Hôm nay,  

17 Vòng Thăm Viếng Khắp Nước Mỹ

19/04/200900:00:00(Xem: 47675)

17 vòng thăm viếng Khắp nước Mỹ

Tác giả: Đoàn Thanh Liêm
Bài số 2591-16208668- vb841909

Tác giả là một luật gia,  nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm Giáp Tuất 1934, tại  Nam Định. Tốt nghiệp Luật khoa Saigon 1958. Du học Mỹ 1961-62. Từng là chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62), Quản lý Chương Trình Phát Triển Quận 6,7,8 Saigon  (1965-71); Giám Đốc Văn Phòng Nghiên cứu và Liên lạc Hội Đông Tôn giáo Thế giới tại  Saigon (1972-74) (World Council of Churches);  Gia nhập Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon  (1969-75); Tham gia nhiều tổ chức va7n hoá quô1c tế; Tù nhân chính trị ở Việt nam (1990-96); Hiện là thành viên Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI Summer Peacebuilding Institute) tại Đại học EMU, Harrisonburg Virginia và tại Knoxville, Tennessee  (2001-2009).

***

      Gia đình chúng tôi đã tới định cư tại miền nam California phía West Coast nước Mỹ (Bờ biển Miền Tây) từ năm 1996. Vì chúng tôi cũng có con cháu sinh sống tại San Jose, nên tôi thường có dịp đi lại giữa hai miền Nam-Bắc California, mỗi năm ít nhất cũng tới 5-7 lần. Nhưng ngòai ra, thì tôi lại có dịp đi khắp nước Mỹ, qua rất nhiều tiểu bang. Và tính ra, cho đến nay tôi đã đi đến 17 vòng qua trên 30 tiểu bang ngòai California của lục địa nước Mỹ rồi. Bằng đủ mọi phương tiện chuyên chở như máy bay, xe lửa, xe bus và cả xe hơi, tôi đã đi thăm khá nhiều thành phố và cả miền nông thôn trong nhiều khu vực như bờ biển Miền Đông, Miền Tây (East/West Coast), miền Trung Tây (Midwest), Miền Nam (South), Miền Bắc (North) v.v...Việc chính yếu của tôi là đi thăm viếng gặp gỡ với bà con, bạn hữu xa gần, và tham gia công việc nghiên cứu trao đổi tại các Đại học, Viện nghiên cứu mà phần lớn đều tọa lạc tại miền Đông nước Mỹ.
Trừ có vài ba lần tôi trú ngụ tại khách sạn Carter ở New York do ông bà Trần Đình Trường cho ở miễn phí, còn thường là tôi ngụ tại nhà bà con bạn hữu, kể cả các bạn người Mỹ. Đó là thói quen của một người họat động xã hội lâu năm như tôi, thì luôn tìm mọi cơ hội tiếp cận với bà con qua lối "vãng gia" (home visit), hầu có nhiều thời gian tâm sự, chuyện trò trong khung cảnh thân mật ấm cúng của riêng từng gia đình một. Điều này cũng tương đối dễ thực hiện, bởi lẽ phần đông các bạn hữu của tôi thì đều đã lớn tuổi, đã về hưu và con cái đã trưởng thành, lập gia đình và có nhà riêng, chứ không còn ở chung nhà với cha mẹ nữa. Nhờ vậy mà còn giảm được rất nhiều chi phí các lọai dọc đường.
Cụ thể là tôi đã đến thăm bà con bạn hữu ở Texas đến cả chục lần.Đến thủ đô Washington DC cũng rất nhiều lần, vì chuyện nghiên cứu tại Thư viện Quốc hội cũng như tham dự các buổi hội thảo và thăm viếng bạn hữu. Các thành phố lớn như San Diego, Los Angeles, San Francisco, Seattle, Minneapolis-Saint Paul, Chicago, New York, Boston, Washington DC, Pittsburgh, Kansas, Denver, Atlanta, Orlando, New Orleans, Houston, Dallas v.v..., thì đều có vết chân rong ruổi đường trường của con người sinh vào năm Tuất, tức là cầm tinh con chó như tôi. Vì thế, tôi hay nói đùa với các bạn là : số tôi là một thứ con chó chạy rông hòai hòai thôi (running dog). Và với các bạn Mỹ, thì tôi bảo họ rằng tôi là "Johnny Walker" (Johnny Đi Bộ), nghe vậy ai cũng cười ngất.
     Trung bình mỗi vòng đi là hết một vài tháng. Nhưng có lần tôi đi một mạch suốt cả ba tháng liền. Lần đó là vào mùa Hè năm 2000, xin được ghi lại" chuyến đi lịch sử" này với các chi tiết như sau: Từ California, tôi bắt đầu dùng xe bus Greyhound đi lên hướng Bắc tới thành phố Portland tiểu bang Oregon và ngụ tại đây vài ngày tại nhà của cháu Mỹ Ngọc là con của anh chị Nguyễn Kim, bạn học cùng khóa 13 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức với tôi từ năm 1962. Tiếp theo, tôi lại đi Seattle và ngụ tại nhà cháu Đòan Kiến Nam là trưởng nam của người anh cả của tôi. Tại đây, tôi cũng thăm gia đình anh Phan Văn Hài có siêu thị bán thực phẩm khá lớn gần khu downtown. Anh Hài là con Bác Lý Chư, anh em con dì với bố của tôi; như vậy anh với tôi là "second cousin". Tôi cũng đến thăm vợ chồng cháu Lan Anh là con Anh Thụy, ông anh của bà xã nhà tôi. Về phía bạn hữu, thì tôi gặp được anh Trần Tuấn là bạn đồng môn và đồng hương tại Xuân Trường   Nam Định ở ngòai Bắc hồi trước 1954. Cũng dịp này, chúng tôi còn được anh chị Mai Như Mạnh lái xe từ Vancouver bên Canada sang chơi với anh Tuấn và tôi nữa. Anh Mạnh đã từng làm việc chung với tôi ở Chương Trình Phát Triển quận 6,7,8 Saigon từ năm 1965. Từ Vancouver, lái xe chừng hơn 3 giờ là tới Seattle thôi.
Đáng ghi nhớ nhất tại Seattle, tôi hay được cháu Nam chở ra ngòai biển để câu cua trên chiếc tàu du ngọan của cháu. Nam chỉ việc thả mồi trong mấy chiếc lồng sắt, rồi quăng xuống biển. Chừng 45-50 phút sau thì vớt lồng lên, và thường trong lồng nào cũng có 1-2 con cua. Nhưng quy định của cơ quan về thủy sản chỉ cho phép bắt lọai cua đủ lớn, nên các con nhỏ hơn thì phải thả lại về biển. Mỗi lần câu, thì mỗi người chỉ được bắt có 3 con thôi, nên hai chú cháu chúng tôi được bắt 6 con. Vậy cũng là dư xài cho mỗi ngày rồi. Khi chờ đợi kéo lồng sắt lên, thì cháu Nam cho tắt máy tàu để cho nó bập bềnh nổi trôi theo sóng nước, thật là yên tịnh êm ả kỳ thú mà đôi lúc tôi có thể ngủ thiếp đi.
Từ Seattle, tôi mua vé xe lửa Amtrak cho cả tháng để đi về phía Đông qua Minneapolis, Chicago và New York v.v...Xe lửa vào mùa Hè thì rất đông hành khách lên xuống dọc theo lộ trình dài trên 3000 dặm từ West Coat đến East Coast. Các toa xe lửa được trang bị nhiều tiện nghi cho hành khách đi du lịch đường xa, như phòng ngủ, nhà tắm, phòng ăn, phòng bán đồ giải khát và đồ ăn nhẹ (snack); đặc biệt là toa vọng cảnh (sightseeing compartment) ở vào toa trên lầu khỏang giữa đòan tàu với cả ghế bành để ngồi đọc sách báo, coi Tivi v.v...Dọc đường, xe lửa vẫn thường ngưng tại nhiều ga để cho hành khách lên xuống. Tại một số ga quan trọng, thì xe đậu lại đến 30-45 phút, nên hành khách có thể rời khỏi toa tàu để xuống phố ngắm cảnh hoặc ăn uống, mua sắm tùy thích, miễn là phải trở lại tàu cho đúng giờ trước khi con tàu tái khởi hành. Trên tàu vào mùa Hè, thì thường có cả ba thế hệ trong một gia đình gồm ông bà, cha mẹ và con cái; nên rất là sinh động, nhất là các cháu nhỏ lúc nào cũng líu lo chuyện trò tíu tít. Hành khách có nhiều thời giờ, tha hồ mà chuyện trò tâm sự với nhau suốt hành trình kéo dài có khi đến vài ba ngày.
Phong cảnh hai bên đường xuyên lục địa phía Bắc này thật là phong phú đa dạng, qua không biết bao nhiêu núi rừng, sông ngòi, thác ghềnh, các vùng thảo nguyên xanh biếc, cũng như các miền đồng bằng mênh mông ngút ngàn. Đặc biệt là đọan băng suốt tiểu bang Montana, sao mà nó dài đằng đẵng, con tàu miệt mài chạy hòai, mà vẫn cứ còn nằm trong lãnh thổ của cái tiểu bang được coi là " miền đất rộng, người thưa " này.Các đàn bò, đàn ngựa, đàn dê cừu tung tăng gặm cỏ, nhởn nhơ dửng dưng, lặng lẽ như không hề biết gì đến sinh họat tấp nập của những con người trong cái con tàu hối hả chạy với tốc độ cao cỡ 60-70 dặm mỗi giờ của cả ngàn hành khách chúng tôi. 
Đến Minnesota, tôi xuống ga chính tại thành phố đôi (twin cities) Minneapolis-Saint Paul và được anh Nguyễn Thành Lộc đón đem về nhà. Anh chị Lộc là bạn quen thân thiết từ lâu, hồi chúng tôi cùng làm việc tại Quận 6 Saigon năm 1966 và rất gắn bó với nhau trong công cuộc tái thiết tại địa phương sau vụ Tết Mậu Thân 1968. Anh chị mở một nhà hang ăn rất đông khách, tên là Pink Flower Restaurant. Tại đây vào một trưa Thứ Bảy, anh Lộc đã mời thêm mấy người bạn quen biết với tôi từ lâu như anh chị Nguyễn Đình Trí nguyên là Ủy viên Chánh phủ của Tòa Án Quân sự, anh Phạm Văn Vy trước làm ở Tổng Liên Đòan Lao Công với Ông Trần Quốc Bửu, anh chị Steve Young là bạn lâu năm với tôi ở Saigon hồi trước Tết Mậu Thân, mà tôi có tham dự đám cưới của anh chị hồi năm 1972-73 thì phải.Anh chị Lộc là người tín đồ rất sùng Đạo Phật và đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc phát triển sinh họat Phật sự tại Minnesota, điển hình là việc xây dựng được một ngôi chùa khá rộng rãi khang trang, mà cứ cuối tuần thì thiện nam tín nữ tới cầu kinh, học giáo lý, đi thiền hành. Lại còn mở các lớp dậy Việt ngữ cho con em trong vùng. Chùa này hòan tòan do các cư sĩ đứng ra thành lập và điều hành, chứ không phải là do một vị tăng sĩ lập ra và quản trị lấy. Cũng tại thành phố này mà tôi gặp lại được chị Xuân là con gái của bà chị họ của tôi hiện vẫn còn ở lại Việt nam. Chồng của Xuân là anh Phạm Văn Yến hiện làm Giám Đốc Trung Tâm Xã Hội Việt Nam ở Minnesota. Và khi ghé thăm Trung Tâm này, thì tôi lại gặp được Anh Phạm Quý Minh cũng lại là bạn học xưa tại khóa 13 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, mà còn cùng phục vụ  trong ngành Hành Chánh Tài chánh như tôi nữa.
Sau mấy ngày ở Minnesota,  tôi lại đi tiếp đến Chicago. Tại đây, tôi phải đổi tàu để đi tới thành phố Urbana-Champaign (UC) cách xa chừng 100 dặm về phía Nam Chicago để thăm anh chị Nguyễn Mừng/Quýt. Anh Mừng làm việc tại Đại học Illinois UC (UIUC), như là một chuyên viên về nông nghiệp, đặc biệt về cây bắp và đậu nành vốn là chuyên ngành lâu năm, mà anh đã học về ngành canh nông ở Mỹ trước năm 1954. Chị Quýt cũng du học tại Mỹ trước đây và về nước làm giáo sư tại trường Bùi Thị Xuân Đalat, bây giờ làm cho Sở Xã hội tại địa phương, đặc trách về dịch vụ cho người di dân. Thành phố này thật là êm đềm tĩnh lặng, khác biệt hẳn với sự náo nhiệt của Chicago.


Rồi tôi lại tiếp tục lên Chicago để chuyển tàu đi tiếp đến New York. Đọan đường này băng qua nhiều thành phố thuộc các tiểu bang Illinois, Indiana, Pennsylvania, New Jersey và càng về phía Đông, thì mức độ đô thị hóa càng rõ nét hơn. Hành khách trong đọan đường này hay có người Amish với các bà thì mặc quần áo thời thế kỷ 18, 19 xưa, với áo đầm dài sát đất và nón đội trên đầu giống hệt như của mấy ma soeur. Còn mấy ông thì thường để râu quai nón và nai nịt bộ đồ veste thật nghiêm túc. Họ thường đi từng đòan chung với nhau. Tới Penn Station ở New York, thì đã có Dick Hughes là bạn lâu năm ở Việt nam đợi sẵn và đưa về nhà anh tại khu phía Bắc Manhattan. Tại đây, tôi lại gặp Linh mục Lương Tấn Hòang cũng mới từ bên Pháp qua. Chúng tôi cùng làm việc chung với nhau trong tổ chức trợ giúp các em Bụi Đời ở Saigon trước 1975, mà người Mỹ thường biết đến với cái tên "Shoeshine Boys Foundation" (SBF). Dịp này lại trùng với kỷ niệm Cách Mạng Pháp 14 Tháng Bảy (Quatorze Juillet), nên một số đường ở New York lại tổ chức triển lãm cùng với việc bán đồ lưu niệm xuất xứ từ nước Pháp. Dick và tôi mới nói đùa với cha Hòang là :"Ông sang Mỹ lần này là để tổ chức kỷ niệm năm thứ 211 Cách Mạng Pháp đấy (1789-2000)!" Dick còn dẫn tôi đến thăm nhà báo kỳ cựu Gloria Emerson hồi trước là ký giả cho tờ New York Times ở Việt nam. Chị Gloria đã tiếp tôi rất niềm nở thân tình, nhắc lại những kỷ niệm xưa ở Saigon hồi Tết Mậu Thân 1968. Sau đó Dick dẫn tôi đi ăn trưa với Luật sư Dinah Pokempner là Cố vấn trưởng của Tổ chức Human Rights Watch (General Counsel). Dinah là người phụ trách chính yếu về hồ sơ của tôi tại HRW trong thời gian tôi bị giam giữ ở Việt nam 1990-96. Sau đó, Dick còn dẫn tôi đến thăm David Unger là Phụ tá chủ bút của NYTimes nữa, vì David là một trong những nhà báo đã bênh vực cho tôi rất nhiều, cũng giống như Dinah ở HRW vậy. Nói chung, thì ai nấy đều mừng thấy tôi đã phục hồi sức khỏe sau mấy năm qua định cư ở Mỹ và đang tiếp tục trở lại với công việc họat động xã hội như thời trước 1975 ở Việt nam.
Sau New York thì tôi lại đi tiếp về phía Nam xuống mãi tận Florida để kịp tham dự Đại hội Thành lập Ủy Ban Tranh đấu cho Tự do Tôn giáo ở Việt nam tại thành phố Orlando. Bác sĩ Đỗ Văn Hội đã đón tôi về ở nhà Anh Chị Bửu Sao cũng là bạn quen biết từ hồi bọn tôi học Đại học ở Saigon thập niên 1950.New York đến Orlando cũng xa tới gần 2000 dặm, dọc theo bờ biển miền Đông nuớc Mỹ, xuyên qua nhiều tiểu bang, xe lửa đi cũng hết trên 30 giờ.
Xong công việc tại đây, tôi lại đi xe ngược trở lên phía Bắc tới Washington DC, thủ đô của Liên Bang Hoa Kỳ. Thành phố này đày ắp kỷ niệm của cái thời tôi là một sinh viên du học tu nghiệp vào năm 1960-61. Mà bây giờ vì lý do an ninh, nên một số đường phố đã bị các ụ cản hạn chế lưu thông, làm cản trở cả khách bộ hành nữa và nhất là làm mất vẻ mỹ quan, thanh lịch của cái thời yên hàn thanh bình những năm 1950-60 thuở trước.
Tại khu vực thủ đô này, tôi đã gặp lại nhiều bạn hữu xưa như bạn cùng học thời Trung học như Bác sĩ Ngô Đình Thuấn, Đại Tá Hải quân Bùi Hữu Thư, bạn học ở Trường Luật như Chị Lê Mỹ Nhan, Anh Nguyễn Cao Quyền, các bạn tù như các Anh Vương Đức Lệ, Đòan Viết Họat. Tôi cũng gặp lại Anh Chị Lê Dõan Kim, Họa sĩ Vũ Hối, Anh Chị Đỗ Ngọc Long, Anh Chị Đinh Từ Thức, Anh Chị Vũ Thụy Hòang, Anh Chị Uyên Thao, Anh Chị Jackie Bông/Lacy Wright, Anh Chị Hòang Song Liêm, Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, Anh Chị Trần Tử Thanh, Anh Chị Phạm Đình Lộc, Anh Chị Lê Quyền, Luật sư Đỗ Ngọc Phú, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Ginny Hughes là em của Dick v.v... Đăc biệt, tôi còn đến thăm trụ sở của Human Rights Watch với người tiếp tôi bữa đó là Chị Sara Colm đặc trách văn phòng về Đông Dương. Dĩ nhiên là tôi lại đến thăm viếng Thư Viện Quốc Hội là nơi xưa kia tôi đã tập sự mấy tháng ròng rã trong lúc tu nghiệp tại Quốc Hội Mỹ. Quả là Thư Viện QH ngày nay đã phát triển gấp bội so với mấy chục năm trước. Và tôi đã làm thẻ bạn đọc để được thường xuyên lui tới tham khảo tài liệu tại cơ sở văn hóa vào lọai tiến bộ và phong phú nhất trên thế giới ngày nay. Và từ năm 2000 đến nay là 2009, thì tôi đã thường xuyên trở lại cơ sở này để tiếp tục công việc nghiên cứu chuyên môn về luật pháp và chính trị của mình.
Cũng trong mùa Hè năm 2000, tôi còn đi thăm viếng bạn hữu tại nhiều tiểu bang khác ở miền Nam, miền Trung Tây trong suốt 2 tháng còn lại, vứa bằng xe lửa, vừa bằng xe bus Greyhound. Cụ thể như thăm Anh Chị Pat và Earl Martin tại Harrisonburg, Virginia; Anh Chị Vũ Quý Kỳ ở Atlanta, Georgia; Anh Chị Trần Văn Thuận ở New Orleans, Louisiana; Anh Chị Đỗ Huy Hòang, Anh Chị Nguyễn Văn Cường ở Oklahoma; Anh Chị Nguyễn Hải Triều ở Kansas City; Anh Chị Jackie Chagnon và Roger Rumpf ở Warrensburg, Missouri... Về phía bà con, thì tôi đã đến thăm các cháu Tống Huy Hiền, Tống Huy Chương ở Houston; cháu Hòang Thiên Lương ở Austin; Cô Lê Thị Trung là cousin của bà xã; Chú Phan Văn Thống là cousin của tôi; cả hai gia đình này đều ở Dallas-Fort Worth, Texas; Cô Tống Thị Đưởng là cousin ở Fort Smith, Arkansas; Cháu Phạm Văn Yên ở Wichita, Kansas; Cháu Tống Đình Thỉnh ở Denver, Colorado; gia Đình cháu Nga và Quang ở Columbus, Ohio; gia đình của Trịnh Thanh Hòang là cousin ở East Lansing, Michigan; gia đình của anh chị em Dick Hughes ở Pittsburgh, PA.Tôi cũng đến thăm Bác sĩ Trần Nguôn Phiêu ở Amarillo, Texas và được Anh chở đi thăm cơ sở Vietnam Center nằm trong Đại học Texas Tech tại thành phố Lubbock. Tại thành phố này, tôi gặp lại Bác sĩ Vũ Hữu Bao là bạn học ở Chu Văn An Hanoi trước năm 1954 nữa. Tổng kết riêng về chuyến đi 3 tháng trong mùa hè 2000 này, thì tôi đã đi trên 10.000 dặm qua thăm mấy chục thành phố và ở lại với các gia đình bà con hay bạn hữu, kể các ở nhà với các bạn người Mỹ. Chi tiết về chuyến đi này, tôi đã viết thành mục thường xuyên trên Nhật báo Viễn Đông tại Nam Cali vào mấy tháng cuối năm 2000.
Riêng trong 2 năm 2007-2008 gần đây, thì tôi lại đã đi đến 6 vòng nước Mỹ nữa, nhưng mỗi chuyến đi trung bình cũng chỉ 1-2 tháng, chứ không kéo dài cả 3 tháng như hồi năm 2000 đã ghi chi tiết ở trên. Thường thì tôi bay từ Cali qua Washington DC, rồi từ đó đi đường bộ, bằng xe hơi hay xe lửa đến các tiểu bang ở gần đó. Những lần này phần lớn là để tham dự các seminar tại các Đại học và Viện Nghiên cứu. Cụ thể như là làm việc thường xuyên mỗi năm với Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI Summer Peacebuilding Institute) thuộc Eastern Mennonite University (EMU) ở Harrisonburg, VA, với Peacebuilding Institute of East Tennessee (PIET) tại Knoxville, TN; với Associated Mennonite Biblical Seminary (AMBS) tại Elkhart, Indiana v.v...Tôi cũng thường đến thăm tổ chức Mennonite Central Committee (MCC) tại Akron, Pennsylvania là cơ sở họat động xã hội khắp thế giới.
Tại đây, tôi thường ngụ tại gia đình Anh Chị Matt và Mary Lou Matteson là gia đình mà tôi đã gắn bó từ lâu ở thành phố Knoxville. MCC còn có một văn phòng liên lạc bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại New York mà hiện do Doug Hostetter là bạn thân thiết của tôi điều hành, và mỗi lần tới thành phố này thì tôi đều gặp gỡ trao đổi với anh. Cũng tại New York, nhờ sự giới thiệu của Chị Luật sư Dinah của HRW, tôi còn đến làm việc với tổ chức Open Society Foundation do nhà tỷ phú George Soros sáng lập và chuyên họat động nhiều ở Đông Âu, mà tôi cần liên hệ để có thêm tài liệu với đày đủ chi tiết cụ thể và cập nhật cho việc hòan thành đề tài nghiên cứu lâu năm của tôi về "Sự Phục Hồi Xã Hội Dân Sự tại Đông Âu 1989-2009" (The Recovery of the Civil Society in Eastern Europe).
Riêng thành phố Philadelphia nằm ở giữa New York và Washington, thì tôi hay có dịp lui tới, đặc biệt là thăm Chị Sophie Quinn-Judge là giáo sư Sử học tại Đại học Temple. Chị nổi danh với tác phẩm "Ho Chi Minh : the missing years" mới xuất bản năm 2003 gần đây.Tại thành phố này, tôi cũng còn gặp nhiều bạn hữu thân thiết như các Anh Đào Trinh Bính, Nguyễn Sơn Diệm, Vũ Quý Thế, Đàm Quang Lâm, Linh mục Đinh Công Hùynh, Cô Nguyễn Mỹ Linh v.v...
Đáng ghi nhớ nhất là mấy lần tôi được tham dự Đại Hội Thánh Mẫu vào dịp đầu Tháng 8 tại thành phố Carthage Missouri, nơi cả 70-80.000 giáo dân từ khắp thế giới tề tựu về đây mỗi năm để bày tỏ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Có thể nói đây là một thứ Lễ Hội Dân Gian đông đảo nhất, nhiệt thành nhất của người Việt nam tại hải ngọai.
Vì bài báo có giới hạn, nên tác giả không thể viết ra hết mọi chi tiết được. Đúng ra thì qua mấy chục vòng đi khắp nơi tại lục địa nước Mỹ như thế này, tôi đã có đủ tài liệu cụ thể, sinh động để viết thành cả một cuốn sách. Thế nhưng vì lý do còn đang bận bịu với công cuộc nghiên cứu dài ngày cho cuốn sách về Đông Âu như đã ghi ở trên, nên xin khất với bà con là khi nào có thời gian rảnh rỗi, thì tôi sẽ tường thuật đày đủ hơn về các chuyến đi này../.
Đoàn Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến