Hôm nay,  

Tạ Lỗi Cùng Người

09/04/200900:00:00(Xem: 291763)

Tạ Lỗi Cùng Người

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 2583-16208660- vb440809

Diệu Hương là tác giả đã hai lần được tặng giải thưởng viết về nước Mỹ. Với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô nhận giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài viết về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong dịp 30 lần thứng Tư tại Mỹ, và bài "Cầu Vồng Giữa Mùa Hè", về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose.

***
Mười  ô cửa sổ của chi nhánh Sở An sinh Xã hội ở  Mountain View , vẫn được  gọi bằng tiếng Việt là thành phố "Tầm nhìn của núi", có kích thước giống nhau, chiều dài khoảng  một thước, chiều ngang khoảng chín tấc,  thoạt trông giống hình vuông hơn là hình chữ nhật.  Nhưng  vì đang là giờ ăn trưa của các công sở, văn phòng chính phủ ở Mỹ nên chỉ có hai cửa  sổ số 5 và số 9 mở, trong khi tám ô cửa sổ khác đã đóng kín, mà không cần phải treo bảng "be back at 1:00PM" như các văn phòng tư nhân, vì  Công chức ở Mỹ, dù là của liên bang hay tiểu bang, đều có giờ ăn trưa cố định từ mười hai giờ trưa đến một giờ chiều
Từ hai dãy ghế  ngồi chờ, người ta  chỉ thấy  được nửa phần trên khuôn mặt của các nhân viên sở An sinh Xã hội bên trong khung cửa sổ.  Nhân viên khung cửa số 5 làm việc khá nhanh, trung bình bảy phút, ông ta giải quyết xong một trường hợp. Nhưng nhân viên khung cửa số 9 làm rất chậm.  Bảng điện tử màu đỏ  chỉ cho người chờ đợi biết khung cửa sổ nào đang giải quyết số mấy . Cửa sổ số 5 đã nhấp nháy thay số ba lần mà cửa sổ số 9 vẫn còn giữ nguyên số A39. người  ngồi phiá ngoài ô cửa sổ  số 9, đang làm việc với một nhân viên Sở An ninh Xã hội ngồi bên trong, rút hết tờ giấy này đến tài liệu khác , đưa ra cho nhân viên ngồi phiá trong, có vẻ như đó là một trường hợp đặc biệt cần được thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng.
Giang sốt ruột nhìn cái bảng digital treo tường, Hàng chữ màu đỏ vẫn chạy rất chậm "we re now serving numbers A39 and B81". Đây là lần thứ hai  Giang đến Văn phòng Sở An sinh Xã hội của Mỹ.  Lần đầu tiên  đến Sở An sinh Xã hội , đã hai mươi năm trước, Giang phải đi ba chuyến xe bus mất gần cả ngày trời, tay khư khư ôm cái giỏ màu trắng của một thuyền nhân tỵ nạn vừa đến Mỹ  với đủ mọi thứ xa lạ: ngôn ngữ, tập quán, ngay cả khí hậu, đang là giữa mùa đông, trời nắng nhạt nhưng vẫn lạnh, lạnh đến nỗi thở ra khói.  Ngày đó,  có lẽ  thấy nước da của Giang còn  phảng phất mùi gió biển của một thuyền nhân tỵ nạn,  thấy thái độ rụt rè của một người mới nhập cư, nhân viên Sở Xã hội tận tình chỉ dẫn Giang mọi thứ từ điền đơn, đến chờ đợi ở phòng nào, ở cửa nào.
Trở lại  Sở An sinh xã hội lần này, Giang  đi vào giờ ăn trưa để khỏi bị mất nửa ngày phép.  Cô cẩn thận  vào website của Sở An sinh Xã hội  download và điền đầy đủ những chi tiết của cá nhân  vào mẫu đơn cần thiết.  Bắt nguồn từ một mẫu báo cáo hàng năm Sở An sinh Xã hội vẫn gởi về cho  tất cả những người dân Mỹ đã đi làm đủ bốn mươi quarters (120 tháng hay 10 năm tròn), cho biết  chính xác số tiền an sinh xã hội họ sẽ được lãnh nếu họ ngưng đi làm kể từ ngày bản báo cáo đó in ra.  Mọi công dân Hoa Kỳ sẽ biết thu nhập của mình lúc về hưu để có thể lập kế hoạch tài chính cá nhân cho những ngày hoàng hôn của cuộc đời.
Trên báo cáo cá nhân  của Giang mọi thứ đều chính xác, từ con số thu nhập khiêm nhượng của năm đầu tiên với mức lương tối thiểu ở California  (Giang bắt đầu đi làm sau hai tuần đến Mỹ). Con số thu nhập  mỗi năm tăng lên đều đều  hàng năm, tỷ lệ thuận với những cố gắng không ngừng nghỉ của Giang, của cả mấy  chị em bên đời lưu vong ở đất lạ quê người, không có Ba Mẹ bên cạnh
 .  Một dãy con số thu nhập từng năm , chính xác đến từng  cents, đúng như báo cáo lợi tức cá nhân hàng năm với Sở Thuế từ mẫu đơn 1040EZ đơn giản của những ngày đầu cơ cực gần như "chuyên chính vô sản", đến form 1040A với đủ thu mẫu đơn phụ kèm theo nhiều năm sau này.  Chín con số an sinh xã hội của Giang cũng chính xác.  Tháng sinh, năm sinh đều đúng, chỉ có ngày sinh, đã bị sớm hơn một ngày, trở thành ngày 27 thay vì ngày 28  như ngày mẹ sinh ra Giang.  Phát hiện ra  chi tiết sai đó ngay từ lần đầu tiên nhận  được statement của Sở An sinh  Xã hội,  nghiã là năm thứ mười một sau khi đến Mỹ, đi làm và đóng thuế đầy đủ hàng tuần hay hai lần một tháng từ mỗi paycheck, nhưng Giang chưa  lưu tâm đến chuyện đến một chi nhánh của Sở An sinh Xã hội để điều chỉnh, vì còn lâu, lâu lắm, Giang mới đến tuổi về hưu, đủ để hưởng trợ cấp an sinh xã hội cho những người già đã miệt mài đóng thuế trong nhiều thập niên. Đã vậy, một vài người bạn thân còn nửa đùa nửa thật:
-That’s OK, trên nguyên tắc, ngày 27 ở Mỹ là  ngày 28 ở Việt Nam, thì ngày sinh của Giang  vẫn đúng trên lý thuyết. Don’t worry, be happy.
Lâu lâu, trên báo chí hay internet, Giang vẫn đọc thấy những phiền phức của một người đến tuổi hưởng an sinh xã hội, nhưng không được Sở An sinh Xã hội Liên bang gởi check đều đều hàng tháng vì lý do là chi tiết cá nhân trên  ID của họ, không hoàn toàn đúng với  hồ sơ  lưu trữ  của Sở An sinh Xã hội, nhất  là những người phụ nữ Mỹ lập gia đình nhiều lần, mỗi lần lập gia đình , lại lấy họ của người chồng mới, mà không chịu đến Sở An sinh xã hội cập nhật hoá hồ sơ cá nhân của mình. 
Năm ngoái, làm việc ở một Công ty không xa Văn phòng An sinh Xã hội địa phương lắm, Giang quyết định đến điều chỉnh  ngày 27 trở thành ngày 28  đúng như ngày sanh trên khai sinh, và các giấy tờ cá nhân khác..
Hướng dẫn online trên website của Sở An sinh Xã hội  đã nhắc nhở  mọi người trước khi đến gặp nhân viên Sở Xã hội phải mang đủ ít nhất là ba loại giấy tờ, trong đó có hai thứ giấy tờ có hình, ngày sinh tháng đẻ  và  full name (họ tên đầy đủ của mình) để chứng tỏ mình là ai.  Giang cẩn thận mang theo đến bốn  loại giấy tờ.  Hai loại có hình là bằng lái xe và Passport có đủ ngày sinh tháng đẻ,  full name,  Hai loại có đầy đủ họ tên, nhưng không có hình là bằng tốt nghiệp Đại học và  giấy chủ quyền  cái nhà nhỏ  xinh xắn như cái chuồng chim bồ câu màu trắng nằm ẩn mình bên cạnh một cây thông  hiên ngang,  xanh mướt quanh năm, mỗi mùa thu lại mang về hình ảnh Dalat sương mù ở quê nhà đã xa mù tít tắp.
 Giang còn cẩn thận download và điền vào mẫu đơn xin điều chỉnh ngay từ website của Sở An sinh xã hội.
Giang chuẩn bị kỹ  càng vì muốn rút ngắn thời gian làm việc ở Sở An sinh xã hội đến mức tối đa, để khỏi làm phiền những người chờ đợi sau lưng mình, và để có thể trở lại Sở làm trong vòng  chín mươi phút, như thời gian vẫn đi ra ngoài cho một business lunch ;  để dành ngày nghỉ cá nhân cho nhiều việc khác quan trọng hơn, cần nhiều thời gian hơn. Những lúc đi lo việc riêng trong giờ ăn trưa như vậy, khi trở về Sở, Giang vẫn uống cà phê sữa, chocolate nóng  hay ăn Oatmeal (một loại bột ngũ cốc của Mỹ)  thay cho  bữa ăn trưa.  Những người  Việt Nam mới qua Mỹ khi  nghe kể về những bữa "ăn trưa dã chiến  như vậy, vẫn rất ngạc nhiên thấy Giang vẫn khoẻ mạnh, hồng hào,  vẫn enjoy bữa ăn trưa rất Mỹ, thay vì cơm, bún, phở, hay tệ lắm cũng là mì gói hay bánh mì,  Họ  quên rằng "lâu dần rồi cũng quen", và  khi thời gian ở quê hương mới dài gần hai lần thời gian ở quê  cha đất tổ thì ăn Oatmeal loại " Original Instant Grits"   màu vàng nhạt,  bỏ thêm một chút đường,  cũng thấy ngon không kém gì chè kê ở Huế.
Văn phòng Sở An sinh Xã hội ở tầng hai, ở ngay cửa ra vào có một nhân viên an ninh to con như một võ sĩ hạng nặng đứng gác. Không thể nào lầm lẫn ông với những người đến lo công việc ở Văn phòng Sở An sinh Xã hội  vì ông mặc bộ đồng phục quần xanh đen, áo xanh nước biển  của nhân viên an ninh.  Thêm vào đó, ông có một nụ cười rất business, nhưng cũng rất thân thiện vui vẻ đón tiếp từng người dân đến văn phòng. Ngoài nhiệm vụ của "security officer", ông ta còn kiêm thêm nhiệm vụ chào hỏi và chỉ dẫn người đến văn phòng An sinh Xã hội lấy số thứ tự  từ cái computer đặt ngay gần cửa.  Ông ta cũng tận tình hỏi  từng người công việc họ cần được giải quyết ở Sở An sinh Xã hội  để hướng dẫn họ điền đúng mẫu đơn thích hợp, tiết kiệm thời gian cho tất cả mọi người, từ những nhân viên liên bang đến những người dân đang ngồi chờ ở hai dãy ghế đặt trước mười khung cửa sổ , chờ đến lượt mình.  Ông ta đã chỉ Giang điền mẫu đơn xin điều chỉnh ngày sinh, Giang nhỏ nhẹ cảm ơn và cho ông ta biết mình đã điền xong mọi mẫu đơn cần thiết trên online và đã in ra từ nhà,  Ông cười vui vẻ:
- Smart girl,  bây giờ cô chỉ cần đến computer ở góc phòng kia , touch vào screen để lấy số thứ tự và ngồi chờ.   Bảng  điện tử trên tường sẽ cho biết khi nào đến lượt cô và  việc của cô sẽ được giải quyết ở ô cửa sổ nào.
Giang lấy số thứ tự  của mình A42,  đi vòng quanh phòng đợi, đến cái trụ hình vuông  có thể xoay tròn đủ 360 độ để tìm đọc các mẫu đơn và tìm hiểu thêm về những dịch vụ Sở An sinh  Xã hội Liên bang lo cho người dân  Mỹ.  Và ngoài  dự tưởng của Giang, Sở An sinh  Xã hội không những chỉ cấp số An sinh Xã hội cho các em bé mới sinh, cho những thường trú nhân mới của Hoa kỳ,  hay phát tiền hưu cho những người đã về hưu, tiền trợ cấp cho những người bị tàn tật, những gia đình có thu nhập thấp dưới mức nghèo khó (theo tiêu chuẩn của người Mỹ)...., . mà còn lo cho những người về hưu  hay những "senior citizen" có thu nhập thấp , không đủ tiền trả cho các chi phí bệnh viện , thuốc men. 
Ngồi chờ đợI, không có việc gì làm, không có cái gì để đọc, Giang quay ra đọc ...   Guide Book của Sở An sinh Xã hội, học được thêm rất nhiều điều mới, và thầm phục hệ thống làm việc rất có quy cũ , mặc dù cũng đôi lúc cũng "cồng kềnh" và "nặng nề" vì đa số nhân viên Chính phủ vốn dĩ "quen thói lè phè", làm đủ giờ, không làm kiểu "whatever it takes to make the job done on time" như nhân viên của các Công ty tư nhân.


Đọc gần  cả chục trang của quyển guide book xong, bảng điện tử vẫn còn cách số của mình đến hai số nữa, cũng chỉ có hai khung cửa sổ làm việc, tám khung cửa sổ còn lại vẫn đóng kín,  Giang đến một góc phòng nhìn xuống bãi đậu xe từ tầng hai. Ngay dưới cửa sổ là cái bồn phun nước  vẫn nhởn nhơ  nhả từng tia nước, vô tư đùa giỡn với thảm cỏ xanh có điểm hoa vàng ở chung quanh, phớt lờ mọi bon chen, tranh chấp  của dòng xe cộ dang ngược xuôi trên xa lộ 85 ở bên cạnh. 
Cuối cùng, bảng điện tử đã chuyển sang số thứ tự của Giang " Now serving A42 at window 9" Giang đứng dậy, tiến đến cái ghế trước cửa sổ số 9, chuẩn bị tinh thần mình sẽ phải làm việc với một nhân viên  chắc là vừa khó tính, vừa chậm chạp.
Ngồi xuống cái ghế trước cửa sổ số 9, Giang kín đáo quan sát người công chức của Sở Xã hội đang ngồi trước một cái PC.  Đó là một người đàn ông Á châu ở độ tuổi trên dưới sáu mươi, có khuôn mặt lạnh lùng như "linh hồn tượng đá", không buồn không vui. Giang lễ phép chào ông ta bằng tiếng Anh vì không chắc ông ta là người Tàu hay người Việt Nam.
Đọc qua giấy tờ của Giang, thấy cái tên Việt Nam của Giang, người công chức liên bang đổi qua tiếng Việt,  loại tiếng Bắc của những người Bắc di cư vào Nam trước tháng 7/54, trầm và thanh hơn tiếng Bắc của người Bắc vào Nam sau tháng 4/75
- Ngày sinh không đúng  trên statement hàng năm của Sở An Sinh Xã hội từ năm 1997 mà sao mãi đến giờ mới đến xin diều chỉnh"
-  Thưa Chú, vì cháu nghĩ là  còn vài thập niên nữa cháu mới đến tuổi được hưởng tiền hưu trí của Liên bang. Miễn là điều chỉnh trước ngày về hưu ít nhất là ba năm tưởng cũng chưa muộn lắm.
Vẫn dán mắt vào computer,  chỉ  gõ keyboard bằng một tay để tìm hồ sơ của Giang trên  soft file của Sở An sinh xã hội, giọng người nhân viên vẫn đều đều, lạnh lùng như khuôn mặt của ông ta:
-Tên cũng không đúng theo thứ tự, thế này mà  để mãi đến mười mấy năm sau mới sửa.
-Thưa cháu nghĩ là số an sinh xã hội là yếu tố chính để truy cập hồ sơ cá nhân, những yếu tố khác chắc không quan trọng lắm.
- Không  quan trọng thế đến điều chỉnh làm gì!
Giang im lặng không nói, trong lòng thầm nghĩ chắc ông này đang "giận cá chém. thớt", chắc ông đang có chuyện gì buồn bực và khách đến tiếp xúc với ông ở Sở An sinh xã hội là những tấm thớt  trong tầm tay, ông ta tha hồ chì chiết.  Giang hơi bực mình, nhưng tự bảo lòng mình chỉ làm việc với ông ta nhiều lắm là nửa tiếng hôm nay, rồi có thể sẽ chẳng bao giờ "see you again".  Vả chăng ông ta cũng sắp đến tuổi về hưu, nên kính trọng người lớn tuổi.
Họ tên  đầy đủ của Giang có bốn chữ, chữ nào cũng là cả một ý nghiã với Ba Mẹ và riêng Giang, Giang không biết bỏ chữ nào chọn chữ nào.  Hồi mới đến Mỹ, Giang  cứ theo đúng nghiã đen, first name, last name, middle name mà điền các loại đơn từ,  chưa biết cách viết dính tên vào với nhau, chưa biết chữ nào người Mỹ phát âm chính xác chữ nào họ không  đọc đúng được.
Sau vài năm ở Mỹ,  biết rõ cách phát âm người Mỹ với tên của mình. Giang dùng chữ lót làm tên , và tên thành chữ lót, họ thì vẫn giữ nguyên vì  đó là phần quan trọng nhất trong một cái tên, phản ảnh rõ nguồn gốc của mình. Khi trở thành công dân Hoa kỳ,  rất nhiều người lấy tên Mỹ để người bản xứ dễ phát âm hơn. Với riêng Giang, quê hương chôn nhau cắt rốn đã bị chia lià, nhiều thứ đã bị mất,  nếu mất luôn tên thì chắc Giang đã thành một người khác, một Tiffany, một Linda, một Cathy, một Jennifer... nào đó, không còn là giòng sông nổi tiếng của Huế, không còn là cô con gái độc nhất của Ba Mẹ. Vì vậy,  cái tên bốn chữ Phan Trịnh Hương Giang nguyên thủy của Giang  theo kiểu Mỹ trở thành ba chữ HuongGiang Trinh Phan.  Duy chỉ có những giấy tờ quan trọng nhất  như bằng tốt nghiệp Đại học, bằng khoán nhà cửa,  Passport, và bằng lái xe đều giữ nguyên bốn chữ của cái tên trong khai sanh thủa chào đời, và được viết theo kiểu Mỹ thành Giang Trinh Huong Phan.
Mọi người ở sở làm chỉ biết tên Giang là Trinh Phan. E mail ở sở, business cards và  bảng tên ở phòng làm việc cũng là Trinh Phan ngắn gọn. Đồng  nghiệp người Mỹ gọi là Trinh, dễ dàng,  không có vấn đề.  Đồng nghiệp Việt Nam gọi là Trinh, không hề biết đến  thật ra chữ Trinh không phải là tên của Giang mà đến từ "compound last name", có dấu nặng đi theo. Hồi bà ngoại còn sống, có lần Giang kể chuyện  này  qua điện thoại với bà, và "khoe" với bà bây giờ Giang có thêm một  tên mới là Trinh. Bà cho ý kiến theo cái nhìn cổ kính của một người đã ngoài tám mươi:
- Thôi kệ, tên Trinh cũng được, bỏ bớt dấu nặng cho nhẹ nhàng hơn. Miễn sao với gia đình,  cháu vẫn mãi mãi là Hương Giang.
Ấy vậy mà bây giờ thứ tự của bốn chữ trong tên lại trở thành "big deal" với ông nhân viên của Sở An ninh Xã hội.  Vì trong những giấy tờ quan trọng nhất, sẽ đi theo Giang suốt cuộc đời, tên có đủ bốn chữ , mà trên cái thẻ an sinh xã hội màu xanh nước biển chỉ có ba chữ "Giang T. Phan". Giang nhận ra điều dó từ lâu nhưng chín con số an sinh xã hội đủ để phân biệt Giang với hơn  ba trăm triệu người Mỹ còn lại.
Không cần biết Giang đang nghĩ gì,  ông nhân viên Mỹ gốc Việt Nam làm ở Sở An sinh xã hội vẫn đều đều "giảng bài" về tầm quan trọng của thẻ an sinh xã hội, và  full name trên tất cả các giấy tờ phải giống nhau để khỏi gặp rắc rối khi đến tuổi về hưu, được hưởng toàn bộ quyền lợi an sinh xã hội cho người già, bù lại công lao mình đã đi làm đóng thuế đầy đủ lúc còn trẻ để nuôi những người ở thế hệ lớn hơn mình.
Mục đích của Giang là chỉ để điều chỉnh ngày sinh từ 27 thành 28 nhưng người công chức liên bang còn điều chỉnh luôn tên của Giang thành bốn chữ (dĩ nhiên là với một thứ tự khác trên khai sanh thủa chào đời), đúng với Passport, bằng lái xe và các giấy tờ quan trọng khác.  Giang thầm cảm ơn ông ta về chuyện điều chỉnh tên, nhưng không vui lắm vì ông ta không ngừng "lecture  với nét mặt khó đăm đăm, mà không cần biết là Giang  không muốn nghe, chỉ cần ông ta điều chỉnh ngày sinh cho đúng   Cái giọng đều đều,  lạnh lùng, với cách nói trống không còn  "lên án" Giang:
- Sống ở Mỹ gần hai thập niên mà còn "dám" coi thường sự chính xác trên giấy tờ.  Đến lúc gặp chuyện lớn thì phải "vác chiếu ra hầu tòa" thì đừng trách là không được báo trước.
Đến lúc đó thì Giang bắt đầu bực mình, và thầm nghĩ chưa thấy ai khó chịu như ông này, chắc lâu rồi ông ta không có dịp "lên lớp" ai; hôm nay gặp đúng một khách hàng người đồng hương lại đang cần sự giúp đỡ của ông về điều chỉnh ngày sinh trong hồ sơ an sinh xã hội, thì đúng là "cơ hội ngàn năm một thủa" để làm "lecturer". Đã vậy thì thôi, ông ta còn nhẫn nha làm việc  chỉ bằng một tay, gõ keyboard bằng tay trái, tay mặt chắc là đang gõ nhịp trên chỗ tựa của ghế ngồi, đúng như nhiều người vẫn thường phàn nàn về hệ thống làm việc  red tape" không có hiệu quả cao của công chức.
Bên ngoài khung cửa sổ 9, Giang kiên nhẫn ngồi nghe, chỉ phàn nàn trong tư tưởng và ánh mắt. Phía trong khung cửa, ông nhân viên Sở An sinh xã hội cần cù "ngồi giảng bài".  Cũng cả  gần hai mươi phút sau, một cô nhân viên khác có một khuôn mặt rất là  quốc tế, pha trộn ít nhất là hai chủng tộc, có màu mắt xanh xám (không biết đó là màu của contact lens hay màu nguyên thủy của mắt), tóc highlight chỗ vàng, chỗ nâu, chỗ đen, rất techni- color, có vẻ là nhân viên học việc đến hỏi ông ta về một trường hợp bảo hiểm sức khoẻ cho một  công dân khá lớn tuổi phải đi chuyển bằng xe lăn. Ông nhân viên Việt Nam đứng lên tiến đến cái tủ hồ sơ ở góc phòng, mặt vẫn đầy vẻ "lạnh lùng sương gió" mặc dù trời bên ngoài đang là giữa mùa hè.  Và thật bất ngờ, Giang há hốc miệng khi nhìn thấy cánh tay áo bên phải của người nhân viên đứng tuổi phất phơ di chuyển theo nhịp bước của ông ta.  Cánh tay phải của người công chức Sở Xã hội đã không còn!
Giang nghe ân hận dâng cao trong lòng, nhanh như thủy triều đang lên, về  những phán đoán vội vã của mình, về những phàn nàn trong ý nghĩ chỉ vài phút trước đó.  Nhớ đến câu nói của người Mỹ "Put yourself in somebody else’s shoes".  từ tâm tưởng Giang có lời xin lỗi rất chân thành với người ngồi trước mặt.  Nỗi ân hận lớn đến nỗi  Giang như chìm vào một cõi nào đầy dẫy ăn năn, người nhân viên Sở Xã hội phải nhắc đến hai lần, Giang mới nghe ra là đúng  quy luật, ông ta sẽ thu lại thẻ An sinh Xã hội cũ, và đưa cho Giang một biên nhận tạm có số điện thoại trên đó, để nếu trong lúc chờ thẻ mới gởi về, có ai cần xác minh  số an sinh xã hội của Giang thì có thể liên lạc với viên chức Sở  Xã hội.
Đôi khi bị khan tiếng, hay cảm cúm nhẹ nhàng, Giang đã  tự thấy mình trở nên bẳn gắt và khó chịu hơn bình thường nhiều.  Một người  mất cả một cánh tay, mất hẳn một phần thân thể của mình, thỉ  đâu còn có thể vui vẻ  nhìn đời toàn màu hồng hay màu xanh như một người hoàn toàn lành lặn!
Hai tuần sau hôm đó, Giang nhận được thẻ an sinh xã hội mới màu xanh nước biển có những vân nhỏ màu hồng gởi qua bưu điện với cái  tên đầy đủ "HuongGiang Trinh Phan" đúng như trên các giấy tờ quan trọng khác.  Một tháng sau, trên statement của Sở An sinh Xã hội gởi về  ba tháng trước sinh nhật hàng năm, ngày sinh của Giang đã  trở về đúng với ngày 28 như  ngày Giang lọt ra từ lòng Mẹ vào lúc bình minh một ngày giáp Tết năm nào.  Nghiã là  người nhân viên Xã hội có một cánh tay đã bỏ lại ở một góc chiến trường Việt Nam năm xưa, hay một nơi  nào đó trên những xa lộ đầy xe cộ ngược xuôi ở Mỹ, làm việc bằng chỉ một cánh tay trái còn lại, với  mức độ chính xác đôi khi còn hơn cả những người trẻ, khỏe,  với  đầy đủ các bộ phận toàn hảo của cơ thể.
Nếu ông ta là người thuận tay phải như hơn  chín mươi phần trăm nhân loại thì nỗi khó khăn sẽ lớn hơn bội phần.  Một người mất nguyên cánh tay phải mà vẫn đi làm ở tuổi ngoài sáu mươi, vẫn tiếp tục nuôi thân, và đóng thuế góp phần xây dựng xã hộI, thay vì ngồi nhà để xã hội nuôi, trong tự điển của nhiều người, và của cả riêng Giang, đã là một anh  hùng.
Mỗi năm nhận được statement của Sở An sinh Xã hội, nhìn ngày sinh chính xác của mình nằm ở  một góc của tờ giấy bià cứng màu trắng, viền xanh lá cây, Giang vẫn âm thầm tạ lỗi cùng người nhân viên Sở Xã hội  có cánh tay áo bên phải phất phơ theo  gió.
Nguyễn Trần Diệu Hương
Santa Clara, tháng 2/09

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,277,985
Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Đây là bài viết đầu tiên tham dự VVNM. Mong tác giả tiếp tục gửi bài
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Mùa hè, 16 tháng 9, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là hồi kết bài viết mới nhất của ông về những mùa hè khó quên.
Mùa hè, 19 tháng 6, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết mới nhân mùa bóng đá.
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ hai của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng, sinh năm 1975, qua Mỹ định cư năm 1992. Từ năm 2000-2005 hành nghề dược sĩ (Consultant Pharmacist), sau đó trở lại học và tốt nghiệp Y Khoa. Nghề nghiệp hiện tại là Physician tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.
Nhạc sĩ Cung Tiến