Hôm nay,  

Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ Và Tôi

10/01/200900:00:00(Xem: 286086)

GIẢI THƯỞNG VIẾT VỀ NƯỚC MỸ VÀ TÔI

Tác giả: Thụy Nhã
Bài số 2504-16208581 vb711009

Thụy Nhã, tác giả  viết về nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên và đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2008 với bài “Chuyện Của Cây Vông”. Sinh năm 1980, định cư tại Mỹ khi 15 tuổi, năm 23 tuổi, xong bằng 4 năm về ngành tâm lý học tại đại học Utah, tiếp tục học ngành y tá. Ra trường, sau ba năm hành nghề y tá ở San Francisco, hiện đang trở lại trường học để lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành gây mê (Certified Registed Nurse Anesthetist -CRNA) Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Sửu 2009. hiện đang được phát hành khắp nơi.

***

Tôi đã lớn lên cùng với giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Năm mười chín, hai mươi khi Việt Báo mở cuộc thi năm đầu tiên, tôi viết thư tìm anh trai gửi cho tòa soạn, tựa đề để cụt ngủn: "Anh Ơi Hãy Trở Về". Tòa soạn đọc và thêm vô ba chữ "Thư Em Gái" để lỡ có anh nào đọc thì không hiểu lầm tôi đang năn nỉ người yêu quay về. Gửi bài đi rồi tôi nôn nao vô cùng, ngày nào cũng vào website của Việt Báo để đọc bài mới và chờ coi kết quả. Kết quả năm đầu được thông báo tôi còn nhớ có tên của cô Ông Thụy Như Ngọc, người viết “Giàn Thanh Long Trên Đất Khách” và “Công Dân Thế Giới”. Tôi đã đọc bài của Ông Thụy Như Ngọc một cách say mê và khâm phục tác giả. Cùng lứa tuổi, cùng ngành học với tôi mà sao tầm nhìn của cô rộng hơn tôi rất nhiều.
Năm đầu dự thi, mộng cao như núi. Khi mộng không thành, tôi bèn lơ luôn giải thưởng. Đến năm 2001, biến cố 911 xảy ra khi tôi đang ngồi ở nhà chờ tới giờ đi học, một người bạn gọi điện thoại kêu tôi mở TV ra coi. Tôi mở TV và thấy cảnh người nhảy ra từ các tầng lầu, tan xác, thấy cảnh khói bốc rồi tòa nhà vỡ làm đôi, tim tôi nhói đau. Chiều hôm đó tôi vào học trong lớp sociology, thầy giáo mở đề tài về khủng bố và hỏi các thành viên trong lớp về biện pháp ngăn ngừa khủng bố. Phần đông các bạn trong lớp nhất là các bạn trai đồng ý với tổng thống Bush dùng biện pháp mạnh có thể là chiến tranh để tấn công khủng bố, riêng có cô bạn không đồng ý, cô nói nếu ông Bush dùng bạo lực không biết tương lai của nước Mỹ sẽ về đâu. Các bạn trai nghe cô nói xong liền giận dữ trả lời chẳng lẽ bọn khủng bố giết người như vậy mình phải nhượng bộ chúng sao. Cô gái nghe xong khóc và bước ra khỏi lớp. Tôi rời lớp học hôm đó với một tâm trạng hoang mang nhưng tôi nhận ra một điều thật rõ ràng: tôi là một công dân Mỹ và tôi đang đau những nỗi đau mà nước Mỹ và công dân Mỹ gánh chịu.
Nhờ biến cố 911 tôi có được Mắt Nâu, một câu chuyện hoàn toàn dựa trên sự tưởng tượng. Năm đó tôi chưa bao giờ được tới New York và không hề biết dòng sông Hudson ở đâu nhưng khi muốn cho cặp tình nhân được dạo bên một dòng sông, tôi bèn search tên một dòng sông ở New York, bắt gặp tên Hudson nghe hay hay, tôi bỏ vô đại. Tòa soạn biết truyện Mắt Nâu xạo ke nhưng vẫn cho đăng vì thấy tội nghiệp một mầm non đang mọc. Kết thúc truyện tôi nhớ đã cho cô gái chết với cặp mắt nâu trợn trừng nhưng tòa soạn thấy cải lương quá nên cắt cái rụp và cho cô gái mắt nâu được sống tiếp.
Nối tiếp Mắt Nâu tôi viết thêm vài truyện về gia đình nhưng truyện nào cũng phải dấu vì nếu ông bu bà bu biết sẽ cạo đầu tôi trọc lóc. Trong những truyện viết về gia đình tôi thích nhất Im Đi Bà Ơi vì trong đó có đoạn bà đưa ra tờ giấy ly dị đòi ông ký, ông bảo rằng: "cất đi để dành đốt nhang". Câu nói này tôi cất lại để mai mốt dạy cho người của tương lai. Tôi mong muốn sau này nếu có sóng gió xảy ra chúng tôi sẽ cùng nhau đốt nhang chứ không đốt... nhà.
Sau đó tôi viết "Check Point, Những Ngày..." để kể lại công việc làm security của tôi tại phi trường quốc tế của thành phố Salt Lake. Khi nghe tôi kể đã từng làm nhân viên an ninh phi trường ai cũng cười vì tôi nhỏ xíu ngay cả tự vệ còn chưa xong huống gì có thể làm nhân viên an ninh. Nhưng những ngày làm tại sân bay đã dạy cho tôi một bài học: sức mạnh không thuộc về số đông, không thuộc về những kẻ to lớn và có võ trang đầy đủ nhưng sức mạnh thuộc về công lý và chính nghĩa. Tôi nhớ để kết thúc bài viết tôi đã nói: "Em bé đi hài đỏ không thể chết, chú bé vừa chào đời không thể chết, bà mẹ trẻ không thể chết, ông lão, bà lão không thể chết. Họ phải sống, phải đi, và phải đến được nơi họ cần đến."
Năm 22 tuổi, với bài "Check Point, Những Ngày..." và "Cha Bố Mày Con Vàng" bài viết kể về những kỷ niệm của tôi và bà nội, tôi thật vinh dự khi được Việt Báo trao cho giải thưởng mà chú Bồ Tùng Ma tác giả của "Ông Ba Đau Khổ" ưu ái gọi là giải "á hậu". Hôm trao giải, "hoa hậu" là chị Nguyễn Hà, tác giả của "Có Phải Tàn Tật Là Tàn Đời" đã không đến được vì chị đã bị thương rất nặng trong một tai nạn xe hơi. Buổi tối hôm đó tôi thật hãnh diện khi được đứng cạnh "Ông Ba Đau Khổ" và nhiều năm sau tôi thật không ngờ lại được vinh dự đứng cạnh chú Bồ Tùng Ma trên sân khấu thêm một lần nữa.
Năm 2001, 2002 qua đi, tôi ngưng viết năm năm để chuẩn bị cho mình thành một người mạnh mẽ hơn và chín chắn hơn như lời tòa soạn nhận xét. Trong năm năm tuy không viết nhưng tôi đã gắn bó với giải thưởng hơn lúc nào. Mặc dù không có bài dự thi nhưng năm nào tôi cũng bay về quận Cam vào ngày trao giải để được gặp các tác giả của Viết Về Nước Mỹ và gặp các anh chị trong tòa báo. Tôi được biết thêm cô Hiền Vy với bài "Thằng Ròm", biết được cô Iris Đinh với cái áo dài miền Nam lộng lẫy và bài "Cái Chăn Bông Và Người Con Gái Họ Đinh", chú Hưởng và "Giọt Nước Mắt", sau này tôi được biết chú Nguyễn Duy An với "Từ Bình Giả Tới Hoa Thịnh Đốn", chị Anne Khánh Vân với "Duyên Nợ Với Nước Mỹ", chú Trần Nguyên Đán với "Thu Hát Cho Người" và nhiều tác giả khác. Danh sách tác phẩm và tác giả của Viết Về Nước Mỹ thật dài, tôi không thể nào kể hết được, nhưng xin cho tôi được nhắc về cô Trương Ngọc Bảo Xuân, và chú Bồ Tùng Ma. Đối với tôi hai cô chú là hai cây cột vững chắc nhất của giải thưởng với những bài viết ảnh hưởng tới nhiều người và nhiều thế hệ. Ai có biết về giải thưởng Viết Về Nước Mỹ đều biết đến cô Trương Ngọc Bảo Xuân và chú Bồ Tùng Ma. Riêng tôi thật tự hào được làm độc giả trung thành của hai tác giả này trong nhiều năm trời.
2006, tôi rời Salt Lake City và qua San Francisco lập nghiệp. San Francisco đối với tôi cũng xa lạ như New York vì tôi chưa bao giờ được tới đây ngoại trừ có ghé ngang hai tiếng để dự buổi phỏng vấn tại bệnh viện UCSF. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ xa gia đình nhưng trong tôi luôn có một dòng máu thích phiêu lưu mạo hiểm nên tôi đã quyết định chọn S.F làm nơi dừng chân mặc dù ở nơi đây tôi không hề có thân nhân hay bạn bè. Từ Utah, tôi tìm nhà trọ trên Craigslist, tôi nói chuyện với người chủ nhà trên điện thoại hai lần và quyết định mướn phòng mà không cần bay qua coi nhà trọ ra sao. Hôm đầu tiên tới nhận phòng, tôi gọi về trầm trồ với má phía sau phòng có cái cầu thang để coi skylight, ai ngờ sau này tôi mới biết đó là fire exit chứ làm gì có skylight để mà coi. Nhận nhà hôm trước, hôm sau tôi đi làm. Không biết bạn có nhận ra được sự hồi hộp của tôi không khi đây là lần đầu tiên tôi xa nhà, lần đầu tiên tôi ở trọ, lần đầu tiên tôi ở một thành phố lớn, đi làm ở bệnh viện mới và đó là lần đầu tôi đi public bus. Tối hôm trước ông chủ nhà trọ đã dẫn tôi đến trạm xe bus chỉ rõ ràng đường đi lối về nhưng khi trở về nhà từ bệnh viện tôi đã đi lạc vì không biết đâu là Inbound, đâu là Outbound. Tôi ngố đến nỗi khi có một cô bạn mới quen trong nhóm training dạy phải đi Safeway để mua bus pass, tôi đã hỏi Safeway là cái gì. Trong thời gian sống ở S.F tôi đã sống đúng với tinh thần người Mỹ, work hard-play hard. Tôi làm việc thật nhiều nhưng cũng đi chơi thật nhiều. Khi còn ở Salt Lake với má, điều mà tôi sợ nhất là tôi sẽ không bao giờ có thể sống tự lập nhưng khi qua S.F rồi tôi mới biết tôi có thể sống và tự lo cho chính mình.
Năm 2008 tôi rời S.F để về lại nhà bắt đầu một công việc mới. Tôi tới SF một thân một mình năm 2006 nhưng khi lìa xa S.F, tôi thấy như đã phải lìa xa gia đình của mình. Gia đình của tôi ở SF là gia đình người chủ nhà mà tôi đã sống chung trong suốt thời gian tôi ở đây, những bạn bè tôi quen biết tại bệnh viện và các tác giả của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ sống tại miền Bắc California, những người mà sau này trong tinh thần bạn đọc và bạn viết tôi đã được vinh dự gọi là bạn. Trong hai năm sống tại đây tôi đã được biết và được gần gũi với cô Iris Đinh và cô Mão Nguyễn. Tôi không quên được bữa cơm canh rau đay và cà chấm mắm tôm cô Iris đãi. Tôi không quên được hôm đau nằm bẹp trên giường cô Mão tới lôi tôi dậy và chở tôi đi ăn ở phố Nhật. Vài ngày trước lúc tôi rời SF, cô Mão sáng sớm mang qua cho tôi một cái vali thật bự, tôi đã chụp hình cái vali tại phi trường San Jose để làm kỷ niệm. Và trước lúc ra sân bay, cô Iris đã đãi tôi và anh trai một chầu bún riêu có đầy đủ gia vị và có cả hoa chuối, rau muống bào. Những tình cảm đó đối với tôi là những tình cảm của những thành viên trong gia đình dành cho nhau. Tôi biết mình thật may mắn khi có được tình thương vô giá đó.
2007, tôi viết "Chuyện Của Cây Vông" vì tôi cảm thấy tôi và những người cùng thế hệ của mình là những gốc cây bị bứng ra khỏi đất. Có những gốc cây bị dục, bị vất đi, có những gốc cây được trồng và vun bón lại, nhưng bằng cách này hay cách khác chúng tôi đều bén rễ vào mảnh đất mới và sau đó đâm chồi, nảy lộc và nở hoa. Trong năm này tôi đã được gặp và ngưỡng mộ chị Thanh Mai với "Ép Con Học Hành Quá Sức", chị Nguyễn Trần Phương Dung với "Cảm ơn Em, Cảm Ơn Peace Corps", Kim Trần với "Người Yêu Tôi, Một Con Nghiện", chú Nguyễn Thế Thăng với "Mỹ Việt Gốc Mỹ" và các tác giả khác của năm 2008. Đặc biệt tôi đã được ôm chị Thùy Dương, tác giả của truyện ngắn "Đoàn Nữ Binh Của Mẹ Tôi" mà tôi rất thích.
Tôi đã viết lại "Chuyện Của Cây Vông" như một đoạn hồi ký của tôi và gia đình trong những ngày tháng gian khổ. Thật không ngờ đoạn hồi ký này đã được ban giám khảo tuyển chọn và trao cho giải thưởng cao quí "Tác Giả Và Tác Phẩm". Hôm đứng trên sân khấu Rose Garden khi được chú Nguyễn Xuân Nghĩa cho nói vài câu, tôi run quá không biết nói gì, nhưng hên nhờ nhớ được một đoạn cuối trong câu chuyện, tôi đã đọc lại thay cho lời phát biểu, vừa đọc vừa muốn khóc vì quá xúc động. Cho tới hôm nay tôi vẫn không tin là chính tôi đã được vinh dự ngày hôm đó.
Câu chuyện của cây vông mở ra lúc tôi còn là con nhóc tỳ chạy loạn trong xóm của người dân tộc thiểu số để đùa chơi và được kết thúc bằng mộng ước của tôi trong tương lai. Tôi đã nhắc tới nguyện vọng được theo đuổi ngành y tá chuyên khoa gây mê mặc dù những đòi hỏi của ngành này rất gắt gao. Và vì mong ước đó tôi đã dọn từ San Francisco về lại Salt Lake City mặc dù lúc đó công việc ở SF của tôi tương đối nhàn và lương dành cho y tá ở SF có thể nói là cao nhất nước Mỹ trong khi đó công việc ở Salt Lake lương thấp nhưng lại rất khó và gian khổ. Trong tháng 9 của năm 2008, unit mà tôi làm có 12 giường thôi nhưng số tử vong trong tháng đó đã lên tới 30 người.


Công việc gian khổ lắm nhưng có một sức mạnh và một sự thôi thúc tiềm ẩn giúp tôi không bỏ cuộc. Sức mạnh đó đến từ những bài viết của Viết Về Nước Mỹ. Qua những câu chuyện được kể, được nghe tôi tìm ra được sức mạnh tiềm ẩn của chính mình và lời hứa của tôi trong "Chuyện Của Cây Vông" đã thôi thúc tôi bước tới trên con đường học vấn. Những tháng cuối năm 2008 khi bắt đầu công việc mới ở intensive care unit tại một bệnh viện lớn nhất ở Utah là những ngày tháng tôi đã vượt qua chính mình.
Xin các tác giả của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ cho tôi được kể lại một vài câu chuyện tại chỗ làm để nói lên lòng biết ơn của tôi đối với bạn. Nếu như không có sức mạnh mà bạn đã trao cho tôi qua những câu chuyện bạn kể tôi sẽ không bao giờ vượt qua những thử thách của ngày hôm nay. Chuyện kể bắt đầu bằng:
Chuyện lái cái giường
-Thụy Nhã, mày là người lái cái giường, không phải tao.
-Tao biết rồi, tao đang lái đây nè.
Người lái cái giường là người đứng đầu giường, cũng giống như người lái xe, người "lái" giường theo tiếng gọi của dân làm y tá vừa phải coi đường, vừa phải coi máy điện đồ để coi tim mạch của bệnh nhân và vừa phải nhìn phía sau coi chừng cái giường bị mặc vào cái gì. Đẩy, kéo, ra hết sức nhưng cái giường không đi thẳng, nó lạng, sắp đụng vào tường. Ráng hết sức, kéo giường ra và tiếp tục kéo thẳng. Cái giường có nặng bao nhiêu đâu, có chừng 150lbs tới 200lbs thôi, còn bệnh nhân, nhẹ lắm cũng chừng 150lbs, có nhiều người nặng khoảng 200lbs-300lbs. Theo sau tài xế y tá còn là các máy truyền nước biển, truyền thuốc, máy đo huyết áp, đo nhịp tim, máy thở, ống dưỡng khí, máy đo áp suất của não, hệ thống thải dung dịch được luân chuyển trong não bộ, hệ thống thải dung dịch từ cột sống. Đi, kéo bên trái, kéo bên phải, quẹo, vừa đi vừa phải cầu cho đừng va vào tường vì nếu va mạnh, bệnh nhân tỉnh dậy, áp suất não tăng có thể dẫn đến cái chết. Lái cái giường vừa phải mạnh, vừa phải khéo vì nếu không khéo lỡ ống truyền thuốc hay ống thải dung dịch đứt ra thì phải tìm bác sĩ để gắn vào ngay tức khắc. Mỗi lần gắn một hệ thống EVD (external ventricular drain) tốn ít nhất một tiếng đến một tiếng rưỡi vì bác sĩ phải dùng khoan, khoan thẳng vào não bệnh nhân và y tá vừa phải cho thuốc gây mê vừa phải giữ đầu thật chặt để bệnh nhân không cựa quậy.
Đẩy, kéo, vừa đi vừa nghe mấy người đi phía sau rủa vì tôi mấy lần cứ muốn va vào tường, cuối cùng tôi cũng kéo được bệnh nhân tới phòng CT để scan. Tới phòng này rồi chúng tôi khiêng bệnh nhân từ giường qua máy scan, vừa khiêng vừa phải nhìn ống dưỡng khí, và tất cả các thứ ống, dây nhợ, có nhiều dây chỉ lớn hơn thân hình cọng dây thun một chút nhưng nếu nó đứt thì thật phiền toái.
Scan bệnh nhân xong, có ngày vừa trở về phòng tôi lại nhận được lệnh phải đi MRI thế là lại lên đường một lần nữa. Có hôm tôi travel với bệnh nhân đi CT, MRI và cath lab cùng một lượt. Những ngày như vậy có bữa đang đi mắt tôi tự dưng không thấy gì nữa vì lượng đường trong người xuống quá thấp. Đôi khi tới tám giờ tối tôi mới được ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày và trong mười hai tiếng đi làm tôi không hề dùng restroom.
Bốn tháng trôi qua, từ một người lái cái giường như một tài xế say rượu bây giờ tôi đã có thể đẩy giường và bệnh nhân đi thẳng, tuy những lúc quẹo tôi còn yếu tay lái một chút nhưng ít ra bây giờ người đi phía sau tôi không còn phải hò hét và rủa nhiều như lúc trước.
Chuyện của em
Tôi bước vào phòng của em. Em 19 tuổi đầu cạo trọc, nằm trên giường, mắt sưng húp, miệng có một ống dưỡng khí dẫn ra và nối vào một máy hô hấp. Hôm nay là một ngày trước Halloween. Mẹ em mang một cái áo đầm Pirate màu đỏ dành cho con gái và treo trước đầu giường. Cái quạt gió thổi vào áo đung đưa chờ em ướm thử. Mẹ cầm tay em ngồi bên giường, ba em ngồi cuối giường cùng với anh trai và bạn trai của em. Tôi bước vào chờ đến phút cuối để cùng với mọi người nói lời tạm biệt em vĩnh viễn. Nửa tiếng sau, bác sĩ sẽ có mặt cùng với chuyên viên hô hấp và y tá. Chúng tôi sẽ rút ống dưỡng khí, chích morphene để em bớt đau, chúng tôi sẽ đo huyết áp và nhịp tim của em từng giây và đếm từng phút. Nhịp tim 60, 40, 20. Huyết áp 110/55, 96/40, 55/30. Mười lăm giây, heparin đã chích vào để chống đông máu chưa. 2 phút, nhịp thở tăng dần, 5 phút nhịp tim của em chậm đi. 25 phút, ba mươi phút, tim em hết đập rồi đó, em hết thở rồi đó, mọi người sẽ mang em vào phòng mổ em ra, lấy đi gan và thận để cứu người khác. Đó là chuyện của ba mươi phút sau nhưng bây giờ cho tôi hôn em cái đã. Tôi cuối xuống hôn lên má em. Má của người con gái mười chín trước giờ chia tay với sự sống vẫn còn mùi thơm của tuổi trẻ. Tôi hôn em, ôm mẹ em, rồi quay đi. Nước mắt tôi rơi.
Em, mai là Halloween. Chiếc áo Pirate màu đỏ sẽ được em mặc vào nhưng em sẽ đi trick or treat và dự Halloween party ở một nơi nào xa lắm, tôi sẽ không thấy em được nữa. Mai em đi rồi và chỉ trong một tiếng nữa thôi có thể người ta sẽ mang em vào phòng mổ, ở đó không có em đâu, chỉ có tim, gan, phèo, phổi. Không. Không có em đâu, chỉ có chân tay, đầu, mình.
Em, nhưng dù người ta có mang em đi đâu tôi vẫn sẽ nhớ hoài hình ảnh của em trong chiếc áo Pirate màu đỏ và phảng phất đâu đó là mùi thơm của tuổi trẻ.
Em, tạm biệt em.
28 Tuổi, Sống Và Chết
Trong tay tôi là mấy ống morphene. Để hai cái xuống bàn, tôi cầm cái còn lại mở ra. Thuốc được nằm trong một ống bằng nhựa, chỉ cần xoay nhẹ nhưng hôm tôi không thể nào lấy nó ra. Tay tôi run bần bật.
-Cô có cần tôi giúp không"
Bà bác sỹ đứng bên lên tiếng hỏi.
Không, tôi không sao. Tôi nuốt nước miếng, cố kiềm lại cho mình không bật ra tiếng nấc. Tôi phải thật bình tĩnh vì người thanh niên 28 tuổi đang nằm trên giường kia cần có tôi. Anh cần tôi chích thuốc để anh ra đi không đau đớn.
Tôi chích 4m.g morphene. Bác sỹ ra lệnh chích thêm 3m.g nữa. Rồi mỗi lần thấy anh thở khó nhọc hay có dấu hiệu đau đớn chúng tôi lại chích thêm chút nữa.
Rồi cũng như những lần khác chúng tôi đếm nhịp tim, đếm từng hơi thở, đếm từng phút và đến khi bác sĩ nói anh chết rồi, chúng tôi mang anh vào phòng phẩu thuật.
Tôi đi theo anh vào phòng mổ và nhìn người ta banh anh ra. Tim anh sẽ được gửi đi California. Thận anh sẽ được gửi đi Arizona. Tất cả các bộ phận trên người anh ngay cả da đều được dùng để cứu người khác theo ý nguyện của anh trước khi mất.
Bác sỹ giải phẩu đưa những nhát dao dài và bén. Người ta cắt từng nhát ngọt liệm vào thân xác anh. Cái thân xác mà trước đây vài tiếng còn ấm áp.
Tôi mê đi, không nhìn và không thấy được gì nữa, nhưng tai tôi nghe văng vẳng có ai nói "lá gan lớn quá". Bất chợt tôi lấy tay rờ lên người mình. Anh hai mươi tám tuổi đang nằm kia, anh có lá gan lớn. Còn tôi hai mươi tám tuổi, tôi đang đứng đây. Không biết lá gan của tôi nhỏ hay lớn.
Trên đường về nhà tôi vượt qua một cái đèn đỏ, tấp vào lề và hít thở. Hôm nay tôi 28 tuổi, tôi còn được sống, được hít thở. Còn ngày mai. Ngày mai tôi nào biết.
Khi tôi kể lại những câu chuyện này mùa xuân đã gần kề. Mùa xuân là mùa hoa lá, cây cỏ hồi sinh và cũng là mùa để con người tôn vinh sự sống. Bên cạnh những cảnh mất mát và chia lìa của năm vừa qua là những lần chúng tôi -nhân viên của bệnh viện-  đã thành công trong việc dành lại sự sống cho bệnh nhân. Xin cho tôi được kết thúc loạt chuyện bằng một câu chuyện nhẹ nhàng hơn và mời bạn cùng tôi đón chào mùa xuân đang tới.
S. Và Mẹ
-S. S. ơi. Mẹ muốn gặp con.
Tiếng bà cụ gọi thảng thốt. Gần nửa đêm hành lang của bệnh viện vắng ngắt chỉ có tiếng bà cụ vang vọng.
-Thưa cụ, con là y tá của cụ.
Bà cụ ngước mắt nhìn, tròng mắt trắng đục:
-Không, tôi không muốn y tá. Tôi chỉ muốn gặp S. con của tôi thôi.
S. con gái của cụ. lớn hơn tôi và cũng làm y tá như tôi. Tôi đã gửi S. về nhà ngủ từ hai tiếng trước. Tội S. mấy đêm rồi không ngủ.
-Cụ ơi, S. về nhà ngủ rồi. Có con ở đây con có thể giúp gì cho cụ không.
-S. S. ơi. Con đấy hả.
Tôi vẫn đứng trước mặt cụ nhưng cụ không trò truyện gì với tôi nữa. Trong cơn mê man, cụ chỉ thấy S. mà thôi.
Bà cụ nhập viện từ đêm thứ sáu nhưng phải chờ tới sáng thứ hai mới được giải phẫu để lấy đi khối u ở não. Hai ngày rồi cụ phải một mình chống chọi với những trận nôn mửa và những cơn đau không dứt.
-S. ơi, mẹ muốn ói.
-Cụ ơi, cụ cứ ói đi, có con đây.
Tôi để cái chậu nhỏ trước mặt bà cụ rồi lấy một cái khăn để sẵn chờ lau mặt cho cụ. Bây giờ thuốc thang gì cũng không còn công hiệu nữa.
Bà cụ cúi gập người, nôn thốc tháo nhưng lại không nôn được gì. Cụ nằm trên giường, người nhỏ thó, ngước cặp mắt thất thần màu trắng đục nhìn tôi:
-Mẹ muốn về nhà S. ơi. Mẹ sợ quá.
Tôi đưa tay nắm lấy bàn tay cụ gầy guộc, vuốt nhẹ:
-S. đây. Mẹ ơi. Mẹ sẽ không sao đâu. Có S. ở đây mà.
Tôi ve vuốt đôi bàn tay của cụ rồi thì thầm S. đây. S. đây mẹ ơi...
Tôi ở lại với cụ suốt đêm hôm đó. Suốt đêm trong lúc mê man, giữa những trận đau và nôn mửa kinh hoàng cụ không ngừng gọi tên S.
Buổi sáng hôm sau cụ được mang vào phòng phẫu thuật để cắt bỏ khối u ở não...
Hai tháng sau tôi gặp lại S. và mẹ S. trong lúc đang làm việc. S. nói cô đã lái xe hai tiếng đồng hồ để chở mẹ đi tái khám và cô cố tình tìm gặp tôi để nói lời cảm ơn. Cô nói không có tôi bên cạnh mẹ cô sẽ không sống được đến ngày hôm nay. S. dắt tôi đến trước mặt mẹ và hỏi bà có nhớ tôi là ai không"
Bà cụ ngẩng mặt nhìn tôi, cặp mắt đã có linh khí chứ không thất thần như trước. Bà hỏi chậm rãi:
-Cô có phải là S. không"
-Vâng con là S. đây mẹ ơi.
Tôi giang tay ôm cụ vào lòng và bắt gặp mình đang ôm lấy cả biển trời yêu thương.
*
Bạn, những ngày cuối năm 2008 đầu năm 2009 là những ngày tôi và các bạn đồng nghiệp giằng co và vật lộn để dành lại sự sống cho bệnh nhân. Chưa bao giờ tôi thấy lằn ranh giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến vậy. Nhưng may mắn làm sao sau những ngày làm việc căng thẳng tôi lại được trở về với tình thương yêu của gia đình và tình thương yêu của bạn.
Xin cho tôi được cảm tạ gia đình vì tình yêu thương vô bờ bến và cũng xin cho tôi được cảm ơn giải thưởng Viết Về Nước Mỹ vì qua các câu chuyện được kể, được nghe tôi được gặp bạn và nhận được tình thương và sức mạnh vô biên mà bạn trao cho tôi. Bạn có mặt bên tôi từ những ngày tôi mới lớn, chập chững vào đời và bây giờ đang nhìn tôi trưởng thành và bước đi những bước dài trong cuộc sống
Bạn, xin cho tôi được cảm ơn bạn và xin cho tôi một lần nữa được chiêm ngưỡng, được yêu thương và được ôm bạn.

Thụy Nhã

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến