Hôm nay,  

Mẹ Tôi

10/05/200800:00:00(Xem: 241488)

Tác giả: Bồ Tùng Ma

Bài số 2294-16208271-vb7100508

Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60, cựu sĩ quan hải quân, hiện là cư dân Glendale. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng, đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ từ 2002 và vẫn tiếp tục góp thêm nhiều bài viết độc đáo. Sau đây là bài viết mơ1ới của ông nhân mùa lễ Mother’s Day.

Mẹ tôi từ Huế vào xứ Quảng làm dâu. Dâu rước bằng ghe vì trời lụt, rồi bằng... tàu lửa. Khi cô dâu đến quê chồng, cả làng chạy ra xem. Có người bỏ cả việc đồng áng, chợ búa. Cô dâu mặt đẹp như ngọc, nước da trắng tinh, mặc chiếc áo dài tím, quần đen. Hồi ấy con gái đàng hoàng ít ai mặc quần trắng. Quần trắng chỉ để cho các cô hết sức tân thời, me Tây hay cô đầu. Mẹ tôi nói bà không sao tưởng tượng mình có thể ở quê chồng suốt nửa thế kỷ, gắn bó với quê chồng hơn cả quê mình. Xứ chi mà dân ăn nói cục mịch, khó nghe, ai cũng nhìn mình như nhìn người ngoại quốc. Mỗi lần Mẹ đi chợ là cả một cực hình. Mấy bà lắm chuyện cứ làm bộ lân la làm quen Mẹ để moi tin tức "cho lên báo", nghĩa là kể lại cho dân làng nghe, để làm một cái thú như các nhà văn nhà thơ được người khác đọc sách mình.

"Cái áo dài tím thiếm mua bao nhiêu rứa" Bên chồng mua hay bên thiếm mua" Ở Huế đi ra khỏi nhà phải mặc áo dài hả" Nghe nói nhà mô ở Huế cũng có cái bàn ủi hả" v.v... "

Có bà bạo miệng còn hỏi cả chuyện phòng the nữa, làm mẹ tôi đỏ cả mặt.

Chạy lánh giặc Pháp, ba tôi không theo gia đình được, mẹ tôi bỏ tất cả của cải, chỉ gánh theo một gánh, đầu gánh này là tôi, đầu gánh bên kia là em trai tôi. Cho đến bây giờ tôi không hiểu sao lúc ấy chúng tôi đã lớn, biết đi đứng vững vàng, đứa nào cũng to con, mà Mẹ lại có thể gánh chúng tôi được. Tuy tôi là con so, nhưng cũng nặng đến 3 ký khi được sinh ra. Cô tôi nói với Mẹ phải tìm cách để mấy đứa sau đừng to lớn quá, đẻ khó, đau chết đi được. Mẹ nói đau thì đau, miễn tụi nó to lớn khoẻ mạnh. Mang nặng đẻ đau, sinh khó, mà còn phải gồng gánh chúng tôi. Thật khổ cho Mẹ.

Tôi còn nhớ một hôm Mẹ gánh chúng tôi đến một gia đình có rất nhiều người tạm trú, nhất là trẻ con, Mẹ đưa chúng tôi ra bờ sông, tay bà mang theo một ấm nước. Hôm nay không hiểu sao Mẹ lại vấn cái khăn trắng khá lớn trên đầu. Đến bờ sông, Mẹ lôi chúng tôi vào trong một lùm cây. Bà ngó trước nhìn sau rồi tháo cái khăn trên đầu xuống, lấy ra một khúc thịt heo ba chỉ đã luột chín. Bà ngắt đôi khúc thịt ra, ngắm nghía rồi đưa cho tôi khúc thịt lớn hơn và em tôi khúc nhỏ hơn. Thằng em tôi đưa cặp mắt tròn xoe nhìn hai khúc thịt, có ý so sánh.

"Triệu lớn hơn con, ăn nhiều hơn". Mẹ nói.

Mẹ nói có lý quá đi chứ! Thằng em tôi cũng thấy Mẹ có lý, gật đầu. Nhưng tôi biết dù tôi có nhỏ hơn, Mẹ cũng cho miếng thịt lớn hơn. Khi đó Mẹ sẽ nói: "Triệu nhỏ hơn, nên nhường cho Triệu." Tôi được Mẹ thương nhất mà, dù sau này Mẹ có thêm một đàn con, bốn gái một trai, mà trong số này có nhiều đứa tánh tình dễ thương hơn tôi rất nhiều.

Tôi đưa khúc thịt lên miệng định ăn thì Mẹ lấy cái nắp ấm ra, đổ một chất nước gì vàng vàng từ chiếc ấm vào trong nắp.

"Nước mắm đó. Chấm ăn đi" Mẹ nói, rồi lại nhìn trước nhìn sau. Tôi biết mẹ sợ người ta thấy. "Người ta" mà tôi nói đây là đám con nít có thể ra sông tắm và mấy thanh niên trong làng, thường là phụ nữ. Họ có thể bắt gặp gia đình tôi có thịt ăn và tố chúng tôi lãng phí, tư sản. Họ hay tụ tập tại các ngã tư, trạm gác, thấy ai đi chợ về, cũng lân la đến dòm trong rổ xem đã mua gì. Gặp người ăn mặc áo quần may bằng vải ngoại hoá thì họ mỉa mai, bóng gió, nói những câu khiến người ta khó chịu, chỉ muốn tụt hết áo quần ra. Có người còn làm trò như chạy ra ôm người mặc đồ ngoại hoá,giả vờ khóc:

"Anh (chị) ơi! Sao nỡ ăn mặc sang trọng trong lúc nước nhà v.v... "

Tôi là đứa con đầu, có nhiều thời gian gần mẹ tôi trong tuổi thanh xuân của bà hơn tất cả các đứa em khác, nên có khả năng nhận xét về hình dung của Mẹ lúc trẻ. Theo tôi, không ai đẹp bằng mẹ tôi. Ngay cả khi về già bà vẫn còn giữ lại những nét đẹp tự nhiên. Họ hàng và xóm giềng ai cũng thích mời bà dự tiệc tùng, đám giỗ, đám cưới... Ắt hẳn họ muốn chứng tỏ cho người khác biết gia đình mình có quen biết với một bà sang trọng, tánh tình dễ mến. Mẹ hay được mời như vậy khiến chúng tôi thường nói đùa:

"Phải cấp cho mẹ một ngân khoản tiệc tùng như các vị lãnh đạo cao cấp". Chúng tôi cũng hảnh diện có Mẹ ở gần. Chúng tôi đã làm giấy tờ cho Mẹ sang Mỹ đoàn tụ với con cái. Chúng tôi ngạc nhiên thấy bà không hề phản đối như trước mà hết sức vui vẻ, chuẩn bị mọi thứ. Trong khi chờ đợi, chúng tôi bảo lãnh bà sang Mỹ theo diện du lịch.

Hầu như mẹ tôi chẳng có chút nào ngỡ ngàng khi đến Mỹ. Một hôm chúng tôi đưa bà đến một ngọn đồi ở phía bắc downtown Los Angeles, nơi có nhiều ngôi nhà rất xưa. Hầu như chẳng có một công trình xây dựng mới nào ở đây. Mẹ nói:

"Mẹ cảm thấy như mẹ đã từng ở đây."

"Chắc kiếp trước mẹ ở đây không chừng." Tuyết, em gái tôi cười nói.

"Có thể mẹ xem phim" Tôi nói.

"Chắc rứa. Nhưng ở đâu cũng không bằng quê mình."

Nghe bà nói, tôi hỏi:

"Quê nội hay Huế""

"Quê nội chớ."

"Vậy sao mẹ cứ nằng nặc đòi bảo lãnh qua đây""

"Để gần con cháu. Với lại..."

"Sao mẹ""

"Nghe nói người già ở đây sướng. Mỗi tháng ít nhất cũng được 600"

Chúng tôi cười ồ:

"Đã có con cái lo. Mẹ còn cần tiền để làm gì""

"Tao cần chi tiền. Cho bọn mi chớ!"

"Thôi mẹ ơi! Mỹ tốt với tụi con quá rồi. Mình chẳng bà con họ hàng chi với nó, mà nó cho mình ở, cung cấp tiền nhà, tiền ăn, cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Bây giờ ai cũng có nhà cửa vốn liếng, mà còn vòi thêm tiền của nó nữa. Tội chết!"

"Ừ, phải. Thôi đừng bảo lãnh mẹ nữa. Qua đây mẹ lại báo cô báo đời, làm phiền làm phức người ta."

Lúc ấy mẹ tôi đã gần 80 tuổi nhưng khoẻ mạnh. Bà chưa bao giờ đau ốm, ngoại trừ những bệnh vặt vãnh ai cũng mắc phải như đau đầu, đau bụng... Trí óc Mẹ cũng minh mẩn, không lẩm cẩm. Mẹ không thích người ta cho mình già cũng như không thích được săn sóc theo cách người già được săn sóc. Có lần thấy mẹ tôi đi qua đường, một người bạn của tôi chạy theo dắt bà qua, bà hất tay ra, có vẻ không hài lòng. Chiều lại trong bữa cơm Mẹ nói:

"Hắn làm như tao không có chân. Già thì già, đâu đến nỗi... "

Mẹ tôi sang Mỹ du lịch, không hề làm phiền chúng tôi bất cứ vấn đề gì, trái lại còn giúp đỡ chúng tôi rất nhiều việc như coi sóc con cháu, đi chợ, làm việc nhà... Bà tới ở nhà đứa con nào thì nhà đó sạch sẽ, đồ đạc ngăn nắp, chén dĩa được rửa ngay sau khi ăn. Chúng tôi thấy bà chẳng bao giờ ngồi yên, mà lúc nào cũng động đậy chân tay. Làm việc là một thú vui của bà. Hầu như bà chẳng có một hobby nào khác ngoài làm việc và đổ tam hường. Mỗi lần đi đâu về chúng tôi rất vui nghe tiếng leng keng của ba hột súc sắc chạm vào cái bát sứ.

"Ủa, mẹ đổ tam hường với ai vậy"" Vợ tôi hỏi.

"Mẹ đổ với... mẹ". Tôi trả lời "Ở Mỹ mẹ đâu có bạn già nào ở gần. Bạn... trẻ ai cũng đi làm"

"Ngày mai đám giỗ ba. Chắc sẽ có khách ở lại đổ tam hường với mẹ" Vợ tôi nói.

 Vợ tôi cũng rất thương yêu bà mẹ chồng, giống y như mẹ tôi đã thương yêu bà nội tôi trước đây. Nhưng vợ tôi có một khuyết điểm là chẳng chịu bắt chước cách nấu nướng của Mẹ như các em gái tôi. Mỗi lần được thưởng thức các món ăn do Mẹ nấu như cà tím nướng dằm nước mắm, cá ngừ kho với ớt và trái thơm, canh mít nấu tôm và rau sưng lá lốt, không những tôi ăn được nhiều, mà còn như được sống lại tuổi thanh xuân trong gia đình gần nửa thế kỷ trước. Những lúc ấy tôi vừa ngồi ăn vừa nhắm mắt tưởng tượng như mình còn nhỏ dại. Phải chi còn Ba và bên ngoài có một ít gió rít trộn lẩn bới tiếng mưa rơi. Phải chi có nước mưa tạt vào cửa sổ. Phải chi mái ngói bị dột... Phải chi lúc nào mình cũng đói bụng như hồi nhỏ để Mẹ vội vàng bắc nồi cơm lên...

Mẹ tôi qua Mỹ thăm chúng tôi lần thứ ba. Sức khoẻ bà vẫn tốt. Bà vẫn lấy việc giúp đở con cháu làm một thú vui chính và không hề làm phiền con cháu về bất cứ vấn đề gì. Nhưng rồi một hôm Mẹ hỏi tôi:

"Giấy tờ bảo lãnh của mẹ tới mô rồi""

"Ủa, tụi con huỷ bỏ rồi mà. Mẹ yêu cầu ma."

"Rứa làm răng mẹ có tiền già. Việt Nam đâu có tiền già."

Một hôm thấy tôi vừa bước vào nhà, Mẹ hỏi:

"Tâm, con nói tháng 10 mới qua Mỹ mà. Sao qua sớm rứa""

"Con đây, đâu phải Tâm."

Chúng tôi thấy Mẹ bắt đầu có triệu chứng lú lẫn của người già. Tuy nhiên bà vẫn rất ham làm việc. Đặc biệc bà chẳng chịu để ai rửa chén bát. Ai rửa bà cũng chê không sạch. Mà bà rửa thì chậm chạp, đôi khi tay run run. Tôi buồn rầu nhìn đôi tay của Mẹ, đôi tay đã săn sóc bảy anh em chúng tôi hơn nửa thế kỷ, đã bồng bế chúng tôi, đã xúc từng muỗng cơm đổ vào bảy cái miệng háu ăn. Đôi tay ấy bây giờ đã run run.

Một tuần lễ sau mẹ tôi nhất định đòi về Việt Nam. Mẹ nói không muốn ở lại Mỹ, sợ làm phiền con cháu .

*

Em gái tôi từ Việt Nam gọi điện thoại qua nói mẹ tôi càng ngày càng lú lẫn tuy vẫn mạnh khoẻ. Bà không nhận ra được một số các cháu nội ngoại, có khi cả con cái.

"Rứa mà anh chị hay thằng Tú về, mẹ có thể nhận ra ngay. Chị Năm Xuân trước đây hay đổ tam hường với mẹ, đã lâu mẹ không gặp, khi gặp thì nhận ra ngay; còn bác thợ mộc ở cạnh nhà hay lui tới, mẹ lại không biết là ai."

Chúng tôi rất buồn rầu nghe tin này.

"Miễn mẹ còn khoẻ mạnh là được, trí óc lú lẫn cũng chẳng sao". Tôi nói

"Mẹ khoẻ mạnh nhưng lại không nhận ra được con cháu. Vậy cũng như không". Vợ tôi nói

 "Vậy, chứ làm sao bây giờ. Không lẽ mình muốn ngược lại: Mẹ không khoẻ mạnh nhưng minh mẩn." Tôi nói.

"Đàng nào cũng khổ. À, Trinh vừa gọi điện thoại qua nói hôm kia mẹ đi tiểu ngay trong góc phòng khách." Vợ tôi nói "Hay anh và Tú về thăm mẹ một chuyến."

Nhân dịp hè, tôi mua vé máy bay cùng thằng con trai út 8 tuổi về thăm Mẹ.

Nếu không có việc gì cần thiết tôi sẽ chẳng bao giờ đến Sài Gòn trong mùa hè. Hai cái ghê gớm nhất nơi đây là thời tiết và giao thông. Sài Gòn là một lò lửa trong mùa hè và một trường đua xe gắn máy không có trọng tài lớn nhất thế giới. Tôi chẳng bao giờ dám đi qua đường dù tại những ngã tư có đèn xanh đỏ hẳn hoi. Thật buồn cười, có lần băng qua một con đường lớn tôi phải dùng taxi và hơn 5 phút sau mới đến. Hôm sau tôi mua vé máy bay ra ngay Đà Nẵng.

Ngồi trong xe hơi về nhà, Trinh, em gái tôi nói:

"Anh đừng nói chi hết, coi mẹ nhận ra anh và Tú không"

Bước vào nhà, tôi thấy Mẹ đang ngồi làm gì đó trên ghế sô-pha. Mấy em tôi và các đứa cháu bu chung quanh Mẹ. Cả bọn nhao nhao lên hỏi:

"Mẹ (ngoại, nội) có biết ai đây không""

Mẹ tôi nói, vẻ mặt có hơi giận:

"Tụi bây làm như tao chết đến nơi. Triệu, Tú chớ ai."

Nghe Mẹ nói, lòng tôi cảm thấy vui hơn bao giờ cả. Bao nhiêu mệt nhọc sau chuyến hành trình đều tan đi hết. Mẹ vẫn khoẻ mà.

Tối hôm đó tôi giao Tú cho bà nội để đi chơi với các bạn. Mấy ngày căng thẳng lo âu, nay thấy vui lên, hưng phấn như một thanh niên hai mươi, việc gì phải ở nhà! Tôi nghĩ vậy. Tuy nhiên hôm ấy mới hơn 10 giờ tôi đã về nhà. Đến nhà tôi ngạc nhiên thấy Mẹ đang ôm Tú ngồi ngoài hiên. Mẹ nói:

"Thời buổi loạn lạc, đêm hôm khuya khoắt, con đi đâu khuya vậy" Cái quán chi đó gần Toà Thị Chính bị Việt Cộng ném lựu đạn. Chết 2 lính Mỹ. Mi coi chừng đo."

Tôi nghe Mẹ nói lú lẫn, tự nhiên tim thấy nhói lên, im lặng dìu mẹ và đắt Tú vào nhà.

Trước đây mỗi lần về Việt Nam tôi vẫn thường hay đi chơi. Mẹ tôi không hài lòng lắm. Mẹ hay nói:

"Già rồi, đi chơi chỗ này chỗ kia... người ta thấy cười chết"

Nghe mẹ nói có lý tôi bớt đi chơi, nhưng cũng thấy mất tự do. Tôi nói với đám bạn việc này. Ai cũng cười:

"Già rồi mà còn sợ mẹ đánh đòn"

Bây giờ Mẹ không sợ tôi đi chơi bị người ta cười, mà sợ bị Việt Cộng ném lựu đạn. Thật buồn. Mẹ đã lú lẩn rồi.

Sau đó thỉnh thoảng mẹ tôi lại lú lẩn nhiều chuyện khác, làm chúng tôi rất lo. Tuy nhiên vì công việc bề bộn ở Mỹ tôi không thể ở lại bên Mẹ lâu được. Tôi giao hết việc săn sóc Mẹ cho các em. Người phải chịu nhiều cực khổ săn sóc Mẹ là Trinh, em gái tôi, dù nó là đứa tay yếu chân mềm nhất trong nhà.

*

Ở Mỹ. một đêm tôi đang ngủ mơ màng thì nhận được điện thoại từ Việt Nam:

"Anh nên mua vé về gấp. Mẹ đã vào bệnh viện Hoàn Mỹ. Bác sĩ nói không còn bao lâu nữa."

"Bác sĩ Dũng cũng nói vậy".

Em trai tôi nói. Hai vợ chồng nó và hai vợ chồng em gái tôi đang du lịch Mỹ mới non một tuần. Bác sĩ Dũng, một bác sĩ danh tiếng tại Đà Nẵng, suôi gia của em trai tôi, đã nói vậy thì phải tin. Vậy là bọn người du lịch, tôi và hai đứa con bay về Việt Nam.

Việc đầu tiên của chúng tôi là thăm Mẹ. Mẹ tôi đã trở về nhà, nằm trong phòng có máy điều hoà không khí, có người săn sóc. Thật là chu đáo. Công này phải nói là do vợ chồng em Trinh.

Mẹ đang nằm trên giường, có một cái ống nhựa xuyên qua lỗ mũi.

"Phải nghiền đồ ăn cho vào lỗ mũi". Cô y tá nói.

Chỉ có một chút cứt mũi mà ta còn khó chịu, huống chi là một cái ống xuyên qua mũi, xuống tận dạ dày. Thật không có nỗi khó chịu nào hơn. Tôi chỉ con Trâm, thằng Tú, hai đứa con tôi:

"Mẹ biết ai đây không""

Mẹ gật đầu. Tôi chỉ Trinh đang đứng bên cạnh, hỏi một câu tương tự thì Mẹ lắc đầu.

"Mẹ chỉ nhớ quá khứ thôi. Cũng như ông Dân bên cạnh nhà mình, suốt ngày sợ Việt Cộng pháo kích; quên mình đang ở trong... vùng Việt Cộng" Trinh nói.

Chỉ có cái ống nhét vào lỗ mũi làm mẹ tôi trông khác lạ, còn tất cả những gì thuộc về thân thể Mẹ đều không thay đổi: nước da trắng hồng, hàm răng trắng tinh, khuôn mặt đầy đặn.

"Bà nội đâu có đau. Bà nội cười mà". Tú nói

"Không phải đâu! Tại cơ vòng ở miệng bà nội dãn ra, làm bà nội giống như cười. Bà nội khó chịu trong người lắm, nhưng tánh nội xưa nay vẫn chịu đựng, ít khi biểu lộ ra." Tôi nói.

Chúng tôi ở lại với Mẹ hơn một tháng. Tất cả bạn bè quen biết của tôi đều đến thăm Mẹ. Tôi cũng hay cùng họ đi chơi đây đó. Mỗi lần đi như vậy tôi lại nhớ đến Mẹ. Năm ngoái cũng vào thời điểm này tôi đâu dám tự do đi chơi như thế này. Ôi chao, phải chi mình không được tự do, phải chi Mẹ khoẻ mạnh để khuyên mình đừng đi chơi. Già như thế này mà còn có mẹ khuyên răn dạy dỗ, thật không có gì sung sướng bằng, mình cảm thấy mình trẻ ra. Nhưng nay việc này vĩnh viễn không còn nữa.

Một hôm tôi vào thăm Mẹ, ngạc nhiên thấy người Mẹ rúm lại. Tất cả đều như được thu nhỏ, kể cả khuôn mặt. Cô y tá nói:

"Có mấy cái răng của bà rụng, có cái mục nát."

Tôi nhìn miệng Mẹ. Nó lõm vào làm khuôn mặt Mẹ khác hẳn đi. "Nụ cười" đã biến mất.

Từ đó tôi rất ít vào thăm Mẹ. Tôi không nỡ nhìn Mẹ. Mỗi lần nhìn Mẹ tôi đau xót quá. Tôi thương mẹ và thương cho kiếp người, nghĩ đến sự tàn nhẫn của thời gian. Mẹ tôi vốn thích làm đẹp, từ lúc thanh xuân cho đến tuổi xế chiều và ngay cả khi đang nằm trên giường bệnh. Do đó tôi biết chắc Mẹ cũng không muốn ai, kể cả con cái, nhìn thấy mẹ trong dáng vẻ đang bị thời gian dần dần huỷ hoại. Tôi thường liếc nhìn vào phòng Mẹ nằm, khi thoáng thấy Mẹ được cô giúp việc cho quay người vào trong, tôi mới đứng nhìn phía sau người Mẹ hơi lâu. Tôi thấy thân thể mẹ như là chiếc áo trời cho mẹ mặc tạm, nó đang cũ dần, mục nát dần. Còn mẹ tôi vẫn mãi mãi hiện hữu, thắm tươi, vẫn gánh chúng tôi chạy lánh giặc Pháp, vẫn lấy từ trong khăn ra miếng thịt heo cho chúng tôi ăn, vẫn đi dự những bữa tiệc mời, vẫn qua Mỹ thăm chúng tôi, vẫn cho con cái những lời khuyên dạy...

 Trở về Mỹ, mỗi lần nghe điện thoại reo, nhất là vào những lúc đêm hôm khuya khoắt, tôi lại giật mình, tưởng có tin chẳng lành từ Việt Nam. Nhưng đã ba năm Mẹ vẫn như vậy. Nghe nói có người kéo dài tình trạng này cả 10 năm. Đối với anh em chúng tôi, dù tình trạng Mẹ kéo dài đến bao lâu đi nữa, chúng tôi vẫn vui sướng được phụng dưỡng Mẹ. Viết đến đây tôi xin chân thành chia sẻ nỗi đau đớn với Mẹ, cũng như với biết bao nhiêu bà mẹ khác, mà có người còn kém may mắn hơn cả mẹ tôi, thiếu người săn sóc, chẳng có thuốc men.

 Bồ Tùng Ma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến