Hôm nay,  

Tình Nổ

23/05/200800:00:00(Xem: 349949)

Tác giả: Thanh Mai

Bài số 2306-16208283-vb6230508

Tác giả qua Mỹ từ 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell  Minnesota, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Với bài "Ép Con Học Hành Quá Sức," kể về tấm lòng của người mẹ đồng thời cho thấy sự chăm sóc đặc biệt mà hệ thống y tế và giáo dục của nước Mỹ dành cho trẻ em chậm phát triển và kém thị lực, Thanh Mai là tác giả vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2008. Sau đây là bài mới của cô.

Năm tôi học mười một, người anh họ của tôi từ Ninh Hòa đến nhà tôi trọ học để thi Tú Tài. Anh Sơn rất thông minh nhưng lại không chăm học, có năng khiếu về kỹ thuật, có giọng hát khá hay, biết đờn guitar, và cũng khá đẹp trai. Một đặt điểm nổi bậc hiếm thấy nữa là anh rất nổ, nổ như đại bác chớ không phải chỉ là pháo thường.

Ba tôi là người rất nghiêm khắc trong chuyện quản lý các con học hành, chính vì vậy mà cô dượng tôi mới yên tâm gởi anh vào đây. Ngay trong tuần lễ đầu tiên, thấy các con đều ngồi vào bàn học nhưng anh Sơn vẫn tỉnh bơ bắt ghế ngồi ngắm thiên hạ đi qua đi lại, Ba tôi cho gọi anh vào, truy bài gắt gao tất cả mọi môn. Không biết anh học từ hồi nào mà trả lời ngon ơ. Thấy Ba không la rầy anh tôi biết là Ba ưng ý chuyện bài vở của anh rồi. Sau đó tôi hỏi:

- Anh học bài hồi nào hay vậy"

Tôi nhận được ngay loạt đạn pháo đầu tiên của anh:

- Ba cái chuyện cỏn con này anh chỉ cần nghe bằng một lỗ tai là đủ, nó đã vô đầu anh rồi có đuổi cũng không đi. Cần gì phải ngồi tụng niệm như mấy đứa con nít tụi bay.

Cái năng khiếu kỹ thuật của anh thì mấy đứa em tôi được nhờ đầu tiên. Đồ chơi của tụi nó sút ốc, gãy lò xo, đem đến nhờ anh là xong ngay. Có hôm cái nồi cơm điện bỗng trở chứng không nấu được, anh nhìn thấy tôi đang lúng túng nên lấy tháo tung ra rồi ráp lại. Chừng khi thấy nồi cơm sôi bốc hơi nghi ngút, tôi mới thở phào. Nhưng chợt nhìn thấy mấy con ốc vít còn nằm cạnh đó, tôi thắc mắc:

- Sao lại còn dư ra mấy con ốc vậy anh Sơn"

Tôi nhận ngay một tràng đại liên nổ dòn dã:

- Không cần thiết đâu. Anh mà làm chủ hãng thì anh đuổi mấy thằng kỹ sư chế tạo cái lò này ngay. Đâu cần phải nhiều ốc vít lỉnh kỉnh như vậy. Em thấy đó, cái nồi vẫn hoạt động ngon lành mà.

Anh Sơn hay ôm đờn guitar ngồi trước ban công hát bài "Cô láng giềng". Không biết ảnh muốn gởi lời ca đến cô láng giềng nào đây vì trong xóm tôi cũng có mấy cô nàng xinh lắm. Một đêm, chị em tôi lên sân thượng chơi trò cầu cơ. Sau nhà tôi có cây gòn rất to lớn, tàng lá vươn rộng che một góc sân thượng. Ban đêm nhìn rất ma quái rùng rợn, ít ai dám lên đó một mình. Mấy chị em đang tìm chỗ để bày bàn cơ thì chợt nhìn qua sân thượng nhà bên cạnh, sau hồ chứa nước thấy có mấy cái bóng người đen thui. Tụi tôi nhè nhẹ tiến gần đến, rọi đèn bin qua xem thử thì ...mèn đéc ơi! Ông anh họ yêu quí của chúng tôi đang ngồi giữa choàng vai một lần cả...hai cô láng giềng!!! Hôm sau tụi tôi chọc anh thì anh cười cười nói:

- Anh phải chìu một lần hai cô kẻo họ phân bì kẻ trước người sau.

Còn Thanh Thúy là một trong mấy đứa bạn rất thân của tôi. Cô nàng cũng là một tay sản xuất pháo tầm cỡ. Thúy khá xinh, thông minh học giỏi, rất có năng khiếu về hội họa. Thúy có vẽ một số tranh sơn dầu được triển lãm trong hội chợ của trường. Nghe một số người khen tranh vẽ khá, cô nàng gáy với tụi tôi:

- Mấy bức này Thúy chỉ quẹt quẹt chơi thôi, đâu có ngờ là thiên hạ khoái.

Thúy còn hay gáy mình là kẻ có trái tim băng giá, đã làm bao cây si khô héo. Một hôm tôi nói với cô nàng:

- Anh Sơn của tao được mấy cô nàng hàng xóm mê lắm mà ảnh đâu có thích ai. Tụi nó mê ảnh cũng đúng vì ảnh giỏi, biết đủ thứ, và còn đẹp trai nữa.

- Ảnh mà đẹp trai cái gì! Thúy thấy ảnh cũng tạm thôi. 

- Con trai vậy mà Thúy kêu là tạm" Cao ráo nè, cười có duyên nè. Máy móc gì cũng biết sửa, lại đờn và hát hay hết sức.

Thúy đốt luôn một phong pháo:

- Nếu định giới thiệu cho tao thì phải hỏi là ảnh có chịu khó sắp hàng không đã. Thiên hạ xếp hàng khá dài rồi đó.

Thúy nói gì kệ nó. Tôi lấy cuốn bích báo trường cho anh Sơn coi và nói với anh:

- Cái hình bìa của bích báo trường này do con Thúy bạn thân của em vẽ đó, anh thấy đẹp không"

Anh Sơn ngắm cuốn bích báo một lúc rồi khen:

- Vẽ đẹp đấy chứ!

Tôi bồi thêm:

- Nó thông minh, nói chuyện có duyên và tếu lắm. Mấy tên con trai thích nó quá trời mà thất bại hết vì đấu trí không lại.

Tôi chỉ nói sơ sơ như vậy thôi, để cho hai anh chị có một ấn tượng sơ về đối phương là một nhân vật giỏi nhưng khó chinh phục. Còn Thúy có xinh và hấp dẫn hay không thì để ảnh tò mò tìm hiểu và tự đánh giá chứ mình quãng cáo quá thì ảnh lại thấy thường. Sau đó tôi kiếm một dịp gài cho hai tên gặp nhau và chắc ai cũng đoán biết cả hai nhân vật đều trổ tài chinh phục đối phương để xem đối thủ cao tay thế nào.

Chinh qua phục lại thế nào không biết mà đến bốn năm sau, anh Sơn và Thúy lấy nhau. Tiếc là lúc đó bà mai đi vượt biên bị bắt mắc kẹt trong tù nên không ăn đầu heo được. Có lẽ cái đám cưới này không phải tốn tiền... mua pháo!

Sau ngày cưới, cuộc sống của họ khá chật vật, kham khổ cũng như tình trạng chung của dân chúng miền Nam sau 1975. Thúy làm cho công ty hải sản, anh Sơn lao động tự do gặp gì cũng làm. Anh bôn ba xoay xở làm đủ nghề, chạy xe khách, sửa xe, sửa máy móc, nuôi chim cút, ấp trứng, kiếm ăn hàng ngày. Anh khéo tay, chuyện gì cũng có thể làm được nhưng lại không khá nỗi, y như người ta thường nói "Bá nghệ bá tri, chi bá láp".

Thời gian đầu, anh chị sống chung trong căn gác nhỏ của nhà nàng. Được vài năm gia đình anh bán căn nhà trên đường Quốc lộ 1 được hai cây vàng, cho anh một cây rưỡi để mua miếng đất gần biển Nha trang và xây lên một túp lều tranh để ở riêng cho thoải mái. Thời đó, nhà đất rẻ lắm. Người dân bị bắt đi vùng kinh tế mới bỏ nhà bỏ cửa rất nhiều. Còn ai không đi kinh tế mới thì đi vượt biển, thủ vàng cho chắc nên vàng rất có giá. Căn nhà ở Ninh Hòa bán có hai cây vàng sau này ai cũng tiếc, nhưng căn nhà anh Sơn mua ở Nha trang thì cũng trúng mánh.

Ai cũng nói là chưa thấy hai người nào hợp gu như cặp Sơn Thúy này. Cả hai cùng rất thông minh, sâu sắc, có tài (một bên về nghệ thuật, một bên về kỹ thuật), cùng thích nổ pháo và ...ở dơ! Muốn biết tổ ấm của họ thế nào thì cứ hình dung một chuồng chim bồ câu với phân chim tùm lum tà la mọi chỗ mà thay là phân chim thì sách vở, quần áo, chén dĩa dơ, ...và lông mèo tứ tung. Chắc vì mắc "đốt pháo" cho nhau nghe nên hai người mới không có thì giờ dọn dẹp nhà cửa đó thôi. Bà con em út mỗi lần nghe họ đồng ca đến câu "Ngày nhà em pháo nổ" đều phải bỏ chạy vì sợ tan xác.

Đầu thập niên 90, cha mẹ và người em út của anh Sơn qua được và định cư ở Minnesota. Ông bà bắt đầu nhín nhúc gởi tiền về giúp đỡ đám con cháu còn kẹt lại quê nhà. Gia đình anh Sơn cũng nhận được chút bổng lộc, sửa sang nhà cửa mở tiệm bán sách vở và dụng cụ văn phòng. Anh còn mua xe nhỏ đưa đón khách du lịch và mở lớp dạy lái xe. Cùng thời gian đó, công ty của Thúy có chuyện lôi thôi nên Thúy xin nghỉ việc ở nhà quán xuyến coi tiệm. Cuộc sống có thong thả hơn chút ít, nhưng nhà ở thì vẫn chật chội, bề bộn; và xác pháo thì đầy cả nhà vì đến tận ngày nay hai vợ chồng vẫn còn mê đốt pháo lắm.

Được ít lâu thì tiệm sách lần lần ế ẩm. Anh Sơn dạy học trò lái xe lại bị tai nạn. Xe tung người ta  làm cả thầy và trò đều lọt xuống hố, may chỉ bị thương chứ không ai chết. Ba má anh phải gởi tiền về để trả tiền bệnh viện, sửa xe. Thúy cũng phải tiêu hết cả tiền để dành đền cho nạn nhân. Hai vợ chồng Sơn Thúy bắt đầu gấu ó nhau. Chắc là sự xung đột đã ngấm ngầm từ trước chỉ chờ dịp để bộc phát thôi. Hai người đều tự cao, coi mình là nhất, không ai nhịn ai.

Thúy là kẻ chiến thắng trong các cuộc đấu khẩu và anh Sơn là người phải ngậm bồ hòn làm thinh. Càng ngày kẻ chiến thắng càng mạnh miệng đàn áp và trở thành bà "chằn lửa" hồi nào không hay. Còn kẻ thua trận là anh Sơn thì càng ngày càng trở thành kẻ nhu nhược, chán đời.

Rồi giấy tờ đi Mỹ của gia đình anh Sơn do cha mẹ bảo lãnh đến hạn. Lúc này là thời điểm nhà đất lên giá. Anh Sơn treo giá nhà lên đến 250 ngàn đô la Mỹ, vậy mà cũng có người mua. Ai cũng nói là hồi đó anh mua nhà trúng mỏ vàng! Cầm số tiền đó qua Mỹ anh gáy với chúng tôi:

- Tụi Google chỉ có vài trăm bạc mà giờ thành tỉ phú. Còn anh, với số tiền này  anh sẽ thành ông boss tụi nó cho coi.

Nghe ông anh gáy tôi thấy mừng cho anh, ít ra là cũng còn mộng tưởng và có ít nhiều khí thế của một kẻ di dân đi tìm cơ hội. Cái mộng tưởng đó sẽ giúp anh vượt qua những chán ngán của các công việc nặng nhọc lúc đầu mà ai cũng gặp phải.

Qua Mỹ, gia đình anh Sơn chọn tiểu bang Texas lập nghiệp vì có nhiều người Việt và khí hậu không lạnh như Minnesota. Anh chị cho là đi làm công nhân khổ và không kiếm được bao nhiêu nên sang một tiệm ăn nhỏ để làm chủ. Kinh doanh tiệm ăn rất khổ, cả nhà phải đổ tất cả thì giờ và công sức vào tiệm. Nhiều lúc đông khách, làm không kịp nên Thúy bực mình hay nhằn anh Sơn vì dù gì anh cũng hơi lớn tuổi và nhiễm cái cốt cách tà tà của ông chủ bên Việt nam rồi. Thêm nữa anh đang chống đối ngấm ngầm với vợ vì anh đâu phải sinh ra là để nhốt trong chốn bếp núc chật hẹp như thế này. Phí phạm nhân tài quá!

Anh Sơn vẫn nuôi mộng "làm chủ công ty Google" nên nay bị bó tay trong quán anh bất mãn lắm. Anh bảo là ngày mới qua đây anh sang cái tiệm để cho Thúy lên làm bà chủ quản lý quán, còn anh sẽ bung ra ngoài quậy cho "tụi Mỹ và thiên hạ" biết tay. Hồi còn ở Việt nam anh thấy bà con, bạn bè hoặc nhiều người "dở ẹt, chẳng ra chi" mà khi qua Mỹ làm ông này bà nọ, nhà cao cửa rộng lái xe vi vút tức là "tụi Mỹ" quá xá dở. Còn một người tài giỏi, có tài như anh thì thôi khỏi nói, chẳng mấy chốc sẽ đứng ngang hàng với Bill Gates hoặc Buffet chứ chẳng chơi. Nhưng cần nhất là Thúy phải để anh có cơ hội khuấy bột mà gột nên hồ.

Rồi chiến tranh cũng bùng nổ giữa hai chúa tể sơn lâm. Sư tử cái nói:

- Ông là cái đồ vô tích sự! Một tay tui cũng đủ rồi. Có ông càng thêm bận tay và chướng mắt.

Sư tử đực cũng gầm lên:

- Bà hủy hoại tài năng của tui. Từ nay tui để bà tự lo. Tui sẽ trổ tài cho bà và thiên hạ biết tay.

Anh Sơn tạm chia tay vợ lái xe về Minnesota ở với mẹ và gia đình cô em. Gặp tôi anh đùa:

- Hồi xưa sao em làm mai cho anh "sư tử Hà đông""

Ông xã tôi bênh:

- Có ai mua xe chạy 30 năm rồi đi bắt đền" Xe mới cáo bán ra họ chỉ bảo hành 3 năm thôi.

Tôi cũng nói:

- Hồi đó Thúy hiền khô. Anh làm sao mà biến người ta thành bà chằn lại còn nói. Em chưa hỏi tội anh đó.

Thấy tình cảnh anh như vậy, tôi cũng không biết khuyên sao. Cả hai người đều giống nhau y đúc là coi cái tôi của mình rất cao, cứ cho mình là cái rốn của vũ trụ, cứ tự bảo vệ ý kiến của mình, không quan tâm đến đối phương, không ai chịu nghe ai nói. Người này cứ trách cứ người kia mà không nhìn lại mình. Ai cũng có khuyết điểm, và có lỗi nhưng cứ tự biện hộ để che lấp. Hai cực của nam châm này cùng một tính chất thì sao không đẩy nhau được.

Thúy cũng công nhận là mình chằn ra:

- Thúy nghĩ hai bên đều có lỗi. Thúy thấy mình cũng hung dữ ra. Nhưng cũng tại anh Sơn, ảnh làm biếng, vô dụng, làm gì cũng thất bại mà cứ làm tàng. Thúy thì ngược lại đụng vào cái gì cũng thành công. Thúy nhanh nhẹn, tháo vát trong khi ảnh cứ chậm lụt, và bất đắc chí thì làm sao không gắt gỏng cho được.

Thôi rồi, cô bạn thông minh nhí nhảnh của tôi hồi xưa chỉ nổ pháo cho vui thôi, bạn bè chung quanh không bị hại chi cả, thỉnh thoảng còn được một bữa cười thoải mái. Suốt ba mươi năm trau dồi nay trình độ đã lên đến nổ bom như quân khủng bố thế này thì ai mà chịu cho nổi!

Tôi nhắc:

- Nữa, Thúy cứ tự nâng mình và chà đạp chê anh Sơn thì làm sao ảnh không bực và chống đối. 

- Nhiều khi Thúy cũng muốn nhường nhịn ảnh nhưng rồi lại không làm được. Ai bảo tại mình thông minh, tài giỏi làm chi, lúc nào cũng đòi hỏi sự hoàn chỉnh.

Nổ kiểu này hoài thì sao anh Sơn không bị trúng miểng. Chưa tan xác là may.

*

Qua Minnesota, nhờ người quen giới thiệu anh Sơn vào làm trong shop sửa xe, nghe nói đầu tiên mà họ chịu trả anh tiền mặt 15 đô một giờ. Tụi tôi chúc mừng:

- 15 đồng tiền mặt tương đương với làm hãng hơn 20 đồng mà phải đóng thuế. Thợ mới không kinh nghiệm mà được trả vậy là khá lắm. Có kinh nghiệm làm việc ở Mỹ rồi sau này anh nhảy tiệm khác lương cao hơn thì dễ thôi. Công việc của anh có cực không"

Anh nói:

- Bữa đầu thì anh chưa quen với tên tiếng Mỹ của mấy dụng cụ, nhưng từ từ rồi cũng dễ thôi. Anh thấy ở đây họ dở ghê, sửa cái gì cũng mở sách ra coi. Anh đang chờ họ bị bí thứ gì trong sách cũng không có thì anh sẽ ra tay cho họ biết tài.

Tôi thấy cái suy nghĩ của anh thật đáng lo, cái nghề sửa xe là nghề phục vụ người nghèo - không có tiền đi xe khá một chút nên cứ phải chịu tốn tiền sửa hoài. Sửa mà tốn nặng quá thì mua chiếc khác còn hơn. Xe cộ bây giờ lại nhiều kiểu, nhiều loại, công nhận là anh thông minh nhưng cũng lớn tuổi rồi, tay chân bắt đầu chậm chạp hơn, đầu óc cũng không còn nhanh nhẹn như xưa. Sửa cái xe nào đều phải suy nghĩ, tìm hiểu thì làm sao kịp giờ cho khách, làm sao mà đủ doanh thu cho chủ.

Chưa thấy anh trổ tài cho họ biết mà đã thấy anh "được" họ cho nghỉ vì lý do...shop dạo này hơi ế nên không cần thêm người.

Anh nói:

- Càng khỏe, anh sẽ có thêm thời giờ để làm ăn trên e-bay.

Anh lùng sục trên e-bay mua những computer cũ về tân trang lại, rồi mua những linh kiện điện tử cũ hoặc máy móc cũ. Mua vào, bán ra lung tung cả lên. Anh khoe:

- Làm qua quít mà kiếm cũng được cả ngàn mỗi tháng.

Nhưng không biết có thiệt là lời không vì thấy hôm bữa anh mua cái máy chụp hình qua e-bay mà không có đồ charge" Mua sĩ 50 cái CD rom mà hai tháng rồi mới bán lẻ được có 1 cái"

Anh ở chung nhà với gia đình cô em gái được ít tháng mà cô em bị pháo của anh nổ điếc cả tai. Cổ chịu không thấu than trời:

- Bất cứ chuyện gì ảnh cũng góp ý kiến bảo phải này phải nọ. Thợ thuyền chuyên môn mình thuê tới sửa nhà mà ảnh cũng chỉ họ lung tung trong khi ảnh không biết gì hết trơn! Không biết làm sao chị Thúy chịu nổi ảnh suốt 30 năm nay"

Nhớ hồi anh mới qua Mỹ khi tôi chở anh đi dạo, anh phê bình tôi:

- Sao em sang lane mà phải nhìn qua nhìn lại dở quá vậy" Em tập nhìn kiếng chiếu hậu thôi mới hay chứ.

Phê bình cho cố đến phiên ảnh đi thi lái xe phải 4 lần mới đậu. Tôi nói với cô em của anh Sơn:

- Nồi nào úp vung nấy! Cái nồi này chắc chuyên dùng để rang bắp nổ. Tụi mình lâu lâu cũng phải nếm mùi bắp nổ của Bill Gates rang chứ.

Còn Thúy một mình quán xuyến tiệm ăn rất cực vì hai cô con gái đứa lớn xong đại học đã đi làm, cô nhỏ phải trở lại trường Đại học. Thúy lại không biết lái xe nên không thể đi mua hàng họ. Cô nàng nói với tôi:

- Tụi nhỏ đi học hết mà ông Sơn không chịu về quán giúp thì Thúy phải bán quán mà thôi.

- Sao Thúy nói không cần ổng mà. Một tay của Thúy cũng đủ làm nên chuyện rồi!

Thúy cười hì hì:

- Bực quá thì nói cho bỏ ghét thôi. Nhiều khi thấy sự cãi cọ cũng do hai vợ chồng cứ làm việc chung với nhau suốt. Khi quán đắt khách, ai cũng tất bật rồi hay bực mình cáu gắt nhau. Thúy dứt khoát không kinh doanh tiệm nữa. Chắc Thúy sẽ bán quán rồi kiếm việc trong hãng xưởng làm cho khỏe tâm khỏe trí. Lớn tuổi rồi, bon chen làm giàu chi cho mệt.

Rồi Thúy sang tiệm thật và bay lên Minnesota kiếm anh Sơn. Nay hai anh chị đều đi làm công nhân cho hai hãng điện tử khác nhau. Mỗi người một ca cũng khác nhau (có lẽ để tránh nổ pháo cho nhau nghe). Cuối tuần, vợ chồng tôi ghé thăm anh chị. Anh Sơn ra đón chúng tôi từ cổng. Tôi hỏi:

- Bây giờ êm cả rồi phải không" Anh còn muốn làm "Cách mạng" nữa thôi"

- Tụi em không biết đâu. Tất cả đều nằm trong chiến lược tiêu diệt độc tài của anh hết trơn đó.

Nhìn bức tranh mới vẽ nơi phòng khách, tôi hỏi Thúy:

- Tranh đẹp quá, mới vẽ hả Thúy"

-  Mới vẽ mấy chục bức. Mấy bà cùng làm tới chơi thấy đẹp xin hết trơn rồi. Tay chân bây giờ cứng ngắt, vẽ không được như xưa mà mấy bà ấy khen nức nở, bảo Thúy là thiên tài hội họa.

Trời ơi, mới lên Minnesota có vài tuần mà vẽ đến mấy chục bức luôn! Tính nào tật nấy chẳng thay đổi gì cả. Anh chàng của tôi đía:

- Chị Thúy đi học múa đi. Chị đi học múa vẽ tranh sẽ đẹp lắm đấy.

Thúy hỏi:

- Mắc mớ gì học múa mà lại vẽ đẹp" Hai thứ đó đâu có liên hệ gì với nhau"

- Múa mép đó. Chị Thúy không biết à"

Anh Sơn và Thúy nghe chàng của tôi châm chọc nên tảng lờ chạy vô nhà mở nhạc cho át tiếng chọc quê của địch thủ. Tiếng hát Lệ Thu thật mê ly bài Tình nhớ của Trịnh công Sơn "Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng...", tôi và chàng của tôi đồng ca tiếp "Tình nổ ngỡ tiêu tan, may mà nó chưa sao..."!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,016,869
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến