Hôm nay,  

Đón Bạn Trên Đất Khách

25/05/200800:00:00(Xem: 256778)

Tác giả: Karen N. Nguyễn

Bài số 2308-16208285-vb8250508

Tác giả sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ và nhận giải vinh danh tác phẩm năm 2004. Loạt bài mới nhất của Karen N. Nguyễn là “Đón bạn trên đất khách” của cô, kể về một tình bạn từ thời học trò trước và sau đổi đời ở quê hương cho tới khi gặp nhau trên đất Mỹ. Bắt đầu bằng nhận tin bạn cũ...

Sáng thứ Ba nghỉ ở nhà, Kim lôi cà-rốt, thịt bò ra cái bàn trong bếp cắt để chuẩn bị nấu món bò kho.  Lúc Kim đang gọt cà-rốt thì cell phone reo.  Nhìn vào cell phone, Kim thấy có ai đó gởi cho mình cái text message.  Những dòng chữ tiếng Việt không dấu hiện ra trước con mắt ngạc nhiên của Kim:  "Phi truong nao o gan nha Kim nhat"  Tuong Lan."  Tường Lan"  Tường Lan, cô bạn thân của Kim ở Việt Nam, bây giờ gọi điện thoại cho Kim ở Mỹ"  Tường Lan qua Mỹ hồi nào" 

Bao câu hỏi hiện ra trong đầu Kim.  Kim nhấn cell phone, bấn câu trả lời:  "Reagon Airport gan nhat, Dulles va BWI xa hon chut xiu."  Tính ra thì phi trường Reagan trong thủ đô Washington DC và phi trường Dulles ở Virginia đều gần nhà Kim, nhưng Kim thích phi trường Reagan hơn vì tiện cho Kim đi metro, nhưng Kim không nói cho Tường Lan biết chuyện Kim lái xe rất là tệ và nhà Kim chỉ cách trạm metro có 5 phút.

Chút xíu sau đó, cell phone của Kim nhận được message của Tường Lan:  "Cam on Kim.  Lan qua My tuan toi, mong gap Kim."  Tuần tới"  Tuần tới Kim đi làm ngày Chủ Nhật, thứ Hai, nghỉ ngày thứ Ba, đi làm ngày thứ Tư, rồi ngày thứ Năm Kim bay xuống Florida thăm bố mẹ và gia đình người em đến Chủ Nhật mới bay về, tuần tới Tường Lan muốn gặp Kim ư"  Làm Pharmacist, Kim phải thu xếp cả mấy tháng trước mới nghỉ được 4 ngày để đi xuống Florida, vé máy bay sale giá rẻ Kim mua từ hồi nảo hồi nào, không lẽ Kim phải hủy bỏ chuyến đi Florida của Kim để gặp Tường Lan"  Kim bấm câu trả lời kiểu ba rọi gởi lại cho Tường Lan "  " 

Bao nhiêu tuần Kim có ngày nghỉ mà không đi đâu xa, sao Tường Lan không chọn bay qua đây, mà lại chọn trúng cái tuần Kim bận rộn đi làm tối mặt tối mũi để sau đó Kim đi xa. Con tạo xoay vần oái oăm quá xá đi, Kim thầm nghĩ trong đầu.  Gặp Tường Lan ư"  Kim mong gặp Tường Lan vô cùng. Bao năm rồi còn gì.

Tình bạn của Kim và Tường Lan bắt đầu từ thời xa xưa lắm rồi, khi hai đứa còn bé tí xíu, mặc áo đầm hồng đi học ở trường Thiên Phước trên đường Hai bà Trưng gần nhà thờ Tân Định.  Buổi sáng hai đứa đều được người nhà đưa đến trường thật sớm, sớm đến độ hai đứa ngồi ở bậc thềm trước cửa lớp nhìn ra sân trường thấy các soeurs, giày đen, vớ trắng, khăn đội đầu trắng và áo nữ tu vải dày màu trắng dài đến cổ chân, đi từ dãy nhà văn phòng chính xếp hàng đi vào nhà nguyện.  Tường Lan có đạo còn Kim thì không, nhưng học trường đạo thành ra Kim cũng biết mấy bài kinh cơ bản vì tuần nào lớp cũng có mấy giờ Giáo Lý.  Tường Lan rủ Kim vào nhà nguyện nhỏ này đọc kinh, cái nhà nguyện nhỏ xinh xinh màu trắng bước qua cổng trường là nhìn thấy ngay ở bên tay mặt.  Ở bên vách tường gần cửa vào nhà nguyện có một chùm nho mộng nước bằng sứ màu tím và chú chim nhỏ bằng sứ thật dễ thương có bộ lông vàng. Kim với Tường Lan thích sờ vào thấy mát lạnh cả tay.

Trong trường, bên phía gần mấy lớp mẫu giáo có một cái tiệm nhỏ của các soeur bán dụng cụ học sinh:   Viết chì, viết mực, gôm, thước, tập vở, Kim với Tường Lan hay tạt vào đó để xem những cục gôm hình chữ nhật màu trắng có phần phía trên màu xanh ngọc, mỗi cục gôm có hình một mẫu tự và một con thú, một món đồ có tên bắt đầu bằng mẫu tự đó theo tiếng Pháp.  Tường Lan thích sưu tầm mấy tấm ảnh nhỏ xíu hình Chúa Giê-Su, Đức Mẹ và các thiên thần bán ở tiệm, lâu lâu cô bé lại mua một tấm.  Các soeur cũng hay dùng mấy tấm ảnh này để thưởng cho học trò trong lớp.  Tường Lan có một bộ sưu tầm nho nhỏ, cô bé hay cho Kim coi, riết rồi Kim cũng thích mua mấy bức ảnh có hình những thiên thần áo trắng, nét mặt trẻ con bụ bẫm, tóc vàng xoăn và có đôi cánh trắng, cùng những chú cừu non ngây thơ và những chùm hoa huệ trắng thanh khiết để kẹp vào trong tập của mình.

Tập học trò ngày đó, má Kim mua cho Kim tập của nhà máy Cogido, có hình con nai đang phóng đi, bìa ngoài bằng giấy cứng.  Tường Lan thì xài đủ thứ tập, tập của cô bé thường bìa tập có hình cô gái, có gái mặc áo dài vàng đội nón lá đứng dưới chân Thích Ca Phật Đài, cô gái mặc áo dài tím chèo đò trên sông Hương, chùa Thiên Mụ thấp thoáng xa xa.  Tập của Kim, phần phía sau bao giờ cũng là bảng cửu chương, Kim đọc và thuộc đến nằm lòng.  Tập của Tường Lan, phía sau bao giờ cũng có chuyện tranh màu in trên đó,  Võ Tòng sát tẩu, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Lâm Sanh Xuân Nươngà Kim hay mượn tập Tường Lan để coi mấy chuyện tranh trên đó, lòng thầm hỏi sao Tường Lan mua tập ở đâu mà lựa được đủ thứ chuyện hay ho ở bìa sau vậy không biết nữa.

Mấy năm đầu đi học Kim với Tường Lan phải xài viết mực.  Tường Lan bao giờ cũng xài viết lá tre, còn Kim thì gọi ngòi viết của mình là "ngòi viết lá bí, lá bầu" vì chúng to hơn nhiều, không dễ bị toẹt như ngòi viết lá tre.  Đứa nào đi học tay cũng mang một bình mực tím bằng nhựa, xài hết thì mua mực viên trong tiệm của máy soeur hay của mấy người gánh hàng bán trước cửa trường, đem về, bỏ chút nước và mấy viên mực vào bình mực, lắc lắc, chút xíu là có mực viết tiếp.  Tay Kim, áo đầm Kim hay bị dính mực vô cùng, còn Tường Lan thì bàn tay, áo và cả tập vở đều sạch sẽ, đâu ra đó.  Lên mấy lớp trên, Kim và Tường Lan mới bắt đầu xài viết Bic.

Lớp 1, lớp 2, lớp 3, Kim với Tường Lan còn nhỏ, đi học có người nhà đưa đi, đón về.  Lên lớp 4, hai đứa xin phép ba má để cùng đi học chung, cùng đi về chung bởi nhà Kim và nhà Tường Lan khá gần nhau.  Vậy là có những buổi trưa hai đứa đi học thật sớm đểà đi coi đồ bán ở trên đường Hai Bà Trưng.  Sát trường có tiệm Kim Thịnh bán đồ chơi, Kim với Tường Lan hay vào đó ngắm mấy con búp bê thật dễ thương bày sau tủ kiếng, những chiếc xe hơi vặn dây cót, những hộp viết chì màu Colleen có hình cô công chúa mắt to thật to với những lọn tóc quăn duyên dáng, đầu cài vương miện kiêu sa, áo dạ hội lộng lẫy dài đến gót chân đứng cạnh chiếc xe hoàng gia có mấy con ngựa kéo (Y như là "Công Chúa Lọ Lem", Tường Lan nói với Kim), những cái hộp đựng viết bằng nhựa to bằng cuốn tập có dây kéo với hình bìa là những cô gái tóc vàng, tóc nâu, mắt to ngây thơ với những hàng mi dài cong vút, đôi môi mộng đồ hình trái tim nhỏ xíu, đứng cạnh những bông hoa đủ sắc màu à Mỗi lần hai đứa gặp bà cụ già trong tiệm Kim Thịnh, bà cụ người Bắc tóc bạc trắng, quấn khăn nhung đen, mặc áo cánh trắng, quần xa-tanh trắng đi ra là hai đứa chạy qua tiệm khác.  Lúc đó còn quá nhỏ, hai đứa không biết là bà cụ bị bướu cổ, cứ thấy cái bướu to thật to ngay cổ bà cụ là cả Kim và Tường Lan đều sợ.

Dần dà hai đứa đi bộ lên phía trên đường Hai Bà Trưng hướng về phía Phú Nhuận, xa hơn chút nữa, chút nữa, và khám phá ra mấy tiệm bán dĩa tân nhạc, dĩa cải lương, và những sạp bán truyện tranh đủ loại.  Cả hai đứa đều sợ ma, nhưng lại tò mò, lắm hôm đến sạp bán truyện tranh thấy mấy cuốn truyện vẽ hình con ma cây đa, con quỷ một giò, về nhà Kim bị sợ, ngủ trùm mền kín đầu.  Đi học về ngang qua những cái bích chương dán trên tường quảng cáo phim "Con ma nhà họ Hứa", đi ngang qua rạp Kinh Đô ở chợ Tân Định thấy những tấm bảng quảng cáo to tướng trước cửa rạp quảng cáo phim ma ngoại quốc, Kim với Tường Lan hay tò mò nhìn, rồi nhìn cả những tấm hình chụp quảng cáo phim bên trong rạp kế quầy bán vé, rồi sau đó lại sợ, sợ và sợ hết cả mấy hôm, nhiều khi hai đứa đi học về đi vòng qua ngõ khác bên xóm gà, đi vòng qua mấy con hẻm để tránh thấy mấy cái bảng quảng cáo đó.

Cả Kim và Tường Lan đều thích ăn quà vặt.  Trong trường học các soeur có cái quán nhỏ nằm cạnh một cây mít khá to trong sân mẫu giáo, bán đủ thứ bánh kẹo, Kim và Tường Lan thích vào đó mua bánh lỗ tai heo giòn giòn để ăn, mua bánh men mùi sầu riêng bỏ vào miệng là tan ngọt trên đầu lưỡi, mua kẹo chuối, mua kẹo đậu phọng à Tan học buổi trưa, hai đứa đi về nhà mỗi ngày chọn một đường khác nhau.  Hôm nào có chút tiền tiêu vặt, hai đứa đi về theo ngã chợ Tân Định.  Ông Tư, ông cụ già làm việc ở trường có hàm râu trắng dài đến ngang bụng, dáng người cao lớn, da rám nắng, rất hiền, là người chận xe cộ trên đường Hai Bà Trưng lại để học trò tan học băng qua đường.

Kim với Tường Lan băng qua đường Hai Bà Trưng, đi bộ ngang qua một tiệm thuốc tây, một tiệm giặt ủi, một quán mì hủ tiếu, rồi quẹo vào đường Trần Văn Thạch đi ngang qua chợ Tân Định.  Hai đứa đi ngang qua mấy tiệm Tàu, tiệm nào cũng có những cái tủ dọc theo tường có vô số ngăn kéo màu đen, màu nâu sậm (bên trong đó là thuốc như thuốc bắc vậy đó, Tường Lan nới với Kim, giọng sành sỏi), với những quầy kính bày bán trà, bánh in, bánh bía à Kim với Tường Lan thích nhìn tấm bảng thật to có hình con chuột màu đen lông bóng mượt treo ở trên cửa tiệm Tăng Thục Ký vô cùng.  Rồi Kim và Tường Lan đi ngang qua tiệm tạp hóa Nguyễn Thành, trước cửa tiệm có xe bánh mì Bé Bự, sở dĩ xe bánh mì có tên như vậy vì người bánh là một phụ nữ người Hoa khá phốp pháp, hai gò mát tròn căng, ngồi trên cái ghế đẩu, cái ghế so với người ngồi trở nên nhỏ xíu xiuà

Đi chút nữa là đến mấy gánh chè bán dọc theo đường Kim thích ăn chè đậu trắng nước dừa còn Tường Lan thì thích ăn chè chuối hồng hồng có mấy hạt bột báng trong trong.  Đi thêm chút nữa là đến tiệm kem Bạch Tuyết.  Trước cửa tiệm có cái tủ kem, mùa hè Kim với Tường Lan thích mua que kem đậu xanh hay kem dừa ở đó, hôm nào có tiền nhiều hơn thì mua cái bánh kem, hai nửa vỏ bánh giòn như bánh kẹp ôm lấy cục kem ở bên trong, hay mua kem ly, vừa ôm cặp vừa đi vừa cầm cây muỗng nhựa nhỏ xíu múc kem ăn.  Qua khỏi tiệm kem một chút là xe nước mía.  Cạnh xe nước mía có sạp bán cá kiểng, bao giờ Kim với Tường Lan cũng dừng lại chút xíu để coi mấy chục con cá đủ màu đủ kiểu bơi lội trong bồn kính quanh những cọng rong mượt xanh tha thướt, coi những cái lọ thủy tinh được ngăn ra bởi mấy miếng bìa cứng, mỗi lọ có một con cá lia thia màu xanh hay màu đỏ đầy phong độ ung dung bơi trong đó.

Đối diện xe nước mía ở bên kia đường là tiệm sách Yiễm Yiễm thư quán.  Kim với Tường Lan đều thích coi Tuổi Hoa, hai đứa lâu lâu lại tạt qua bên đó xem có chuyện gì mới trong tủ sách Hoa Xanh, Hoa Đỏ hay không.  Kim giữ lại hết toàn bộ mấy tập san Tuổi Hoa Kim mua, xếp dài dài trong cái tủ ở nhà, còn Tường Lan thì coi xong mấy tập san hay bỏ mất, chỉ giữ mấy cuốn sách mà thôi, nhưng nói chuyện gì trong đó thì Tường Lan cũng nhớ dai không kém gì Kim.  Tường Lan còn thích coi báo Thiếu Nhi, báo Thằng Bờm, thành ra Kim cũng có dịp coi ké.  Hai đứa hẹn mai mốt lớn hơn chút nữa sẽ cùng nhau đi ra thăm tòa soạn Tuổi Hoa ở trên đường Kỳ Đồng ở đâu thì hai đứa mù tịt, vì chẳng đứa nào đi đâu một mình mà đi quá chợ Tân Định cả.

Mùa Giáng Sinh là mùa Kim và Tường Lan thích nhất, vì dọc đường Hai Bà Trưng bày bán vô số lồng đèn ngôi sao dán giấy và vải đủ màu to thật là to.  Hai đứa thích đi coi những cái máng cỏ nhỏ có, to có, những bộ tượng sành sơn màu sặc sỡ gồm có Đức Mẹ, thánh Giu-xe quỳ cạnh máng cỏ có Chúa Hài Đồng nằm bên trong, các con cừu và bò phủ phục, các mục đồng và ba vì vua đứng kế bên.  Rồi Kim và Tường Lan đi coi mấy cây thông giả gắn đủ thứ đồ trang trí trên đó, coi mấy sạp bán thiệp Noel.  Kim thích nhìn những tấm thiệp nổi, nhìn những góc độ khác nhau thì thấy những cái chuông như đang lắc qua lắc lại, những cô gái nhắm mắt rồi lại mở mắt. Có tấm thiệp hình cô bé tóc vàng mặc áo đầm trắng dài đến gót chân là luống hoa đủ màu đủ kiểu, Kim thích quá, dành dụm tiền ăn quà mãi mới mua được để kẹp trong bìa tập của mình. Tường Lan cũng kẹp hình trong tập, nhưng cô bé chỉ cho vài đứa bạn quen coi thôi: tấm ảnh đen trắng chụp hình Roméo và Juliet đứng cạnh nhau, cả hai đều chắp tay thành khẩn nhìn ra phía trước.

Trong trường, mấy soeur có cái thư viện nhỏ nằm ở dưới chân cầu thang, cạnh một cái cửa sắt. Cửa này là đường tắt thông từ trường qua nhà thờ. Trong thư viện có khá nhiều sách tiếng Pháp, lúc còn bé Kim và Tường Lan hay mượn mấy cuốn sách trong đó để đọc, hai đứa thích đọc truyện cô bé Martine, mỗi trang đều có hình vẽ rất là to, Martine tổ chức dạ hội hóa trang, Martine về nhà quê câu cá, Martine đi sở thú.  Lớn hơn một chút, hai đứa không thích coi sách tiếng Pháp ở thư viện trường nữa, mà thích đi mua sách hay coi sách ở chỗ khác.  Kim thích được bố mẹ dẫn ra nhà sách Liên Châu ở gần nhà thờ Đức Bà ngoài Saigon, thích mua mấy bộ sách Spirou, Lisette, mua sách chuyện Tintin, Johan & Pirlouit để đọc.  Rồi Kim cho Tường Lan mượn đọc ké.  San qua sớt lại, Tường Lan cho Kim coi cuốn sổ nhạc của mình.  Tường Lan cặm cụi chép nhạc, vẽ trang trí cho cuốn sổ nhạc của mình, rồi còn để dành tiền mua mấy tấm hình của các ca sĩ cô bé thích, Mai Lệ Huyền, Elvis Phương, Hùng Cường, dán trong sổ nhạc.  Tường Lan thuộc bài hát nào, thì Kim thuộc bài hát đó:  Hạ Trắng, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Tôi Muốn, Túp Lều Lý Tưởng...

Gần cuối lớp 5, má Kim nói là Kim lo chuẩn bị học thi để thi tuyển vào trường Gia Long.  Kim nghe má nói mà lặng cả người.  Vậy là Kim sẽ không đi học ở trường Thiên Phước nữa à"  Vậy là ước mơ của Kim mai mốt lến mấy lớp cao hơn, được mặc áo dài hồng đến trường sẽ không bao giờ trở thành hiện thực"  Kim khóc quá xá, năn nỉ má để cho Kim ở lại học ở trường Thiên Phước, nhưng má không đổi ý.  Kim muốn học tiếp tiếng Pháp thì ba má sẽ cho Kim đi học thêm, vào Gia Long Kim sẽ học tiếng Anh, má nói vậy.

Kim chạy qua nhà Tường Lan, nói cho Tường Lan hay.  Tường Lan cũng buồn rũ cả người.  Nhà hai đứa mình gần nhau, mình không đi học chung lớp nhưng tình bạn tụi mình đâu có vì vậy mà bị cắt đứt đâu, Kim với Tường Lan sẽ qua lại thăm nhau đều đều mà,  Kim nói với Tường Lan.  Cuối năm học, Kim làm lưu bút, đưa cho bạn bè trong lớp.  Qua trường mới, mình sẽ gặp bạn mới, sẽ bắt đầu lại từ đầu.  Kim nghĩ vậy.  Ý nghĩ được ba má mua cho chiếc xe đạp mini, được mặc áo dài trắng đi học bằng xe đạp làm cho Kim nao nức,  vơi hẳn nỗi buồn phải rời xa ngôi trường tiểu học áo hồng của mình, xa rời Tường Lan.

Tường Lan viết thật dài trong lưu bút cho Kim, rồi còn làm cả thơ để tặng Kim:

Sao Kim bỏ lại ngôi trường

Sao Kim không nói ngập ngừng đắng cay"

Còn Lan ở lại chốn này

Những khi nhớ bạn lòng ray rứt buồn

Chúc Kim vui vẻ luôn luôn

Gặp bao may mắn và muôn điều lành...

Bài thơ còn dài, dài lắm, Tường Lan viết cứ như là Kim với Tường Lan sẽ chia tay vĩnh viễn không bao giờ gặp lại vậy.

Kim thi đậu vào trường Gia Long.  Cấp hai học buổi chiều, Kim mặc áo dài đạp xe đạp mini đến trường.  Lúc Kim đạp xe đến trường buổi trưa là lúc trường Thiên Phước tan học buổi sáng, nhiều hôm Kim đạp xe ngang góc đường Hiền Vương - Hai bà Trưng thấy vô số bóng áo hồng túa ra từ trường, Kim nhớ lại những ngày tan học đi về la cà nói chuyện trên trời dưới đất và đi ăn quà vặt với Tường Lan vô cùng.

Nhà hai đứa cách nhau chưa tới 5 phút, thành ra Kim với Tường Lan vẫn gặp nhau thường xuyên.  Hai đứa bây giờ lên cấp 2 bắt đầu mua cả truyện Tuổi Hoa tủ sách Hoa Tím viết về những mối tình nhẹ nhàng, dễ thương về để đọc.  Ngoài đầu ngõ có tiệm  cho thuê sách, mùa hè hai đứa xin tiền ba má đi ra đó thuê truyện chưởng Kim Dung, tiểu thuyết của Quỳnh Dao, Từ Tốc, La Lan về đọc, rồi đọc cả mấy truyện dịch sách Pearl Buck và truyện của Duyên Anh, Lê Tất Điều, Nhật Tiến.  Rồi Tường Lan và Kim bắt đầu viết những chuyện ngắn gởi cho báo Tuổi Hoa, thấp thỏm mong có ngày thấy chuyện mình viết được đăng ở mục Đồng Cỏ Non trên báo.

Tường Lan với Kim đi học thêm tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ, hai đứa học hai lớp khác nhau vì giờ giấc đi học ở trường khác nhau.  Nhìn mấy tấm hình chụp những người đoạt giải nhất, nhì, ba cuộc thi hùng biện Anh ngữ đăng trong báo Thế Giới Tự Do, Tường Lan nói với Kim là mình cũng mong có ngày học giỏi tiếng Anh để trúng học bổng đi du học ở Mỹ.  Mơ, mơ và mơ, cái tuổi 12, 13 ngày đó, sao mà Kim và Tường Lan mơ nhiều thế không biết.

Giấc mơ thắng cuộc thi hùng biện Anh ngữ ở hội Việt Mỹ của Tường Lan, ước mơ trúng học bổng đi du học ở Mỹ của Tường Lan coi như sụp đổ khi hội Việt Mỹ đóng cửa, trả học phí lại cho học sinh vài tuần trước khi Sài Gòn mất vào tay Cộng Sản.

Sau 30 tháng tư năm 75, mỗi quận chia thành nhiều phường, mỗi phường chia thành nhiều tổ dân phố.  Ở mỗi tổ dân phố, trẻ con dưới 15 tuổi hợp thành một chi đội, có chi đội trưởng, chi đội phó điều khiển.  Sáng sớm mùa hè, chi đội trưởng, chi đội phó đi từng nhà gõ cửa, thổi kèn tuýt tuýt, kêu gọi các đội viên đi tập thể dục buổi sáng.  Mùa hè năm 75, Kim và Tường Lan cũng phải thức dậy, ngáp vắn ngáp dài xách cây chổi chà ra đường để đến địa điểm tập trung là một ngã ba đường gần đó, xếp hàng chung với những thiếu niên khác trong xóm để tập thể dục. Loa phóng thanh phường vang lên, điệu nhạc thể dục buổi sáng bắt đầu, đám trẻ con cứ nhìn theo những gì chi đội trưởng làm ở phía trên mà lặp lại y hệt, có nhiều đứa chỉ quơ quào tay chân chiếu lệ trước con mắt dò xét của một người đoàn viên chi đoàn, phụ trách của chi đội.  Sau đó là mục quét rác, đứa này lấy chổi tấp qua, đứa kia lấy chổi tấp lại, mấy cọng rác và bụi bặm trên dường được dồn tới dồn lui rồi gom lại ở một mé đường.

Kỳ tới: Nhớ bạn 15 Năm Đổi Đời

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,614,607
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến