Hôm nay,  

Có Một Thế Giới Khác

23/04/200800:00:00(Xem: 122890)

Người viết: Thuỳ Dương

Bài viết thuộc về năm 2007

Tác giả định cư tại Hoa Kỳ từ 1987, hiện là một bác sĩ hành nghề tại quận Cam, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ  đặc biệt và nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm 2006. Bài viết thứ tám của Thuỳ Dương là  một chuyện ma trong nhà thương Mỹ được kể bởi một y sĩ.  Bài thuộc về năm 2007, dành cho báo xuân Việt Báo, vì sơ xuất nên phổ biến chậm. Trân trọng cáo lỗi với tác giả.

Bạn tin có ma hay không"

Tôi tin có ma!

Tôi vẫn thường tự cho mình là con người của khoa học, không tin dị đoan, ma mãnh. Chả là tôi đã từng mổ tan nát những tử thi (cadavers), tôi đã từng ngồi một mình trong phòng lạnh với cả trăm xác chết nằm bất động giữa đêm khuya khoắt để chuẩn bị cho buổi thi thực tập cho môn Cơ Thể Học (Anatomy). Rồi nữa tôi phải đi luân khoa qua môn Bệnh Lý Học (Pathology) với những người chết bất đắc kỳ tử, đa số còn trẻ tuổi, chưa có bệnh gì trước đó để tìm ra nguyên nhân của cái chết. Tôi chỉ mỉm cười không tin khi có người kể chuyện ma cho đến khi chính tôi là người gặp ma.

Lúc đó tôi đang thực tập cho một nhà thương lớn ở Los Angeles, khá bận rộn và lúc nào cũng thiếu ngủ nên thay vì thuê nhà ở ngoài như các bạn của tôi, về nhà được relax thảnh thơi, xa lánh không khí bệnh viện chút nào hay chút nấy, tôi chọn ở trong dorm của nhà thương, giá cả nhẹ nhàng, không phải trả tiền, điện, nước, ga, đỡ tốn thì giờ chạy xe trên xa lộ, dùng cơm ở nhà thương ngày ba bữa, khỏi phải dọn dẹp, hút bụi, lau nhà, mặc luôn quần áo scrubs của nhà thương, thay quần áo mỗi ngày vứt cho nhà thương giặt, nhất cử ba, bốn tiện.

Nhà thương General Hospital này khá cũ kỹ, xây dựng cả trên trăm năm để chữa bệnh cho tất cả mọi người không có bảo hiểm y tế. Chung quanh nhà thương này là trường đại học Y Khoa (Health Science Campus), bệnh viện Ung Thư Norris Hospital, bệnh viện Tâm thần, nhà thương Nhi Đồng và Sản Phụ Khoa, khu University Hospital, dành chữa bệnh cho những người có bảo hiểm PPO mà có lần ông Thống Đốc tiểu bang Arnold Schwarzenegger đã mổ tim tại đây, trường đào tạo Y tá và những dorm dành cho sinh viên và nội trú.

Nhà thương thì cũ kỹ nhưng cái dorm tôi ở khá mới, đèn đuốc sáng trưng cả ngày lẫn đêm , gồm 7-8 tầng lầu. Tôi ở tầng thứ ba, tầng này không hiểu vì sao có cả mấy chục căn phòng mà chỉ có ba đứa con gái nội trú của chúng tôi, gồm cô Shumei người Đài Loan cùng khoá với tôi, nhỏ Julia dưới tôi một năm và tôi. Phòng của tôi và Julia nằm sát với nhau và chúng tôi share với nhau bathroom, còn Shumei ở cuối dãy riêng biệt.

Tối hôm đó, một tối muà đông, sau một ngày làm việc bận rộn tại phòng cấp cứu với những ca Gun Shot Wound, bệnh nhân đầy máu me bê bết, những người lên cơn heart attacks, và những người bệnh homeless lên cơn suyễn khó thở nằm co quắp ngoài trời được cảnh sát mang đến bệnh viện, tôi mệt đừ, đi vội qua một cái hành lang dài lạnh lẽo, vắng lặng, với những ánh đèn vàng le lói, một lối tắt dưới hầm nhà thương để về dorm, chứ nếu đi đường bình thường thì xa lắm. Tôi chỉ muốn về phòng cho lẹ để còn ngủ vội. Những ai đã từng đi nội trú đều biết chúng tôi thiếu ngủ triền miên. Hành lang này dài ngoằn ngoèo với những ống to dài đen đủi trên trần nhà, có lẽ là những ống dẫn nước hay dẫn điện của nhà thương gì chăng"

Đang vội vã bước, bỗng thấy hình như có tiếng chân ai lặng lẽ đi sau lưng tôi, tôi hơi sợ, chẳng phải sợ ma quỷ gì cả, chỉ sợ ma sống mà thôi vì con đường hầm này nối nhà thương General Hospital với tất cả các building khác trong khuôn viên như nhà thương tâm thần, Health Science Campus, nhà thương Nhi Đồng... nên nếu ai vào được một trong những buildings này đều có thể đến các buildings khác, mà đây thuộc vùng East LA, một khu vực nghèo nào của thành phố, nơi có rất nhiều tội phạm xảy ra như trộm cắp, drugs, gangsters..., tuy nhiên ít có ai biết đến con đường hầm này trừ một vài người như tôi sống nơi đây rất lâu, từ khi là sinh viên của trường rồi tiếp tục đi nội trú ở đây luôn. Dù đang mệt và buồn ngủ, tôi rảo bước thật lẹ như chạy ù về cái dorm ở cuối đường hầm. Cuối cùng tôi cũng về đến trước cửa thang máy ở cái basement của dorm. Một phen hú vía, tôi thề chẳng bao giờ dùng con đường hầm này nữa.

Leo lên phòng, định ngả lưng ngủ một giấc để lấy sức mai đi làm tiếp nhưng giấc ngủ hôm nay sao khó đến quá, tôi chợt nhìn qua cửa sổ. Đối diện căn phòng của tôi là khu nhà thương cao 19 tầng, tự dưng đập vào mắt tôi là tầng lầu thứ 13. Tầng lầu này dành cho các bệnh nhân nặng chuyển từ các trại tù của County đến. Những bệnh nhân này cũng giống hệt như những bệnh nhân khác của nhà thương thí này chỉ trừ họ xâm mình nhiều hơn, dãy lầu của họ có cảnh sát cầm súng canh chừng cẩn mật, có quay camera và tất cả những ai muốn vào thăm, ngay cả nhân viên y tế, bác sĩ y tá chúng tôi đều phải trình I.D., đi qua máy dò xét xem có mang súng ống, vũ khí hay không rồi mới cho vào. Bỗng dưng tôi nghĩ đến ông Martinez, mới 40 tuổi mà ở tù đã 20 năm vì ghen tuông giết chết người vợ trẻ. Ông ta vui vẻ khoe với tôi cô con gái của ông vừa vào thăm, cô đang học college, cô sẽ có một tương lai xán lạn hơn cha mẹ. Tôi cũng cầu mong như thế.

Ông Martinez bệnh rất nặng, xơ gan, tràn dịch trong bụng và chảy máu bao tử biến chứng của viêm gan C, kết quả của những cuộc chích choác ma túy hồi còn trẻ. Đúng hôm tôi trực, ông Martinez ói ra từng bụm máu, tôi vội chuyển ông ấy vào khu ICU. Chúng tôi cố gắng hồi sức cấp cứu, truyền dịch, truyền máu nhưng tử thần đã mang ông bệnh nhân Mễ ấy đi trong khi đôi chân của ông còn bị xiềng vào giường bệnh. Tôi kéo tấm màn che cửa sổ lại, tắt đèn, cố dỗ giấc ngủ bằng cách đếm số 1,2, 3... Chẳng biết đếm tới đâu, tôi rơi vào giấc ngủ chập chờn.

Đang thiu thiu ngủ, tôi giật mình thức giấc vì tiếng động phòng bên cạnh. Ngái ngủ tôi bực mình rủa thầm cô Julia làm gì giữa đêm khuya như thế, mà thật lạ, vì làm hàng xóm của cô ấy khá lâu tôi biết tính của Julia nhẹ nhàng lắm, ăn nói đi đứng dịu dàng, khác hẳn những đứa bạn Mỹ trắng khác của tôi. Mà hình như Julia nói với tôi tháng này cô ấy on vacation, sẽ đi thăm cha mẹ ở một tiểu bang xa xôi nào đó. Tôi ngồi bật dậy, không lẽ ăn trộm vào phòng cô ấy, ai lại vô dorm ăn trộm làm gì, thường chúng tôi đâu có để đồ gì quý giá trong dorm. Vả lại làm bác sĩ nội trú lương bổng đâu có bao nhiêu, còn phải trả tiền nợ học y khoa, chẳng có mấy ai dư dả mua sắm vật dụng đắt tiền. Tiếng động phòng bên càng ngày càng lớn, giống như tiếng kim loại va chạm vào nhau, thỉnh thoảng tôi nghe có tiếng rên rỉ, đau đớn vang lên nhè nhẹ. Tôi bật tất cả mọi đèn trong phòng, gài then chốt cẩn thận cửa ra vào và cánh cửa thông vào bathroom chung với Julia.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để đi làm, tò mò nhìn qua phòng bên cạnh, cánh cửa phòng của Julia vẫn đóng im lặng như chẳng có gì xảy ra tối hôm qua, mà hình như cả cái dorm này vẫn thế, gặp vài người quen ở thang máy, họ vẫn cười nói, chào hỏi vui vẻ. Hay là tại tôi làm việc quá nên thần kinh căng thẳng. Hay là tôi quá thương cảm cho số phận của ông Martinez, cũng một kiếp người mà sao đến lúc chết mà đôi chân còn bị xiềng vào thành giường. Tôi không chắc là chính tai mình nghe tiếng động kỳ quái phát ra từ phòng cô Julia hay do mình nằm mơ mà nghe thấy.

Chiều hôm ấy đi làm về tôi không dùng con đường hầm nữa mà dùng con đường chính, phải mất gần hai chục phút nhưng lòng thấy thanh thản hơn nhiều. Vừa đi bộ tôi  vừa nhìn phố xá, ngắm những chiếc xe hơi chạy qua lại trên đường phố, những chiếc xe cứu thương bấm còi inh ỏi, và cả những nhân viên y tế trong áo choàng trắng hay bộ đồ scrubs của nhà thương. Đi bộ cũng là một cách giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng đấy chứ, đến bây giờ tôi mới nhận ra điều này cũng nhờ vào tính sợ hãi vu vơ.

Nhưng về đến dorm với dãy hành lang vắng lặng tự dưng tôi cảm thấy hơi sờ sợ. Tôi bật tất cả mọi đèn, bật TV để trong phòng có tiếng người cho không khí đỡ buồn tẻ dù tôi chẳng nghe gì cả vì tôi còn đọc sách báo y khoa có liên quan đến những căn bệnh tôi gặp ban sáng , rồi ngủ thiếp đi hồi nào không hay. Lại đến giữa đêm, tiếng gõ cửa phòng bathroom vang lên, lúc đầu nhè nhẹ, sau đó mạnh dần lên. Tôi choàng tỉnh, không thể là tôi đang nằm mơ được. Cái TV nằm trên tủ phiá chân giường đang chiếu show David Letterman kia mà. Sau đó không phải tiếng gõ cửa phòng tắm mà là tiếng gõ ngay cửa ra vào phòng tôi, xen lẫn với hai giọng nam, nữ cãi vã với nhau. Tôi lắng nghe xem họ nói gì nhưng chỉ là tiếng rì rào, không rõ. Một hồi sau, tiếng cãi vã, tiếng chân người nhỏ dần, tôi lấy hết can đảm, cầm con dao, dấu sau lưng, mở cửa phòng nhìn ra ngoài. Phiá cuối hàng lang là hai bóng đen nam nữ đang cãi lộn, tôi cố gắng nhìn rõ mặt họ, nhưng chỉ vô ích, dù dưới ánh đèn neon sáng trưng, tôi vẫn không nhìn được dung nhan của họ. Tôi vội đóng cửa lại, bật to cái TV và nằm nguyên bất động đến sáng.

Đêm cũng trôi qua, tôi thay quần áo rời phòng trong bơ phờ mệt mỏi, gặp ngay cô Shumei cũng vừa đi đến. Sau những câu hỏi thăm thông thường, tôi hỏi cô ấy:

- Shumei, did you notice any different last night"  ( Shumei ơi, có thấy cái gì khác lạ tối hôm qua không vậy")

- Hôm qua thì không, nhưng hai tuần trước tôi có thấy hai bóng đen cãi lộn nhau suốt đêm.

- Thật sao. Tôi mới gặp họ hôm qua.

- Vậy là ma rồi, T.D. ơi, mình phải dọn khỏi nơi đây ngay.

Cô Shumei rời khỏi dorm ngay ngày hôm đó. Nhà cha mẹ cô ở Alhambra, chỉ cách nhà thương 15 phút lái xe thôi. Còn tôi, thân một mình sống nơi đây, đơn thân độc mã, tối đến tôi nhét hơn chục con dao dưới tấm nệm với chục ngọn đèn sáng trưng, dù biết rằng dao kéo chẳng làm cho ma chết thêm lần thứ hai. Hai tuần sau tôi dọn vào một căn apartment đang trống, không so đo giá cả.

Sau kinh nghiệm này, tôi tin chắc rằng, song hành với thế giới chúng ta đang sống có một thế giới khác, lặng lẽ hơn, của những người đã chết.

Nhân mùa xuân trở lại, nhớ hai bóng ma cãi lộn nhau trong khu nội trú nhà thương cũ, tôi cầu cho họ sớm nguôi ngoai, và cầu nguyện cho mọi thế giới khác nhau đều hoà bình, an lạc.

Thuỳ Dương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến