Hôm nay,  

Con Tôi Học Thi

19/09/200800:00:00(Xem: 131491)
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hà, sinh năm 1955, hiện là cư dân Houston, TX.

 Bài viêt về nước Mỹ đầu tiên của Thu Bồn là tâm sự một bà mẹ khi các con vào đại học. Mong tác giả sẽ góp thêm những bài viết mới.

***Tôi qua Mỹ được bốn năm bảy tháng. Một quãng thời gian cũng khá dài để cuộc sống ổn định. Cứ nhớ lại lúc còn sống ở Việt Nam. Đi hay ở lại" Câu hỏi cứ vờn trong đầu hai vợ chồng. Sở dĩ có chuyện đắn đo vì thật ra cuộc sống của vợ chồng tôi tương đối ổn định. Chúng tôi có một căn nhà vừa đủ để hai vợ chồng và ba đứa con sống thoải mái do chị chồng để lại lúc đi H.O.  Bản thân tôi có một việc làm với mức thu nhập khá để lo cho cả gia đình. Chồng tôi chỉ tà tà đưa đón vợ đi làm và con đi học. Đến năm con trai đầu tôi lên lớp 12. Cháu chăm học và rất sợ không vào đại học nổi. Vậy là ngoài giờ học ở trường, cháu đi học thêm rất nhiều từ Toán, Lý, Anh Văn và thậm chí đến cả môn Văn!  Đồng lương của tôi làm ra bao nhiêu chỉ tính sống trong nhà chừng mực còn dư lại là dồn vào tiền học cho con. Mùa hè đến, Sài Gòn vừa oi ả vừa dai dẳng những cơn mưa dông đến khó chịu. Con tôi chuyển bị thi vào đại học. Con học mẹ cũng học theo. Mỗi tối khi cả nhà đi ngủ, con tôi ra phòng khách học thi. Tôi thì lặng lẽ ngồi đâu đó trong góc phòng. Lúc thì cuốn sách, khi thì que đan trong tay. Thỉnh thoảng, khi nghe giọng đọc của con tôi bắt đầu khan thì một ly sữa nóng hoặc một cốc nước chanh tươi xuất hiện trước mặt.

Có những đêm trời mưa to át cả tiếng rao của bác bán bánh giò thường xuyên trong xóm, hoặc tiếng rao bánh mì của cậu thanh niên người Bình Định (ban ngày là sinh viên, khuya bán bánh mì để có tiền trả tiền học). Đó là khoảng năm 2000. Tôi không nhớ để được vào đại học ở Việt Nam, một học sinh phải "chiến đấu" với bao nhiêu bạn, chỉ biết khi con tôi có tên trên bảng thí sinh đậu vào đại học Bách Khoa thì cháu chỉ còn là một "que tăm" biết đi.Và tôi, sau thời gian học chung với con, người tôi hình như bị choắt lại với một đôi mắt phờ phạc. Khi ấy thì ý định đi định cư của tôi lớn hơn chút nữa. Tôi chỉ lặng lẽ thu xếp cuộc sống gia đình gọn hơn, tính toán những việc nào cần làm thì làm. Chưa hoàn hồn chuyện thằng đầu vào đại học thì năm tiếp theo là đứa thứ nhì vào lớp 6. (Tôi xin thưa cũng vì sợ có con rồi chuyện định cư khó khăn). Như đứa đầu, tôi cũng học theo con. Tất nhiên vào lớp 6 thì không thức khuya như anh. Khi cả nhà xem truyền hình, tôi và cháu lại học ở một phòng khác. Cho đến một hôm, tôi nghe con trai tôi học Sử và đọc "hiệp định Geneve được ký vào ngày 19.7.1954." Tất nhiên, khi hiệp định Geneve được ký thì tôi còn lang thang đâu đó trong bụng mẹ. Nhưng ít ra từ trung học đến đại học, tôi đã học mãi đến thuộc lòng cái ngày hiệp định ấy được ký.

Lúc đó tại Việt Nam có một đường dây nóng. Ai thắc mắc cứ gọi vào số... và người ta nối đường dây cho mình gặp người muốn hỏi. Lần ấy, tôi được gặp một ông "tiến sĩ Sử học." Khi tôi hỏi ông ấy hiệp định Geneve được ký ngày nào, ông ấy hỏi lại tôi rằng "Tôi nghe giọng bà trong máy tôi nghĩ bà cũng đã lớn tuổi, vậy mà bà không biết ngày hiệp định Geneve ký à"" Tôi trả lời với ông ấy chính vì tôi biết ngày ký hiệp định là 19.7 tại Geneve và tại Việt Nam lúc ấy là ngày 20.7.54 nhưng sao trong sách giáo khoa trong đáp án trả lời có cả hai ngày 19.7 và 20.7 và đánh đúng là ngày 19.7.54 là sao"  (Vì ngày 20.7 đâu có sai mà bị loại")  Và đây là câu trả lời của ông ta:- Thưa bà, sách giáo khoa là pháp lệnh.  Cái gì viết trong ấy phải học theo y như vậy.  Nếu bà thấy sai mà chỉ cho con bà biết và vào phòng thi cháu ghi khác với sách thì dầu đúng cũng rớt thôi bà ạ!  Không phải một chuyện đó thôi đâu mà còn nhiều cái khác nữa. Xin bà đừng thắc mắc về sách giáo khoa nữa nếu muốn con bà còn đến trường!" Sau lần ấy, tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chuyện đi định cư.

Tôi không muốn các con tôi sống trong mộng du. Không biết đâu là thực, đâu là mộng, và nhất là phải sống trong sự giả dối. Năm nay nếu còn ở Việt Nam, đứa con vào lớp 6 năm nào sẽ thi vào đại học. Mấy hôm nay nghe tin tức ở quê nhà, một triệu tám trăm thí sinh chỉ nhận ba trăm cho toàn quốc. Nếu còn ở lại, con tôi lại phải vật lộn với bao nhiêu đứa bạn để vào đại học" Nếu không giỏi, không gian, không chạy chọt thì với bằng lớp 12 cháu sẽ kiếm được việc làm gì" Trường dạy nghề không có. Đi làm với bằng cấp ấy thì tiền lương bao nhiêu" Vậy thì phải phe nhóm, phải kết bè để tham ô hối lộ thôi. Còn không thì lang thang ở các quán nhậu cho qua ngày. Ôi! Tuổi trẻ Việt Nam! Bây giờ tôi ngồi đây, vuốt ve tập hồ sơ con tôi được vào đại học. Cha mẹ low income nên được chính phủ hỗ trợ tiền học và vì cháu học giỏi nên được thêm học bổng. Tôi cứ như người nằm mơ. Vừa nhắc lại chuyện cũ vừa ứa nước mắt. Một quyết định đúng đắn dù vợ chồng tôi qua đây rất cực hơn ở quê nhà nhiều! Thỉnh thoảng tôi lại lẩm bẩm "ước chi mẹ được đi học lại". Cậu con trai út tôi vừa hôn mẹ vừa nói:  "Mẹ đừng khóc nữa.  Anh hai ra trường đại học rồi!  Lại Honor nữa chứ!  Anh Ba cũng vào được đại học và có học bổng. Con cũng sẽ vậy thôi. Mẹ đừng lo nữa. Mình có còn ở Việt Nam đâu!".  Nhưng mẹ không vào đại học được đâu vì mẹ đang là học sinh ESL của con mà."Có ai được hạnh phúc như tôi không khi các con đều bước chân vào đại học mà mẹ thì vẫn còn ngồi ở lớp ESL đâu đó không nhỉ" Nhưng nước Mỹ là xứ sở của cơ hội. Biết đâu có ngày tôi cũng ngồi trên giảng đường đại học cùng... cháu nội của mình!

Thu Bồn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,636,622
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Nhạc sĩ Cung Tiến