supervisor thay cho cô supervisor đi qua hãng khác và tất nhiên lương của tôi cũng được lên theo.
Khỏang sáu tháng sau, tình cờ trong một sinh họat cộng đồng tôi gặp một người bạn cũ cùng trong quân đội, qua Mỹ từ năm 1975. Anh là technician ngành điện tử, làm cho hãng Cisco đã nhiều năm, bị laid-off và vừa mới qua Compaq được vài tuần, lương đến 22 đồng/1 giờ. Anh sốt sắng giới thiệu tôi cho người recruiter của hãng. Tôi may mắn được nhận mặc dù bằng AS của tôi chưa được 6 tháng và cũng chưa làm job technician ngày nào. Lương được trả như vậy là gấp rưỡi lương ở IBM vì vậy dù phải làm shift ba (được trả thêm 15% lương căn bản) tôi cũng phải nhận.
Khi nhận việc tôi gặp manager của shift tôi, người Hoa, cũng là manager từ IBM vừa mới qua. Sau vài tháng làm việc, anh ta thích tôi có lẽ vì thấy tôi vừa chịu khó, vừa được việc nên anh cho tôi làm overtime tối đa, mỗi ngày 12 giờ, 7 ngày một tuần. Cuối năm khai thuế tôi thấy thu nhập của mình còn nhiều hơn là của kỹ sư có lâu năm kinh nghiệm. Thật đúng là "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh."
Nhưng rồi những ngày tháng đó cũng chỉ kéo dài được hơn 2 năm, lại một ngày không đẹp trời nữa đã đến. Buổi chiều mới vào hãng, chúng tôi thấy có nhiều nhân viên an ninh lẫn cảnh sát lòng vòng trong hãng, phòng cafeteria thì thấy có mấy cái bàn trải khăn trắng khác lạ hơn thường ngày, chúng tôi biết ngay là có chuyện chẳng lành, ít nhất cũng có một số người bị laid-off.  Sự thật còn tệ hơn thế nữa. Compaq đã bán lại cho Hewlett Packard (HP).  Trước lúc nhận giấy laid-off, anh manager còn chưa biết chuyện mua bán này nên anh đã giải thích như là phân bua với chúng tôi: "Tôi thành thật nói cho các anh biết là tôi không hề ý kiến hay đề nghị gì đối với bất cứ ai về sự kiện hôm nay."  Làm việc với nhau đã lâu, chúng tôi tin những điều anh ta vừa nói. Chúng tôi bắt tay anh, chúc may mắn và hẹn gặp lại nhau trong tương lai gần ở một công ty nào đó. 
Sau khi nhận cái bì thơ laid-off dày cộm, chúng tôi trên 15 technicians kéo nhau ra parking đứng hút thuốc bàn tán đủ mọi thứ và đang sắp sửa kéo nhau đến một quán nào đó còn mở cửa (vì đã gần 2 giờ sáng) để ăn uống một bửa rồi chia tay thì chúng tôi thấy anh manager của chúng tôi xách cặp đi ra, vội vã đi về hướng chúng tôi. Chúng tôi chưa kịp hỏi thì anh ta đã lên tiếng:
- I am also laid-off like you, guy! Where are you going"
- Oh really" We are going to the restaurant to celebrate and say good bye. Do you want to come with us"
- Why not"
Vậy là thầy trò chúng tôi gặp lại nhau rất nhanh không cần phải đợi đến một tương lai gần ở một công ty nào đó như vừa mới hẹn nhau lúc nảy.
Thời gian kể từ đầu năm 2002 kinh tế bắt đầu đi xuống, hãng xưởng cũng xuống theo. Một số ít technician trong nhóm tôi, những người trẻ thì tìm được việc làm nhưng  số khác còn lại, cở tuổi 55 trở lên thì đi xin tiền thất nghiệp, hết thời hạn hưởng thất nghiệp rồi thì nằm nhà chờ cho đến tuổi 62 để apply hưởng tiền hưu non.
Ở Mỹ, lứa tuổi trên dưới 55, già thì chưa phải già mà trẻ cũng không phải trẻ bởi vậy mà đi xin việc làm đã khó, nằm nhà chờ cho đến ngày hưởng hưu non thì lại càng khó hơn! Anh nào cũng bắt chước ông thi sĩ nào đó than: "không biết làm gì cho hết nửa đời sau." Mặc dù nửa đời sau của các ông chỉ còn có khỏang mười, mười lăm năm.
Thất nghiệp nằm nhà suy nghĩ mãi rồi cũng ra cách. Tôi còn nhớ khi học năm thứ tư, thi cuối học kỳ (final) có đề bài: "Tự chọn một company hay một small business tùy ý, đang sắp bị thất bại;  anh đang là manager hoặc là manager mới được thuê, ông Boss muốn anh phân tích lý do (thất bại), cho ý kiến mới, viết thành kế họach để đưa nó lên lại."  Vốn sẳn có 5 năm kinh nghiệm nhà hàng trước đây, tôi bèn chọn nhà hàng Phở Việt Nam để viết. Tôi đã được điểm A+ .  Nghĩ là làm. Tôi bèn bàn với nhà tôi (phải vợ chồng đồng lòng thì mới tát được cái "biển đông" này vì tôi đã biết, nhà hàng thành công thì vàng son, thất bại thì thê thảm lắm mà sác xuất thành công thì lại thấp), rút hết tiền 401 K, bán mớ stock đang bị xuống giá vùn vụt, gom ít tiền dành dụm lâu nay đi mở một nhà hàng để tự làm chủ. Thành công thì hưởng, thất bại thì ... chạy, từ nay sẽ không còn sợ bị ai lay-off nữa.
Trước kia tôi làm quản lý tuy cũng cực và trách nhiệm nhưng dù sao thì cũng làm thuê; nay làm chủ thì phải cực và trách nhiệm hơn rất nhiều lần. Ngày đến Mỹ công việc đầu tiên tôi làm là rửa chén part time ngày 4 tiếng cho nhà hàng. Nay được làm chủ, làm full time mỗi ngày 13 tiếng, 7 ngày một tuần. Có lúc nhà tôi nói đùa: "Vậy là anh cũng đã đi được từ "bottom" lên đến "top" rồi".  Muốn nói không phải do phần số cũng không được.
Thời gian làm nhà hàng, nhờ vợ chồng đều chịu cực và cũng nhờ có chút kiến thức về tổ chức, quản trị business mà tôi đã điều hành tiệm trong suốt hơn 7 năm, coi như là thành công. Đến cuối năm 2008, khi thấy sức khỏe của mình không còn thích hợp với công việc nhà hàng nữa và cũng sắp đến tuổi phải nghỉ hưu nên tôi đã thực sự chịu "rửa tay, gác kiếm."
Hoa Kỳ đúng là Miền Đất Của Cơ Hội. Nếu có tài năng và chịu khó thì không thiếu gì đất để dụng võ. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm bắt được cơ hội một cách dễ dàng. Chăm chỉ, cần cù làm việc là chuyện đương nhiên nhưng cũng không thể chủ quan để nói đường đời không có may có rũi. Đôi khi mình chỉ "bước sai một ly mà đi đến một dặm."  Tục ngữ Việt Nam mình cũng còn có câu: "Bôn ba không qua thời vận", trong nhiều trường hợp, cũng thật đáng cho ta suy gẫm./.
HẢI HỒ

Ý kiến bạn đọc
05/04/201709:25:08
Khách
Bài viết hay, nhưng không thấy ai có ý kiến, có lẽ lâu quá không được lưu lại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,247,186
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến