Hôm nay,  

Mùa Đông Đã Hết

19/01/200900:00:00(Xem: 271072)

Mùa Đông Đã Hết

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2510-16208587 vb211809

Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60’ , cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết và mới nhất, năm 2008, ông nhận giải Việt Bút, dành cho những tác giả đã "vượt được chính mình." Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Sửu 2009.
***
Đêm trước ngày Tâm rời Đà Nẵng trở về Mỹ, bạn bè tổ chức một bữa tiệc tiễn hành anh, có karaoke, có khiêu vũ, có sự tham dự của nhiều phụ nữ đẹp, trong đó có Hội. Hội là chủ một mỹ viện nhỏ, chừng 40 tuổi. Hội đã có chồng con. Ai cũng ngạc nhiên không hề thấy Hội đi chung với chồng tham dự những cuộc vui. Người ta nói chồng Hội là một cán bộ cao cấp, không tiện đến những nơi đây. Mọi người hát karaoke, cuối cùng là nhảy đầm. Hội nhảy rất đẹp, đủ điệu, tango, cha cha, bebop, valse...
An nói:
-Tâm nói nhảy dở. Ra nhảy slow với Hội đi. Chỉ cần nhúc nhích hai chân. Hội dìu cho.
Tâm thấy thỉnh thoảng Hội liếc nhìn mình. Qua nhiều kinh nghiệm với phụ nữ, anh biết Hội để ý đến mình. Nghe nói Hội là vợ của một cán bộ cao cấp, anh cũng muốn "thử" xem sao. Tâm ỡm ờ nói:
-Rủi đụng phía trên thì sao.
Mọi người nhìn Hội cười. Hội nói:
-Nhảy slow đâu cần ôm chặt.
An nói:
-Ôm chặt trông đẹp hơn.
Hội cười nhưng vội làm mặt nghiêm.
Quả thật làm sao nhảy slow với Hội mà không chạm bộ ngực đồ sộ của Hội được.
An ném cho Tâm một cái gối mỏng:
-Chêm vào giữa hai ngực, ôm nhau thả cửa. Gối rớt, phạt.
Mọi người cười ồ. Tâm làm theo lời An. Hai người tự nhiên ôm chặt lấy & cái gối, nghĩa là ôm chặt nhau, dìu nhau đi trong âm thanh của "Khi Người Yêu Tôi Khóc". Tuy cách nhau một cái gối nhưng Tâm cảm thấy như tim Hội đang đập với rất nhiều cảm xúc.
Tan tiệc, Tâm cùng mọi người bước ra khỏi nhà, chỉ còn Hội trên lầu. Tâm vội chạy lên cầu thang, nói là bỏ quên chìa khóa. Hội đang lúi húi tìm cái gì trong túi xách. Nhìn chung quanh không thấy ai, anh vội kéo Hội vào góc nhà, ôm hôn chị. Hội chỉ phản đối lấy lệ. Anh thấy môi chị nhúc nhích, hơi thở dồn dập, người nẩy lên. Tâm biết anh đã chiếm được trái tim của Hội. Rất tiếc sáng mai anh phải rời Việt Nam sớm. Ở My, Tâm gọi điện thoại cho Hội. Hai người chat với nhau, tiếp tục hôn nhau qua thế giới ảo.
-Tại sao Tâm không bao giờ hỏi gì về chồng em vậy"
-Tại anh thấy Hội không đem chồng theo, anh xem như em còn độc thân.
. . .
-Em không có cảm hứng khi đi chơi chung với anh ấy
-Tại sao"
-Đừng hỏi tại sao.
. . .
-Tâm là người duy nhất trên đời em cho biết chuyện bí mật gia đình. Anh hứa danh dự không cho ai biết chuyện sắp kể.
-Anh hứa
-Sáu năm nay hai vợ chồng Hội không hề làm chuyện ấy với nhau. Vợ chồng mà không có chuyện ấy nó... buồn cười lắm. Lâu rồi em cũng quen đi. Sống chung trong nhà như anh em. Trước đây khi người này không ăn hết một tô bún, người kia ăn phần còn lại. Bây giờ thì không. Em thấy gơm gớm khi chung chạ như vậy.
-Như vậy mà không li dị cũng... hay thật.
-Việt Nam không phải Mỹ. Còn lễ giáo, con cái, họ hàng, bạn bè và...đảng.
-Nhưng em thì sao" Vẫn còn "sức" chứ"
-Em vẫn còn nhiều, nhiều lắm. Vậy mới... khổ
-Thật tội nghiệp cho em và cho... anh.
-Sao"
-Tình trạng vợ anh cũng tương tự như chồng em.
-Nhưng phụ nữ có thể chiều chồng. Còn đàn ông sao được.
-Có thuốc.
-Vô phương. Đủ thứ thuốc rồi.
Hai người càng ngày càng thân mật. Họ bạo miệng với nhau hơn. Họ nói với nhau trên net như hai vợ chồng ở trong phòng the, đôi lúc còn dùng những tiếng ít ai dám viết ra thành chữ đầy đủ. Trong webcam họ nhìn nhau như muốn "ăn tươi" lấy nhau. Nhìn mặt nhau chưa đủ họ còn muốn nhìn những nơi khác trên thân thể.
-Em kéo... áo xuống một chút được không"
-Hôm nay áo ngực của em xấu quá. Để em đi thay.
-Không cần áo ngực.
Không ai ngờ chỉ gặp nhau ở ngoài đời có mấy tiếng đồng hồ mà họ đã như vợ chồng mới cưới.
Phụng, vợ Tâm thấy Tâm thường ngồi trước computer cả giờ. Cái màn hình nay được xoay vào trong, phía cửa sổ.
-Anh save hình của em trong computer chưa"
-À... à, anh save rồi. Màn hình xoay về phía cửa sổ dễ nhìn hơn, khỏi ngược sáng.
Phụng vốn thật thà, hiền từ, không hề thắc mắc, không hỏi thêm. Chị có một account riêng trong computer. Chị chỉ biết có account này.
Khi nghe tin Hội du lịch Mỹ, Tâm vui sướng, sửa sọan đón Hội như đón một cô dâu. Trước đó họ đã từng chat với nhau .
-Anh gặp em, anh ăn thịt em ngay.
-Em cũng vậy. Tụi mình đâu còn con nít. Khi yêu nhau tụi mình biết tụi mình muốn gì.
Hội nói Hội qua Mỹ chừng vài tháng. Chị vừa du lịch, vừa học một nghề gì đó, thí dụ móng tay, trang điểm.
-Ồ, Hội đâu có học được. Hội phải xin du học, có lẽ theo diện F1. Hội phải học tại một trường college dạy nghề được Sở Di Trú cho phép dạy du học sinh. Trường sẽ cấp cho Hội một loại giấy tờ gọi là I-20 để đi phỏng vấn.
-Em biết rồi Tâm ơi. Tuổi em rất khó xin đi du học cao đẳng. Em định qua Mỹ theo diện du lịch rồi xin đổi qua diện du học. Nếu chẳng may không được, em vẫn cứ xin học. Em đâu cần bằng chính thức do chính phủ cấp. Em chỉ cần một cái bằng do trường cấp, vẽ rồng vẽ rắn càng nhiều càng tốt để đem về Việt Nam treo trong thẩm mỹ viện. Người Việt Nam bây giờ thích bất cứ cái gì từ Mỹ.
Tâm đang hí hửng chờ đón Hội thì nhận được tin nhắn của Hội trong điện thoại di động gởi qua Yahoo:
-Chết rồi Tâm ơi! Minh, chồng em cũng đi Mỹ nữa.
Tâm gọi điện thọai về, Hội nói thêm:
-Em đâu có ngờ. Tự nhiên một người bạn thân của Minh nỗi hứng bảo cả hai vợ chồng cùng đi cho vui. Anh ta nói Minh đã phục viên, sao không đi chơi. Anh ta sẽ bao tất cả, kể cả vé máy bay, ăn ở, đi chơi... Thông thường lãnh sự quán Mỹ chỉ cho đi một người trong hai vợ chồng. Một người về xong rồi người kia mới đi được. Trước khi đi phỏng vấn em đinh ninh thế nào cũng chỉ một người được đi . Và Minh sẽ nhường cho em.
-Nếu họ cho Minh đi trước thì sao"
-Nếu Minh đi trước, Tâm về Việt Nam với em. Tha hồ tự do.
-Anh bận đi làm, sao về được. Nhưng chuyện đã rồi. Miễn bàn. Bây giờ phải tính sao đây.
-Chắc chắn gia đình anh bạn sẽ đi đón. Thật mất sướng!
-Thế nào anh cũng lên phi trường. Nhớ quá. À, hay em làm thế này. Đến Đài Bắc, em đi đâu đó, trễ chuyến bay, em đi chuyến bay sau. Yêu cầu hãng máy bay để em tự lo liệu việc thông báo cho thân nhân ở Mỹ. Những giai đoạn tiếp theo em thừa hiểu.
-Thôi anh ơi, rắc rối lắm. Ông bạn của Minh tinh lắm. Em sẽ tìm cách bảo Minh về sớm lo cho thằng bé. Em ở lại. Tha hồ. . . Nếu kẹt lắm, tụi mình tìm cách gặp nhau mỗi ngày vài ba giờ. Anh ở thành phó Glendale, em sẽ ở thành phố Pasadena. Nghe nói cũng gần.
-Nhưng anh cũng sẽ lên phi trường nhìn em một cái cho đỡ nhớ.
-OK. Em sẽ cho anh chi tiết chuyến bay sau.
-À... Chắc chắn em sẽ đến phi trường quốc tế Los Angeles. Đến nơi em giả vờ đau bụng muốn đi tiêu, đi ra ngoài, rẽ qua phải, đến Terminal 4. Anh chờ ở đó.
-Em sợ.
-Đã có anh. Xui xẻo lắm, gặp không được, thì em trở lại. Sợ cái gì!
-OK, bye anh. Hôn.
-Bye! Nhớ nghe. Nếu quên, phải hỏi lại anh.
Chừng một tháng sau Hội và chồng mới qua Mỹ. Tâm đến phi trường đúng giờ dự trù chuyến bay đến. Tâm biết khách du lịch đến Mỹ, nhất là từ các nuớc như Việt Nam, Campuchia, Lào... phải làm thủ tục rất lâu. Anh ngồi nhìn từng toán hành khách đi ra. Người từ Việt Nam mới qua, dù ăn mặc cách nào đi nữa, anh cũng nhận ra ngay, do màu da, vẻ mặc ngơ ngác, tò mò hay ngạc nhiên. Có người không ngờ đất nước này vĩ đại như vậy nhưng cũng có người thấy Mỹ không "ghê gớm" như họ đã vẽ ra trong óc.
Mãi đến hơn một tiếng đồng hồ sau khi máy bay hạ cánh, Hội và chồng mới xuất hiện. Nếu Hội không đi theo chồng, không ai nghĩ chị là người Việt mới từ Việt Nam sang. Hội cao lớn, thân hình có nhiều đường cong tuyệt mỹ, nước da trắng như một người Đại Hàn. Minh, chồng chị thì ngược lại, đen đủi, mặt sần sùi, nhà quê, lại trông già hơn chị rất nhiều. Hội ăn diện như đi tham dự một buổi lễ long trọng, váy đầm, áo vét. Chồng chị cũng đồ vét, cà-vạt hẳn hoi. Tâm không dám nhìn Minh lâu. Anh có mặc cảm tội lỗi. Anh thấy tội nghiệp Minh. Nhưng tấm thân lồ lộ của Hội cứ dán vào mắt anh. Nó mạnh quá, át hết cả lòng trắc ẩn của anh đối với Minh.
Một đám 4 người, trong đó có 2 phụ nữ đến đón vợ chồng Hội. Họ chụp hình, quay phim, ôm hôn, cười nói ồn ào. Tâm thấy Hội ngơ ngác nhìn quanh, nói gì đó với đám người đến đón, rồi đi nhanh ra cửa phía bên phải. Anh vội đi ra cửa chính, rẽ phải, theo Hội. Hội trù trừ nhìn mấy tấm bảng ghi số terminal. Tâm vượt nhanh qua khỏi Hội, đi vào một góc khuất gần terminal 4. Hội đi theo. Tâm ôm hôn Hội tới tấp. Hội thở dồn dập, có lẽ vì sợ hơn là bị kích thích. Tâm nói:
-Em ra xe với anh một chút được không" Xe anh đậu gần đây. Xe van rộng rãi lắm.
-Em sợ lắm. Tụi mình có... trật đi đâu nữa mà anh vội vã vậy. Thôi, em vào kẻo họ nghi. Nhớ số điện thoại em cho không" Nhưng để em gọi trước tiện hơn.
Hội vừa nói vừa chạy đi.
Nguyên cả ngày hôm sau anh đợi Hội gọi mà vẫn không thấy. Chiều lại anh cẩn thận ra một trạm điện thoại công cộng gọi cho Hội. Tiếng một người đàn ông bên kia đầu giây hỏi anh muốn nói chuyện với ai. Anh nói anh là nhân viên hải quan Mỹ, muốn nói chuyện với bà Trương Thị Ngọc Hội về chuyện giấy tờ ghi sai. Anh định bụng nếu gặp chồng Hội, anh sẽ nói mình gọi nhầm người. Rất may, người bên kia đầu dây vội vàng cho anh số điện thoại di động của Hội.
-Sao em không gọi"
-Em vừa mới mua điện thoại xong, loại prepaid, khỏi phiền người khác. Thứ Bảy ngày mai đúng 5 giờ chiều em gặp anh tại một nơi nào đó do anh chọn. Trễ lắm 9 giờ tối em về. Em nói đi chơi với một bạn gái. Con này chịu chơi lắm. Em dặn nó rồi. Em muốn gặp anh sớm hơn nhưng không được.
-Chỗ em ở gần chợ Target. Đi bộ chừng 100 thước là đến. Em vào cửa bên trái của chợ. Đi ra cửa phải, rồi quẹo phải. Thấy cái xe Honda CVR màu trắng số XPC 359, nhìn quanh không có người quen, em mở cửa sau vào ngồi hay nằm cũng được. Có anh sẵn trong xe. Nếu gặp trở ngại gì, anh sẽ gọi.
Chiều hôm sau Tâm lái xe đi Pasadena. Hai người gặp nhau, đưa nhau đến motel. Tâm không ngờ một phụ nữ 40 tuổi mà còn săn chắc và đẹp như Hội. Hội "khỏe" hơn bất cứ người đàn bà nào đã qua trong đời anh.


-Anh hỏi thật em...
-Gì anh"
-Em cứ nói thật. Không cần thiết phải dối. Nó không có ảnh hưởng gì đối với tình cảm của anh dành cho em.
-Gì vậy" Cứ hỏi đi.
-Có thật đã sáu năm nay em không có ai"
-Em nói dối anh để làm cái gì.
-Sao em chịu đựng được.
-Sao lại không được. Chắc anh suy bụng ta ra bụng người. Đàn bà khác. Thường thường đàn bà có tình cảm thì mới thích... Em đâu có yêu ai trước khi gặp anh.
Tâm cảm thấy sung sướng và tự hào khi nghe Hội nói vậy.
-Người như em mà không có ai sao- Anh nói.
-Ai dám cua em, bà Minh.
-Sao em lại lấy chồng..."
-Gia đình em chỉ có một chút liên hệ với chế độ cũ, người chú ruột em là trung tá hải quân. Nhưng cậu ruột em là công an. Hồi ấy gia đình em nhất định không chịu xuống tàu đi nước ngoài theo lời khuyên của ông chú, mà nghe lời cậu em. Cậu em giới thiệu em lấy chồng cán bộ. Gia đình em và ngay cả em đinh ninh con đường duy nhất để có cơm no áo ấm là theo cách mạng. Mỹ, Tây đã hết thời. Từ từ rồi Mỹ Tây cũng được giải phóng. Chủ nghĩa Mác Lê Nin vô địch mà. Tuy chỉ có liên hệ một chút với chế độ cũ nhưng cậu em phải "mánh" người ta mới chấp thuận cho Minh lấy em. Cậu em nhờ người bạn thân xác nhận ông ta từng được gia đình em che chở khi họat động trong thành phố. Thật ra gia đình em chẳng che chở ai cả. Cậu em giúp em như vậy và được ba em trả công... một cái nhà lớn. Lấy chồng xong chán quá Tâm ơi. Nó... trái cựa lắm. Sở thích, quan điểm về chính trị, tôn giáo đều khác nhau. Nói vô duyên, làm chuyện đó cũng khác, hùng hục như trâu. Lại nhà quê nữa. Rồi Minh bỗng nhiên mắc cái bệnh quái gở đó.
-Anh hỏi em chuyện này nữa.
-Gì anh"
-Em cảm thấy ra sao khi lần đầu tiên bước vào phòng ngủ.
-Sợ, hồi họp, sung sướng, nhưng cũng thấy mặc cảm, tội cho Minh. Nhưng đã sáu năm rồi còn gì. Mà, em cũng đã cho anh ấy cái quý nhất của người con gái khi em mới 19, còn Minh thì trên 30. Em cũng cho anh ấy một đứa con trai kháu khỉnh. Không có em, sức mấy anh ta có một đứa con trai như vậy. Còn anh thì sao"
-Đã nói rồi mà, vợ anh hầu như để anh hòan toàn tự do. Khi người vợ không thiết tha gì đến chuyện... thì cũng không ghen hay ít ghen.
Để tiện việc đi lại với Hội, Tâm share một căn phòng nhỏ đầy đủ tiện nghi, có cả internet để Hội dùng computer. Anh mua cho Hội một cái laptop. Khi không gặp nhau hai người chat. Phụng, vợ Tâm ngạc nhiên hỏi sao anh hay vắng nhà, Tâm nói đi làm thêm. Phụng tin ngay, chiều anh và ra vẻ quý trọng anh hơn trước. Hội cũng nói dối chồng là đi chơi với bạn.
Một hôm Hội nói:
-Em nghe nói ở Mỹ có cửa hàng sex... ngộ lắm. Từ nhỏ đến lớn em chưa hề thấy. Anh dẩn em tới đó xem thử.
Tâm trù trừ một lát rồi chở Hội đi.
Trong tiệm chỉ có một anh Mỹ đen và người bán hàng. Hội ngây người nhìn nhũng vật trưng bày. Tâm đang cùng Hội tò mò nhìn những cô búp bê há mồm thì nghe có tiếng gọi:
-Tâm.
 Cả hai giật mình quay lui. Thì ra là Huy, một người cùng anh vuợt biên trước đây và đã từng làm chung sở với anh. Huy hiện đang làm chủ một tiệm giặt ủi đông khách. Huy hết nhìn Tâm lại nhìn Hội, rồi khẽ gật đầu chào Hội.
-Đây là em cô cậu của tôi từ Việt Nam mới qua. Cô ấy và mấy người bạn cứ nằng nặc đòi tôi dẩn đến đây xem cho biết. Mấy cô ấy đâu rồi"
Hội nhanh trí nói:
-Tụi nó mới đi ra ngoài mua cái gì đó. Chắc về nhà luôn rồi. Thôi anh Hai ơi, đi về.
Huy cứ đưa mắt nhìn chằm chằm Hội. Một lát sau Huy nói:
-Nhân tiện mời hai anh em ăn phở với tôi.
Ăn phở xong Huy lại rủ đi uống cà phê.
-Tâm nhớ số điện thoại của mình không. Thôi, để mình cho số điện thoại tiệm cho dễ nhớ, 736 362 3763 tức rememberme.
Hội cười:
-Người Mỹ nghĩ ra nhiều cái hay quá. Việt Nam cũng đang bắt chước. Người Việt ở Mỹ nhiều nên người Việt ở quê nhà cũng rất ảnh hưởng Mỹ.
-Cả thế giới bắt chước Mỹ: nhạc, phim ảnh, lối sống... vô số- Huy nói.
 Trên đường trở về, Tâm cười nói:
-Không biết hắn mò vào chỗ đó làm gì. Chắc để nhìn cho bớt thèm.
-Càng nhìn càng thèm, Tâm ơi.
 -Huy độc thân hơn 3 năm nay rồi.
-Sao vậy.
Tâm đùa:
-Chắc hắn "làm" quá, chị vợ chịu không nổi, chết.
Nửa tháng sau Minh trở về Việt Nam. Hội vẫn còn ở lại. Một hôm Hội nói với Tâm:
-Em thích nơi này quá. Không khí, con người và cả chính quyền nữa. Chẳng ai làm phiền đến mình cả. Em có cảm tưởng như kiếp trước em được sinh ra và lớn lên ở đây.
Ngập ngừng một lát, Hội nói:
-Có cách gì ở luôn đây được không anh"
-Chồng con em thì sao.
-Ly dị. Bảo lãnh con qua sau.
-Muốn ở lại chỉ có cách lấy chồng.
-Em có thể bỏ tiền ra kết hôn giả.
-Anh nói ra có thể em cho là anh đạo đức giả hay một cái gì tương tự như vậy. Anh bị
đồng hương bên đó đối xử thậm tệ nhưng được người Mỹ cưu mang. Anh chưa trả ơn người Mỹ được gì nhiều, bây giờ lại đi làm chuyện trái luật sao. Mà bây giờ chuyện đó dễ lộ lắm.
-Vậy thì kết hôn thiệt. Thí dụ như là... là anh. Anh li dị kết hôn với em được không.
Tâm ngạc nhiên nhìn Hội:
-Khi nói chuyện với nhau trên net chúng ta nhấn mạnh nhiều lần hoàn cảnh chúng ta giống nhau. Em khẳng định không bao giờ bỏ chồng; anh cũng vậy, không thể bỏ vợ. Chính vì vậy mà gần như anh không có mặc cảm nào với vợ anh khi yêu em. Anh rất thoải mái.
-Thôi, đủ. Em biết rồi.
Hội khóc thút thít. Lát sau Hội nói :
-Thí dụ như... như em có thể kết hôn với Huy...
-Thiệt hay giả.
-Anh nói không nên giả, vậy thì thiệt. Em thấy Huy có vẻ ... thích em. Em không lầm được.
-Nếu em kết hôn thiệt với ai thì chúng ta chia tay nhau sao" Em tính chuyện...đột ngột quá.
-Đâu cần phải chia tay.
-Em muốn ngoại tình thêm lần nữa" Không bao giờ anh làm chuyện đó nữa. Nhất là đối với Huy, một người bạn. Ngay cả khi em lấy Huy, chỉ biết có Huy, anh cũng rất ngượng ngùng khi gặp hai người.
-Vậy sao anh dám hôn Hội sau bữa tiệc" Anh biết em có chồng mà.
-Ai cũng biết em và chồng em có vấn đề. Em tưởng người ta không biết sao. Hơn nữa... hơn nữa... Chuyện này khó nói
-Cứ nói. Ngập ngừng làm người nghe càng thêm khó chịu.
-Lúc đầu anh chỉ muốn... đùa thôi nhưng sau anh thấy yêu em.
-Thôi, đủ. Đàn ông nào cũng giống nhau.
-Đàn ông nào nữa. Chỉ có chồng em và anh thôi mà. Anh và chồng em đâu giống nhau
Tâm nói xong, ra xe trở về nhà. Tâm nghĩ Hội không phải chỉ có hai người đàn ông như chị nói. Đối với anh, chị có bao nhiêu đàn ông cũng được, miễn chị nói thật hoặc nói như một người yêu cũ của anh trước đây:
-Anh hỏi em có bao nhiêu đàn ông hả" Sao anh hỏi một câu dở ẹt vậy"
Hội đã không nói như vậy. Chị nâng mình lên quá tầm mức anh yêu cầu, để làm gì, chị mong đợi gì nơi anh"
Đã hai ngày rồi anh không gặp Hội. Anh thấy nhớ. Hai người lại gặp nhau. Anh nói với Hội anh sẽ từ từ tính chuyện ở lại Mỹ cho Hội.
Anh trả căn phòng bên Pasadena, thuê một phòng khác tại Glendale, không xa nhà anh bao nhiêu. Nơi đây có nhiều người gốc Armenia ở, ít có người Việt. Anh chọn nơi đây chính vì lý do đó, mà cũng vì nó đẹp. Hai bên đường phố trồng đầy những loại cây gì có hoa màu đỏ rực rỡ. Từ chỗ anh làm về đến cái ngã ba gần nhà, rẻ phải thì đến đây, rẻ trái sẽ đến nhà anh. Hôm nay anh vừa lái xe vừa suy nghĩ mênh mang về mối tình của hai người. Lần đầu tiên anh nghĩ sâu xa hơn về Hội. Có thật Hội là người tình tuyệt vời như anh đã từng tự hào không" Chắc chắn là không. Ngay từ năm 19 tuổi Hội đã là một người cơ hội, đã kết hôn với một kẻ "xa lạ", hoàn toàn trái ngược với mình, chỉ để mưu cầu lợi lộc. Rồi tiếp theo là gì" Anh nghĩ Hội không những không thành thật mà còn mưu mô. Anh cảm thấy thất vọng, đổ vỡ.
Đi làm về, đến cái ngã ba, anh thường quẹo xe qua phải để đến với Hội. Nhưng từ sau cái ngày anh nghĩ sâu xa hơn về Hội, cái xe như không nghe lời anh, cứ rẽ qua bên trái. "Bộ nhớ" trong óc anh đã vẽ sẵn con đường về nhà, không phải con đường qua khu phố có nhiều cây hoa màu đỏ. Hôm nay cũng như hôm qua, khi bất chợt thấy cây ngọc lan hiện lên trong cửa kính xe, anh mới nhớ mình đã đến trước cổng nhà. Năm nay cây ngọc lan ra hoa sớm hơn mọi năm. Hương thơm từ những bông hoa tỏa xuống làm anh ngây ngất, nhớ lại mối tình rất đẹp của anh và Phụng hồi còn ở quê nhà. Lúc ấy hai người thường hẹn nhau dưới bóng một cây ngọc lan như thế này trước một ngôi chùa. Nguyên cả tháng nay anh đã lừa dối Phụng Anh thấy se lòng khi vợ anh ra mở cổng. Thật tội nghiệp cho Phụng. Chị sống ở Mỹ nhưng giống như một phụ nữ Việt Nam của những thế kỷ trước. Ngoài công ăn việc làm, săn sóc chồng con, thú vui duy nhất của chị là chụp hình, cho hình vào computer sửa lại những vết nhăn đã bắt đầu xuất hiện trên mặt. Chị có nguyên hai tập ảnh dày chứa những tấm hình này. Tối nào chị cũng đem hai tập ảnh ra xem, không hề biết chán. Chị rất thích chụp hình dưới bóng cây ngọc lan.
-Em sợ một ngày nào đó người ta sẽ đốn cây ngọc lan đi. Chắc khi đó em khóc quá.
Phụng chỉ có một khuyết điểm duy nhất đối với anh là không mặn nồng trong việc chăn gối. Nhưng với chị anh đã có một tình yêu chân thật. Anh nghĩ đến mối tình giữa anh và Hội. Có thật đó là tình yêu không, hay chỉ là xác thịt.
Nửa giờ sau khi anh về đến nhà điện thoại di động của anh reo lên. Tiếng Hội phía bên kia đầu giây:
- Chuyện kết hôn đó mà. Hội chỉ thử anh thôi. Bye nghe. Khi nào đến cũng được.
Anh ra ngoài, định vào trong xe nói chuyện với Hội cho tự do, nhưng nhìn cái xe anh lại nhớ tới những lần nó "tự động" rẽ qua trái. Hai cái đèn xe như cặp mắt của một sinh vật tinh khôn, nhìn anh can ngăn:
-Đừng có nghe lời bà ấy.
Anh trở vào nhà, suốt đêm trằn trọc. Phải giải quyết thế nào đây" Phải dụng kế hoãn binh mới được. Anh gọi cho Hội:
-Anh đi công tác một tuần mới về. Sẽ nói chuyện nhiều sau nghe!
Một tuần sau anh đang chuẩn bị gặp Hội thì Huy gọi cho anh:
-Cô em của Tâm thật là tuyệt. Cô ấy đã nói gì cho Tâm biết chưa"
Anh ngạc nhiên rồi chợt hiểu. Anh cảm thấy như mình trút được một gánh nặng, nhưng không khỏi cay đắng trong lòng. Anh nói với Phụng đang cầm máy ảnh đi vòng qua đầu giường để đến bàn computer:
-Để anh xoay mặt computer ra ngoài cho em khỏi đi vòng.
-Anh không sợ chói nắng sao"
-Nắng đâu nữa mà chói. Em vô tâm thật. Mùa đông đã hết, mặt trời từ phương nam chuyển dần lên phương bắc. Nắng không xuyên qua cửa sổ nữa.

Bồ Tùng Ma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến